Phật giáo Trúc Lâm qua mắt nhìn nghệ thuật của Trần Nhân Tông và Huyền Quang

PGS.TS. Nguyễn Phạm Hùng

Đại học Quốc gia Hà Nội

Dẫn nhập

Trần Nhân Tông hiện diện trong lịch sử với ba tư cách: 1) Vị vua anh minh, 2) Vị giáo chủ thông tuệ, 3) Thi sĩ tài hoa. Ông xứng là một danh nhân văn hóa thời Trần. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn về một khía cạnh nhỏ về tư cách Giáo chủ và tư cách Thi sĩ của ông. Mà cũng chỉ bàn về một khía cạnh nhỏ là cảm hứng nghệ thuật về tôn giáo, hay cảm hứng tôn giáo trong nghệ thuật của ông, cùng với một đệ tử xuất sắc là Đệ tam tổ Huyền Quang, cũng là một thi sĩ tài danh bậc nhất đương thời.

Tư tưởng Thiền Trúc Lâm của Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông và Đệ tam tổ Huyền Quang được thể hiện một cách nghệ thuật quan ba tác phẩm Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo caVịnh Vân Yên tự phú. Cư trần lạc đạo phúĐắc thú lâm tuyền thành đạo ca là hai tác phẩm của Trần Nhân Tông diễn tả hai cảnh huống tu hành – giác ngộ khác biệt, thể hiện tư tưởng “vô phân biệt”, không câu chấp vào hoàn cảnh, dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể đạt tới cái tâm không của nhà Phật. “Tùy tục”, “tùy duyên”, thích nghi, phổ dụng đại chúng, dung hợp đạo – đời để đến với Phật, là triết lý tu hành của Phật hoàng. Vịnh Vân Yên tự phú là tác phẩm mĩ hóa tư tưởng Trúc Lâm, nâng tư tưởng tôn giáo lên thành Cái Đẹp tuyệt đối qua con mắt của Đệ Tam tổ Huyền Quang. Điểm đặc sắc là ở chỗ, cả ba tác phẩm này đều được hai vị sư tổ dụng phép “dẫn Thiền dụ thi” và “dẫn thi nhập Thiền” để trình bày tư tưởng một cách nghệ thuật. Tư tưởng căn bản của Thiền Trúc Lâm là sự kế thừa và phát triển tinh hoa tư tưởng của ba phái Thiền thời Lý, hỗn dung với tinh thần thực tiễn và văn hoá dân tộc, trở thành một tư tưởng Thiền dân tộc rất đặc sắc. Tư tưởng Thiền Trúc Lâm tập trung vào mấy điểm quan trọng nhất là chú trọng “tâm học”, đề cao “đối tượng chứng đắc” và chủ trương phép tu “tuỳ tục”, được thể hiện sáng rõ trong các tác phẩm của hai vị sư tổ.

  1. Cư trần lạc đạo phú

Trần Nhân Tông (1258 – 1308) tên thật là Trần Khâm, là con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông với Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu Trần Thị Thiều, sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ, niên hiệu Thiệu Long năm thứ 1 (tức ngày 7 tháng 12 năm 1258). Ngày 22 tháng 10 âm lịch năm Mậu Dần (tức 8 tháng 11 năm 1278), ông được vua cha là Trần Thánh Tông nhường ngôi cho. Ông ở ngôi 15 năm (1278 – 1293), nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông nhưng vẫn làm Thái Thượng Hoàng khoảng 5 năm (1293 – 1298). Sau khi nhường ngôi cho con, ông xuất gia tu hành tại cung Vũ Lâm, Ninh Bình, sau đó rời đến Yên Tử (Quảng Ninh) và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). Ông mất ngày 03 tháng Một âm lịch, năm Mậu thân (1308) tại am Ngoạ Vân núi Yên Tử, được đưa về an táng tại lăng Quy Đức, phủ Long Hưng (nay thuộc tỉnh Thái Bình), thọ 51 tuổi (Quốc sử quán triều Lê 1967, 44). Xá lị được cất trong bảo tháp tai am Ngọa Vân. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam và là một Giáo chủ uy vọng của Phật giáo. Về sau ông được gọi cung kính là Phật Hoàng (Vua Phật), danh xưng này ở Việt Nam chỉ được dành cho Trần Nhân Tông.

Trần Nhân Tông là một hiện tượng độc đáo, ông là vị Hoàng đế duy nhất trở thành Giáo chủ, và là vị Hoàng đế – Giáo chủ thống nhất được cả giáo quyền và thế quyền, lại có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn hóa, tư tưởng Việt Nam. Tuy nhiên, việc đánh giá cuộc đời, tư tưởng và văn học của ông còn có chỗ bất đồng, thể hiện ở mấy điểm sau:

1) Có người xem động cơ xuất gia tu hành và lựa chọn nơi tu hành là Yên Tử sơn của Phật hoàng Trần Nhân tông là mang động cơ chính trị, động cơ thế tục nhằm xem động tĩnh của đất nước, canh chừng Trung Hoa xâm lược. Điều này trước hết thấy trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm[2], sau đó có nhiều học giả tu hành và thế tục nhắc theo. Cũng có người lại xem việc xuất gia tu hành và chọn nơi tu hành của Phật hoàng là hoàn toàn thuần túy mang ý nghĩa tôn giáo. Tiêu biểu cho quan điểm này là Hòa thượng Thích Thanh Từ[3]. Trong hoàn cảnh hiện nay, để thực hiện đúng quan điểm “thả tùy duyên” của Phật hoàng, chúng tôi cho rằng nên dung hợp cả hai quan điểm này thì sẽ có thể tìm thấy sự lý giải đầy đủ và nhiều vẻ hơn về cuộc đời và tư tưởng hết sức phong phú, sống động của Phật hoàng[4].

2) Có người xem tư tưởng Thiền của Trần Nhân Tông, đặc biệt là tư tưởng “cư trần lạc đạo” là sự sáng tạo riêng biệt, đặc sắc của riêng Trần Nhân Tông. Cũng có người xem tư tưởng đó là sự tiếp thu và tiếp tục tư tưởng Thiền “tùy tục”, “hòa quang đồng trần” của Thiền học Trung Hoa đã xuất hiện từ thời Lục triều, Tùy, Đường, gắn với tên tuổi nổi tiếng của Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền, của phái Tào Động… Theo chúng tôi, việc đánh giá tư tưởng của Trần Nhân tông không nên câu chấp vào một phía nào nhất định. Tư tưởng của ông vốn là “thả tùy duyên”, nên phải thấy được trong đó có cả sự tiếp biến tư tưởng Phật giáo Ấn Độ (tên gọi Trúc Lâm lấy từ Phật giáo Ấn Độ), tư tưởng Thiền Trung Hoa (tùy tục) và sự sáng tạo trên cơ sở thực tiễn và tình thần Đại Việt đương thời. Cần mở con mắt “vô phân biệt’ để nhận thức tư tưởng vô phân biệt của Phật hoàng. Gần đây, một nghiên cứu sinh và một giáo sư của đại học Harvard Hoa Kỳ đưa ra sáng kiến thành lập Học viện Trần Nhân tông (Tran Nhan Tong Academy)[5], cổ súy cho tư tưởng “hòa giải yêu thương” của Phật hoàng. Tư tưởng “hòa giải yêu thương” là tư tưởng được “chiết xuất” từ tư tưởng của Phật hoàng, chứ không phải là tư tưởng duy nhất, phù hợp với thực tiễn đời sống Việt Nam hôm nay, nhất là trong mối quan hệ với cộng đồng người Việt hải ngoại, hay các cộng đồng dân tộc Việt Nam vừa trải qua nhiều năm tháng chiến tranh, chia cắt, hay với các cộng đồng quốc tế có nhiều bất hòa bất ổn, cần phải xóa bỏ hận thù, cần phải “Hòa giải yêu thương” trên toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu thuộc “phái tu hành” chủ yếu xem Cư trần lạc đạo phú là một tác phẩm thuần túy tôn giáo, nên khi giảng về nó thường ưu tiên tối đa cho việc diễn giảng tư tưởng, giáo lý  hay các bài học Phật giáo trong đó, hơn là xem nó như một tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn với nhiều giá trị tự thân. Có thể lấy bài giảng giải của Hòa thượng Thích Thanh Từ làm một ví dụ. Đây là những lới giảng uyên bác và hấp dẫn, tuy nhiên nội dung bài này hoàn toàn là vấn đề tôn giáo, là giảng đạo nên dường như chưa thấy hết được cái đẹp nghệ thuật của tác phẩm. Trái lại, nhiều nhà nghiên cứu thuộc “phái thế tục” lại xem nó như một tác phẩm văn học thuần túy, lý giải nó bằng quan điểm thế tục, nên cũng không nhận thức được đầy đủ và khách quan về các nội dung tư tưởng Phật giáo. Có thể lấy ví dụ từ đánh giá của Đinh Gia Khánh khi ông cho rằng: “Giá trị của bài phú (Cư trần lạc đạo), xét cho kỹ, lại không phải là ở chỗ phát biểu được tư tưởng gì mới mẻ của Thiền tông. Giá trị của bài phú trước hết là phản ánh được những nét trong hiện thực dân tộc đời Trần”, thể hiện trên các phương diện: 1) “Miêu tả cảnh sống giản dị của nhà tu hành”; 2) Người tu hành ‘sống không xa cách nhân dân”; 3) “Bước đầu khẳng định ngôn ngữ văn học dân tộc” (Đinh Gia Khánh 1978, 231). Quan điểm của chúng tôi ở đây là, cần phải tìm tới sự “hòa hợp tối đa” cho hai quan điểm này, cần có sự tiếp thu, học tập lẫn nhau của hai quan điểm, để sao cho việc nhận thức các tác phẩm văn học Phật giáo trước hết là các tác phẩm văn học đích thực, đồng thời, cũng là những tác phẩm, tùy từng trường hợp cụ thể, là những tác phẩm tôn giáo, trình bày giáo lý một cách trực tiếp hay gián tiếp, trong những phạm vi và mức độ cụ thể.

Có thể nói tác phẩm Cư trần lạc đạo phú là bản tuyên ngôn bằng nghệ thuật về con đường sống đạo mà Phật giáo Đại Việt đã đề ra và chi phối toàn bộ tư tưởng, cuộc sống người dân lúc bấy giờ. Nó cũng là một trong những tác phẩm được giới nghiên cứu Phật giáo và văn hoá Việt Nam quan tâm đặc biệt, được trích dẫn đích danh khi thiền sư Chân Nguyên trình bày cho vua Lê Chính Hoà vào khoảng những năm 1692 trong Kiến tính thành Phật lục. Chính vì thế, nó có ảnh hưởng to lớn trong quá trình truyền bá tư tưởng Thiền học Việt Nam.

Toàn bài gồm 10 hội, mỗi hội co dãn từ 13 câu (Hội thứ ba và bốn) cho tới 30 câu. Và mỗi hội gieo một vần, các hội chẵn gieo vần bằng và các hội lẻ gieo vần trắc. Cuối hội thứ mười thì có thêm bài kệ theo thể thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán. Có thể xem bài kệ ở cuối tác phẩm là sự tóm lược toàn bộ tư tưởng thiền học của bài phú, đồng thời là cơ sở lý luận hình thành chủ thuyết “Cư trần lạc đạo” của Thiền phái Trúc Lâm. Đây là tư tưởng chính của Cư trần lạc đạo và chi phối toàn bộ tư tưởng Thiền phái. Lý luận “Cư trần lạc đạo” trở thành một bộ phận quan trọng trong tư tưởng chính cho Thiền phái Trúc Lâm, nêu cao tinh thần tùy duyên để con người an trú với đạo, nhập đạo mà không lìa đời. Ý tứ chính của bài phú kết tinh trong bài kệ ở cuối bài, là tôn chỉ của Phật hoàng và là tư tưởng nhất quán của Thiền phái Trúc Lâm.

Xét theo mạch văn chúng ta có thể biết Nhân Tông sáng tác bài phú này trong thời gian sáu năm làm Thái thượng hoàng, tức là còn làm cư sĩ ở ngôi Thái thượng để hướng dẫn cho con là vua Anh Tông trị vì, nên cần hiểu Cư trần lạc đạo nghĩa là tuy ở ngôi vị vua chúa, là ở trong cõi trần mà vẫn vui với đạo, không quên lãng hay bị chi phối bởi việc đời. Do đó bài phú này rất có giá trị với người tu tại gia và cũng để nhắc nhở cho người xuất gia (Thích Thanh Từ 2015).

Bài phú Cư trần lạc đạo mang hai cảm hứng chính: 1) Cảm hứng thuyết lý về tư tưởng Phật giáo, mang ý nghĩa truyền đạo, giảng đạo; 2) Cảm hứng ca tụng đời sống tu hành như một cảnh giới tuyệt đối an lành, tươi đẹp, toàn thiện, toàn mĩ đối với con người. Hai nguồn cảm hứng này đan xen, hòa quyện lẫn nhau, tạo nên âm hưởng vừa trang nghiêm vừa bay bổng của bài văn.

Bài phú này được xem như là tác phẩm trình bày một cách khá đầy đủ, sinh động và thuyết phục về một khía cạnh trong tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm trong một hình thức văn học điêu luyện hấp dẫn, nên có sức cuốn hút, lay động sâu rộng tới các tầng lớp Phật tử và dân chúng, nhất là những người cư sĩ. Nó có thể được xem như là tuyên ngôn tư tưởng của Thiền  phái Trúc Lâm hơn là một tác phẩm nghệ thuật. Ở đây, nghệ thuật có vai trò là phương tiện dẫn truyền lẽ đạo chứ không phải là mục đích sáng tạo. Nhưng sự tương hợp tối đa giữa tư tưởng giáo lý với hình thức nghệ thuật đã tạo cho tác phẩm này trở thành một trong những tác phẩm hoàn mĩ nhất của văn học Phật giáo.

Cư trần lạc đạo phú không phải là một tác phẩm tụng ca thiên nhiên, cuộc sống thường thấy của loại văn phú, mà là một tác phẩm thuyết giảng đạo lý của thiền Trúc Lâm. Nhưng điều chúng ta nhận thấy ở tác phẩm này là, tác giả đã vận dụng nhiều kiến thức phong phú của cả Nho – Phật – Đạo, cùng sự quan sát thực tiễn đời sống, kết hợp với lối dùng từ ngữ nôm na, dùng câu văn phú chải chuốt, điêu luyện, đã tạo nên tác phẩm hài hòa khiến cho đọc giáo lý mà không khô khan, nghe giảng thuyết mà không thấy chán. Cuối cùng, bài phú kết lại bằng một bài “tứ cú kệ” thất ngôn tứ tuyệt,  trình bày tư tưởng cốt yếu của cả bài, nhưng hoàn toàn mang cảm hứng thi ca, giàu nhạc tính, âm điệu và vẻ đẹp của ngôn từ:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,

Cơ tắc san hề khốn tắc miên.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Bản dịch:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,

Đói đến thì ăn, nhọc ngủ liền.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Bài kệ này rất thiết yếu, tóm được ý chính của toàn bài phú, nhưng cũng có thể xem như một bài thơ độc lập, có giá trị độc lập trong việc trình bày tư tưởng của Thiền Trúc Lâm.

Về mặt thể tài, bài phú Cư trần lạc đạo không hoàn toàn làm theo hình thức phú giống như đương thời, vốn có cấu trúc chặt chẽ, khuôn phép, mà tương đối cởi mở. Mỗi hội của bài phú là một phần tương đối độc lập về hình thức và nội dung, giữa các hội lại có sự lặp lại nhất định về hình thể và ngữ điệu. Với cách trình bày này, bài phú có thể thu hẹp hay mở rộng phạm vi tùy thuộc vào nhu cầu phô diễn (thuyết lý, giảng giải) tư tưởng của tác giả.

Về ngôn từ, rõ ràng đây là một dấu mốc quan trọng của văn học chữ Nôm trong lịch sử. Bên cạnh một số lượng ít ỏi những tác phẩm Nôm phản ánh đời sống sinh hoạt và đời sống tinh thần con người ở thời Trần còn lại đến nay, bài phú này lại đi vào một chủ đề rất phức tạp là giáo lý và triết lý Phật giáo, nhưng lại được trình bày rất lưu loát và hấp dẫn. Trong bối cảnh ngôn ngữ văn học bằng chữ Hán đang hoàn toàn độc bá trên văn đàn, thì bài phú đã cho ta thấy được khả năng sử dụng tiếng Việt thành thục và điêu luyện của Trần Nhân Tông. Ông là một trong những người đặt nền đắp móng cho nền văn học bằng chữ Nôm rực rỡ sau này.

Cư trần lạc đạo phú trước hết là tiếng nói của một cư sĩ tại thế bày tỏ nhận thức và trình bày thuyết lý duyên khởi đối với đạo Phật, dẫn dụ con người đi vào chiều sâu của triết lý siêu việt, giác ngộ chúng sinh bằng giáo lý Trúc Lâm, đã trở thành tư tưởng chung cho những người tu hành theo Thiền phái này. Tư tưởng của bài phú vượt khỏi giới hạn của tư tưởng một cá nhân, trở thành tư tưởng của cả một học phái Phật giáo, của cả một cộng đồng, khuyến cáo con người gắn bó với đời mà vẫn có thể an trú nơi đạo, vẫn có thể “lạc đạo” hay “đắc đạo”. Đó cũng là một phần tốt đẹp của tinh thần thời đại Đông A.

  1. Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca

Sau năm năm ở ngôi Thái thượng hoàng, từ 1293 đến 1298, Trần Nhân Tông bắt đầu xuất gia. Từ khi xuất gia, Trần Nhân Tông chuyên vào tu tập, ròng rã tu hành, ngộ đạo và làm bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca trong hoàn cảnh đó.

Bài ca gồm 21 khổ thơ bốn chữ và 1 bài kệ bảy chữ. Mỗi khổ thơ nói về một ý niệm Thiền, một bài học Thiền, một lời giảng đạo, và cũng là một khoảnh khắc tâm trạng của tác giả. Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca “viết theo lối thơ 4 chữ, giống như ván bốn trong thơ ca dân gian”, “qua tác phẩm có thể thấy rõ ảnh hưởng của văn học dân gian vào bước đầu xây dựng văn học Nôm. Dùng thể vãn (hoặc nói lối) vốn quen thuộc trong văn học dân gian, tác giả đã thoát ra khỏi sự gò bó của những thể cách phức tạp thường thấy  trong các thể loại Hán văn” (Đinh Gia Khánh 1978, 235). Đây là một bài ca, văn thể gần giống với thể thức những bài minh trong văn bia, như bài minh trong văn bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh của sư Pháp Bảo (?  –  ?) thời Lý, cũng gồm 84 câu tứ ngôn, bốn câu một khổ, chỉ khác là bài ca của Trần Nhân Tông gieo một vần toàn bài, còn bài minh của Pháp Bảo mỗi khổ gieo một vần. Nếu như Cư trần lạc đạo phú là bài phú ca tụng cảnh trí cư trần lạc đạo của bản thân tác giả và trình bày những bài giảng đạo lý cho người đời, thì bài ca Đắc thú lâm tuyền thành đạo vừa nói về mình, về niềm vui trong cuộc sống xuất gia tu hành của mình, thông qua việc ca tụng đời sống xuất gia tu hành của bản thân, tác giả muốn hướng tới một mẫu mực nguyên vẹn của đời sống xuất gia tu hành của bất kỳ người tu đạo nào, bài ca còn chỉ ra căn nguyên của mê lầm, đau khổ và con đường tu hành để giác ngộ, để giải thoát. Đó cũng là con đường chung của những người xuất gia tu hành.

Bài Cư trần lạc đạo phú là bài phú vua Trần Nhân Tông làm khi đang ở địa vị Thái thượng hoàng, khi còn là một cư sĩ ở trong cõi thế, còn bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca được làm khi ông đã là một nhà tu hành xuất gia. Cư trần lạc đạo phú là tiếng nói của một cư sĩ tại thế trình bày tư tưởng Thiền Trúc Lâm, còn Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca lại là tiếng nói của người xuất gia nói về sự ngộ đạo. Hai cách thể hiện từ hai điểm nhìn khác nhau nhưng cũng chung một “con mắt nhìn Thiền quán”, cũng hướng tới một điểm. Đó là hai mặt của một đời sống tu hành thống nhất, tương tác bổ sung cho nhau, hợp nhất thành một tư tưởng hoàn bị của Thiền Trúc Lâm. Tại thế tu hành cũng có thể  “lạc đạo”, “đạt đạo”, mà xuất gia tu hành cũng có thể “thành đạo”. Vì thế ta thấy, con mắt của Nhân Tông là con mắt nhìn toàn diện đối với Phật giáo, chung cho mọi số phận, mọi thiên năng, mọi hoàn cảnh của người tu hành khi đến với đạo, xứng đáng là bậc Giáo chủ của tôn giáo Trúc Lâm. Với Nhân Tông, không có phân biệt xuất gia hay tại gia, nhâp thế hay xuất thế, mà cốt ở có đạo có tâm hay không. Bởi theo ông, vấn đề là ở chỗ phải thấy được cái “bản tâm” của mình. Nếu con người có “bản tâm”, thì dù tại gia hay xuất gia đều có thể giác ngộ. Còn nếu không có “bản tâm” thì dù có xuất gia cũng không thể đắc đạo, không thể thành đạo. Bài ca nói về việc thành đạo nơi suối rừng của người xuất gia,  là một phương diện của tư tưởng Thiền Trúc Lâm.

Trần Nhân Tông là vị vua sáng của thế quyền, lại là vị Phật hoàng trí tuệ và nhân đức của giáo quyền. Những bài thơ Thiền, những luận thuyết tôn giáo, và đặc biệt là hai bài phú Nôm về đề tài Phật giáo của ông có vị trí vô cùng to lớn không chỉ trong văn học Phật giáo, mà còn là những tác phẩm thể hiện xuất sắc tinh thần, tư tưởng căn bản của Thiền phái Trúc Lâm, trở thành nền tảng căn bản về giáo pháp cho dòng phái Phật giáo mang tinh thần dân tộc này.

  1. Vịnh Vân yên tự phú

Huyền Quang (1254 – 1334) tên thật là Lý Đạo Tái, người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, nay là làng Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Tương truyền ông học giỏi, đỗ cả thi hương, thi hội, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ (trạng nguyên) khoa thi năm 1272 và được bổ làm việc trong Viện Nội Hàn của triều đình, tiếp sư Bắc triều, nổi tiếng văn thơ. Sau này ông từ chức đi tu, theo Trần Nhân Tông lên Trúc Lâm Yên Tử. Là một, tổ thứ ba dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ông là một nhà thơ lớn với nhiều bài thơ còn được lưu lại. Cùng với Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông và Pháp Loa, ông được xem là một Đại thiền sư của Việt Nam và người ta xem ông và hai vị nêu trên ngang hàng với sáu vị tổ của Thiền tông Trung Hoa hoặc 28 vị tổ của Thiền tông Ấn Độ. Ông được cử làm thị giả của Trúc Lâm Đầu Đà và được ban pháp hiệu là Huyền Quang. Sư theo lời phó chúc của Trúc Lâm trụ trì chùa Vân Yên (nay là chùa Hoa Yên) trên núi Yên Tử. Vì đa văn bác học, tinh thông đạo lí nên tăng chúng đến học rất đông. Niên hiệu Đại Khánh thứ 4 (1317), Huyền Quang được Pháp Loa truyền y của Trúc Lâm và tâm kệ. Sau khi Pháp Loa tịch (1330), ông kế thừa làm Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm.

Tác phẩm Phật giáo quan trọng nhất của Huyền Quang là Vịnh Vân yên tự phú. Khác với Cư trần lạc đạo phúĐắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Phật hoàng Trần Nhân Tông, vốn rất chuyên chú và trực tiếp thuyết lý, giảng giải về đạo pháp, giáo lý Trúc Lâm, thì Vịnh Vân yên tự phú của Huyền Quang là một bài phú văn học hoàn bị về hình thức, và đặc sắc về nội dung khi gián tiếp trình bày giáo lý qua việc miêu tả cảnh trí thiên nhiên, đất nước, con người tu hành, mà ở đây là hình ảnh của chính Phật hoàng Trần Nhân Tông và của chính Huyền Quang, như những biểu tượng tu hành của Trúc Lâm. Lời phú bay bổng, tao nhã. Âm thanh réo rắt, mượt mà. Hình ảnh thiên nhiên và con người đẹp đẽ, trong trẻo, đầy chất thơ. Tác phẩm giống với loại đại phú tán thể, bởi lời lẽ khoa trương, phóng túng, bay  bổng, âm vận hài hòa mà thanh thoát, ý tứ cân đối mà dồi dào…

Vịnh Vân yên tự phú là một tác phẩm phú văn học Phật giáo bằng chữ Nôm vào loại đẹp nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, thể hiện một tâm hồn phong phú, đầy cảm xúc và tưởng tượng, một bút lực tinh tế và điêu luyện, giàu chất nghệ thuật. Vượt khỏi sự giảng thuyết giáo lý khô khan, tác phẩm tái hiện ra trước mắt người đọc tràn đầy hình ảnh tự nhiên sống động, say mê. Chất thơ tràn đầy tác phẩm. Ý Thiền phảng phất trong từng câu từng chữ, mà vẫn tự nhiên, mềm mại, uyển chuyển.  Tác phẩm thể hiện rõ phong cách thiên về cảm xúc trong văn học Phật giáo. Huyền Quang vốn là thi sĩ Thiền theo khuynh hướng thiên về cảm xúc tiêu biểu nhất của thời Trần. Toát lên trong toàn bài phú là cảnh đẹp và vẻ đẹp của thế giới tu hành.  Huyền Quang đã mĩ hóa cuộc sống tu hành tới tột cùng của tán tụng.  Ông kéo cuộc sống tu hành gần với cuộc đời, mang vẻ đẹp và sức sống của cuộc đời trần thế, nhưng ông cũng đem đến cho cuộc đời trần thế những sắc màu siêu thoát, bay bổng và kì vĩ của đời sống đạo. Sự hòa quyện, hòa hỗn đạo – đời rất rõ, và tinh thần “hòa quang đồng trần” đạt đến mức tự nhiên, không gò gẫm, như là một nét căn bản trong chủ đề của tác phẩm này.

Người ta có thể thưởng thức Vịnh Vân Yên tự phú như thưởng thức một tác phẩm văn học mà người không có hiểu biết giáo lý vẫn có thể cảm nhận được cái đẹp của nghệ thuật tôn giáo, vì nó không thiên về thuyết giảng giáo lý, phổ độ đường tu như trong các bài phú của Trần Nhân Tông. Tác phẩm của Huyền Quang đẹp đẽ óng ả, âm thanh trong trẻo hài hòa. Cảnh sắc trong bài phú là cảnh sắc non xanh nước biếc lung linh huyền ảo, là hình ảnh người tu hành với vẻ đẹp siêu thoát và lãng mạn, thể hiện cái không gian vừa thanh cao vừa trần thế của chốn tu hành. Bàng bạc một màu Thiền mà không mất đi sự sống động, đầy màu sắc, âm thanh, đường nét.

Bài phú cho ta thấy được cái thanh thản nhẹ nhàng và vô ưu của người hành đạo đã gột bỏ hết bụi trần. Cái trong trẻo, hồn nhiên của tâm hồn Huyền Quang thể hiện trong bài phú này khiến ta liên hệ tới việc các tác giả Tam tổ thực lục đã ngợi ca phẩm hạnh đạt tới sự “vô dục” của ông. Tam tổ thực lục ghi lời nghi vấn của vua Trần Anh Tông, rằng: Đại sư là người tiết dục hay vô dục? Và từ đó có chuyện vua đưa nàng Điểm Bích tới Yên Tử để thử lòng sư, cuối cùng, thì dù cách nào, nhà sư được chiêu tuyết trắng trong. Ông đã gạt bỏ mọi vọng động của tâm hồn, xóa bỏ mọi tác động của ngoại giới để chứng vào đất Phật.

Bài phú gồm 8 đoạn và một bài kệ. Mỗi đoạn là một bức tranh thiên nhiên sống động, kỳ thú, đẹp mê hồn như cảnh giới thần tiên, hay cõi Tây phương cực lạc.  Đó cũng là 8 khoảnh khắc tâm trạng của người tu đạo phơi phới trên đường đi vào cõi Phật. Nhẹ nhàng thanh thoát, không cố gắng gồng mình lên. Đầy cảm xúc chân thành say mê, không chút gò gẫm của lý trí. Vịnh Vân Yên tự phú làm theo thể “bát vận” (tám vần), ngôn từ chau chuốt trong sáng khiến có người nghi ngờ rằng “ngôn ngữ văn học của Hoa Yên tự phú không phải là chất phác, thô sơ”, “khiến người ta nghi ngờ rằng tác phẩm Nôm này khó xuất hiện trong thời Trần” (Đinh Gia Khánh 1978, 237). Nhưng  quả thực, tác phẩm này gắn với tên tuổi Huyền Quang lại như một sự tự nhiên.

Kết thúc bài phú là một bài kệ bằng chữ Nôm, gói gọn tư tưởng, tình cảm và ngữ khí tán tụng của tác giả:

Rũ không thay thảy ánh phồn hoa,
Lấy chốn thiền lâm làm cửa nhà.
Khuya sớm sáng choang đèn Bát-nhã,
Hôm mai rửa sạch nước Ma-ha.
Lòng thiền vằng vặc trăng soi giại,
Thế sự hiu hiu gió thổi qua.
Cốc được tính ta nên Bụt thực,
Ngại chi non nước cảnh đường xa.

Bài kệ tụng là lời khuyên người tu buông bỏ hết không còn vướng bận chuyện phồn hoa thị thành, vào chốn rừng Thiền lấy đó làm nhà cửa. Hôm sớm được sáng rỡ bằng ngọn đèn Bát nhã, thắp sáng ngọn đèn Bát nhã nơi mình, rồi mượn nước Bát nhã rửa sạch tất cả bụi trần. Lòng thiền sáng vằng vặc như mặt trăng rọi lên chái nhà. Khi đó việc đời hiu hiu như gió thổi qua mất, không dính với mình. Nếu biết được tính ta là Phật thật thì không ngại đường xa hiểm trở, cứ tìm đến tận nơi sẽ đạt được kết quả.

Kết luận

Chúng ta cần “mở con mắt vô phân biệt” để thưởng thức ba tác phẩm đặc sắc của Phật hoàng và Đệ tam tổ về Phật giáo Trúc Lâm. Chúng ta không thể và không nên phân biệt họ sáng tác nghệ thuật về Phật giáo Trúc Lâm hay phát biểu tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm bằng nghệ thuật.

Ba bài phú thể hiện đặc sắc tư tưởng Trúc Lâm qua con mắt nhìn nghệ thuật. Cả ba bài phú đều lấy cách “dẫn Thiền dụ thi”, tức là lấy Thiền lí, cảm xúc Thiền để thâm nhập vào thơ văn, nhấn mạnh thi đạo, văn đạo và Thiền đạo, coi trọng ở sự diệu ngộ, đè cao tính co giãn và dung lượng của ngôn ngữ thi ca, văn học, lấy sắc thái thần bí siêu việt của Thiền để khoác thêm một tầng đa nghĩa, một tấm áo ngoài đa tầng thứ của nghệ thuật văn chương, mang lại cho thơ văn một sự gợi mở vô hạn. Các tác giả đã mang Thiền lí, cảm xúc Thiền vào thơ văn, làm phong phú và phát triển thêm nội dung và hình thức của nghệ thuật thơ văn. Họ lại cũng lấy cách “dẫn thi nhập Thiền”, tức là lấy vẻ đẹp của nghệ thuật văn học để trình bày, phô diễn một cách trực quan và gần gũi những tư tưởng, giáo lý Phật giáo Trúc Lâm uyên áo, cao siêu, làm cho Thiền học Trúc Lâm thêm phần bay bổng, mĩ lệ.

Các tác phẩm nghệ thuật của Đệ nhất tổ và Đệ tam tổ có ý nghĩa giúp người Phật tử biết vui với đạo trong bất cứ hoàn cảnh nào chứ không câu chấp vào tại gia, xuất gia, không phân biệt đạo – đời. Người tu hành phải biết mở con mắt “vô phân biệt” thì mới chứng nhập được chân lý, mới có thể giác ngộ, nếu còn câu chấp vào sắc – không, phàm – thánh, tăng – tục, có – không…, thì rất dễ mê lầm, thậm chí có thể “nhìn Phật thành ma”. Các tác phẩm này cho chúng ta thấy cái trong trẻo vô ưu trong tâm hồn hai ngài. Điều đó là để nói rằng, một tôn giáo chỉ đẹp là bởi những tư tưởng và tâm hồn cao đẹp của các tu sĩ, chứ không phải bởi việc xây chùa to, đúc tượng lớn, phô trương tài vật. Bài học rút ra ở đây là, người tu sĩ Phật giáo không chỉ phải phụng sự đạo pháp mà còn phải tích cực phụng sự dân tộc, không phải chỉ giỏi kinh kệ mà còn phải giỏi nhập thế giúp đời, hơn nữa, phải biết sống một đời sống kiệm ước, phải thường xuyên trau dồi, tu dưỡng để thanh lọc hóa tâm hồn, thanh lọc hóa tinh thần và phẩm hạnh, để đạt tới trạng thái trong trẻo vô ưu, thì mới có thể phụng sự Phật giáo và dân tộc một cách hiệu quả. Phật giáo Trúc Lâm qua mắt nhìn nghệ thuật của Nhân Tông và Huyền Quang hiện ra vô cùng đẹp đẽ, trong trẻo và sang trọng. Đó chính là hình ảnh của giai đoạn “Phật giáo tinh hoa” trong lịch sử dân tộc.

Tài liệu tham khảo

Bùi Văn Nguyên (1971), Bàn về một khía cạnh trong thơ trữ tình thời Trần. Tạp chí văn học, số 1, Hà Nội.

Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (1978), Văn học Việt Nam thế kỷ X, nửa đầu thế kỷ XVIII. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.

Đỗ Văn Hỷ (1975), Câu chuyện Huyền Quang và cách đọc thơ Thiền. Tạp chí văn học, số 1, Hà Nội.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh (2008), Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia kỉ niệm 700 năm mất của Nhà vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Kiều Thu Hoạch (1965), Tìm hiểu thơ văn các nhà sư Lý – Trần. Tạp chí văn học, số 6, Hà Nội.

Minh Chi (1992), Góp phần tổng kết Phật giáo đời Trần. Tạp chí văn học, số 4, Hà Nội.

Ngô Thì Nhậm (1978), Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

Nguyễn Công Lý (2003), Văn học Phật giáo Lý – Trần: diện mạo và đặc điểm, Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Nguyễn Duy Hinh (1977), Yên Tử – Vua Trần – Trúc Lâm. Nghiên cứu lịch sử, số 2, Hà Nội.

Nguyễn Đăng Thục (1972), Núi An Tử với Thiền học Trúc Lâm. “Tư tưởng”, số 2, 4, Sài Gòn.

Nguyễn Huệ Chi (1983) – Động và tĩnh của đất nước qua thơ ca các vị vua thi sĩ thời Trần.

Nguyễn Phạm Hùng (1983), Về diễn tiến của thơ trỡ tình thời Trần, Tạp chí văn học, số 4, Hà Nội.

Nguyễn Phạm Hùng (1998), Trần Nhân Tông giữa cảnh đời hư thực, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 4, Hà Nội.

Nguyễn Phạm Hùng (2008), Các khuynh hướng văn học thời Lí – Trần, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguyễn Phạm Hùng (2015), Văn học Phật giáo Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguyễn Phương Chi (1981), Huyền Quang, nhà sư – thi sĩ. Tạp chí văn học, số 3, Hà Nội.

Phạm Ngọc Lan (1992), Trần Nhân Tông và cảm hứng Thiền trong thơ. Tạp chí Văn học, số 4, Hà Nội.

Quốc sử quán triều Lê (1967), Đại Việt sử ký toàn thư, T. II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

Thích Mãn Giác (1974), Phật học – Thiền học và thi ca. Tu thư đại học Vạn Hạnh xuất bản, Sài Gòn.

Thích Phước An (1992), Thiền sư Huyền Quang và con đường trầm lặng mùa thu. Tạp chí văn học, số 4, Hà Nội.

Thích Phước Sơn (2992), Nhìn khái quát Phật giáo đời Trần. Tạp chí văn học, số 4, Hà Nội. 1992.

Thích Thanh Từ (2015), Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, NXB Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, 2015.

Trần Lê Sáng (1974), Tìm hiểu văn phú thời kỳ Trần Hồ. Tạp chí Văn học, số 6, Hà Nội.

Ủỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (1981), Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[2] Ngô Thì Nhậm: “Đức ngài lúc bấy giờ xem thiên hạ là công, trong nước vô sự, nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được yên tâm. Cái ý ấy là không tiện nói rõ, sợ người ta dao động. Cho nên nhằm được ngọn núi Yên Tử là núi cao nhất, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang tỉnh Lạng, dựng lên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vi Vô Lượng Đại lực Thế Chí Bồ Tát”. (Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh, NXB Khoa học xã hội, H. 1978, tr. 101)

[3] Thích Thanh Từ: “Hồi xưa đọc cuốn sách của cụ Ngô Thời Nhậm, ông ở cuối đời Lê sang đời Nguyễn. Trong đó có một đoạn tôi không bằng lòng, vì ông nói: Ngài Điều Ngự Giác Hoàng lên tu trên núi Yên Tử là kế để dòm chừng giặc Bắc. Nói thế xem như Ngài đi thám thính để lấy tin tức, chớ không phải đi tu. Sau này cũng có vài học giả y cứ theo lời nói ấy mà có cái nhìn sai lệch về Tổ. Tôi không thích câu đó, nhưng lâu nay chưa có bằng chứng giải bày. Đến khi đủ duyên, cuối năm 2001 tôi lên tới Ngọa Vân am, mới thấy rõ ràng cái nhìn của Ngô Thời Nhậm rất là lệch lạc, làm mất giá trị của Tổ….Những lời của cụ Ngô Thời Nhậm vô tình làm mất uy tín của Tổ, vì cụ cho rằng Ngài tu không ra tu, lẫn lộn giữa đời với đạo. Trong khi đó, Tổ rất cương quyết sống đời ra đời, đạo ra đạo. Hồi nào ở tại triều đình trị dân trị nước, Ngài hết lòng vì dân vì nước. Khi đi tu hẳn là tu, chớ không lôi thôi. Vì thế Tổ không đi ngựa, chỉ đi bộ thôi. Đường lên Yên Tử rộng quá, xe ngựa kiệu cáng đưa lên gần tới trên, nên Ngài tránh qua Ngọa Vân am ẩn tu. Ở đây đường nhỏ xíu, chỉ một người đi, không có người thứ hai cùng đi, làm sao kiệu cáng khiêng cho được. Như vậy để thấy rằng ý nguyện của Ngài dứt khoát, khi tu là phải đạt đạo chớ không nói chuyện lôi thôi » (Bài giảng về Cư trần lạc đạo phú).

[4] Tuy nhiên, theo chúng tôi, động cơ tôn giáo dường như ngày càng có sức thuyết phục hơn trong việc xuất gia tu hành của Phật hoàng. Có một ví dụ liên hệ đến việc nhận thức này: Nhân kết thúc Olimpic 2012 tại London của nước Anh, người ta bắt đầu chú ý tới tinh thần căn bản của Olimpic là tinh thần thể thao đã bị nhiều quốc gia biến thành tinh thần dân tộc. Điều này ít nhiều làm tổn hại đến việc nhận thức đúng đắn phong trào thể thao lớn nhất hành tinh này. Cũng như vậy, khi nghiên cứu tác phẩm của Trần Nhân Tông, nhiều người bằng thiên kiến hiện đại, nhiều khi biến tinh thần tôn giáo thành tinh thần dân tộc một cách thái quá, khiến cho việc lý giải tư tưởng của Phật Hoàng có phần khiên cưỡng, phiến diện.

[5] Từ tháng 4-2012, Học viện Trần Nhân Tông (Tran Nhan Tong Academy) được ông Nguyễn Anh Tuấn – nghiên cứu sinh của Trung tâm báo chí, chính trị và chính sách công Shorenstein (Đại học Harvard) thành lập ra với mục tiêu nghiên cứu sâu sắc về vua Trần Nhân Tông, đồng thời quảng bá những giá trị tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của vị vua này ra thế giới. Bắt đầu với Hội nghị Giải thưởng Quốc tế Trần Nhân Tông về Hoà giải và Yêu thương ngày 16-2-2012 diễn ra tại Hà Nội với sự ủng hộ, đồng hành của nhiều bè bạn quốc tế như cựu Tổng thống Latvia Vaira Vike-Freiberga, cựu Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Michael Dukakis, Giáo sư Thomas Patterson, Trường Đại học Harvard… Sắp tới đây, Ban đại diện Học viện Trần Nhân Tông cho biết sẽ tổ chức Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông về Hoà giải và Yêu thương cùng với Lễ trao giải là Hội nghị quốc tế Trần Nhần Tông tại Boston tiến đến phối hợp xây dựng Bảo tàng Trần Nhân Tông ở thủ đô Hà Nội. Ông Thomas E. Patterson, Giáo sư khoa Chính trị và Báo chí, Trường Chính trị John F. Kennedy, Đại học Harvard, chủ tịch giải thưởng Trần Nhân Tông. Hàng năm, Trần Nhân Tông Academy với một Hội đồng cố vấn giải thưởng bao gồm nhiều nhân vật uy tín như nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn An; bà Vaira Vike – Freiberga – cựu Tổng thống Latvia; Ông Michael Dukakis – cựu Thống đốc bang Massachusetts; bà Ann Mc Daniel – Phó Chủ tịch thường trực tạp chí Washington Post…tổ chức lựa chọn, trao giải thưởng Quốc tế Trần Nhân Tông vì Hòa giải và Yêu thương dành cho những người bằng hành động, tầm ảnh hưởng của bản thân mình có những đóng góp nổi bật cho sự nghiệp hòa giải và yêu thương nhân loại, xây dựng tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo giải quyết các mối xung đột, chấm dứt chiến tranh, những người đóng góp to lớn trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái trên thế giới. Những cá nhân được trao giải sẽ được nhận huy chương và bằng chứng nhận. Ngoài ra, Trần Nhân Tông Academy cũng sẽ tổ chức một Hội nghị Trần Nhân Tông hàng năm về hòa giải và yêu thương. (http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=0&chitiet=52181&Style=1)

.
.
.
.