Chiều ngày 27/11/2016, tại Thiền viện Trúc lâm Sùng Phúc (Gia Lâm, Hà Nội), Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm”.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQGHN đã tới dự và phát biểu khai mạc hội thảo.
Đây là một trong chuỗi sự kiện chào đón lễ ra mắt và đi vào hoạt động của Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời nhằm hướng tới lễ kỷ niệm 708 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308 – 2016).
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ; ĐHQGHN; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo của một số tỉnh/ thành trong cả nước cùng nhiều sư trụ trì, các tăng ni phật tử ở các chùa, thiền viện và các nhà nghiên cứu về Phật học.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam GS. Phan Huy Lê cùng Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN GS.TSKH Vũ Minh Giang và Hòa thượng Thích Tâm Thuần – Trụ trì Thiền viện Trúc lâm Sùng phúc đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm” nhằm góp phần nghiên cứu sự nghiệp, trước tác, tư tưởng thiền học của Trần Nhân Tông; nghiên cứu di sản cùng các giá trị văn hóa lịch sử của thiền phái Trúc Lâm và vương triều Trần (1225 – 1400) nói chung – một vương triều với văn trị hiển hách, được đánh giá “nổi tiếng và văn minh”, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Hội thảo cũng nhằm giới thiệu, đánh giá các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, phân tích, làm rõ thêm giá trị của hệ thống các di tích liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông, qua đó nêu lên các quan điểm và giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQGHN đã có bài phát biểu, trao đổi về định hướng nghiên cứu Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm. Theo đó, Giám đốc ĐHQGHN cho biết, Trần Nhân Tông là một danh nhân văn hóa, là nhà chính trị, là lãnh tụ tôn giáo lớn của Việt Nam và của nhân loại. Ông thuộc số rất ít những người mà ánh hào quang của các giá trị càng tỏa xa rộng theo cùng chiều dài thời gian và bề rộng của không gian. Thiền phái Trúc Lâm do Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, (hay Phật giáo Trúc Lâm như cách nói của một số người nghiên cứu gần đây), ngày càng thể hiện rõ vị trí trụ cột quan trọng, có những vai trò đặc biệt và mang nhiều đặc trưng Việt của Phật giáo.
Trúc Lâm là Thiền phái quan trọng của Phật giáo Việt Nam, nhưng nếu việc nghiên cứu thảo luận không tương xứng, không tới tầm thì không những không làm tôn các giá trị của di sản mà thậm chí còn làm sai lệch và tổn hại tới hình ảnh. Vì vậy, việc định hình một chiến lược nghiên cứu, một số tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về Trần Nhân Tông, Trúc Lâm và phát huy di sản này trong nước và quốc tế là việc hết sức cần thiết.
ĐHQGHN là một trung tâm đại học, nghiên cứu khoa học lớn nhất của cả nước với sứ mệnh tiên phong nghiên cứu giải quyết các vấn đề lớn của đất nước đã tự nhiệm gánh vác vai trò một trung tâm nghiên cứu về Trần Nhân Tông và Trúc Lâm một cách chính thống, hàn lâm và mang tính quốc gia. Đề án thành lập Viện Trần Nhân Tông của ĐHQGHN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ký quyết định thành lập vào hồi tháng 9 vừa qua. Hiện nay, ĐHQGHN đang chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho Viện đi vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo tốt ngay từ đầu.
Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hòa thượng Thích Gia Quang bày tỏ sự trân quý khi Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN tổ chức hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm”.
Hòa thượng Thích Gia Quang bày tỏ, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm có chiều sâu và có ý nghĩa đối với đời sống xưa và nay. Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông – người khởi dựng thiền phái Trúc Lâm, đã có vai trò thống nhất các hệ phái Phật giáo có từ trước do các thiền sư nước ngoài khai sáng trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Ngài cũng đã đưa giáo lí Phật giáo vào trong đời sống, phát huy tính nhập thế của Phật giáo trong lòng xã hội. Cùng với đó, là giá trị về định hướng bảo vệ chủ quyền dân tộc, gìn giữ biên cương và chấn hưng văn hóa của nước Việt. Di sản về tùy duyên với đạo, đoàn kết được nhân dân, bảo vệ và xây dựng đất nước. Văn hóa Phật giáo Trúc Lâm để lại các di sản văn hóa vật thể vô cùng quí báu.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN – GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết, giá trị về nhiều mặt của thiền phái Trúc Lâm và người sáng lập là Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông thể hiện ở nhiều công trình nghiên cứu, song vẫn chưa tương xứng với giá trị xuyên biên giới và giá trị toàn cầu mà Người để lại, cần tiếp tục nghiên cứu sâu sắc hơn nữa. Thời Trần có ý nghĩa hết sức đặc biệt trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Thiết chế tập quyền vững mạnh và gần gũi nhân dân của thời kì đó còn nguyên giá trị đối với đất nước ngày hôm nay. Các giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm không chỉ là tinh hoa văn hóa, phật học đời Trần mà còn là tinh hoa văn hóa Phật học của dân tộc. Vì vậy việc tổ chức hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm” có ý nghĩa lâu bền đối với dân tộc và nhà nước Việt Nam.
Các nghiên cứu của hội thảo tập trung làm rõ giá trị di sản văn hóa Trúc Lâm, bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể; đánh giá thực trạng của các di sản văn hóa Trúc Lâm, trước mắt là một số trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông; kiến nghị khoa học làm cơ sở cho các giải pháp bảo tồn di sản; văn hóa như là một nguồn lực nội sinh góp phần phát triển đất nước; kiến nghị để có sự phối hợp tốt nhất giữa các cơ quan để làm tốt việc bảo tồn và phát huy di sản.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam GS. Phan Huy Lê cho hay, các báo cáo đã cho thấy nhiều điều về thiền phái Trúc Lâm và Phật hoàng Trần Nhân Tông, gắn liền với bối cảnh của nước Đại Việt thời nhà Trần.
Theo GS. Phan Huy Lê, nên nhìn toàn bộ di sản của Trần Nhân Tông để đánh giá cho đúng và trúng các giá trị, tránh nhìn theo kiểu các lát cắt, góc độ riêng rẽ. Di sản đó bao gồm các di sản vật thể và di sản phi vật thể.
Trong khuôn khổ của hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận về nhiều nội dung khác nhau của thời đại nhà Trần như: kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, ngôn ngữ, kiến trúc, tôn giáo, văn học, v.v.. Tất cả những vấn đề này đều được soi chiếu dưới lăng kính, góc nhìn của triết lý phật học.