Phật giáo Trúc Lâm ở hải ngoại: Triển vọng và thách thức

PGS.TS. Đỗ Lan Hiền

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

  1. Triển vọng của Phật giáo Trúc lâm tại Hải ngoại

Vào các thập niên cuối của thế kỷ XX, Phật giáo với tinh thần “vô ngã” và “hư không” lại có thể thâm nhập vào được những xã hội vốn được xem là mảnh đất dung dưỡng cho chủ nghĩa duy vật chất và chủ nghĩa cá nhân đến mức độ cao nhất. Lúc này, sự lan truyền của Phật giáo sang châu Âu không phải bằng con đường bạo lực hay cưỡng bức từ trên xuống, cũng không phải bằng những hệ thống khái niệm có tính chất triết lý tư biện trừu tượng vốn là đặc thù của tư duy phương Tây. Trái lại, nó được đón nhận một cách rất tự nguyện, với một niềm say mê, một sự nhận thức đầy xác tín và trải nghiệm tâm linh thực tiễn của chính giới trí thức nổi tiếng của châu Âu như A.Schipenhauer (Đức), F.Nietzsche (Đức), Michel Hulin (Pháp), Jean – Claude Zandman (Pháp).

Trước đấy, giới trí thức châu Âu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như Auguste Comte (1789-1857) và Emile Durkheim (1858-1917) đều cho rằng, mọi sự giải thích thế giới bằng Thiên chúa đã lỗi thời, đối tượng thờ cúng cần thay đổi cho phù hợp với thời đại và khoa học, phải được thay thế bằng những con người thật, ví như, tôn các nhà khoa học làm giới tăng lữ, các nhà bác học qua đời thành Thánh nhân bất tử, nhấn mạnh đến tính hiện thực/ thực tế của tôn giáo, coi xã hội hiện thực mới có sức mạnh tuyệt đối, còn Thiên Chúa hay thiên đường chẳng qua cũng chỉ là một biểu tượng phỏng chiếu/ ước vọng của chính xã hội hiện thực mà thôi. Albert Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối, một thời, từng nhạo báng tôn giáo, với ông, danh từ Chúa không gì khác ngoài việc thể hiện sự yếu đuối của loài người, Kinh thánh là tập hợp những điều đáng kính, nhưng vẫn còn nguyên sơ, huyền ảo và khá ngây ngô…Nếu có thứ gì được gọi là tôn giáo hay Chúa thì đó là sự thán phục vô tận dành cho cấu trúc thế giới mà khoa học của chúng ta đã khám phá ra[2]. Nhưng Albert Einstein lại là một tín đồ sùng Phật, với Albert Einstein, Phật giáo là một tôn giáo có thể thoả mãn được các đòi hỏi của khoa học vì Phật giáo có những đặc tính cho một tôn giáo phổ dụng của tương lai, Phật giáo vượt qua khỏi khả tính thượng đế và các thần linh, tránh được các giáo điều. Phật giáo là sự thống nhất đầy ý nghĩa giữa bản năng và tinh thần, có nghĩa là, Phật giáo được xây dựng trên nền tảng đòi hỏi mãnh liệt từ kinh nghiệm của vạn vật, của bản năng và của cả trí tuệ, do đó, Phật giáo hội tụ đầy đủ các yếu tố của một khoa học.

Hơn thế, Phật giáo Trúc Lâm hấp dẫn người châu Âu và đặc biệt là giới trẻ bởi nó đã thay đổi một phần nội dung hạn hẹp trong Phật giáo nguyên thủy ở điểm, ai cũng có thể thành Phật ngay giữa cõi đời này, tu không nhất thiết phải ăn chay, niệm phật, phải tụng kinh gõ mõ, đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì ngủ, điều căn cốt chỉ cần kiến tính tâm mình thành Phật là đủ. Con người sống giữa đời thế tục cứu giúp chúng sinh, đó là phúc, mới đáng được trân trọng, còn trốn tránh cõi đời, ở ẩn giữa rừng núi, thì đó là họa, thật uổng công, đáng trách (Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc; Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thật đồ công[3]). Giới chức sắc khi đưa Phật giáo Trúc Lâm vào xã hội Âu châu cũng đã bắt đầu quan tâm, hối thúc, truyền cảm hứng cho tín đồ sự ham mê làm giầu, sự tự tin, không trốn tránh thực tại, không bi lụy trước mọi khó khăn, không trông chờ, ỷ lại vào tha lực. Định mệnh có hay không là do ta và không phải là bất di bất dịch. Nếu ta thụ động, tin theo số phận và ngồi đó chờ một phép mầu xảy ra thì định mệnh là có thật vì ta đã không cố gắng, tận dụng mọi khả năng để chuyển nghiệp của mình. Chính chúng ta mới có thể giải thoát sinh tử cho mình chứ không phải Thánh, Thần, Phật. Mọi việc thành bại, tốt xấu đều do chúng ta tạo nên[4], chủ trương đó bắt gặp và tương thích với tính tự lực của người châu Âu.

Phật giáo đề cao vô dục (diệt dục), nhưng Phật giáo lại đi sâu vào nghiên cứu cái bản năng, dục tính, cái ngã, cái siêu ngã, cái tiềm thức trong mỗi con người, để định hướng cho tín đồ kiểm soát được cái dục, giữ được cái dục quân bình để đời sống an vui, điều hoà, cân bằng. Đặc biệt, Phật giáo Trúc lâm còn khai thác triệt để tinh thần “vui đạo tùy duyên”, đi đứng ngồi nằm đều là thiền cả, đói thì ăn, khát thì uống. Như vậy, Phật giáo Trúc Lâm đã chú trọng đến cá tính, sở thích và bản năng con người để cho nó được tự do trỗi dậy, đồng thời lại nâng đỡ, “giải thoát” cho họ khỏi những căng thẳng bản năng, đem lại cho con người niềm tin, cảm hứng sống. Chủ trương này cũng hoàn toàn phù hợp với phật tử Âu Mỹ.

Phật giáo Trúc Lâm, mặc dù, mang yếu tố nhập thế, nhưng lại thực sự thoát khỏi cám dỗ quyền bính trần thế, khắc phục sự tuyệt đối hóa chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa duy vật chất, hình thành một thứ tôn giáo vừa suy niệm, siêu phàm, vừa thỏa mãn con người trong trạng thái được “giải thoát khỏi mình”, giải toả những phiền não trong tâm, những áp lực của sự tranh chấp trong gia đình và xã hội, áp lực của hoàn cảnh tự nhiên mà trong một thời gian dài, mọi thể năngtrí năng của họ không thể giải quyết được, nên nó hấp dẫn người Âu châu hiện đại ở điều đó. Người phương Tây, khi mất đi trạng thái chủ động về tư duy, mất đi trạng thái làm chủ cuộc đời mình hoặc thất vọng với chính mình, họ thường tìm đến cái chết (tự tử)[5], những cái chết do tự tử thường xuất hiện trong khu vực tín đồ theo Tin Lành, Chính Thống giáo, Công giáo (Châu Âu)[6] hoặc Thần đạo (Nhật Bản), Tin Lành (Hàn Quốc), ít thấy ở những khu vực theo Phật giáo. Như vậy, khi Phật giáo đến với người châu Âu, người châu Âu có thể tìm thấy ở Phật giáo một chốn “dung thân”, một sự “bấu víu”, một sự “ẩn mình” khi họ cảm thấy cuộc đời trở nên vô nghĩa.

Lối tư duy của người phương Tây là duy lý, trừu tượng thường dẫn đến tin vào lý trí hơn tin vào kinh nghiệm, nếu có sự mâu thuẫn giữa lý trí và thực tế thì thường cho lý trí là đúng, trở nên tuyệt đối hóa lý trí. Phật giáo đi theo con đường Trung đạo, không thiên về lý trí trừu tượng nhưng cũng không quá đề cao kinh nghiệm rườm rà phức tạp mà hài hòa, trung dung. Lối tư duy này thực sự hỗ trợ, bổ khuyết cho tư duy duy lý cực đoan của phương Tây.

Trong lịch sử truyền thừa của mình, Phật giáo Trúc Lâm không làm những điều nguy hại đối với các tôn giáo khác, không xem sự tồn tại của các tôn giáo khác như là một chướng ngại trên con đường phát triển tôn giáo của mình và không xem mình là tôn giáo được lựa chọn duy nhất để bắt tín đồ phải cải đạo. Do đó, những khu vực có sự xuất hiện của Phật giáo thường tạo nên một môi trường chính trị – xã hội hòa bình, ít xung đột về ý thức hệ, về đức tin, hóa giải tính cuồng tín, độc tôn, độc thần đã từng tạo nên những xung đột “xé nát” châu Âu bằng các cuộc Thập tự chinh và Thánh chiến. Chính vì vậy, Phật giáo Trúc Lâm cũng dễ dàng len lỏi và phát triển được ở châu Âu.

Thêm nữa, sự phát triển nhanh, nóng của châu Âu, khiến con người rơi vào cảm giác “khủng hoảng”, khủng hoảng về môi trường, khủng hoảng về tài nguyên thiên nhiên, khủng hoảng về kinh tế, khủng hoảng về dịch bệnh, chiến tranh, khủng bố, đói nghèo có thể đưa đến những hệ lụy, những hành vi lệch chuẩn (tự sát, giết người hàng loạt, hiếp dâm, ma túy); sự tha hóa đạo đức (loạn luân, ngoại tình) đang đè nặng lên tâm trí khiến người phương Tây quan tâm hơn đến Phật giáo với các phép tu tập của nó, đặc biệt là phép thiền. Họ đến với Phật giáo không hẳn để đi tu, để quy y Tam bảo mà là để tập thiền, trước tiên là để nâng cao sức khỏe, sau là để kiểm soát tham, sân, si; để tìm một sự an định tinh thần (mental security); để học lối sống thanh tịnh, vô vi, không gợn chút ưu phiền, bực bội trước bất kỳ hoàn cảnh sống nào của các bậc cao tăng, tiếp sức thêm cho họ trong cuộc sống bộn bề lo toan. Vì tất cả lẽ đó, Phật giáo Trúc Lâm đã thuyết phục người châu Âu hiện đại ngày nay

Giới trẻ Âu châu cũng đang tìm đến với Đạo Phật ngày càng nhiều. Theo thống kê năm 2010, Đạo Phật là tôn giáo lớn, đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Tại Pháp, Mỹ, Canada nơi có đông cộng đồng người Việt định cư sinh sống đã có khá nhiều các ngôi chùa Phật giáo Trúc Lâm như Trúc Lâm Thiền Viện – Tây Thiên tại Edmonton (Canada) do thầy Thích Pháp Hòa trụ trì, Trúc Lâm Thiền Viện ở Villebon-sur-Yvette (ngoại ô Paris), được xây dựng từ năm 1976 và hoàn thành vào năm 1990, ngôi chùa này do Hòa thượng Thích Thiện Châu sáng lập. Trụ trì hiện nay là Hoà thượng Thích Phước Đường. Trúc Lâm Thiền Viện nằm ở lưng chừng đồi, một khu vực ngoại ô gồm chủ yếu biệt thự, cách trung tâm Paris khoảng hơn 20 km. Khuôn viên chùa chỉ khiêm nhường khoảng 600 mét vuông, tương đương các căn biệt thự gần đó. Tuy nhiên, Trúc Lâm Thiền Viện vẫn có đủ chính điện trung tâm, giảng đường, thư viện, thiền đường, các thiền thất và nhà thập phương. Đây là một trung tâm Phật giáo Trúc Lâm quan trọng của người Việt ở Paris.

Tín đồ xuất gia tu học theo phái Phật giáo Trúc Lâm có mặt ở nhiều nước như: Mỹ, Pháp, Úc, Canada, Thụy Sĩ. Riêng tại Mỹ, số phật tử quy y và tu học theo pháp môn Thiền Trúc Lâm rất đông, nhưng vì thiếu không gian tu tập, thiếu người trực tiếp hướng dẫn tu học. Do đó, một số Phật tử có tâm đạo nhiệt thành và lòng thiết tha tu học, đã hợp tác cùng nhau đứng ra vận động thành lập Ban sáng lập Thiền viện. Sau khi thỉnh nguyện lên Hòa Thượng Thích Thanh Từ đã được Hòa Thượng chấp thuận. Ngài chỉ định một số Phật tử có khả năng hoàn thành tốt Phật sự lãnh trách nhiệm Trưởng ban kiêm Hội phó Hội Thiền học Việt Nam là Phật Tử Chánh Hiền Quang, Hội Trưởng Hội Thiền học Việt Nam là Hòa Thượng Hải Ngoại, Tổng thư ký là Phật Tử Quảng Khoái, …). Hòa Thượng Thích Thanh Từ cũng chính thức chỉ định thầy Thông Giải làm Trị Sự. Ngày 15/04/2001, Ban sáng lập Thiền viện mời tăng ni, phật tử tham dự phiên họp đầu tiên để thông báo chương trình, kế hoạch thành lập Thiền Viện Đại Đăng, đã được mọi người hoan hỷ tán thành và nhiệt tình đóng góp tài lực, công sức. Từ khi có ý tưởng, đến việc chọn đất thích hợp (không đầy mười tháng), một ngôi Thiền viện khang trang, đẹp đẽ đã xuất hiện trên một ngọn đồi tọa lạc tại số 6326 Camino Del Rey, tại thành phố Bonsall ở vùng San Diego thuộc miền nam tiểu Bang California 92003, Mỹ. Thiền Viện Đại Đăng được xây dựng trên một sườn đồi với diện tích 36ha (9 mẫu Tây)[7], đây là một nơi yên tĩnh, ít tiếng ồn, xa khu dân cư, xung quanh có đồi núi và rừng cây bao bọc, bên dưới chân đồi hướng về phía trước Thiền Viện có hồ nước trong xanh, sáng sớm và chiều tà có sương mờ lãng đãng, phong thủy rất thiền vị. Khí hậu lại mát mẽ ôn hòa, mùa hè không nóng bức, mùa đông không lạnh, du khách đến nơi đây rất thích thú. Sau khi khánh thành Thiền Viện, Ban sáng lập Thiền Viện đã làm lễ dâng hiến Thiền viện Đại Đăng lên Hòa Thượng, và chuyển giao toàn bộ thủ tục hành chính, quyền quản lý sang chư tăng chịu trách nhiệm lãnh đạo, điều hành mọi sinh hoạt của Thiền viện. Các Phật tử xin giải thể các chức vụ đã được giao, và nguyện chỉ là người Phật tử bình thường luôn ở bên cạnh để hỗ trợ các chư tăng những công việc Phật sự cần thiết cho Thiền Viện. Hòa Thượng Viện Trưởng phân công thầy Tuệ Giác làm Trụ Trì, thầy Tuệ Tĩnh làm Phó Trụ Trì kiêm Thủ Bổn, Thầy Thông Giải làm Thư Ký kiêm Trị Sự. Hòa Thượng Thích Thanh Từ chính thức công bố Thiền viện Đại Đăng[8] là Tổ Đình của Thiền Tông Phật Giáo Việt Nam tại Hải Ngoại. Đây là một trung tâm nghiên cứu và tu học của Hội Thiền Học Việt Nam lần đầu tiên đã được chính thức thành lập tại Hoa Kỳ. Đây là một cơ sở thiền học trực thuộc dưới sự lãnh đạo và giáo hóa của Hòa Thượng Thiền chủ Thích Thanh Từ với chủ trương khôi phục dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Hòa Thượng Thích Thanh Từ cũng là người lãnh đạo và điều hành hơn mười ngôi Thiền Viện Trúc Lâm tại Việt Nam[9].

Thiền viện Đại Đăng là nơi chuyên tu và đào tạo tăng sĩ, đồng thời cũng là nơi hướng dẫn phương pháp tu tập hành thiền cho các thiền sinh khắp nơi trên thế giới (không dành riêng cho người Việt mà cho cả người Tây phương). Sau ngày khánh thành, Thiền Viện Đại Đăng đã chính thức đi vào hoạt động bình thường. Cho đến năm 2012 (sau mười năm thành lập), số tăng thường trú đã lên tới 25 vị. Thời khóa tu học của Thiền Viện Đại Đăng lấy theo khuôn mẫu của Thiền Viện Trúc Lâm ở Đà Lạt làm tiêu chuẩn. Mọi sinh hoạt của tăng đoàn đều chấp hành nghiêm chỉnh theo Thiền quy mà Hòa Thượng Tông Chủ đã vạch ra, đặc biệt là tinh thần Lục Hòa[10] được áp dụng triệt để. Đây là một Tăng đoàn hiếm có trên đất Mỹ hiện nay vì có những Thiền sinh còn rất trẻ, đã tốt nghiệp đại học, cao học, có công ăn việc làm ổn định, có triển vọng về công danh sự nghiệp nhưng đã giác ngộ Phật pháp, ý thức được sự vô thường của kiếp nhân sinh, xuất gia tu học, khép mình trong qui củ của Thiền môn, miệt mài trau dồi đạo nghiệp. Hiện nay, số phật tử (Việt kiều) qui tụ về Thiền Viện mỗi ngày một đông bởi pháp môn tu thiền của Thiền viện Đại Đăng hội đủ ba tiêu chuẩn: Khế cơ, khế lý, khế thời, nên các phật tử dễ thực hành. Những người Âu châu cũng bắt đầu tìm hiểu, tiếp nhận Thiền học Phật Giáo qua hệ thống thống internet và các bài giảng của Hòa Thượng đã được phiên dịch ra tiếng Anh, họ cũng tìm đến xin tu học. Thiền Viện Đại Đăng đã mở thêm một lớp tu học hành thiền cho nhóm phật tử người Mỹ vào chủ nhật mỗi tuần.

Nói chung, Phật giáo Trúc Lâm theo bước chân người Việt đi sang châu Âu, với những nỗ lực gây dựng của chư tăng, phật tử, sự uy tín về đạo học và đạo hạnh của giới chức sắc Phật giáo Trúc Lâm, tại Hải ngoại, Phật giáo Trúc Lâm đã thực sự tạo nên một hấp lực đối với người Việt và cả người châu Âu bởi những yếu tố mà chúng tôi phân tích ở trên.

  1. Những thách thức của Phật giáo Trúc lâm tại Hải ngoại

Trên con đường truyền thừa của mình tại Hải ngoại, Phật giáo Trúc Lâm cũng không tránh khỏi những trở ngại. Đôi khi, những trở ngại đó không phải bởi Phật giáo Trúc Lâm đã mất vị trí và chỗ đứng trong đời sống tinh thần và tâm linh của cộng đồng người Việt tại Hải ngoại, mà lại do chính những lễ nghi, hình thức, quy định do con người đặt ra khiến Phật giáo Trúc Lâm gặp những vướng trở trên con đường phát triển của mình.

Thứ nhất, Phật giáo Trúc Lâm khi đi ra nước ngoài đã cố gắng Âu hóa những lễ nghi sinh hoạt, đôi khi vội vàng, trở nên mất hướng, mất bản sắc của mình khiến nó không còn là đích đến để người Việt Hải ngoại đến với Phật giáo Trúc Lâm như hướng về cội nguồn quê hương, bản quán của họ. Đôi khi, để chiều lòng giáo chúng, Phật giáo Trúc Lâm đã bê nguyên cả những lễ nghi cúng bái như bói quẻ, coi tướng số của Phật giáo Trúc lâm tại quê nhà, khiến người Âu Châu, người Việt tại Hải ngoại cảm thấy không phù hợp với xã hội Âu Mỹ văn minh hiện đại. Phật giáo Trúc Lâm vì quá khai thác tôn chỉ Phật tại Tâm, tu không thiền, không tụng, không trì giới, do đó tính rằng buộc tín đồ phải tham gia vào thực hành các lễ nghi, giới luật rất yếu. Chính vì vậy, tín đồ (đặc biệt là giới trẻ) ít có nhu cầu và sự rằng buộc phải đến Chùa.

Thứ hai, tìm hiểu Phật pháp, tu tập Thiền định không được xem là ưu tiên đối với người Việt Hải ngoại, kể cả khi họ bị Stress, căng thẳng, mệt mỏi thì họ có quá nhiều thứ lựa chọn ưu tiên để giải tỏa như shopping, bar, dancing, matxa, facebook, …chứ không phải là thiền định. Sự mưu sinh ở nơi đất khách quê người đã chiếm hết ưu tư, công sức của họ, nên thời gian, tâm trí dành cho việc thiền định, đến chùa không còn là ưu tiên số “Một”.

Thứ ba, các cơ sở Thiền viện Trúc Lâm ở Hải ngoại ít có điều kiện để phô trương hình thức (về quy mô chùa, trang trí, tiện nghi, kiến trúc, vị trí) như các ngôi Thiền viện tại Việt Nam. Trong khi đó, tiện nghi hiện đại (điện tử, internet, công nghệ 4.0, thư viện, phòng đọc, phòng học, …) lại là một trong những tiêu chí mà người phương Tây (người Việt tại Hải ngoại) quan tâm, coi đó là điểm hấp dẫn để họ đến với chùa. Người Tây phương và giới trẻ đến với Phật giáo không phải qua con đường giác ngộ hay thực hành nghi lễ, mà họ tìm thấy được sự an lạc tinh thần hoặc lợi lộc trần thế ngay tức thì, trong khi đó, thực hành những nghi lễ của Phật giáo, đôi khi, tạo cảm giác khô khan, đơn điệu, nhàm chán, dông dài (mất thời gian), không hấp dẫn người Âu châu, đặc biệt là giới trẻ.

Thứ tư, sự thiếu hụt nhân sự (giới tu sĩ chuyên nghiệp) của phái Thiền Trúc Lâm đáp ứng yêu cầu vừa truyền thống vừa hiện đại (hội nhập) để hướng dẫn tín đồ tu tập, quảng bá Phật pháp và quản lý các Thiền viện Trúc Lâm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, làm cho triển vọng phát triển của Phật giáo Trúc Lâm gặp trở ngại. Đặc biệt, tại Hải ngoại, nhu cầu “cứu rỗi tâm linh” cho đối tượng người già cô đơn, bệnh nhân, tội phạm, trẻ em hư,… rất cao, nhưng các Thiền viện Trúc Lâm thường không đáp ứng được, tạo nên sự thất vọng nơi tín đồ.

Thứ năm, đa phần người Việt ra Hải ngoại vào những năm của thập niên 70, đến nay đã thuộc thế hệ người cao tuổi, họ vẫn giữ quan niệm “trẻ vui nhà, già mới vui chùa”, nên không khuyến khích con em họ đến chùa. Các thế hệ trẻ được sinh ra tại Hải ngoại vốn hấp thụ văn hóa, văn minh Âu Mỹ, đứt gãy với văn hóa truyền thống, ngôn ngữ mẹ đẻ cũng xa rời, vốn Hán ngữ và minh triết Đông phương coi như bằng không, nên khó hấp thụ được những giáo lý cao siêu trừu tượng của Phật giáo khi được truyển tải sang tiếng Anh. Những bài thuyết pháp bằng tiếng Việt bị coi là lạc lõng, xa rời thực tế sống động bên ngoài, nên Phật pháp không hấp dẫn lôi cuốn giới trẻ, chùa không phải là nơi hấp dẫn giới trẻ lui tới, nên không thu hút được họ thực hành thiền định, lễ nghi. Các Thiền viện Trúc Lâm tại Hải ngoại, thường trong khung cảnh, chỉ thấy bóng dáng người già lai vãng.

Tóm lại, ngôi nhà Phật giáo Trúc Lâm tại Hải ngoại đã được dựng lên trên một nền móng vững chãi, để có thể vươn cao, mở rộng hơn nữa tại Hải ngoại, Phật giáo Trúc Lâm cũng cần có một chiến lược thay đổi trên ba phương diện: truyền giảng Phật pháp, sinh hoạt lễ nghi, nhân sự. Trong đó, cốt tủy nhất là vấn đề nhân sự (tăng tài).

Thời Đức Phật còn tại thế, việc tuyển chọn tu sĩ rất kỹ lưỡng, đức Phật đã chọn các đệ tử cho mình đều xuất thân là các bậc thức giả của giới Balamon hoặc các vị bác học ở đời, điển hình là hai đệ tử tỳ kheo thần thông bậc nhất là Sariputra (Xá-lợi-phất) và Kolitha Moggallana (Mục-kiền-liên), nên khi giác ngộ, họ đều dễ dàng có đủ Ngũ minh, và đã đóng góp rất hữu hiệu trong việc hoằng đạo và chấn hưng Phật giáo. Ở Việt Nam, các tổ đình của Thiền phái Trúc Lâm đều xuất thân từ các bậc vương giả là Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Ngô Thời Nhiệm, họ đều là những bậc thức giả vừa tinh thông Nho – Phật – Đạo, thành công trên con đường xuất thế, lại vừa thành công trên con đường nhập thế (Trần Nhân Tông là linh hồn của 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Ngô Thời Nhiệm, xuất thân trong gia đình danh gia vọng tộc chốn Bắc Hà, là người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh), nên đã đóng góp rất nhiều trong việc làm rạng danh Phật giáo thời Lý, Trần (thế kỷ XI – XIII) và Lê – Nguyễn (Thế kỷ XVIII) sau này, và tạo nên một hệ phái Phật giáo Trúc Lâm đặc sắc, một dấu son đẹp trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Nói tóm lại, để hướng tới giới trẻ châu Âu, Phật giáo Trúc Lâm cần thay đổi: cách thức truyền giảng giáo lý cần sinh động, hiện đại, dễ hiểu; nghi lễ giản lược tốn ít thời gian; pháp môn tu tập cũng phải đơn giản, dễ thực hành, thiết thực giúp giới trẻ có thể tháo gỡ những vướng mắc ngay trong cuộc sống thường nhật, giải tỏa lo âu, phiền muộn, căng thẳng, stress… chia sẻ cả những điều tò mò, thắc mắc của giới trẻ về cá tính, về bản năng. Để làm được điều đó, quan trọng hơn cả, cần có được một đội ngũ tăng tài: (i) có Ngũ minh (trình độ học vấn toàn diện): Nội minh, Nhân minh, Thanh minh, Công xảo minh, Y phương minh[11]; (ii) có được sự nghiệp (có thể là giáo thọ, trụ trì, có thể là giảng sư tư thục, có kinh tài); (iii) có ý chí trau dồi đạo nghiệp (kiên định, khiêm nhẫn, tinh tấn, chuyên nhất); (iv) có được sự uy nghi, đạo mạo của một tu sĩ chuyên nghiệp (giới tịnh, căn tịnh, sống chính mệnh); (v) có khả năng khẩu khí thuyết phục, lôi cuốn hấp dẫn người khác, thì dù ở bất cứ đâu, bối cảnh nào Phật giáo Trúc Lâm cũng sẽ có triển vọng phát triển.

[2] Hawking, Stephen W. (2001), The universe in short, Bantam Books, pag. 26.

[3] Viện Văn học, Thơ Văn Lý Trần, tập II, Nxb Khoa học Xã hội, H.1989, tr. 506.

[4] Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, Nxb tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr.252.

[5] Ông Anthony Bourdain là người dẫn chương trình của series Anthony Bourdain: Parts Unknown, chương trình về du lịch và văn hóa ẩm thực của tất cả các nước trên thế giới, ông đã giành một số giải Emmy cũng như giải Peabody năm 2013.Tài năng của ông chưa bao giờ làm chúng ta hết ngạc nhiên, nhưng ông đã ra đi ngày 8/6/2018 (61 tuổi) khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao bằng con đường tự tử.

[6] Theo trang Web: giadinh.net/mười quốc gia có tỉ lệ tử tử cao nhất (đưa tin ngày 29/06/2014): 10 quốc gia đó là: Belarus (20,5/100.000 người); Latvia (20,8/10.000 người); Sri Lanka (21,3/100.000 người); Nhật Bản (21,4/100.000 người); Hungary (21,7/100.000 người); Slovenia (21,8/100.000 người); Kazakhstan (25,6/100.000 người); Guayana (26,4/100.000 người); Hàn Quốc (28,1/100.000 người); Lithuania 31/100.000 người

[7] Cách tính mẫu của người phương Tây, 10.000m2 tương đương với 2,47 mẫu Anh.

[8] Tại Mỹ,  trước Thiền viện Đại Đăng, còn có Thiền viện Trúc Lâm Hòa Từ, thành lập năm 2009, tại Mesa, Arizona, Mỹ.

[9] Chân Không, Thường Chiếu, Linh Chiếu, Viên Chiếu, Huệ Chiếu, Phổ Chiếu, Chân Chiếu, Tịch Chiếu, Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Tây Thiên, Trúc Lâm Sùng Phúc, Trúc Lâm Bạch Mã.

[10] Lục hòa: Thân hòa, Khẩu hòa, Ý hòa, Giới hòa, Kiến hòa, Lợi hòa.

[11] Ngũ Minh: Nội minh là thông rõ Tam tạng kinh và kinh nghiệm tu tập; Nhân minh là khả năng luận giải thông thạo về chính, tà, đúng, sai; Thanh minh là khả năng thông thạo về ngôn ngữ, văn thơ; Công xảo minh là khả năng thông thạo về nghề nghiệp, toán học, khoa học, văn chương, triết lý (thuộc ngoại điển). Y phương minh là khả năng hiểu biết về y lý, thuốc men, trị bệnh. Một tu sĩ thiện xảo cả 05 khả năng trên sẽ là một tu sĩ hoạt dụng, đem lại nhiều lợi ích cho đời, và truyền đạo sâu rộng vào giáo chúng.

.
.
.
.