Vai trò đặt nền tảng cho Giáo hội Trúc Lâm của Trần Nhân Tông và bài học lịch sử đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay

 

HT.TS. Thích Thanh Nhiễu

Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Trong suốt chiều dài của lịch sử Phật giáo Việt Nam, có thể nói rằng giai đoạn Phật giáo đời Trần chính là giai đoạn đặt nền tảng cho sự hoàn thiện về mặt tổ chức giáo hội mới mang bản sắc dân tộc Đại Việt thống nhất, đó là xây dựng và hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm Yên Tử. Sơ tổ khai sáng, đặt nền móng và hoàn thiện thiền phái trúc Lâm Yên Tử cả về phương pháp hành trì, tu tập, hướng đạo lẫn tổ chức không ai khác chính là Trần Nhân Tông (1258 -1308). Vai trò của Phật hoàng không chỉ được tỏa sáng trong bối cảnh Phật giáo độc lập thống nhất thời Trần mà còn là bản hùng ca khải hoàn, bài học lịch sử cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và mai sau.

Trần Nhân Tông húy là Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng Thái Hậu. Ngài hâm mộ Thiền tông từ nhỏ, thông minh, hiếu học, đọc hết các sách, thông suốt kinh điển nhà Phật. năm 16 tuổi được lập làm Hoàng Thái Tử. Năm 21 tuổi, Ngài lên ngôi Hoàng Đế (1279). Năm Quý Tỵ (1293), Ngài nhường ngôi lại cho con Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng. Tháng 10 năm Kỷ Hợi (1299), Ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà, người truyền thừa chính thức của phái Yên Tử, thế hệ thứ sáu, tiếp nối vị tổ thứ năm là Huệ Tuệ. Sau, Ngài đổi hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà và từ đây Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời. Cuộc đời xuất gia của Ngài là tích cực hoạt động, ngoài những mùa an cư kết hạ tại các am Tử Tiêu, Ngọa Vân, Thạch Thất, Tri Kiến hay tại các chùa Vĩnh Nghiêm, Siêu Loại thường đi vân du hoàng hóa khắp nơi[1].

Trong suốt cuộc đời và hành trạng của mình, Trần Nhân Tông đóng vai trò rất lớn, không chỉ sáng lập ra thiền phái mới trên cơ sở thống nhất các dòng thiền Tỳ ni đa lưu chi, Vô ngôn thông, Thảo đường mà còn thống nhất Phật giáo Đại Việt về cả tổ chức Giáo hội.

Sự ra đời, hoạt động của tổ chức Giáo hội Trúc Lâm Yên Tử trụ sở chính đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), với phương châm nhập thế, không chỉ hội tụ, hiệu triệu lòng dân trong công cuộc xây dựng quốc gia, dân tộc Đại Việt độc lập, tự chủ mà còn lan tỏa đến mọi thời đại với tinh thần và triết lý khơi tâm, tu thiền, trở lại với chân tâm, đem chân tâm để được sống từng phút giây thanh tịnh. Tổ chức Giáo hội Trúc Lâm được thành lập đã khẳng định uy tín và tinh thần của quốc gia Đại Việt, bản sắc dân tộc đậm đà và sâu sắc. “Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo độc lập, uy tín tinh thần của nó là uy tín tinh thần quốc gia Đại Việt. Nó là xương sống của một nền văn hoá Việt Nam độc lập. Nền Phật giáo này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Tạng nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình”[2].

Để có được tổ chức ổn định và  hoạt động hiệu quả, Trần Nhân Tông đã rất minh tuệ trong việc lựa chọn bậc chân tu kế đăng nối nghiệp, góp phần hiện thực hóa và làm nền tảng vững chắc cho Giáo hội. Bởi lẽ biến dịch của trời đất Pháp Loa là người thông tuệ, chỉ Ngài mới triển khai hiệu quả quan điểm nhập thế tiến bộ của Tổ Trần Nhân Tông. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đạo pháp và nhân sinh, khẳng định nét bản sắc văn hóa Đại Việt trong mô hình Phật giáo Trúc Lâm.

Thật vậy, công lao lớn của Trần Nhân Tông chính là việc đặt nền tảng xây dựng và củng cố Giáo hội Việt Nam thống nhất, điều này đã được lịch sử chứng minh. Sự ra đời của Thiền Phái Trúc Lâm với mục tiêu và phương châm hoạt động nhập thế đã góp phần to lớn cho sự nghiệp đoàn kết toàn dân tộc để dựng nước và giữ nước, mở rộng bờ cõi về phía Nam..

Với xuất thân là một vị vua xuất gia hành đạo nên trong mô hình tổ chức và hoạt động của Giáo hội Trúc Lâm không xa rời với thời cuộc và vận mệnh quốc gia, dân tộc. Tinh thần “nhập thế” gắn “đạo với đời”, làm cho Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc luôn được Trần Nhân Tông quán triệt. Chính vì lẽ đó đã tạo nên cho Thiền phái Trúc Lâm truyền thống đặc sắc riêng của Phật giáo Việt Nam, đó là sự dung hợp giữa hai tính chất “bác học” và “dân gian”, dễ dàng thấm sâu vào tâm thức của đông đảo các tầng lớp cư dân trong xã hội. Đây cũng là một nét văn hóa Phật giáo đặc sắc được Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong mọi thời đại luôn kế thừa và phát huy.

Xét từ góc độ bài học lịch sử của sự ra đời thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời Trần cho thấy những giá trị và ý nghĩa lịch sử vượt thời đại trong tư tưởng của Trần Nhân Tông về việc thống nhất tôn giáo, thống nhất tông chỉ, thống nhất tổ chức Phật giáo.

Thứ nhất, sự thống nhất các dòng thiền của Trần Nhân Tông là khởi điểm cơ sở nền tảng cho sự thống nhất hệ phái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, với sự tồn tại và phát triển của cả ba hệ phái chính: Phật giáo Nam tông (Nam tông kinh, Nam tông Khmer), Phật giáo Bắc tông và hệ phái Phật giáo Khất sĩ nhưng vẫn nhất quán trong một tổ chức lãnh đạo là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thứ hai, đối với Giáo hội Phật giáo hiện nay, sự kế thừa và thụ hưởng những thành quả văn hóa, lịch sử của Trần Nhân Tông, Giáo hội Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ trong quá khứ nói chung, đã góp phần tạo nên những kho tàng di sản văn hóa Phật giáo phong phú cho dân tộc. Đặc biệt phải kể để là những di sản văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, các ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm luôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng và hiện đang phát huy giá trị trong đời sống xã hội.

Những giá trị điêu khắc, kiến trúc, nghệ thuật Phật giáo trong các ngôi chùa Trúc Lâm được Trần Nhân Tông và các vị sư Tổ Trúc Lâm gìn giữ, tạo dựng cho đến ngày này đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng, đồng thời là không gian thực hành tín ngưỡng cho Phật tử, đặc biệt thờ các vị sư tổ Trúc Lâm với tháp Phật, tượng Tam Tổ Trúc Lâm và Tượng Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn… cho thấy những ý nghĩa và giá trị lưu danh hậu thế của Trần Nhân Tông và các Tăng sĩ Trúc Lâm, cuộc đời và đạo nghiệp của các Ngài luôn là tấm gương sáng cho biết bao thế hệ anh hùng, cao tăng danh nhân văn hóa đất nước noi theo,v.v..

Mặt khác, dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn dưới thời Trần nhưng vị thế của  Thiền phái Trúc Lâm, Giáo hội Trúc Lâm vẫn luôn được nhắc đến và hiển thị trong đời sống xã hội đương đại. Có không ít những ngôi chùa gắn với Thiền phái này được Phật tử, Tăng Ni cả nước xem như là những điểm tâm linh quan trọng trong cuộc du hành tâm linh mỗi dịp tết đến, xuân về, hội hè hay các sự kiện quan trọng của đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia, dân tộc. “Bởi những ngôi chùa gắn với Thiền phái luôn được xây dựng ở địa điểm có cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, với quy mô kiến trúc rất đồ sộ và đã trở thành “Danh lam thắng cảnh” có ảnh hưởng lớn trong tâm thức dân gian. Các ngôi chùa đó phần lớn đều được vinh danh là những đại danh lam như: Yên Tử, Quỳnh Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La), chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai, chùa tháp Phổ Minh… và đã trở thành những điểm đến du lịch rất hấp dẫn với những hoạt động lễ hội dài ngày có ảnh hưởng trong những vùng rộng lớn của đất nước”[3]. Đặc biệt là trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, được xem như cội nguồn, gốc tích và điểm đến cho mỗi chuyến hành trình tâm linh của Phật tử Việt Nam, có lẽ chính vì vậy mà dân gian vẫn thường nhắc nhở nhau:

Dù ai quyết chí tu hành

Chưa về Yên tử chưa thành quả tu”

Trần Nhân Tông vừa là nhân vật lịch sử, là vị Phật hoàng, đồng thời là bậc đặt nền tảng cho tư tưởng thống nhất Phật giáo đầu tiên. Phải chăng, xuất phát từ đó mà các cao Tăng Việt Nam trong những giai đoạn chấn hưng Phật giáo Việt Nam sau này luôn đau đáu trong lòng một nhiệm vụ cao cả là “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc” và đi đầu trong các cuộc vận động chấn hưng thống nhất Phật giáo. Đó là cơ sở tư tưởng khởi xướng cuộc vận lớn trong lịch sử và đưa đến kết quả ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trong cả nước năm 1981 cho đến nay.

Thứ ba, kế thừa truyền thống và phát huy giá trị tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông, đặc biệt trong việc tổ chức Giáo hội, lựa chọn những bậc minh sư phẩm hạnh trong sáng, đạo hạnh uyên bác và tinh thần Bồ tát đạo hết lòng phục vụ cho đất nước, cho nhân dân, cho chúng sinh. Tổ chức và đội ngũ nhân sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay thông qua các kỳ đại hội đã không ngừng bổ sung và hoàn thiện đội ngũ kế đăng nghiệp tổ, Tăng Ni vừa là những bậc chân tu nghiêm trì giới luật lại vừa có trình độ, học hàm, học vị cao, đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển giáo hội trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập của đất nước Việt Nam.

Thứ tư, những tư tưởng và thực tiễn trong xây dựng và hoạt động của Giáo hội Trúc Lâm thống nhất gắn với dân tộc Đại Việt của Trần Nhân Tông còn có ý nghĩa lịch sử quan trọng cho sự phục hưng của Trúc Lâm Yên Tử hiện nay trong nhiều địa phương cả nước. Đó là sự xuất hiện một hệ thống các thiền viện Trúc Lâm từ Bắc vào Nam do Hòa thược Thích Thanh Từ khởi xướng như Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Trúc Lâm Phương Nam (Cần Thơ), Trúc Lâm Đà Lạt… Chính sự xuất hiện các hệ thống các thiền viện Trúc Lâm này đã cho thấy sự trỗi dậy của phương châm Phật giáo nhập thế mà Trần Nhân Tông đã khởi xướng… Các Thiền viện này là nơi diễn ra những hoạt động tu tập hoằng dương chính pháp, giáo lý Phật giáo Trúc Lâm và các phương pháp tu thiền Phật giáo được việt hóa trong thực hành sâu sắc và gần gũi với văn hóa Việt Nam.

Tóm lại, Trần Nhân Tông chính là vị Phật hoàng có vai trò đặt nền tảng cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm đồng thời tích cực trong các hoạt động thống nhất các dòng Thiền, thống nhất Phật giáo Trúc Lâm về mặt tổ chức trên cơ sở nguyên lý  dung hợp và tiếp biến văn hóa của người Việt Nam đối với các yếu tố văn hóa và tôn giáo ngoại lai. Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Giáo hội Trúc Lâm cho thấy những ưu việt của một thiền phái Phật giáo thuần Việt. Giáo hội Trúc Lâm luôn đồng hành cùng dân tộc, nhập thế nhằm củng cố và tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa đất nước Đại Việt vượt qua mọi thử thách của lịch sử. Từ những giá trị lịch sử của Giáo hội Trúc Lâm Yên Tử, cho phép chúng ta có thái độ trân trọng quá khứ và khai thác phương châm của Phật giáo Trúc Lâm phục vụ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay để cụ thể hóa mục tiêu “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”./.

[1] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo Sử luận-Tập I, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.285

[2] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo Sử luận-Tập I, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 279-288.

[3] Bảo Anh (2018,)Trúc lâm Yên Tử- Thiền phái đậm chất văn hóa Việt, http://btgcp.gov.vn, truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2018.

.
.
.
.