NGHỆ THUẬT HÓA GIÁ TRỊ BỘ MỘC BẢN KINH HOA NGHIÊM CHÙA VĨNH NGHIÊM ĐÁP ỨNG KÊNH DU LỊCH KHÁM PHÁ DI SẢN

 TS. Mai Thị Thơm

Phòng Kinh điển và Triết học Phật giáo, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Tóm tắt: Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh đặc biệt của nền Phật giáo Đại thừa. Đối với Phật giáo Việt Nam nói chung, Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, bộ kinh này được du nhập, được tiếp nhận, tu tập, chuyển hóa thành nhiều sản phẩm đặc biệt có giá trị. Mộc bản Vĩnh Nghiêm gồm 3050 tấm được UNESCO công nhận là di sản ký ức nhân loại, trong đó 3005 tấm là mộc bản bộ Kinh Hoa Nghiêm. Quan trọng hơn, Vĩnh Nghiêm tự lại là một trong những trung tâm hành chính của Phật giáo thời Trần – Thiền phái Trúc Lâm. Vì thế, nếu chúng ta có thể nghệ thuật hóa hiện vật bộ kinh dạng mộc bản này với những sự kiện gắn liền giữa bộ kinh này và chư Tổ sư – người học Phật dòng Trúc Lâm thời Trần cũng như nội dung đặc sắc của bộ kinh hẳn sẽ mở ra một kênh du lịch khám phá di sản cho Bắc Giang – Phật giáo Việt Nam – Nhân loại.

Từ khóa: Mộc bản Vĩnh Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm, thiền phái Trúc Lâm, du lịch Bắc Giang.

NỘI DUNG

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản ký ức nhân loại đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài Phật giáo triển khai các hoạt động nhằm khai thác và phát huy giá trị. Nhân cơ hội Bắc Giang triển khai dự án phát triển du lịch phục dựng Con đường hoằng pháp của các Phật Tổ dòng Trúc Lâm khu vực Tây Yên tử, lại nhân cơ hội Sở Du lịch Hà Nội, Công ty du lịch SGO Travel chính thức khai trương tuyến du lịch văn hóa Hà Nội – Bắc Giang với 7 gói sản phẩm, trong đó có gói sản phẩm: Hoàng Thành Thăng Long – Chùa Vĩnh Nghiêm – Yên Tử, chúng tôi xin gửi đến Hội thảo Không gian văn hóa Phật giáo tỉnh Bắc Giang (Tây Yên Tử) bài viết “Nghệ thuật hóa giá trị bộ mộc bản kinh Hoa Nghiêm chùa Vĩnh Nghiêm đáp ứng kênh du lịch khám phá di sản”. Bài viết xin triển khai mấy nội dung sau:

  1. NGHI QUỸ HÓA BỘ MỘC BẢN KINH HOA NGHIÊM NHẰM GIỚI THIỆU HÀNH TRÌNH HÌNH THÀNH – DU NHẬP – KHẮC BẢN THUỘC HÁN TẠNG

Vừa rồi Bắc Giang có tổ chức nghi thức rước tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Vì thế, việc nghi quỹ hóa bộ mộc bản kinh Hoa Nghiêm không phải không có tiền lệ. Có điều, ở phần nghi quỹ hóa bộ Kinh này, ngoài nghi thức mang yếu tố “lễ”, tỉnh Bắc Giang có thể kết hợp cùng công ty phim hoạt hình hay đồ họa, phục dựng lại toàn bộ hành trình du nhập – tiếp nhận – tu tập – chuyển hóa – khắc mộc bộ kinh này. Cụ thể:

1.1. Nghi thức phụng nhiễu bộ mộc bản kinh Hoa Nghiêm

Đây là phần mở đầu cho toàn bộ phim giới thiệu về bộ Mộc bản kinh Nghiêm Hoa. Thiết kế phần này cần dựa trên các tác phẩm khoa nghi chính thống của Thiền phái Trúc Lâm mà Tam Tổ Huyền Quang đã chính thức biên soạn và ban hành cho toàn quốc vào dịp Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuất gia. Điều này không chỉ khôi phục nghi quỹ chân chính của Phật giáo Trúc Lâm nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung, mà còn giúp khán giả định hóa thân tâm, lắng lòng nghiêm thân, buông xả muộn phiền thế gian, tự tại khám phá, hòa nhập vào thế giới thiêng liêng nội tại. Sau đó có thể rút ra được bài học cho chính tự thân về việc thực hiện nghi quỹ nghi thức thờ cúng tại gia và nghi thức nghi quỹ chiêm bái thánh tích, du lịch tâm linh chân chính nhất cơ thể.

Bởi vì hình thức và nội dung luôn là điều tương dung tương tác. Nho gia có câu: “Văn chất bân bân” chính là thể hiện ý nghĩa này. Người học Phật – Người chiêm bái Thánh tích hiểu biết và thực hành một cách nghiêm cẩn nghi lễ nghi quỹ thì trọn vẹn Giới – Định – Tuệ của nhà Phật để trang nghiêm thân tâm tự thân, đồng thời hướng đến Chân – Thiện – Mỹ của nhân loại, thừa hưởng một cách sống động phúc đức và trí tuệ chân chính, lan tỏa từ trường lực, làm cho tự thân và mọi người đều vừa là người tạo tác nhân duyên vừa là người hưởng thụ kết quả. Đó là mười hạnh nguyện lớn của Bồ tát Phổ Hiền trong Kinh Hoa Nghiêm nói riêng và hệ thống kinh điển Phật giáo Đại thừa nói chung: Nhất giả lễ kính chư Phật – Nhị giả xưng tán Như Lai – Tam giả quảng tu cúng dường – Tứ giả sám hối nghiệp chướng – Ngũ giả tùy hỷ công đức – Lục giả thỉnh chuyển pháp luân – Thất giả thỉnh Phật trụ thế – Bát giả thường tùy Phật học – Cửu giả hằng thuận chúng sinh – Thập giả phổ giai hồi hướng. Như vậy, Tam Bảo tướng luôn được thường trụ thế gian và giúp chúng sinh phát lồ Tam Bảo của tự thân.

1.2. Giới thiệu bộ kinh Hoa Nghiêm tại Trung Hoa, kể từ khi du nhập, được dịch thuật đầy đủ 80 quyển ở thời Đường với những câu chuyện độc đáo trong quá trình dịch thuật, sự ra đời Hoa Nghiêm tông, việc khắc bản nhập tạng ở thời Tống, sau đó ban tặng cho các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

Bộ Hoa Nghiêm thuộc kinh Đại thừa Phật giáo sơ kỳ, khi du nhập vào Trung Hoa, trải qua nhiều đợt biên dịch sang Hán tạng. Tính đến thời nhà Đường, ít nhất hiện hữu 3 bản dịch kinh này. Đó là: Hoa nghiêm tứ thập do Bát Nhã dịch; Hoa Nghiêm lục thập do Phật Đà Bạt Đà La dịch; Hoa Nghiêm bát thập do Thật Xoa Nan Đà dịch.

Hoa Nghiêm là bộ kinh chính yếu để tông Hoa Nghiêm – một trong 13 tông phái Phật giáo Trung Hoa – được ra đời. Tông Hoa Nghiêm ra đời không chỉ khẳng định giá trị của Phật giáo Trung Hoa mà còn ảnh hưởng lan tỏa đến các nước khác, trong đó có Nhật Bản – Triều Tiên. Tông Hoa Nghiêm giúp người học Phật biết rõ tầng bậc tu chứng Bồ tát đạo và Phật đạo qua 53 tầng bậc. Đặc biệt là mọi thành phần xã hội đều có khả năng hiện thực hóa hạnh nguyện này.

Và khi nói đến sự hoằng truyền của Tông Hoa Nghiêm tại Trung Hoa, người ta không thể bỏ qua câu chuyện: Con sư tử vàng của tổ Pháp Tạng. Đó là hình ảnh ngôi nhà kính với con sư tử vàng ở giữa do tổ sư Pháp Tạng triển hiện giúp Nữ hoàng Võ Tắc Thiên ngộ được triết lý Tứ sự vô ngại của kinh Hoa Nghiêm. Đặc biệt là triết lý Sự sự vô ngại. Từ ngôi nhà kính đó, Nữ hoàng đã thấu suốt triết lý Một là tất cả, Tất cả là một đặc trưng của Hoa Nghiêm. Nhờ đó, Nữ hoàng có thể tiếp nhận, vận dụng thành công trong việc quản trị quốc gia, tạo nên thời thịnh trị của nhà Đường, đồng thời mở ra triều đại mới – Nhà Chu. Bởi vì bà đã nhận rõ sự tương dung tương liên giữa cá nhân Hoàng đế với Hoàng thân Quốc thích – Bách quan bách tính. Lợi ích và trách nhiệm của mỗi cả nhân và của toàn quốc gia không khác xa nhau, trong cá nhân có toàn quốc, trong toàn quốc có cá nhân. Quan trọng hơn, thời đại của Nữ hoàng, vai trò của người phụ nữ được khẳng định, nhờ thế các phương diện chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội đều phát triển đồng bộ, khắc phục được điểm yếu của thể chế chính trị hoặc quan niệm văn hóa: Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.

Đến thời Tống, Hoa Nghiêm là một trong những bộ kinh được khắc mộc, nhập tạng, và đặc biệt nhất, sau khi bộ Mộc bản Đại tạng kinh hình thành, Tam tạng Kinh – Luật – Luận được dịch thuật ra Hán tạng chính thức in bản giấy và ban tặng cho hệ thống tự viện trong nước cùng các nước lân cận. Việt Nam từ thời Lê Long Đỉnh đã may mắn được nhận bộ Tam tạng này.

1.3. Giới thiệu nguồn gốc và hành trình du nhập bộ kinh này tại Việt Nam: Từ thời Thiền sư Khương Tăng Hội, những phẩm kinh riêng lẻ của bộ Hoa Nghiêm này đã hiện hữu; kinh Hoa Nghiêm tiếp tục hiện hữu trong các Thiền phái Pháp Vân – Kiến Sơ (đều vốn thuộc Lộ Bắc Giang xưa) mà Thiền uyển tập anh đã ghi nhận khá rõ ràng; kinh Hoa Nghiêm được khắc bản phụ, được lưu trữ ở tàng kinh các tại các chùa thuộc Lộ Bắc Giang cùng Đại tạng Kinh Phật giáo vào thời Lý mà chính sử nước nhà ghi lại, như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư… Ở điểm này, ngoài chùa Vĩnh

Nghiêm, Bắc Giang – Phật giáo Bắc Giang cũng có cơ hội phục dựng lại những ngôi chùa một thời có Tàng kinh các của các triều đại Việt. Thậm chí kết nối được với các chùa Việt trong cả nước, chú trọng những nơi có lưu trữ kinh điển Phật giáo, tạo nên tuor du lịch khám phá và thưởng thức kinh điển Phật giáo, giúp đưa giá trị kinh điển đến gần hơn với mọi thành phần xã hội.

1.4. Du khách trải nghiệm in mộc bản kinh Hoa Nghiêm. Mục này giúp du khách vừa trải nghiệm hoạt động thực tiễn vừa có được những hiện vật mà mình mong mỏi. Ngoài ra, nếu hoạt động này được phục dựng và phát triển, việc khôi phục các hoạt động làm giấy gió, khắc mộc tại các làng nghề thuộc lộ Bắc Giang cũng có thể nhờ thế dần hiện thực hóa, tạo ra nhiều giá trị kinh tế văn hóa cho những người có duyên. Bởi khôi phục và phát triển du lịch khám phá làng nghề truyền thống là một trong những nội dung được Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ. Không chỉ thế, kết hợp với đó là giới thiệu các hoạt động tự in các loại tranh truyền thống của người Việt trên loại hình giấy gió. Mở rộng ra nữa là các loại Thi Kệ ngắn của các Tổ trong dòng Trúc Lâm nói riêng, Thiền tông Việt nói chung đều có thể được chia sẻ cho du khách và người có duyên thông qua hình thức tự in sản phẩm theo mong cầu cá nhân.

  1. PHỤC DỰNG HÀNH TRÌNH TIẾP NHẬN – TU TẬP – THUYẾT GIẢNG – CHUYỂN HÓA BỘ KINH HOA NGHIÊM TRONG THIỀN PHÁI TRÚC LÂM NHÀ TRẦN

Riêng dòng Trúc Lâm, kinh Hoa Nghiêm có thể được giới thiệu theo các trục chính. Hệ thống tư liệu đáp ứng nhu cầu của điều này khá nhiều: Văn bia Lý Trần, Toàn tập Trần Thái tông, Toàn tập Trần Nhân Tông, Trúc Lâm Tam Tổ, Thánh đăng lục, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng… Cụ thể các mục cần giới thiệu như sau:

2.1. Kinh Hoa Nghiêm trong đời sống tu tập hoằng pháp của Trần – Thái Tông – Tuệ Trung Thượng sĩ: Việc làm này còn có thể thúc đẩy mở ra hành trình khám phá lịch sử hoạt động Đạo – Đời một cách trọn vẹn sống động của Hoàng thân Quốc thích nhà Trần trên nhiều phương diện. Riêng bộ Hoa Nghiêm Kinh, Trần Thái Tông – Tuệ Trung đều có nghiên tầm, tu học, vận dụng ứng đối khi tiếp vật lợi sinh. Cụ thể trong phần Ngữ lục vấn đáp môn hạ của Trần Thái Tông và phần Tụng cổ của Tuệ Trung Thượng Sĩ:

Trần Thái Tông đáp Thiền tăng Đức Thành từ Trung Hoa bằng tư tưởng: “Một là tất cả, tất cả là một”; “Chân Không – Diệu Hữu” tức từ Thể mầu nhiệm khi gặp duyên thì phát ra Tướng – Dụng của kinh Hoa Nghiêm, đáp ứng hạnh nguyện cứu độ chúng sinh của người học Phật.

Hỏi: Thế Tôn chưa rời Đâu Suất đã xuống Vương cung, chưa ra khỏi bụng mẹ đã độ hết chúng sinh, nghĩa ấy thế nào?

Đáp: Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện, muôn dặm không mây muôn dặm trời.

Hỏi: Chưa rời chưa ra nhờ khai thị, đã rời đã ra việc thế nào?

Đáp: Mây sinh đỉnh núi bồng bềnh trắng, nước đền Tiêu Tương một sắc xanh.

Không chỉ trả lời trọn vẹn câu hỏi về triết lý: Phật tính bản hữu, bình đẳng ở Phật và chúng sinh nên dù đức Thích Ca chưa rời cõi trời Đâu Suất để giáng sinh tại cung vua Ca Tỳ La Vệ, chưa ra khỏi bụng mẹ Ma Da vẫn độ hết chúng sinh. Và khi đức Thích Ca thị hiện Ta bà, đã khéo léo dùng phương tiện thiện xảo, khai thị chúng sinh, khiến chúng sinh nhận rõ Phật tính bản hữu, hạ thủ công phu, phát lồ và trở về với Phật tính bản hữu đó của tự thân. Bởi vì chúng sinh bị phiền não chướng, sở tri chướng che lấp, khiến chúng sinh cứ mải miết chạy theo nghiệp lực thiện ác mà mình tạo ra trong dòng sinh tử luân hồi bất tận, vui buồn khổ sướng với nhân quả báo ứng của tự thân, quên mất Phật tính bản hữu. Nhưng may mắn cho chúng sinh là luôn có Phật – Bồ tát – Thiện tri thức với hạnh nguyện Đại từ Đại bi: Độ tận chúng sinh khổ, nên chúng sinh nếu đủ duyên đều có cơ hội được học Phật, được nghe Pháp, được gần gũi cúng dường và tu học với chúng Tăng, sau cùng đều được giải thoát sinh tử luân hồi khổ, đạt ngộ Phật vị. Điểm thú vị đặc biệt là Trần Thái Tông mượn hình ảnh ảnh trăng chiếu rọi trên dòng sông để biểu tả Phật tính bản hữu. Phật tính là mặt trăng, luôn luôn có, chúng sinh là dòng sông, nơi nào có nước, nước lắng trong, nơi đó sẽ thấy được bóng trăng chiếu rọi, tức khẳng định cần có điều kiện để Phật tính biểu hiện ra. Hình ảnh “Mây sinh đỉnh núi bồng bềnh trắng và nước đến Tiêu Tương một sắc xanh” là khẳng định chúng sinh dù sinh tử luân hồi bao lâu nhưng một khi trở về được với Phật tính bản hữu thì đồng nhất, cũng như mây ở đỉnh núi đều trắng, nước ở ngã ba sông Tiêu – Tương đều xanh ngắt một màu.

Tuệ Trung Thượng Sĩ mượn kệ của Bồ tát Nhất Thiết Tuệ trong phẩm Tu di đỉnh kệ tán của kinh Hoa Nghiêm để trả lời câu hỏi của Thiền sinh, lại không quên làm kệ lý giải rõ ràng nghĩa lý, giúp Thiền sinh có cơ hội đạt ngộ:

Cử: Kinh Hoa Nghiêm nói:

Nhất thiết pháp bất sinh

Nhất thiết pháp bất diệt

Nhược năng như thị giải

Chư Phật thường hiện tiền

Thầy nói: (Niêm) Xem! Xem !

Lại nói: Lớn giọng bảo im

Bỏ bánh ăn bột

Hét.

Tụng:

Đầu vàng khua lưỡi gạt chúng sinh

Chốn chốn ngủ say dạo một mình

Chẳng quản đêm tàn còn mộng mị

Đinh đông cửa phụng giục tàn canh.

Tuệ Trung cũng khẳng định triết lý Phật tính bản hữu bất sinh bất diệt dù ở Phật hay ở chúng sinh. Nhờ tính bất sinh bất diệt của Phật tính đó mà chúng sinh dù sinh tử luân hồi bao lâu đều có cơ hội giác ngộ, giải thoát. Có điều phải khéo léo nhận diện giáo pháp của Phật phương tiện và Thật pháp bản hữu, nếu không sẽ bị rơi vào chấp trước. Nếu khôi phục được điều này sẽ giúp việc tìm hiểu – lý giải kinh điển qua các hoạt động học kinh – nghe kinh – tiếp cận kinh nhà Phật một cách chân chính. Bởi “y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan”, nhưng nếu “ly kinh nhất tự tức

đồng ma thuyết”.

2.2. Kinh Hoa Nghiêm trong đời sống tu tập hoằng pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông: Thừa hưởng mọi giá trị của Nội tổ phụ Trần Thái Tông và Bản sư Tuệ Trung. Phật Hoàng Trần Nhân Tông không chỉ tiếp nhận giá trị kinh Hoa Nghiêm mà còn triển hiện điều đó qua hình thức kệ thị tịch, đúc kết kinh nghiệm một đời học đạo – tu đạo – ngộ đạo, để lại cho toàn bộ đệ tử bản môn cũng như hàng hậu học hữu duyên bài học sống động:

Kệ thị tịch:

Nhất thiết pháp bất sinh

Nhất thiết pháp bất diệt

Nhược năng như thị giải

Chư Phật thường hiện tiền

Hà khứ lai chi hữu

Khẳng định một cách minh nhiên rằng: Chân Không – Bản Thể – Phật Tính – Pháp Thân… xưa nay bất sinh bất diệt, bất khứ bất lai, siêu việt nhận diện đánh giá của ngôn ngữ và tư duy thế gian. Song, Diệu Hữu – Thật Tướng – Diệu Dụng của Chân Không không thể không triển hiện vì hạnh nguyện độ thoát chúng sinh. Vì thế, Phật Phật Tổ Tổ luôn luôn đến với chúng sinh bằng hằng hà sa số phương tiện thiện xảo, giúp chúng sinh nhận ra Chân Không sẵn có nơi tự thân và cũng chính thức

hạ thủ công phu theo pháp hành chân chính mà Phật – Tổ đã để lại. Có thể thấy, tính thống nhất rất nhuần nhuyễn của các vị Hoàng đế nhà Trần – Hoàng thân Quốc thích nhà Trần – Những vị Tổ sư của phái Trúc Lâm thuộc thời kỳ thứ nhất và thứ hai. Tiếp nhận và vận dụng khéo léo kinh Hoa Nghiêm, triển khai một cách linh hoạt giá trị kinh Hoa Nghiêm trong cả hai phương diện quản trị quốc gia, hoằng pháp độ sinh. Đặc biệt nhất, mỗi vị đều dùng một hình thức – một Thể tài khác nhau trong Phật giáo để cùng biểu tả giá trị của kinh Hoa Nghiêm: Đối thoại Thiền thể – Tụng cổ

thể – Thị tịch kệ thể. Người học nhờ thế hiểu biết được phong phú các thể

tài trong Kinh điển và Thiền tông Việt.

2.3. Kinh Hoa Nghiêm trong đời sống tu tập hoằng pháp của Nhị Tổ Pháp Loa

Tổ Pháp Loa là một đệ tử đắc pháp và được truyền thừa pháp mạch Thiền phái Trúc Lâm ở tuổi ngoài hai mươi. Ông kế thừa và phát huy nhiều giá trị của Bản phái, trong đó đặc biệt nhất có giá trị của bộ kinh Hoa Nghiêm. Ông dành suốt 20 năm thuyết giảng kinh Hoa Nghiêm. Trong đó số lượng chùa chiền, đối tượng tham dự trong pháp hội, nội dung kinh được thuyết giảng đều vô cùng phong phú. Các chùa chiền thỉnh Tổ đến thuyết giảng Hoa Nghiêm phần lớn đều là những ngôi Đại tự, những ngôi chùa thuộc Hoàng thân Quốc Thích hay Bách quan nhà Trần. Điều này giúp khẳng định tinh thần “Dĩ thân tác tắc” của giới quản trị quốc gia nhà Trần. Họ học Hoa Nghiêm, họ thực hành pháp hành của Hoa Nghiêm và rồi họ vận dụng giáo lý Hoa Nghiêm khi đến với dân chúng, khi thực thi các công việc “chăn dân”. Vì thế, toàn dân nhà Trần mới có được biểu tướng như Đại sứ Trung Quốc – Trần Phu biểu tả trong tác phẩm của mình sau khi đi sứ Đại Việt: “Dân tất Tăng”. Khẳng định một cách minh nhiên rằng toàn dân Đại Việt đều là người học Phật, sống đời người học Phật ở cả hai phương diện thế gian và xuất thế gian. Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi là tư liệu ghi chép đầy đủ nhất cho hiện tượng này.

Đặc biệt hơn, Nhị Tổ Pháp Loa còn vận dụng tinh thần Bồ tát đạo của kinh Hoa Nghiêm để mở ra việc truyền thụ Bồ tát giới cho Hoàng thân Quốc thích – Bách quan bách tính nhà Trần, khiến cho tất cả người thời Trần đều là Bồ tát, đều là những người trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh. Và vì thế, nước Việt được bảo vệ trong tinh thần dấn thân nhập thế vô ngã vị tha một cách triệt để nhất.

Khôi phục hoạt động này của Nhị Tổ Pháp Loa, không chỉ giới thiệu các giá trị về bộ kinh Hoa Nghiêm với hành trạng của Tổ, mà còn mở ra hướng phục dựng giới thiệu hệ thống chùa chiền có dấu ấn của các hoạt động gắn liền với bộ kinh Hoa Nghiêm trên vùng Lộ Bắc Giang xưa, Bắc Giang – Bắc Ninh – Quảng Ninh – Hải Dương… nay, tạo thành một chuỗi tự viện Hoa Nghiêm kinh để phục vụ du lịch khám phá.

2.4. Kinh Hoa Nghiêm trong đời sống Hoàng thân Quốc thích – Bách quan bách tính của nhà Trần

Hoàng thân Quốc thích – Bách quan bách tính nhà Trần đều sống trong tinh thần Bồ tát đạo của kinh Hoa Nghiêm. Và vì thế, họ dù ở cương vị nào, Hoàng thái hậu – Hoàng hậu – Công chúa – Dân phụ – Hoàng đế – Thân vương – Thượng thư – Đại tướng – Hỏa đầu – Nô bộ…, đều phát huy giá trị của tự thân thuộc cương vị đó, tất cả đều tạo nên một thời nhà Trần oanh liệt chống giặc giữ nước, học đạo tu đạo, Đạo – Đời đều trọn vẹn. Đặc biệt hơn, từ tinh thần của kinh Hoa Nghiêm mà toàn bộ Văn – Võ của triều đình đều học rộng học thông Tam giáo: Nho – Phật – Đạo, để khi gặp việc, họ đều tìm thấy y cứ chân chính và phương pháp triển hiện.

Như vậy, tất cả những giá trị ở phần này, nếu được nghệ thuật hóa thành hình thức phim tư liệu, phim đồ họa… hay hiện thực hóa bằng hoạt động cụ thể về học tập, giảng giải, đối thoại Thiền… thì không những đáp ứng được giá trị thiết thực cho kênh du lịch từ Hà Nội đến Vĩnh Nghiêm, mà còn tiếp tục mở ra nhiều hoạt động khác nữa, nhiều liên kết khác nữa với các tỉnh Quảng Ninh – Hải Dương – Lạng Sơn – Hải Phòng… nhằm khôi phục nhiều hơn nữa những giá trị Chính trị – Quân sự – Kinh tế – Văn hóa – Tôn giáo… Đạo – Đời của nhà Trần và trình hiện cho khán giả những cơ hội khám phá thực chất, biết kỹ hơn về một triều đại, hiểu rõ hơn giá trị cụ thể của một thời hào hùng.

  1. PHỤC DỰNG HÀNH TRÌNH TRẢI NGHIỆM THỰC TIỄN: THIỆN TÀI ĐỒNG TỬ CẦU ĐẠO VỚI 53 THIỆN TRI THỨC TRONG PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI CỦA BỘ KINH HOA NGHIÊM

Nhờ các điều kiện khoa học công nghệ hiện đại, việc nghệ thuật hóa nội dung kinh điển, triển hiện hóa giáo lý thực tiễn của kinh điển hẳn là một việc không khó, nhưng lại rất thiết thực. Bởi một khi nắm được giá trị thực tế của kinh điển, mọi người sẽ dễ dàng hiểu được và hành được pháp Phật chân chính, đồng thời vận dụng được vào cuộc sống thực tế, làm cho cá nhân và gia đình, rộng ra là xã hội nhân quần đều dễ dàng tư duy như thật, nói năng như thật, hành động như thật, thấy rõ trong mình có muôn loài, trong muôn loài có mình, một là tất cả, tất cả là một, tương tác tương dung tương liên tương chiếu.

Ở bộ Kinh Hoa Nghiêm, hành trình tu học chứng ngộ Bồ tát đạo – Quả Phật của Đồng tử Thiện Tài đại diện cho hành trình Thượng cầu hạ hóa của Bồ tát nói riêng, của tất cả chúng sinh nói chung. Đặc biệt hơn, Phẩm kinh Nhập pháp giới trong bộ Hoa Nghiêm vừa có ngôn ngữ biểu tả sống động đầy hoạt cảnh rất dễ dàng cho việc nghệ thuật hóa dưới dạng điện ảnh, hoạt hình. Việc nghệ thuật hóa cần được triển khai theo các bước:

3.1. Hành trình tích tập: Mô tả cho tất cả khán giả nói riêng, người hữu duyên nói chung thấy được hành trình học đạo của một Bồ tát, một nhân vật có thật, một trải nghiệm cụ thể. Qua đó, thấy rõ hành trình gồm các điều kiện nào, trải qua bao nhiều tầng bậc, mỗi tầng bậc có những bài học cụ thể nào, những chướng ngại gì cần khắc phục và vượt qua ở mỗi chặng đường, giá trị gì, thành tựu gì được chờ đợi phía sau cho tự thân, ảnh hưởng gì, tác động gì đến nhân quần vạn loại sau khi tự thân đạt thành quả giác…:

Hành trình ở giai đoạn tích tập được kinh Hoa Nghiêm mô tả gồm ba bước: Thiện căn sâu dày – Phát tâm Bồ đề – Cầu Thiện tri thức. Nghĩa là người học đạo cần có căn lành vững chãi, để khơi phát Thiện tâm tối diệu là Tâm cầu giác ngộ thành Phật, và sau đó mới kiên định tầm sư học đạo. Có điều trước đó cần có Phật – Bồ tát – Thiện tri thức khai tâm. Bồ tát Văn Thù mà Đồng tử Thiện Tài gặp gỡ ngay từ đầu chính là vị Thiện tri thức khai tâm này.

3.2. Hành trình tầm sư học đạo

Nhờ gặp Bồ tát Văn Thù khai tâm và chỉ rõ hành trình cầu đạo (Kiến Tính – Khởi tu) nên Đồng tử Thiện Tài chính thức trải nghiệm hành trình cầu học với 53 Thiện tri thức. 53 Thiện tri thức tiêu biểu cho 53 tầng bậc của Bồ tát đạo: Thập Tín – Thập Trụ – Thập Hạnh – Thập Hồi Hướng – Tứ Gia hạnh vị – Thập Địa – Đẳng Giác – Diệu Giác – Phật vị.

Điểm đặc biệt trong hành trình cầu học với 53 Thiện tri thức này là: Đội ngũ Thiện tri thức vô cùng phong phú, đa dạng, đủ mọi thành phần: Phàm – Thánh – Trời – Người – Thần -…: Đệ tử Phật có: Tỳ kheo – Tỳ kheo ni – Sa di – Sa di ni – Cư sĩ nam – Cư sĩ nữ; Bốn giai cấp thế gian mà Ấn Độ quy định: Giáo sĩ – Vua chúa – Thương gia – Trưởng lão – Thợ thuyền…; Chư Thiên – Dạ thần… Như vậy, tất cả đều dự phần trong đạo Bồ tát mầu nhiệm của nhà Phật.

Thứ hai, Đạo mà 53 Thiện tri thức chỉ dạy cho Đồng tử Thiện Tài là tất cả pháp. Cụ thể, người đang làm nghề gì, người đang ở tầng bậc gì thì dạy chuyên ngành ấy và đều khẳng định đó là Bồ tát đạo, đó là pháp thành tựu quả Phật. Vì thế, nhà Trần, Vua chúa – Hoàng thân Quốc thích – Bách quan bách tính… đều là Thiện tri thức, là Bồ tát mà người học Phật cầu đạo, và Vua thì dạy kỹ thuật quản trị quốc gia, an bang tế thế; Tướng võ thì dạy thuật luyện quân đánh trận; Tướng văn thì người viết sử lo việc sử học, người giảng đạo thì dốc sức với Thi Thư Lễ Nhạc…; Tam giáo hay Bách gia đều dự phần bằng chuyên ngành của mình, góp phần tạo nên giá trị của Đạo của Đời ngay trong từng cương vị của mình.

3.3. Hành trình thành Phật (gặp Bồ tát Phổ Hiền) – Thị hiện hạnh nguyện độ sinh

Đây là hành trình hiện thực hóa giá trị tu chứng. Sau khi thành tựu quả giác, người học Phật cần tiếp tục dấn thân trong hành trình độ sinh cứu thế. Tùy thuận cuộc đời, tùy thuận chúng sinh, tùy thuận thời thế, tùy thuận từng đối tượng mà thiết lập các phương pháp chỉ dạy, chuyển hóa, kiến tạo… một cách hữu dụng và thiết thực. Ta có thể thấy điều đó ở nhà Trần nói riêng, mọi thời đại Việt nói chung.

KẾT

Có thể nói, qua những gợi ý trên, nếu bộ Mộc bản kinh Hoa Nghiêm được nghệ thuật hóa thì chắc chắn góp phần rất lớn cho hoạt động du lịch khám phá và khai thác giá trị bản địa của chùa Vĩnh Nghiêm nói riêng – Phật Hoàng Trần Nhân Tông – Thiền phái Trúc Lâm – tỉnh Bắc Giang – các tỉnh thành liên đới nói chung. Đặc biệt hơn, với cách làm này, việc khai thác và giới thiệu giá trị sâu, giá trị thuộc tầng diện trí tuệ nghệ thuật bậc cao sẽ hỗ trợ thiết thực hơn nữa trong hành trình nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tỉnh Bắc Giang và Việt Nam ta. Không chỉ thế, nếu có cơ hội, nhiều giá trị nữa sẽ mở ra từ bộ mộc bản Vĩnh Nghiêm đến bộ mộc bản Bổ Đà, rộng ra là loại hình mộc bản tại các tự viện Phật giáo trong cả nước, thậm chí là mộc bản tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia tại ba miền Bắc – Trung – Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.
  2. Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông, NXB Phương Đông, 2010.
  3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học Hà Nội, tập 1, 1994.
  4. Thích Thanh Từ, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ lục giảng giải, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2008.
  5. Mai Thị Thơm, Văn hóa tư tưởng Phật giáo qua tư liệu văn bia Lý – Trần, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021.

.
.
.
.