NCS. Dương Tiến Phong (Đại đức Thích Huệ Lương)
Nghiên cứu sinh chuyên ngành Phật học, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội; Ủy viên Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Tóm tắt: Bằng sự thực chứng đối với pháp, ba vị tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm đã để lại cho Phật giáo và dân tộc những giá trị to lớn về văn hóa vật thể và phi vật thể. Điều đó được thể hiện rõ nét qua đời sống tu tập và hành đạo của quý ngài. Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng nằm trên dãy núi Phượng Hoàng, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã và đang nỗ lực không ngừng để làm sống lại những giá trị của Tam Tổ Trúc Lâm. Trong bài viết này, tác giả sẽ nghiên cứu một vài nét trong phương pháp tu tập và hành đạo của Tam Tổ Trúc Lâm, và những kế thừa, phát huy của Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng nhằm phục hồi các giá trị văn hóa Phật giáo thời Trần. Bài viết sử dụng các phương pháp tra cứu tài liệu, phân tích tổng hợp, đối chiếu so sánh, phương pháp điền dã và phương pháp nghiên cứu định tính qua phỏng vấn sâu một số tăng ni và Phật tử đang sinh hoạt tại Thiền viện.
Từ khóa: Phật giáo, Tam Tổ Trúc Lâm, Thiền phái Trúc Lâm, Phật giáo Bắc Giang, thực hành tôn giáo, tu tập, hành đạo, Thiền viện Phượng Hoàng.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trải qua những thăng trầm khốc liệt của lịch sử thế kỷ XIV – XV, sự khắc nghiệt của thời gian, các giá trị vật thể và phi vật thể của Phật giáo đời Trần nói chung và Tam Tổ Trúc Lâm nói riêng đã bị mai một gần hết. Thế kỷ XVII – XVIII, ngài Minh Châu Hương Hải và ngài Chân Nguyên Tuệ Đăng đã phục hưng tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm, phục hưng kinh sách, hoạt động tu tập và phục hưng cả những cơ sở thờ tự theo Phật giáo thời Trần. Tuy nhiên, những biến cố lịch sử vào cuối thế kỷ XVIII đến những năm đầu của thế kỷ XX đã khiến các giá trị của Phật giáo Trúc Lâm lại một lần nữa bị mai một và rơi vào quên lãng.
Từ những năm cuối của thể kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, với những đóng góp to lớn của Hòa thượng Thích Thanh Từ và các học trò của Ngài – với tôn chỉ chấn hưng Thiền phái Trúc Lâm, các thiền viện được thành lập khắp nơi, cả trong nước lẫn ngoài nước – đã nỗ lực không ngừng trong việc khôi phục và phát huy những giá trị tinh hoa của Phật giáo thời Trần.
Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang mới được thành lập từ năm 2012 nhưng đã có những đóng góp nhất định trong việc khôi phục lại những tinh hoa của Phật giáo Trúc Lâm tại Bắc Giang. Trong khuôn khổ bài biết này, tác giả sẽ nghiên cứu phương pháp tu tập và hành đạo của Tam Tổ Trúc Lâm cùng với những kế thừa, phát huy cũng như những đóng góp cho Phật giáo và xã hội của Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng ngày nay. Kết quả phỏng vấn định tính 30 trường hợp cho thấy các hoạt động tu tập và hành đạo của Thiền viện đều tuân theo quy chuẩn của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, đều có tính kế thừa truyền thống của Tam Tổ Trúc Lâm, và có nhiều đóng góp cho xã hội.
II. NỘI DUNG CHÍNH
2.1. Tổng quan nghiên cứu
Tác phẩm Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm của Thích Phước Đạt, Chương 3: Giá trị nội dung tư tưởng trong tác phẩm của Thiền phái Trúc lâm, Phần 3.2.4. Phương thức hành Thiền tu chứng, tác giả đã nghiên cứu, lập luận và trình bày một số phương pháp tu tập của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần một cách hợp lý và khoa học.
Sách Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam có đoạn nói về tư tưởng hành đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông như sau: “Trong vai trò đệ nhất tổ, ông chủ trương đường lối sinh hoạt của Thiền phái là nhằm phục vụ cho đạo pháp và dân tộc. Đây là một Thiền phái có một bản sắc, ý thức hệ dân tộc Đại Việt, có vai trò làm hạt nhân liên kết các thành phần trong xã hội để xây dựng và phát triển đất nước. Theo Tam Tổ thực lục, ông từng đi khắp các chốn thôn quê, trừ bỏ dâm từ và dạy dân thực hành thập thiện. Như vậy, Trần Nhân Tông muốn xây dựng một nền đạo đức Phật giáo làm nền tảng cho xã hội Đại Việt. Khi đạo đức con người được hoàn thiện, thì đất nước mới được hưng thịnh, bền vững”
Tuy nhiên, trong các nghiên cứu trên, phương pháp tu tập và phương pháp hành đạo của ba vị tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể, chi tiết, và phần nào còn sơ sài, chưa đầy đủ. Hơn nữa, phương pháp tu tập và hành đạo của Thiền phái Trúc Lâm ngày nay vẫn chưa có tài liệu khoa học nào nghiên cứu một cách đầy đủ. Bài viết này mong mỏi đóng góp được phần nào những thiếu sót trên.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong bài viết này, tác giả sử dụng phương pháp tra cứu tài liệu, phân tích tổng hợp, đối chiếu so sánh, phương pháp điền dã và phương pháp nghiên cứu định tính qua phỏng vấn sâu 30 vị tăng ni và Phật tử đang sinh hoạt tại Thiền viện. Tác giả sẽ nghiên cứu các tài liệu về Tam Tổ Trúc Lâm và Phật giáo thời Trần như Tam Tổ thực lục, Thánh đăng lục, Văn thơ Lý Trần… để làm rõ phương pháp tu tập và hành đạo của 3 vị tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm. Từ đó, đối chiếu, so sánh với những hoạt động của Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng để tìm ra những hoạt động đã kế thừa và phát huy phương pháp tu tập và hành đạo của Tam Tổ Trúc Lâm, và những đóng góp cho xã hội ngày nay. Từ đó đưa ra những kiến nghị và giải pháp để phát huy hơn nữa tinh thần nhập thế tích cực, tùy duyên lạc đạo, hòa quang đồng trần… để xây dựng một xã hội đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, tích cực làm việc thiện, tu sửa những thói hư, tật xấu… và những giá trị khác của Phật giáo thời Trần trong các hoạt động Phật sự của Phật giáo Bắc Giang nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
2.3. Kết quả nghiên cứu
2.3.1. Hoạt động tu tập
Những ghi chép chính thức về hoạt động tu tập của Tam Tổ Trúc Lâm hiện nay không còn nhiều, thông qua những tư liệu còn sót lại, chúng ta có thể hình dung ra một số nét chính về hoạt động tu học của ba vị tổ Trúc Lâm như sau:
a. Tinh thần tu học: Thiền giáo song hành
Thiền giáo song hành là phương pháp thực hành chi tiết dành cho bậc trung và hạ căn. Những người chưa thể giác ngộ được trong một lời khai thị, chưa thể nhập được bản tâm thanh tịnh sau một cái “trực chỉ” của tổ sư. Những người này cần phải nương theo Giáo để tiệm tu, thực hành Thiền để tỏ ngộ chân tâm. Để rồi một ngày, khi thời tiết nhân duyên chín muồi, người đó có thể hốt nhiên thể nhập bản tâm thanh tịnh của chính mình, cùng với mười phương chư Phật không khác.
Trong Tam Tổ thực lục, phần ghi chép về đệ nhị tổ Pháp Loa, có viết:
“Lúc trở về liêu Kỳ Lân núi Linh Sơn, Điều Ngự thế phát, trao man y cho Sư, rồi bảo đến Quỳnh Quán học với Hòa thượng Tính Giác. Sư thưa hỏi trăm điều mà Tính Giác rốt cuộc vẫn chưa thể khai thị cho sư, nên sư tìm đọc kinh Hải Nhãn (kinh Lăng nghiêm), đến đoạn “Bảy lần gạn hỏi tâm cuối cùng đến ví dụ khách trần”, sư suy nghĩ giây lâu, bỗng được thể nhập.
Một ngày kia, từ bên Hòa Thượng Tính Giác trở về để tham vấn Điều Ngự, vừa gặp lúc Điều Ngự thượng đường đọc bài tụng “Thái dương ô kê”, Sư liền tỉnh ngộ. Điều Ngự biết Sư đã tỏ ngộ, bèn dạy theo hầu bên mình. Một đêm nọ, nhân trình ba bài tụng cốt yếu đều bị Điều Ngự sổ toẹt, sư thưa hỏi đến bốn lần mà Điều Ngự vẫn bảo phải tự tham cứu lấy. Trở về phòng tâm thần rất xao xuyến, đế nửa đêm thấy hoa đèn rơi, Sư bỗng nhiên đại ngộ, bèn đem những gì đã tỏ ngộ trình lên Điều Ngự, Điều Ngự rất bằng lòng. Từ đó, sư thệ nguyện tu theo mười hai hạnh đầu đà.”
Như vậy, Ngài Pháp Loa tu hành bằng phương pháp tham thiền, song hành với việc nghiên cứu, đọc tụng kinh điển.
Lại có đoạn viết: “… Rồi đem chùa Siêu Loại của sơn môn Yên Tử giao cho sư, bảo phải kế thế trụ trì, làm tổ thứ hai Thiền phái Trúc Lâm. Lại đem một trăm hộp kinh sử ngoại điển và hai mươi hộp Đại tạng cỡ nhỏ viết bằng máu trao cho sư để mở mang sự học nội và ngoại điển.”
Việc trao một trăm hộp kinh sử ngoại điển và hai mươi hộp Đại tạng cho người kế nhiệm để mở mang sự học nội điển và ngoại điển thể hiện rõ ràng tinh thần Thiền giáo song hành. Hầu hết các vị tổ sư khác, cả trước đó lẫn sau này, khi truyền pháp cho đệ tử chỉ truyền tâm (dĩ tâm truyền tâm), có một số vị còn có bài kệ truyền pháp. Tất cả chỉ là ấn chứng Tâm tông, truyền riêng ngoài Giáo. Riêng trường hợp của đức Điều Ngự, Ngài không chỉ truyền Tâm mà còn truyền trao Giáo điển trong một nghi thức được tổ chức trọng thể, trước sự chứng kiến của vua, quan, tăng, tục đầy đủ. Hành động truyền trao Tổ vị của Ngài rõ ràng thể hiện tinh thần Thiền giáo song hành.
Trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, đức Phật Hoàng cũng có viết:
“Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển,
Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm”.
Dịch thơ:
“Dưới gốc, giường thiền, kinh một quyển,
Thanh nhàn hai chữ, đáng muôn đồng”.
(Huệ Chi phiên âm từ chữ Nôm)
Như vậy, việc nghiên cứu kinh điển song hành với việc tọa thiền đã là một tinh thần chủ đạo được đức Điều Ngự thực hành và dạy bảo cho các thế hệ sau.
Ở Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, hoạt động tu học thể hiện tinh thần thiền giáo song hành một cách rõ nét. “Học tập Kinh – Luật – Luận luôn được tiến hành song song với các hoạt động tọa thiền, hành thiền và đời sống thiền. (Đại đức Thích Huệ Hùng, Phó trụ trì Thiền viện). “Trong thời khóa sinh hoạt của Thiền viện, bên cạnh những khoảng thời gian dành cho tọa thiền, thì cũng có những khoảng thời gian dành cho học tập và nghiên cứu kinh điển (Phụ lục 1). Cụ thể, thời gian học tập
kinh điển được sắp xếp vào các buổi chiều trong ngày” (Đại đức Thích Thiên Thanh, Chánh văn phòng Thiền viện)
Trong thanh quy Thiền phái Trúc Lâm, HT. Thích Thanh Từ có viết:
“Chủ yếu của Thiền tông là: Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật. Thế mà chúng ta tu thiền lại nghe kinh học luận, có trái với chủ trương của Thiền Tông không? Vì Phật giáo Việt Nam thừa kế gia bảo Thiền Tông mà đã không khéo giữ gìn nên bị mất gốc. Do đó các Thiền Viện mới chủ xướng Thiền Giáo đồng hành, nghĩa là vừa tu theo Thiền Tông vừa học kinh luận. Hơn nữa hiện tình tu sĩ Việt Nam cũng có lắm người tu thiền, nhưng không có mấy người thực tu theo Thiền Tông chánh thống, nên họ dễ bị lạc lầm và sanh ra bệnh hoạn điên cuồng. Vì vậy, các Thiền Viện nếu không đem kinh luận của Phật, Tổ phối hợp chặt chẽ thì không sao tránh khỏi sự nghi ngờ lo sợ của đa số tu sĩ. Ðó là lý do căn bản Tăng Ni các Thiền Viện phải học kinh luận.”
Như vậy, Thiền giáo song hành là tinh thần chung của Thiền phái Trúc Lâm và được thực thi ở ngay trong Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Tinh thần này là sự kế thừa từ Tam Tổ Trúc Lâm và vẫn duy trì trong hoàn cảnh tu học của tăng ni hiện tại trong Thiền viện.
b. Phương pháp thực hành
Đến nay, chúng ta không biết chính xác phương pháp thực hành tu tập của Tam Tổ Trúc Lâm là gì. Thông qua ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của các ngài, đặc biệt là thông qua những tác phẩm của Tam Tổ, chúng ta có thể hình dung phần nào các phương pháp mà các ngài đã hành trì trong thời gian tu tập.
– Lục thời sám hối
Lục thời sám hối khoa nghi được vua Trần Thái Tông biên soạn và thực hành trong suốt những năm tu tập của mình. Đây là nghi khóa sám hối 6 thời, mỗi thời sám hối tội lỗi của một căn gây ra. Kế thừa phương pháp tu tập này, các vị tổ sau này thuộc hệ phái Trúc Lâm cũng ứng dụng thực hành theo lục thời sám hối khoa nghi. Trong Tam Tổ thực lục, phần ghi chép về Tổ Pháp Loa có đoạn: “Sư thường ngày đêm lễ Phật, trì chú không lúc nào thiếu sót, lại viết bài phát nguyện trong “Lục thời nghi”, đại ý nói: “Chư Phật, Bồ-tát có những hạnh nguyện gì đều xin học cả. Hết thảy chúng sanh hoặc tán dương hay hủy báng, hoặc kính trọng hay xem thường, hoặc bố thí hay cướp đoạt, mà khi gặp mặt hay nghe tên, đều nguyện độ cho họ được giác ngộ”.”
Như vậy, Lục thời sám hối khoa nghi là phương pháp hành trì được chư Tăng của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần thực hành hàng ngày.
Trên tinh thần đó, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, một trong số nhiều các Thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Hòa thượng Thích Thanh Từ – Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam tiếp nối và phục hưng, đã và đang ứng dụng theo Khoa Nghi Lục Thời Sám Hối. “Vào mỗi buổi chiều tối, từ 18h00 đến 19h00, Tăng Ni và Phật tử đang tu học tại Thiền viện lại lên Chánh điện hành trì thời khóa Sám hối 6 căn”. (Phật tử nam, 62 tuổi, nghỉ hưu). Sám hối sáu căn là một nghi thức được biên tập lại từ Lục thời sám hối khoa nghi của Trần Thái Tông. HT Thích Thanh Từ đã uyển chuyển ghép sáu thời sám hối thành một thời nhưng vẫn giữ nguyên nội dung chính để Tăng Ni và Phật tử trong Thiền viện có thể thực hành hàng ngày. Như vậy, Lục thời sám hối vẫn được kế thừa và phát huy, tuy nhiên đã được cải biên cho phù hợp với căn cơ và bối cảnh xã hội ngày nay.
– Phản quan tự kỷ
Phản quan tự kỷ là phương pháp nhìn lại chính mình. Với thói quen thông thường, người ta thường hướng sự chú ý ra bên ngoài mà quên mất hướng sự chú ý vào trong. Chỉ khi nào hướng sự chú ý của mình vào trong mới có thể hiểu được chính mình, hiểu được thói quen, tính cách, bản chất của chính mình. Đây là phương pháp tu tập mà vua Trần Nhân Tông đã được Tuệ Trung Thượng sĩ chỉ dạy và ngài đã thực hành suốt cuộc đời mình. Trong Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục có chép: “Một hôm tôi xin hỏi ngài về bổn phận tông chỉ, Thượng Sĩ đáp: Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được. (Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc). Nghe xong, tôi thông suốt được đường vào, bèn vén áo thờ ngài làm thầy”.
Vua Trần Nhân Tông ngay từ nhỏ đã thông suốt được phương pháp tu hành nhờ lời dạy này của Tuệ Trung Thượng sĩ “Phản quan tự kỷ bản phận sự”. Có nghĩa là phận sự của người tu hành là nhìn lại chính mình. “Khi nhìn lại chính mình, mình mới biết được mình sai ở đâu để sửa. Khi nhìn lại chính mình, mình mới biết khi nào mình tham, sân, si để chuyển hóa cái tham sân si thành vô tham, vô sân, vô si.” (Sư cô Thích Nữ Hằng Trí, Giáo thọ sư Thiền viện)
Vâng theo lời dạy của chư Tổ, và đặc biệt là những lời nhắc nhở, dạy dỗ thường xuyên của HT Thích Thanh Từ và TT Thích Kiến Nguyệt, “Tăng Ni và Phật tử Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng luôn nhìn lại chính mình. Nhìn lại mình để hiểu mình hơn. Nhìn lại những hành vi, cử chỉ, hành động của mình để ý thức rõ về sự có mặt của mình trong đời sống hiện tại, duy trì Chánh niệm trong mọi hành vi, cử chi của thân và trong từng tư duy, suy nghĩ của tâm, tập làm chủ chính mình, làm chủ vọng niệm, nhận ra và sống được với chủ nhân thực sự của ngôi nhà bốn đại giả huyễn này” (Đại đức Thích Huệ Hùng, Phó Trụ trì Thiền viện).
– Biết vọng không theo
Biết vọng không theo là phương pháp tu tập được HT Thích Thanh Từ chỉ dạy ngay từ những ngày đầu dạy Thiền. Hành giả tu thiền luôn quay về quan sát tâm mình, mỗi khi có một vọng tưởng khởi lên, thì đều biết vọng tưởng đó là không thật, giả tạm nhất thời, ngay sáng biết đó là tính giác, không cần khởi thêm niệm khác, đó là người khéo tu biết vọng. Lục Tổ đại sư nói: Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm. Trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Phật hoàng Trần Nhân Tông có viết: “Cốc hay thân huyễn, Chẳng khác phù vân; Vạn sự giai không, Tựa dường bọt bể”. Nghĩa là: biết được thân này là giả huyễn, chẳng khác gì đám mây trôi nổi, vạn sự trên thế gian này là trống rỗng, tựa như bọt biển lúc còn lúc mất. Nhờ biết được vậy mà không còn dính mắc, buông xả nhẹ nhàng. Trong Cư trần lạc đạo phú có viết:
“Gìn tánh sáng, tánh mới hầu an; Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác”. HT Thích Thanh Từ giảng giải hai câu này như sau: “Hai câu này đúng với tinh thần chúng ta đang ứng dụng tu. Gìn tánh sáng tức là gìn giữ tánh sáng của mình, thì tánh sáng đó mới được an ổn mà hằng chiếu soi, nếu không nó sẽ bị che khuất. Nhưng muốn gìn tánh sáng phải làm sao? Nén niềm vọng, chữ “niềm” tức là niệm. Những niệm vọng tưởng chúng ta phải buông bỏ, nó dừng rồi thì không còn lầm lẫn. Chữ “thác” là lầm lẫn. Người tu muốn cho trí tuệ hay Tánh giác của mình luôn luôn hiển bày thì phải buông xả những niệm vọng tưởng. Những niệm vọng tưởng đã lặng rồi sẽ thấy lẽ thật không còn lầm lẫn, không còn sai chạy nữa. Như vậy để thấy chủ trương của Ngài và chúng ta không khác nhau”.
“Trong các thời khóa tọa thiền cũng như lao động chấp tác ở Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, tăng ni Phật tử luôn tỉnh giác, sáng suốt để kịp thời nhận biết sự sinh diệt của vọng tưởng. Mỗi khi có một vọng tưởng khởi lên, hành giả lại quán chiếu về tính nhân duyên sinh, tính chất giả tạm nhất thời của các pháp mà buông xả kịp thời, không để cho các vọng tưởng dẫn lôi mà phạm phải sai lầm”. (Đại đức Thích Thiên Quốc, Tri sự Thiền viện).
– Chân tâm hiện tiền
Chân tâm hiện tiền là một phương pháp tu hành được Hòa thượng Thích Thanh Từ dạy cho đồ chúng cách sống với Phật tính hiện tiền. Biết được rằng ai cũng có Phật tính, bản thân mình cũng có Phật tính luôn sáng suốt, tự tại. Hành giả nương vào tánh biết để làm chủ thân tâm, nhận thức rõ ràng thân tâm và thế giới trong mỗi tương quan nhân quả, duyên sinh, vô thường, khổ, vô ngã.
Trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Phật hoàng Trần Nhân Tông có viết: “Pháp thân thường trụ, Phổ mãn thái hư; Hiển hách mục tiền, Viên dung lõa lõa”. HT Thích Thanh Từ giảng về lời dạy này như sau:
“Thân tứ đại còn mất không có gì quan trọng, việc quan trọng của chúng ta là phải nhận ra Pháp thân thường trụ. Pháp thân thường trụ đó đầy dẫy khắp cả thái hư, rõ ràng trước mắt, viên dung lõa lõa. Lõa lõa là xán lạn. Pháp thân đó viên dung xán lạn, không chỗ nào vắng thiếu hay mờ tối hết.
Trong nhà thiền dạy chúng ta khi đi chỉ biết đi, ăn chỉ biết ăn, ngồi chỉ biết ngồi v.v… Như vậy để làm gì? Vì cái chân thật đang hiện tiền luôn hiện hữu trước mắt, song chúng ta đi lại lo nghĩ chuyện hôm qua hôm kia, đối xử với ai sao đó… nên quên mình đang đi. Việc ăn cũng thế, khi ăn không lo ăn lại nhớ nghĩ trăm việc, hoặc khen chê món này ngon món kia dở, nên quên mình đang ăn. Bây giờ nếu chúng ta sống đúng như lời Ngài dạy, đi chỉ biết đi, ăn chỉ biết ăn, không xen niệm nào khác. Biết rõ ràng như vậy, đó chính là cái biết hiện tiền viên dung lõa lõa rồi. Cái biết ấy đã sẵn có đầy đủ, không cần suy nghĩ, suy nghĩ là lộn xộn lăng xăng dấy động. Tu thiền
là lúc nào cũng thiền, đi thiền, ngồi thiền, đứng thiền, ăn thiền, tâm chuyên nhất không thêm một việc khác. Lúc đó, có ai nói gì mình biết không? Không biết làm sao ta biết mình đang nghe, đang nói, đang đi. Như vậy tu thiền thật đơn giản làm sao!”.
TT Thích Kiến Nguyệt, Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng nói: “Tu ngay trong công việc. Làm việc gì biết rõ việc đó, khi đi thì biết đi, khi đứng thì biết đứng, khi nhặt rau biết nhặt rau, khi giặt rũ biết giặt rũ, khi quét nhà biết quét nhà…”. “Khi sống với cái biết hiện tiền, tạp niệm không xen vào, phiền não khổ đau nhờ đó cũng không có cơ hội sinh khởi, hành giả an nhiên, tự tại, sáng suốt giữa cuộc đời” (Đại đức Thích Thiên Thanh, Chánh Văn Phòng Thiền viện).
2.3.3. Hành đạo
a. Tinh thần hành đạo
– Tùy duyên nhập thế tích cực
Tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm đã trở thành một trong những đặc trưng nổi bật của Thiền Tông Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm xưa đã nhập thế cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước. Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng ngày nay cũng luôn chủ động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chung tay cùng với Nhà nước xóa đói, giảm nghèo, cứu trợ thiên tai, giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn.
“Trong thời gian đại dịch Covid-19, toàn tỉnh Bắc Giang phải thực hiện các biện pháp cách ly chống dịch. Nhưng các bếp cơm từ thiện của Thiền viện vẫn luôn hoạt động tích cực để kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm cho các bệnh nhân, các y bác sĩ, lực lượng an ninh làm nhiệm vụ. Hơn nữa, Thiền viện còn có đường dây nóng để sẵn sàng đưa bệnh nhân Covid tới bệnh viện kịp thời” (Đại đức Thích Chánh Hiếu, Thiền sinh của Thiền viện).
– Cư trần lạc đạo
Tư tưởng “cư trần lạc đạo” là tư tưởng vui với đạo ngay giữa trần gian bụi bặm này. Tư tưởng tu hành và giác ngộ ngay giữa trần tục này đã hình thành nên mẫu người Phật tử biết đem đạo vào đời, dẫn thân phục vụ mà vẫn an nhiên, tự tại, giải thoát:
“Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; Săn hỷ xả, nhuyến từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc”.
– Cư trần lạc đạo phú. Hội thứ 8.
Nhờ có tinh thần cư trần lạc đạo, người Phật tử luôn tìm được niềm vui đạo trong bộn bề cuộc sống, tu tập và phụng sự mà không rời xa lý tưởng giác ngộ, giải thoát.
“Trong thời gian Thiền viện tổ chức khóa tu mùa hè cho các học sinh, với số lượng người về Thiền viện tu tập tăng đột biến, công việc bề bộn, lực lượng phục vụ, chăm sóc học sinh và hướng dẫn khóa tu lại ít nên công việc thường quá tải. Tính cách của các cháu học sinh lại hiếu động, nghịch ngợm, nhưng quý sư thầy, quý sư cô tổ chức khóa tu vẫn luôn niềm nở, hòa nhã và nhẹ nhàng, hết lòng chăm sóc và dạy dỗ các cháu những điều hay lẽ phải của cuộc sống” (Phật tử nữ, 48 tuổi, giáo viên).
“Quá trình xây dựng Thiền viện thật hết sức vất vả. Bên cạnh công nhân, kĩ sư xây dựng, thì quý thầy cũng trực tiếp lao động. Có những thầy trực tiếp lái xe tải trở đất, lái máy múc để san nền, tạo mặt bằng xây dựng… Tuy công việc vất vả nhưng quý thầy vẫn luôn vui vẻ và quan tâm đến Phật tử, công nhân đang lao động trên công trường” (Phật tử Nam, 60 tuổi, nghỉ hưu)
– Ý thức tự chủ trong vấn đề sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt Ngay từ rất sớm, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã viết Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca bằng chữ Nôm. Tam Tổ Huyền Quang cũng có nhiều tác phẩm chữ Nôm đặc sắc. Những tác phẩm này đều trở thành những tài liệu quan trọng xác định tinh thần, tư tưởng chủ đạo trong các hoạt động tu tập và hành đạo của Thiền phái Trúc Lâm.
Khác với các cơ sở tôn giáo khác của Phật giáo Việt Nam hiện nay thường dùng chữ Hán làm chủ đạo, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đã đưa chữ quốc ngữ vào sử dụng chính thức ngay từ những ngày đầu thành lập. Các họa tiết trang trí, hoành phi, câu đối, nghi thức tụng niệm… đều đã được Việt hóa và sử dụng chữ quốc ngữ để truyền tải nội dung Phật pháp, cũng như trong các hoạt động khác.
Hai đôi câu đối ở Chánh điện Thiền viện:
Thiền viện mát lành, đến đây rồi không còn vinh nhục
Lòng mình thanh thoát, đi trong đời tự tại thong dong.
và
Phật giáo chỉ đường lìa mê về bến giác,
Thiền tông không lối trực ngộ đến chân như.
Ngoài ra, các nghi thức như kinh Bát Nhã, cúng Phật, cúng Ngọ, cúng chúng sinh… cũng đều được dịch ra chữ Nôm cho Tăng ni Phật tử thuận tiện trong việc tụng đọc và hiểu được nghĩa lý.
b. Các hoạt động hành đạo
Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng có rất nhiều hoạt động. Trong phạm vi của bài viết này, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu về 4 loại hoạt động nối bật: 1) Lao động chấp tác, 2) hoạt động hoằng pháp, 3) hoạt động hướng dẫn Phật tử, và 4) hoạt động từ thiện xã hội.
– Lao động, chấp tác
Trong Bách Trượng thanh quy, tổ Bách Trượng có dạy: “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”. Nghĩa là, một ngày không làm, một ngày không ăn. Đối với Trần Nhân Tông, người tu không phải chỉ có vui với đạo một cách an nhàn mà phải dấn thân phụng sự cuộc đời. Trong Cư trần lạc đạo phú, Phật Hoàng Trần Nhân Tông có viết: “Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm; ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”.
Tuỳ duyên, bất biến, nhậm vận tuỳ thời, đó là mẫu người lý tưởng Bồ tát trang nghiêm, Trượng phu trung hiếu. Một vị Bồ tát cứu khổ, ban vui, dùng tâm từ bi hỷ xả mà làm lợi lạc cho vô lượng chúng sinh, trang nghiêm cõi Phật. Một người trượng phu, trung thành với triều đình, hiếu thảo với cha mẹ.
“Hoạt động lao động chấp tác được các thiền sinh trong thiền viện thực hiện nghiêm túc, coi làm việc cũng là tu, tu ngay trong công việc, trong khi làm việc cũng là lúc tu hành, bởi thiền không ngoài tâm này, nói năng làm việc đều có tâm, đã có tâm tức có thiền. Các công việc thường nhật ở Thiền viện như trồng rau, làm vườn, chăm sóc cây cảnh, cho đến lau nhà, xây dựng, khuân vác… đều được thực hiện trong sự chánh niệm, an vui và hòa hợp”. (Đại đức Thích Thiên Quốc, Tri sự Thiền viện).
– Hoạt động hoằng pháp
Hoạt động hoằng pháp là một trong những hoạt động quan trọng của Tu sĩ: thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Trong Tam Tổ thực lục, chư vị Tổ sư thường xuyên tổ chức các pháp hội giảng kinh, giảng lục…
“Ngày mùng 1 tháng giêng năm Mậu Thân (1308), Ngài sai Pháp Loa đến huyện Siêu Loại tại Báo Ân thiền tự khai giảng trụ trì. Tháng tư năm ấy, Ngài đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lượng Giang kiết hạ và sai Pháp Loa khai giảng trụ trì. Chính Ngài giảng Truyền Đăng Lục, bảo Quốc sư Đạo Nhất vì chúng giảng kinh Pháp Hoa.”
“Niên hiệu Hưng Long thứ 2 (1304), Điều Ngự (Nhân Tông) dạo đi các nơi, phá dâm từ (miếu thờ thần không chánh đáng) và ban pháp dược”
“Năm Hưng Long thứ 15, Sư được hai mươi bốn tuổi, Điều Ngự trụ ở am Thiên Bảo Quan có bảy tám người Thị giả mà Sư là đứng đầu. Điều Ngự vì Sư giảng Đại Huệ Ngữ Lục.”
“Năm Hưng Long thứ 16 (1308) vào ngày mùng 1 tháng giêng, Sư vâng lệnh Điều Ngự làm lễ nối pháp trụ trì tại nhà Cam Lồ chùa Siêu Loại. Khai lễ có vua Anh Tông và đình thần đến dự. Điều Ngự lên đàn thuyết pháp rồi nhường chỗ cho Sư giảng đạo”.
“Năm Khai Hựu thứ 2 (1330) ngày mùng 5 tháng 2, Sư phát bệnh trong hội
giảng kinh Hoa Nghiêm tại An Lạc tàng viện”.
Kế thừa và phát huy truyền thống của chư Tổ, “Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng cũng thường xuyên tổ chức các chương trình thuyết giảng Phật pháp cho Phật tử. Nội dung thuyết giảng xoay quanh lời dạy của chư Phật, chư Tổ được ghi lại trong các kinh sách, ngữ lục… Ngoài ra, Thiền viện còn tổ chức các buổi pháp đàm, vấn đáp Phật pháp để giải đáp những thắc mắc và tháo gỡ những vướng mắc của Phật tử trong quá trình tu hành tại gia”. (Sư cô Thích Nữ Hằng Trí, Giáo thọ Thiền viện). Các buổi thuyết giảng tại Thiền viện thường xuyên thu hút được hàng ngàn người tham gia nghe pháp.
c. Hoạt động hướng dẫn Phật tử
Hoạt động hướng dẫn Phật tử cũng là một trong những hoạt động trọng tâm của Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Thiền viện thường xuyên tổ chức các khóa quy y Tam Bảo cho Phật tử mới, cũng như nhận lời thỉnh mời của các chùa về làm lễ quy y Tam bảo cho nhân dân địa phương. Qua đó, hướng dẫn Phật tử giữ gìn 5 giới, tu hành thập thiện.
Thời còn tại thế, đức Phật Hoàng cũng thường xuyên đi khắp nơi giáo hóa, dạy dỗ dân chúng bỏ ác, làm lành, tu hành theo chính đạo. Trong Tam Tổ thực lục có đoạn: “Đến năm Giáp Thìn (1304), Ngài dạo đi khắp nơi khuyên dân dẹp bỏ những dâm từ (miếu thờ thần không chánh đáng), và dạy họ tu hành Thập thiện. Vào mùa đông năm ấy, vua Anh Tông dâng biểu thỉnh Ngài về đại nội để truyền giới Bồ – tát tại gia”.
Ngoài các khóa lễ quy y và truyền thụ 5 giới cư sĩ tại gia, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng cũng thường xuyên tổ chức các khóa tu dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau:
1. Khóa tu Ươm mầm Trúc Lâm dành cho lứa tuổi học sinh, từ 11 đến 17 tuổi.
2. Khóa tu Khai Tâm dành cho lứa tuổi thanh niên, sinh viên.
3. Khóa tu Bát Quan trai dành cho các Phật tử thuần thành, tu học lâu năm.
4. Khóa tu 1 ngày an lạc: là khó tu mở rộng, dành cho mọi lứa tuổi.
Thông qua khóa tu, các Phật tử được học hỏi giáo lý, thực hành thời khóa tu học như sám hối sáu căn, tụng giới, tọa thiền, hành thiền, học cách ăn cơm trong yên lặng, rửa bát và làm việc trong chánh niệm.
d. Hoạt động từ thiện xã hội
Hoạt động từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo khó, bệnh tật là một công việc ý nghĩa, được xã hội tôn vinh. Bản thân đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng đã nhiều lần xuất tiền của bố thí cho dân nghèo. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, có đoạn viết: “Sau cuộc vân du ở Chiêm Thành, Điều ngự về phủ Thiên Trường vào tháng 1 âm lịch năm 1303 để “mở hội Vô lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí””.
Noi theo tấm gương của chư Tổ, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện có ý nghĩa trong nhiều năm qua. “Hiện nay, Phật tử của Thiền viện duy trì 5 tổ chức từ thiện, trong đó có 4 bếp cơm miễn phí và 1 tổ áo ấm vùng cao. Các bếp cơm từ thiện thường xuyên phát quà và cơm miễn phí cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện lớn trong địa bản tỉnh Bắc Giang. Trong các dịp lễ, tết, các tổ chức từ thiện của Thiền viện cũng thăm hỏi người già neo đơn, người có công với cách mạng, tổ chức các chuyến từ thiện vùng cao, vùng khó khăn…” (Đại đức Thích Huệ Hùng, Phó trụ trì Thiền viện)
3. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng nói riêng và hệ thống các Thiền viện thuộc Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam hiện nay, bằng những hoạt động tu tập và hành đạo thực tiễn của mình, đã và đang nỗ lực trong công tác phục hồi, chấn hưng và tôn vinh các giá trị văn hóa Phật giáo thời Trần, đóng góp tích cực cho Phật giáo nói riêng và xã hội nói chung trong việc góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, tích cực làm việc thiện, biết tu sửa những thói hư, tật xấu…
Phương pháp tu tập và hành đạo của Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng ở Bắc Giang có tính kế thừa và phát huy những giá trị mà Tam Tổ Trúc Lâm để lại. Điều này giúp bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của Phật giáo và dân tộc, góp phần bảo vệ và gìn giữ văn hóa Việt Nam trước những nguy cơ của thời đại. Phát biểu trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII khai mạc sáng 24/11/2021 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến câu nói của một vị tiền bối: “Văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”. Việc duy trì nếp sống, sinh hoạt, tu tập và hành đạo của các vị tổ sư Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống tu học và hành đạo tại Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng ngày nay khẳng định vị trí và vai trò của Phật giáo trên mặt trận văn hóa thời đại mới.
Bên cạnh việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa vật thể, đề nghị chính quyền tỉnh Bắc Giang cũng như Giáo hội các cấp tạo điều kiện giúp đỡ hơn nữa trong các công tác Phật sự tại Bắc Giang của Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng nói riêng, cũng như Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam nói chung để tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, cùng chung tay xây dựng mái nhà chung – Đất nước Việt Nam hùng cường, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Lê Mạnh Thát (2002), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Ngô Sĩ Liên (1993). Đại Việt sử ký toàn thư. Nội các quan bản. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Nguyễn Lang (2010), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học, Hà Nội.
5. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế (2021), Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, NXB Khoa học xã hội.
6. Thích Phước Sơn dịch và chú (1995), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Thích Thanh Từ (2022), Hai quãng đời của Sơ tổ Trúc Lâm, NXB Tôn giáo.
8. Thích Thanh Từ (2000), Thánh đăng lục giảng giải, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Thích Thanh Từ (2008), Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục giảng giải, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh