VIỆN TRẦN NHÂN TÔNG TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA "KHÔNG GIAN VĂN HOÁ PHẬT GIÁO BẮC GIANG (TÂY YÊN TỬ)"

Sáng ngày 31/10/2023 (Thứ Ba), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Quảng trường 03/2, thành phố Bắc Giang đã diễn ra Hội thảo cấp quốc gia “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)”. Hội thảo được tổ chức bởi Đại học Quốc gia Hà Nội và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang cùng sự phối hợp, tham mưu thực hiện của Viện Trần Nhân Tông (ĐHQGHN), Sở Văn hoá và Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang.

Tham dự Hội thảo, về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh; Hoà thượng, Tiến sĩ Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Phật giáo Việt Nam; Thượng toạ Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Kinh tế – Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng lãnh đạo các Học viện, Viện nghiên cứu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan nghiên ở trung ương có Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH, TT & DL Nông Quốc Thành; Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm; Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thu Phương.

Về phía tỉnh Bắc Giang có ông Mai Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang; Ông Trương Quang Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang.

Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS. TS. Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN; PGS. TS. Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN; TS. Phạm Việt Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Quản trị Kinh doanh, ĐHQGHN.

Về phía Viện Trần Nhân Tông (ĐHQGHN), đơn vị chịu trách nhiệm về chuyên môn của Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT Viện Trần Nhân Tông; PGS.TS. Dương Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông cùng toàn thể lãnh đạo các phòng chức năng, chuyên môn, trung tâm và cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh của Viện.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông nhấn mạnh “Trải dài gần hai thiên niên kỷ kể từ khi được du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã đồng hành cùng từng bước thăng trầm, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước, trở thành một thành tố văn hóa, bản sắc của dân tộc. Những giá trị văn hóa, bao gồm cả giá trị văn hóa vật chất và giá trị văn hóa tinh thần của Phật giáo Bắc Giang – Tây Yên Tử được hình thành, kết tinh từ một không gian với những điều kiện tự nhiên, bối cảnh lịch sử, con người hết sức đặc biệt”. Viện trưởng chia sẻ: “Chính trong bối cảnh và từ những nhận thức trên đây mà ý tưởng về một nghiên cứu sâu rộng, tổng thể về “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)” được hình thành. Đó cũng là nhân duyên để hôm nay, chúng ta có mặt đông đảo ở đây trong sự kiện khoa học quốc gia quan trọng này. Hội thảo “Không gian Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)” được tổ chức với mong muốn đóng góp những nhận thức, đánh giá hệ thống và toàn diện, bao gồm cả những phát hiện khoa học mới về Phật giáo Bắc Giang – Tây Yên Tử. Hội thảo cũng được kỳ vọng làm sáng rõ, lan tỏa những giá trị mang tính di sản và đương đại của Phật giáo Bắc Giang, nhận diện và đưa những giải pháp đối với tiềm năng, cơ hội và thách thức để những giá trị này có thể được bảo tồn, phát huy, tạo thành nguồn lực cho sự phát triển nhân văn, hài hòa và bền vững của địa phương.”

Phát biểu chào mừng Hội thảo, TS. Mai Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đã bày tỏ: “Chúng tôi tin tưởng và hi vọng rằng, việc tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)” hôm nay không những là dịp để các quý vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học trao đổi, thảo luận, cung cấp nguồn thông tin, tư liệu phong phú, hữu ích, có giá trị thiết thực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo tỉnh Bắc Giang, nhất là Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử mà còn góp phần làm sáng tỏ vai trò của Phật giáo đối với xã hội đương đại, những vấn đề mới phát sinh, những thách thức đối với sự phát triển trong tương lai của Phật giáo Bắc Giang, là cơ sở để hoạch định chính sách, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội tỉnh Bắc Giang. Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Bắc Giang rất mong muốn tại Hội thảo này được lắng nghe, tiếp thu ý kiến quý báu của các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh; đồng thời, sau hội thảo này, mỗi đại biểu sẽ trở thành một sứ giả giúp tỉnh Bắc Giang quảng bá, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương, thu hút ngày càng đông đảo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…”.

 

Hội thảo đã nghe 18 báo cáo tham luận về các chủ đề liên quan đến không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam, di sản văn hóa Phật giáo Bắc Giang và bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử).

Phát biểu tại Hội thảo, GS. TSKH. Vũ Minh Giang nhận xét: “Hội thảo đã có những đóng góp nổi bật như: thông tin về những di chỉ mới khai quật; nâng tầm nhận thức về Phật giáo Việt Nam, một triết lý nhân sinh gắn với văn hoá, lịch sử dân tộc; nâng tầm nhận thức về Phật giáo Trúc Lâm – tạo ra bệ đỡ tư tưởng cho cả một thời kỳ lịch sử, trong đó có Trần Nhân Tông – một nhà chính trị kiệt xuất, một nhà quân sự lỗi lạc, nhà tư tưởng vĩ đại; nâng tầm nhận thức về không gian văn hoá quần thể di tích Tây Yên Tử – đây là nền tảng tạo dựng căn cốt của văn hoá Phật giáo Trúc Lâm”.

Tham gia thảo luận, TT.TS. Thích Nhật Từ, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Trần Nhân Tông, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp cho tỉnh Bắc Giang nhằm phát triển du lịch khám phá thành phố di sản, gắn với mối quan hệ đạo và đời: “Để làm được điều này, tỉnh cần chú trọng các nội dung: (1) Về văn hoá: Bắc Giang là một phần của Kinh Bắc xưa, nơi tập trung các di tích chùa tháp cổ vùng Bắc Giang; là nơi dung thông văn hoá Thiền Lâm Tế và Thiền Trúc Lâm. (2) Tỉnh cần tập trung kết hợp giữa bảo tồn và phát triển những giá trị di sản hiện có. (3) Phát triển chữa lành bằng phương pháp Thiền: Thiền Trúc Lâm, Thiền Lâm Tế, Thiền Vipasana. (4) Lan toả: Mời các hãng phim nổi tiếng tới quay phim tại Việt Nam; hoặc tự làm clip giới thiệu về di tích di sản của địa phương; xây dựng sổ tay, tờ rơi; kết hợp các công ty du lịch trong toàn quốc để cùng chung tay phát triển du lịch văn hoá của tỉnh Bắc Giang”. GS.TS. Thái Kim Lan, Giám đốc Bảo tàng gốm cổ sông Hương đánh giá: “Hội thảo khoa học hôm nay đã được tỉnh Bắc Giang và Viện Trần Nhân Tông tổ chức rất khoa học và quy mô. Chúng ta được nghe hai mảng thông tin quan trọng: (1) Không gian văn hoá Phật giáo Bắc Giang; (2) Giải pháp đề xuất bảo tồn và phát huy không gian văn hoá Phật giáo này. Có một khái niệm làm tôi rất ấn tượng đó là “Không gian văn hoá Phật giáo” theo hướng Cư trần lạc đạo. Chúng ta cần đào sâu hơn triết lý, tinh thần của Phật giáo và những yếu tố nào làm cho Phật giáo tồn tại vững mạnh cho đến hiện nay. PGS. TS. Lê Văn Canh, giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN nhấn mạnh quan điểm về tính bền vững dể phát triển du lịch tâm linh Tây Yên Tử bền vững. Ông cho biết: “Bền vững là giá trị tồn tại và phát triển lâu đời, phải nằm trong chỉnh thể văn hoá Bắc Giang thì văn hoá Phật giáo mới có thể phát triển bền vững được”. PGS. TS. Bùi Thị Thanh Thuỷ, Trưởng khoa Du lịch, Đại học Văn hoá Hà Nội cho biết: “Hội thảo lần này là một trong những sản phẩm trong chuỗi chiến lược phát triển văn hoá Phật giáo Bắc Giang. Bắc Giang mong muốn tôn vinh Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, kết hợp với Đông Yên Tử và cùng phát triển thành thương hiệu dựa vào nguồn lực di sản của tỉnh. Nhận diện và bảo tồn tài nguyên cần dựa trên tài nguyên vốn có. Cần tạo ra hệ thống vệ tinh để cùng phát triển. Duy trì chất lượng theo tiêu chuẩn phát triển của Quốc tế và lập cộng đồng sáng kiến chuyên nghiệp”. GS. Lê Mạnh Thát, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Trần Nhân Tông; Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cũng bày tỏ đánh giá tốt về chất lượng những tham luận của Hội thảo. Giáo sư cho rằng từ các mô hình du lịch khác nhau, những đề xuất đóng góp thiết thực trong việc góp thiết thực góp phần định hướng bảo tồn phát huy không gian Phật giáo Tây Yên Tử sẽ đưa di sản của tỉnh thành di sản của thế giới.

Hội thảo “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)” được tổ chức vào ngày cuối tháng 10 năm 2023 tại thành phố Bắc Giang với sự cho phép và đồng chủ trì của Đại học Quốc gia Hà Nội và Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang. Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị được giao chuẩn bị và chịu trách nhiệm tổ chức nội dung chuyên môn, khoa học của Hội thảo với sự phối hợp về công tác tổ chức, đảm bảo các điều kiện tại địa phương của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang. Hội thảo là một sự kiện khoa học tiêu biểu năm 2023 của Viện Trần Nhân Tông, trong chuỗi các hoạt động khoa học định kỳ nhằm thực hiện chức năng nghiên cứu, đào tạo sau đại học và tư vấn chính sách về các di sản và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, giá trị văn hóa, tư tưởng thời Nhà Trần, về Phật giáo và các vấn đề văn hóa truyền thống liên quan. Hội thảo thể hiện sự tiếp nối trong quan hệ hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội, các đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội với tỉnh Bắc Giang, đặc biệt trong lĩnh vực Phật học, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa của địa phương.

Hội thảo luôn có sự đồng hành của các doanh nghiệp như: Quỹ Vì tầm vóc Việt, Tập đoàn TH; Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup; Doanh nghiệp Xuân Trường, Công ty cổ phần đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7; Tập đoàn Sóng Thần, Công ty cổ phần Nhân Bình; Tập đoàn Đinh Lê; Công ty DTT; Công ty Sen Việt, Công ty Vilapa, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quang Trung, Nhà sách Vĩnh Nghiêm và nhiều doanh nghiệp khác…

Hội thảo đã nhận được tổng số 110 tham luận với sự tham gia của 128 học giả thuộc nhiều lĩnh vực, đến từ nhiều các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau trên cả ba miền đất nước. Sau quá trình thẩm định, phản biện và biên tập nội dung với tinh thần trân trọng, nghiêm túc và khoa học, Ban tổ chức đã tuyển chọn ra 74 tham luận tiêu biểu nhất để đăng toàn văn trong Kỷ yếu Hội thảo được xuất bản, tập trung vào ba nội dung chủ đạo, tương ứng 03 phiên thảo luận của Hội thảo như sau:

Thứ nhất, “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam”.

Thứ hai, “Di sản văn hóa Phật giáo Bắc Giang”.

Thứ ba, “Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)”.

Trong khuôn khổ Hội thảo, sáng ngày 01/11/2023, các đại biểu và học giả đã tham dự buổi thăm quan tại Chùa Vĩnh Nghiêm và Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Đây là 2 địa điểm thăm quan tâm linh nổi tiếng ở vùng đất văn hoá Bắc Giang.

Bắc Giang là vùng đất thuộc miền thượng của xứ/trấn Kinh Bắc ngàn năm văn hiến, là một trong những địa phương mang trong mình nhiều dấu tích, di sản và sự hiện diện sinh động nhất của Phật giáo truyền thống và đương đại Việt Nam. Những ghi chép trong thư tịch cổ và các kết quả nghiên cứu khảo cổ đều cho thấy những dấu chân truyền pháp, hoằng pháp Đạo Phật đầu tiên vào Việt Nam có trên mảnh đất Bắc Giang.

Hiện nay, trên địa bàn Bắc Giang có khoảng 940 ngôi chùa, tự viện Phật giáo phân bố ở hầu khắp 10 huyện, thành phố từ miền đồng bằng, từ đô thị đến các làng xã, vùng sâu hay núi cao của tỉnh. Các cơ sở tự viện Phật giáo Bắc Giang chủ yếu thuộc hai dòng Phật giáo tiêu biểu, có sự ảnh hưởng lớn bậc nhất ở Việt Nam, là Phật giáo Lâm Tế và Phật giáo Trúc Lâm. Trong đó nhiều ngôi chùa là di sản hay mang trong mình những di sản quốc gia và thế giới như chùa Bổ Đà (chốn tổ của Phật giáo Lâm Tế ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên), chùa Vĩnh Nghiêm (chốn tổ Phật giáo Trúc Lâm ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng),…

LINK BÀI CÁC ĐƠN VỊ BÁO ĐƯA TIN:

https://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N33968/Nang-tam-nhan-thuc-khoa-hoc-ve-van-hoa-Phat-giao-Viet-Nam.htm

https://daibieunhandan.vn/du-lich-the-thao/khai-mac-hoi-thao-khoa-hoc-cap-quoc-gia-khong-gian-van-hoa-phat-giao-bac-giang-tay-yen-tu-i348175/

https://chuavinhnghiem-ducla.vn/vien-tran-nhan-tong-to-chuc-hoi-thao-khoa-hoc-quoc-gia-khong-gian-van-hoa-phat-giao-bac-giang-tay-yen-tu/

https://giacngo.vn/hoi-thao-khoa-hoc-khong-gian-van-hoa-phat-giao-bac-giang-tay-yen-tu-post69154.html

https://phatsuonline.vn/bac-giang-hoi-thao-khoa-hoc-quoc-gia-khong-gian-van-hoa-phat-giao-bac-giang-tay-yen-tu

https://bacgiangtv.vn/video/hoi-thao-khong-gian-van-hoa-phat-giao-bac-giang-tay-yen-tu

.
.
.
.