PGS. TS. Ngô Đình Xây
Nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, Giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Một tư tưởng rất đặc sắc của Phật giáo là, văn hóa là nhân hóa, nghĩa là văn hóa phải làm cho con người ngày càng Người hơn, ngày càng nhân đạo hơn, ngày càng nhân văn hơn. Tư tưởng này của Phật giáo được thể hiện trên hai khía cạnh: con người phải “tu hành” và “thiền định” để ngày càng “giác ngộ” hơn về tâm tính và trí tuệ, cũng như con người ngày càng phải “hành thiện” hơn.
Phật hoàng Trần Nhân Tông đã có những hành động rất “nhân hóa”: nhường ngôi cho con với mong muốn con hơn người; đi tu và tạo lập Thiền phái Trúc lâm để giáo hóa và nhân hóa con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã nhận thức rõ tư tưởng “văn hóa là nhân hóa” khi xem con người vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa mục đích cuối cùng của xây dựng, phát triển văn hóa; đồng thời đang lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam hiện thực hóa quan điểm này vào trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
I
Phật giáo (Buddha) ra đời ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VI-TCN, là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới với hệ thống giáo lý đồ sộ, trong đó có một nội dung rất đặc sắc là triết lý về con người (hay triết lý nhân sinh) . Theo quan điểm của Phật giáo, “Con người là chủ nhân, là trung tâm của trái đất”. Bởi vậy, một lẽ tất nhiên, trong tư tưởng Phật giáo, đã hình thành một triết lý trọng yếu, – triết lý nhân sinh và đây chính là phần cơ bản trong đạo Phật. “Con người – chủ nhân của trái đất lẽ nào lại phớt lờ căn cốt triết lý nhân sinh?! Không tin có đời sau là không muốn biết đến căn cốt triết lý nhân sinh. Không tin nhân quả báo ứng là không muốn biết đến căn cốt triết lý nhân sinh. Không tin luân hồi sinh tử là không muốn biết đến căn cốt triết lý nhân sinh. Không tin nếu tu tập đúng theo cách chỉ dạy của Phật sẽ đứng hẳn ra ngoài Tam giới trọn vẹn hết khổ đau là không muốn biết đến căn cốt của triết lý nhân sinh, v.v… Con người lẽ nào muốn trang bị tất cả những triết lý khác trước rồi mới trang bị điều căn cốt của triết lý nhân sinh? Con Người tin sâu căn cốt triết lý nhân sinh, nghĩa là tin sâu lời Phật; sẽ không còn nghĩ ác, không còn hành vi bất thiện, dẫu cho sự nghĩ và hành vi ấy không ai nào biết đến”[1]. Thực chất của triết lý nhân sinh là gì? Tìm hiểu và nghiên cứu sâu về Phật giáo chúng ta thấy, đó là triết lý nhằm giải thoát con người, cứu vớt con người ra lầm lạc, khổ ải. Điều này được thể hiện rõ, khi Phật giáo đưa ra tưởng triết lý nhân sinh thông qua thuyết “Tứ diệu đế” và “Thập nhị nhân duyên” để giải thoát chúng sinh ra khỏi mọi nỗi khổ và kiếp nghiệp báo, luân hồi. “Tứ diệu đế” là bốn chân lý vĩnh hằng, thiêng liêng của cuộc đời gồm có: Khổ đế, Nhân đế, Diệt đế và Đạo đế. Khổ đế: Phật giáo quan niệm đời người là bể khổ, tồn tại là khổ, “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. Mọi nỗi khổ đều có nguyên nhân của nó. Sự thực cái khổ này vừa là để tác quả vừa là để tạo nhân. Nhân đế (Tập đế): Phật giáo giải thích nguyên nhân mọi nỗi khổ của con người. Phật khẳng định rằng tất cả mọi nỗi khổ của con người đều có nguyên nhân của nó. Có “Thập nhị nhân duyên” (12 nguyên nhân gây ra nỗi khổ của con người), trong đó, “vô minh” là nguyênnhân của mọi nguyên nhân. Vô minh là sự mông muội mờ tối không sáng tỏ của tâm trí con người. Vô minh là không nhận thức được bản chất của vạn pháp và không thấu triệt được chân bản tính của mình.Vô minh là duyên lớn nhất, nó là xuất phát điểm của mọi nỗi khổ. Diệt đế: là giải thoát luận và cũng là lý tưởng luận của Phật giáo. Phật giáo quan niệm mọi nỗi khổ đều có thể tiêu diệt được. Khi chấm dứt được khổ thì đó là lúc con người được giải thoát, con người được tự do, tự tại làm chủ được mình, không bị ngoại cảnh chi phối, không bị chìm đắm trong luân hồi. Theo triết lý Phật giáo muốn vậy phải diệt mọi ái dục, dứt bỏ được vô minh, đạt tới sự sáng tỏ trong tâm con người đưa chúng sinh tới Niết bàn. Đạo đế: là cách thức, con đường để được giải thoát khỏi nỗi khổ hay con đường diệt khổ. Con đường đó không phải là cách tu luyện khổ hạnh, cũng không phải là chìm đắm trong dục lạc thấp hèn thô bỉ. Thực chất con đường đó là diệt dục vọng, xóa bỏ vô minh, giác ngộ và giải thoát. Có tám con đường để đạt đến sự giải thoát. Phật giáo gọi là “bát chính đạo”. “Bát chính đạo” sẽ giúp con người loại bỏ “thập nhị nhân duyên”[2].
Rõ ràng là, qua triết lý nhân sinh “Chủ yếu đạo Phật là chỉ dạy chúng sanh giải thoát mọi khổ đau. Song lâu đài giải thoát phải xây dựng trên một nền tảng giác ngộ. Trước phải giác ngộ nhiên hậu mới giải thoát, như nói “biết đúng mới làm đúng”. Giác ngộ Giải thoát theo liền bên nhau không thể tách rời được… Mọi khổ đau trong đời sống con người đều do hành động xấu xa của con người chuốc lấy. Muốn giải thoát mọi đau khổ, con người phải Giác ngộ, cương quyết đập tan mọi nguyên nhân sanh ra đau khổ. Nhân đau khổ đã nát thì quả khổ đau đâu còn. Vì thế, Giác ngộ Giải thoát là “Cốt Lõi Đạo Phật”[3]. Và để có thể giác ngộ và giải thoát được khỏi đau khổ nhằm làm cho con người và cuộc sống con người ngày càng vui vẻ, hạnh phúc hơn thì “vì ý thức được sự đau khổ trong kiếp mê lầm, sự đọa đầy trong vòng lục đạo, chúng ta phải nỗ lực tiến tu. Nhờ thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, chúng ta mới thấy đường để tháo gỡ những gút mắc của muôn ngàn sợi dây nghiệp báo. Gỡ sạch những vòng dây nghiệp báo rồi, chúng ta được thảnh thơi, tự tại. Song, thân bằng quyến thuộc ta, đồng bào, đồng loại ta, đang bị chúng bủa vây bao phủ, đành lòng nào chúng ta lại ngó lơ. Thế là, vén áo xăn quần, chúng ta lao mình vào cõi trần ai để dìu dắt nhân loại thoát khỏi vòng khổ ải. Đây là hình ảnh Thiền sư vai mang chiếc đãy, tay cầm bầu rượu, kết bè họp bạn với đám người đầu đường xó chợ. Đem ánh sáng hòa lẫn với bụi bặm, quả là “đầu tro mặt đất” lang thang. Có thế mới tròn bản nguyện đại bi, mới đủ công đức giải thoát chúng sanh ra khỏi sông mê bể khổ. Cứu mình, độ người được viên mãn, đều đặt gọn trên nền tảng giác ngộ giải thoát của đạo Phật”[4].
Như vậy, cứu vớt và giải thoát luôn là mục đích và nội dung của nhân sinh quan tư tưởng triết học đạo Phật. Qua các giáo lý trên của Phật giáo ta thấy rõ những giá trị nhân văn mà Phật giáo đã đạt đến, đó là: Đứng trước Phật, mọi người đều bình đẳng; coi con người chiếm địa vị độc tôn trên thế giới; luôn tôn trọng sự sống, xem sự sống trên tất cả; coi và khẳng định cái “bản ngã” của con người chính là để biểu thị chân lý tự do, tự tại của con người trong trời đất; và mục đích cuối cùng mà Phật giáo muốn đạt đến là đưa con người trở về với chân-thiện-mỹ.
Rõ ràng là, triết lý nhân sinh Phật giáo muốn chỉ dẫn và muốn cứu giúp con người ra khỏi nỗi khổ trần thế và bằng cách đó, mỗi lần con người thoát được một kiếp khổ, một kiếp nạn là con người được làm người hơn, con người trở nên có nhân tính hơn, nhân văn hơn, con người đạt đến chân-thiện-mỹ hơn. Đạt đến chân-thiện- mỹ, tức là con người ngày càng được nhân hóa hơn. Càng được nhân hóa hơn cũng tức là con người có được đời sống ngày một tốt đẹp hơn, lối sống và chất lượng sống ngày càng có văn hóa hơn.
Quả thật, càng suy ngẫm, chúng ta càng nhận thấy, một triết lý cao siêu của Phật giáo: triết lý nhân sinh cũng là triết lý văn hóa. Với tư tưởng, phải giải thoát con người khỏi khổ hạnh để con người được sống hạnh phúc hơn, được làm người hơn, triết lý nhân sinh của Phật giáo đã trở thành triết lý văn hóa nhằm nâng tính người ở con người lên. Theo đó, triết lý nhân sinh – triết lý văn hóa của Phật giáo là triết lý giúp con người ngày càng được giải thoát khỏi khổ đau và càng được giải thoát thì càng trở nên nhân văn hơn, nhân đạo hơn, càng đáng là Người hơn và do đó thì càng trở nên có văn hóa hơn. Từ trong chiều sâu quan niệm của mình, theo triết lý nhân sinh – triết lý văn hóa của Phật giáo, quá trình nhân hóa hóa con người cũng chính là quá trinh làm cho con người có văn hóa hơn, hay nói một cách khác, theo Phạt giáo, văn hóa chính là nhân hóa.
II
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông có một vị trí đặc biệt. Ngài vừa là vị vua sáng có công lao vĩ đại đối với đất nước, vừa là một đại thiền tu chân chính và đã sáng lập ra dòng phái thiền học Phật giáo Việt Nam. Và điều trên hết mà chúng ta đáng nói về Ngài nhất, đó là Ngài là hiện thân và hành xử nổi bật nhất với tư cách một Con Người.
Với tư cách là con người thế tục, Ngài là một vị vua cực sáng. Vua Trần Nhân Tông sinh ra khi cuộc chiến lần thứ nhất của quân dân Đại Việt chống quân Nguyên Mông vừa kết thúc (1258). Năm 21 tuổi (1279), Ngài được Trần Thánh Tông truyền ngôi, trị vì thiên hạ Đại Việt, lấy đức trị vì, dân chúng an cư lạc nghiệp. Năm 1285, với tinh thần bảo vệ dân tộc, Tổ quốc của toàn dân, Ngài đã lãnh đạo và chiến thắng cuộc xâm lăng Nguyên – Mông lần thứ nhất. Mặc dù đã thất bại, song với ý đồ bành trướng Phương Nam, tiến chiếm Chiêm Thành, làm bàn đạp thôn tính Đại Việt, Nhà Nguyên vẫn muốn xâm chiếm Đại Việt và vua Trần Nhân Tông lại một lần nữa lãnh đạo cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, với sự quyết tâm chiến thắng của toàn quân, toàn dân, Ngài đã chiến thắng quân Nguyên – Mông lần thứ hai năm 1288. Cảm hứng trước sự chiến thắng của dân tộc, Ngài đã làm hai câu thơ lưu lại:
“Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông muôn thuở vững âu vàng”[5]
Như vậy với tư cách được lịch sử giao phó, đức vua Trần Nhân Tông đã hoàn thành xuất sắc vị thế một Con Người, – tức là người đứng đầu đất nước và Con Người đó đã giúp cho nước độc lập, thái bình và thịnh trị.
Với tư cách là người cha, đức vua Trần Nhân Tổng rất hiểu và thấm nhuần đạo lý của của cha ông. Trong tâm khảm người Việt, những người làm cha luôn luôn canh cánh mỗi nỗi niềm “con hơn cha là nhà có phúc”, bởi lẽ “tre già” thì “măng” phải mọc để thay thế. Đó cũng là quy luật tạo hóa ở đời. Sau những thắng lợi vang dội được cả dân tộc tôn sùng và ghi ơn công đức, con người ta dễ bắt đầu sống trong ánh hào quang, dễ an bài và gặm nhấm trên chiến thắng, dễ hưởng thụ vinh hoa, phú quý mà mình đã có công giành được và rất đáng được đền đáp. Song, Đức vua Trần Nhân Tông đã nghĩ xa hơn và làm thực hiện nhiều hơn về nghĩa vụ và trách nhiệm với tư cách là một người cha nhân từ, có dũng khí và trên hết, Ngài đã có được sự hành xử của một minh quân mà không phải ai ở vị thế của Ngài cũng làm được. Ngài đã có quan niệm và xử thế rất người: cần phải nhường lại sự nghiệp này cho người sau để con cháu tiếp nối cha ông xây dựng và bảo vệ đất nước tạo nên sự nghiệp vẻ vang, trường tồn muôn đời. Chính vì vậy, sau khi đất nước thanh bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, Ngài đã củng cố triều đình, phủ dụ, đoàn kết toàn dân, xây dựng và phát triển đất nước trong thời hậu chiến. Với mục đích chủ hòa, Ngài đã bỏ qua những lỗi lầm đã có của quần thần cũng như thân tộc. Năm 41 tuổi (1293), Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng Hoàng[6].
Với tư cách là con người xuất thế để đến với Phật, ngay từ khi còn bé, Trần Nhân Tông đã muốn xuất gia. Ông tôn Tuệ Trung thượng sĩ làm thầy. Ông từng muốn phụ hoàng nhường ngôi cho em để xuất gia nhưng không được. Sau này khi đã làm trọn trách nhiệm một cách xuất sắc ở cuộc đời trần thế, Đức Vua Trần Nhân Tông đã trở thành chân tu. Làm chân tu không có nghĩa phó mặc sự đời, trốn tránh sự đời để an phận trong phật tính, mà điều quan trọng nhất, theo Trần Nhân Tông, là phải giúp chúng sinh cùng giác ngộ, cùng làm điều thiện và điều đau đáu nhất là có thể giải thoát được nỗi khổ đau để trở nên có hạnh phúc hơn, trở thành sinh linh có nhân tính hơn, nghĩa là trở thành người hơn. Bởi vậy khi lập ra thiền phái Phật học đầu tiên ở Việt Nam, “…. Kể từ thời gian Ngài xuất gia đến khi viên tịch không dài, nhưng trong những năm đó, Ngài đã lấy tinh thần Phật giáo nhập thế, “từ – bi – hỷ – xả” cứu độ chúng sinh bằng cách phát triển đạo pháp, dân tộc cùng hoà hợp, từ vua Trần Thái Tông đến các vua Thánh Tông… tạo nên mạch truyền thống và sự phát triển bền vững của đạo Phật thời Trần, tính gắn kết mật thiết giữa dân tộc và tôn giáo, giữa chính quyền và thần quyền, tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển xã hội. Tông chỉ Thiền phái rất thực tế và gần gũi với con người, lấy “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”[7] nhằm đánh thức mỗi người tự sống vươn lên. Sáng được tâm là đạt yếu chỉ thiền, vì vậy người tu thiền cốt phải sáng được tâm của chính mình. Phật tức tâm, ai có tâm đều có Phật, không phân biệt nam nữ, trẻ già, người trong đạo hay ngoài đạo, là chân lý bình đẳng với tất cả. Thành Phật là thành ngay trong tâm mình, không phải thành ở trên núi cao, trên cõi trời xa xôi. Đó là lấy con người làm gốc, là tôn trọng người, nâng cao giá trị con người, nâng cao sức mạnh của dân tộc”[8]. Và theo tinh thần xuyên suốt đó, “Điều Ngự Giác Hoàng đã xây đắp cho Thiền phái Trúc Lâm một cơ sở triết thuyết, là nền tảng vũ trụ quan và nhân sinh quan của xã hội thời thịnh Trần. Ông kiên trì gây dựng một hệ phái Phật giáo thống nhất trong cả nước, cả về mặt tổ chức, giáo lý, cách thức đào tạo, truyền nối, lại chủ trương tách sinh hoạt tôn giáo ra khỏi sinh hoạt chính trị, mở cho Phật giáo một không gian tâm linh khoáng đãng, tự do ở nơi rừng núi, không bị quyền lực nhà nước chi phối, lấy cả một vùng Yên Sinh – Yên Tử làm nơi quy tụ…”[9]
Quả thật, với những điều mà Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã làm và đã hiện thân, cho ta thấy, Ngài đã hết sức thầm nhuần triết lý nhân sinh – triết lý văn hóa của Phật Giáo “văn hóa là nhân hóa” và chính ở Ngài, Phật tính chính là Nhân tính. Chính Ngài đã có xử thế rất Văn hóa – Nhân tính – Phật tính, khi thực hiện hết sức vĩ đại vai trò của một minh quân; đã có quan niệm và hành xử hết sức Văn hóa – Nhân tính – Phật tính mang đầy tính đạo lý dân tộc và trách nhiệm của một người cha nhân từ; đã có những việc làm hết sức Văn hóa – Nhân tính – Phật tính khi đã biết khai thông tâm trí, phát dương tính người ở con người với vai trò là một chân tu – minh tổ Thiền phái Phật học Việt Nam, nhờ đó làm cho con người tự tạo ra hạnh phúc và nhân tính cho chính mình. Đúng như Phan Huy Chú đã đánh giá về Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong Lịch triều hiến chương loại chí “Tính vua nhân từ, có trí lược, thương dân, ơn huệ cố kết lòng dân. Đời vua, quân Nguyên hai lần xâm phạm. Vua chọn tướng, rèn quân rồi bình được giặc lớn. Cái công trùng hưng rực rỡ hơn trước. Sau khi nhường ngôi, vua lưu tâm kinh điển nhà Phật, xây am Thiên Kiến, đúc đỉnh Phổ Minh, thờ Phật rất chăm. Về sau đi tu ở núi Yên Tử rồi mất ở am Ngọa Vân”[10]
III
Với tư tưởng mang tính nhân bản sâu sắc và nhân văn tinh tế lại được sự tiếp nhận hồn hậu của một dân tộc giàu tính khoan dung, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam. Người Việt Nam có tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người sâu sắc, rộng lớn cùng với thái độ tôn trọng, đề cao những giá trị tốt đẹp của con người rất phù hợp với các quan niệm của Phật giáo. Vì thế mà từ lâu Phật giáo đã chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần người dân Việt mà một trong những biểu hiện rõ nhất về sự ảnh hưởng của Phật giáo chính là ở chính trị và pháp luật. Dưới thời Lý, do ảnh hưởng tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo, các vị vua nhà Lý đã xây dựng một nền pháp lý tiến bộ và hợp lòng dân; Dưới triều Trần, áp dụng chính sách thân dân, xem trọng vai trò của người dân và các vị vua thường nhường ngôi cho con, chỉ ở địa vị thái thượng hoàng mà thôi, đây là biểu hiện việc thông tỏ phật pháp; Thời hiện đại, từ nửa sau của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, đạo pháp và dân tộc đã gắn bó với nhau tạo thành sức mạnh đồng thuận trong xã hội Việt Nam.
Triết lý nhân sinh– triết lý văn hóa của Phật giáo lại được tiếp nói bởi Phật tính – Nhân tính của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã mang lại nhiều giá trị mà Việt Nam hiện đại cũng đang rất cần. Sinh thời, do chịu ảnh hưởng của triết lý nhân sinh – triết lý văn hóa của Phật giáo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những suy nghĩ khá độc đáo về cách làm người:
“Trời có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông
Đất có bốn phương đông, tây, nam, bắc
Người có bốn đức cần, kiệm, liêm, chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất
Thiếu một đức thì không thành người”[11].
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, các yếu tố tất yếu phải có để thành người chân chính thì cũng giống như các yếu tố tạo ra tự nhiên của trời đất. Cũng thấm nhuần tính thần “văn hóa là nhân hóa” của Phật giáo mà sau này Hồ Chí Minh đã đưa ra một mệnh đề đơn giản nhưng cực kỳ sâu sắc, thấm đậm tính nhân bản để người Việt Nam phấn đấu. Người nói: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người (chúng tôi nhấn mạnh – NĐX)”[12]. Đây không chỉ là một mệnh đề, mà còn hơn thế, đó là một triết lý sâu xa về lẽ ở đời và đạo làm người của người Việt Nam trên cõi đời này. Đạo ở đời và làm người của Hồ Chí Minh thể hiện một bản ngã hết sức độc đáo không chỉ “hợp với lương tri và lương tâm con người”, mà còn thể hiện rõ sự tiếp nối Phật giáo trong tư duy về văn hóa – “văn hóa là nhân hóa”, nghĩa là, con người phải ngày càng sống có văn hóa hơn, cũng tức là phải làm cho con người ngày càng sống nhân văn hơn, sống có tình, có nghĩa hơn và nhờ vậy bản tính người của con người ngày càng Người hơn.
Được lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, thấm nhuần tư tưởng của Người; hơn thế nữa, lại được tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới, trong đó có triết lý nhân sinh – triết lý văn hóa của Phật giáo, Đảng cộng sản Việt Nam trong quan niệm và cách tiếp cận của mình về văn hóa, cũng đã nhận thức và trưởng thành hơn để dần đần hình thành cách tiếp cận “văn hóa là nhân hóa” trong quá trình hoạt động lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước. Công bằng mà nói, trong những giai đoạn đầu hoạt động, Đảng Cộng sản Việt Nam chưa phải đã có quan niệm này. Điều này thể hiện rõ là, trong quan niệm trước đây về văn hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ chủ yếu đề cập đến văn hóa từ các phương diện: thiết chế văn hóa, sinh hoạt văn hóa, loại hình văn hóa, cơ sở và điều kiện cho văn hóa, gìn giữ và phát huy văn hóa, môi trường văn hóa, giao lưu văn hóa v.v….Tiếp cập như vậy về văn hóa là đúng nhưng chưa đủ, bởi lẽ, một thực tế hiện ra là, sau quá trình dài xây dựng và phát triển văn hóa, nhiều người Việt Nam vẫn sống chưa có văn hóa, nói thẳng ra là còn rất thiếu văn hóa; tính nhân bản và nhân văn ở nhiều người vẫn chưa được thể hiện rõ nét, thậm chí ở một số người còn thói vô cảm, vô trách nhiệm và vô nhân tính và từ đây đã dẫn đến kết quả là, lối sống đạo đức của một bộ phận xã hội đang có biểu hiện xuống cấp trầm trọng. Như vậy, điều quan trọng nhất là, văn hóa phải do con người và cho con người, vì con người chưa được quán triệt sâu sắc. Nói cách khác, con người vốn là chủ thể, là động lực và là mục đích của văn hóa lại chưa được nhận thức và chưa được đặt đúng vị trí và vai trò hạt nhân trong văn hóa. Đúng như Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định: “Tuy nhiên, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng…. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”[13].
Nhận thức rõ điều này, trong quan điểm và cách tiếp cận mới về văn hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định và đặt con người vào vị trí trung tâm của văn hóa. Thể hiện rõ nhất cho quan niệm và cách tiếp cận này chính là ở Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Rõ ràng là, ngay trong tiêu đề của Nghị quyết đã thể hiện rõ và nhấn mạnh đến vai trò và vị trí của con người trong xây dựng và phát triển văn hóa ở Việt Nam. Theo cách đặt vấn đề như vậy, Đảng đã đưa ra quan điểm: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”[14]. Trên cơ sở đó, Đảng yêu cầu phải “Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân – thiện – mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”[15].
Đây quả thật là điểm mới nhất và thể hiện tư duy mới về văn hóa – “văn hóa là nhân hóa” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam cũng chính là xây dựng và phát triển con người Việt Nam, điều đó cũng có nghĩa là xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam cũng là quá trình nhân hóa con người, làm cho tính nhân văn, nhân bản trong con người người được mạnh lên và đương nhiên, quá trình xây dựng và phát triển văn hóa là quá trình làm cho con người ngày càng Người hơn. Như vậy là từ mạch nguồn của triết nhân sinh – triết lý văn hóa “văn hóa là nhân hóa” của Phật giáo, được Phật Hoàng Trần Nhân Tông tiếp thu và đưa vào cách nghĩ của người Việt và trong thời hiện đại được chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp thu, phát dương và cụ thể hóa rất rõ nét, rất đậm quan niệm này trong hiện thực xây dựng đất nước nhằm tiến tới một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
[1] Xem: Nhụy Nguyên – Con người và triết lý nhân sinh. Https://thuvienhoasen.org/ 19/09/2013
[2] Xem: Phật giáo – Từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia
[3] Hòa Thượng Thích Thanh Từ – CỐT LÕI ĐẠO PHẬT. Http://www.thuongchieu.net/ 03/3/ 2010
[4] Hòa Thượng Thích Thanh Từ – CỐT LÕI ĐẠO PHẬT. Http://www.thuongchieu.net/ 03/3/ 2010
[5] Xem: Tiểu sử Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông. Https://nguoiphattu.com/ 01/12/2012
[6] Xem: Tiểu sử Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông. Https://nguoiphattu.com/ 01/12/2012
[7] Hòa thượng Thích Thanh Từ. (2017). Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX. TP. HCM: Nxb Tổng hợp, tr. 1.
[8] Thích Ngộ Trí Viên – Sơ Lược Lịch Sử, Đặc Trưng Và Đóng Góp Của Thiền Phái Trúc LâmTrong Việc Xây Dựng Và Phát Triển Phật Giáo Việt Nam. https://thuvienhoasen.org 19/10/2018
[9] Từ Khôi – Phật hoàng Trần Nhân Tông: Thế gian kiệt xuất một người. Http://daidoanket.vn/ 19/01/2017
[10] Trích lại theo: Trần Nhân Tông – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
[11]Hồ Chí Minh toàn tập, Tập V, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 631.
[12]Hồ Chí Minh toàn tập, Tập V, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 381
[13] Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
[14] Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
[15] Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.