PGS.TS. Nguyễn Hồi Loan
TS. Trần Thu Hương
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
- Dẫn nhập
Theo báo cáo (8/12/2017) của Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, hiện nay cả nước có222.582 người nghiện ma túy và khoảng 9.800 trường hợp nhiễm HIV (có hồ sơ quản lý – số liệu thực tế hơn nhiều); có 142 Trung tâm cai nghiện trên 60/63 tỉnh, thành phố; mỗi năm tổ chức cai nghiện cho khoảng 40.000 đến 45.000 người nghiện ma túy, nhưng tình trạng tái nghiện ma túy không giảm, vẫn giữ ở mức hơn 90%.
Trước tình trạng như vậy, Đảng và Nhà nước ta nhấn mạnh việc thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện; phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma túy. Vận động người nghiện ma túy tham gia các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp. Huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, gia đình, cộng đồng cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Trong bối cảnh đó, Phật giáo Việt Nam đã không ngừng nỗ lực đóng góp có hiệu quả bằng các hoạt động xã hội trợ giúp cho người yếu thế trong xã hội nói chung và người nghiện ma túy, người nhiễm HIV nói riêng nhằm giúp họ tái hòa nhập xã hội một cách bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, qua mỗi giai đoạn, Phật giáo đều có vai trò, vị trí và những đóng góp tích cực trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Phật giáo quan tâm đến vấn đề con người và xã hội, nhưng khác với các học thuyết chính trị – xã hội, Phật giáo quan tâm đến khía cạnh nỗi khổ của con người, đến sự phiền não về cuộc đời, nguồn gốc của khổ đau đó và chỉ ra con đường giải thoát khổ đau. Tư tưởng nhập thế của Phật giáo Việt Nam đã đem lại hạnh phúc, an vui đến cho vạn loại chúng sinh bởi tính nhập thế của Phật giáo thể hiện tính ứng dụng của giáo pháp Phật giáo trong cuộc sống. Phật giáo đã xây dựng và vận hành thành công, có hiệu quả mô hình cai nghiện ma túy, trợ giúp cho người nhiễm HIV tại cộng đồng dưới sự tổ chức và thực hiện can thiệp, trị liệu của các nhà sư tại các ngôi chùa. Điển hình của mô hình này là Chùa Pháp Vân – Hà Nội, do Thượng tọa Thích Thanh Huân trụ trì.
- Cơ sở triết lý khoa học của Phật giáo khi xây dựng mô hình cai nghiện ma túy và trợ giúp người nhiễm HIV: Giáo lý Phật giáo kết hợp với Tâm lý học và Công tác xã hội.
Phật giáo xem hành vi của con người là chủ yếu được điều khiển bởi hai sự thúc đẩy bẩm sinh ham muốn: tham ái hoặc sự lôi cuốn, và sự căm ghét hoặc hận thù (trong tâm lý học phân tâm S. Freud coi bản năng của con người là động lực thúc đẩy hành vi; trong tâm lý học hoạt động, A.N. Leonchiev cho rằng hành vi của con người bao giờ cũng có mục đích, hành vi luôn được thúc đẩy bởi nhu cầu của con người). Trong Phật giáo, hầu như tất cả các khía cạnh tâm lý và hành vi của con người đều được giải thích trên cơ sở động lực thúc đẩy con người đến hành vi tạo nên nỗi “khổ đau” và con đường để giải thoát khổ đau ấy từ chính bản thân mình theo Bát Chánh đạo. Bát Chánh Đạo gồm có tám yếu tố quan trọng để tu tập như sau: Chánh kiến (Sammàditthi): hiểu biết đúng đắn; Chánh tư duy(Sammàsankappo): Suy nghĩ chân chính; Chánh nghiệp (Sammàkammanto): Hành động chân chính không làm viêc giả dối; Chánh ngữ (Sammàvàcà): lời nói chân chính trung thực; Chánh mệnh (Sama àjìvo): Sống chân chính, không tham lam, vụ lợi xa rời nhân nghĩa;Chính tánh tấn (Samàvàyamo): Cố gắng nổ lực chân chính; Chánh niệm(Sammàsati): Suy niệm chân chính; Chánh định (Sammàsamàdhi): kiên định tập trung tâm tư vào con đường chân chính không để bất cứ điều gì lai chuyển làm thoái chí, phân tâm. Bản chất của Bát Chánh đạo này được thể hiện đầy đủ trong Thiền Phật giáo thông qua con đường tu học giới – định – tuệ. Thiền chỉ là một phương pháp điều trị tâm, giúp tâm an ổn, đỡ tán loạn. Khi tâm đã an thì con người ta sẽ nhìn nhận mọi sự việc sáng suốt, lạc quan hơn. Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đối mặt với nhiều điều khó khăn, rủi ro, lo âu, thất bại… Chỉ có một tâm hồn bình an mới tạo ra sức mạnh vô hình từ ngay bên trong mình để ta vượt qua và chiến thắng những khó khăn đó. Đây rõ ràng là cơ sở khoa học để con người có thể thay đổi hành vi của mình: từ hành vi sai lệch chuẩn mực tới hành vi chuẩn mực được xã hội mong đợi.
Những sự thúc đẩy của tham muốn và hận thù mà Phật giáo đề cập đến cũng là phản ánh một hình thức cơ bản của tính ích kỷ và thông thường chúng ta bị dẫn dắt bởi một sự tham muốn qua các trải nghiệm và tìm đến niềm vui và để tránh khỏi bị buồn phiền, khổ đau (trong tâm lý học phân tâm, S. Freud lý giải dưới dạng bản năng sống, chết, gây hấn và tình dục, hoặc A. Maslow lý giải bằng nhu cầu cơ bản của con người – nhu cầu sinh lý). Bởi Sức mạnh của hai thứ, tham ái và hận thù, bên trong và bên ngoài, chúng ta đi lang thang trong cõi luân hồi và do đó trải qua đau khổ (Ronald Alexander, 2010).
Giáo lý của Phật giáo (cụ thể hơn là thuyết nhân quả) giúp thức tỉnh con người, trở nên người hạnh phúc hơn và hài lòng hơn, bằng sự giảm bớt những tham muốn (mà những tham muốn này lại vượt quá khả năng và điều kiện thỏa mãn những tham muốn của mình và những chuẩn mực của xã hội) trong cuộc sống của chúng ta như làm chúng ta đau khổ, gây ra đau khổ cho người khác, bằng cách giúp chúng ta ngộ ra một cách sâu sắc hơn đối với hậu quả việc làm của chính mình, những cảm xúc phiền não, chẳng hạn như tham muốn, sân hận, thù địch, ganh tỵ và xung đột dẫn dắt chúng sinh trong vòng luân hồi sinh-lão-bệnh-tử bất tận, chúng được thành lập trên nhận thức sai lầm đối với bản chất chúng sinh và các hiện tượng khác (Thích Nữ Tịnh Quang, 2012).
Trong trường hợp nghiện ma túy, từ quan điểm Phật giáo, nghiện ma túy được xem như là một tham muốn quá mức của người sử dụng ma túy, đã đi vượt quá giới hạn bình thường, họ lệ thuộc vào ma túy và có hại cho bản thân, gia đình và xã hội. Những người nghiện ma túy đã trở thành lệ thuộc vào ma túy và các khoái cảm, các ảo giác do ma túy mang lại và đang gặt hái hậu quả của lối sống đó tùy thuộc vào mức độ của nghiện của họ. Ở người nghiện ma túy xuất hiện cơ chế tâm lý tự đồng nhất giữa bản thân họ với ma túy, sự tự đồng nhất này chủ yếu được bộ lộ trên thói quen lệ thuộc ma túy của họ, và không có nó, họ cảm thấy trống trải, vô hình và bản thân không tồn tại (đặc điểm tâm lý của người nghiện ma túy – Nguyễn Hồi Loan, Quản lý trường hợp với người sử dụng ma túy, 2013) ). Cũng có thể là lý do sâu xa hơn cho hành vi sử dụng ma túy này là của sự bất hạnh xuất phát từ những tổn thương, mất mát, rủi ro … trong tiến trình lịch sử phát triển của cá nhân, chẳng hạn như trong sự bất hạnh của thời thơ ấu như nạn nhân của bạo hành hoặc xâm hại tình dục, bị hắt hủi, bỏ rơi, bị bạo hành … mà chưa được giải quyết, hoặc những tác nhân tiêu cực khác trong môi trường sống của gia đình, xã hội gây ra các rối loạn trong nhân cách của họ (Thuyết tương tác xã hội của G.H.Mead và Thuyết liên cá nhân của R. Sears đều thống nhất với quan điểm này của Phật giáo). Tất cả các yếu tố đó có thể được giải quyết thông qua thiền định, tự kiềm chế và thảo luận tương tác giữa họ với nhà sư và giữa họ với nhau, đặc biệt sự tự tương tác trong ý thức (tâm) của họ giữa “cái tôi lỗi lầm” với “cái tôi Phật tính” trong cấu trúc nhân cách của họ (Nguyễn Hồi Loan, Phật giáo Công tác xã hội, 2012). Thông qua đó, hình ảnh bản thân dần được hồi phục và sáng tỏ, nhờ vậy mang đến cho họ với một cảm giác của lòng tự trọng và ý thức trách nhiệm cho những hành động của chính mình. Từ đó, người nghiện đạt được một cảm giác mới thông qua giác ngộ và các trải nghiệm của bản thân khi không còn lệ thuộc vào thói quen cũ của họ và bắt đầu cảm nhận thấy rằng trạng thái mà họ đang có là một kết quả chủ yếu hành động của chính họ và do đó họ chịu trách nhiệm cá nhân đối với trạng thái đó và phục hồi từ nó. Do đó, sự không thay đổi thói quen sử dụng ma túy có thể người nghiện thường biện minh cho tham ái của họ bằng cách nói rằng, họ chỉ cảm thấy hành động sử dụng ma túy là “bình thường” khi ấp ủ sự ái dục cụ thể của mình (Thích Nữ Tịnh Quang, Sự quyến rũ của đạp Phật trong thế giới mới, Nxb Âu Cơ, 2012).
Mặc dù mỗi người nghiện ma túy đều có sự biểu hiện ở mức độ khác nhau về hành vi sử dụng ma túy, nhưng thực tế người nghiện thường có xu hướng đổ lỗi việc sử dụng ma túy của mình là do một số sự kiện trước đó mà họ không chịu trách nhiệm, hoặc một số yếu tố khác bên ngoài họ (gia đình, bạn bè, công việc, rủi ro …). Điều đó, trong Tâm lý học xã hội gọi là các cơ chế tâm lý xã hội của hành vi như “đổ lỗi”, “duy lý”, “gán nguyên nhân”, hoặc S. Freud gọi là “cơ chế phòng vệ” xuất hiện ở họ để biện minh cho họ từ bất cứ sự phiền hà nào cũng như tình trạng hiện thời của họ. Đó chính là cái phao giúp họ hàng ngày trôi nổi, ngụp lặn, đắm mình với ma túy trên trên dòng đời đầy bất trắc của họ. Họ coi việc sử dụng ma túy là bình thường hoặc không độc hại. Họ tuyên bố là nạn nhân của một cái gì đó và từ chối về động cơ sử dụng ma túy của riêng mình và trách nhiệm của mình cho những gì họ đã làm. Họ che dấu mọi thứ, những động cơ sử dụng ma túy thực sự của họ, những kinh nghiệm ứng xử trong quá trình sử dụng ma túy. Họ tự thuyết phục rằng, ma túy là vô hại và không nghiêm trọng và họ vẫn kiểm soát được cuộc sống của họ, họ cố gắng thuyết phục bản thân và người khác về quan điểm như thế mỗi khi ai đó đề cập đến việc sử dụng ma túy của họ.
Phật giáo có thể giúp người nghiện ma túy, nhiễm HIV bằng việc nhà sư giảng kinh cho người nghiện làm lay chuyển nhận thức của họ thông qua nội dung của các bài kinh như kinh sám hối, luật nhân quả … nó khuyến khích sự tiết chế, sự kiêng cữ và tự kiểm soát ở họ. Điều đó có thể đưa đến một sự giác ngộ, tự kiểm soát bản thân. Đồng thời, nó khuyến khích một ý thức tự nhận dạng bản thân (trong tâm lý học gọi là tự ý thức – ý thức bản ngã, ý thức cái Tôi) không dựa trên những sự tham muốn, nhưng dựa vào sự “giác ngộ”, “thức tỉnh”và “tính tự trọng” theo chiều hướng khuyến khích trải nghiệm và tự lý giải. Tư tưởng này cũng đồng nhất với quan điểm của Công tác xã hội, đặc biệt quan điểm của Carl Rogers “lấy thân chủ làm trọng tâm” trong quá trình tự giải quyết nan đề của mình dưới sự hỗ trợ, can thiệp của nhân viên công tác xã hội khơi dậy những mặt tích cực, tiềm năng của thân chủ để họ có thể tự đương đầu và giải quyết được nan đề của chính mình.
Xuyên qua sự tham muốn và sân hận, nghiện ma túy cũng quan hệ đến khả năng và mất khả năng, nguyên nhân và kết quả ở người nghiện. Họ gây ra các đau khổ cho bản thân và cho người khác và tạo ra nghiệp xấu cho mình. Trong nhân cách của người nghiện ma túy, đều tồn tại một mâu thuẫn hoặc mơ hồ về mối quan hệ nguyên nhân và kết quả, đồng thời, người nghiện ma túy thiếu hụt và cạn kiệt dần lòng trắc ẩn theo năm tháng họ sử dụng ma túy,tình yêu thương và lòng từ bi ở họ cũng vậy, cạn kiệt dần mà mất hẳn. Họ dửng dưng, vô cảm, thậm chí hận thù với chính mình cả đối với người thân của họ và những nguời khác. Các mối quan hệ xã hội mất dần trong quá trình sống thu mình, co cụm trong nhóm bạn nghiện ma túy của mình. Lối sống đó là kết quả của một quá trình sử dụng ma túy đã dẫn họ đến một tâm trạng chán nản, bi quan, bế tắc, bất cần. Kiến chấp của người nghiện ma túy như vậy là có hại cho chính bản thân họ và những người khác, trong khi quan điểm của Phật giáo là dựa trên sự tôn trọng và không gây tổn hại, và vì tình yêu đối với tất cả chúng sinh (Thích Nữ Tịnh Quang, 2012).
Bên cạnh quan điểm của Phật giáo về nghiện ma túy, các công trình nghiên cứu khoa học gần đây cũng chỉ ra rằng, nghiện ma túy là một căn bệnh khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Căn bệnh này đã gây ra cho bản thân người nghiện và người thân trong gia đình cũng như cộng đồng xã hội rất nhiều khổ đau và hệ lụy. Nghiện ma túy được xem là một sự rối loạn phức tạp và biểu hiện rõ qua việc thôi thúc người nghiện tìm kiếm và sử dụng ma túy. Người nghiện ma túy thường có cảm giác thèm muốn ma túy không thể nào cưỡng lại được. Sự thèm muốn đó xâm chiếm hết cả tâm trí, khiến cho họ phải tìm mọi cách để thỏa mãn, dù cho người bệnh biết rõ những hậu quả nguy hại đối với bản thân và những người xung quanh. Nghiện ma túy là một chứng bệnh thuộc về não, vì việc lạm dụng ma túy dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc và chức năng của não. Mặc dù lúc ban đầu, vì những lý do khác nhau, hầu hết những người dùng ma túy là do họ tự ý muốn thử, chứ chưa hề bị cảm giác thèm muốn thôi thúc. Nhưng khi đã sử dụng nhiều lần, dẫn đến thay đổi cấu trúc, chức năng trên não thì việc lạm dụng ma túy sẽ khiến cho người nghiện mất khả năng tự chủ, không còn sáng suốt để đưa ra những quyết định đúng đắn nữa. Chính vì ma túy gây ra những biến đổi trong cấu trúc và chức năng của não, ảnh hưởng đến hành vi và thái độ của người nghiện, cho nên, để có thể chấm dứt việc sử dụng ma túy đối với một người nghiện quả là điều không đơn giản, nó không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào ý chí của cá nhân nữa, mà cần phải sử dụng đến các loại thuốc, các liệu pháp thích hợp để điều chỉnh lại chức năng, cấu trúc của não, làm cân bằng sự hoạt động của não bộ (Nguyễn Hồi Loan, Quản lý trường hợp với người sử dụng ma tuý, Nxb Lao động Xã hội, 2013).
Viện nghiên cứu Tâm lý người nghiện ma túy – PSD đã công bố (2015) các liệu pháp tâm lý với 3 liệu trình trị liệu trong cai nghiên: (1) Giúp học viên giải tỏa cơn thèm nhớ ma túy bởi các tác nhân kích thích hình ảnh trực quan từ bên ngoài; (2) Giúp học giải tỏa các ẩn ức, các xúc cảm tiêu cực, tự chủ được cảm xúc; (3) Giúp người cai nghiện ma túy rèn luyện kỹ năng vượt qua các tình huống nguy cơ tái sử dụng ma túy. Người nghiện ma túy là người mắc bệnh rối loạn các chức năng của não bộ, tâm lý, xã hội, phải sử dụng tất cả các biện pháp y tế, tâm lý, xã hội giúp người nghiện phục hồi các hệ thống chức năng, nhưng quan trọng nhất là mọi tác nhân bên ngoài, phải gây chuyển hóa từ bên trong người nghiện; giúp họ gây dựng lại niềm tin, phục hồi ý chí; rèn luyện kỹ thuật vượt qua được cơn thèm nhớ ma túy, tự chủ cảm xúc, biết cách tự ứng phó với các tình huống nguy cơ…
Có thể nói rằng, các nhà sư khi xây dựng mô hình cai nghiện và trợ giúp người cai nghiện, nhiễm HIV đã không chỉ vận dụng các triết lý của Phật giáo mà còn dựa trên các cơ sở khoa học để xây dựng các nội dung can thiệp, trợ giúp có hiệu quả của mô hình, ta có thể coi mô hình này như một dịch vụ xã hội miễn phí cho người sử dụng.
- Cách thức cai nghiện và trợ giúp người nhiễm HIV của Phật giáo
Để có thể nâng cao khả năng làm chủ bản thân và ngăn ngừa những hậu quả do động lực ham muốn và ghét bỏ gây ra, mỗi người phải tuân theo những nguyên tắc sống, những chuẩn mực đạo đức nhất định. Những nguyên tắc đạo đức căn bản nhất mà Đức Phật đã dạy cho tất cả mọi người, nhằm giúp cho con người thoát khỏi khổ đau, có được nhiều an vui, hạnh phúc trong cuộc sống không gì khác ngoài năm điều giới cấm. Giữ gìn năm điều cấm giới này, cụ thể trong trường hơp này là giới thứ năm: không được sử dụng các chất kích thích làm mất sự cân bằng tâm trí, là hàng rào phòng vệ tốt nhất cho mỗi người đối với sự cám dỗ của các chất kích thích: rượu, bia, á phiện, cần sa, hồng phiến, thuốc lắc. Nếu một người luôn luôn giữ gìn giới thứ năm này một cách nghiêm túc thì sẽ không đụng đến các chất ma túy, không sử dụng ma túy và sẽ không bị nghiện. Qua đây cho chúng ta thấy việc giáo dục cho mọi người giữ gìn giới thứ năm mà Đức Phật đã dạy, khuyến khích mọi người cùng nhau thực tập giới này là một việc làm hết sức ý nghĩa, góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy, đẩy lùi số lượng những người nghiện ma túy nói riêng và hạn chế bớt các tệ nạn, nghiện ngập nói chung ở trong cộng đồng xã hội. Phật giáo đã xem Thiền định là một phương pháp có hiệu quả trong quá trình giúp người nghiện ma túy cai nghiện.
Thiền địnhkhông phải là một phép mầu, có những khả năng siêu phàm, cứu độ tất cả chúng sanh, thoát khỏi khổ đau, phiền não. Trái lại, nó chỉ là dụng cụ, nếu sáng suốt, chúng ta sử dụng đó, nó sẽ trở thành dụng cụ tốt, có khả năng giúp ta chuyển hóa nội tâm, thoát khổ, giác ngộ và giải thoát.Theo Thích Thông Triệt (Giá trị của Thiền đối với đời sống con người, 2010) Thiền định có những khả năng sau:
– Giúp thân ta được cân bằng hay hài hòa với nhau bên trong chính nó, gồm nội tạng, khí huyết, cơ bắp, xương, da.
– Giúp tâm chúng ta chữa được những chứng bệnh căng thẳng thần kinh (stress) kinh niên, trầm cảm, mất ký ức, lo âu kinh niên, bệnh dính mắc, bệnh tự cao, tự đại.
– Giúp thân và tâm chúng ta hài hòa với nhau. Qua đó, ta sẽ kinh nghiệm hài hòa với mọi người chung quanh: từ trong gia đình đến ngoài xã hội, và môi trường thiên nhiên.
Ngày nay, một số không nhỏ các nhà sư ở Việt Nam được đào tạo những kiến thức về Công tác xã hội và Tâm lý học qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho các nhà sư làm từ thiện xã hội hướng tới mang tính chuyên nghiệp (Công tác xã hội) trợ giúp người yếu thế, trong đó có nhóm người nghiện ma túy và nhiễm HIV, các hoạt động này đang dần hình thành một lĩnh vực hoạt động mới: Phật giáo công tác xã hội.
Việc áp dụng Thiền định với các kiến thức Tâm lý học và Công tác xã hội của các nhà sư làm công tác hỗ trợ người cai nghiện, nhiễm HIV đã nhận được hiệu quả mang tính bền vững đáng kinh ngạc vào việc ngăn ngừa tệ nạn ma túy cũng như trong quá trình cai nghiện. Một kết quả mà mọi người đều thừa nhận là người thực hành thiền thường có khả năng làm chủ cảm xúc, làm chủ bản thân rất cao, họ luôn tỉnh táo trong việc đưa ra những quyết định, xử lý tình huống, và luôn giữ được sự điềm tĩnh trong mọi hoàn cảnh sống. Chính sự tỉnh táo, điềm tĩnh ấy mà họ hiếm khi có những hành động hứng khởi, bốc đồng, hiếm khi đưa ra những quyết định sai lầm, nhờ vậy mà nguy cơ sử dụng và lạm dụng các chất ma túy đối với họ hầu như không có khả năng xảy ra. Không những thế, theo những nghiên cứu của Chopra (1994) và Rossi (1993), thực hành thiền còn giúp nâng cao khả năng của hệ miễn dịch và cung cấp thêm năng lượng, làm cho khí huyết lưu thông, giúp cho cơ thể có khả năng thanh lọc các chất độc ở trong cơ thể, bài trừ những hóa chất có khả năng tác động đến các chất dẫn truyền thần kinh, khiến thay đổi tâm trạng của bản thân (Ronald Alexander (2010). Bởi thấy được công năng của thiền định Phật giáo, hai chuyên gia tâm lý học người Australia, Radha Nicholson và Brendan Healy, đã xây dựng một phương pháp điều trị cho người nghiện ma túy có tên là Bay Approach, phương pháp này được xem là một phương pháp phục hồi hoàn hảo, kết hợp giữa tâm lý liệu pháp và thiền định của Phật giáo (Ronald Alexander (2010). Trong phương pháp Bay Approach, chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm được xem như ngọn đèn có khả năng soi sáng tâm ý, lời nói, việc làm của mình, đồng thời lựa chọn tâm ý tốt lành, lời nói lành, việc làm thiện để nuôi dưỡng, duy trì và phát triển. Còn tâm ý xấu xa, lời nói tà, việc làm bất lương thì loại trừ, không cho các phiền não như tham, sân, si chi phối, xâm chiếm, sai sử (Nhật Chiếu, 1997) và thiền minh sát tuệ (“thấy bằng nhiều cách khác nhau”, và khi được dùng trong ý nghĩa về “Thiền” thì “Vipassana” có nghĩa là: “thấy mọi đối tượng hay hiện tượng là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta)” (Chan Khoon San, Giáo trình Phật học, Nxb Phương Đông, 2011) được sử dụng phối hợp để giúp người nghiện vượt qua những cơn nghiện, cơn thèm nhớ ma túy. Phương pháp này đem lại hiệu quả bởi vì nó nhắm vào sự phản quang tự kỷ (phải xoay lại xem xét chính mình – trong tâm lý học gọi là tự ý thức) và phân tích nội tâm (Thích Thanh Từ, Phản quang tự kỷ, 2010). Qua đó cho thấy khả năng ứng dụng của thiền với Tâm lý học và Công tác xã hội của các nhà sư trong việc ngăn ngừa, chữa trị chứng nghiện ma túy và trợ giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng rất có hiệu quả.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả điều trị chứng nghiện ma túy, trợ giúp người nhiễm HIV các nhà sư không chỉ ứng dụng các pháp môn thiền định, mà còn phối hợp với các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như phối hợp với vật lý trị liệu, các phương pháp vận động cơ thể, các liệu pháp tâm lý trị liệu, tham vấn tâm lý, công tác xã hội cá nhân, công tác xã hội nhóm, truyền thông và quản lý ca, đồng thời, sử dụng các thuốc Đông hoặc Tây y kết hợp khi cần thiết để làm giảm hoặc dập tắt cơn nghiện khi người nghiện họ không đủ khả năng để chống chọi với cơn thèm nhớ ma túy.
Khi đã cảm nhận cái tâm bằng chính tâm hồn trong sạch tinh khiết nhất, người nghiện ma túy và người nhiễm HIV mới tự tin và dễ dàng khởi phát ý chí mạnh mẽ để loại trừ những thói quen hư xấu, những cám dỗ, những hệ lụy, những nghiện ngập mà họ đã có bấy lâu nay trong quá trình sử dụng và nghiện ma túy của họ.
- Trường hợp điển hình: Mô hình cai nghiện ma túy và hỗ trợ người nhiễm HIV tái hòa nhập xã hội tại Chùa Pháp Vân – Hà Nội
Bắt đầu từ năm 2001, khi thầy Thích Thanh Huân tham gia Ban Hoằng pháp Thành hội Phật giáo Hà Nội, đi giảng kinh Phật khắp các chùa ở thủ đô. Từ những bài giảng, phật tử tìm thầy ngày càng đông, rồi họ tìm về tận chùa Pháp Vân, nơi thầy trụ trì để gặp thầy để tìm sự thanh thản, giãi bày nỗi niềm trong cuộc sống. Trong đó, rất nhiều người nghiện hút và mang trong mình căn bệnh thế kỷ AIDS.Theo thầy Thích Thanh Huân: có rất nhiều thành phần, đủ mọi tầng lớp tìm đến chùa. Nhiều nhất là những lao động phổ thông ra thành phố và sa ngã rơi vào cạm bẫy của ma túy. Nhưng cũng có không ít trường hợp là sinh viên, viên chức. Hầu hết họ đều mắc nghiện, nhiễm HIV do thiếu những hiểu biết để tự bảo vệ bản thân. Nếu được tư vấn đầy đủ, chắc chắn con số này sẽ bớt đi.Thầy tâm sự: “Khi biết họ là những người bị nhiễm HIV, tôi hiểu rằng họ tìm đến chùa là mong tìm được sự thanh thản trong cuộc đời mà họ đang bị xa lánh. Tôi nghĩ những người có căn bệnh này là một nỗi bất hạnh lớn, và rất cần được giúp đỡ. Từ đó, tôi nảy ra ý định thành lập một trung tâm tư vấn về HIV/AIDS” sau khi thầy được tập huấn về ma túy, người nghiện ma túy và nhiễm HIV, ngoài ra thầy còn theo các khóa học về Công tác xã hội và tư vấn, tham vấn tâm lý cho người nghiện ma túy, người nhiễm HIV.
Đến tháng 7/2003, ý tưởng của thầy đã trở thành hiện thực sau cuộc gặp gỡ với chị Annông – Điều phối viên của một chương trình phòng chống HIV/AIDS quốc tế tại Việt Nam,thầy đã quyết định thành lập một “trung tâm cai nghiện” ngay tại chùa. Câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng” (tiền thân của CLB Hương Sen ngày nay) gồm những người nghiện và bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đã ra đời từ đó.
Những ngày đầu, khi những “con nghiện” đến với chùa, Thượng tọa Thích Thanh Huân đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn, trước hết chính là định kiến xã hội về những người đã từng một thời lầm lạc. Hơn nữa, quan niệm chùa chiền vốn thanh tịnh không thể dung chứa những thành phần bất hảo của xã hội. Bên cạnh đó, nhà chùa lại phải đứng ra gánh vác việc tổ chức cho những người tới đây ăn ở, thậm chí cả việc mua thuốc chữa bệnh cũng phải tự lo. Nhưng rồi, nhờ sự kiên trì, quyết tâm và tấm lòng từ bi bác ái của thầy, những khó khăn bước đầu cũng dần qua đi.Cùng với sự giúp đỡ của các trung tâm y tế, cấp thuốc hỗ trợ chữa bệnh cho những người nhiễm HIV, chùa Pháp Vân đã trở thành chốn nương nhờ lý tưởng cho những người nghiện ma túy, nhiễm HIV.Ban đầu mở trung tâm tư vấn HIV, thầy Huân chỉ có ý định lập nơi để người bệnh được tư vấn về HIV-AIDS, nhưng nhiều gia đình ở xa, nghèo khổ muốn con em được ở lại chùa, một số người lại muốn được… xuống tóc đi tu để sám hối trong những năm tháng cuối cùng ngắn ngủi, thầy Huân mới mở thêm cửa đón hẳn họ vào ăn ở, điều trị ngay tại nhà tổ.
Mục đích của CLB: là thuyết pháp đạo Phật, khuyên nhủ các thành viên tích cực làm điều thiện, tổ chức cai nghiện, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS, tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hướng dẫn tập thiền, dưỡng sinh nâng cao sức khỏe…
Các hoạt động của Câu lạc bộ:
– Tiếp cận để tư vấn cho những người có vợ hoặc chồng là người nhiễm HIV;
– Tổ chức khám và phát thuốc cho người nhiễm HIV/AIDS;
– Tư vấn, tham vấn cắt cơn cho người nghiện;
– Tổ chức các khóa tu cho người nghiện, người nhiễm HIV;
– Chuyển những trường hợp nhiễm AIDS đến các cơ sở để kịp thời điều trị.
Nội dung tác động vào nhận thức của người cai nghiện thông qua các chuyên đề về HIV-AIDS, ma túy do các cộng tác viên là chuyên gia y tế đảm nhận và nhà chùa đã soạn những bài kinh sám hối, cầu nguyện Quán Thế Âm bồ tát… dành riêng cho đối tượng ma túy, bị nhiễm HIV. Thái độ của nhà chùa phải rất nghiêm để trị những thói hư tật xấu, nhưng lại khoan dung, không bao giờ nặng lời. Với người nghiện, người nhiễm HIV, không bao giờ phân biệt, cùng sinh hoạt, cùng ăn cơm, nghỉ ngơi, tu hành, trước tam bảo, đều bình đẳng và chăm chỉ công việc tu hành mà không cần xuống tóc (Thích Thanh Huân). Đức Phật ở xa mà lại gần. Đó là tấm gương của thầy Thích Thanh Huân, tận tụy với đời, không bao giờ đòi hỏi, trách phạt, phân biệt cư xử. Cuộc sống giản dị, toàn tâm toàn ý cho một cuộc sống bình đẳng và lo cho mọi người đều được cư xử như nhau. Chùa không có cửa, đến hay đi, đấy là tùy tâm của mỗi con người.
Tất cả mọi sinh hoạt của CLB Hương Sen đều do nhà chùa tự lo. Những người cai nghiện tại chùa được ăn ba bữa (miễn phí), sinh hoạt như những người bình thường. Quan trọng hơn, nhà chùa sẽ cố gắng tạo việc làm phù hợp cho từng đối tượng trong khuôn viên nhà chùa để có điều kiện tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn, phục hồi sức khoẻ, tạo tâm lý sống có ích cho mỗi thành viên.
Tính đến nay, đã có hơn 300 thành viên tham gia CLB với 4 thành phần: Ni sư; tình nguyện viên; người nghiện ma túy, người có HIV và cộng đồng khắp nơi. Trong đó, có 16 người làm nòng cốt hoạt động và 40 thành viên thường trực. CLB không chỉ tư vấn sức khỏe, tâm lý cho người nhiễm HIV/AIDS và những người thân trong gia đình họ. Ngoài ra, mỗi thành viên trong CLB cũng là những y sĩ đến tại nhà chăm sóc cho người bệnh khi cần thiết. Ban đầu, khi CLB mới đi vào hoạt động có mở các lớp cai nghiện ngay tại chùa. Không cần uống bất cứ loại thuốc nào, các đối tượng chỉ dùng phương pháp ngồi thiền và tụng kinh. Không chỉ vậy, qua sự hỗ trợ của các doanh nghiệp dược phẩm, các mạnh thường quân, còn hỗ trợ các loại thuốc dành cho người nhiễm HIV giúp tăng sức đề kháng.
Tại chùa Pháp Vân có Văn phòng trợ giúp người HIV hòa nhập với cộng đồng, chữa cho người nghiện ma túy do thầy Thích Thanh Huân thành lập và điều hành trực tiếp, có thể mang đầy đủ tính chất đặc trưng của một Trung tâm Công tác xã hội được thể hiện qua các nội dung hoạt động can thiệp và hỗ trợ của một dịch vụ xã hội trợ giúp cho người cai nghiện ma túy và người nhiễm HIV tái hòa nhập xã hội.
Thầy Huân quan niệm rằng, nghiện hay không nghiện nữa đều là do ý chí của con người mà ra. Muốn có ý chí, cái tâm phải tốt. Người nghiện sống trong môi trường thanh bạch, không nhuốm sự ham hố, sáng cuốc cỏ tưới hoa, chiều nghe kinh. Thiếu ma túy vài ngày thì quằn quại lắm. Nhưng quằn quại mà xấu hổ chứ không đau khổ, bởi thấy mình quằn quại với một thứ ham hố chẳng có giá trị gì. Vài ba ngày sau, tự dưng trong người thanh nhẹ, không còn bị sự ham hố hành hạ nữa.
Các anh Trọng, Dương, Hà là những người đầu tiên bước vào chùa cai nghiện. Họ bị nhiễm HIV từ tiêm chích ma túy nên có thể không cứu được tính mạng nữa, nhưng vẫn quyết tâm đoạn tuyệt ma túy. Ở chùa, ngấm giáo lý nhà Phật, các anh đã đạt được ước nguyện. Hiện nay, các anh đã trở thành những tình nguyện viên tích cực trong nhóm đồng đẳng giúp đỡ những bạn tới sau cắt cơn nghiện cũng như tìm lại niềm hy vọng vào cuộc sống. Anh Hà trao đổi: “Ngoài việc bồi dưỡng kiến thức về HIV/AISD, nhà chùa còn chú trọng tăng cường sức khỏe, học tập sử dụng thuốc nam và tập dưỡng sinh cho những người tới cai nghiện. Bên cạnh đó, hàng ngày chúng tôi còn ngồi thiền, tụng kinh.Trong quá trình tự cai, mọi người tự kìm hãm, giám sát lẫn nhau tuân thủ nội quy của thầy đã đề ra, đấm bóp, tắm rửa cho nhau. Người cũ đã cai thành công sẽ giúp đỡ, hỗ trợ người mới đến. Tinh thần rất phấn chấn”. Theo thầy Huân: “Đây là cách tu hãm rất hiệu quả, dù không xuống tóc những vẫn có thể giã từ ma túy”.
Đến với “trung tâm” không chỉ có những người nghiện hút, mà còn có nhiều cô gái không may bị lây nhiễm HIV từ chính chồng mình, con số người đăng ký tham gia CLB quá đông. Đầu năm 2004 thầy cho mở thêm một quán cà phê của những người bị nhiễm HIV ở Gia Lâm (Hà Nội), chủ quán cà phê này bị nhiễm HIV, và đó cũng là nơi tập trung tư vấn giúp đỡ cho những người cùng cảnh ngộ quanh khu vực Gia Lâm. Thầy Huân cho rằng, lập ra quán cà phê này để bệnh nhân có một kế sinh nhai, lại dễ tụ hợp sẻ chia, gắn kết,hiện quán đã dành một phòng trong để bất cứ ai bị nhiễm HIV tìm đến cũng được tư vấn, sẻ chia…Sau đó, thầy mở thêm các nhóm như “Hướng Dương”, chuyên dành để chăm sóc các bà mẹ đang mang thai hoặc sinh con nhiễm HIV. Tiếp đó, thầy Huân lại cho lập thêm nhóm “Bình Minh” tại quận Thanh Xuân, do Nguyễn Trọng Kiên, một họa sĩ nhiễm HIV làm trưởng nhóm.
Thầy Huân cho rằng: “Giai đoạn đầu, chúng tôi mở lớp bồi dưỡng cho họ kiến thức về HIV-AIDS, giai đoạn sau vẫn bồi dưỡng kiến thức về “hát” (HIV) nhưng chú trọng tăng cường sức khỏe, học tập sử dụng thuốc nam và tập dưỡng sinh”.Ngoài ra, hằng ngày họ còn ngồi thiền, tụng kinh. Và sư thầy coi đó là cách tu hãm rất hiệu quả (dù không xuống tóc) để giã từ ma túy. Trong quá trình tự cai, “các bạn tự kìm hãm lẫn nhau, đấm bóp, tắm rửa cho nhau; người (cai nghiện) cũ đã vững rồi thì hỗ trợ người mới đến”. “Hướng của tôi sắp tới là để các CLB hoạt động độc lập”.
Những người nghiện ma túy hoặc HIV vào chùa đều bình đẳng, hòa đồng với nhà chùa. Chỉ khác là không buộc phải xuống tóc và không bắt ai cũng ăn chay. Đại đức Thích Thanh Huân kể: “Đến nay nữa là hơn mười năm, chùa rộng cửa đón các bạn có hoàn cảnh như vậy. Họ đến đây mỗi người mang theo một thân phận, một nỗi đau… nhưng có một điểm chung, họ muốn tìm nơi nương náu, được đối xử bình đẳng, được sẻ chia an ủi, tư vấn tâm lý, sức khỏe và biết cách để chung sống với bệnh…”. Cách chữa nghiện (ma túy) và chữa bệnh của thầy Huân là chữa bằng “liệu pháp tâm lý” dùng tình thương yêu an ủi, tư vấn để mỗi người có HIV, hoặc người nghiện ma túy cảm thấy được sẻ chia, giúp đỡ… Nhiều người trong số họ sau khi đến đây đã tìm lại được chính mình, sống bình đẳng, lạc quan, tự tin và muốn hòa nhập với cộng đồng. “Hàng trăm số phận bất hạnh khác, khi biết mình mang trong người căn bệnh thế kỷ thường lúng túng trước vô vàn khó khăn. Tôi không bảo họ phải làm như thế này, thế kia mà chỉ gợi mở cho họ con đường đi. Chỉ có những người bị nhiễm HIV mới hiểu họ cần gì. Nếu ai có nhu cầu, hãy gọi đến số 04.36450577, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ cùng các bạn” (thầy Thích Thanh Huân tâm sự).
Nói về những người người đã cai nghiện thành công trong thời gian sinh hoạt tại chùa, Thượng tọa Thích Thanh Huân khẳng định: “Không có bí quyết nào trong việc cai nghiện tại chùa ngoài tình thương, sự thông cảm, lối sống lành mạnh và thiền. Thiền giúp cho tâm thanh thản để người ta chiến thắng được những vật vã, đau đớn mỗi khi cơn nghiện tới”.
Trước đây chưa hiểu gì về HIV/AIDS nên tôi và nhiều người cũng sợ. Nhưng sau những đợt tập huấn về HIV/AIDS tôi đã hiểu rõ về các đường lây truyền, từ đó tôi cũng sinh hoạt và ăn uống với người nhiễm HIV/AIDS mà không ngại gì hết. đứng trước sự tấn công của HIV/AIDS, với tinh thần vô ngã, vị tha, cứu khổ độ sinh của đạo Phật và với truyền thống “Thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam”, chúng tôi không dám từ nan trọng trách này (Thích Thanh Huân). Bản thân thầy đã tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Sau những khoá tập huấn và những chuyến đi thực tế nước ngoài, sư thầy đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích để áp dụng tại chùa của mình tại Việt Nam. Với trách nhiệm của người tu sĩ, đứng trước nỗi đau của nhân loại, sư thầy Thích Thanh Huân đã họp nhóm để tìm cách giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS. Đến nay, được sự giúp đỡ của UBTƯMTTQ Việt Nam và Thành hội Phật giáo Hà Nội, các cấp chính quyền và nhân dân phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, chùa Pháp Vân đã là nơi sinh hoạt thường xuyên cho những người nhiễm HIV/AIDS, để họ gặp gỡ, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tham gia các hoạt động bổ ích. Đây còn là nơi Thành hội Phật giáo Hà Nội đặt văn phòng tư vấn chăm sóc giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS.
“Bất cứ ai đến gặp chúng tôi thổ lộ, tâm sự cũng yên tâm vì thân phận không bị tiết lộ, mọi thông tin được giữ kín. Những người mắc nghiện, nhiễm HIV ở lại tại chùa đều được đối xử bình đẳng, không phân biệt” (Trong khoa học CTXH, đây chính là các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp khi nhân viên CTXH làm tham vấn phải tuân thủ – lưu ý rằng, thầy Huân cũng đã theo học các khóa tập huấn về CTXH ở nước ngoài và ở Việt Nam) ; “Chùa là nơi có tính hướng con người ta tới cái thiện, là nơi xây dựng nên tinh thần từ bi bác ái, cứu khổ cứu nạn. Những con người bị xã hội đặt các “dấu hỏi về khả năng hoàn lương” thì trước vòng tam bảo, họ vẫn có thể được bình đẳng như bao người bình thường khác” (đây cũng chính là nguyên tắc Tôn trọng thân chủ trong CTXH); “Người nghiện, người có HIV vào đây được ở trong môi trường thanh tịnh, được đọc sách, ngồi thiền, chữa bệnh… Người có sức khỏe thì lấy việc lao động tự giác làm niềm vui, tìm sự khuây khỏa (liệu pháp trị liệu bằng lao động – Tâm lý học trị liệu). Nhiều người vào đây được sư thầy cảm hóa, nhận ra lỗi lầm và quyết tâm phục thiện”; “Trò chuyện với các bạn ấy bằng chính cái tâm của nhà Phật và rồi lấy tình người sẻ chia cảm hóa, làm họ tự tin hơn, lấy lại niềm tin vào con người, vào xã hội. Qua những câu chuyện riêng tư mà có thể chuyển hóa niềm đau khổ cá nhân. Người ta khổ là do phần hồn bị đày đọa bởi sự cô đơn”. Thượng tọa Thích Thanh Huân quan niệm rằng, bệnh tật là một trong những nỗi khổ lớn nhất của đời người. Nó trực tiếp giày vò thân tâm người mắc bệnh với sự đau đớn, lo buồn và sợ hãi. Cho nên, muốn cứu người và thể hiện lòng từ bi, trước tiên phải giúp họ thoát khỏi nỗi khổ này. Trong quan niệm của Phật giáo, bệnh tật có mối quan chặt chẽ với Tâm và Nghiệp của mỗi người, nên thông qua việc chữa trị làm sao giúp cho người bệnh được an vui nơi tâm và dần xả bỏ những nghiệp xấu. Điều này sẽ giúp họ có đời sống nội tâm an lạc, thoải mái trong một cơ thể khỏe mạnh. Phải nói rằng, cách làm tham vấn của thầy Huân, với tư cách của nhà tu hành thấm đẫm không chỉ ở tấm lòng từ bi mà còn dựa trên các triết lý của Phật giáo, nhà chùa đã vận dụng Tứ Diệu Đế vào trong tham vấn với người nghiện ma túy, người nhiễm HIV, bao gồm: (1) Khổ đế (Dukkha): là thực trạng đau khổ của con người; (2) Tập đế (Samudaya): là nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ; (3) Diệt đế (Nirodha): là sự kết thúc hay sự chấm dứt khổ đau; (4) Đạo đế (Magga): là con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt khổ đau (Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Phật học cơ bản, tập 1, Nxb TP. HCM, 1988). Dưới góc độ y học, Tứ Diệu Đế được xem như tiến trình của y học trước một căn bệnh: chứng bệnh, nguyên nhân gây bệnh, trạng thái lành bệnh, và những phương thuốc chữa trị. Cũng vậy, Đức Phật (Tăng Chi Bộ Kinh II, 692; IV, 49) đã chỉ rõ về bốn giai đoạn của một quá trình vượt thoát khỏi mọi đau khổ: nhận chân rõ bản chất khổ của những sự vật ở đời, xác định nguyên nhân phát sinh những sự khổ ấy, trạng thái vắng mặt đau khổ, và những phương pháp diệt trừ đau khổ. Chính vì vậy, trong các bài kinh thầy soạn riêng cho nhóm người cai nghiện và nhiễm HIV sinh hoạt tại câu lạc bộ cũng như khi thực hiện tư vấn, tham vấn tâm lý cho họ đều toát lên tư tưởng đó. Vì vậy, họ ngộ ra được cái khổ của mình do mang túy mang lại và hiểu rõ con đường để giải thoát cái khổ đó. Đó chính là niềm tin được thầy Huân nhen nhóm lên ở người cai nghiện và nhiễm HIV, khi họ đã có niềm tin thì đó chính là cơ sở để tạo ra sức mạnh ý chí và nỗ lực của họ trong quá trình cai nghiện tại chùa của người cai nghiện ma túy. Do vậy, thầy Huân luôn ý thức rằng “nghiện hay không nghiện nữa là do ý chí của con người mà ra” và thầy chỉ “gợi mở cho họ con đường đi” ( lưu ý rằng, triết lý của công tác xã hội trong trợ giúp người yếu thế là: không nghĩ thay, không quyết định thay, không làm thay thân chủ.Thân chủ tự quyết định và tự giải quyết nan đề của mình dưới sự trợ giúp của nhân viên CTXH)
Đây chính cũng là những cơ sở, luận điểm, cách làm của thầy Huân đã vận dụng triết lý của Tâm lý học, Công tác xã hội với người nghiện ma túy và nhiễm HIV, luôn tôn trọng thân chủ, khơi dậy Phật tính ở nghiện ma túy trong quá trình xây dựng và vận hành mô hình cai nghiện ma túy và hỗ trợ người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng mang tính bền vững dựa trên niềm tin mang tính tâm linh của Phật giáo.
Một thành công rất đáng trân trọng của nhà tu hành trong xu thế nhập thế hiện nay của Phật giáo Việt Nam, việc xây dựng và mở rộng hệ thống dịch vụ xã hội mang tính phi lợi nhuận như mô hình trợ giúp người nghiện ma túy và nhiễm HIV của chùa Pháp Vân là rất cần thiết, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhất là với các đối tượng xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn hay đang trong tình trạng nghèo đói. Với tình hình thực tiễn đó, những hoạt động mang tính CTXH của Phật giáo ở Việt Nam mang ý nghĩa rất lớn, là một nguồn lực xã hội tham gia hữu hiệu vào việc cung cấp dịch vụ xã hội mang tính phi lợi nhuận cho cộng đồng dân cư.
Ngoài ra dưới góc độ khoa học, với thành công này, chùa Pháp Vân đã góp phần xây dựng và làm sáng tỏ một lĩnh vực mới được hình thành trong vài năm gần đây ở nước ta cũng như trên thế giới: Phật giáo Công tác xã hội (Buddhist Social Work).
Tài liệu tham khảo
- Kết quả Phỏng vấn sâu TT Thích Thanh Huân và nhóm người cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS tại chủa Pháp Vân, Hà Nội, do các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản thực hiện, 10/2017.
- Nguyễn Hồi Loan, Quản lý trường hợp với người sử dụng ma túy, Nxb LĐXH, 2013.
- Nguyễn Hồi Loan, Giá trị của Phật giáo đối với Công tác xã hội trong xu thế toàn cầu hóa, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2015.
- Nguyễn Hồi Loan, Nguyễn Thị Kim Hoa, Giáo trình Công tác xã hội đại cương, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2015.
- 5. Chan Khoon San, Giáo trình Phật học, Nxb Phương Đông, 2011
- Nguyễn Chu Phác (Chủ nhiệm đề tài), Tìm các giải pháp chăm sóc về mặt tinh thần và tâm lí người nhiễm HIV+ góp phần làm chậm sự phát triển của bệnh lí, Liên hiệp Hội và Ủy ban phòng chống quốc gia AIDS, 1997-2000.
- Nguyễn Chu Phác, Hàn Thụy Vũ, Sự mách bảo tâm linh và những khả năng kì diệu của con người, Nxb Văn hóa Thông tin, 2007.
- Thích Nữ Tịnh Quang, Sự quyến rũ của đạp Phật trong thế giới mới, Nxb Âu Cơ, 2012.
- Ronald Alexander (2010), Mindfulness Meditation & Addiction: Causes for addiction and how mindfulness meditation can help with them, www.psychologytoday.com