Phật giáo tại Liên Bang Nga

 TS. Evgenii Vlasov

Phó Hiệu phó Hợp tác Quốc tế, Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, Liên bang Nga.

Liên bang Nga là một quốc gia rộng lớn với dân số hơn 150 triệu người, phân bố trên diện tích hơn 17 triệu km2. Tại Nga có rất nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó ảnh hưởng nhất là Ki-tô giáo mà chủ yếu là Chính thống giáo. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu xã hội Nga, có 70-75% dân số Nga theo Chính thống giáo. Bên cạnh Chính thống giáo chiếm đa số, còn có nhiều tôn giáo khác tồn tại lòng xã hội Nga như Hồi giáo (5-10%), Hindu giáo, Do thái giáo và Phật giáo. Phật giáo tại Liên bang Nga chiếm khoảng 1% dân số[2], chủ yếu xuất hiện ở các vùng Buryat, Kalmyks và Tuvans – khu vực mà Phật giáo được coi là tôn giáo truyền thống, trong đó khoảng 60% người dân Buryats và Kalmyks tự coi mình là Phật tử.

Phật giáo xuất hiện ở Ấn Độ vào năm 566-473 trước công nguyên nhưng du nhập vào Nga khá muộn. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, Phật giáo Kim Cương thừa đã được những bộ tộc Mông Cổ (người Kalmyks và người Buriat) đưa vào khu vực sông Volga từ thế kỉ XVII – XVIII[3].

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác liên quan đến thời điểm xuất hiện của Phật giáo tại Nga. Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông phương của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng Phật giáo xuất hiện tại Nga sớm hơn, từ thời kỳ tiền Ki-tô giáo tại khu vực Viễn Đông. Khoảng năm 798 sau công nguyên, tại khu vực Viễn Đông, vương quốc Bột Hải (Bohai) đã được hình thành. Đây là một vương quốc rất phát triển của một chủng tộc Mông Cổ có thủ đô đặt tại Vladivostok. Vương quốc này chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Hàn Quốc, thậm chí một số học giả Hàn Quốc còn cho rằng đây chính là vương quốc của một chủng tộc người Triều Tiên. Và đây cũng là thời điểm Phật giáo Đại thừa tồn tại ở Hàn Quốc. Các nhà khảo cổ khi tìm hiểu về vương quốc Bột Hải đã khai quật được cây trượng kim loại Vaijra với các họa tiết hoa sen, giống như của người Tây Tạng. Cây trượng này chỉ ra rằng nó thuộc về Phật giáo Kim cương thừa, tức Phật giáo Tây Tạng. Các nhà khoa học Nga cũng đã phát hiện một khu đền với các khu nhà phụ cận nằm trên diện tích hơn 2.000m2 ở mũi Obzvistom (quận Shkotovsky, Primorye) được xây dựng từ thời Trung Cổ. Với sự ảnh hưởng của người Triều Tiên đối với vương quốc Bột Hải và với kết quả khai quật, có thể suy đoán rằng Phật giáo đã được truyền đến nước Nga khoảng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X thông qua ngả Triều Tiên.

Khi xét về tính chính thống, Phật giáo tại Nga được chính quyền công nhận từ thế kỷ XVIII, khi Nữ hoàng Elizabet Petrovna đã ban bố sắc lệnh công nhật Phật giáo là một trong những tôn giáo chính thức trên lãnh thổ Nga năm 1741[4]. Theo sắc lệnh này, các đức Lạt Ma được thừa nhận tại Buryat, 11 tu viện Phật giáo được xây dựng với 150 Lạt ma truyền giáo. Trong thế kỷ XIX, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Buryats đã được chấp nhận bởi sắc lệnh của Hoàng gia và các tu sĩ của các tu viện thì được các tổng đốc vùng phê duyệt. Ỏ Kalmyk, Lạt Ma của người Kalmuk cũng được bổ nhiệm theo sắc lệnh của Hoàng gia.

Đến thế kỷ XIX, mặc dù Phật giáo bị coi là một trở ngại đối với việc phát triển Ki-tô giáo ở phía Đông nước Nga, nhưng ở nửa sau của thế kỷ XIX, các nhà chức trách nhận vai trò của Phật giáo như một kênh quan trọng để tiếp cận châu Á nên đã có nhiều chính sách cởi mở hơn đối với tôn giáo này. Trong thời kỳ đối đầu với Anh ở Trung và Đông Á, người Nga thường sử dụng Phật giáo như một con bài trong các quyết sách chính trị và được sử dụng liên tục cho đến đầu thế kỷ XX. Năm 1914, Nga sáp nhập Tuva vào diện bảo hộ. Tại vùng đất này, Shaman giáo và Phật giáo là các tôn giáo thống trị. Do đó, Phật giáo trở thành tôn giáo truyền thống của ba dân tộc ở Nga là Buryat, Kalmyk và Tuva – những người tuyên xưng Phật giáo Tây Tạng.

Theo sau những người gốc Mông Cổ, người Nga cũng bắt đầu chuyển sang với Phật giáo vào cuối thế kỷ XIX với sự xuất hiện của những Phật tử gốc Nga đầu tiên. Năm 1915, một ngôi chùa Phật giáo được mở tại Petrograd và là ngôi chùa đầu tiên ở châu Âu đã thu hút khoảng 200 Phật tử, trong đó có người Nga. Sự phát triển của Phật giáo lúc này đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học ở phương Đông nói chung và Phật giáo nói riêng. Sự quan tâm đó đã đẩy mạnh các nghiên cứu về tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng cũng như xuất bản các văn bản Phật giáo.

Sau cách mạng Tháng mười Nga, chính phủ mới ủng hộ “những người đổi mới” nhưng đến năm 1930, Phật giáo chịu sự đàn áp của chính quyền, nhiều Phật tử bị khủng bố, nhiều Lạt Ma bị bắt, các nhà thờ bị đóng cửa hoặc tàn phá, điển hình là nhà thời Saint Peterburgs bị đập phá và đóng của vào năm 1938. Đến năm 1946, Stalin đã cho phép Phật tử Buryat thực hành đức tin của họ và một Hội đồng Lạt Ma được thành lập vào tại Ulan-Ude với trách nhiệm quản lý tập trung đời sống của Phật tử tại Liên Xô. Đồng thời, hai ngôi chùa được mở ở TransBaikan.

Năm 1945, dưới chân dãy núi Khamar-Daban, cách thủ đô Buryat khoảng 30km, tu viện Ivolginsky được khai mở, trở thành thủ đô tinh thần của Tăng đoàn truyền thống Phật giáo Nga và đây cũng là nơi cư trú của Lạt Ma, người đứng đầu Phật tử Nga.

Sự phát triển, truyền bá Phật giáo ở Nga cũng được thúc đẩy bởi cơ quan Phật giáo thuộc Cục Tôn giáo Trung ương Liên Xô với mục đích giúp chính quyền tuyên truyền các chính sách.

Từ năm 1968, những bài giảng bí mật của các đại diện Phật giáo đến từ Ấn Độ tại Moscow, Saint Petersburgs và các khu vực Baltic… đã giúp cho mối quan hệ của Phật tử Nga với cộng đồng Phật giáo thế giới bắt đầu được phục hồi. Đến năm 1979 và 1982, Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV đã chính thức được thăm Liên Xô. Năm 1990, Liên Xô đã trao cho Đạt Lai Lạt Ma một trong những giải thưởng cao quý nhất – Huân chương hữu nghị. Sau đó vào năm 1994, ông có các chuyến thăm đến Buryat, Kalmyk và Tula, nơi ông được tiếp đón nồng nhiệt và tham gia vào lễ khánh thành hàng loạt các tu viện và đền thờ.Trong những năm 1990, Phật giáo đã bắt đầu có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của Nga. Các mục sư Phật giáo đã được bầu làm thành viên của chính quyền địa phương và Liên bang, Hội đồng Hiến pháp, các viện xã hội… Tại các vùng Phật giáo, mạng lưới các tu viện được khôi phục với tốc độ cao, các trường Phật giáo được thành lập…[5]

Nếu so sánh Phật giáo ở Mông Cổ và ở Liên bang Nga ở cấp độ các thể chế truyền thống thì sự tương đồng nằm ở điểm: các cộng đồng khách nhau đều có thái độ tương đồng đối với giáo hội Tây Tạng và đối với Tây Tạng; bất kể mức độ trung thành với người Tây Tạng có thể là khác nhau nhưng việc phục hồi các thể chế Phật giáo là không thể nếu không có sự giúp đỡ và tham gia của người Tây Tạng, các cố vấn và tu viện Tây Tạng tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành của các Tăng đoàn. Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt khi đánh giá đến mức độ sùng bái, sự trung thành đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma: người Buryat thể hiện mức độ sùng bái cao hơn so với những người Kalmyk hay Tuva. Còn sự khác biệt của Phật giáo tại Nga so với tại Mông Cổ lại được thể hiện rất rõ ràng. Ở Mông Cổ, cái nôi của Phật giáo, Phật giáo là quốc giáo và hơn một nửa dân số tự nhận mình là Phật tử, số lượng tu viện và trung tâm Phật giáo đông đúc, nghiên cứu chuyên sâu về Phật giáo trải rộng trên khắp đất nước. Nhưng tại Nga thì ngược lại, Phật giáo chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong dân chúng và đa phần tập trung ở khu vực hạ Volga với 3 trung tâm Phật giáo lớn là Buryat, Kalmyk và Tuva. Nhưng giữa các trung tâm này cũng có sự phân biệt, từ quan điểm, giáo lý đến thái độ của người tham gia hành đạo.

Tuy nhiên, mô hình truyền thống về sự tồn tại của Tăng đoàn Phật giáo ở Tây Tạng, Mông Cổ hay các khu vực Phật giáo ở hạ Volga (LB Nga) đều có sự tương tác chặt chẽ của tu viện và các giáo dân. Các tu viện là trung tâm chính của các hoạt động tâm linh, giáo dục và kiến thức về Phật giáo, tồn tại dựa trên sự hỗ trợ của người dân và tầng lớp quý tộc thế tục. Việc hỗ trợ cho các tu viện có nhiều hình thức khác nhau như đóng góp trực tiếp bằng tiền bạc, vật nuôi, con người; thứ hai, tu viện khi trở thành một lực lượng kinh tế mạnh mẽ trong xã hội thì tiến hành sở hữu tài sản, kinh doanh; thứ ba, các Lạt Ma nhận tiền và hàng hóa để cung cấp các dịch vụ tôn giáo cho dân chúng (cầu nguyện, thực hiện các nghi thức và nghi lễ, tính toán chiêm tinh, chữa bệnh…).

Ngày nay tại Nga có một Tăng đoàn truyền thống Phật giáo. Đây là cộng đồng Phật giáo của Nga, đứng đầu là Pandido Khambo Lama Dama Ayusheev, thành viên của Hội đồng tôn giáo dưới quyền Tổng thống Liên bang Nga[6]. Với sự phát triển qua thời gian, cho đến nay tại hàng chục thành phố lớn ở Nga có cộng đồng Phật giáo: Vladivostok, Irkusk, Novosibirsk, Ekaterinburg, Ulyanaovsk, Moscow, Saint Petersburgs. Theo thống kê, năm 2017, Tăng đoàn bao gồm hơn 80 cộng đồng phật giáo trên toàn nước Nga. Tổ chức này không chỉ tham gia vào các hoạt động tôn giáo mà còn tham gia vào việc nghiên cứu và phổ biến Phật giáo. Các trung tâm của Tăng đoàn thường xuyên tổ chức các bài giảng về Phật giáo, các sự kiện văn hóa, các lớp học hội họa, triển lãm nghệ thuật. Theo sáng kiến của Tăng đoàn, một số hội nghị khoa học về Phật giáo Kim Cương thừa đã được tổ chức. Một số lượng lớn các tài liệu về Phật giáo đã được xuất bản, các bộ phim về lịch sử Phật giáo đã được thực hiện. Phật giáo đã dần đi theo hướng hiện đại hóa, Âu hóa để phù hợp và dễ tiếp cận với người dân bản địa[7].

Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, xu hướng tăng cường đối thoại để trở thành liên minh giữa nhà nước và các tôn giáo truyền thống (trong đó có Phật giáo) đã phát triển mạnh. Chính quyền của Tổng thống Putin cũng đã theo đuổi các chính sách bảo hộ rõ rệt đối với Chính thống giáo, Hồi giáo và Phật giáo, thậm chí Nhà nước còn hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động tôn giáo. Tuy nhiên, chính quyền Nga luôn muốn hạn chế tối đa mọi nỗ lực can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề tôn giáo nội bộ cũng như sự ảnh hưởng của các chính sách đối ngoại, đặc biệt là trong quan hệ Nga – Trung Quốc nên sự hỗ trợ từ Đức Đạt Lai Lạt Ma đối với Phật giáo Nga cũng sẽ gặp nhiều cản trở. Đồng nghĩa với việc Phật giáo tại Nga sẽ phải tự vận động và gặp nhiều khó khăn trong tương lai gầnTrải qua lịch sử thăng trầm, Phật giáo tại Liên bang Nga cho đến nay đã có số lượng Phật tử chiếm 1% dân số cho thấy rằng Phật giáo chưa có chỗ đứng mạnh mẽ trong xã hội Nga. Không giống như tại các nước Phật giáo phương Đông, Phật giáo ở Nga chưa bao giờ là tôn giáo lớn do sức mạnh tuyệt đối của Chính thống giáo. Tuy nhiên, Phật giáo đang ngày càng ít bị coi là một tôn giáo của các dân tộc thiểu số và ngày càng khẳng định mình như một tôn giáo cho trí thức tự do, có những bước phát triển nhất định.

[2] Viện nghiên cứu xã hội Nga, tháng 3/2010 http://wciom.ru/index.php?id=268&uid=13365

[3] Ylarion Alfeev, Oleg Koryto, Valentin Vasechko, Lịch sử tôn giáo, 2016. 776 trang

[4] Pubaev R.E., Sanziev G.L. 250 năm Phật giáo tại Buryat và Nga, Tài liệu Hội thảo ngày 16-17/7/1991, Ulan-Ude 1991, trang 3-7

[5] Nhikolai Shyrempilov. Phật giáo tại Nga: quá khứ và hiện tại. Tạp chí Vlast, 2013, số 4, trang 86

[6] Ostrovskaya E.A. – Phật giáo Nga// Tuyển tập Phật giáo tại Nga: Lịch sử và hiện đại, Saint Petersburgs 2009, trang 50.

[7] Rustam Tagirovich Sabirov – Phật giáo Nga và Mông Cổ đầu thế kỷ XXI, Viện nhân văn Kalmyk, 2017, số 31, trang 11

.
.
.
.