TT.ThS. Thích Giác Đạt
Ban Thông tin- truyền thông, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Theo quan kiến Phật giáo, những phiền não căn bản của con người được chia thành ba loại là tham, sân, si hoặc năm loại là tham, sân, si, ngã mạn và ghen tỵ. Chúng là toàn bộ những yếu tố khiến con người khổ đau và không được niềm hạnh phúc, an lạc đích thực. Tuy nhiên giáo pháp đạo Phật cũng khẳng định rằng các phiền não không tạo nên bản chất thực sự của tâm, bản chất của các phiền não là vô thường, có sinh diệt và có thể được tận trừ bởi những dòng tâm cao quý như bố thí, khiêm cung, bình đẳng, từ bi và trí tuệ. Bởi vậy giải pháp của Phật giáo là phải tìm hiểu, quán xét và điều phục các dòng tâm bất thiện, nuôi dưỡng các dòng tâm thiện lành, cao quý để con người có được hạnh phúc và an lạc đích thực.
- Tâm bố thí và cúng dường đối trị tâm tham
Tâm tham là trạng thái luôn lo lắng cố gắng sở hữu những thứ người khác có và muốn có nhiều hơn những gì người khác có, không hài lòng, trân trọng với những gì mình có. Tham là trạng thái không thỏa mãn, luôn lo lắng khao khát muốn có được nhiều hơn nữa, tích lũy nhiều hơn nữa. khi đó họ không thể ân hưởng cuộc sống và biết tri túc, họ luôn bất mãn vì không được thỏa mãn, khi không thỏa mãn dẫn tới bất mãn, tuyệt vọng và hận thù bản thân. Trong Phật giáo, tâm tham lam, ích kỷ được biểu trưng bằng cõi ngã quỷ. Các loài ở cõi này được nhiều kinh điển mô tả là vô cùng khổ đau do đói khát hành hạ, có thể ngàn năm không có gì để ăn. Họ lang thang tìm thức ăn, đồ uống, thường thì không bao giờ thỏa mãn, ví như có loài khi tìm được thức ăn, nhưng khi ăn thức ăn vào miệng thì thức ăn hóa thành lửa hay những chất bẩn khiến không thể nuốt được, nên vô cùng đau khổ.
Dòng tâm rộng lượng hay trong thuật ngữ Phật giáo là tâm bố thí là đối trị tốt nhất cho tâm tham. Bố thí có nghĩa là rộng lớn, không có giới hạn; thí có nghĩa là cho đi. Bố thí tự bản chất là mong muốn buông bỏ những tài sản cá nhân, những ích kỷ tư lợi để ban tặng cho mọi người, làm lợi lạc tha nhân.
Trong lục độ Ba la mật thì Bố thí đứng đầu. “Đức Phật đã dạy: Tham chính là đầu mối của các sự khổ đau trong vòng luân hồi sinh tử. Vì hễ có tham là có chấp giữ, chấp giữ là còn có trói buộc, còn trói buộc tức là còn luân hồi sinh tử. Vì thấy các mối nguy hại của tham mà đức Phật đã nhấn mạnh đến pháp môn bố thí.”(1)
Bố thí có nghĩa vô cùng rộng lớn. Bố thí Ba la mật là bố thí mà không vì danh, vì lợi riêng, không phân biệt kẻ quen, người lạ, kẻ thân, người thù, kẻ sang, người hèn, không so đo số lượng bố thí là ít hay nhiều là quý hay không; không chấp ta là người bố thí, kẻ kia là người thọ thí. Phép bố thí này dựa lên trí tuệ, từ bi và bình-đẳng.
Bố thí giúp thoát khỏi tham ái trói buộc. Bởi vì mục đích của đời người là lợi tha. Lợi tha là mang lại những gì lợi lạc cho người và chúng sinh, giúp tẩy trừ những ích kỷ, tham lam chỉ biết lợi mình không làm lợi cho người. Nhờ lợi tha mà, về vật chất, mọi người được no ấm, có nơi ăn chốn ở, về tinh thần, đỡ lo sợ, sống an vui, có đạo đức. đối với cộng đồng xã hội, khi con người biết sống bớt ích kỷ, tham lam tư lợi, càng biết sống lợi tha thì lợi ích cho cộng đồng xã hội càng lớn lao.
- Tâm nhẫn và từ bi đối trị tâm sân
Sân giận phá hủy tự tính bản tâm. Sân giận là cảm giác khó chịu, kình chống lại một người hoặc một đối tượng làm ta không vừa lòng hay làm tổn hại tới ta. Khi trạng thái sân giận khởi hiện, lý trí bị mất đi, dòng tâm sẽ tán loạn, thiếu chính niệm và suy nghĩ chín chắn, nên dễ dàng làm tổn hại, thậm chí lấy đi mạng sống của người khác. Trong kinh Hoa-Nghiêm, đức Phật dạy: Một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa ngiệp chướng đều mở ra. Một đốm lửa sân, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức.
Trạng thái tâm sân là trạng thái được biểu trưng bằng ngọn lửa rừng rực hay những cánh đồng băng giá ở những cõi địa ngục. Cõi Địa ngục được tạo ra bởi tâm hận thù, sân hận tột cùng và những nghiệp xấu ác phạm phải như ăn trộm, nói dối, độc ác. Cõi này là nơi mà nỗi thống khổ của chúng sinh lên đến cùng cực và kéo dài vô tận, với hai loại điển hình là địa ngục nóng và lạnh với sự đau khổ rất khó tưởng tượng bằng nhận thức thông thường. Cõi địa ngục nóng bị thiêu đốt suốt ngày đêm bởi những ngọn lửa lớn ngụt trời, thân thể cháy rực như hòn than trong bếp lò, đau đớn vô cùng cực, gào thét không ra tiếng. Cõi địa ngục lạnh nơi có khí âm u, trời tối đen, mặt đất như những cánh đồng băng, cuồng phong nhức buốt.
Tâm nhẫn là trạng thái tĩnh tại không bị phản ứng và chi phối bởi sân hận, sự khiêu khích hay thù địch. Về phương diện cá nhân, tâm nhẫn làm khởi sinh sự cảm mến và kính nể của mọi người. Nhẫn nhục giúp tâm trí được sáng suốt, xét đoán phải lẽ, không mắc những sai lầm lỗi đáng tiếc vì thiếu bình tĩnh hay thiếu lý trí của trạng thái sân giận. Về phương diện xã hội, nhẫn nhục làm cho mọi đoàn kết có thể thực hiện được, sự chung sống được êm đẹp, chiến tranh không xảy ra, hòa bình được củng cố, xã hội được an lành. Nhẫn không phải vì sợ hãi trước uy lực của người khác, không phải vì lười biếng,lảng tránh những bất công trong đời sống, không phải vì lợi ích vị kỷ mà nuôi dưỡng dòng tâm nhẫn vì dựa nền tảng từ bi, trí tuệ giúp dập tắt sân giận, oán thù.
Kinh Pháp Cú viết về hạnh nhẫn như sau:
“ Luyện voi dự hội, tài thay
Luyện voi vua cưỡi cũng hay vô cùng,
Nhưng mà nếu luyện được lòng
Luôn luôn nhẫn nhục, chẳng còn nổi sân
Khi nghe phỉ báng bản thân
Mới là điêu luyện, muôn phần tài hơn.”(2)
Muốn nuôi dưỡng dòng tâm nhẫn nhục thì trước tiên đòi hỏi phải giành công phu rèn luyện tâm, ví như học cách thiền quán về sự vô ích, đau khổ và tác hại của sân hận và dần học cách quan sát ngay khi nó mới khởi hiện, buông bỏ nó để dần có được trạng thái bình thản, điềm tĩnh của tâm thức.
Để có được hạnh nhẫn mỗi người cần biết xem xét lại động cơ và thái độ sống của mình. Nếu biết sống một đời sống vượt trên những ích kỷ cá nhân và biết trân trọng mọi người, kể cả những người từng gây khó chịu, gây phiền não, hay từng làm tổn hại mình, dần sẽ sự tĩnh tại của dòng tâm sẽ đạt được.
Nhưng nếu một người biết nuôi dưỡng tâm nhẫn, nuôi dưỡng từ bi tâm với kẻ thù, với những kẻ từng gây khó chịu, phiền não cho họ, chỉ trích họ hàng ngày, họ sẽ phát triển được sự thành tựu lớn lao và sẽ dần đạt tới sự tĩnh tại trong dòng tâm. Bởi vậy, bạn sẽ thấy những bình an và an lạc nội tâm lại xuất phát từ chính kẻ thù của mình. Trước khi hành hạnh nhẫn, bạn thấy người từng chỉ trích, sân giận mình rất tiêu cực, xấu xa , ích kỷ và cục cằn nhưng nay bạn sẽ phát hiện ra vẻ đẹp, sự trân quý và lòng từ nơi họ; khoảnh khắc bạn thực hành hạnh nhẫn, bạn sẽ có sự an lạc nội tâm mà mình Giáo pháp đã dạy, bằng việc coi kẻ thù của mình, người từng chỉ trích hay sân hận mình là Thầy, là người bạn đức hạnh đã giúp mình thực hành trọn vẹn hạnh nhẫn, khi ấy bạn sẽ có năng lực tận trừ tất cả các phiền não và dần tới quả vị cao của đạo lộ giải thoát. Khi ấy, một cách tự nhiên, bạn có năng lực và đức hạnh hướng đạo cho tất thảy chúng sinh mà không dính mắc bất kỳ lầm sai dù là nhỏ nhiệm nhất nào.
- Tâm khiêm cung và bình đẳng đối trị tâm ngã mạn
Tâm ngã mạn là trạng thái luôn có cảm giác bản thân tốt đẹp, cao quý hơn người khác. Khi một người phát hiện ra rằng có một ai đó giàu có hơn, ưa nhìn hơn và nổi tiếng hơn v.v… thì niềm kiêu hãnh của họ sẽ bị tổn thương và họ sẽ trở nên tự ti, bất hạnh. Duy thức tông phân chia ba trạng thái của ngã mạn: “Thứ nhất, cảm giác bản thân tốt đẹp, cao quý hơn những người đang trong hoàn cảnh ít may mắn hơn, ít thuận lợi hơn; thứ hai, cảm giác thấy mình cao quý và tốt đẹp hơn người khác bởi vì không thể thấy được tính bình đẳng giữa mình và người khác; thứ ba, cảm giác thấy mình cao quý hơn người khác về mặt tinh thần, tâm linh hoặc giàu có hơn mọi người về sở hữu vật chất.”(3)
Tâm ngã mạn dẫn tới khuynh hướng coi thường người khác, không biết học hỏi những phẩm chất tốt đẹp từ bên ngoài và từ người khác. Hậu quả là dễ dàng dẫn tới pham nhiều lỗi lầm đáng tiếc.
Trong Phật giáo, đặc trưng của các cõi Trời chính là tâm kiêu mạn. Cõi trời với đặc điểm là đời sống vui sướng với mạng sống kéo dài. Họ có một đời sống dài lâu, được hưởng thụ, thỏa mãn mọi thú vui của sáu giác quan và của cải vật chất, và họ giành cả cuộc đời chỉ để hường thụ.Nhưng do không phải lao tâm khổ tứ, mọi thứ dục lạc tự nhiên được hưởng, quá no nê thỏa mãn nên dẫn tới tham đắm. Họ không biết khi phúc đức hết và cái chết tới, họ không hoàn toàn được chuẩn bị, không nhận ra nên họ vô cùng đau khổ, thân thể đẹp đẽ, của cải sang giàu tột cùng cũng bị bỏ lại, họ phải đọa xuống các cõi thấp hơn, trước khi chết họ phải sống quãng thời gian cực kỳ cô độc khổ đau bởi sắp phải rời xa cảnh khoái lạc, phải đối mặt với cảnh bị người thân, bạn bè bỏ rơi.
Để sinh vào cõi trời phải tạo nhiều nhân lành, giúp đỡ người nghèo, không làm hại người, giúp đỡ tha nhân nhưng đây là cõi có đặc trưng là tâm ngã mạn. Ngã mạn bởi làm việc thiện song thiếu trí tuệ, lại tự cao cho mình có công đức, phúc đức và cao quý hơn người. Như vậy mặc dù cõi này được hưởng nhiều dục lạc nhưng kết cục vẫn phải chịu khổ đau vô cùng.
Khiêm cung là dòng tâm đối trị ngã mạn. Trên thực tế một người không thể trở thành người số một trong mọi lĩnh vực vì thế tốt hơn hết hãy nên khiêm cung. Nhiều người cho khiêm cung mang nghĩa là thiếu tự tin. Tuy nhiên trên thực tế khiêm cung dựa trên sự hiểu biết rằng sự tồn tại của bản thân phụ thuộc và có mối liên hệ chặt chẽ với mọi người và môi trường xung quanh, sự thành công hay kết quả có được của chính mình không phải là riêng có mà phụ thuộc vào nhiều người khác. Tri thức và trí tuệ của một người trên thực tế cũng phần nhiều do học hỏi từ các bậc thầy, từ mọi người và từ những thế hệ đi trước. Đó là lý do khiêm cung hợp với quy luật của đời sống. Những người khiêm cung sẽ được tôn trọng và kính trọng hơn và như thế sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người.
Khiêm cung dựa trên tri kiến đúng đắn về bản chất vô thường của đời sống. Một kết quả đạt được, một thành công, một vẻ đẹp mà ai đó sở hữu trong đời sống luân hồi không thể tồn tại mãi mãi được, ngược lại một người thất bại, ở địa vị thấp kém nhưng vì những nhân duyên, họ có thể thành công trong ngày nào đó.
Khiêm cung cũng dựa trên tri kiến về tính bình đẳng của mỗi người và nơi mỗi chúng sinh. Bình đẳng ở đây là bình đẳng về tiềm năng Phật nơi mỗi người. Do đó một tâm thức cao quý là một tâm thức không có so đo hay phân biệt cao thấp, xấu đẹp, vì vậy nên tất cả chúng sinh đều bình đẳng, đều đáng được tôn trọng. Tâm bình đẳng và khiêm cung sẽ dứt trừ tâm phân biệt và khinh mạn, sinh ra các đức tính lành, dễ dàng làm lợi lạc cho vô số chúng sinh, không phân biệt.
- Tâm hoan hỷ đối trị tâm đố kỵ
Đố kỵ là một trạng thái tâm tiêu cực ngăn cản mỗi người sống an lạc và biết trân trọng những gì mình có trong đời sống. Trạng thái tâm đố kỵ là trạng thái luôn lo lắng cố gắng sở hữu những thứ người khác có và muốn có nhiều hơn những gì người khác có, không hài lòng, trân trọng với những gì mình có.
Một khi bị chi phối bởi ghen tị, con người không còn thấy những phẩm chất tích cực của người khác, và những hành vi tiêu cực của họ gia tăng. Việc liên tục bị những trạng thái ghanh tỵ và tranh đua chi phối không những không mang lại lợi lạc gì cho bản thân mỗi người mà còn mang lại những tiêu cực cho cộng đồng và xã hội. Nó dẫn đến một tích tập tiêu cực vô nghĩa.
rong thực tế trong đời sống, nhiều người dễ có sự cảm thông, sẻ chia với những người khó khăn, cơ nhỡ nhưng khi chứng kiến một người nào được sinh ra cao quý, mạnh mẽ, thịnh vượng và đầy quyền thế, một người đang trải qua hạnh phúc, trường thọ, giàu sang, thì họ lại có cảm giác không vui và thấy ghanh tỵ. Ngay cả những hành động làm lợi ích cho người khác những trong tâm còn đố kỵ và ghanh tỵ thì bản thân hành động đó vẫn là tiêu cực.
Trong Phật giáo, bản chất của cõi A tu la chính là tâm đố kỵ. Chúng sinh ở cõi này mặc dù được hưởng cuộc sống vật chất sung sướng nhưng cuộc đời luôn khổ đau vì dằn vặt bị tâm đố kỳ dày vò. Họ luôn dằn vặt, bất mãn với nhau, đặc biệt với chư Thiên ở cõi trời vì luôn cho mình cao quý, đức hạnh hơn, xứng đáng được hưởng nhiều lợi ích hơn, cho nên họ luôn hơn thua, tranh đấu và gây chiến tranh. Nhưng trong những cuộc chiến đó, họ luôn bị thua cuộc, bị đoạt mạng trong đau khổ dày vò. Trong Phật giáo, nguyên nhân dẫn đến tái sinh ở cõi Atula là sự tạo các việc thiện lành nhưng vẫn còn tâm hơn thua, đố kỵ.
Tùy hỷ trước hạnh phúc và những phẩm chất tốt lành của người khác là pháp đối trị sự đố kỵ, để tâm mỗi người biết trân trọng, tri ân những gì mình đang có trong cuộc đời. Hỷ ở đây có nghĩa là vui theo những điều chân thiện, mỹ; là vui vì thấy người khác tạo nhân lành, được quả tốt; là vui vì mình làm cho người và chúng sinh được vui. Cái vui ở đây phát sinh từ lòng từ bi, bình-đẳng, chứ không phải là vì một lý do ích kỷ nào khác. Trạng thái tâm hoan hỷ là mong ước muốn rằng thậm chí những người đó còn có thể trở nên vinh quang hơn nữa, còn vui hưởng hơn nữa sự thịnh vượng của họ, thoát khỏi mọi hiểm nguy, và luôn luôn phát triển hơn nữa sự thông minh và những tài năng hoàn hảo khác.
“Tâm hoan hỷ là trạng thái khoan hòa độ lượng, biết tha thứ những lỗi lầm của người chung quanh. Đó là trạng thái tâm thấu hiểu rõ quy luật nhân quả, nếu một người có làm điều xấu ác thì là bởi họ thiếu sáng suốt, thiếu căn lành và do vậy thì đáng thương hơn đáng trách.”(4) Nếu một người thành công, thì cũng là phần nhiều do thiện nghiệp họ đã tích lũy từ trong quá khứ. Khi ấy cảm giác vui thích đặc biệt khởi hiện đối trước những hạnh phúc, thành công mà người khác đang được ân hưởng. Ý nghĩa của sự hoan hỷ là có tâm thức thoát khỏi sự ghen tị khổ đau.
- Trí tuệ đối trị tâm vô minh
Tại sao những phiền não lại có trong mỗi người? Đức Phật đã dạy rằng căn nguyên của mọi khổ đau là vô minh. Bởi vô minh là trạng thái không thấu hiểu bản chất của thế giới và bản thân. Tâm vô minh cho rằng mọi sự vật hiện tượng đều tồn tại cố hữu như chúng xuất hiện, từ đó dẫn tới dòng tâm phân biệt giữa tốt và xấu, nghèo và hèn, cao quý và thấp kém v.v… Do vô minh nên làm khởi hiện sự phân biệt giữa bản thân và đối tượng bên ngoài, giữa vật mình sở hữu và thứ không phải của mình. Đây là trạng thái ích kỷ của tâm. Trạng thái này mang lại cảm giác giả tạo rằng mọi thứ đều bền vững, mạnh mẽ và kiên cố. Như vậy chính từ tâm vô minh làm khởi hiện các phiền não sân giận, tham lam, ích kỷ, đố kỵ, ghen tỵ. Khi đó các phiền não trở thành xiềng xích trói cột con người trong khổ đau của luân hồi.
Trí tuệ là dòng tâm đối trị với vô minh. Trí tuệ trong Phật giáo là sự thấu hiểu bản chất của thế giới, bản thân, các phiền não và các dòng tâm cao quý đối trị chúng. Trí tuệ là năng lực thấu hiểu bản chất vô thường và huyễn ảo của tất cả mọi sự vật trên thế gian. Khi suy xét tường tận về thân thể của mình, cảm xúc, những mối quan hệ, ý tưởng, địa vị, thời tiết, thời gian và những chuẩn mực, trí tuệ sẽ cho phép con người nhận thấy rằng tất cả chỉ là vô thường. Trí tuệ hiểu bản chất vô thường và huyễn ảo của mọi sự vật, hiện tượng giúp giảm thiểu những khát khao, mong cầu những hiện tượng vô thường bên ngoài, giúp giảm thiểu những sân hận, tham muốn và những hành động tiêu cực tương ứng.
Trí tuệ thấu hiểu bản chất về mối liên hệ, tương quan giữa con người và mọi sự vật trong thế giới giúp phát triển tâm thiểu dục tri túc, nhẫn nại, bình đẳng và bao dung. Một trong những dòng tâm mạnh mẽ và tích cực nhất mà trí tuệ giúp khởi sinh là tâm đại từ bi lợi ích cho hết thảy hữu tình. Đây là phẩm chất đối trị tất cả các loại phiền não giúp con người có được cuộc sống an vui, hạnh phúc.
- Điều phục tâm – giải pháp cho các vấn nạn của thế giới đương đại
Ngày nay với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, cách mạng công nghệ đã làm thay đổi bộ mặt của văn minh nhân loại; tuy nhiên đi kèm với đó là vô vàn những hỗn loạn mà thế giới hiện đại đang phải đối mặt. Chiến tranh, bạo lực đẫm máu vẫn đang diễn ra khắp nơi trên thế giới; theo nhiều sử gia, chỉ tính riêng trong thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, có tới hơn 200 triệu người trên thế giới đã bị thiệt mạng; môi trường tự nhiên bị hủy hoại, ô nhiễm với vô số vấn nạn đang đe dọa sự tồn vong của nhân loại; nạn đói, tật bệnh đang hoành hành tại nhiều khu vực, nhiều quốc gia. Nhưng nền hòa bình của thế giới sẽ không có nhiều giá trị và không thể bền vững nếu vẫn còn đó sự hận thù, ghanh tỵ trong tâm mỗi người, mỗi nhóm người, mỗi quốc gia, dân tộc; giao lưu, đối thoại giữa các quốc gia, khu vực, các nền văn minh cũng không có nhiều ý nghĩa đích thực nếu trong tâm mỗi người chưa biết tri ân, coi trọng giá trị của nền văn minh khác, vẫn cho mình là cao quý, quan trọng hơn đối phương; vấn nạn ô nhiễm môi trường cũng không thể giải quyết tận gốc, nếu như trong tâm mỗi người vẫn còn sự tham lam ích kỷ, vẫn tự cho mình cao hơn, có quyền đứng trên tự nhiên, có quyền khai thác, chà đạp lên tự nhiên; nạn đói, tật bệnh vẫn sẽ còn hoành hành, nếu con người không biết giảm bớt đi sự ích kỷ cá nhân trong tâm, giảm bớt những tư tưởng và hành động làm tổn hại tới người khác, loài khác. Tâm là nguồn cội, là căn nguyên của mọi hạnh phúc và khổ đau, bởi vậy chỉ khi nào mỗi người có thể nhìn lại tâm mình, thực sự thanh lọc được các phiền não, các tư tưởng tiêu cực, tránh làm tổn hại tới người khác và chúng sinh, thực sự phát triển các tâm nguyện và hành động lợi tha thì khi đó thế giới mới có bình an và hạnh phúc đích thực. Đó chính là tinh túy, là giá trị và ánh sáng soi đường cho nhân loại của Phật Pháp trong thời đại ngày nay.
Tài liệu tham khảo
Thiện Phúc, Phật học từ điển – Buddhist Dictionary, Tổ Đình Minh Đăng Quang, Hoa Kỳ, 2006, tr.115.
ĐTKVN, Kinh Pháp Cú, Phẩm Cấu uế, kệ 321, NXb Tôn giáo, 2012, tr.335.
Thrangu Rinpoche Geshe Lharampa, The Five Buddha Families and The Eight Consciousnesses (Translated by Peter Roberts), Pub. the Namo Buddha Seminar, 1998, page.163.
Thích Thiện Hoa, Tám quyển sách quý, Nxb Hồng Đức, 2018, Tr. 64.