PGS.TS Trần Hồng Liên
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. Hồ Chí Minh
Dẫn nhập
Từ thời Đức Thánh tổ Lạc Long Quân mở nước, truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam đã được định hình. Truyền thống yêu nước, khẳng định tinh thần độc lập, tự chủ đã được hình thành từ thời khai nguyên lập quốc của các vua Hùng. Tinh thần ấy càng đạt đỉnh cao với giai đoạn của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Người đã hai lần cầm quân ra trận bảo vệ tổ quốc. Đức Đại Thánh Vương Trần Hưng Đạo, qua cuộc đấu tranh vệ quốc chống Mông Nguyên, 3 lần thắng giặc. Đại lực Bảo quốc Thượng Thánh Vương Trần Hưng Đạo là vị anh hùng dân tộc, đã nêu cao tấm gương vì tổ quốc, vì dân tộc ở thế kỷ XIV, triều đại nhà Trần. Đến thời hiện đại, phát huy truyền thống yêu nước này, nhà cách mạng, chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiếp nối truyền thống gắn bó với tổ quốc và dân tộc, đã làm chất keo kết nối truyền thống tốt đẹp này cho thế hệ trẻ tiếp nối, qua lời nhắn nhủ ngay tại đền Hùng: “Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước”.
Thời Trần, Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Như vậy, những hoạt động của Phật giáo thời Trần, tất yếu đã có những đóng góp nhất định trong việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là sự nghiệp “bảo quốc, an dân”.
ài viết nêu lên giá trị của tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử (PG TLYT) trong việc góp phần hình thành bản sắc nền văn hóa dân tộc, cũng như trong sự nghiệp giữ nước.
1.Vai trò của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trong việc hình thành bản sắc nền văn hóa dân tộc
Để góp phần vào việc định hình và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, trong suốt triều đại của mình, các vua nhà Trần đã biết phát huy tính dân tộc, tinh thần nhập thế của Phật giáo, đồng thời cũng tích hợp được 3 pháp môn của Thiền tông, Tịnh Độ Tông, Mật tông, và kết hợp tinh hoa của Nho-Phật-Đạo. Hãy lần lượt xét các biểu hiện này qua chủ trương của Trần Nhân Tông.
1.1 Thể hiện tính dân tộc
Chúng ta biết rằng, quá trình hình thành Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử cũng là quá trình đúc kết, dung hợp 3 dòng thiền đã có trong lịch sử: dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, để sáng tạo nên một đường hướng mới mẻ, mang tính dân tộc rõ nét, đồng thời cũng bộc lộ một xu hướng mới, xu hướng “về nguồn” cho nền Phật giáo nước nhà.
Các tông phái Phật giáo đều từ nguồn mạch của Phật giáo mà ra, còn lan rộng sang các nước, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác. Đức Thánh tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã đến thuyết hóa ở Việt Nam. Hệ truyền thừa của Phật Hoàng tích hợp ảnh hưởng Phật giáo Ấn Độ từ Đức Phật Thích Ca xuống đến đời thứ 28; với đức Thánh tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền sang Trung Quốc, trở thành sơ tổ Thiền tông Trung Hoa; với dòng phái của Đức Thánh tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Sự dung hợp các dòng thiền này của phái Trúc Lâm, để trở thành dòng phái của Việt Nam, mà Tuệ Trung Thượng sĩ, có thể cần được nhìn nhận như là vị giáo tổ mở đầu cho một đặc tính mới của Phật giáo Việt Nam thời cận đại.
Trở về với nét riêng có của Phật giáo Việt Nam, trong điều kiện bối cảnh xã hội Việt Nam và những đặc trưng tộc người Việt Nam, cũng chính là làm hiển lộ giáo lý chân truyền của đức Phật Thích Ca về tính tùy thuận của Phật giáo trong dòng chảy của Phật giáo từ quê hương gốc Ấn Độ, chính là thể hiện tính dân tộc, góp phần làm rõ đặc trưng tộc người Việt trong quá trình lịch sử.
Nếu như Điều Ngự Giác Hoàng là người khai sáng, thiết kế chủ trương, họat động của thiền phái, thì Pháp Loa là vị tổ thực thi, xây dựng hệ thống tổ chức điều hành Giáo hội Trúc Lâm. Đó là sự tự mình phân biệt với Thiền tông Trung Hoa; biệu lộ tính độc lập để nhằm thống nhất ý thức hệ. Mô hình Phật giáo Nhất tông được thiết kế từ thời vua Trần Thái Tông, đến Trần Nhân Tông mới hoạt động thực tiễn mạnh mẽ. Trần Nhân Tông được tôn vinh là giáo chủ Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Phái Trúc Lâm Yên Tử đã hoạt động theo tinh thần nhập thế, mang bản sắc dân tộc, thể nghiệm tu chứng ngay giữa cõi đời này.
Đặc biệt, tính dân tộc còn được thể hiện rõ nét nhất trong quan niệm của người cai trị muôn dân, chính là Trần Nhân Tông đã truyền lại những bài học lịch sử, là sự đúc kết kinh nghiệm cách giữ nước gồm 7 điều của mình cho hậu thế, nhất là cho chính Trần Anh Tông[2], vị vua kế thừa ngôi vị của Nhân Tông, trong buổi lễ truyền ngôi vua lại cho con mình.
Chủ nghĩa yêu nước qua tinh thần nhập thế vào đời của các thiền sư, đã giúp cho Phật giáo Việt Nam gắn bó với đất nước và dân tộc trãi suốt cuộc hành trình giữ nước của dân tộc Việt Nam.
1.2 Thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam
Trở về suối nguồn đạo Phật, có thể thấy được nguồn mạch của một đạo, vốn có mặt trên cuộc đời là vì con người và cho con người. Tinh thần đó giúp con người quay trở về mình, về lại với bản thể, cái gốc của tâm, là Phật tính trong mỗi người đều có.
Với Trần Nhân Tông và sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Phật giáo Việt Nam thể hiện tính nhập thế tích cực. Tinh thần này được thể hiện qua lời nói, qua hành động của Điều Ngự Giác Hoàng, một trong tam tổ sáng lập phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, mà cũng đồng thời là vị vua cai trị muôn dân.
Trúc Lâm Yên Tử đã tích hợp từ những yếu tố của Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Trung Hoa, rồi sau đó vận dụng vào bối cảnh của Việt Nam. Tư tưởng nhập thế, dung hợp Đại thừa-Tiểu thừa, dung hợp Nho-Phật-Đạo, thể hiện Thiền-Tịnh-Mật trong giáo lý Phật giáo TLYT đã cho thấy tính sáng tạo, tích hợp các luồng văn hóa Phật giáo.
Trần Nhân Tông đã nói: “Nhân khuây bản nên ta tìm Phật” (Vì quên gốc rễ, nguồi cội nên đi tìm Phật). Tư tưởng nhập thế đã xuất hiện ở Đại thừa, đặc biệt khi sang Trung Quốc, với chủ trương mọi người đều có Phật tính, Phật tức tâm. Nhưng với quan niệm về tâm, quốc sư Trúc Lâm Phù Vân khuyên vua Trần Thái Tông rằng: Lấy muốn của thiên hạ làm muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình (Dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm). Và trên con đường quay trở về với tâm thanh tịnh, với Phật tâm, Tuệ Trung cũng nói: Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm (Tâm của muôn loài tức Phật tâm). Nghiên cứu về tư tưởng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một ý kiến đã khẳng định: “ Như vậy, Phật giáo Việt Nam vạch ra một con đường mới đi đến giác ngộ, hoàn toàn khác với Phật giáo Ấn –Trung, đó là con đường đi đến giác ngộ bằng cách cứu dân độ thế, và trên con đường này tâm con người ngày càng khai mở bao trùm thiên hạ, muôn loài vạn pháp, tức đạt đến tâm Phật.”[3]
Tinh thần nhập thế này làm rõ tư tưởng của Đại sĩ trong việc tiếp thu giáo lý Phật giáo, dựa trên căn bản: Phật pháp bất ly thế gian giác. Không thể ngộ đạo, chứng đạo khi ở ngoài thế gian. Chính cõi trần dục giới này là phương tiện giúp con người chưa hiểu đạo, qua những trãi nghiệm từ căn bản cuộc sống thực tế mà dần ngộ đạo, đi đến chứng đạo.
Giáo tổ Tuệ Trung Thượng sĩ đã hòa mình vào thế tục, không trái hẳn với người đời, vì vậy mới noi theo hạt giống của Phật pháp, dìu dắt được người đời. Chính Tuệ Trung cũng đã từng cho rằng: tìm sự giác ngộ là tìm ngay trong đời sống hiện thực này. Tư tưởng này cũng hoàn toàn phù hợp với Lục Tổ Huệ Năng, nhưng khác với Huệ Năng, cũng như các vị thiền sư Trung Hoa, ở chổ Tuệ Trung chủ trương nhập thế không phải vì cá nhân, mà là vì đồng loại, vì tổ quốc, vì xã hội.
Trúc Lâm Đại sĩ đã hành động theo tinh thần nhập thế, mang bản sắc dân tộc, thể nghiệm tu chứng ngay giữa cõi đời này. Ngài đã xuất gia, ngộ đạo, tu hạnh đầu đà, rồi đi xuống núi truyền đạo để khuyên người dân hành thập thiện, điều này đã cho thấy dưới thời Trần và qua Trần Nhân Tông, Phật giáo đã đi sát vào việc cải tạo xã hội, chuyển đổi nhận thức con người chính là từ tâm vị tha. Từ đó, xã hội sẽ dần được an ổn, người dân sẽ dần sống trong môi trường của suy nghĩ về điều thiện và hành động việc thiện. Như vậy, qua tính nhập thế của Phật giáo, xã hội đã dần được chuyển hóa từ gốc rễ. Xây dựng một xã hội mới trên căn bản kêu gọi thập thiện chính là qua đó Trúc Lâm muốn đưa giáo lý nhập thế, vốn là giáo lý căn bản của đạo Phật, làm căn bản cho nền đạo đức xã hội. Nhập thế theo tinh thần của Trúc Lâm chính là đã kết hợp được hai yếu tính quan trọng của đạo Phật, là từ bi và trí tuệ. Chỉ khi con người có bi tâm thì mới có thể đem tình thương ban rãi, mới thấy được mọi người chỉ có thể gắn kết, gần gũi nhau qua tình thương yêu, từ đó mới thôi thúc con người hành thiện, mới đưa họat động thiện vào cuộc đời. Trên căn bản của việc thực hành hai yếu tính ấy cùng lúc nên đạo và đời trong quan niệm của Trúc Lâm đã nhập làm một, không còn có sự ngăn ngại. Chính bởi vì khi tư tưởng của đạo được đưa vào đời để thực nghiệm, được hành xử trong đời thì đạo mới hoàn thành được chức năng cao cả của nó. Và cũng chính bởi dựa trên nhận thức ấy mà trong đường hướng lãnh đạo muôn dân, thế quyền và thần quyền đã nhập làm một! Đạo và đời không còn ranh giới! Lãnh đạo giáo hội có lúc là thiền sư, có lúc là vua đã lên làm Thái Thượng Hoàng. Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đâu phải ngẫu nhiên đã chọn ngọn núi Yên Tử chỉ để làm nơi tu hành. Chính từ vị thế mang tính chiến lược ấy, việc quan sát để bảo vệ biên cương từ phương Bắc sẽ được thuận lợi hơn.
Bức tranh “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ”[4] đã cho thấy nét nổi trội trong phương pháp, trong cách sống đạo của vị Tổ phái TLYT, đó là sự thể hiện tinh thần nhập thế; tính thống nhất về tư tưởng các tôn giáo, các dòng phái; có sự tích hợp giữa Thiền,Tịnh và Mật ; giữa Đại thừa và Tiểu thừa; giữa Nho-Phật-Đạo[5]. Tư tưởng này sẽ được xem xét ngay dưới đây.
1.3 Tích hợp Thiền-Tịnh-Mật
Tính thống nhất về tư tưởng của phái Trúc Lâm Yên Tử cũng được thể hiện, bộc lộ qua tinh thần nhất tâm, biện tâm, quy về bản thể, phá bỏ hình tướng.
Các công trình như Kim Cương Trường Đà La Ni khoa sớ, và sách Lục thời sám hối khoa nghi, do Trần Thái Tông biên soạn, và chúng ta cũng nhớ rằng Pháp Loa và Huyền Quang đã chủ trương cho các hành giả hành Mật giáo, Tịnh Độ theo phong thái Thiền, nghĩa là trì tụng thần chú để gia trì định lực ; niệm Phật là để đi đến nhất tâm bất loạn. Điều đó cho thấy yếu tố Tịnh Độ tông và Mật tông đã từng tồn tại trong Phật giáoTrúc Lâm Yên Tử.
Trong bức tranh “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” cũng đã cho thấy có sự kết hợp của tính chất Thiền, Tịnh. Sự kết hợp Thiền và Tịnh ở đây đã được Nguyễn Nam giải thích: “xu hướng kết hợp tu tập Thiền và Tịnh Độ cũng đã trở nên thịnh hành vào đời Nguyên, đặc biệt với Minh Bản thiền sư.(..) Sự hiện diện của chuỗi hạt trong tranh một phần có thể là nét mờ của khuynh hướng kết hợp Thiền- Tịnh đời Nguyên, đồng thời cũng phản ánh thực tế tu tập của Trúc Lâm Đại sĩ như Ngài từng viết trong “Đắc thủ lâm tuyền thành đạo ca”[6].
Tuy nhiên, cần thấy rằng quan niệm về Thiền và cách hành thiền của Trần Nhân Tông có khác, đó là việc Nhân Tông đã biết bám sát vào bài kệ truyền thừa của Đức Phật Thích Ca mà thực hành :“Bất lập văn tự/Giáo ngoại biệt truyền/Trực chỉ chơn tánh/Kiến tánh thành Phật”, nên trong quá trình trải nghiệm, chính Điều Ngự Giác Hoàng đã giác ngộ và chứng ngộ, thể hiện qua bài kệ nổi tiếng của mình mang tên Cư trần lạc đạo phú: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/Hễ đói thì ăn, mệt nghĩ liền/Châu báu đầy nhà thôi tìm kiếm/Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”. Vì vậy, bài phú này có thể được nhìn nhận như là bài kệ truyền thừa của Phật Hoàng để lại cho hậu thế, đó chính là thành quả của sự trải nghiệm và liễu ngộ của chính bản thân mình. Đồng thời, đây cũng là bài học cảnh báo cho những ai còn đi tìm phương cách giác ngộ và giải thoát thông qua phương cách ngồi thiền miên mật trong sự cố gắng rèn luyện tâm ý, cố gắng để diệt trừ các vọng tưởng khởi lên.
1.4 Kết hợp Nho-Phật-Đạo
Trong tín ngưỡng- tôn giáo của cư dân thời Trần, tính nhất quán, tính thống nhất, tính viên dung trong sinh hoạt tinh thần đã được thể hiện. Tính chất “Tam giáo đồng nguyên” đã trở thành nền tảng trong tư duy của người đứng đầu, lãnh đạo muôn dân lúc ấy.
Chúng ta nhớ rằng, từ giai đoạn mở nước, Lạc Long Quân và Âu Cơ, thủy tổ của dân tộc, đã lập nên nhà nước Âu Lạc[7], đến 18 đời vua Hùng dựng nước, đã dựng lên lá cờ tổ quốc [8] trong đó nổi bật 3 sắc màu: xanh, vàng, đỏ. Đó cũng chính là biểu tượng thể hiện tính tổng hợp của tam giáo.
Trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý,Trần, qua các cuộc chống ngọai xâm oanh liệt của Đức Đại Thánh Vương Trần Hưng Đạo, người còn được tôn xưng với danh hiệu “Đại lực Bảo quốc Thượng Thánh Vương”, giai đoạn đó lá cờ tổ quốc cũng là lá cờ Phật giáo, vì đây là giai đoạn Phật giáo là quốc giáo. Dưới triều đại Lý-Trần, lá cờ ấy được phấp phới bay trong tất cả các lễ hội, và vẫn được tiếp tục lưu truyền trong các lễ hội cho đến ngày nay.
Cũng có thể thấy rằng, tùy từng giai đoạn lịch sử, tùy từng lĩnh vực mà nhà nước thời Trần tăng cường hay giảm bớt tính chất Nho, Phật, hoặc Đạo, để nhằm duy trì một xã hội có kỷ cương, có đạo đức, nhưng không mê đắm với danh vị, quyền lợi, mà vẫn biết từ bỏ vinh hoa phú quý đúng lúc, đúng chổ, để có thể sống an nhiên, tự tại ngay giữa cuộc đời. Chẳng phải Phật HoàngTrần Nhân Tông đã từng nói: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên” đó sao?
1.5 Đại thừa và Tiểu thừa đồng đẳng
Hình ảnh Phật hoàng trong tháp Huệ Quang là hình ảnh đại sĩ khoác áo tăng hở vai phải. Phải chăng qua cách vấn y, qua cách sống đạo và hành đạo, Trúc Lâm Đại sĩ, cũng như Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử muốn nhấn mạnh đến tính viên dung, muốn chỉ rõ rằng: chẳng qua những lý luận sai biệt về Đại thừa, Tiểu thừa chỉ là phương tiện, những bất đồng trong y áo chỉ là sự tùy thuận theo từng đối tượng mà có phương cách giác ngộ phù hợp, nhưng cứu cánh của đạo Phật, mà những bậc Thượng sĩ, Đại sĩ đã giác ngộ, chứng ngộ, thì không khác? Chính hình tượng vấn y trong hình thức khác biệt, đã nhắc nhở chúng ta chớ tựa vào, chớ nương vào hình tướng, vào thể dụng của nó, mà cần trở về với bản thể, chất ban đầu, cội nguồn, gốc rễ của sự vật, là Phật tánh. Đó cũng là sự nhắc nhở chớ để cho tâm mình kẹt vào những điều nhìn thấy, đó thường chỉ là tướng và dụng. Hãy trở về với bản thể, với gốc rễ của sự vật. Tinh thần này chính là tư tưởng của Trần Thái Tông, của Tuệ Trung Thượng sĩ và của cả Trần Nhân Tông. Chúng ta từng nhớ rằng, trong bài “Thị chúng” (gợi bảo mọi người). Tuệ Trung Thượng sĩ đã viết: “Ví bằng quên nhị kiến/Pháp giới thảy bao dung”! Phá bỏ nhị kiến theo tinh thần của Tuệ Trung, cũng giúp người xem hướng đến tinh thần bất nhị, vượt lên trên đối đãi nhị nguyên. Đó là con đường đưa đến chính kiến trong Bát chính đạo của giáo lý Phật giáo.
Như vậy, về mặt tư tưởng, Phật giáo TLYT đã góp phần lớn trong việc định hình bản sắc văn hóa dân tộc, cho thấy PG.TLYT là một nền Phật giáo mang tính nhân gian Việt Nam sâu sắc.
- Giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trong việc giữ nước
Có lẽ chưa có vị vua nào trong lịch sử dân tộc đã trực tiếp hai lần tham gia chống giặc ngoại xâm như vua Trần Nhân Tông. Cũng hiếm tìm thấy một vị anh hùng dân tộc liên tiếp thắng giặc ngoại xâm, được tôn xưng Thánh Vương! Điều đó được lý giải từ việc vận dụng tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật. Đi đến giác ngộ như vậy, Phật giáo thời Trần đã mang trong mình tinh thần yêu nước. “Không thể nói yêu nước thương dân mà lại không lấy nguyện vọng, mong muốn của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình. Ngược lại, đã là người yêu nước chân chính thì phải lấy nguyện vọng, mong muốn của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình. “ Lấy” ở đây không phải là lấy cái chung chung trừu tượng ở trong tâm, mà phải bằng những hành động thiết thực cụ thể. Chính quan điểm này đã dẫn Phật giáo thời Trần đến chủ nghĩa yêu nước chân chính”[9]. Như vậy, có thể thấy, sống trong những hành động thiết thực, cụ thể trong cuộc sống chính là sống đạo, là đến với chân lý, là đến với Phật pháp. Và như vậy, đạt đến tâm vạn pháp cũng có nghĩa là hiểu và nắm được quy luật của vạn vật. Có nắm và hiểu quy luật thì mới có thể sống an nhiên, tự tại, mới vô tâm được.
Đó là sự tự mình phân biệt với Thiền tông Trung Hoa; biệu lộ tính độc lập để nhằm thống nhất ý thức hệ. Mô hình Phật giáo Nhất tông được thiết kế từ thời vua Trần Thái Tông, đến Trần Nhân Tông mới hoạt động thực tiễn mạnh mẽ. Trần Nhân Tông được tôn vinh là giáo chủ Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Phái Trúc Lâm đã hoạt động theo tinh thần nhập thế, mang bản sắc dân tộc, thể nghiệm tu chứng ngay giữa cõi đời này. Chủ nghĩa yêu nước qua tinh thần nhập thế vào đời của các thiền sư, đã giúp cho Phật giáo Việt Nam gắn bó với đất nước và dân tộc trãi suốt cuộc hành trình giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tinh thần dung hợp này chính là sự thể hiện tính bình đẵng, tính thống nhất, thể hiện sự gắn bó giữa đạo và đời, mà cụ thể nhất được gói gọn vào bài phú Cư trần lạc đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Kết luận
Như vậy, có thể cho rằng, trong quá trình hình thành và phát triển, Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã đóng vai trò quan trọng, đã góp phần lớn trong việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc.Vai trò ấy được thể hiện thông qua tính dân tộc của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, là một nền Phật giáo giải Ấn, giải Hoa, mang tính dân tộc, tính sáng tạo rõ nét, mà Tuệ Trung Thượng sĩ, có thể cần được nhìn nhận như là vị giáo tổ mở đầu cho một đặc tính mới của Phật giáo Việt Nam thời cận đại.
Nền Phật giáo ấy đã đưa đạo vào đời. Tinh thần nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử chính là vạch ra một con đường mới đi đến giác ngộ, hoàn toàn khác với Phật giáo Ấn –Trung, đó là con đường đi đến giác ngộ bằng cách cứu dân độ thế, và trên con đường này tâm con người ngày càng khai mở bao trùm thiên hạ, muôn loài vạn pháp, tức đạt đến tâm Phật.
Phật giáo Trúc Lâm cũng thể hiện sự sáng tạo, nét riêng có thông qua sự kết hợp của 3 yếu tố Thiền-Tịnh và Mật; thông qua việc kết hợp Nho-Phật-Đạo; qua việc đặt vị trí Đại thừa và Tiểu thừa đồng đẳng, tức phá bỏ tâm phân biệt..
Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nước. Quan điểm yêu nước phải đi đôi với thương dân đã làm cho tinh thần yêu nước của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đến với chủ nghĩa yêu nước chân chính.
Tóm lại, cảm niệm sâu xa và quan trọng nhất trong tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, là “thông điệp vô ngôn” gửi lại cho người đời sau, chính là sự khẳng định vai trò quan trọng của đạo Phật trong việc phổ hóa và phổ tế chúng sinh, mà trước hết là truyền trao Bồ tát giới, để nhóm lên ngọn lửa bi tâm; chỉ ra con đường đi đến giác ngộ bằng cách cứu dân độ thế. Đi đến giác ngộ bằng con đường này, Phật giáo Trúc Lâm, mà linh hồn là Trúc Lâm Đại sĩ, đã mang trong mình tinh thần yêu nước, thương dân. Thông điệp ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị./.
Tài liệu tham khảo
- Thích Đồng Bổn (2006). Vai trò chính trị của các tăng sĩ Phật giáo ở thời đại Lý-Trần. Hà Nội. Nxb. Tôn giáo.
- Nguyễn Hùng Hậu (1997). Lược khảo tư tưởngThiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội.
- Nguyễn Lang (1974).Việt Nam Phật giáo sử luận. Lá Bối xuất bản.
- Nguyễn Nam (2012) Bóng hình để lại. Tạp chí Suối Nguồn, số 7 /2012.
- Nguyễn Nhân (2017) Đức vua Trần Nhân Tông dạy con cách giữ nước, tín ngưỡng, công thức giải thoát và sự thật nơi trái đất này. Nxb. Hồng Đức.
- Lê Mạnh Thát (dịch và giới thiệu) (2010) Toàn tập Trần Nhân Tông. Phương Đông.
[2] Xem thêm Nguyễn Nhân (2017) Đức vua Trần Nhân Tông dạy con cách giữ nước, tín ngưỡng, công thức giải thoát và sự thật nơi trái đất này. NXB Hồng Đức, tr. 9-10.
[3] Nguyễn Hùng Hậu 1997. Lược khảo tư tưởngThiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, tr. 108-109.
[4] Bức tranh “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” được giới thiệu đến học giới Việt Nam vào năm 1999 đến nay, theo từng thời gian, mức độ ảnh hưởng của bức thư họa ngày càng được lan rộng. Cho đến tháng 11 năm 2012, tạp chí Suối Nguồn chính thức dành số đặc biệt, số 7/2012, tác giả Nguyễn Nam giới thiệu.
[5] Nguyễn Nam 2012 Bóng hình để lại. Tạp chí Suối nguồn số 7 /2012, tr.75-90.
[6] Nguyễn Nam (2012) Bóng hình để lại. Tạp chí Suối Nguồn số 7 /2012, tr. 71.
[7] lấy tên gọi chiết danh của Lạc Long Quân và Âu Cơ.
[8] Trên lá cờ này còn có màu xanh dương, tượng trưng thiên lý, thiên nhiên, tượng trưng cho vũ trụ quan, chân lý bình đẳng và tinh thần bất diệt, là màu của bầu trời.
[9] Nguyễn Hùng Hậu (1997). Lược khảo tư tưởngThiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, tr. 109.