Về văn bản và ý nghĩa một số thi kệ Phật giáo Lý Trần

 

PGS.TS. Đoàn Lê Giang

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM

Dẫn nhập

Công trình Thơ văn Lý Trần do Viện Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn là một công trình rất công phu, có giá trị cao, được rất nhiều nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên sử dụng. Trong đó có một số bài quan trọng, có ý nghĩa trong việc hiểu đặc sắc tư tưởng Phật giáo thời Lý Trần bị sai sót về văn bản và cách hiểu cần trao đổi thêm như các bài: Truy tán Vạn Hạnh thiền sư, Xuân nhật tức sự… Bài viết này đi sâu vào hai bài ấy.

 

  1. Về văn bản và ý nghĩa bài Truy tán vạn hạnh thiền sư của Lý Nhân Tông

Trong Thiền uyển tập anh (bản chữ Hán) có bài kệ Truy tặng Vạn Hạnh thiền sư của Lý Nhân Tông (1066 – 1128) như sau:

萬行融三際

真符古讖機

鄉關名古法

柱錫鎮王畿

Phiên âm Hán Việt:

Vạn Hạnh dung tam tế,

Chân phù cổ sấm cơ.

Hương quan danh Cổ Pháp,

Trụ tích trấn vương kỳ.

Bản dịch nghĩa của Thơ văn Lý Trần:

Truy tán Thiền sư Vạn Hạnh(1)

Vạn Hạnh học rộng thông suốt được ba cõi(2),

Lời nói của sư quả thực hợp với những câu thơ sấm cổ(3).

Quê hương là làng Cổ Pháp;

Chống gậy tầm xích trấn vững kinh kỳ.

Bản dịch thơ của Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình:

Vạn Hạnh thông ba cõi;

Thật hợp lời sấm thi.

Quê hương làng Cổ Pháp

Chống gậy trấn kinh kỳ.

Chú thích của Thơ văn Lý Trần:

Vạn Hạnh tức Nguyễn Vạn Hạnh. Xem tiểu sử, tr.214.

Ba cõi (tam tế): Trời, đất, người.

Cả câu này có ý khen những lời tiên đoán của Vạn Hạnh về việc nhà Lý ra đời, cũng ứng nghiệm như những bài thơ sấm xuất hiện thời gian đó (…).

[Viện Văn học, 1977, tr.432-433]

Bài thơ này có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp thơ ca của vua Lý Nhân Tông, cũng như trong việc đánh giá thiền sư Vạn Hạnh và Phật giáo Lý Trần, vì vậy rất cần có một sự hiểu biết chính xác. Cách hiểu, cách dịch bài thơ này trong Thơ văn Lý Trần có một số chỗ cần xem xét lại.

1) Từ “Tam tế” 三際

Thơ văn Lý Trần dịch Tam tế 三際thành “Ba cõi” và chú  là Trời, đất, người, tôi e không chính xác. Tiểu sử sư Vạn Hạnh nói ông giỏi đoán vận mệnh, thời cơ tức là hiểu rõ quá khứ, hiện tại và tương lai, chứ không nghe nói ông giỏi chuyện trên trời, dưới đất, cõi người. Hơn nữa Trời, Đất, Người xưa nay vẫn gọi là “Tam tài”. Tra từ điển Phật học thì thấy giải thích: “Tam tế 三際 thức Tam thế 三世. Ba đời: đời quá khứ, đời hiện tại, đời vị lai” [Đoàn Trung Còn, 1997, tr.21]. Tra kinh Phật trên mạng thì thấy Tam thế là quá khứ, hiện tại, tương lai được nói đến trong kinh Hoa nghiêm [7]

2) Sấm thi 讖詩hay Sấm cơ (Sấm ky) 讖機?

Thơ văn Lý Trần dùng bản Hoàng Việt thi tuyển ghi là “Sấm thi” 讖詩 [Bùi Huy Bích, 2007, tr.16], trong khi đó Thiền uyển tập anh, Toàn Việt thi lục thì ghi là Sấm cơ (cũng đọc Sấm ky) 讖機, từ nào chính xác hơn? Đúng là sư Vạn Hạnh có làm mấy bài sấm thi, nhưng không chỉ có thơ, ông cũng có lời tiên đoán về tình thế chính trị thời Tiền Lê, Lý. Ví dụ như khi quân Tống sai Hầu Nhân Bảo dẫn quân đến xâm lược nước ta, vua Lê Đại Hành mời sư Vạn Hạnh đến hỏi tình thế thế nào, Sư đáp: “Chỉ trong ba bảy ngày giặc tất phải lui”, sau quả đúng như thế. Hay khi ông gặp Lý Công Uẩn lúc nhỏ đi học ở chùa Lục Tổ, ông đã tiên đoán: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ” [Đại Việt sử ký toàn thư, Thái Tổ hoàng đế]. Những lời tiên tri như thế gọi là “Sấm ngữ”. Vì thế theo tôi từ “Sấm cơ” bao quát hơn cả, “sấm cơ” là then chốt của sấm thi, sấm ngữ.

3)Hương quan danh Cổ Pháp” 鄉關名古法

Câu này các sách đều dịch khá đơn giản là: “Quê hương là làng Cổ Pháp” [Thơ văn Lý Trần, đã dẫn], “Quê hương làng Cổ Pháp” [Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình, đã dẫn ở trên], “Quê hương Cổ Pháp bây giờ” [Nguyễn Lang, 2000, tr.144), “Quê hương tên Cổ Pháp” [Lê Mạnh Thát, 1999, tr.540]. Tôi thắc mắc: không lý một bài ngũ ngôn tuyệt cú có 4 dòng 20 từ mà tác giả lại dùng một câu chỉ để thông báo tiểu sử một cách đơn giản. Quê Vạn Hạnh ở làng Cổ Pháp ai cũng biết (hiện nay là làng Đại Đình, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Vậy vua Lý Nhân Tông “truy tán” nhắc đến làm gì? Theo tôi với ý “tán tụng” thì câu này phải hiểu là: Quê hương ông nổi danh là nơi phát tích Phật pháp cổ. Như vậy chữ “Cổ Pháp” này dùng theo dạng chơi chữ, nếu theo chính tả ngày nay thì phải vừa viết hoa  vừa viết thường: “Hương quan danh Cổ Pháp”/ “Hương quan danh cổ pháp”. Làng Cổ Pháp có tên từ thế kỷ VIII-IX, gắn liền với tên tuổi Định Không (? – 808), thiền sư thế hệ thứ tư thuộc Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Sư Định Không là người đã xây chùa Quỳnh Lâm tại quê hương và cũng là người đổi tên làng là Cổ Pháp. Sách Thiền uyển tập anh viết:

“Khoảng niên hiệu Đường Trinh Nguyên (785 – 805) sư dựng chùa Quỳnh Lâm ở bản hương. Khi xây chùa thợ làm móng đào được một bình hương và mười chiếc khánh đồng. Sư sai người đem ra sông rửa sạch, một chiếc rơi xuống sông trôi liệng mãi đến khi chạm đất (thổ) mới nằm im. Sư giải rằng: “Thập khẩu 十口là chữ Cổ古, Thủy khứ 水去(xuống sông) là chữ Pháp法. Còn “Thổ” (đất) 土là chỉ vào hương ta. Nhân đó đổi tên là hương Cổ Pháp 古法 (trước kia là hương Diên Uẩn). Sư có làm bài tụng như sau:

                        Địa trình pháp khí,

                        Nhất phẩm trinh đồng.

                        Trí Phật Pháp chi long hưng,

                        Lập hương danh chi Cổ Pháp.

                                    [Ngô Đức Thọ dịch, 1990, tr.174-175]

            Lê Mạnh Thát dịch:

                        Đất trình pháp khí,

                        Một món đồng ròng.

                        Để Phật Pháp được hưng long,

                        Đặt tên là làng Cổ Pháp”

                                    [Lê Mạnh Thát, 1999, tr.252]

Hơn 150 năm sau ở làng Cổ Pháp, thiền sư Vạn Hạnh và Lý Công Uẩn ra đời.

4) “Quải tích” 挂錫hay “Trụ tích” 拄錫, “Trụ tích” 柱錫 (trấn vương kỳ)?

            Câu thứ tư của bài thơ:

Hoàng Việt thi tuyển ghi là “Quải tích trấn vương kỳ” 挂錫鎮王畿,

Thơ văn Lý Trần chép là “Trụ tích trấn vương kỳ” 拄錫鎮王畿

Thiền uyển tập anh ghi là “Trụ tích trấn vương kỳ” 柱錫鎮王畿,

câu nào hợp lý hơn?

Quải 挂 (dùng như 掛) là treo, quẩy. Trụ 拄là chống gậy, Trụ 柱là trụ cột.

Tôi cho rằng: quẩy cây gậy để trấn giữ đất vua, đất nước nghe không hợp lý, vì quẩy gậy trên vai khó làm được việc ấy.

Trụ tích 拄錫: chống gậy để trấn giữ đất vua (đất vua cũng là đất nước) nghe hợp lý. Tuy nhiên trong bản gốc lại dùng chữ Trụ 柱là trụ cột. Người xưa vẫn hay dùng chữ này trong cách nói khá quen thuộc là “Trụ thạch” 柱石: cột đá chống giữ hay làm trụ cột cho triều đình. Vậy “Trụ tích trấn vương kỳ” 柱錫鎮王畿 lại có nghĩa rất hay: Sư là cây tích trượng làm trụ cột trấn giữ cho đất vua, đất nước.

            Như vậy có thể dịch lại bài thơ như sau:

追贊萬行禪師

萬行融三際

真符古讖機

鄉關名古法

柱錫鎮王畿

Truy tán Vạn Hạnh thiền sư

Vạn Hạnh dung tam tế,

Chân phù cổ sấm cơ.

Hương quan danh Cổ Pháp,

Trụ tích trấn vương kỳ.

 

Dịch nghĩa:

Truy tán Thiền sư Vạn Hạnh

Vạn Hạnh thấu suốt cả quá khứ, hiện tại, tương lai,

Những câu sấm trước đây của Sư quả là phù hợp

Quê hương của Sư nổi danh là nơi phát tích Phật pháp cổ/ Quê hương của Sư là làng Cổ Pháp;

Sư là cây tích trượng làm trụ cột trấn giữ cho đất vua, đất nước.

Tạm dịch thơ như sau:

Vạn Hạnh thông sau trước;

Lời ông nghiệm sấm xưa.

Quê hương Phật pháp cổ,

Tích trượng trấn đất vua.

 

Bài thơ của Lý Nhân Tông thể hiện niềm kính phục, biết ơn Thiền  sư Vạn Hạnh, một nhà sư có trí tuệ sáng suốt, bản lĩnh vững vàng và đức độ cao vời, có công lớn trong buổi đầu dựng lên triều đại nhà Lý hùng mạnh, thịnh trị, lâu dài. Thiền sư xứng đáng là người con của vùng đất phát tích Phật giáo xưa. Ông đã mở ra một truyền thống lớn của Phật giáo nhập thế thời Lý Trần – Phật giáo thống nhất giữa hộ pháp, hộ quốc và hộ vương – vừa hoằng pháp, vừa giúp nước, vừa giúp vua.

  1. VẤN ĐỀ TÁC GIẢ VÀ VĂN BẢN BÀI THƠ “XUÂN NHẬT TỨC SỰ”

Bài thơ Xuân nhật tức sự 春日即事 là bài thơ hay, từng được Việt âm thi tập tuyển và đề tên tác giả là sư Huyền Quang (Quyển 3). Bài thơ cũng được giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII bình giảng rất thú vị khi nói về thơ Lý Đạo Tái (Huyền Quang) [Đinh Gia Khánh, Mai Cao Chương, Bùi Duy Tân, 1978, tr.166-167.]. Tuy nhiên trên Tạp chí văn học (số 1-1984), Lê Mạnh Thát với bài Về tác giả bài thơ Xuân nhật tức sự đã khẳng định tác giả bài thơ không phải là Huyền Quang Lý Đạo Tái mà là một thiền sư đời Tống (Trung Quốc) có tên là Ảo Đường Trung Nhân 拗堂中仁禪師 và đã giới thiệu về Ảo Đường Trung Nhân cũng như nguồn gốc văn bản bài thơ trong Gia Thái phổ đăng lục 嘉泰普燈錄, Ngũ đăng hội nguyên 五燈會元, Tục truyền đăng lục 続傳燈錄, dị bản trong Thiền tông tụng cổ liên châu thông tập 禪宗頌古聯珠通集 và một số tài liệu khác.

Vấn đề tưởng như đã rõ và đã được giới nghiên cứu thừa nhận từ đó đến nay[9]. Tuy nhiên do được tiếp cận một số tư liệu mới, chúng tôi thấy vấn đề không đơn giản như thế.

  1. Huyền Quang không chỉnh sửa chút nào bài thơ Xuân nhật tức sự

Nhóm biên soạn Thơ văn Lý – Trần (tập II, Quyển Thượng, NXB KHXH, H., 1989, tr.681) trong phần giới thiệu về Huyền Quang có viết:

“Xem bài Về tác giả bài thơ Xuân nhật tức sự của LMT, Tạp chí văn học số 1-1984. Mặc dù đã tìm thấy xuất xứ xưa nhất của bài thơ trong thơ Thiền đời Tống, nhưng khi đối chiếu văn bản vẫn có một số chữ sai dị so với bài thơ gốc. Do đó cũng có thể nêu thêm một giả thuyết là biết đâu Huyền Quang chẳng đã mượn bài thơ gốc của Trung Quốc rồi chỉnh lý lại một chút ít (ĐLG nhấn mạnh) để biểu đạt cảm hứng Thiền thâm thúy của mình?”. Sau đó nhóm tác giả đưa bài thơ này ra:

二八佳人刺繡遲、

紫荊花下囀黃鸝。

可憐無限傷春意、

盡在停針不語時。

Nhị bát giai nhân thích tú trì,

Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.

Khả liên vô hạn thương xuân ý,

Tận tại đình châm bất ngữ thì.

Dịch nghĩa: Cô gái đẹp đôi tám đang chầm chậm thêu/ Dưới lùm hoa tử kinh chim oanh đang ca hót/ Khá thương thay ý tiếc xuân vô hạn của nàng/ Tất cả đọng lại vào lúc nàng dừng kim không nói năng gì (Đ.L.G).           

Chúng tôi giở những sách Trung Quốc có ghi bài thơ này như:

Gia Thái phổ đăng lục 嘉泰普燈錄卷第十五 (Quyển 15, tờ 117c 14-d12), do Lôi Am Chánh Thọ 雷庵正受 biên tập, san hành dưới đời Tống, hoàn thành năm 1204;

Ngũ đăng hội nguyên 五燈會元卷第十九 (Quyển 19, tờ 383a9-b6) do Phổ Tế普濟soạn vào đời Tống, trong khoảng 1228-1233;

Tục truyền đăng lục続傳燈錄卷第二十八 (Quyển 28, tờ 657b4-22), sách chép tiểu sử  các Thiền sư khoảng giữa hậu bán thế kỷ X và thế kỷ XIV,

thì thấy các bản Xuân nhật tức sự đều chép giống nhau, và hoàn toàn giống bản trong Thơ văn Lý – Trần nói trên. Điều này làm chúng tôi nghi ngờ không biết nhóm  biên soạn Thơ văn Lý – Trần có thực sự nhìn thấy bài thơ này trong các tài liệu Trung Quốc không.

  1. Bài Xuân nhật tức sự trong tư liệu về Ảo Đường Trung Nhân (đời Tống) và Nam Tẩu Mậu (đời Nguyên)

Trong bài viết Về tác giả bài thơ Xuân nhật tức sự nói trên, Lê Mạnh Thát  đã giới thiệu về Ảo Đường Trung Nhân trong Gia Thái phổ đăng lục và những tài liệu tương tự, trong đó có bài Xuân nhật tứ sự. Bài thơ ấy cũng xuất hiện trong đoạn nói về Ảo Đường Trung Nhân trong bài Trung Trúc Trung Nhân Thiền sư ngộ đạo nhân duyên中竺中仁禪師悟道因緣  (Nhân duyên ngộ đạo của Thiền sư Trung Trúc Trung Nhân):

(…) “Có lần lên giảng, Sư nói đến chủ đề “Con chó không có Phật tính”, bèn đọc:

二八佳人刺繡遲、

紫荊花下囀黃鸝。

可憐無限傷春意、

盡在停針不語時。

Nhị bát giai nhân thích tú trì,

Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.

Khả liên vô hạn thương xuân ý,

Tận tại đình châm bất ngữ thì.        

                        (Cô gái đẹp đôi tám đang chầm chậm thêu,

Dưới lùm hoa tử kinh chim oanh đang ca hót.

Khá thương thay ý tiếc xuân vô hạn của nàng,

Tất cả đọng lại vào lúc nàng dừng kim không nói năng gì.)

Dịch thơ:

Thêu chậm gái xinh tuổi cập kê,

Trong hoa ríu rít chim hoàng ly.

Thương thay ý tiếc xuân vô hạn,

Đọng lúc dừng kim chẳng nói gì.

                                                (Đoàn Lê Giang dịch)

Điều quan trọng nhất đối với bậc tu hành chính là phải thấu thanh thấu sắc, không bị thanh sắc mê hoặc. Trốn tránh thanh sắc, vào sâu núi rừng, chỉ là một giai đoạn của tu hành, hẳn nhiên không thể bỏ qua, nhưng cuối cùng cũng phải trở về với thanh sắc để tôi luyện trong đó, để hiện thị tính Kim cương của mình. Ở cái lúc cực kỳ hoan lạc:

Kim lặc mã tê phương thảo địa,

Ngọc lâu nhân túy hạnh hoa thiên.

(Dàm vàng ngựa hí đất cỏ xanh,

                        Lầu ngọc người say trời hoa hạnh.)

Thì phạm lỗi hay không? Nói một ngàn, đạo một vạn, cũng là một điều hiểu biết”[9].

Trong bài viết đã nói, Lê Mạnh Thát cho biết trong sách Thiền tông tụng cố liên châu thông tập禪宗頌古聯珠通集,một tác phẩm của Pháp Ứng đời Nam Tống biên soạn, sau này được Phổ Hội đời Nguyên tiếp tục chỉnh lý bổ sung, có chép một bài thơ đề là của Nam Tẩu Sực có khác với bài của Trung Nhân Thiền sư. Không biết Lê Mạnh Thát là căn cứ vào đâu mà phiên âm thành SỰC, một âm rất lạ, gần như không phải âm Hán Việt, chúng tôi thấy: đa số các tài liệu đều đề rõ là Nam Tẩu Mậu 南叟茂, Thiền sư đời Nguyên, có vài chỗ đề là Nam Tẩu Nhung南叟茙. Chúng tôi dùng chính thức tên gọi Nam Tẩu Mậu do tính phổ biến của nó. Nam Tẩu Mậu là ai, sách vở không ghi rõ, chỉ biết là nhà sư thời Nguyên và là đệ tử của Thiền sư Thạch Khê Tinh Nguyệt 石溪星月禅师 (một vị Thiền sư thời Nam Tống). Bài thơ của Nam Tẩu Mậu có thể dễ dàng tìm thấy trong các sách điện tử được lưu hành trên mạng internet. Bài thơ có 6 chữ khác với bài Xuân nhật tức sự của Trung Nhân Thiền sư:

日暖佳人刺繡遲,

紫荆枝上囀黃鸝。

欲知無限傷春意,

盡在停針不語時。[11]

                        Nhật noãn giai nhân thích tú trì,

                        Tử kinh chi thượng chuyển hoàng ly.

                        Dục tri vô hạn thương xuân ý,

                        Tận tại đình châm bất ngữ thì.

                        (Ngày ấm cô gái đẹp đang chầm chậm thêu,

Trên cành hoa tử kinh chim oanh đang ca hót.

Tôi muốn biết ý tiếc xuân vô hạn của nàng,

Tất cả đọng lại vào lúc nàng dừng kim không nói năng gì)

Có thể dễ dàng nhận thấy bài thơ của Nam Tẩu Mậu là bài nhuận sắc lại bài Xuân nhật tức sự của Trung Nhân Thiền sư. Bài của Nam Tẩu Mậu sửa lại cho lời thơ hợp lý hơn, rõ ràng hơn, như: “Nhật noãn” (ngày ấm) thay cho “Nhị bát” (đôi tám), vì 16 tuổi cụ thể quá; “Chi thượng” (trên cành) có vẻ hợp lý hơn là dưới hoa tử kinh (hoa hạ); “Dục tri” (Tôi muốn biết) thay cho “Khả liên” cho có vẻ rõ ràng hơn, đỡ trùng ý hơn (liênthương nghĩa gần giống nhau).

  1. Xuân nhật tức sự là bài “nghĩ cổ” từ Xuân nữ oán của Chu Giáng đời Đường

Trong bài viết Về tác giả bài thơ Xuân nhật tức sự nói trên, Lê Mạnh Thát khẳng định bài Xuân nhật tức sự không phải của Huyền Quang (Việt Nam) mà của Ảo Đường Trung Nhân, tuy nhiên chúng tôi tìm hiểu thêm thì bài thơ ấy cũng không phải là sáng tác của Ảo Đường Trung Nhân. Trong Toàn Đường thi 全唐詩, quyển 769-28 có một bài thơ tương tự nhan đề Xuân nữ oán春女怨của tác giả Chu Giáng朱絳[12]:

                        獨坐紗窗刺繡遲,

紫荊花下囀黃鸝。

欲知無限傷春意,

盡在停針不語時。

Độc tọa sa song thích tú trì,

Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.

Dục tri vô hạn thương xuân ý,

Tận tại đình châm bất ngữ thì.

(Cô gái ngồi một mình bên cửa sổ rèm lụa đang chầm chậm thêu,

Dưới lùm hoa tử kinh chim oanh đang ca hót.

Tôi muốn biết ý tiếc xuân vô hạn của nàng,

Tất cả đọng lại vào lúc nàng dừng kim không nói năng gì).

Dịch thơ:

Thêu chậm một mình bên song khuê,

Trong hoa ríu rít chim hoàng ly.

Biết chăng ý tiếc xuân vô hạn,

Đọng lúc dừng kim chẳng nói gì.

                                    (Đoàn Lê Giang dịch)

Toàn Đường thi tuyển thơ Chu Giáng chỉ mỗi một bài và không ghi chú một chữ nào về ông. Chu Giáng là ai, vẫn là điều bí ẩn. Chỉ biết ông sống khoảng thế kỷ VIII-IX, vì Toàn Đường thi chọn thơ từ Đường thi loại tuyển 唐詩類選 – một tuyển tập được hoàn thành vào đời vua Tuyên Tông, năm 856.

Bài thơ Xuân nữ oán và bài Xuân nhật tức sự có 6 chữ trên tổng số 28 chữ khác nhau, trong đó câu đầu có 4 chữ (Độc tọa song sa/ ngồi một mình bên cửa sổ) được Ảo Đường Trung Nhân sửa đi cho rõ hơn và tình tứ hơn (Nhị bát giai nhân/ Cô gái đẹp 16 tuổi). Dòng thơ thứ ba có 2 từ “Dục tri” (Tôi muốn biết) mà bản của Nam Tẩu Mậu đời Nguyên cũng có, điều ấy cho thấy bài thơ này trước nay có nhiều người biết đến, trong đó có Nam Tẩu Mậu.

Vậy bài Xuân nhật tức sự vốn là bài Xuân nữ oán của Chu Giáng đời Đường được Thiền sư Ảo Đường Trung Nhân đời Tống sửa lại theo kiểu “nghĩ cổ” (mô phỏng người xưa), một cách sáng tác thường thấy của các Thiền sư: mô phỏng bài thơ trước để lồng vào đó ý tưởng Thiền của mình. Trong trường hợp này, Thiền sư Ảo Đường Trung Nhân lấy một bài thơ tình, có tính chất diễm sắc để nói về cái vô thường và cái tâm giác ngộ. Có thể nói, dùng thơ diễm tình để giác ngộ là một pháp môn thường thấy trong việc giác ngộ Thiền thời Đường, Tống.

Vấn đề văn bản và tác giả bài Xuân nhật tức sự quả là không đơn giản, nhưng cũng rất thú vị. Bài viết của Lê Mạnh Thát đã chỉ ra tác giả đích thực của bài này không phải là sư Huyền Quang đời Trần mà là Ảo Đường Trung Nhân của Trung Quốc đời Tống, đồng thời có cho biết dị bản đời Nguyên bài này của Nam Tẩu Sực (?). Bài viết này của chúng tôi cung cấp thêm một số vấn đề nữa. Trước hết là văn bản bài Xuân nhật tức sự được coi là của Huyền Quang hoàn toàn giống với bài của Ảo Đường Trung Nhân, chứ không có chút sửa chữa nào – như nhóm tác giả Thơ văn Lý Trần phỏng đoán. Bài viết cung cấp thêm tiểu sử của Ảo Đường Trung Nhân cũng như tên gọi chính xác của Nam Tẩu Mậu (chứ không phải Nam Tẩu Sực như tác giả Lê Mạnh Thát viết). Và điều quan trọng nhất là tác giả đích thực của bài Xuân nhật tức sự là Chu Giáng đời Đường, và bài thơ ấy có tên ban đầu là Xuân nữ oán. Ảo Đường Trung Nhân chỉ là người sử dụng lại bài này, chỉnh sửa chút ít, theo phương pháp “nghĩ cổ” để biến một bài thơ diễm tình thành một bài thơ Thiền mà thôi.

Kết luận

Qua văn bản, tác giả, cách hiểu một số bài thơ trong Thơ văn Lý Trần, có thể khẳng định: công trình này thật đồ sộ, thật công phu, thật có giá trị. Tuy nhiên hiểu thơ Thiền không phải dễ, đồng thời tệ “tam sao thất bản”, phương pháp “nghĩ cổ” mà các Thiền sư thường dùng cho thấy vấn đề tác giả, văn bản và cách hiểu các tác phẩm văn học Phật giáo không phải là dễ. Đã đến lúc cần biên tập, sửa chữa, bổ sung công trình Thơ văn Lý Trần, để giúp cho các thế hệ sau hiểu được một thời võ công hiển hách, văn chương rực rỡ của dân tộc.

Chú thích

[1] Bùi Huy Bích (2007), Hoàng Việt thi tuyển, NXB. Văn học tái bản

[2] Đoàn Trung Còn (1997), Phật học từ điển, Quyển 3, NXB. TP.HCM

[3] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, NXB. Văn học tái bản

[4] Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2, NXB. TP.HCM

[5] Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga dịch (1990), Thiền uyển tập anh, NXB. Văn học

[6] Viện Văn học (1977), Thơ văn Lý Trần, Quyển 1, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội

[7]https://books.google.com.vn/books?id=l2jBCQAAQBAJ&pg=PT28&lpg=PT28&dq=生滅剎那無閒進為三際為過去現在未來此三際各有過去現在未來

[8]  Đinh Gia Khánh, Mai Cao Chương, Bùi Duy Tân (1978), Văn học Việt Nam thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII, NXB.Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, 1978, tr.166-167. Trong giáo trình này, dòng thứ 2 bài Xuân nhật tức sự đã dịch “Tử kinh hoa nhạ chuyển hoàng ly” là “Dưới bóng hoa tử kinh, chim hoàng ly nhảy nhót”, chữ “Chuyển 囀” dịch là nhảy nhót chắc là không chính xác, mà phải dịch là “ca hót” mới đúng.  

[9] Về Huyền Quang, có thể xem thêm các bài: Nguyễn Phương Chi: Huyền Quang – nhà sư thi sĩ. Tạp chí Văn học, số 3-1982, tr.75-81; Thích Phước An: Thiền sư Huyền Quang và con đường trầm lặng của mùa thu. Tạp chí Văn học, số 4-1992, tr.48-52.

[10]  中竺中仁禪師悟道因緣

 http://www.book853.com/show.aspx?id=2437&cid=53&page=265

[11]公案与禅诗的联璧 ——《颂古联珠》选析

http://www.92to.com/wenhua/2016/04-20/3505134.html;

禪宗頌古聯珠通集卷第十三

http://greatbook.josephchen.org/GREATBOOK/X65/X1295_013.htm   (hàng 116)

 [12] Toàn Đường thi全唐詩, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, in lần thứ nhất tháng 10 năm 1986, in lần thứ 13 tháng 11 năm 1995, tập hạ, trang 1909

.
.
.
.