Hành trình về miền di sản văn hóa nhà Trần

Trần Nhân Tông (1258 – 1308), tên khai sinh Trần Khâm, là vị hoàng đế thứ ba của hoàng triều Trần nước Đại Việt. Ông trị vì từ năm 1278 đến năm 1293, sau đó làm Thái thượng hoàng từ năm 1293 cho đến khi qua đời.

Là con trai trưởng của Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đã được truyền ngôi vào tháng 11 năm 1278 – lúc ông 20 tuổi. Vị hoàng đế trẻ sớm phải đương đầu với hiểm họa xâm lược từ đế quốc Mông – Nguyên hùng mạnh ở phương Bắc. Nhưng với sự chỉ huy và thao lược tài tình, vua Trần Nhần Tông đã hai lần đánh đuổi quân xâm lược Mông – Nguyên (năm 1285, 1287).

Sau khi đẩy lùi các cuộc xâm lược của người Mông, Trần Nhân Tông đã khôi phục sự hưng thịnh của nước Đại Việt, đồng thời thực thi phương sách ngoại giao vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn với nhà Nguyên. Năm 1293, ông truyền ngôi cho thái tử Trần Thuyên (tức Trần Anh Tông) và lên làm Thái thượng hoàng. Sau đó ngài xuất gia tu hành theo đạo Phật và lấy hiệu là Trúc Lâm đại sĩ.

Ngài là tổ thứ sáu của Thiền phái Yên Tử và là sơ tổ dòng thiền Trúc Lâm. Ngài đã thiết lập và phát triển mô hình tổ chức Phật giáo Nhất tông – Thời đại của tông phái Phật giáo duy nhất với tôn chỉ hoạt động nhằm thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động phục vụ “Đạo pháp – Dân tộc”. Đó chính là cơ sở nền tảng quan trọng để hình thành, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho các thế hệ sau này.

Sinh thời, trên cơ sở nền móng Thiền phái Trúc Lâm do Trần Thái Tông thiết lập và truyền thừa, vua Trần Nhân Tông đã phát triển và hoàn thiện thiền phái trở thành ý thức hệ tiêu biểu của xã hội lúc bấy giờ. Thiền phái Trúc Lâm đã kế thừa và phát huy giá trị tích cực của Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa, hội tụ cả triết lý của Nho giáo và Đạo lão. Tư tưởng triết lý và văn hóa đạo đức của Thiền phái Trúc Lâm đã phát huy ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, đồng thời chi phối hệ tư tưởng và văn học nghệ thuật của nước ta thời Trần và của cả các triều đại phong kiến Việt Nam sau này.

Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn ngày mùng một tháng 11 năm 1308 tại Am Ngọa Vân, thuộc dãy núi Yên Tử (nay thuộc xã An Sinh và xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Kỷ niệm 713 năm ngày Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, ngày 4 tháng 12 năm 2021, Công đoàn Viện Trần Nhân Tông đã tổ chức chương trình: “Hành trình về miền di sản văn hóa nhà Trần” tại Đông Triều, Quảng Ninh với mục đích: Dâng hương tưởng niệm 713 năm ngày Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn; thực hành trải nghiệm những giá trị văn hóa, tư tưởng, hành trạng của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm trong không gian văn hóa nhà Trần ở Đông Triều (Quảng Ninh) như Am, Chùa Ngọa Vân; Chùa Quỳnh Lâm; Đền An Sinh.

Thông qua những hoạt động này đã giúp các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Viện hiểu rõ hơn về Trần Nhân Tông, một vị vua, một anh hùng dân tộc mà Viện được tự hào mang tên; hiểu rõ hơn các di sản, giá trị văn hóa và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, giá trị văn hóa, tư tưởng thời nhà Trần và văn hóa truyền thống của dân tộc, để từ đó góp phần kiến tạo những giá trị văn hóa đương đại cho con người Việt Nam, góp phần vào việc tạo lập những ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam ra thế giới./.

.
.
.
.