GS.TS. Nguyễn Hùng Hậu
Thiền Trúc Lâm Yên Tử là Phật giáo Việt Nam, một dòng thiền của Việt Nam. Vậy, một câu hỏi đặt ra: Tại sao thiền Trúc Lâm Yên Tử ra đời? Sự ra đời của nó có phải là một hiện tượng lịch sử tất yếu hay chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên nhất thời? Nét đặc sắc trong tư tưởng của người sáng lập ra thiền Trúc Lâm Yên Tử là gì?
Trước hết, để trả lời câu hỏi về sự ra đời của thiền Trúc Lâm Yên Tử, ta hãy đặt thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong một khung cảnh rộng hơn để tìm ra cái lôgíc ngầm bên trong của các sự kiện.
Theo quy luật thịnh suy của các triều đại, sau thời kỳ huy hoàng kéo dài hơn hai trăm năm, cuối triều Lý, đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Cùng với sự suy yếu của chính quyền trung ương cuối triều Lý, các lãnh chúa địa phương nổi dây cát cứ như Đoàn Thương ở Hải Hưng, Nguyễn Tư ở Hà Tây, Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, … Nông dân, một mặt, bị bóc lột nặng nề để phục vụ cho sự ăn chơi xa xỉ của giai cấp thống trị, mặt khác, lại bị thiên tai mất mùa nên đã xuất hiện nhiều cuộc khởi nghĩa như Thanh Lôi, Lê Văn, Phí Lăng, … Thủ đô Thăng Long nhiều lần bị đánh phá. Vua Lý bất lực, khi thì dựa vào nhóm này, khi thì dựa vào nhóm khác, cuối cùng dựa vào nhà Trần ở Thái Bình. Nhà Trần dần dần thâu tóm được quyền lực, chinh phục được các lực lượng cát cứ khác và thâu quy tụ nước về một mối. Sau khi lập ra triều đại mới, nhà Trần vì muốn lấy lòng dân và không muốn cắt đứt mạch phát triển liên tục của văn hóa, nên vẫn đề cao Phật giáo, tôn giáo được đa số dân chúng tin theo lúc bấy giờ. Nhưng Phật giáo thời Lý có những ba thiền phái: Tì Ni Đa Lưu Chi nghiêng về Ân Độ, Vô Ngôn Thông ngả về Trung Hoa và Thảo Đường của nhà Lý; nhà Trần đã chinh phục được những lực lượng cát cứ, đưa đất nước thống nhất về một mối; bởi vậy, họ cũng muốn thu về một mối những lực lượng cát cứ về tư tưởng tinh thần, muốn hình thành nên một hệ tư tưởng mới cho triều đại mình. Nếu nhiện vụ thứ nhất do Trần thủ Độ đứng ra đảm nhiệm, thì nhiệm vụ thứ hai đang đè nặng lên vai Trần Thái Tông – vua đầu tiên của nhà Trần. Cũng chính vì lý do đó mà tác phẩm Khóa hư lục – tập đại thành đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, của triết học Việt Nam ra đời. Như vậy, ý đồ tạo dựng nên ngọn cờ – hệ tư tưởng mới cho triều đại mới mà Trần Thái Tông là người mở đầu đã rõ. Nhưng do Nhà Trần mới lên, một mặt, phải lo củng cố lực lượng bên trong; mặt khác, bên ngoài, quân Nguyên Mông lại ngấp nghé, lâm le xâm phạm bờ cõi; bởi vậy, ý đồ này đành phải gác lại. Sau ba lần thắng quân Nguyên Mông oanh liệt, khí thế đất nước, tinh thần dân tộc được thổi bùng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, do đó, nhiệm vụ, ý đồ trước kia đáng lẽ phải thực hiện, thì nay lại được đặt ra một cách gay gắt hơn bao giờ hết. Trần Nhân Tông – cháu của Trần Thái Tông đã đứng ra đảm đương trọng trách này bằng cách, sau khi giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng Nguyên năm 1288, năm năm sau ông đã nhường ngôi cho con, đi vân du khắp thiên hạ học hỏi đạo Phật để đến tháng 8 năm 1299, lên Yên Tử hình thành một thiền phái mới mang đậm màu sắc Việt Nam, thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sự xuất hiện của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã đánh dấu bước hoàn tất của những chiến công vang dội ở bến Chương Dương, cửa Hàm tử, sông Bạch Đằng. Đến đây việc trả lời cho những câu hỏi trên đã rõ: sự xuất hiện thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên nhất thời mà là một hiện tượng tất yếu lịch sử do điều kiện xã hội của Đại Việt khi đó qui định.
Câu hỏi thứ hai, vậy, nét đặc sắc trong tư tưởng của Trần Nhân Tông – người sáng lập ra thiền Trúc Lâm Yên Tử là gì?
- Trước hết, ta thấy Trần Nhân Tông là một ông vua yêu nước, thương dân, lúc nào Người cũng đau đáu lo cho dân cho nước. “Lo nước” (ưu quốc) luôn luôn canh cánh, nung đốt trong lòng ông. Điều này được thể hiện trong bài Tiễn sứ Bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng. Trong bài này, ông đã đưa ra quan điểm: Sống mà không giúp ích gì cho đời là điều đáng hổ thẹn của kẻ trượng phu (Sinh vô bổ thế trượng phu tàm). Đúng là khí chất của một vị quân vương, một nam nhi đại trượng phu đầu đội trời chân đạp đất. Cũng chính vì luôn nghĩ đến dân, đến nước, nên ông đã vân du sang Chiêm Thành, hứa gả công chúa cho vua Chiêm để giữ mối giao hoà cho hai nước. Khi đất nước sạch bóng quân thù, cũng vì yêu nước, nên ông lại lo nghĩ đến dân để “Khoan thư sức dân”. Điều này ta có thể thấy rõ ở cuộc đời và sự nghiệp của ông. Và cũng vì yêu nước nên ông luôn lo đến sự đoàn kết của toàn dân, đặc biệt là sự nhất trí về tư tưởng. Và cũng chính vì lý do đó mà ông đã đứng ra thành lập dòng thiền Việt Nam – thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sau khi đánh tan quân xâm lược, cũng chính vì yêu nước, thương dân mà Nhân Tông lo con người dễ bị mất gốc, dễ lạc vào đường ác, nên đã kêu gọi mọi người hãy tu theo “thiệp thiện” (mười điều thiện), để xây dựng trong nhân dân một đạo đức xã hội lành mạnh trên nền tảng đạo đức Phật giáo. Đó cũng là ước nguyện của ông. Như vậy, ở ông đã hình thành nên tư tưởng cứu khổ một cách triệt để cho con người. Khi nước mất, con người bị nỗi khổ làm thân nô lệ. Nhưng khi đất nước sạch bóng quân thù, liệu con người hết khổ chưa? Xin thưa: vẫn còn, như cầu bất đắc khổ (cầu mà không được, khổ). Nhân Tông đã nhìn ra điều này và ông muốn cứu con người không chỉ thoát khỏi nỗi khổ của người dân mất nước, mà còn muốn cứu con người khỏi những nỗi khổ thường nhật hàng ngày bằng cách xiển dương Phật giáo. Phải nói sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn ra ý tưởng thâm sâu đó, nên đã chủ trương đã làm cách mạng thì phải làm cho đến nơi.
- Nét đặc sắc trong tư tưởng của Trần Nhân Tông có nhiều, nhưng trước hết phải kể đến tư tưởng cho rằng nếu tâm con người bị phân tán không tập trung thì sẽ chẳng làm được cái gì đến nơi đến chốn, chẳng nghĩ được cái gì cho ra hồn. Cũng vì lý do đó mà Nhân Tông kêu gọi mọi người chớ có phân tâm, đa lòng, mà quay lại một lòng, nhất tâm bất loạn. Về điều này trong bài ”Cư trần lạc đạo phú” ông viết:
”Miễn cốc một lòng;
Thì rồi mọi hoặc.” (1/506)
Như vậy, chỉ khi nào đạt tới nhất tâm bất loạn thì mới trừ bỏ được mọi hoặc; từ đó mới đuổi ra ngoài được tam độc (tham, sân, si) và chứng được tam thân Phật. Muốn cắt đứt được loạn tâm (lòng) thì đừng để lục tặc làm luỵ (Đoạn lục căn, nên trừ lục tặc). Và có đạt đến nhất tâm bất loạn, thông suốt trong lòng thì mới dừng được tam nghiệp, thông suốt giáo lý của Phật, tổ, thân tâm mới được thanh tĩnh.
”Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm;
Đạt một lòng thì thông tổ giáo.” (1/507)
- Để chỉ bản thể, Trần Nhân Tông dùng khái niệm “bản”. Ông dùng chữ “bản” là muốn nói tới cái gốc, cái ngọn nguồn, cái bản nguyên, cái đầu tiên của vũ trụ. Cái gốc (bản) này, theo Nhân Tông, luôn trong trẻo, vượt trên mọi đối đãi thiện ác khi ông viết:
”Bản tính lặng im trong trẻo, không thiện ác.”
(Bản tính trạm ngưng, vô thiện ác.) (2, tờ 37b phần ”Thiền đạo yếu học”)
Tư tưởng này được kế thừa ở người ông – Trần Thái Tông, và người thầy – Tuệ Trung Thượng Sĩ. Trần Thái Tông cho rằng bản tính sâu trầm, chân tâm trong lặng (bản tính huyền ngưng, chân tâm trạm tịch). Rõ ràng ở vế đầu giữa hai ông cháu chỉ khác nhau ở chữ ”huyền” và chữ ”trạm”). Tuệ Trung Thượng Sỹ cho rằng thể tính vằng vặc chưa từng có mê lầm. (Thể tính minh minh vị hữu mê). Như vậy, ở Trần Thái Tông, bản tính sâu trầm trong lặng, ở Thượng sỹ, thể tính vằng vặc chưa hề có mê lầm, ở Nhân Tông, bản tính lặng yên trong trẻo. Thực ra tuy diễn đạt có khác nhau nhưng tư tưởng của ba ông chỉ là một.
Điểm khác giữa ông với Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ có lẽ là ở quan niệm về nguồn gốc xuất hiện thế giới cảm tính, xuất hiện hiện hữu. Ở Thái Tông từ không khởi vọng (tức vô minh); vọng xét trên bình diện nhân sinh cũng chính là niệm. Bởi vậy vấn đề là phải thủ tiêu vọng niệm và đạt đến vô niệm, tức đạt đến giải thoát (thuỳ vô niệm, thuỳ vô sinh). Ở Thượng Sĩ, từ không (hay vô) xuất hiện huyễn hoá (ảo hoá hay vô minh), phân thành nhị kiến. Như vậy, xuất hiện vô minh cũng tức là xuất hiện nhị kiến, thủ tiêu nhị kiến tức vô minh tự diệt. Nhân Tông ít bàn đến bản thể – không; ông hầu như cũng ít đề cập đến nguồn gốc xuất hiện thế giới hiện tượng; mà ông chỉ nói: ”Chỉ vì phân biệt kén chọn, nên sinh ra lắm mối nhiều đường” (Lương do liệu giản, hoành xuất đa kỳ). Như vậy, nguồn gốc những dường mối, mọi cái trong thế giới hiện tượng này là do phân biệt kén chọn. Trước đó, Thái Tông cũng cho rằng: ”hữu sai nhất niệm, cố hiện đa đoan”. Ở Thái Tông, cái đa đoan, muôn hình nghìn vẻ có nguyên nhân, nguyên do ở một niệm sai lầm xuất hiện; còn ở Nhân Tông, cái dường mối sinh ra là do kén chọn. Phải chăng những cái này thực sự khác nhau ? Đi sâu vào phân tích ta thấy, phân biệt kén chọn cũng là nhị kiến, có nhị kiến tức có sự kén chọn phân biệt, nếu vong nhị kiến tức không còn đối đãi phải trái, trên dưới, trước sau, tốt xấu, lành dữ, thiện ác, nhiễm sạch, thì làm gì còn phân biệt kén chọn nữa. Ở điểm này, Nhân Tông tiếp thu trực tiếp ở người thầy là Thượng sĩ. Nhưng suy cho cùng thì nhị kiến, vọng niệm cũng chính là vô minh. Tâm vô minh thì ta ngã bỉ thử, tâm cảnh, Phật tâm xuất hiện. Còn tâm ngộ thì ta cũng không, người cũng không, tâm cũng không, cảnh cũng không, chân cũng được, giả cũng được. Nhìn bề ngoài ta thấy Thiền Tông đi ngược lại Phật giáo nguyên thuỷ, song đi sâu vào bản chất thì thấy chúng không có gì mâu thuẫn, mà thống nhất với nhau.
- Ngay diễn đạt quan niệm vô thường ở Trần Nhân Tông cũng có những nét đặc sắc riêng của mình, khi ông cho rằng cuộc đời con người chỉ là một hơi thở. Điều này được thể hiện bằng bài kệ trong một buổi đại tham tại chùa Sùng Nghiêm:
“Thân như hơi thở trong mũi khi hô hấp,
Cuộc đời như đám mây bay theo gió ngoài núi xa
Chim quyên kêu đã bao ngày tháng
Chớ để luống qua mùa xuân một cách tầm thường.”
(Thân như hô hấp tỵ trung khí
Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân.
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú
Bất thị tầm thường không quá xuân.) (1,255)
Thân của chúng ta mong manh tạm bợ, giống như hơi thở hít vào thở ra nơi mũi, không có bền, không có thật. Hít vào rồi lại thở ra, thở ra rồi không hít vào nữa là chết. Nên nói mạng sống của con người mong manh như hơi thở ra vào. Cuộc đời hay thế giới này không bền lâu vững chắc, giống như gió thổi, mây bay trên đỉnh núi xa kia. Những đám mây trôi không dừng lại một chỗ, mây theo chiều gió cứ trôi hoài trôi mãi. Đây cũng là sự diễn tả cái vô thường trôi chảy không dừng ở Trần Nhân Tông. Đến đây ta nhớ lại khi trình bày quan điểm duy vật của C.Mác, Ph.Ăngghen cho rằng muốn sống, muốn tồn tại, muốn làm khoa học, nghệ thuật, chính trị, triết học, tôn giáo, … thì trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc. Nhưng người ta có thể nhịn ăn vài ngày cũng không sao, nhưng nhịn thở vài phút thử xem, khó mà tồn tại. Như vậy, Trần Nhân Tông còn đẩy đến cái tối thiểu cuối cùng là hơi thở trong sự tồn tại của kiếp người.
- Về tư tưởng Phật giáo, tư tưởng thiền học, ông cũng có nhiều nét đặc sắc, độc đáo. Điều này thể hiện trong bài “Cư trần lạc đạo phú”, khi ông viết:
“Bụt ở trong nhà;
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuây bản nên ta tìm bụt;
Đến cốc hay chỉn bụt là ta”.
Ở đây, Trần Nhân Tông cho rằng Bụt ở trong bản thân mình, không phải tìm ở đâu khác bên ngoài. Tục ngữ ta cũng có câu “Bụt ở trong nhà mà lại đi cầu Thích Ca ngoài đường”. Cầu như vậy thì thấy Phật thế nào được. Sở dĩ có hiện tượng đi cầu như vậy là do ta quên gốc, “khuây bản”. Vấn đề là phải trở về gốc, trở về cái mà Nhân Tông gọi là gia hương (quê hương xứ sở). Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất bản thân mình. Bản, tính sáng là gốc của mỗi con người. Về thực chất và suy cho cùng ai ai cũng có đầy đủ, tràn đầy. Nhân Tông viết: ”Ai ai cũng đủ bản tính, người người đều được viên thành” (Nhân nhân bản bối, cá cá viên thành) (2, tờ 8a). Quan điểm này Nhân Tông một mặt tiếp tục đi theo quan điểm của Bắc tông, cho rằng mỗi chúng sinh đều có Phật tính; Phật tính tiềm ẩn được phản ánh rõ hay mờ phụ thuộc vào hành vi kiếp trước và cuộc sống hiện tại của mỗi người. Mặt khác, ông kế thừa từ người ông – Thái Tông, vì Thái Tông cũng cho rằng chúng sinh bản lai giác tính sẵn có vốn thanh tịnh tràn đầy, sáng suốt, trong trẻo như bầu trời, không gợn một mảy bụi (chúng sinh ư bản lai giác tính thanh tịnh viên minh, trạm nhược thái hư, nhất trần bất lập); rằng Bồ đề giác tính ai nấy viên thành, trí tuệ thiện căn người người đều đủ (Bồ đề giác tính cá cá viên thành, Bát nhã thiện căn nhân nhân cụ túc). Qua đây ta thấy, nhiều luận điểm của Nhân Tông được kế thừa trực tiếp từ người ông – Thái Tông, và từ người thầy – Tuệ Trung Thượng sĩ; nhưng có nhiều điểm ông vượt trội hai người. Nhân Tông không dùng khái niệm ”Phật tính” hay ”tính Phật” mà ông dùng khái niệm ”Bồ đề” ”Tính sáng” ”Tính gương”, và một cách bóng bẩy ông gọi nó là của báu, báu vật (bảo). Báu vật này luôn có sẵn trong người, mỗi người đều có. Theo một nghĩa nào đó, nó cũng chính là cái gốc (bản) mà một số người hoặc bỏ quên hay đánh mất (khuây bản) hoặc do tham, sân, si, vô minh chi phối mà họ không biết, bởi vậy họ trôi lăn mãi ở sông mê biển khổ. Điều này giống như thiền phái Vinitaruci, thiền phái gọi Phật tính là hạt Minh Châu trong người. Vậy khỏi phải tìm kiếm ở bên ngoài. Về điều này Nhân Tông viết:
”Báu sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm.”
(Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch) (1,510)
Và ông kêu gọi hỡi chúng sinh, hãy quay lại bản, gốc, quay về với bản thể của mình, hãy làm theo cái thiên hướng vốn có trong con người mình, hãy trở về quê hương xứ sở, hãy trở về mình, đừng có đánh mất mình.
Để đả phá quan điểm thông thường cho Tây phương cực lạc, Tĩnh thổ, Tịnh độ là một vương quốc ở phía Tây đâu đó trừu tượng, rất khó hình dung, Trần Nhân Tông viết:
“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi Tây phương;
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc” (1,505)
Như vậy, ở đây cõi Phật chính là cõi lòng, Phật là lòng trong sạch. Để khẳng định điều đó, ông viết:
”Chính Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã tổ” (1,506)
Ở đây ta thấy, lần đầu tiên trong Phật giáo Việt Nam cho đến lúc đó, xuất hiện từ ”Lòng”. Thực ra từ ”lòng” cũng là từ ”tâm” (cùng một cách viết) nhưng vì từ năm 1282 ở nước ta bên cạnh chữ Hán xuất hiện chữ Nôm, nên chữ ”tâm” còn được gọi là ”lòng”. Và chữ “lòng” là của người Việt cổ đã có từ rất lâu trước khi xuất hiện chữ “tâm”. Như vậy, Tây phương cực lạc, niết bàn nằm trong tâm mỗi con người. Điều này khi đọc Trần Nhân Tông chúng ta mới thấy rõ; chứ những người đi lễ chùa chưa chắc đã biết Phật, niết bàn ở đâu.
Nhưng điểm thực sự độc sắc trong thiền học của Trần Nhân Tông được thể hiện trong bốn câu thơ sau:
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên (Cõi trần vui đạo, hãy tuỳ duyên)
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên (Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền)
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch (Báu sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm)
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Đối cảnh vô tâm, hỏi chi thiền).
Đây là một định nghĩa về thiền vô cùng độc đáo ở Trần Nhân Tông. Vô tâm ở đây cũng chính là tâm không, không tâm, không, hư của Trần Thái Tông và các vị thiền sư đắc đạo. Nếu vô tâm là trút bỏ cái tâm nhỏ bé của mình thành cái tâm bao la của muôn loài, thì đây thực sự là quá trình vô tâm. Vô tâm là tâm tất cả. Mà tâm tất cả lại là vô tâm. Biện chứng ở đây là như vậy. Cũng giống như không có gì lại dường như có tất cả và có tất cả lại dường như không có gì. Sức mạnh của chữ ”vô”, ”không”, ”hư” của nhà Phật là ở chỗ đó. Chỉ những người đắc đạo, những người giác ngộ thì họ mới sống tuỳ duyên, vui với đạo được; họ sống ung dung tự tại, được không mừng, mất không lo, đói thì ăn, mệt thì ngủ, tất cả mọi hành động, hành vi, cử chỉ của họ đều không có chủ đích, chủ ý, vô vi, tự nhiên tự tại, do đó không còn tạo nghiệp. Hành động của họ giống như gieo một hạt điếc xuống đất, nó không còn này mầm nữa, tức nó thoát khỏi luật sinh tử luân hồi. Họ đã nhìn ra bản thể, chân tính (báu, minh châu) nơi mình, trở về hoà nhập với bản thể, về với cái đích thực nơi mình, do đó, cảnh vật bên ngoài không làm tâm họ giao động. Tâm họ luôn yên tĩnh, tỉnh táo như mặt hồ trong veo không lay động. Tất cả những viên cuội dưới đáy hồ cũng như bản chất thật sự của vạn vật đều hiện nguyên hình. Họ sống là động nhưng lòng luôn bất động; tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, được mất là tuỳ duyên, bởi vậy đừng có oán trách quá khứ, đặc biệt oán trách khi gặp cảnh khổ, đừng có toan tính cho tương lai khiến hao tâm tổn khí, với phương châm của một thiền sư đắc đạo:
Gặp khổ không oán,
Được mất tuỳ duyên,
Tâm không tăng giảm,
Tuỳ xứ an lạc.
Từ đây, Trần Nhân Tông đã đặt ra một vấn đề nhận thức buộc chúng ta phải giải đáp. Có học thuyết cho rằng nhận thức suy cho cùng là sự phản ánh hiện thực bởi đầu óc của con người, nói theo phương Đông, tức tâm phản ánh vật. Nhưng cả tâm lẫn vật luôn luôn thay đổi (vô thường), vậy, cái động làm thế nào phản ánh (nắm bắt) được cái động? Phật giáo, đặc biệt là Trần Nhân Tông cho rằng muốn nắm bắt được cái động thì phải dùng cái tĩnh, lấy tĩnh chế động, dĩ bất biến ứng vạn biến. Dĩ nhiên để đạt được cái tâm tĩnh này, đạt đến mức như Trần Nhân Tông, đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền là điều không hề đơn giản. Đó là điều cao sâu và cũng là cái tinh tuý đặc sắc của Trần Nhân Tông.
Tài liệu tham khảo
- Thơ văn Lý – Trần. T. II. Q. Thượng. Nxb Khoa học xã hội, Hà nội 1988.
- Trần triều dật tồn Phật điển lục. Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ, Hà nội 1943.