
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn
Hàng nghìn năm qua, trong lịch sử dân tộc, ánh sáng nhiệm màu của Đạo từ bi trí tuệ luôn tỏa rạng, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, con người và đất nước Việt Nam. Trong đó có những con người đã hội tụ được những tinh hoa thần khí của non sông đất nước mà trở nên đại hùng đại lược, đại trí tuệ, đại từ bi, Trần Nhân Tông, đức Điều Ngự giác hoàng là một người như vậy.
Kể từ năm 2011, nhận thức được tầm quan trọng của việc hình thành một đơn vị cấp thành viên nghiên cứu đào tạo chuyên sâu về văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là nghiên cứu Phật học và Phật giáo Việt Nam, nhằm tác động tích cực vào việc phát triển con người và văn hóa dân tộc trong thời đại mới, Đại học Quốc gia Hà Nội đã lập đề án thành lập viện Trần Nhân Tông. Đề án đã sớm được hoàn tất, tuy nhiên phải nhiều năm tháng sau mới hội đủ nhân duyên và tháng 9 năm 2016, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định thành lập Viện Trần Nhân Tông, trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Sự ra đời của Viện là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự tôn vinh của xã hội đối với tư tưởng Trần Nhân Tông cũng như sự hiểu biết thâm nhập của các học giả thuộc cả giới tu hành và thế tục đối với di sản Trần Nhân Tông và thiền Trúc Lâm đã đạt tới mức độ chín cần thiết, thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc thực hiện triết lý giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện cho trước mắt cũng như lâu dài.
Ngày nay khi mà những vấn đề con người, giá trị người và quan hệ xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề gay gắt cần giải quyết, hệ giá trị đang có những chao đảo và thách thức, khi mà định hướng cho cá nhân đang có những khủng hoảng… thì tinh thần nỗ lực giác ngã giác tha, tư tưởng hòa hợp và yêu thương của ông, tấm gương của ông, trí tuệ của ông là di sản quý cần làm hiện đại hóa và phát huy cho thời hiện đại.
Viện Trần Nhân Tông thành lập và đi vào hoạt động sẽ cố gắng qua các công trình nghiên cứu chuyên sâu khơi dòng chân đạo của Phật giáo, làm sáng tỏ thêm và đầy đủ thêm di sản tinh thần của Trần Nhân Tông, thời đại ông, văn hóa đời Trần, Trúc Lâm và văn hóa truyền thống Việt Nam. Thông qua hoạt động đào tạo, chủ yếu ở bậc Tiến sĩ, Viện sẽ cố gắng đào tạo những người tu hành tài năng làm hạt nhân phát triển Phật học mang tính nhân văn. Viện sẽ tích cực hoạt động xã hội kết nối yêu thương, giao lưu văn hóa, học thuật trong và ngoài nước để củng cố đoàn kết dân tộc, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân các nước.
Đại học Quốc gia Hà Nội là trung tâm đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đỉnh cao hàng đầu Việt Nam, đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức các chương trình đào tạo đại học và sau đại học. Tuy nhiên nghiên cứu và đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học là việc lớn, mới và khó, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và lãnh đạo viện Trần Nhân Tông hy vọng nhận được sự hỗ trợ, kết nối và hợp tác của các nhà khoa học trong và ngoài nước, cả xuất gia và tại gia, đạo và đời cùng góp sức. Chúng tôi rất mong phía lãnh đạo Giáo Hội Phật giáo Việt Nam sát cánh và hỗ trợ toàn diện cho Đại học Quốc gia và cho Viện Trần Nhân Tông. Rất mong các viện Hàn Lâm, viện nghiên cứu, các trường đại học, các Phật học viện trong nước, các thiền viện phối hợp chặt chẽ, chung tay góp sức xây dựng và phát triển sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu Phật học.
Trong thời gian sắp tới, việc xây dựng cơ sở của viện tại núi Hòa Quang (núi Thằn Lằn) trên Hòa Lạc, đủ rộng rãi và khang trang tương xứng với vị trí vai trò của Viện cần nhiều nguồn nhân lực và vật lực, chúng tôi kêu gọi các cá nhân và tập thể những người tâm huyết hãy góp sức cùng với chúng tôi, vì sự nghiệp chung.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
Viện Trưởng Viện Trần Nhân Tông