Tran Nhan Tong Ins Tran Nhan Tong Ins
Menu
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thông điệp Viện trưởng
    • Sứ mạng và tầm nhìn
    • Chức năng và nhiệm vụ
    • Hình thành và phát triển
    • Cơ cấu tổ chức
    • Dự án Hòa Lạc
    • Liên hệ
    +
  • Bản tin
    • Tin từ Viện
    • Tin từ ĐHQGHN
    +
  • Đào tạo
    • Giới thiệu chung
    • Đào tạo sau đại học
    • Đào tạo ngắn hạn
    • Thời khóa biểu
    • Văn bản liên quan
    • Học bổng
    +
  • Nghiên cứu
    • Giới thiệu chung
    • Ấn phẩm
    • Chia sẻ
    • Dự án, đề tài
    • Thư viện điện tử
    +
  • Hợp tác
    • Giới thiệu chung
    • Hợp tác trong nước
    • Hợp tác Quốc tế
    +
  • Hoạt động xã hội
    • Giới thiệu chung
    • Các mô hình hoạt động
    +

Tư tưởng ngoại giao Trần Nhân Tông

TRANG CHỦChia sẻTư tưởng ngoại giao Trần Nhân Tông
22 Th12

Tư tưởng ngoại giao Trần Nhân Tông

PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 

  1. Đặt vấn đề

Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là một danh nhân vĩ đại của dân tộc. Ở ông hiện diện nhiều tư cách: nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà tu hành, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ,v.v…Ở bất kì tư cách nào, Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng để lại dấu ấn đậm nét, có đóng góp quan trọng cho đất nước. Có thể nói, di sản mà Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại cho đương thời và hậu thế rất to lớn, bao gồm cả về phương diện thực tiễn, vật chất lẫn tư tưởng, quan niệm. Trong đó, các di sản thực tiễn, vật chất vừa là kết quả vừa kết tinh thành các di sản tư tưởng, quan niệm được ghi chép, phản ánh trong các tư liệu, tài liệu còn sót lại. Theo chúng tôi, các di sản về mặt tư tưởng, quan niệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá tầm vóc, vị thế của Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng như trong việc kế thừa và phát huy di sản của ông trong đời sống hôm nay và mai sau. Và có lẽ cũng chính vì vậy, một số lĩnh vực trong khối di sản tư tưởng, quan niệm đó đã được giới nghiên cứu quan tâm làm rõ như tư tưởng Phật học, tư tưởng chính trị, tư tưởng văn học,… Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực còn chưa được nghiên cứu sâu như tư tưởng giáo dục, tư tưởng ngoại giao, tư tưởng quân sự,… Bài viết này đặt vấn đề đi sâu phân tích tư tưởng ngoại giao của Phật hoàng Trần Nhân Tông nhằm góp phần bổ sung vào những “địa hạt” còn khuyết thiếu đó.

Để tìm hiểu tư tưởng ngoại giao của Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúng tôi đồng thời thông qua hai con đường: một là, qua hoạt động chính trị, ngoại giao thực tiễn của ông đối với lân bang (Đại Nguyên, Chiêm Thành, Ai Lao,…); hai là, qua các trước tác của ông mà trực tiếp và quan trọng nhất là mảng thơ văn ngoại giao do ông viết hoặc ít nhiều có vai trò quan trọng trong việc tạo ra chúng. Mảng thơ văn ngoại giao của Phật hoàng Trần Nhân Tông bao gồm 22 văn kiện, thư từ[2] và một số bài thơ gửi tặng vua quan và các sứ thần nhà Nguyên[3]. Thông qua hai con đường này, một số biểu hiện của tư tưởng ngoại giao Trần Nhân Tông đã được “phi lộ.”

  1. Nội dung

2.1. Từ thực tiễn hoạt động chính trị, ngoại giao…

            Phật hoàng Trần Nhân Tông nổi tiếng là ông vua vừa khoan hòa, nhân ái vừa có mạnh mẽ, quyết đoán; vừa sát sao thực tiễn vừa tầm nhìn chiến lược, sáng suốt. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã có một cuộc đời hoạt động chính trị, ngoại giao,… sôi nổi (ngay cả khi ông đã xuất gia). Dưới sự lãnh đạo của ông (và Thượng hoàng Trần Thánh Tông [1240 – 1290], rồi Hoàng đế Trần Anh Tông [1276 – 1320]), nước Đại Việt đã trở thành một quốc gia hùng mạnh, thịnh trị trong khu vực.

            Về đối nội, lên ngôi (1278) trong tình thế đất nước đang đứng trước nguy cơ xâm lược không thể tránh khỏi của đế quốc Mông Nguyên (1285, 1288), Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông lãnh đạo quân và dân Đại Việt gấp rút chuẩn bị về mọi mặt để đối phó với quân giặc. Ông đã thực hiện một chính sách đoàn kết toàn dân, từ thân tộc đến ngoại tộc, từ triều đình trung ương đến địa phương. Chủ trương của Phật hoàng Trần Nhân Tông là “khoan sức dân” (lời của Trần Quốc Tuấn), lựa chọn, sử dụng người tài bằng con đường bảo cử và thi cử để bổ sung cho chế độ thế tập, giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của đất nước. Tinh thần dân bản, thân dân cũng được phát huy một cách rộng rãi mà bằng chứng rõ nhất là việc tổ chức hai hội nghị nổi tiếng: Diên Hồng và Bình Than. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, Phật hoàng Trần Nhân Tông là một trong những vị vua có tinh thần “thân dân” nhất trong lịch sử chế độ quân chủ ở Việt Nam. Nhờ vậy, ông đã cổ vũ, phát huy được sức mạnh tiềm tàng của quốc gia, nâng sức chiến đấu của quân dân nhà Trần lên gấp nhiều lần để đối phó thành công và đánh bại các đội quân Mông Nguyên hùng hậu, thiện chiến.

            Về đối ngoại, Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng có những chính sách, động thái sáng suốt, khôn khéo. Đối với nhà Nguyên, Phật hoàng Trần Nhân Tông một mặt kiên quyết bảo vệ quyền độc lập tự chủ, mặt khác, thực hiện những động thái chính trị, ngoại giao mềm mỏng, nhún nhường nhằm tránh chiến tranh hay ít nhất cũng trì hoãn nguy cơ chiến tranh để chuẩn bị lực lượng. Với Chiêm Thành, Ai Lao,… Phật hoàng Trần Nhân Tông cơ bản thực hiện đường lối hòa hiếu, gồm đủ ân uy nhằm vỗ yên vùng biên giới phía Tây và phía Nam, rảnh tay đối phó với nguy cơ thường trực từ phương Bắc. Nhờ đó, trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên (1285, 1288), quân dân nhà Trần đã giành được chiến thắng vang dội, lập nên chiến công lừng lẫy trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới trong thời đại đó.

            Sau chiến tranh với phương Bắc, Phật hoàng Trần Nhân Tông lại thực hiện một loạt các chính sách cấp thiết, đúng đắn góp phần khôi phục lại đất nước, củng cố nền hòa bình lâu dài cho dân tộc, chẳng hạn như việc thông hiếu lại với nhà Nguyên[4], cất quân đi đánh Ai Lao (1290, 1294), khuyến khích sản xuất trong nước,v.v… Về cuối đời, khi đã lên làm Thái thượng hoàng (1293) và đặc biệt là khi đã chính thức xuất gia tu hành (1294), Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn luôn để tâm đến những công việc triều chính quan trọng của đất nước, chẳng hạn như việc chỉ bảo cho đương kim hoàng đế, tuyển lựa nhân tài, dẹp các “dâm từ” hay du hành sang tận Chiêm Thành (1301) dàn xếp cuộc hôn nhân giữa Chế Mân với công chúa Huyền Trân (1306)[5] qua đó góp phần mở rộng biên cương đất nước về phía Nam,v.v…

            Tất cả những việc làm đó đã góp phần củng cố vị thế của vương triều và đất nước, đưa lại cuộc sống hòa bình, ổn định cho nhân dân. Chúng cho thấy tầm vóc một nhà chính trị, ngoại giao lớn ở Phật hoàng Trần Nhân Tông, khiến ông trở thành “vua hiền của nhà Trần” (Đại Việt sử kí toàn thư) và là một “minh quân” trong lịch sử nước nhà.

            Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng có những đóng góp vĩ đại cho nền văn hóa đất nước. Dưới sự trị vì của ông (với tư cách Hoàng đế và Thái thượng hoàng), văn hóa Đại Việt phát triển toàn diện, rực rỡ. Các ngành văn hóa nghệ thuật (kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, hội họa, văn học, tôn giáo tín ngưỡng,v.v…) đều có thành tựu. Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng rất có ý thức vun đắp truyền thống văn hóa quốc gia. Theo Việt điện u linh tập của Lí Tế Xuyên, có đến 27 vị thần (anh hùng liệt nữ và những thần núi, thần sông, thần đất) của Đại Việt được sắc phong dưới triều Nhân Tông (các năm 1285, 1288). Việc sắc phong cho các vị thần một cách đông đảo, có hệ thống như thế chưa từng xảy ra ở các triều đại trước. Điều này cho thấy, Phật hoàng Trần Nhân Tông và vương triều Trần rất chú trọng xây dựng một quá khứ thần thánh, oai hùng cho Đại Việt, lấy đó làm sức mạnh đoàn kết, động viên toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước[6].

            Phật hoàng Trần Nhân Tông còn có chủ trương truyền bá rộng và thống nhất về mặt văn hóa – tư tưởng, nhất là tôn giáo. Theo Thánh đăng ngữ lục, năm Giáp Thìn (1304), Thượng hoàng Trần Nhân Tông “đi khắp các xóm làng để giáo hóa và trừ bỏ các việc thờ cúng bậy, dạy cho họ thực hành 10 điều thiện”. Việc sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm (1299) do chính ông làm Đệ nhất tổ, thực ra, cũng nằm trong chủ trương trên[7]. Trước đó, ở nước ta tồn tại ít nhất 3 dòng Thiền: Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci), Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Sự hiện diện của nhiều dòng Thiền như vậy phần nào gây cản trở cho việc thống nhất về tư tưởng và chính sách tôn giáo của nhà Trần, nhất là khi Phật giáo lại “can dự” một cách khá sâu sắc vào công việc triều chính, đất nước. Phật hoàng Trần Nhân Tông hẳn đã nhận ra điều đó và muốn hợp nhất các dòng Thiền. Nghiên cứu phả hệ của dòng Thiền Trúc Lâm, người ta nhận thấy mối liên hệ sâu sắc của nó với các dòng Thiền trên. Việc hợp nhất này không đồng nghĩa với sự hạn chế, độc tôn. Bởi vì, tư tưởng, tinh thần của dòng Thiền Trúc Lâm là sự kế thừa, phát huy những tinh hoa của các dòng Thiền trước dựa trên sự hòa đồng, cởi mở. Đương nhiên, sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm không chỉ có ý nghĩa đó. Ba dòng thiền trước dẫu sao đều có nguồn gốc ngoại lai (Ấn Độ, Trung Quốc, Chiêm Thành,…). Ngầm ý của Phật hoàng Trần Nhân Tông là xây dựng một dòng Thiền đầu tiên của riêng người Việt. Đây là một trung tâm tôn giáo, tư tưởng học thuật lớn ở triều Trần có ảnh hưởng rộng khắp trong cả nước. Nó “đáp ứng một nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người Việt đương thời, mặt khác cũng nhằm góp phần vào việc xây dựng một nước Đại Việt có quy mô bề thế, có văn hóa văn minh độc lập, chống lại những ảnh hưởng ngoại lai”[8].

            Sự nghiệp thơ văn của Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng là một đóng góp rất lớn của ông đối với nền văn hóa Việt Nam. Đóng góp đó thể hiện ở nhiều phương diện. Về mặt văn tự, ông là một trong những tác giả đầu tiên dùng chữ Nôm để sáng tác văn học bên cạnh văn tự Hán, đặt nền móng cho nền văn học tiếng Việt. Về mặt thể loại, bên cạnh việc vận dụng một cách thuần thục các thể loại văn học Trung Quốc (thơ, văn xuôi,…), Phật hoàng Trần Nhân Tông còn là người có công Việt hóa một số thể loại (phú, ca). Về mặt nội dung, thơ văn Phật hoàng Trần Nhân Tông giàu giá trị tư tưởng, thẩm mĩ, nhân văn, phản ánh thành quả văn hóa của cả thời đại. Đó là những phương diện cơ bản làm nền tầm vóc một nhà văn hóa lớn của  Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tầm vóc này cũng có dấu ấn trong những ứng xử và tư tưởng ngoại giao của ông.

2.2. Đến sự kết tinh “tư tưởng ngoại giao Trần Nhân Tông”

2.2.1. Lập trường độc lập, tự chủ và công lí kiên định

            Nội dung này được thể hiện tập trung nhất qua 22 văn kiện gửi vua quan nhà Nguyên. Có thể nhận thấy lập trường độc lập, tự chủ và công lí kiên định qua 3 vấn đề sau:

            Thứ nhất là quan điểm kiên quyết không chịu đầu hàng, không đánh mất quyền tự quyết, chủ quyền quốc gia vào tay giặc, đấu lí đến cùng với chúng trong từng vấn đề. Quan điểm này được thể hiện tập trung thông qua việc từ chối vào chầu nhà Nguyên theo yêu sách của Hốt Tất Liệt. Lấy cớ Phật hoàng Trần Nhân Tông tự ý lên ngôi (1278) mà chưa xin sắc phong, vua Nguyên nhiều lần sai sứ thần sang đòi vua vào chầu bằng những thủ đoạn khác nhau: từ dụ dỗ ban cho quan tước cao đến đe dọa sử dụng vũ lực, gây chiến. Lời lẽ của chúng thường chứa đầy thái độ trịch thượng, hăm dọa, chẳng hạn: “Nước ngươi nội phụ đã hơn 20 năm. Sáu việc vừa rồi còn chưa thấy theo. Ngươi nếu không chầu thì hãy sửa thành trì của ngươi, chỉnh đốn quân đội ngươi để đợi quân ta (…) Cha ngươi đã nhận lệnh ta làm vua. Ngươi không xin lệnh mà tự lập, nay lại không chầu. Ngày sau triều đình gia tội thì lấy gì mà trốn ?” [Tờ chiếu năm 1278]. Thực chất, đó là yêu sách thể hiện thái độ coi thường quyền độc lập, tự chủ của Đại Việt, dựng chuyện để lấy cớ tiến đánh nước ta. Nếu vua Đại Việt vào chầu có nghĩa thừa nhận đầu hàng giặc, trở thành nội thuộc của chúng. Trước yêu sách hết sức ngang ngược và vô lí đó, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã liên tiếp viết những tờ biểu từ chối vào chầu. Những tờ biểu này, lời lẽ nhún nhường, khiêm cung nhưng không kém phần kiên quyết. Tờ biểu năm 1278 viết: “thần sinh trưởng ở nước Việt Thường, bẩm khí yếu đuối, thủy thổ không quen, nóng lạnh chẳng chịu. Dù xem được quang cảnh thượng quốc, sung làm khách của vương đình, thì vẫn sợ có chuyện trên đường, luống phơi xương trắng, đến nỗi lòng nhân của bệ hạ cũng tự cảm thấy xót thương, mà chẳng ích gì cho thiên triều trong muôn một…Bệ hạ thi hành nhân đức trước hết là nhằm cho người hoang quả cô độc. Đến các loại nhỏ mọn như côn trùng thảo mộc cũng mỗi mỗi thỏa được tính mình. Thần mắc tội với trời, chỉ sợ không được thấm nhuần ơn phước. Chính trị của bệ hạ tốt hơn nhà Châu, lòng nhân của bệ hạ sâu hơn nhà Hán. Nép mong bệ hạ thương nỗi đơn chiếc yếu đuối của cô thần, xót nơi xa xôi của tiểu quốc, mà khiến cho thần được cùng với quan quả cô độc giữ được tính mạng của mình để suốt đời phụng thờ bệ hạ. Đó là điều rất may của cô thần, mà cũng là phúc lớn của sinh linh tiểu quốc” [Văn kiện số 2b[9]]. Luận điểm này được nhắc đi nhắc lại trong khá nhiều văn kiện khác sau đó. Bên cạnh đó, trên thực tế, nhiều lần nhà vua cũng đã từ chối yêu sách này bằng các lí do khác nhau như: có tang (1291), có bệnh (1293),… Như vậy, trước sau như một, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dùng nhiều lí lẽ để từ chối đòi hỏi ngang ngược của nhà Nguyên, giữ gìn được danh dự quốc gia, quyền độc lập, tự chủ, tự quyết quý báu, bất di bất dịch của quốc gia[10].

            Để giữ vững lập trường độc lập, tự chủ và công lí đó, trong các văn kiện ngoại giao, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã có lập luận sắc sảo, chặt chẽ. Về cơ bản, Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn dùng những luận điệu của chính vua quan nhà Nguyên, kết hợp với những luận điểm cơ bản đã trở thành kinh điển trong truyền thống chính trị – ngoại giao Trung Hoa mà nhà Nguyên kế thừa, để đấu tranh với chúng. Chẳng hạn, vua quan nhà Nguyên thường rêu rao luận điệu: “Nhất thị đồng nhân”, tức đem lòng nhân từ ra mà thương yêu khắp hết mọi người như nhau. Phật hoàng Trần Nhân Tông lấy luận điệu đó để biện hộ cho việc từ chối sang chầu của mình. Ông lập luận: “Ấy bởi vì thần sinh trưởng ở nước Việt Thường, bẩm khí yếu đuối, thủy thổ không quen, nóng lạnh chẳng chịu. Dù xem được quang cảnh thượng quốc, sung làm khách của vương đình, thì vẫn sợ có chuyện trên đường, luống phơi xương trắng, đến nỗi lòng nhân của bệ hạ cũng tự cảm thấy xót thương, mà chẳng ích gì cho thiên triều trong muôn một” [Văn kiện số 2b]. Phản đối sự động binh của Thoát Hoan, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhắc lại lời chiếu năm 1261: “Chiếu trước đã riêng ra lệnh “quân ta không được vào nước ngươi”. Nay vì Chiêm thành đã xưng bề tôi mà làm phản trở lại, nhân thế phát đại quân đi qua do bản quốc mà tàn hại trăm họ. Đó là việc làm sai trái của Thái tử, chứ không phải sai trái của bản quốc. Kính mong chớ đi ra ngoài chiếu trước. Rút đại quân về” [Văn kiện số 5]. Khi nhà Nguyên bác bỏ lí do “ham sống sợ chết” không vào chầu của vua bằng luận điểm “các loài có sự sống thì có loài nào an toàn mãi mãi cả đâu, thiên hạ có đất bất tử đâu”, Phật hoàng Trần Nhân Tông đáp lại: “vẫn biết rằng xưa nay không có người bất tử, thiên hạ không có đất bất tử. Nhưng chỗ cậy là có trời hiếu sinh. Thánh thiên tử lấy trời làm lòng mình, thì tất phải thương kẻ côi mòn, lấy lòng nhân mà xem mọi người cùng như nhau. Thì tiểu quốc có thể trường cửu, có thể an toàn, có thể bất tử. Nếu không thế thì đi đâu chẳng phải là đất chết ư!” [Văn kiện số 20]. Biện bác việc nhà Nguyên vu cho Đại Việt xâm lược biên giới, Phật hoàng Trần Nhân Tông viết: “Còn việc xâm lược biên giới, lời đó càng không đáng tin. Kinh Thi nói: “Khắp dưới gầm trời đâu chẳng đất vua. Xem hết bờ cõi đâu chẳng tôi vua”. Tiểu quốc tuy nằm ở một xó, cũng là đất bề tôi của đại quốc. Mấy năm gần đây mới gặp binh họa, trăm họ tử vong, ruộng đất bỏ phế. Tướng công đã tận mắt thấy rồi. Nay đất của tệ ấp mười nhà thì chín nhà đã trống. Thế chưa đủ sao? Sao rảnh mà đi lấy thêm chỗ khác ư!” [Văn kiện số 16],v.v… Tóm lại, Phật hoàng Trần Nhân Tông triệt để áp dụng phương thức dùng “gậy ông đập lưng ông”, khiến cho nhiều lúc kẻ thù phải cứng họng, lúng túng không thể lấy lí để bắt bẻ. Nhờ đó, quyền độc lập, tự chủ của Đại Việt được giữ vững. Trên thực tế, Phật hoàng Trần Nhân Tông trước sau đã giữ vững được quyền độc lập, tự chủ cho Đại Việt trong hoạt động ngoại giao với Đại Nguyên.

            Thứ hai, Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng viết biểu, thư khước từ những đòi hỏi vô lí của giặc, chỉ ra sự bất hợp lí, phi nghĩa của những hành động đó. Chẳng hạn, trả lời yêu sách của vua tôi nhà Nguyên đòi nước ta phải giúp lương để chúng đi đánh Chiêm Thành, Phật hoàng Trần Nhân Tông tỏ rõ quan điểm: “Còn về việc giúp lương, thì địa thế tiểu quốc tiếp giáp với biển, ngũ cốc sản xuất không nhiều. Từ khi đại quân đi rồi, trăm họ vẫn còn trôi dạt. Thêm vào đó, bị lụt hạn, sáng no chiều đói, ăn uống vẫn không đủ” [Văn kiện số 3]. Song để tỏ ra nhượng bộ, Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng đồng ý cấp lương cho chúng, nhưng với điều kiện tiên quyết, chúng không được xâm phạm biên giới: “Tuy nhiên, các hạ ra lệnh thì vẫn không dám trái. Xin ở đất châu Vĩnh An trên cõi Khâm Châu, xin đợi đem đến nạp” [Văn kiện số 3]. Đáp lại sự vặn vẹo của nhà Nguyên cho luận điệu của vua Trần là “chỉ đem văn dối đồ cống hàng năm, khéo giả để lừa, thì đạo nghĩa ở đâu?”, Phật hoàng Trần Nhân Tông phủ nhận điều đó và lập luận: “Thần, Nhật Tôn, thân này bất hạnh chẳng gì lớn hơn, đã không sinh ra nơi triều đình của thiên tử, lại không thể đến sân thiên tử. Cái để tỏ được lòng thành của mình thì ở thổ sản mà thôi. Thần, Nhật Tôn, há không biết là thánh triều bao phủ cả gầm trời, trèo núi vượt biển đi tới muôn phương. Đồ cống trân quí, chẳng món gì là không có, thì sao phải chỉ chăm chăm một mình tiểu quốc dâng hiến ư? Song, thần, Nhật Tôn, còn không xét đến tội mình mà lại làm việc mạo muội đó, thì thật là vì đạo nghĩa thờ vua có chỗ không thể bỏ được. Trong chiếu trời tuy có hỏi đạo nghĩa ở đâu, thì ở tại thần hạ. Thần hạ dám bỏ được chức cống hay sao?” [Văn kiện số 20]. Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng đã chỉ ra những hành động tráo trở của vua quan nhà Nguyên đối với Đại Việt. Chẳng hạn, tuy được cử đi từ tháng 8 và được Hốt Tất Liệt chỉ đạo sử dụng con đường Giang Lăng, Quảng Tây thay vì con đường Vân Nam, Sài Thung đã tới Ung Châu vào tháng 11 nhuận. Khi nghe tin này, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã gửi thư phản đối, yêu cầu Sài Thung phải trở về con đường Thiện Xiển, Vân Nam mà chúng thường sử dụng trước đó để tới Đại Việt: “Nay nghe Quốc công khó nhọc đến tệ quốc, dân biên giới không ai là không kinh hãi, không biết sứ người nước nào mà đến ở đây. Xin đem quân về đường cũ để mà đến” [Văn kiện số 1]. Trước việc quân giặc ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta, Phật hoàng Trần Nhân Tông viết biểu cật vấn gay gắt: “Ngày trước, kính được chiếu vua nói rằng: “Có lệnh riêng quân ta không được đi vào nước ngươi”. Nay thấy Ung Châu doanh trại cầu đò, thường thường liên tiếp. Thật rất sợ hãi, rất mong hiểu rõ lòng trung thành mà thêm chút thương xót” [Văn kiện số 5]. Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng trực tiếp tố cáo việc làm sai trái của Thoát Hoan khi vào xâm lược nước ta lấy tiếng là mượn đường đi đánh Chiêm Thành: “Chiếu trước đã riêng ra lệnh “quân ta không được vào nước ngươi”. Nay vì Chiêm thành đã xưng bề tôi mà làm phản trở lại, nhân thế phát đại quân đi qua bản quốc mà tàn hại trăm họ. Đó là việc làm sai trái của Thái tử, chứ không phải sai trái của bản quốc. Kính mong chớ đi ra ngoài chiếu trước. Rút đại quân về. Bản quốc sẽ sắm đủ cống vật, đem dâng lại có khác với trước” [Văn kiện số 6]. Nói về việc nhà Nguyên lập Trần Di Ái làm vua, sau lại thu nạp Trần Ích Tắc, Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng đã vạch rõ: “Anh em không kẻ hiền lương, dựng chuyện tâu sàm không ít. Trước đây, quốc thúc Di Ái rõ ràng trốn mất ở ngoài biên cảnh, bèn trở ngược vu cáo thần là đã làm việc chuyên giết. Lại người em giữa Ích Tắc tự đem mình đến trước đại quân xin vái đầu hàng. Ấy là muốn đến trước để lập công cho mình. Huống nữa là những người đến thay mà tâu bày, thì lại càng thêm ngoa dối” [Văn kiện số 9],v.v… Những bức thư, biểu của Phật hoàng Trần Nhân Tông một mặt phản ánh tình hình quan hệ Đại Việt – Đại Nguyên mang tính thời sự lúc bấy giờ, mặt khác là công cụ đấu tranh với giặc trên từng vấn đề cụ thể đặt ra trong mối quan hệ đó[11].

            Thứ ba là lời tố cáo đanh thép mà khéo léo tội ác của giặc với nhân dân Đại Việt. Trong các bức thư gửi cho Thoát Hoan (1284), Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trực tiếp nhắc đến tội ác “tàn hại trăm họ” của quân giặc. Ở tờ biểu tháng 11 năm 1288, nhiều lần Phật hoàng Trần Nhân Tông nhắc đến câu: “đại quân đã lắm lần chinh phạt, giết cướp lại nhiều” hay “đại quân sau trước giết tróc”,v.v…Trong tờ biểu năm Chí Nguyên thứ 25 (1288) [sau đó là trong lá thư gửi cho vua Nguyên vào năm 1291], ngay sau khi đập tan cuộc tấn công lần thứ 2 của quân Nguyên Mông, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã làm rõ hơn tội ác đó: “Chí Nguyên năm thứ 24, mùa đông, lại thấy đại quân thủy bộ đều tiến sang, thiêu đốt chùa chiền khắp nước, đào bới mồ mả tổ tiên, bắt giết người dân già trẻ, đập phá sản nghiệp trăm họ. Các hành động tàn nhẫn phá phách, không gì là không làm (…) Tham chính Ô Mã Nhi lâu nắm binh thuyền, riêng ra ngoài biển, bắt hết biên dân vùng biển, lớn thì giết chết, nhỏ thì bắt đi, cho đến treo trói, xẻ mổ, mình đầu khắp chốn. Trăm họ bị bức tới chỗ chết, bèn dấy lên cái họa của con thú chân tường (…) Còn việc làm của Ô Mã Nhi tàn khốc bạo ngược, thì chính đại vương mắt thấy. Vi thần chẳng dám nói dối!” [Văn kiện số 8]. Đương nhiên, ở đây, tác giả đã “quy tội” cho bọn tướng tá nhà Nguyên để giữ “thể diện” cho vua của chúng nhằm để cửa cho quan hệ hoà dịu về sau, nhưng lẽ nào chúng dám tự quyết làm vậy nếu không có sự chỉ đạo của kẻ cầm đầu! Đến năm 1295, khi dâng tờ biểu xin bộ Đại Tạng kinh, Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn còn khéo léo nhắc lại tội ác của chúng trước đây: “Thần ở Viêm hoang, lâu theo đấng Giác, mãi nhớ bối diệp, truyền tự Trung Hoa. Vào thời Đường Tống, từng có ngựa trắng chở sang. Ngày đại binh kéo đến thì đã hóa nên tro tàn” [Văn kiện số 22]. Ở đây, chúng ta thấy có sự tố cáo tội ác hủy diệt về văn hiến, văn hóa nữa. Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng sử dụng bút pháp châm biếm nhẹ nhàng mà sâu cay để đả kích quân giặc. Tố cáo tội ác của giặc, ông một mực khẳng định đó là sự “tham lập công biên giới” của các tướng tá nhà Nguyên. Một mặt, điều đó để giữ thể diện cho vua Nguyên, nhưng mặt khác lại như ngầm mỉa mai sự dối trá, hèn nhát của tên vua xảo trá này. Trong nhiều bức thư, Phật hoàng Trần Nhân Tông còn dùng lối nói hai nghĩa để mỉa mai Hốt Tất Liệt. Chẳng hạn, ông luôn viết lời ca ngợi vua Nguyên là: “bệ hạ như núi biển bao hàm, dơ bẩn chứa hết, nuôi mắt sáng, rộng tai rõ, mỗi mỗi khoan hồng, bỏ ngoài tính toán” [Văn kiện số 9] hay: “hoàng đế bệ hạ với lòng cha mẹ, với lượng càn khôn, với lượng càn khôn bao chứa đồ dơ” [Văn kiện số 20]. Tầng nghĩa thứ nhất bao hàm ý khiêm cung, tự nhận mình là “đồ dơ”, nhưng tầng nghĩa thứ hai lại gợi nên ấn tượng rằng y ôm trong mình bao nhiêu thứ dơ dáy, xấu xa, đã “chơi bẩn”, “chơi xấu” không biết bao nhiêu lần. Cái ý châm biếm toát ra từ cách “chơi chữ” đó. Tập hợp những văn kiện trên lại, chúng ta có một bản cáo trạng đanh thép về tội ác đẫm máu, phi nhân tính, phi văn hoá của bọn giặc phương Bắc. Có thể nói, đây là bản cáo trạng đầu tiên trong lịch sử, được gửi trực tiếp cho chúng nhằm vạch ra tính chất phi nghĩa, tàn bạo của các cuộc xâm lược.

            Tóm lại, các văn kiện ngoại giao dưới thời Phật hoàng Trần Nhân Tông vừa phản ánh vừa là công cụ nhằm khẳng định chủ quyền, độc lập, tự chủ của quốc gia, bảo vệ chính nghĩa một cách thẳng thắn, thuyết phục nhưng vẫn rất khôn khéo, nghệ thuật. Thực tế chính trị, quân sự, ngoại giao trong quan hệ Đại Việt – Đại Nguyên dưới thời Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng khẳng định điều đó.

2.2. Ý nguyện hòa bình, hữu hảo

            Trong các văn kiện ngoại giao, một mặt Phật hoàng Trần Nhân Tông kiên quyết chống lại chính sách bạo ngược, hiếu chiếu của giặc, mặt khác luôn thể hiện rõ thiện chí hòa bình, hữu hảo. Từ chối vào chầu nhà Nguyên, Phật hoàng Trần Nhân Tông vừa lấy lí do cá nhân vừa dựa vào nguyện vọng của toàn dân, yêu cầu “điều may lớn cho cô thần và cũng là phước lớn cho sinh linh” [Văn kiện số 2b]; “Há chỉ một mình kẻ côi này nhận được ơn ban mà còn sinh linh của một nước nhờ thế được an toàn” [Văn kiện số 3]. Tố cáo âm mưu, tội ác của giặc, ông cũng đứng trên quan điểm yêu hòa bình, yêu công lí, nhấn mạnh đại đức “hiếu sinh” [Văn kiện số 20]. Hòa bình ở đây không phải là cái gì cao siêu, trừu tượng mà chính là tính mạng, là hạnh phúc, là sự “an cư lạc nghiệp” của muôn dân. Vì vậy, chiến đấu chống lại tội ác đó là bảo vệ nền hòa bình chân chính đó. Đây là cơ sở lí luận quan trọng để Phật hoàng Trần Nhân Tông bảo vệ đất nước trước lời vu cáo chống đối, làm loạn của giặc Nguyên. Sau chiến tranh, Phật hoàng Trần Nhân Tông lại nỗ lực hàn gắn mâu thuẫn với quân thù, trong đó có việc thể hiện thiện chí: tạo điều kiện cho tàn quân nhà Nguyên trở về nước; trả tù binh Chiêm Thành (đi theo Toa Đô vào đánh Đại Việt) về nước (1285-1286; 1288). Điều này, một mặt, xoa dịu sự thù hận của giặc, tránh cho đất nước họa binh đao về sau, mặt khác thể hiện khát vọng hòa bình, hữu hảo của triều đình Đại Việt, thể hiện truyền thống hoà hiếu, khoan dung, trượng nghĩa của người Việt[12] (sau này nhiều vị lãnh tụ của quân dân Đại Việt cũng đã kế thừa tư tưởng đó, như Lê Thái Tổ, Nguyễn Quang Trung,v.v…).

            Khát vọng hòa bình, hữu hảo còn được thể hiện qua những bài thơ tặng hay họa lại thơ của các sứ thần nhà Nguyên sang sứ Đại Việt. Tiễn Lí Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai (1294), Phật hoàng Trần Nhân Tông gửi gắm hi vọng, đồng thời là yêu cầu ngầm, những vị sứ thần này sẽ mang đến điềm lành cho nước Việt:

Bất tri lưỡng điểm thiều tính phúc,

Kỷ dạ quang mang chiếu Việt thiên.

(Chẳng hay phúc lành của hai ngôi sao sứ thần,

Còn vằng vặc soi trời Việt được mấy đêm nữa?)

[Tống Bắc sứ Lí Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai][13]

            Trước đó, Tiễn Lí Tư Diễn (1289), Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng thể hiện niềm tin vào sự tất thắng của đường lối hòa bình, hữu hảo:

Thác khai địa giác giai hoà khí,

Tịnh hiệp thiên hà tẩy chiến trần.

Tân đạo tỉ thư thập hàng hạ,

Thắng như cầm điện ngũ huyền huân.

Càn khôn kiêm ái vô Nam Bắc,

Hà hoạn vân lôi phục hữu truân.

(Mảnh đất mới mở rộng cũng có hoà khí,

Kéo sông Thiên hà rửa sạch bụi chiến tranh,

Mọi người đều bảo tờ chiếu ban xuống chỉ có mươi hàng,

Nhưng hơn hẳn tiếng hoà âm của chiếc đàn cầm năm dây.

Trời đất vốn một lòng yêu thương không phân biệt Nam, Bắc.

Còn lo gì gặp bước gian truân gió mưa sấm sét!)

                                    [Tặng Bắc sứ Lí Tư Diễn]

            Với Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng (1301), Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn nhắc lại một văn kiện có ý nghĩa như hòn đá tảng trong quan hệ hai nước, đó là “tờ chiếu năm Trung Thống (1261)”[14]:

Đỉnh ngữ nguyện ôn Trung Thống chiếu,

Miễn giao ưu quốc mỗi như đàm.

(Xin hãy ôn lại lời nói “chuông vạc” trong tờ chiếu năm Trung Thống,

Để tránh cho nhau khỏi mối phiền lo nước luôn luôn nung đốt trong lòng.

                                                            [Tiễn Bắc sứ Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng]

Đại ý tờ chiếu này nói: các phong tục và quy chế về mũ áo cho các, An Nam được theo lệ cũ của mình mà sử dụng; nhà Nguyên đã răn bảo các viên tướng ở Vân Nam không được đem binh lấn cướp vùng biên giới và quấy nhiễu nhân dân nước ta. Như vậy, bài thơ đã trực tiếp nêu ra nguyện vọng hòa bình, hữu hảo của toàn dân Đại Việt. Do đó, bài thơ có giá trị như một văn kiện ngoại giao chính thức gửi đến vua quan nhà Nguyên. Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng muốn dùng văn hoá, phong tục để giành lấy thiện cảm cũng như sự nể trọng, đánh giá cao của sứ giả phương Bắc. Vào ngày xuân, Phật hoàng Trần Nhân Tông đón tiếp sứ thần nhà Nguyên là Trương Hiển Khanh (1291), tặng bánh làm quà cho ông ta, nhân đó làm bài thơ để tặng sứ thần trong đó gửi gắm thông điệp văn hoá của mình:

Giá chi vũ bãi thí xuân sam,

Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.

Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,

Tòng lai phong tục cựu An nam.

(Múa giá chi xong, thử tấm áo ngày xuân,

Huống nữa hôm nay lại gặp tiết mồng ba tháng ba.

Bánh rau mùa xuân, như ngọc hồng bày đầy mâm,

Đó là phong tục của nước An Nam xưa nay)

                                    [Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính]

            Đằng sau những câu thơ tường thuật phong tục ngày xuân của nước Nam một cách khách quan, ngắn gọn, có thể thấy rõ niềm tự hào, kiêu hãnh về “phong tục của nước An Nam xưa nay” của tác giả. Hình ảnh “bánh rau mùa xuân, như ngọc hồng bày đầy mâm” như muốn nói với sứ thần nhà Nguyên về sự phồn thịnh, tươi đẹp, thuần hậu của nước Việt ngay sau chiến tranh, cũng ngầm khẳng định bản lĩnh, nội lực, sức mạnh tiềm tàng của dân tộc Đại Việt trước những mối đe dọa chưa dứt từ bên ngoài. Sức mạnh ấy không chỉ nằm ở kinh tế, chính trị, quân sự mà còn nằm ở văn hóa, phong tục mà chính Phật hoàng cũng là người dày công gây dựng, vun đắp. Điều này liền sau đó cũng được Trần Minh Tông, Hồ Quý Li rồi Nguyễn Trãi tái khẳng định trong những tác phẩm của mình (Việt giới, Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục, Bình Ngô đại cáo, Dư địa chí,v.v…). Không chỉ đối với nhà Nguyên, với các quốc gia lân cận, Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng thể hiện khát vọng đó. Trên đường đi đánh giặc Ai Lao lần thứ hai (1294) vì tội xâm nhiễu biên giới phía Tây Đại Việt[15], ông đã nói lên hành động “bất đắc dĩ” của mình:

Thê lương hành sắc thiêm cung mộng,

Liêu loạn nhàn sầu đáo tửu bôi.

Hán Vũ phiên chiêu cùng độc báng,

Nam nhi cấp cấp nhược vi tai.

(Vẻ thê lương tạo thêm màu sắc buồn bã cho những cơn mộng nơi hành cung,

Lòng ngổn ngang trăm mối (vì việc nước) đã đến cùng chén rượu.

Hán Vũ Đế lại chuốc lấy lời chê “cùng binh độc vũ”[16],

Thế thì nam nhi lật đật về việc chinh chiến làm gì?)

[Tây chinh đạo trung]

            Bài thơ Tây chinh đạo trung không phải là một tác phẩm thù tạc, mang ý nghĩa nghi thức ngoại giao, nên hoàn toàn có thể tin tưởng vào tính chân thật của cảm xúc, của tư tưởng tác giả. Lấy cảm xúc, tư tưởng đó mà soi chiếu lại những văn bản ngoại giao ở trên, cũng như những việc làm của Phật hoàng Trần Nhân Tông, người đọc có thể chứng nhận được mức độ chân thành của khát vọng hòa bình, hữu hảo với ngoại bang. Ở đây, một lần nữa, người đọc lại một lần nữa thấy rõ tâm sự thực, tư tưởng chính trị, ngoại giao tích cực của tác giả. Đi đánh dẹp đối với ông chỉ là một hành động bất đắc dĩ, nhưng cần thiết để “trừ bạo”[17]. Vì vậy, cảnh hành binh trong cảm nhận của Hoàng đế – Thi nhân Trần Nhân Tông không hừng hực khí thế, không hào sảng mà có phần nặng nề, uể oải, miễn cưỡng. Bản thân vị thủ lĩnh cũng mang trong mình tâm trạng u sầu, nhớ nhà. Và suy nghĩ của ông về chiến tranh được trình bày trực tiếp ở hai câu kết ở trên. Theo đó, bậc nam nhi tham gia chinh chiến cuối cùng không phải để chuốc lấy lời chê “cùng binh độc vũ” (hiếu chiến, thích dùng binh một cách bừa bãi, say sưa) như Hán Vũ đế mà để mang lại yên ổn, hòa bình cho nhân dân, cho đất nước. Như vậy, chiến tranh vẫn cần thiết nếu như nó phục vụ cho chính nghĩa, cho hòa bình; nhưng tốt nhất là không nên để nó xảy ra[18]. Từ quan điểm này, có thể nhận thấy hành động nhất quán của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong việc “khu xử” với các nước lân bang khác mà tiêu biểu là Chiêm Thành. Có thể nói, không ở triều đại nào, mối quan hệ Đại Việt và Chiêm Thành lại tốt đẹp, thuận chiều như ở triều đại Trần Nhân Tông. Điều đó thể hiện qua việc nhiều lần sang sứ giữa hai bên và những thoả thuận, giao ước được thiết lập đem lại nhiều lợi ích cho cả hai bên, đặc biệt là Đại Việt. Trong các nguyên nhân làm nên chiến thắng của nhà Trần trước quân đội Mông Nguyên (1285, 1288), hẳn phải kể đến quan hệ hữu hảo với Chiêm Thành. Chuyến đi vân du sang tận Chiêm Thành (1301) hay những câu chuyện về sau (1303, 1306) cũng minh chứng cho quan hệ hữu hảo đó[19]. Tiếc rằng, chủ trương, đường lối này của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã không được các vua Trần sau ông kế tục thành công dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như chúng ta đã thấy, nhất là ở giai đoạn Vãn Trần.

  1. Kết luận

            Ngoại giao luôn là một “mặt trận” khó khăn, phức tạp và không kém phần khốc liệt, nhất là trong những thời điểm hoặc thời kì có sự đối đầu, mâu thuẫn lợi ích, quyền lực giữa các quốc gia, đòi hỏi những người chỉ đạo hay thực hiện nhiệm vụ ngoại giao phải có quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt, vừa kiên định vừa mềm mỏng, linh hoạt theo công thức “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “chấp kinh tòng quyền”. Tư tưởng ngoại giao của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong bối cảnh bên trong và bên ngoài Đại Việt lúc bấy giờ khế hợp trọn vẹn với công thức ấy. Cái “bất biến” ở đây là tư tưởng hiếu sinh, yêu chuộng hoà bình, hữu hảo, vì lợi ích của dân chúng, là chủ trương độc lập, tự chủ, tự quyết, không cam chịu khuất phục và lệ thuộc trước bất kì thế lực nào; còn cái “vạn biến” là sự uyển chuyển, tinh thần thực tế, khả năng ứng phó lâm thời, cân bằng các mối quan hệ cho phù hợp với thực tiễn, với tương quan quyền lực của các nước trong khu vực. Về bản chất, tư tưởng đó thống nhất với tư tưởng chính trị hoặc tư tưởng Phật học mà Phật hoàng Trần Nhân Tông theo đuổi và góp phần kiến tạo. Còn về tác dụng, đây rõ ràng là tư tưởng phù hợp với một quốc gia nhỏ, còn yếu (tồn tại bên cạnh những quốc gia lớn, mạnh và thường có tham vọng bá quyền, bành trướng, thực dân) như Đại Việt ngày xưa hay Việt Nam ngày nay. Điều đó khẳng định tầm vóc, sức sống của tư tưởng ngoại giao Trần Nhân Tông và vương triều Trần đương thời và trong toàn bộ lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt./.

Tài liệu tham khảo

 (1) Phạm Văn Ánh, “Văn thư ngoại giao thời Trần (các nguồn tư liệu, số lượng, tác giả và thể loại)”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/2008, tr.19-28.

(2) Ban Hán Nôm (Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam), Thơ văn Ngô Thì Nhậm, tập 1 (Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.

(3) Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), Thơ văn Lí Trần, tập 2, quyển Thượng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989.

(4) Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử kí toàn thư, Hoàng Văn Lâu dịch – Hà Văn Tấn hiệu đính, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985.

(5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tổ phiên dịch Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.

(6) Lê Mạnh Thát (biên soạn), Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2001.

(7) Tạ Chí Đại Trường, Thần người và đất Việt, tái bản, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2006.

(8) Nguyễn Thanh Tùng, “Cống người vàng thế thân: Từ sử liệu chính thống đến truyền thuyết dân gian”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Huế, 2012, số 8-9, số tr.146-181.

 (9) 陳文源, <元明时期安南贡物“代身金人”考述> ,《社会科学》, 2006年06期 页174-177.

[2] Trong Trần Nhân Tông toàn tập (Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2001), Lê Mạnh Thát coi 22 văn kiện này đều là tác phẩm của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Còn theo Phạm Văn Ánh trong bài “Văn thư ngoại giao thời Trần (các nguồn tư liệu, số lượng, tác giả và thể loại)” (Tạp chí Hán Nôm, số 1/2008, tr.19-28), Phật hoàng Trần Nhân Tông chỉ là “tác giả danh nghĩa” của 7 văn thư (được viết từ 1292 đến 1295). Về cơ bản, chúng tôi cũng tán thành với cách xác định “tác giả danh nghĩa” của Phạm Văn Ánh. Tuy nhiên, các văn kiện ngoại giao thời kì này có sự lẫn lộn, nhầm lẫn chủ thể là phổ biến do thông tin, liên lạc giữa các bên có những sự sai lệch, khác biệt khó xác định được thật rạch ròi chủ thể đích thực. Mặt khác, do đặc thù của chế độ “lưỡng đầu” Thái thượng hoàng – Hoàng đế thời Trần, chúng tôi cho rằng có thể “tính” các văn kiện (ở đây là 22 văn bản) ra đời vào thời Phật hoàng Trần Nhân Tông ở ngôi (Hoàng đế hoặc Thái thượng hoàng) ít nhiều đều là tác phẩm của ông, đều phản ánh tư tưởng ngoại giao của ông cũng như của vương triều Trần (vốn có tính ổn định, kế thừa, đặc biệt là trong giai đoạn hưng thịnh của vương triều này). Còn câu chuyện “tác giả danh nghĩa” (vua Trần) và “tác giả đích thực” (có thể là các bề tôi chấp bút; cũng có thể là chính vua Trần) thì chúng ta cũng có thể dễ dàng đồng ý với nhau rằng: dù ai là người chấp bút đi chăng nữa, tư tưởng trong các văn kiện đó vẫn có thể tính cho các vua Trần với tư cách người đứng đầu, chuẩn thuận và đưa tư tưởng ấy vào thực tiễn đối ngoại. Vì vậy, ở đây, chúng tôi vẫn tạm coi các văn kiện nêu trên là “tác phẩm” của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong các phân tích, diễn giải của mình. Chúng tôi không có ý định quy tất cả công lao cho một mình Phật hoàng Trần Nhân Tông song để giản tiện trong cách diễn đạt cũng như tập trung vào nhân vật chính của bài viết, cũng là người nổi bật của vương triều lúc bấy giờ, chúng tôi trình bày về ông với tư cách là chủ thể của những hoạt động và chủ trương ngoại giao. Xin được hiểu một cách đầy đủ và thường trực rằng đó là “ông và những người khác”. Các phần khác về các hoạt động chính trị, văn hoá,… của Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng nên được hiểu như vậy.

[3] Ngoài ra, một số bài thơ của ông có đề cập đến quan điểm ngoại giao cũng được chúng tôi xem xét (chẳng hạn, bài thơ Tây chinh đạo trung,…).

[4] Trong đó có việc chấp nhận cống “người vàng thế thân” (đại thân kim nhân) để thay cho việc “tự mình sang chầu” Đại Nguyên (1288) [Nguyên sử, “Liệt truyện”, Quyển 209, Ngoại di 2, An Nam]. Chi tiết xin xem: 陳文源, <元明时期安南贡物“代身金人”考述> ,《社会科学》, 2006年06期 页174-177; Nguyễn Thanh Tùng, “Cống người vàng thế thân: Từ sử liệu chính thống đến truyền thuyết dân gian”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Huế, 2012, số 8-9, tr.146-181;v.v…

[5] Việc làm này không phải không có ý kiến dị nghị, ngay cả đương thời. Đặc biệt là sau đó có việc Trần Khắc Chung được cử sang Chiêm Thành cứu công chúa Huyền Trân về nước trước nguy cơ phải lên giàn hoả thiêu, thì việc dị nghị càng mạnh. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra ở thời Lý Trần thì những cuộc hôn nhân chính trị như vậy là khá phổ biến và dù sao cũng tốt hơn nhiều việc sử dụng vũ lực. Còn việc cứu công chúa Huyền Trân về thì hoàn toàn có thể hiểu được từ góc độ tình cảm gia đình, dù là gia đình hoàng gia.

[6] Cũng có ý kiến cho rằng việc sắc phong cho các vị thần, hay việc cải tạo các “dâm từ”, dưới triều của Phật hoàng Trần Nhân Tông (cũng như ở giai đoạn Lý Trần hay rộng ra, của các triều đại quân chủ) là động thái đưa các tín ngưỡng địa phương (vốn rất đa dạng, thậm chí phồn tạp) vào khuôn khổ quản lí của triều đình, “đem lại an ninh cho chính quyền, trong xã hội”. Xin xem Tạ Chí Đại Trường, Thần người và đất Việt, tái bản, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr.124-131.

[7] Việc sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, và việc chọn núi Yên Tử làm “tổ đình” của Thiền phái không chỉ được xem như một động thái tôn giáo mà còn là một động thái chính trị (thậm chí còn được xem xét từ góc độ quân sự, quốc phòng) góp phần đưa đến sự thống nhất về mặt tư tưởng, văn hoá (tất nhiên, việc thống nhất này cũng được nhìn nhận ở nhiều chiều khác nhau). Nhiều động thái tôn giáo khác của Phật hoàng cũng được diễn giải bổ sung bằng các mục đích chính trị.

[8]Thơ văn Lí Trần, tập 2, quyển Thượng, Sách đã dẫn, trang 452.

[9] Các văn kiện trích dẫn trong bài viết này đều lấy từ Trần Nhân Tông toàn tập, Sách đã dẫn. Cách đánh số thứ tự các văn kiện cũng theo sách này.

[10] Không chỉ giữ gìn quyền tự chủ, tự quyết cho bản thân nước mình, ông cũng tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết của lân bang, không can thiệp vào nội bộ nước họ. Đối với Đại Nguyên, việc đó đã đành, nhưng đối với cả nước nhỏ hơn như Chiêm Thành, ông cũng giữ nguyên tắc ấy. Bằng chứng là ngay năm 1279, “Chiêm Thành sai Chế Năng, Tra Diệp sang cống. Bọn Chế Năng xin ở lại làm nội thần, vua không nhận” (Toàn thư, Bản kỉ, quyển VI).

[11] Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, Quyển VII) ghi được cả cuộc đối đáp giữa Đỗ Khắc Chung và Ô Mã Nhi (tháng Giêng, 1285) trong doanh trại quân Nguyên. Đọc cuộc đối đáp này, cũng có thể thấy giọng điệu và những lập luận tương tự. Điều đó cho thấy tính thống nhất trong đường lối, tư tưởng ngoại giao của triều Trần đối với nhà Nguyên lúc bấy giờ.

[12] Dĩ nhiên, có những tên giặc tàn bạo, có nợ máu sâu sắc với dân chúng  không thể tha thứ, đồng thời có nguy cơ trở thành hậu hoạ to lớn về sau (vì chúng là những tướng giặc thiện chiến, đã quen với thực tế Đại Việt), nên Phật hoàng theo kế của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ngầm sai người giết đi, như trường hợp Ô Mã Nhi chẳng hạn. Việc này từng bị sử thần Ngô Sĩ Liên phê phán là thiếu chữ tín [Toàn thư]. Tuy nhiên, trong thực tiễn chính trị và vì lợi ích của quốc gia, có lẽ không nên mơ hồ và ngây thơ về chuyện đạo lí thuần tuý mà nhiều khi cần xem đó như một diễn ngôn chính trị.

[13] Các trích dẫn về thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong bài viết này, chúng tôi theo sách Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển Thượng, Sđd.

[14] Điều này cho thấy sự thống nhất về tư tưởng và kể cả về lập luận, ngôn từ trong các văn kiện ngoại giao và thơ ca của Phật hoàng Trần Nhân Tông, qua đó khẳng định tư tưởng và đường lối ngoại giao thống nhất của triều Trần giai đoạn Trần Nhân Tông tại vị (Hoàng đế và Thái thượng hoàng).

[15] Sử cũ cho biết sở dĩ Phật hoàng Trần Nhân Tông phải đem quân đi đánh Ai Lao vì trước đó, Ai Lao đã nghe lời dụ dỗ của Đại Nguyên đem đánh vào biên giới phía tây của Đại Việt đồng thời với thời gian quân đội của Thoát Hoan đánh vào biên giới phía Bắc (1285). Sau này, Ai Lao còn nhiều lần xâm phạm Đại Việt (1297, 1301,…) và đều bị Đại Việt đánh bại. Điều đó càng chứng tỏ việc đánh Ai Lao của Phật hoàng là không thể không làm.

[16] Chỉ việc lạm dụng vũ lực, đánh giết bừa bãi.

[17] Đại Việt sử kí toàn thư cho biết, khi Phật hoàng quyết định đi đánh Ai Lao lần thứ nhất (1290), triều thần đã can ngăn vì cho rằng đất nước vừa trải qua binh đao, nguồn lực chưa đủ. Phật hoàng Trần Nhân Tông nói: “Chỉ có thể là lúc này ra quân thôi. Vì sau khi giặc rút, ba cõi tất cho là lính tráng, ngựa chiến của ta đã chết cả, thế không thể lên nổi, sẽ có sự khinh nhờn từ bên trong, cho nên phải cất quân lớn để thị uy”. Điều này cho thấy sự lo xa, quyết đoán của ông; muốn dùng việc binh để ngăn chặn trước những nguy cơ lớn hơn về sau. Đến năm 1294, ông lại đem quân đi đánh Ai Lao lần thứ 2, cũng vì mục đích ấy.

[18] Đọc bài Khuê oán của Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúng tôi cứ liên tưởng rằng, dường như ông đang viết về nỗi niềm của người chinh phụ. Nếu liên tưởng đó là đúng thì nó cho thấy tính nhất quán trong cái nhìn về chiến tranh và thân phận con người trong chiến tranh từ rất sớm của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

[19] Đại Việt sử kí toàn thư  (Bản kỷ, quyển VI) có kể chuyện Đoàn Nhữ Hài được lệnh nhà Trần (mà trực tiếp là từ Phật hoàng Trần Nhân Tông) đi sứ Chiêm Thành năm 1303, nhân đà chuyến vân du sang Chiêm Thành thành công của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, đã có nhiều hoạt động làm mạnh quốc thể, nâng vị thế của Đại Việt ở nước này, khiến Chiêm Thành nể phục, tin theo.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Điên thoại: (84-24) 3767 5840
Fax: (84-24) 3767 5841
trannhantong@vnu.edu.vn

tnti@vnu.edu.vn

Viện Trần Nhân Tông, tầng 8, Tòa C1T, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Lần đầu tiên, trong hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về Phật học và tư tưởng Trần Nhân Tông. Cũng lần đầu tiên chương trình đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học được đưa vào triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện đại. Đây cũng thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc thể hiện triết lý giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện.

 

floral-decor
Tran Nhan Tong Ins. Copyright © 2017. Edit by TMACS Team.