VIỆN TRẦN NHÂN TÔNG TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI THẢO KHOA HỌC “PHẬT GIÁO VÀ HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN”

Ngày 17 và 18 tháng 12 năm 2022, tại Khách xá Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam đã diễn ra Hội thảo “Phật giáo và hoạt động từ thiện”. Hội thảo được tổ chức bởi Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tham dự Hội thảo, về phía Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có HT. Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; HT. Thích Thông Thiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Thiền học Bắc truyền; TT. Thích Minh Quang, Ủy viên thư ký Ban thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; TT. Thích Phước Đạt, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh; TT. Thích Giác Hoàng, Phó Tổng thư ký, Chánh văn phòng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía Viện Trần Nhân Tông, có PGS.TS. Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Trần Nhân Tông; GS. TS. Lê Mạnh Thát, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Trần Nhân Tông cùng đại diện các nhà khoa học, học giả, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên của Viện Trần Nhân Tông.

Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tiến Vinh đã nhấn mạnh: “Viện Trần Nhân Tông là tổ chức khoa học và đào tạo đặc thù, đặc biệt, việc quyết định thành lập Viện thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước tới văn hóa truyền thống dân tộc và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo đối với văn hóa tư tưởng, tôn giáo truyền thống. Viện Trần Nhân Tông nhận thức được được đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và sứ mệnh của mình, nguyện sẽ hết lòng, hết sức vì đại sự nghiệp giáo dục và học thuật. Việc tổ chức các Hội thảo khoa học, đặc biệt là Hội thảo khoa học “Phật giáo và hoạt động từ thiện” là nhằm thực hiện sứ mệnh tôn lên những giá trị văn hóa và tinh thần phụng sự xã hội của Phật giáo nói chung và của Viện Trần Nhân Tông nói riêng”.

Cùng phát biểu khai mạc, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban
Từ thiện xã hội của Trung ương Giáo hội Phật giáo cũng khẳng định: “Trên tinh thần từ bi, Phật giáo hướng đến giải thoát cho chúng sinh. Cửa chùa là cửa từ bi, đạo Phật là đạo từ bi, luôn mang lại hạnh phúc cho chúng sinh, nhưng từ bi phải đi cùng với trí tuệ. Trong Phật giáo, việc bố thí cứu giúp gồm: tài thí, pháp thí, vô uý thí. Quan trọng nhất là pháp thí, giúp khỏi vô minh tham ái, đó là gốc của mọi khổ đau. Pháp thí giúp soi đường đi đến trí tuệ, từ bi, vượt lên chính mình. Nếu chỉ có tài thí không thì không thoát khỏi sinh tử luân hồi. Chỉ có pháp thí mới tự giải thoát chính mình khỏi luân hồi. Hy vọng sau này, Viện sẽ tổ chức thêm những Hội thảo làm sáng thêm tinh thần hộ quốc an dân, phát huy tinh thần Phật giáo nói chung, Phật giáo nhà Trần nói riêng”.

Hội thảo đã nhận được 68 bài tham luận của các học giả. Nội dung các bài tham luận được chia làm 4 chủ đề với 4 phiên thảo luận: “Tư tưởng, quan niệm của Phật giáo về Từ thiện”, “Hoạt động Từ thiện Phật giáo: Phát triển và thành tựu”, “Hoạt động Từ thiện Phật giáo: Vấn đề và xu hướng”, “Phát huy vai trò, hiệu quả của hoạt động Từ thiện Phật giáo trong bối cảnh mới”. Tại các phiên thảo luận, các học giả đã trình bày tham luận và các tham luận này đã nhận được sự quan tâm, bàn luận sôi nổi từ phía những người tham dự xoay quanh các nội dung như: “Từ thiện là sự sẻ chia đùm bọc chứ không phải sự ban phát xuất phát từ Tứ vô lượng tâm. Việc thực tập Tứ vô lượng tâm là hành trình tu tập tự độ độ tha, đem đến hạnh phúc cho chúng sinh, trên tinh thần vô ngã vị tha. Vô ngã là Niết bàn”; “Trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, tinh thần từ bi, nhập thế của Phật giáo Việt Nam đã được khẳng định sâu sắc hơn nữa thông qua các hoạt động từ thiện của Giáo hội như: chung tay cùng Nhà nước phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ vật tư y tế, phân phát nhu yếu phẩm cho người dân,… Những hoạt động từ thiện mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm được trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 rất đáng được ghi nhận và là minh chứng cho tinh thần “ích đời, đẹp đạo” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thông qua các hoạt động đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện chức năng xã hội quan trọng, góp phần cùng Nhà nước thực hiện an sinh xã hội”; “Từ thiện là một hoạt động trao gửi, ban cho, hiến tặng… bằng tình thương và lòng nhân ái, qua đó tạo điều kiện cho những cá nhân, tập thể đang gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, có cơ hội vươn lên làm mới, làm đẹp cuộc đời. Trong Phật giáo, Từ thiện còn mang giá trị tâm linh cao quý, diệt trừ tâm tham – sân – si, dẹp bỏ chủ nghĩa cá nhân, nuôi dưỡng hạt giống từ bi, bác ái. Một trong những giáo lý làm nền tảng cho hoạt động từ thiện chính là Bố thí Ba la mật (Dānapāramitā). Nếu không nắm rõ nguyên lý về Bố thí Ba la mật, người hoạt động từ thiện sẽ dễ đối diện nhiều vấn đề rắc rối, chẳng những không mang lại được lợi lạc gì cho bản thân và người được giúp đỡ mà còn gây nên các hệ lụy nghiêm trọng như: vi phạm pháp luật, phiền não khổ đau, mất uy tín danh dự, suy giảm nhiệt huyết, thoái tâm Bồ đề. Thêm nữa, để thực hiện tốt công tác từ thiện trong xã hội đương đại theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa, chúng ta cần vận dụng giáo lý “vô sở hữu” (một phần của thuyết Vô ngã) đúng cách thì việc hành thiện sẽ mang lại những giá trị cao quý nhất”; “Một số các hoạt động từ thiện Phật giáo hiện còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu bài bản, thiếu tầm nhìn và sự quản lý chuyên nghiệp. Một số tổ chức, cá nhân trong Phật giáo khi làm từ thiện còn thiếu kiến thức về các quy định của pháp luật, dẫn đến lúng túng và gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. Hoạt động từ thiện của Phật giáo nhìn chung còn thiếu một kế hoạch khoa học và một chiến lược lâu dài”; “Khi nói đến vai trò của Phật giáo thì có nói đến văn hoá truyền thống, đó là sự tương thân tương ái, dường như hoạt động từ thiện đang bị cuốn vào việc xoá đói giảm nghèo. Cần khơi dậy khát vọng vươn lên, đó là khuyến học thành tài. Trong chủ đề của hội thảo cần tính tới chuyện từ thiện khuyến khích người nghèo vượt khó, vươn lên học thành tài. Cần lan toả, nâng tầm, tạo điều kiện cho người tài được nâng đỡ học tập, trẻ em côi cút, nghèo khổ có điều kiện được tới trường”.

Kết thúc hội thảo PGS.TS. Nguyễn Tiến Vinh đã gửi lời cảm ơn tới các học giả, các khách mời và lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi bài viết và tham gia phối hợp tổ chức Hội thảo.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các học giả và đại biểu tham gia chương trình tham quan thực địa tại Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam.

Link ảnh tổng hợp tại Hội thảo “Phật giáo và hoạt động từ thiện”: 

.
.
.
.