TT. Thích Thiện Chí
Học viện Phật giáo Việt Nam
Mở đầu tác phẩm, bằng thủ pháp so sánh rất ấn tượng và độc đáo, Trần Thái Tông đã luận giảng tầm quan trọng, sự hy hữu và trân quý của thân người. “Ôi! Vật quý nhất đời là vàng ngọc vậy. Song xét tới chỗ quan trọng, chỗ luyến tiếc thì không thể sánh bằng thân mạng.”(1) Nếu không có trí tuệ và không biết tư duy kỹ càng, con người thường không biết trân quý sự quý giá của thân người, không biết hối hận và tiếc nuối gì khi lãng phí cơ may được sinh làm người. Thậm chí nếu bị mất tiền bạc, tài sản, con người thường tiếc nuối nhiều hơn. Tuy nhiên trên thực tế, thân người ta đang có lại vô cùng quý báu hơn bất cứ vàng ngọc châu báu thế gian nào.
Con người có thể sở hữu hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn những viên bảo châu, nhưng chúng không thể đem lại cho họ dù chỉ một điều nhỏ nhất trong những điều họ có thể thành tựu được nhờ mang thân người trong đời này; bởi vì con người không thể sử dụng những bảo châu ấy để che chở mình khỏi tái sinh vào các đọa xứ trong đời sau. Nhưng với thân người hiện tại của mình, ai ai cũng có thể tự đề phòng cho khỏi sa đọa vào các cõi xấu ác.
“Trong lục đạo chỉ người là quí, đến khi nhắm mắt đi rồi, mờ mờ mịt mịt chẳng biết chỗ đến. Hoặc vào đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, A-tu-la chẳng được làm người.”(2) Theo tri kiến trong Phật giáo, toàn bộ thế giới luân hồi tràn ngập khổ đau là kết quả của những hành động bất thiện trong quá khứ của các chúng sinh nơi đây.Những chúng sinh bị tái sinh trong cõi địa ngục không có niềm an vui vì họ thường xuyên bị cái nóng hay cái lạnh khủng khiếp hành hạ dữ dội. Ngạ quỷ không có được niềm an vui đích thực vì những nỗi thống khổ mà họ phải chịu đựng do đói và khát. Súc sinh cũng luôn vô cùng khổ đau bởi chúng phải sống đời nô lệ, si mê và chịu đựng những cuộc tấn công của những con thú khác. Loài trời Tu la cũng có nỗi khổ bị thương tật què quặt trong khi đánh trận, và luôn luôn khổ vì lòng ganh ghét ray rứt tâm can. Một hình ảnh rất quen thuộc trong giáo pháp của đức Phật về sự trân quý và hy hữu của thân người là việc một con rùa trồi lên từ đáy biển, ngẫu nhiên chui đầu vào cái lỗ của một cái ách bằng gỗ đang dập dình trên mặt đại dương giữa những cơn sóng khổng lồ. Có được một đời người với đầy đủ những điều kiện tự do và thuận duyên thì lại càng hy hữu hơn nữa.
Sau khi luận giải sự trân quý của thân người, Trần Thái Tông nêu lên bản chất giả tạm, không có thực của những sự vật trong thế giới thế tục cũng như những hậu quả mà con người cứ chạy theo những thứ hư ảo đó. “Người đời luôn luôn đuổi theo con đường danh lợi, luống nhọc xác tổn thần, đem thân mạng rất quí báu này làm tôi tớ cho tiền của đáng khinh. Sánh với người ăn bánh quên vợ, ngậm cơm quên môi nào có khác gì.”(3)
Chính là nhờ vào năng lực của tất cả công đức mỗi người đã tích lũy được trong quá khứ mà giờ đây họ có được thân người trân quý và hy hữu nhưng trong cuộc đời, nhiều người lại hết mực tham luyến vào những giao kết thế gian thường tình, vào tài sản, quyền lực, vào khoái lạc, con cái, thân quyến v.v… Họ xao lãng điều cốt yếu nhất trong đời sống và thay vào đó, tiêu trọn đời trong việc tìm kiếm thực phẩm, quần áo và mê đắm tám mối bận tâm thế tục. Một cuộc đời như thế chính là phí phạm cơ hội nuôi dưỡng những năng lực thiện lành, thanh tịnh vốn có nơi mỗi người. Thậm chí, trong cuộc đời nhiều người lại luôn làm những hành động gây tổn hại hay thích thú các ác hạnh. Họ không thể kiểm soát tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi của mình, hành xử không chút nhân tính làm hại cho bản thân và xã hội. Họ không cảm thấy khiếp sợ chút nào khi nghe nói tới việc tái sinh vào những cõi thấp và về những bất hạnh trong vòng luân hồi, hoặc khi đối diện với những đau khổ của cuộc đời hiện tại này, họ đã không có bất kỳ quyết tâm nào để giải thoát chính mình khỏi vòng sinh tử. Có được đời người chỉ để đắm mình trong những ác hạnh mà không có chút ý niệm nào về những việc làm thiện lành thì thật phí phạm và thấp kém hơn cả chúng sinh trong những cõi thấp.
Nhưng bản chất của thế giới luân hồi là vô thường, giả tạm, thân tứ đại khi đủ duyên thì hợp, khi hết duyên thì phân rã, không thể tồn tại mãi mãi được. Một người sinh ra chắc chắn sẽ phải chết và không những vậy họ không thể biết chắc lúc nào thì cái chết đến với mình. “Rõ ràng thời gian trăm năm, toàn ở trong sát-na, thân huyễn tứ đại đâu thể lâu dài. Mỗi ngày chìm đắm trong trần lao, mỗi lúc nghiệp thức càng mênh mông vô tận. Chẳng biết một tính viên minh, luống theo sáu căn tham dục. Công danh cái thế cũng chỉ là một trường đại mộng, phú quí kinh nhân khó khỏi vô thường hai chữ. Tranh nhân tranh ngã rốt cuộc thành không, khoe giỏi khoe hay cứu cánh chẳng thật.”(4) Thân người cũng như mọi sự vật trong luân hồi đều mong manh, vô thường, và nếu trong đời người, họ bị tham lam, ích kỷ, hận thù chi phối mà không biết cách vượt thoát chúng thì chắc chắn họ sẽ phải tái sinh thành một con thú mang lông đội sừng hoặc làm một ngạ quỷ, phải sống mà không kiếm được một chút gì để ăn, cũng không tìm được một giọt nước uống hoặc có thể tái sinh vào địa ngục, phải chịu đựng những nỗi khổ nóng, lạnh, bị luộc trong nước sôi hay thiêu trong lửa đỏ. Nếu sống một đời người tham ái, thù hận và ích kỷ thì chắc chắn sẽ bị đọa lạc xuống các cõi thấp. Bởi vậy nếu bị nhiễm ô vì nghiệp ác không thể dung thứ, những tội lỗi mình đã làm thì bằng cách nào con người có thể vượt thoát được chúng và sống đời người thực sự có ý nghĩa?
Như vậy “nay đã làm người, được sinh nơi phồn thịnh lại đầy đủ sáu căn”, con người cần biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Mỗi người cần quyết định chọn lựa và quyết định đời sống của mình hạnh phúc, an lạc hơn hay bất an, khổ đau hơn không chỉ trong một đời mà trong suốt chiều dài tương lai sau này. Cuộc đời hiện tại là bước ngoặt mà nhờ đó mỗi con người có thể lựa chọn giữa cái hạnh phúc, an lạc dài lâu hay khổ đau miên viễn. Nếu ngay bây giờ mỗi người không tận dụng những tự do có được trong đời này để nắm lấy thành lũy của chân tính tối hậu, thì trong những đời sau họ sẽ rất khó có được tự do như thế này một lần nữa.
Trần Thái Tông đã đi tới một kết luận vô cùng quan trọng: Đời người có thể được gọi là một “đời người quý báu” chỉ khi nào đời người ấy biết không làm tổn hại người khác, biết phát tâm làm những điều thiện lành lợi ích mọi người, chúng sinh, tức là biết phát Bồ đề tâm. Nếu không thì cho dù sự hiểu biết, kiến thức và tài năng của môt người trong những sự việc thông thường có rộng lớn tới đâu chăng nữa, họ cũng không có được một “đời người quý báu”. Như thế có nghĩa là họ chỉ có được cái gọi là một đời người bình thường, một đời người đơn thuần, đời người không may mắn, đời người vô nghĩa, hay một đời người trắng tay. Đời người như thế thì cũng giống như việc tay cầm ngọc như ý mà không biết sử dụng nó, hay việc bạn đi đến một xứ sở ngập đầy châu báu mà trở về tay không.
Trần Thái Tông đã dẫn chứng ba tấm gương vĩ đại, từ thấp tới cao, có ảnh hưởng rất lời đến đời sống của nhân loại. “Thứ nhất là lời của Khổng Tử: Buổi sớm được nghe đạo, chiều có chết cũng vui. Thứ hai là lời của Lão Tử: Ta sở dĩ có ba cái lo lớn, vì ta có thân. Thứ ba là từ truyện tích tiền thân của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, Ngài từng bỏ thân cứu cọp đói. Trong khi tu hành đạo Bồ-tát, trong vô lượng vô số kiếp, Đức Thế Tôn đã rất nhiều lần xả thân cầu đạo như vậy.”(5)
Những bậc Thánh nhân có trí tuệ lớn và phúc đức to lớn, đã dạy rất rõ ràng những lợi lạc của đạo, chúng ta là phàm phu vô trí, há chẳng nên học theo hay sao? Đó là những tấm gương vĩ đại mà mọi người có thể học hỏi mà quyết chí học đạo, phát khởi tâm Bồ đề để sống đời người trước hết tránh được “những nghiệp chướng, thường làm tổn hại cho muôn vạn chúng sinh, oán thù chồng chất, lưới ái bủa vây. Rốt cuộc quả báo tự mình mang, vạc dầu sôi muôn lần chết đi muôn lần sống lại; rừng kiếm núi đao không phương chống đỡ; đói nuốt sắt nóng, khát uống đồng sôi, đội yên ngậm sắt, mang lông đội sừng, lấy thịt nuôi người, đem thân đền nợ, khổ không kể xiết.”(6)
Nhưng nếu việc thực hành đạo hay chính pháp chỉ nhằm để bảo vệ bản thân thoát khỏi bệnh tật, khỏi những ảnh hưởng xấu xa trong cuộc đời này hay do sợ hãi những đau khổ của ba cõi thấp trong những đời sau thì đó chưa phải là cách phát Bồ đề tâm chân chính, không phải là cách thức đúng đắn để bước đi trên con đường đạo. Điểm khởi đầu trong lời khuyên phát Bồ đề tâm, Trần Thái Tông đã chỉ cho cho mọi người cần có lòng xác tín rằng toàn bộ luân hồi đều là khổ đau, cõi người chịu khổ của sinh, lão, bệnh tử, cõi địa ngục chịu cái khổ nóng, lạnh, cõi súc sinh chịu khổ của si mê, cõi A-tu-la chịu khổ của tranh đấu, bất mãn thì có một cách vượt thoát khỏi những khổ đau đó chính là phát tâm Bồ đề, dần diệt trừ tham ái, sân hận, si mê, sống đời làm lợi lạc tha nhân.
Vậy tại sao lại cần chân thành phát tâm Bồ đề? Bởi vì “tính giác Bồ-đề mỗi mỗi viên thành, nào hay căn lành Bát-nhã người người đầy đủ. Chớ luận đại ẩn tiểu ẩn, thôi phân tại gia xuất gia. Chẳng cuộc người tăng kẻ tục, chỉ cốt nhận được bản tâm. Vốn không có nam nữ, đâu cần chấp tướng. Người chưa rõ dối chia tam giáo, liễu được rồi đồng ngộ nhất tâm. Nếu hay phản chiếu hồi quang, đều được kiến tính thành Phật.”(7) Như vậy đối với Trần Thái Tông, Bồ đề tâm vốn sẵn có nơi mỗi người, không phân biệt người tu hành hay cư sĩ, nam hay nữ, chỉ cần họ biết tỉnh thức, biết tin tưởng vào bản chất vốn thanh tịnh nơi mình và nỗ lực chuyên tâm thực hành giáo pháp thì chắc chắn sẽ thành đạo quả. Những phiền não tham lam, sân hận, si mê không phải là bản chất thật nơi mỗi người, năng lực của chúng yếu kém hơn và sẽ bị điều phục, diệt trừ bởi những phẩm chất thanh tịnh vốn có nơi bản tâm mỗi người. Thiền sư Thích Thanh Từ giảng giải luận điểm này như sau: “Phật là chỉ cho tánh giác, tánh giác không có nam nữ; nam nữ chỉ là giả tướng thôi. Nếu chúng ta chấp tướng rồi sanh niệm phân biệt khen chế khinh trọng, là vì chúng ta không hiểu rõ.” (8)
Để làm sáng tỏ những lý lẽ trên, Trần Thái Tông đã dẫn chứng trên từ Phật, Thánh, Tiên, Hiền dưới cho đến vua, quan, trí, sĩ đều một lòng trọng đạo, ông còn liệt kê thêm đến các loài súc sinh cũng biết lĩnh hội đạo lý: “Cáo đồng còn nghe pháp Bách Trượng, ốc vặn hay hộ kinh Kim Cương. Mười ngàn cá bơi nghe hiệu Phật hóa làm Thiên Tử, năm trăm con dơi nghe pháp chứng Thánh Hiền.Trăn nghe sám được sinh thiên, rồng nghe kinh mà ngộ đạo.”(9)Những lập luận trên có sức lay động tâm trí độc giả vô cùng mạnh mẽ bởi một niềm xác tín về quả vị Bồ đề là bình đẳng và vốn sẵn có nơi mỗi chúng sinh, thôi thúc những người đã phát tâm tu đạo, càng tinh tấn dũng mãnh hơn, ai chưa phát tâm thì gấp rút phát tâm Bồ-đề, dốc lòng cầu đạo, mới thật không uổng một kiếp làm người.
Tóm lại trong tác phẩm Văn khuyên phát tâm Bồ đề, Trần Thái Tông đã lập luận một cách thuyết phục về bản chất của toàn bộ cõi luân hồi, đó là giả tạm, khổ đau và vô thường, về sự trân quý của thân người khó được, cao quý hơn tất cả những của cải thế gian, từ đó chỉ ra con đường chân thực để vượt thoát những khổ đau, bất an trong đời sống, phát triển những phẩm chất thiện lành, nuôi dưỡng phẩm chất đạo đức, tiềm năng thanh tịnh vốn có nơi tự thân để có được một đời sống an lành, lợi ích. Đây cũng là phẩm chất quan trọng của toàn bộ lý thuyết Phật giáo nói chung cũng là nền tảng của giáo lý dòng Thiền Trúc lâm nói riêng. Đó cũng là một trong những phương pháp hiệu quả và chân chính mà vua Trần Thái Tông đã sử dụng để giáo hóa dân chúng, phát triển đất nước. Và những trang sử vàng chói lọi thời Trần là chính là những minh chứng xác thực và hùng hồn cho chân lý nói trên.
Tài liệu tham khảo
1.Trần Thái Tông, Khóa hư lục, Văn Khuyên Phát Tâm Bồ -đề, Thích Thanh Kiểm dịch (1992), Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, tr. 24.
- Sđd, tr. 24.
- Sđd, tr. 24-25.
- Sđd, tr. 25
- Sđd, tr.25
- Sđd, tr. 26
- Sđd, tr. 27
- Trần Thái Tông, Khóa hư lục giảng giải, Văn Khuyên Phát Tâm Bồ -đề, Thích Thanh Từ giảng giải (1996), Thường Chiếu ấn hành, tr.169.
- Trần Thái Tông, Khóa hư lục, Văn Khuyên Phát Tâm Bồ -đề, Thích Thanh Kiểm dịch (1992), Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, tr. 27.