THƯ MỜI VIẾT BÀI THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP QUỐC GIA “Không gian văn hóa Phật giáo tỉnh Bắc Giang (Tây Yên Tử)”

Kính gửi: Các Quý học giả
Tỉnh Bắc Giang là miền thượng của xứ/trấn Kinh Bắc ngàn năm văn hiến nên đã tiếp nhận sự du nhập Phật giáo từ rất sớm. Nhằm thúc đẩy nhiệm vụ nghiên cứu về Phật giáo nói chung, Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử nói riêng từ góc độ lịch sử, văn hóa, những vấn đề tư tưởng và thực tiễn; đồng thời cung cấp các luận cứ khoa học cho địa phương trong việc hoạch định chính sách, qua đó phát huy những giá trị tư tưởng – văn hóa tinh hoa của Phật giáo, làm cho Phật giáo và xã hội cùng phát triển tốt đẹp, Viện Trần Nhân Tông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo: “Không gian văn hóa Phật giáo tỉnh Bắc Giang (Tây Yên Tử)”.
1. Thông tin Hội thảo
– Đơn vị chủ trì: Đại học Quốc gia Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Giang
– Đơn vị tổ chức: Viện Trần Nhân Tông (ĐHQGHN), Sở Văn hoá và Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang.
– Thời gian tổ chức (dự kiến): Tháng 4 năm 2023
– Địa điểm tổ chức: Thành phố Bắc Giang
– Kỷ yếu hội thảo có phản biện, xuất bản có chỉ số ISBN.
2. Nội dung Hội thảo
Hội thảo tập trung trao đổi và thảo luận những nội dung chính (nhưng không giới hạn) bao gồm:
– Văn hóa Phật giáo và không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang: nhận diện và cách tiếp cận.
– Lịch sử văn hóa Phật giáo Bắc Giang, đặc sắc của Thiền phái Trúc Lâm và dòng phái Lâm Tế (hai tông phái Phật giáo lớn ở Bắc Giang) trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam.
– Giá trị đặc sắc của văn hóa Phật giáo Bắc Giang (văn hóa vật thể và phi vật thể, bao gồm giáo lý, tăng già, tự viện, kiến trúc, nghi lễ, tư liệu, kinh sách, tín đồ…) và những phát hiện mới về di sản văn hóa Phật giáo.
– Vai trò, đóng góp của văn hóa Phật giáo đối với phát triển và giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội ở cấp độ địa phương, trong mối quan hệ liên vùng văn hóa (vùng Đông Bắc, vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng) và quốc gia, quốc tế.
– Nhận diện các thách thức, triển vọng và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Bắc Giang đối với biến đổi và đa dạng văn hóa bản địa, trong việc thực hiện phát triển bền vững, trong mối quan hệ tương hỗ với các lĩnh vực kinh tế, xã hội, và môi trường của địa phương.
3. Quy cách tham luận
– Tham luận viết bằng tiếng Việt, là các kết quả nghiên cứu mới, chưa công bố.
– Dưới tên bài viết cần ghi rõ các thông tin: Họ và tên tác giả, học hàm học vị, đơn vị công tác, điện thoại, email (BTC chỉ liên lạc với tác giả tham luận qua email).
– Tham luận được đánh máy tính ở dạng Word gồm tóm tắt khoảng 200 chữ, 3-5 từ khóa, độ dài toàn văn từ 8000 đến 10000 chữ, bao gồm cả chú thích, tài liệu tham khảo, phụ lục nếu có.
– Chú thích chân trang (footnote) tự động, đánh số liên tục, cỡ chữ 11.
– Cách ghi tài liệu trích dẫn (chỉ liệt kê các tài liệu được trích dẫn trong tham luận):
+ Với sách, luận văn, luận án: Tên tác giả, (năm xuất bản), tên sách (in nghiêng), nhà xuất bản, nơi xuất bản, trang (hoặc nơi bảo vệ, năm bảo vệ, trang, v.v. đối với luận văn, luận án).
+ Với bài tạp chí, bài kỷ yếu: Tên tác giả, (năm xuất bản), “tên bài viết”, tên tạp chí (hoặc tên sách in nghiêng), tập, số, trang/nhà xuất bản, nơi xuất bản, trang.
+ Với thư tịch cổ hoặc tư liệu lưu trữ: Tên tác phẩm (in nghiêng), nguồn lưu trữ, số ký hiệu, số trang.
+ Với tư liệu internet: đường dẫn, ngày giờ truy cập.
– Tham luận, tóm tắt trình bày theo quy cách trên cần được gửi bằng file Word qua địa chỉ email vtnt.ht@tnti.edu.vn. Thư gửi đến được coi là gửi thành công khi có email phản hồi từ BTC.
– Tham luận gửi tham dự hội thảo đồng nghĩa với việc tác giả đồng ý đăng bài trong Kỷ yếu hội thảo (nếu tham luận được chọn sau phản biện kín).
– Quy trình phản biện kín (ẩn danh tác giả và người phản biện) gồm các bước:
+ Bước 1: Kiểm tra trùng lặp văn bản căn cứ theo “Hướng dẫn Thực hiện việc trích dẫn trong các ấn phẩm khoa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội” số 2383/HD-ĐHQGHN ngày 27 tháng 7 năm 2017.
+ Bước 2: Những tham luận có tỷ lệ trùng lặp dưới 10% được chuyển tới người phản biện, mỗi tham luận có 2 người phản biện.
+ Bước 3: Thông báo kết quả phản biện tới tác giả tham luận; Tiếp nhận tham luận chỉnh sửa sau phản biện.
4. Quy trình tổ chức
– Thời hạn cuối cùng nhận tóm tắt và toàn văn tham luận: ngày 26/02/2023.
– Thời gian thông báo kết quả phản biện: trong vòng 15 ngày sau khi nhận tham luận.
– Thời gian tác giả nộp lại báo cáo sau phản biện (phục vụ xuất bản kỷ yếu): trong vòng 7 ngày sau khi nhận kết quả phản biện.
5. Thông tin liên hệ
Thường trực Ban Tổ chức Hội thảo: Email: vtnt.ht@tnti.edu.vn
Điện thoại: (8424) 3767 5840 – 0989705099 (Ms. Ngọc Anh, vui lòng liên lạc trong giờ hành chính)
Thông tin chi tiết tham khảo tại website: www.http://hocvien11.demoweb.vip/
Ban Tổ chức Hội thảo
5
.
.
.
.