Ngày 22/10/2019 tại Viện Trần Nhân Tông đã diễn ra tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm công bố quốc tế lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn”
Trình bày tại tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường (bút danh Phan Việt), Giám đốc hợp tác với Việt Nam và Đông Nam Á của Đại học South Carolina, Hoa Kỳ; Giảng viên thỉnh giảng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN; Ông Lê Bá Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin – Thư viện, ĐHQGHN. Tham dự tọa đàm là các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh của Viện Trần Nhân Tông và các đơn vị nghiên cứu khác ở trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mở đầu tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường đã chia sẻ các kinh nghiệm công bố trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn mà bà đã tích lũy được trong nhiều năm làm công tác nghiên cứu và giảng dạy. Tiếp đó, ông Lê Bá Lâm cũng đã giới thiệu danh mục một số các tạp chí quốc tế có thể đăng bài công bố liên quan đến chuyên ngành Phật học. Những người tham dự rất quan tâm và đặt các câu hỏi xoay quanh các vấn đề như: những chủ đề công bố được quốc tế quan tâm; cách tiếp cận hiệu quả với việc viết và đăng bài báo khoa học; quy cách chung của bài báo khoa học; các địa chỉ xuất bản có thể hướng đến phù hợp với năng lực công bố của tổ chức, cá nhân, v.v.. Những vấn đề này đã được PGS. TS Nguyễn Ngọc Hường và ông Lê Bá Lâm giải đáp đầy đủ.
Kết thúc tọa đàm, đại diện Viện Trần Nhân Tông gửi lời cảm ơn sâu sắc PGS. TS Nguyễn Ngọc Hường, ông Lê Bá Lâm và mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những hợp tác về chuyên môn sâu sắc hơn nữa.
Nguyễn Ngọc Hường là Phó Giáo sư ngành công tác xã hội, hiện đang công tác tại Khoa Tôn Giáo của Đại học South Carolina, Hoa Kỳ. Bà đồng thời là Giám đốc hợp tác với Việt Nam và Đông Nam Á của Đại học South Carolina. Bà đã đăng gần 30 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín trên thế giới; đồng thời là tác giả của 8 cuốn sách với bút danh Phan Việt, cùng nhiều chương sách và các báo cáo chuyên đề. Bà là đồng chủ nhiệm đề tài của hai dự án nghiên cứu danh giá do Viện Sức Khỏe Hoa Kỳ tài trợ, trị giá hàng triệu đô-la, nhằm hỗ trợ các gia đình Việt Nam chăm sóc cho người cao tuổi bị sa sút trí tuệ. Kể từ năm 2010, bà dành nhiều thời gian sống trong các ngôi chùa tại Việt Nam, Thái Lan, và Mỹ nhằm nghiên cứu và tu học với mục đích xây dựng một mô hình trị liệu triệt để cho các vấn đề tâm thần, tâm lý của con người. Là một trong những người Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sĩ về công tác xã hội, bà đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của nghề công tác xã hội và các chương trình đào tạo công tác xã hội tại Việt Nam. Bà được Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phát triển nghề Công tác xã hội tại Việt Nam.