HT. Thích Nhật Quang
Trưởng Ban Quản Trị Thiền phái Trúc Lâm, Trụ trì Thiền viện Thường Chiếu
Dẫn nhập
Phật giáo thiền tông đời Trần là giai đoạn phát triển rực rỡ của Phật giáo Việt Nam. Giữa thời Lý tuy cũng có những vị thiền sư đặc biệt nhưng qua thời Trần, Phật giáo vừa phát huy được tinh túy của thiền, đồng thời biểu thị rõ nét bản chất người hành thiền chân thật, đánh dấu bước ngoặc lớn cho trang sử thiền nước Việt. Đó là sức sống, là mạch nguồn Trúc Lâm tuôn chảy không ngừng, vượt thời gian không gian, thấm sâu vào lòng dân Việt cái hồn quốc Tổ, phưởng phất hơi hướm thiền gia.
Nói đến Phật giáo Việt Nam đời Trần là nói đến Giáo hội Trúc Lâm, với Điều Ngự Giác Hoàng, linh hồn của dòng thiền nước Việt hơn 700 năm về trước và mãi mãi về sau. Trần Nhân Tông, một ông vua Phật giác ngộ và trị quốc bằng ánh sáng của đạo giải thoát. Sự nghiệp đế vương của ngài để lại những nét son sáng chói trong lòng dân tộc, không gì có thể làm phai mờ. Thế nhưng trí tuệ và lòng bi mẫn của ngài mới đích thực là mạch sống vĩnh hằng, là dòng sinh mệnh muôn thuở của cả dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Cuộc đời, thân thế và sự nghiệp đế vương, lịch sử nước nhà đã dành cho ngài những trang ưu việt nhất về nhân cách, đạo đức, tư tưởng, tài năng lãnh đạo, thao lược quân sự, chính sách trị quốc an dân… Thật là Bắc đẩu trong Bắc đẩu vậy! Ở đây, thiết nghĩ không cần phải nói thêm về các lĩnh vực ấy.
1.Thiền tông Việt Nam trực chỉ, thi vị, tùy duyên.
Là một tăng sĩ đủ duyên hạnh ngộ dòng thiền Trúc Lâm, con cháu thiền tông nước Việt, chúng tôi chỉ xin được thay nhọc Hòa thượng Ân sư thượng Thanh hạ Từ, người có công khôi phục và chấn hưng dòng thiền Trúc Lâm sau 700 năm xa vắng, trình bày đôi nét về Tổ sư trong lĩnh vực thiền học và văn học thiền, nhân lễ húy kỵ lần thứ 710 của ngài.
Hòa thượng Trúc Lâm nói: “Phật giáo thiền tông Việt Nam có vị trí rất vững mạnh so với Phật giáo thiền tông của các nước bạn. Như thiền tông Ấn Độ mang tính trực chỉ, siêu lý giải. Thiền tông Trung Hoa trực chỉ, táo bạo. Thiền tông Nhật Bản trực chỉ, nghệ thuật và thông tục. Thiền tông Việt Nam trực chỉ, thi vị, tùy duyên”, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta cùng chiêm nghiệm lại những nét độc đáo ấy qua tư tưởng và tính cách Trần Nhân Tông.
Có vị tăng hỏi Sơ Tổ Trúc Lâm:
– Thế nào là gia phong của Hòa thượng?
Tổ đáp:
– Áo rách che mây, sáng ăn cháo,
Bình xưa tưới nguyệt, tối uống trà.
Đương thời là bậc nhân chủ lớn trong cuộc đời, được mọi người tôn quý kính trọng. Nhưng khi xuất gia ngài cương quyết từ bỏ tất cả vinh hoa phú quý, sống thanh bần nhàn nhã thong dong. Gia phong của thiền sư thật bình dị thoát tục, áo rách che mây, sáng ăn cháo. Thật ra, ăn cháo hay ăn cơm không quan trọng, áo rách áo lành cũng chẳng phải vấn đề gì. Cốt là bụng không đói, thân không lạnh, nhàn tịnh tu hành, lòng nhẹ như mây nổi.
Hình ảnh một bậc chân tu siêu xuất, tuy cũng thị hiện làm tất cả công việc nhưng thảnh thơi tự tại, không vướng mắc bất cứ việc gì trong trần thế. Tùy duyên thống khoái, an nhiên tiêu sái. Sống giữa đây với gia phong của người vô sự. Đã là thiền sư thì đời sống phải thế! Áo chằm áo vá, cơm đạm cháo thanh. Công việc chẳng qua cũng chỉ là tưới kiểng, uống trà. Thế nhưng ở đó, một cõi trăng vằng vặc toàn bày, trong sáng tròn đầy. Bình thường tâm thị đạo. Nếp sống của Tổ sư là thế. An nhàn thể tánh, tự tại thân tâm. Vậy thôi.
Đến bài kệ cuối trong áng văn nôm Cư Trần Lạc Đạo nổi tiếng của Tổ:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền,
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Chỉ bốn câu thơ hết sức giản dị mà thi vị, đã toát lên toàn bộ đạo lý cao thâm và yếu chỉ của dòng thiền Trúc Lâm. Mượn thi văn chỉ thẳng chỗ tột cùng không ngoài cuộc sống bình thường. Thiền sư không vướng mắc thời gian, không giới hạn không gian. Ngoài tâm không cảnh, ngoài cảnh không tâm, tâm cảnh nhất như, mà sự sự vô ngại pháp giới. Đến đây thì ba đặc tính trực chỉ, thi vị, tùy duyên đã được thể hiện một cách viên mãn nhất. Tùy duyên vui đạo, cho nên biết đạo chính là cuộc sống, không thể tìm đạo ngoài cuộc đời này. Đói ăn khát uống, không có cái khác xen tạp. Đơn giản vậy thôi. Ngay đó nhận lấy gia bảo nhà mình. Chỉ cần vô tâm trước tất cả cảnh, chớ nhọc hỏi thiền. Đó cũng chính là tư tưởng thiền và nét văn hóa đặc sắc thời Trần.
- Văn hóa thiền Trúc Lâm
Hai áng văn nôm trác tuyệt của ngài, Cư Trần Lạc Đạo Phú và Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, đã để lại cho nền thiền học Phật giáo Việt Nam nói riêng và nền văn học nước nhà nói chung một tư tưởng độc đáo, khoáng đạt, mang tinh thần nhập thế tích cực của đạo Phật đi vào đời, chuyển hóa nhân gian, xây dựng đạo tràng ngay trong lòng người và lòng cuộc sống. Chính tư tưởng này đã đưa Phật giáo đi đến chỗ thân dân và trở thành Quốc giáo, khiến cho đạo Phật phát triển cực kỳ hưng thịnh vào thời bấy giờ.
Kế đến là thể hiện nền văn hóa hoàn toàn độc lập, được diễn đạt qua ngôn ngữ thuần Việt. Đây có thể xem là cuộc cách mạng lớn trong nền văn học nước nhà, thể hiện sâu sắc bản lĩnh Việt Nam của đấng minh quân, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc. Ngoài hai tác phẩm trên, ngài còn rất nhiều thi phú, các tác phẩm thiền học như: Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng-già Toái Sự, Thạch Thất Mị Ngữ do Pháp Loa soạn lại lời của ngài.
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục đã khẳng định: “Ở ngài, văn chương biểu hiện tâm hồn hết sức trung thực, tự nhiên, không chút bó buộc, chỉ là theo đà cảm hứng hồn nhiên mà phát biểu. Cảm hứng càng thâm sâu thì phát biểu càng sáng tỏ”. Học giả Nguyễn Huệ Chi và Trần Thị Băng Thanh thì nói “Trần Nhân Tông là nhà vua, nhà thơ và là nhà thiền học. Thanh nhã, sâu sắc, thơ và thiền hòa quyện vào nhau. Một cây bút có phong cách và cũng là một đỉnh cao trong thi ca thịnh Trần”.
- Cương lĩnh thiền phái Trúc Lâm Việt Nam
Cuối cùng thì ngài vẫn là ngài, Thiền tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một nhà tu hành khổ hạnh, đạt đạo và mở ra cho dân tộc, Tăng Ni Phật tử Việt Nam một con đường thiền với cương lĩnh “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Mỗi người hãy tự quay về nhận lấy gia bảo nhà mình, chấm dứt cuộc tử sinh. Tổ sư đã thể hiện cung cách một con người, một cuộc đời và một sự nghiệp vô ngã vị tha. Hơn nữa trong tinh thần Trúc Lâm, biểu thị rõ nét một vận mệnh mà chính con người có thể chuyển hóa bằng tâm nguyện cương quyết và công đức tu hành. Đức vua thiền sư Trần Nhân Tông, thật đáng cho dân tộc và Tăng Ni Phật tử Việt Nam ngưỡng mộ, tự hào và noi gương học tập. Hòa thượng Trúc Lâm đã viết trong tác phẩm Hai quãng đời của Sơ Tổ Trúc Lâm thế này:
Trên núi Yên Tử, tổ sư đầu tiên là ngài Hiện Quang. Dưới ngài Hiện Quang có các vị: Thiền sư Đạo Viên, Thiền sư Đại Đăng, Sơ Tổ Trúc Lâm, Nhị Tổ Pháp Loa, Tam Tổ Huyền Quang… Đây là chư vị Tổ sư đầu tiên của Thiền phái trúc Lâm Yên Tử tại Việt Nam.
Đọc qua tiểu sử và những tư liệu ngài Trúc Lâm Đại Đầu-đà, chúng ta thấy Ngài là một thiền sư rất đáng cho muôn đời sau tôn sùng, đồng thời cũng đáng cho chúng ta hãnh diện. Tại sao? Vì một con người vương giả đã bỏ tất cả công danh phú quý để vào tu chốn rừng sâu. Tất cả danh vọng sang quý của thế gian, Ngài thấy không quan trọng, nó như trò chơi, như ảo mộng, chỉ có đạo giác ngộ là trên hết. Vì thế Ngài từ bỏ tất cả để đi tìm sự giác ngộ. Một ông vua làm được việc đó là niềm hãnh diện cho dân tộc nói chung, cho người học Phật nói riêng, vì có một vị Tổ xứng đáng như vậy.
Điểm qua ba đặc tính mà Hòa thượng Trúc Lâm đã nhận định về thiền tông Việt Nam, con người cũng như cuộc đời tu hành của Sơ Tổ Trúc Lâm, chúng ta rút ra được những bài học sâu sắc.
– Tư tưởng thiền Trúc Lâm là tư tưởng nhập thế. Sống trong dòng đời mà muốn vui với đạo thì phải khéo tùy duyên. Đói ăn mệt ngủ trong nhà thiền không phải chuyện tầm thường, mà là sức mạnh phi thường của người làm chủ được mình.
– Phải ngay nơi mình mà nhận lấy gia bảo, đừng dong ruổi tha hương, nhọc sức phí công vô ích.
– Căn trần xúc đối bất động tự nhiên là thiền rồi. Muốn thế hành giả phải thực sống với công phu, không thể nói suông.
– Thi kệ thiền gia không trau chuốt mỹ từ sáo rỗng. Ở đó là cuộc sống chân thật, hồn nhiên, vô tư của thiền sư, khẳng định cái vô giá của sự thân chứng đạo nhiệm mầu, và hạnh nguyện vào đời đánh thức giấc trường mộng nhân sinh. Diệu dụng của một bản tâm thanh tịnh là như thế. Trái tim của bậc giác ngộ đạo giải thoát là như thế.
Kết luận
Chúng ta ngày nay đầy đủ phước duyên được thừa hưởng gia sản quý báu của tổ tiên, không lý do gì không bảo lưu, giữ gìn và phát huy dòng thiền nước Việt, càng không thể trở thành tội đồ muôn thuở của Tổ tông, xuôi tay thờ ơ trước sự thịnh suy của nguồn mạch Trúc Lâm. Thế hệ con cháu phải đứng lên gầy dựng lại những gì đã phai mờ theo năm tháng, làm nên một sức sống thiền hiện sinh và chắc thực, bằng chính công phu và nội tại thâm hậu của chính mình.
Xin thành kính lặp lại nguyện vọng của Hòa thượng Trúc Lâm thay cho lời kết thúc bài viết:
Thiền tông Việt Nam đã bị băng giá ngót hai thế kỷ, nay chúng tôi cố gắng nhen nhúm lại, ngọn lửa giác ngộ vừa mới cháy le lói yếu ớt, chỉ cần một làn gió nhẹ thổi qua cũng đủ tắt ngụm… Chủ trương của tôi là làm sống dậy Phật giáo đời Trần. Tại sao? Vì Phật giáo đời Trần nói lên được tinh thần cao siêu của đạo Phật, vượt ngoài tất cả cái tầm thường của thế gian.
Chúng tôi hy vọng những vị có mặt hôm nay và những người vắng mặt sẽ là tri kỷ của chúng tôi, hoặc những vị có nhận định chín chắn, phân biệt rõ chánh tà, cùng góp sức làm việc hộ pháp “tồi tà phụ chánh”. Quý vị sẽ là những tấm mành chắn gió, che chở bảo bọc cho ngọn lửa thiền tông giác ngộ yếu ớt này dần dần được sáng tỏ.
Rất mong tấm lòng của Hòa thượng cũng chính là những lời gởi gắm chân tình của chúng tôi đến các pháp lữ hữu duyên, được đón nhận và chia sẻ chân thành.