PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn
Viện Văn học, Viện Hàn Lâm KHXHVN
- Một cách khái quát, các nhà lí luận xác định: “DU KÝ- Một thể loại văn học thuộc loại hình ký mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân người đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại những xứ sở xa lạ hay những nơi ít người có dịp đi đến. Hình thức của du ký rất đa dạng, có thể là ghi chép, ký sự, nhật ký, thư tín, hồi tưởng, miễn là mang lại những thông tin, tri thức và cảm xúc mới lạ về phong cảnh, phong tục, dân tình của xứ sở ít người biết đến […]. Thể loại du ký có vai trò quan trọng đối với văn học thế kỷ XVIII-XIX trong việc mở rộng tầm nhìn và tưởng tượng của nhà văn. Sang thế kỷ XX, du ký mang nhiều tính chất tư liệu khoa học do các nhà địa chất, nhà dân tộc học viết. Loại du ký khoa học cũng rất thịnh hành”[2]…
Khi nói đến “thể tài du ký” cần được hiểu nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật nơi người viết, chứ không phải ở phía thể loại vốn hội nhập trong ký. Thu hút vào địa hạt du ký có các sáng tác bằng thơ, phú, tụng và các bài văn xuôi theo phong cách ký, ký sự, phóng sự, ghi chép, khảo cứu, hồi ức về các chuyến đi, các điểm du lịch, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, sinh thái, kiến trúc, mỹ thuật; thậm chí có thể liên quan tới nhiều phương diện của xã hội học, văn hoá học, khảo cổ học, dân tộc học, tôn giáo học và văn hoá – văn nghệ dân gian khác nữa… Do đó đã xuất hiện thực tế có tác phẩm nằm ở trung tâm thể tài du ký và nhiều trang viết khác lại nằm ở đường biên hoặc hỗn hợp, pha tạp với những sắc độ đậm nhạt khác nhau, cả về đối tượng, phạm vi đề tài, nội dung hiện thực lẫn phong cách thể loại. Vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX có nhiều tác phẩm du ký viết về các ngôi chùa, lễ hội và vùng văn hóa Phật giáo nổi tiếng như Hương Sơn hành trình (1914, Nguyễn Văn Vĩnh), Trảy chùa Hương (1919, Phạm Quỳnh), Chùa Hương Tích (1923, Kim Oanh Nguyễn Háo Đàng), Đế Thiên du ngoạn (1927, Toàn Chi), Cuộc du lịch núi Trà Cú (1933, Xuyên Sơn Nguyễn Ngọc Nhung), Lịch sử chùa Sơn Thủy – Ninh Bình (1936, Đinh Gia Thuyết), Cổ tích của người Việt Nam ở Huế: chùa Thiên Mỗ (1936, Trần Văn Giáp), Mấy ngày đi Huế (1936, Trí Hải), Đạo Phật ở đất Mường (1939, Đại Mãng – Quách Điêu), Chùa Tu Tiên ở Thanh Hóa – Cảnh đáng xem, người đáng trọng (1939, Hoàng Phùng Thiếu Nguyên Thị), Văn thơ, sự tích và sức hấp dẫn của Hương Tích: động Lourdes của Việt Nam (1940, H.K. Tráng), Sự tích chùa Bút Tháp (1941, Đỗ Đình Nghiêm), Thăm chùa Bà Đanh (1942, Vân Thạch), Hai tháng ở gò Óc Eo hay là câu chuyện đi đào vàng (1944, Biệt Lam Trần Huy Bá),v.v… Tìm hiểu riêng về vùng văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử gắn với đặc điểm tư tưởng, văn hóa đệ nhất tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà Trần Nhân Tông (1258-1308) qua các nguồn sách báo nửa đầu thế kỷ XX có thể thấy đã được phản ánh sắc nét qua các tác phẩm của KiÕm Hå NguyÔn ThÕ H÷u, Vũ Ngọc Lâm và xa gần có thể liên hệ với thiên phóng sự của Nguyễn Tuân (1910-1987)…
- Đương nhiên các tác phẩm du ký giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX không phải là những công trình khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu, trực diện về giá trị tư tưởng, văn hóa của đệ nhất tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông nhưng việc nhận thức về chuyến du hành, cách cảm nhận về vùng non thiêng Yên Tử, những dẫn nhập về lịch sử và hành trạng Trúc Lâm, những diễn ngôn bình luận trữ tình ngoại đề về vị thế Trúc Lâm Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lại thực sự có ý nghĩa, kể cả trên phương diện nhận thức của con người đầu thế kỷ XX cũng như cách thức phản ánh vấn đề tư tưởng, văn hóa Phật giáo thông qua thể tài văn học du ký[3]…
Trước hết, qua sách Đại Việt sử ký toàn thư có thể thấy được mối liển hệ và những dấu ấn đậm nét về mối quan hệ giữa Trần Nhân Tông với Phật giáo, đặc biệt với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, kể từ khi ngài lui về làm Thượng hoàng:
“… Kỷ Hợi, [Hưng Long] năm thứ 7 [1299],…
… Tháng 8, Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh.
Quý Mão, [Hưng Long] năm thứ 1 [1303],… Mùa xuân, tháng giêng, ngày 15, thượng hoàng ở phủ Thiên Trường [17b], mở hội Vô lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí.
… Bính Ngọ, [Hưng Long] năm thứ 14 [1306],… Mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân.
Đinh Mùi, [Hưng Long] năm thứ 15 [1307],… Mùa xuân, tháng giêng, đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hoá. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó.
Trước đấy chúa Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu đó làm lễ vật dẫn cưới, nhưng người các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo. Vua sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý [của nhà vua] chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về…
… Mậu Thân, [Hưng Long] năm thứ 16 [1308],…
… Mùa thu, tháng 11, ngày mồng 1, mặt trời có hai quầng.
Ngày mồng 3, Thượng hoàng băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử”[4]…
Ở đây có thể thấy được những suy tư, quan niệm, phương châm, định hướng, cách ứng xử, hành động, mục đích của Trần Nhân Tông đều khế hợp với mẫu hình một tăng lữ, một nhà Phật học, một vị lãnh đạo cao nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Mặt khác, cũng cần phải khách quan thừa nhận rằng Trần Nhân Tông là người mở đầu Thiền phái Trúc Lâm nhưng luôn là bậc tu hành “hòa quang đồng trần”, luôn gắn bó thiên chức hoằng dương Phật giáo với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước. Ngài coi trọng sự nghiệp tu hành, trải nghiệm cả từ lối tu khổ hạnh, tu núi (Pháp hiệu của Trần Nhân Tông có chữ Đầu Đà – Khổ hạnh: Hương Vân Đại Đầu Đà, Trúc Lâm Đại Đầu Đà), vừa lo Phật sự, hoằng dương Phật pháp, lập thuyết, tuyên truyền giáo lý, mở mang nhận thức (mở hội Vô lượng pháp, giảng kinh Giới thí) vừa thực thi những việc lợi lạc quần sinh, gắn với lợi ích thường ngày, cụ thể, thiết thực với tầng lớp nghèo khổ (bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước), đồng thời vẫn chăm lo đến công việc nội trị, ngoại giao, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển đất nước (ổn định chính sự, thu nạp hai châu Ô, Lý, có sách lược khoan sức dân miền biên viễn)[5]…
Đến đây chúng tôi tập trung giới thiệu những trang du ký hấp dẫn, sinh động của Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu trong chuyến du ngoạn vào năm 1920 qua bài Hành trình chơi núi An Tử, cách nay đã gần trọn một thế kỷ… Ngay từ dòng đầu tiên, Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu nhắc lại câu ca nhấn mạnh vị thế miền đất thiêng:
Nào ai quyết chí tu hành,
Có về An Tử mới đành lòng ta[6].
Trong phần mở đầu, tác giả tóm lược thời gian sáu ngày chơi núi Yên Tử (đương thời viết An Tử), trong đó có hai ngày đi và về đều phải trọ nghỉ qua đêm ngay dưới chân Yên Tử, từ đó cho thấy sự công phu của chuyến du ngoạn.
Phần tiếp theo, dưới đề mục Sáu ngày ở núi An Tử, tác giả bộc lộ cảm xúc hân hoan của mình trong chuyến du lãm:
“Nhân về giêng hai, ngày rộng tháng dài, tôi được đi chơi An Tử, trước là chiêm ngưỡng Phật Tổ, sau là đi xem phong cảnh.
Cho hay đâu cũng non xanh nước biếc, nhưng mà mỗi cảnh một khác. Như nước ta chốn Hương Sơn là nơi tịnh mịch u thâm; Sài Sơn là nơi bán thành thị bán lâm tuyền; mà cảnh An Tử sơn này là nơi Bồng lai tiên cảnh và là chốn cực lạc Phật độ.
Đã bốn năm nay đã ước ao đi An Tử, mà bây giờ chân được đi đến, mắt được trông thấy, thật là phỉ lòng mơ tưởng… Tôi được đi đến nơi, về đến chốn, trăng gió một bầu, cỏ hoa trăm thức đã thu vào trong khoé mắt, tưởng cũng nên cầm bút viết ra để góp một phần gọi là cái quà đi An Tử về để biếu những người có lòng ước ao mà chưa rảnh đi được và những người ngại ngùng đường sá xa xôi không dám đi đến”…
Thế mới biết cách ngày nay chừng một thế kỷ, các cụ đi chơi Yên Tử phải mất 6 ngày ròng rã. Bây giờ thì sáng đi chiều về thảnh thơi. Mà ngẫm nghĩ mãi cũng chẳng hiểu ngọn nguồn địa danh Bí là gì, Bính là gì, với những bến Bí, chùa Bí Thượng, rồi đò Bính, bến Bính, và rồi địa danh Uông Bí (nay có thành phố Uông Bí).
Cùng với việc mô tả cuộc du ngoạn qua các chùa Lân Giải, Hoa Yên, Vân Tiêu, Bảo Sát, Một Mái, Thiền Định, Cầm Thực, Tháp Mẫu…, tác giả phác họa khung cảnh chùa Đồng trên đỉnh non cao, giữa bốn bề mây gió: “Lên đến chùa Đồng thì 9 giờ 35, là đỉnh núi An Tử, chỗ giữa vuông ước bằng bốn chiếc chiếu, xây lên cái bệ, chung quanh đá mọc chơm chởm, trên thờ pho tượng đức Quan âm và ba pho tượng đức Trúc Lâm mà thờ lộ thiên. Tôi hỏi ra trước cổ nhân có làm ngọn chùa bằng đồng, che mấy pho tượng, nhưng đã hư nát mất cả, duy mấy cái lỗ đá trước xây chân cột vào là còn dấu tích, bởi thế nên gọi là chùa Đồng. Về sau đây bà Bá Lồng lại đem cúng bình hương mâm bồng bằng đồng, một quả chuông, một cái khánh và cái khung chùa bằng sắt lợp đồng to bằng ba cái đình tháng tám trẻ con chơi. Nhưng mà gió trên này dữ lắm, cái chùa bay mất cả mái, bây giờ mới khiêng sang để bên cạnh. Xem như đến đồ thờ bằng đá sức to như thế mà cũng rơi vỡ cả. Cái khung chùa bây giờ để treo chuông khánh, vẫn tương truyền rằng lên đến đây không được nói to, nhất là không được đánh chuông, hễ ai đánh một tiếng chuông thì u ám cả trời lại, đổ cơn mưa xuống”…
Đồng thời với việc tả quang cảnh sinh thái rừng núi, khe suối, dốc đá, tượng thờ, câu đối, chuyện ăn măng nướng và mua gừng gió, tác giả thốt lên bàng hoàng: “Ờ hay, lúc nãy trèo lên còn trông thấy nóc chùa, bây giờ trông trở xuống thì một trời một mình ta, mù mịt chẳng nhận được lối đi, rồi nghe rào rào như gió cuốn mây chạy, ngẩng trông lên ngọn cây thấy lá im phăng phắc, sau tôi nhận ra mới biết là mình đứng trên mây, đương mưa ở dưới lưng chừng núi”; hoặc có khi thanh thản đi tìm loài trúc hoa: “Cả buổi chiều hôm ấy nghỉ lại chơi ở chùa Vân Tiêu, tôi bảo chú tiểu đưa tôi vào rừng trúc hoa để kiếm mấy cái gậy, cũng cứ theo lối lên chùa Đồng đi độ một quãng rẽ vào, chỉ riêng một khu này có trúc hoa mà thôi, còn trúc xanh có kể hàng rừng, đến nơi tôi thấy chú tiểu cúi xuống bẻ măng mà tuỳ từng cái mới lấy. Tôi hỏi ra mới biết cái nào tía mới là trúc hoa, cái nào trắng ấy là trúc xanh, ăn cũng được nhưng mà đắng. Tôi xem chọn được cái gậy cũng khó lắm là vì già quá thì ít hoa, non quá thì óp, phần nhiều cong chứ thẳng thì hiếm. Lấy được mấy cái gậy đem về trông thì mốc meo chứ không nhẵn nhụi như trúc xanh kia, rồi thấy chú tiểu đem vào bếp cời than ra, hơ qua, lấy tro nóng bọc vào cái giẻ, rỏ ít nước mà tuốt, những chỗ mốc sạch là nổi hoa lên, xem ý đánh mạnh thì hoa hết cả”…
Qua bài du ký Hành trình chơi núi An Tử có thể vẽ lại được con đường du hành của người xưa. Đó đây là những dấu tích đền miếu gắn với truyền thuyết và lịch sử một thuở một thời, chẳng hạn miếu ở Suối Tắm – Cửa Ngăn: “Rảo chân đi tới nơi, đấy là Suối Tắm, một tên nữa là Cửa Ngăn. Trên có miếu thờ, trước miếu có cây to, dưới gốc cây có bát bình hương sành vỡ, ngẩng lên trên miếu không có câu đối hay hoành biển chi cả, chỉ thấy một hàng chữ khắc vào cái xà trước miếu bôi mực đè lên rằng: “An Tử sơn Linh Nham từ lăng kính”. Tôi ngẩn cả người ra không hiểu đây thờ vị gì, bụng bảo dạ rằng cứ mấy chữ này đoán ra không có lẽ lại thờ ông sư chùa Linh Nham. Sau tôi hỏi mấy người đi núi cùng ngồi nghỉ ở đấy thì mới biết là đây thờ bà Nguyệt Nga công chúa là em gái ông Quận Hẻo Nguyễn Hữu Cầu mà cái miếu này là của ông sư chùa Linh Nham làm”…; hoặc những lối kiến trúc, điêu khắc, trang trí đồ thờ, tượng thờ, bài vị ở chùa Linh Nham – Cầm Thực: “Nghỉ ngơi cơm nước xong rồi dạo xem cảnh chùa. Tính tôi hay thóc mách nên vào lễ chùa nào hay đình miếu nào cũng muốn cho biết đấy thờ vị gì, ông tượng nào có điển tích gì, mà hỏi chùa này thì cũng thờ đủ như chùa Bí, nhưng nhiều tượng pháp hơn, duy khác chỗ bàn thờ mẫu riêng sang một gian trái, bày biện ra trang hoàng lắm, có cả chỗ ngồi đồng, đủ gương, lược, đồ ngự, đàn địch, cung văn”…; hoặc cảnh chùa Long Động – chùa Lân: “Chùa đây là Long Động, bên cạnh chùa có hòn núi hình như con lân, nhân thế gọi nôm là chùa Lân. Chùa làm bằng gỗ, tượng pháp nguy nga, đây có thờ ba tượng Trúc Lâm tam tổ (…). Tôi đương ngồi nghe chuyện, trông ra đàng sau chùa thấy còn một ngọn tháp to lắm mà xây bằng đá, có tượng đá ngồi trong, bèn chạy ra xem, trông có năm chữ rằng: “Sắc kiến tịch quang tháp”. Sau tháp có cái bia xây liền vào, hỏi ra là tháp đức tổ đệ nhất chùa này. Tuy rằng lâu năm chữ bia có nhòa, tôi đã có ý lấy tay xoa vào từng nét, xoa đến thì đá mủn ra, tuy thế cũng còn xem được, có mất độ vài ba chục chữ trở lại thôi. Tôi dịch bài văn ấy đại ý rằng: Đây là tháp đức Tuệ Đăng Hòa thượng Chính giác chân nguyên thiền sư (…)”; hoặc cảnh chùa Bảo Sát: “Cảnh chùa này vắt vẻo trên sườn núi, chùa gỗ lợp bằng tôn, tượng pháp cũng uy nghi. Dàng sau chùa, sườn núi có cái hộc, đem xây bệ lên để chỗ thờ riêng tam tổ Trúc Lâm. Trong cung cao ráo, những mà chỗ lễ khí thấp, vì sát vào tảng đá rủ xuống, đàn ông ta vào lễ thì phải cúi, trước cửa thì giọt nước tự trên cao thánh thót chảy cả ngày”, v.v…
Bài du ký thực sự hàm chứa nhiều tư liệu văn hóa vật thể và cả phi vật thể. Nói riêng về đặc điểm hỗn dung thể loại và tàng trữ giá trị thi ca thì bài du ký Hành trình chơi núi An Tử đã có chứa đôi câu ca dao cổ, hai câu thơ lục bát của Từ Ô Trần Văn Thăng, hai câu thơ lẩy Kiều, một bài tứ tuyệt tức sự của Thế Trung (người đi cùng đoàn, em tác giả Nguyễn Thế Hữu), một bài tứ tuyệt đề vịnh suối Giải Oan, một bài vịnh cảnh chùa Vân Tiêu, một bài vịnh chùa Bảo Sát đều của chính tác giả; rồi một bài thơ phiên âm chữ Hán của Nguyễn Trãi, một bài thơ Nôm Đường luật của đức Giác Hoàng, một bài thơ chữ Hán và hai bài thơ Nôm của sư ông trụ trì chùa Hoa Yên, lại thêm mấy câu thơ, câu đối lẻ của những người trong đoàn. Đơn cử bài thơ tứ tuyệt vịnh cảnh chùa Vân Tiêu của tác giả Nguyễn Thế Hữu: Trông lên vẫn tưởng bò chân núi,/ Ngảnh lại thành ra đứng trốc mây./ Rừng trúc hoa đào riêng cảnh Phật,/ Bảy mươi hai động nhất là đây…
Đọc Hành trình chơi núi An Tử còn có thể khai thác trở lại vấn đề địa danh, truy nguyên tên gọi, xác định hệ thống truyền thuyết liên quan đến con đường tu hành của Trần Nhân Tông và diên cách qua các đời: “Ngọn suối này là nơi khi đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tôn vào An Tử tu, qua đây ngài tắm, nên gọi là suối Tắm; còn miếu thờ bà Nguyệt Nga để giữ cửa rừng nên gọi là Cửa Ngăn […]. Một ngọn chùa cao bốn bề thông mọc, đi tới chân núi, trèo lên cái dốc mới đến cổng chùa, đây là chùa Linh Nham 靈 岩 寺, giở đồng hồ xem vừa đúng 5 giờ rưỡi chiều, chùa Cầm Thực cũng là đây. Truyền rằng đức Giác Hoàng vào đến đây chỉ uống nước suối trừ cơm nên gọi là Cầm Thực”; “Qua chỗ này rồi thì lừ lừ quả núi Voi xô chạy đến chắn ngang trước mặt, dưới chân núi có cái bãi. Tục truyền đây ngày xưa vua Trần Anh Tôn vào An Tử vấn an đức Giác Hoàng, kiệu đi đến đây thì đỗ; trèo lên cái dốc chỗ này, lại đến một cái suối nữa, qua bãi Đót, tới quãng rừng rộng mênh mông mà hơi chênh chếch có 30 dốc, thông mọc rườm rà, đấy là Xếp Ngoài, rồi lại đi đến cái suối kia, nước xanh rì rì như là một cái ao tù vậy, tục gọi là suối Rêu”; “Chốc đã đến tháp tổ, vừa 2 giờ chiều, đây là Huệ Quang Kim Tháp 惠 光 金 塔, là tháp đức Giác Hoàng, xây tường bốn bên, trước sau có hai cửa tò vò, trong tháp có pho tượng đá, ngoài xây một cây hương, còn tháp lớn nhỏ 45 ngọn vừa các sư cùng tôn thân hoàng hậu cung phi nhà Trần tu ở đây ngày xưa xây bọc chung quanh. Chui qua cửa sau sân tháp tổ đến cái sân lát bằng gạch Bát Tràng đỏ mà viên gạch trông rất lạ lùng. Tôi đi từ ngoài vào, thiếu gì thiên tạo, địa thiết, nhân công, duy có cái sân này viên gạch tựa hồ như ta đem chạm trổ vào, mà từ đời nhà Trần đến nay hơn 700 năm không viên nào sứt. Vào đến đây bước thẳng lên là chùa Hoa Yên 華 烟, tục gọi là chùa Cả, hay chùa Yên Tử cũng là đây”…
Với ý thức con người đầu thế kỷ XX, Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu nhận xét cảnh chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử và lên tiếng phê phán những sự mê tín, dị đoan: “Lại còn lên đây ai cũng xin nước thải, trên này nào có ai ở giữ đèn hương mà có nước, sương tuyết móc mưa rơi xuống, nội là bình hương hốc đá đầy tràn, đều gọi là cam lộ. Dẫu Phật không giáng vào giọt nước, đến như nước con suối kia còn uống được, huống chi trên cao có gì là bụi bặm mà độc, nhưng mà bát bình hương bằng đồng tưởng không nên uống… Nhân hôm tôi lên cũng có một bọn các già ở nơi thôn quê dắt con cháu vào lễ đông lắm, trên chùa đã sẵn có cái thìa, lớn bé tranh nhau uống, tôi xem ý cứ lấy nước bát bình hương ấy mới cho là nước thải, tôi chỉ sợ có rỉ đồng, uống phải có làm sao, lại đổ cho Phật”… Khi khác, đến suối Giải Oan, tác giả cùng các bậc thức giả trong đoàn thể hiện rõ tinh thần bảo vệ môi trường và “tương kế tựu kế” nương tựa theo chính niềm tin tôn giáo của chúng sinh để ngăn việc đổ rác: “Ngọn suối này chảy tự trên đỉnh núi An Tử xuống qua đây, chảy ra 28 suối ngoài kia cho đến máy nước Hải Phòng. Hai anh em tôi đứng xem một lúc, thấy ngọn nước rất trong sạch, mà chảy qua một cái hố rác rồi xuống dưới lạch, mới bảo nhau rằng đây là ngọn nước chảy đi các nơi, biết bao nhiêu con người ăn, mà thế này thì bẩn lắm, chúng ta lấy đá lấp cái hố rác kia đi, khai ngọn nước chảy sang bên này có lẽ sạch mà vệ sinh hơn, làm được cái cống thấy nước chảy mạnh lấy làm thích lắm. Một lát phụ thân tôi cũng ra đấy hỏi các con làm gì vậy? Chúng tôi kể đầu đuôi là thế. Phụ thân tôi đứng ngẫm nghĩ một hồi nói rằng các con làm thế này chỉ trừ được cái rác bẩn mà thôi, ngộ còn người khác quăng bậy rửa bạ thì giữ sao cho xiết được; bất nhược nhân bên cạnh suối có cái hốc kia, các con nhặt sạch cỏ đi lập cái miếu thờ, như thế là dụng thuật mà giữ được vệ sinh lâu dài. Nói xong phụ thân tôi tìm được một hòn đá hình giống người, để vào giữa, chung quanh xếp đá thành bệ, đặt là “Vân Khê Thần Nữ” 雲 溪 神 女 và có dặn rằng chúng tôi lập miếu lên đây, vị nào y ỷ chỗ này nên trông nom ngọn suối này cho sạch sẽ”…
Đến đoạn kết, Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu thêm một lần xác nhận ý nghĩa câu ca dao nói về tầm quan trọng của vùng đất Phật Yên Tử gắn với cuộc đời và tư tưởng Trúc Lâm Trần Nhân Tông: “Đã hay rằng bức tranh sơn thủy để chơi chung, ai đi cũng đến nơi, nhưng cái thú thanh tao chỉ để dành riêng cho người phong nhã: Nào ai quyết chí tu hành,/ Có về An Tử mới đành lòng tu. Cổ nhân đặt câu này là có ý muốn cho mọi người cũng nên về An Tử để biết rằng “Bụt chùa nhà cũng thiêng”; tôi tưởng cổ nhân đặt câu này như vậy dễ khiến cho mấy người hạ sĩ phải mơ hồ. Đã đi An Tử phải biết sự tích làm sao, non xanh nước biếc phải nhận cho rõ cái chân hình ở trong, có hiểu được thì mới gọi là đành lòng tu chứ. Nào có phải cứ đi đến nơi về đến chốn mà thành được ông Phật đâu! Tôi tưởng 10 cảnh chùa trong 6 ngày của tôi cũng còn chưa đủ vậy, huống hồ có người đi về chỉ có 4 ngày mà thôi. Vì tôi thấy phần nhiều người có lòng ước ao, mà chỉ ngại đường sá trèo đèo, cho nên tôi đi về có chép thành tập này, ghi thực những sự mắt tôi đã được trông thấy, tai tôi đã được nghe. Bà con ta, ai có lòng mộ Phật mà lại quá yêu đến tôi, tập sách này tưởng cũng góp được một vài phần trong nghìn vạn, nghĩa là cứ sự thực là tôi chép, không có gì là văn chương mà dám khoe khoang ngòi bút”…
Đọc du ký Hành trình chơi núi An Tử của Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu có thể thấy được dấu ấn Phật hoàng Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm gắn với non thiêng Yên Tử đã hội hợp trở thành biểu tượng của đời sống tâm linh Phật giáo cũng như vẻ đẹp kỳ thú của non sông đất nước[7]… Xin nói thêm, từ du ký trên còn có thể liên hệ, so sánh và đối sánh vùng văn hóa Phật giáo Đông Yên Tử – Quảng Ninh với vùng Tây Yên Tử – Bắc Giang đặt trong tổng thể cảnh quan quần thể di tích – danh thắng Yên Tử[8]…
Tiếp đến du ký Hành trình đi núi Yên Tử của Vũ Ngọc Lâm (người Kiến An, Hải Phòng) với ba ngày hai đêm. Tác giả lược kể lại cung đường đã qua và đặc tả cảnh chùa: “Lễ Phật xong, chúng tôi ra đi. Chúng tôi rẽ tay trái theo đường lên chùa Vân Tiêu, chờ không đi lối tay phải là đường qua chùa Một Mái, rồi cũng đi tới chùa Bảo Sát và Vân Tiêu. Đoạn này nhiều dốc, đá lởm chởm, mấp mô, phải vừa chống gậy, vừa vịn đá, hoặc bám lấy cây để chèo cho vững. Chưng hai giờ đến chùa Vân Tiêu. Chùa làm bằng gỗ lợp ngói. Ở đây có sư ni trụ trì, tiếp chúng tôi vui vẻ lắm. Lễ xong, nghỉ một lúc rồi chúng tôi sang chùa Bảo Sát. Chừng 10 phút thì tới nơi. Sau chùa Bảo Sát là quả núi khá cao, đứng thẳng như một bức thành to”[9]… Qua cách dẫn giải của tác giả có thể cảm nhận được phần nào cách thức tu hành của người xưa giữa đỉnh non cao: “Ở trên này có chùa gọi là chùa Đồng, bề dài chừng thước rưỡi tây, bề ngang hơn một thước và cao chừng hai thước. Phía trên có thờ tượng Phật, ở dưới thờ Trúc Lâm Tam Tổ. Chùa này ngày xưa bằng đồng, gọi là Thiên Trúc. Thủa trước đức Giác Hoàng hàng ngày lên đây ngồi thiền định. Chung quanh đó có những tảng đá to và thấp đứng dựng như như những bức bình phong hoặc soai soải hình bao lơn. Nghe nói mái chùa trước bằng đồng, bị gió thổi bay mất đã lâu. Chùa bây giờ mới xây lại, toàn bằng xi măng. Chung quanh chỗ chúng tôi đứng đều có mây bao bọc, trắng xóa một màu. Chúng tôi trông ra ngoài mù mịt, không thấy gì cả. Gió thổi ào ào mát mẻ, chúng tôi thấy khoan khoái, nhẹ nhàng, bâng khuâng hình như mình lạc vào một cái thế giới khác. Một lúc sau, thấy hửng nắng và mây đã quang, chúng tôi vội vàng thắp hương, đốt nến rồi làm lễ trước Phật đài. Trong khi tâm tâm niệm niệm, ngưỡng trông lên trời rộng bao la, lửa hương nghi ngút, tự nhiên trong lòng thấy bình tĩnh, thư thái lạ thường, tưởng chừng như mình đã thoát ra ngoài cõi tục”…
Đến đoạn cuối, Vũ Ngọc Lâm vừa bộc lộ suy tư của mình trước các vị sư Tổ một thời vừa quan sát về thực trạng công cuộc hành hương về đất Phật Yên Tử: “Tôi vừa đi vừa đăm đăm suy nghĩ lại càng tưởng niệm đến cái đời thanh cao của các Tổ ngày trước đã đã bỏ nơi lầu vàng, gác tía, không tưởng gì đến sự vinh hoa, phú quý, quyết chí lên tới đây tu đạo, để tìm đường giải thoát và tỏ cho người đời biết tôn chỉ đạo Phật là phương thuốc thần diệu có thể cứu vớt chúng sinh ra khỏi bến mê bể thảm”, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa thanh lọc tâm linh sau những ngày chiêm bái cõi Phật và ước nguyện về công cuộc hoằng dương Phật giáo: “Chúng tôi có ý xem xét thì khách thập phương đi vãn núi Yên Tử rất ít, cũng là tại đường lối hiểm trở và đi mất nhiều thì giờ. Cho nên hàng năm chỉ có chừng 200, hoặc nhiều lắm, 300 người tới đó mà thôi. Núi Yên Tử là chốn tổ Trúc Lâm đời Trần đã làm cho đạo Phật ở xứ ta thủa trước được hưng thịnh, lại vừa có phong cảnh đẹp, thực đáng kể là một nơi danh thắng, thế mà người nay đến nơi chiêm yết ít ỏi quá, thực đáng tiếc thay… Ta đi được đến nơi thì cái lòng tín ngưỡng của ta lại càng phấn khởi. Lòng tín ngưỡng đã phấn khởi thì ta càng năng để tâm suy nghĩ cho hiểu thấu những lý tưởng cao siêu, hoàn mỹ của đức Thế Tôn. Tinh thần ta vì thế lại thêm sáng suốt và tự nhiên ta chỉ xu hướng về điều hay lẽ phải mà lánh xa những sự càn rỡ, nhỏ nhen, ti tiện. Như vậy chẳng là tự ta sẽ gây lấy hạnh phúc và sẽ được hưởng mãi mãi về sau”…
Có thể thấy tuy không trực diện tìm hiểu nội dung tư tưởng, văn hóa Trần Nhân Tông nhưng ký giả Vũ Ngọc Lâm đã thực tả chuyến hành hương đến đất Phật Yên Tử, từ đó gián tiếp cảm nhận, bình luận về cách thức tu hành của các vị đặt nền móng Thiền phái Trúc Lâm cũng như phát biểu cảm tưởng, suy tư của cá nhân mình trước thế giới tâm linh người xưa, trước cảnh quan non xanh núi biếc và con đường tu luyện, hoằng dương Phật giáo.
Nhìn rộng ra, còn có thể liên hệ các du ký trên với phóng sự Khói thuốc trên dãy núi Yên Tử của Nguyễn Tuân[10]… Sở dĩ thiên phóng sự này có liên hệ xa gần với du ký là bởi chuyến hành hương về Yên Tử này lại mang tính đặc thù, khi mà người đi hành hương nghiện thuốc phiện và trong hàng sư sãi cũng có kẻ nghiện. Trên thực tế, sắc thái du ký chỉ là vỏ hình thức cho một thiên phóng sự điều tra tạo nên đặc tính hỗn dung của thể tài: “Lần lữa mất đúng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, mãi đến ngày hôm nay chúng tôi mới lên được đường đi Yên Tử sơn. Người thủ xướng ra cuộc hành hương này là ông Ph.Đ. Ông là một người mộ đạo Phật. Ông còn là một người nghiện nặng (…). Buổi sớm ngày 3-4, chúng tôi họp thành một đoàn khách hành hương đi lễ Phật. Tôi chống một cái gậy trúc tươi chặt ngay ở rừng trúc Yên Tử. Ông Ph.Đ cũng chống một cây gậy như tôi. Nhưng gậy của ông vẫn chỉ là một cái dọc tẩu”… Bên cạnh việc phản ánh mặt trái chốn cửa Thiền, sự lầm lạc của những kẻ giả trá, Nguyễn Tuân vẫn đặt lòng tin vào bậc chân tu: “Đêm nay có thêm sư cụ chùa Đàm Xuyên, tận vùng đồng bằng Gia Lâm lên đây để tôi tình cờ được hầu chuyện. Đàm Xuyên Hòa thượng là một bậc chân tu lầu lầu mấy môn kinh, luật, luận và nghe đâu lại am cả quyền thuật nữa. Cái người ấy đáng kính lắm”…, đồng thời phác vẽ cảm nhận trong tư cách khách du về cảnh chùa, trân trọng một khoảng trời cao xanh trên đỉnh chùa Đồng, những tháp cổ, tùng trượng phu, trúc quân tử và sung sướng với việc “tôi quảy mấy chục dò lan Yên Tử đem về làm quà cho bạn quen dưới đồng bằng”… Như vậy, ngay cả với thiên phóng sự giàu chất liệu hiện thực, giàu âm hưởng phê phán tệ nạn thuốc phiện lan truyền tới cửa chùa một thời vẫn thấy sáng lên tình yêu thiên nhiên, niềm tin vào những giá trị tinh thần và bản chất tâm linh Phật giáo vùng non thiêng Yên Tử…
- Lời kết mở
Các tác phẩm du ký nửa đầu thế kỷ XX viết về Trần Nhân Tông, Phật giáo Trúc Lâm, cảnh quan Yên Tử và phản ánh nhận thức tư tưởng, văn hóa, đời sống tâm linh, du lịch sinh thái không phải là những công trình khảo cứu mà trước hết là tác phẩm văn học sinh động, trong đó thể hiện sắc nét tiếng nsoi chủ quan của tác giả trong bối cảnh xã hội hiện đại. Đây là những điều các tác giả tai nghe mắt thấy, trực tiếp chứng nghiệm, trải nghiệm. Thông qua lăng kính chủ quan, những lời bình luận, nhận định, đánh giá, đúc kết của người viết cho thấy cách tiếp nhận của con người hiện đại trong hình thức nghệ thuật văn chương thực sự sinh động, tươi mới. Điều này góp phần khẳng định vị trí, tiềm năng, ý nghĩa các giá trị tư tưởng, văn hóa của Đại Đầu Đà Trần Nhân Tông trong dòng chảy Thiền phái Trúc Lâm cũng như toàn bộ cảnh quan sinh thái Yên Tử. Trên tinh thần chung, hệ giá trị tư tưởng, văn hóa Trần Nhân Tông cùng Thiền phái Trúc Lâm và cảnh quan sinh thái Yên Tử sẽ còn tiếp tục là đối tượng tiếp nhận, khai thác của các ngành du lịch, điện ảnh, nhân học, lijh sử, tôn giáo, văn hóa học và nhiều bộ môn văn học nghệ thuật hiện đại khác nữa.
Tài liệu tham khảo
- Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II (Hoàng Văn Lâu dịch, chú) (1988). Nxb KHXH, Hà Nội, tr.70-93.
- Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi (Đồng chủ biên) [1992], Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.75-76.
- Vũ Ngọc Lâm [1935], Hành trình đi núi Yên Tử. Đuốc tuệ, số 1, ra ngày 10-12, tr.18-25.
- Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu [1926], Hành trình chơi núi An Tử. Tạp chí Nam phong, số 105, tháng 5, tr.325-334 và số 106, tháng 6, tr.443-453.
- Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu [2007], Hành trình chơi núi An Tử, in trong Du ký Việt Nam – Tạp chí Nam phong (1917-1934), Tập II (Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu). Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr.332-375.
- Nguyễn Hữu Sơn [2008], Trần Nhân Tông – vị hoàng đế, thiền sư, thi sĩ. Nhân dân, số ra ngày 22-2, tr.5.
- La Văn Sơn [2008], Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và văn hóa Việt Nam. Nhân dân, số ra ngày 3-3, tr.5.
- Nguyễn Hữu Sơn [2008], Tác gia hoàng đế – thiền sư – thi sĩ Trần Nhân Tông. Nghiên cứu Văn học, số 12, tr.3-21.
- Nguyễn Hữu Sơn [2014], Sau trăm năm, đọc lại du ký Hành trình chơi núi An Tử. Văn hóa và du lịch, số 17, tháng 5, tr.88-92.
- Nguyễn Hữu Sơn [2018], Nhận diện Địa – văn hóa Phật giáo vùng Tây Yên Tử. Khuông Việt, số 42, tháng 5, tr.4-12.
- Nguyễn Tuân [1940], Khói thuốc trên dãy núi Yên Tử. Trung Bắc Chủ nhật, số 15, ra ngày 9-6-1940, 3-6; số 16, ra ngày 16-6-1940, 7-9; số 17, ra ngày 23-6-1940, 27-29.
[2] Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi (Đồng chủ biên) [1992], Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.75-76.
[3] Xin xem Nguyễn Hữu Sơn [2008], Trần Nhân Tông – vị hoàng đế, thiền sư, thi sĩ. Nhân dân, số ra ngày 22-2-2008, tr.5.
– La Văn Sơn [2008], Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và văn hóa Việt Nam. Nhân dân, số ra ngày 3-3-2008, tr.5.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II (Hoàng Văn Lâu dịch, chú) [1998]. Nxb KHXH, Hà Nội, tr.70-93.
[5] Xin xem Nguyễn Hữu Sơn [2008], Tác gia hoàng đế – thiền sư – thi sĩ Trần Nhân Tông. Nghiên cứu Văn học, số 12, tr.3-21.
[6] Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu [1926], Hành trình chơi núi An Tử. Tạp chí Nam phong, số 105, tháng 5-1926, tr.325-334 và số 106, tháng 6-1926, tr.443-453. Các trích dẫn tác phẩm trong bài đều theo sách này.
– Xem thêm Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu [2007], Hành trình chơi núi An Tử, in trong Du ký Việt Nam – Tạp chí Nam phong (1917-1934), Tập II (Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu). Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr.332-375.
[7] Xin xem Nguyễn Hữu Sơn [2014], Sau trăm năm, đọc lại du ký Hành trình chơi núi An Tử. Văn hóa và du lịch, số 17, tháng 5, tr.88-92.
[8] Xin xem Nguyễn Hữu Sơn [2018], Nhận diện Địa – văn hóa Phật giáo vùng Tây Yên Tử. Khuông Việt, số 42, tháng 5, tr.4-12.
[9] Vũ Ngọc Lâm [1935], Hành trình đi núi Yên Tử. Đuốc tuệ, số 1, ra ngày 10-12, tr.22. Các trích dẫn tác phẩm trong bài đều theo sách này.
[10] Nguyễn Tuân [1940], Khói thuốc trên dãy núi Yên Tử. Trung Bắc Chủ nhật, số 15, ra ngày 9-6, tr.3-6; số 16, ra ngày 16-6, tr.7-9; số 17, ra ngày 23-6, tr.27-29. Các trích dẫn tác phẩm trong bài đều theo tài liệu này.