Lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông

Sáng ngày 22/2/2017, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã diễn ra Lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông và công bố các Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông.

Tới dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Đức Nghiệp – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo một số tỉnh, thành phố cùng nhiều sư trụ trì, các tăng ni phật tử ở các chùa, thiền viện.

Về phía Bộ, ban, ngành, địa phương có đồng chí Nguyễn Duy Thăng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Nguyễn Văn Linh – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng – Nguyên UV TW Đảng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, đại diện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đại diện một số địa phương, các đối tác, đại diện dòng họ Trần và một số doanh nghiệp cùng đại diện lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài ĐHQGHN.

Về phía ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQGHN, các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc, Hội đồng Đảm bảo chất lượng, Hội đồng Khoa học và Đào tạo, đại diện lãnh đạo Văn phòng và các Ban chức năng của ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN.

Viện Trần Nhân Tông thuộc ĐHQGHN được thành lập theo Quyết định số 1717/QĐ-TTg, ngày 01/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là viện nghiên cứu thứ 4 trong số 5 viện nghiên cứu của ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ thành lập. Viện Trần Nhân Tông là cơ sở giáo dục đầu tiên của Việt Nam tiên phong trong đào tạo nhân lực chất lượng cao về Phật học (trước mắt là bậc tiến sĩ).

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQGHN kiêm giữ chức Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; Phó Viện trưởng là PGS.TS Lại Quốc Khánh – nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Khoa học Chính trị học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN; Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo là GS. TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Giám đốc ĐHQGHN, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông Nguyễn Kim Sơn cho biết, kể từ năm 2011, nhận thức được tầm quan trọng của việc hình thành một đơn vị cấp thành viên nghiên cứu đào tạo chuyên sâu về văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là nghiên cứu Phật học và Phật giáo Việt Nam, nhằm tác động tích cực vào việc phát triển con người và văn hóa dân tộc trong thời đại mới, ĐHQGHN đã lập đề án thành lập Viện Trần Nhân Tông.

Đây là lần đầu tiên, trong hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về Phật học và tư tưởng Trần Nhân Tông. Cũng lần đầu tiên chương trình đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học được đưa vào triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện đại. Viện trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Sự ra đời của Viện Trần Nhân Tông là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự tôn vinh của xã hội đối với tư tưởng Trần Nhân Tông cũng như sự hiểu biết thâm nhập của các học giả thuộc cả giới tu hành và thế tục đối với di sản Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm đã đạt tới độ chín cần thiết. Đây cũng là sự thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của ĐHQGHN trong việc thể hiện triết lý giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện cho trước mắt cũng như lâu dài”.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, với thế mạnh là một viện nghiên cứu mang tính học thuật cao thuộc ĐHQGHN – đại học hàng đầu của Việt Nam, Viện Trần Nhân Tông sẽ là nơi góp phần phát triển tinh hoa tốt đẹp của Phật giáo mang bản sắc Việt Nam, của tư tưởng Trần Nhân Tông và văn hóa đời Trần, cũng như văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung, góp phần vào sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam mới trong thời đại toàn cầu hóa. Viện Trần Nhân Tông thành lập và đi vào hoạt động sẽ cố gắng qua các công trình nghiên cứu chuyên sâu khơi dòng chân đạo của Phật giáo, làm sáng tỏ thêm và đầy đủ thêm di sản tinh thần của Trần Nhân Tông, thời đại ông, văn hóa đời Trần, Trúc Lâm và văn hóa truyền thống Việt Nam. “Thông qua hoạt động đào tạo, chủ yếu ở bậc Tiến sĩ, Viện sẽ cố gắng đào tạo những người tu hành tài năng làm hạt nhân phát triển Phật học mang tính nhân văn. Viện sẽ tích cực hoạt động xã hội kết nối yêu thương, giao lưu văn hóa, học thuật trong và ngoài nước để củng cố đoàn kết dân tộc, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân các nước”- Giám đốc nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn gửi lời chúc mừng và đánh giá cao việc Chính phủ cho thành lập Viện Trần Nhân Tông thuộc ĐHQGHN. Việc thành lập Viện là kịp thời và phù hợp với trào lưu tiến hóa tư tưởng của nhân loại qua sự tiếp cận tư tưởng Trần Nhân Tông, đồng thời vừa tôn vinh giá trị nhân văn của bậc anh linh lỗi lạc, nhà tu hành đắc đạo, vừa nhắc nhở và là bài học cho thế hệ mai sau kế thừa, phát huy tư tưởng ấy.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho rằng, thông qua Viện Trần Nhân Tông, các tăng ni của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các tỉnh/thành phố sẽ có cơ hội nâng cao trình độ, tiếp cận với chương trình đào tạo chất lượng cao bậc Tiến sĩ Phật học tại một cơ sở giáo dục đại học trong nước.

Việc thành lập Viện Trần Nhân Tông có một ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động học thuật nói chung và đối với công tác đào tạo, nghiên cứu Phật giáo nói riêng, có ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Viện có nhiều đặc thù, lấy đối tượng nghiên cứu là văn hóa truyền thống và điểm nhấn là lịch sử và văn hóa đời Trần, đặc biệt là nhân vật Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm. Đối tượng nghiên cứu liên ngành cần có sự đầu tư cần thiết cả về nhân lực và điều kiện để tổ chức nghiên cứu qui mô và tổ chức đào tạo.

Video Lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông: https://www.youtube.com/watch?v=iy__2st1u2A 

Một số hình ảnh tại Lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông:

.
.
.
.