Hòa thượng Bác sĩ Thích Hải Ấn
Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
Triều Lý đã độc lập chính trị và quân sự, nhưng chưa xong về văn hóa, nghệ thuật và tôn giáo. Triều Trần làm tiếp việc này, mở ra nước Đại Việt – Văn hiến, trong đó có đạo Phật. Tinh thần ‘bất bạo động’ của Phật giáo đã ngấm sâu vào dân chúng. Nhờ vậy, triều Lý chuyển sang Trần rất ít tổn hại về người và của. Đặc biệt, vua Trần Nhân Tông xuất gia thành Tổ sư, xây dựng Tăng già vững mạnh, nhưng vẫn nêu cao tinh thần Tam giáo. Chiêu hiền, trọng sĩ, đoàn kết toàn dân đánh thắng giặc Nguyên Mông. Đổi Quốc tử giám thành Quốc học viện, cho dân được dự thi, dùng chữ Quốc ngữ (chữ Nôm), in ấn Đại tạng kinh và sách sử nước nhà. Nhiều thiền phái Phật giáo du nhập từ nước ngoài nên vua Trần đã kết hợp thành một thiền phái Trúc Lâm. Phật giáo Trần đã tạo thêm chùa, xây tháp, đúc tượng, mở đàn giới và đạo tràng, biến Yên tử thành nơi tu luyện cho Tăng, lập cơ sở hóa đạo tại chùa Vĩnh Nghiêm, khéo ‘hòa quang tùy tục’ vào đời sống gia đình và xã hội. Rõ ràng tư tưởng thiền Phật giáo thời Trần đã độc lập cho nó và có vai trò nhất định trong lịch sử dân tộc. Dù nhà Minh đốt hết kinh sách, tiêu diệt hiền tài…, nhưng tinh thần ấy đã sống lại vào thời hậu Lê.
1. Bối cảnh chính trị (thế kỷ 12)
Vào những năm cuối triều đại nhà Lý, vua Lý Anh Tông không thể dạy con (Long Xưởng) thành người. Làm sao dạy con làm vua được? Triều Lý bắt đầu suy yếu và nguyên nhân tại sao như vậy? Lịch sử vẫn còn đang bỏ ngỏ… Cuối cùng đành phải chấp nhận giao trọng trách và vận mệnh nước nhà cho Lý Cao Tông, mới 3 tuổi lên ngôi Hoàng đế (1175), được Tô Hiến Thành chỉ dạy, nhưng 3 năm sau Tô Hiến Thành cũng chết. Vua lúc đó 6 tuổi, còn quá nhỏ chưa biết gì để lo việc nước, do vậy chính trị – xã hội thời ấy đã bị nhiễu nhương và suy kiệt một cách trầm trọng. Lớn lên vua không chăm học, lại ăn chơi xa hoa quá độ, triều đình rối loạn, dân cư ly tán. May mắn lúc bấy giờ không có giặc ngoại xâm, nhưng nội bộ có các thế lực, phe phái hùng cứ nhiều nơi đánh giết lẫn nhau, chưa kể có nhiều băng nhóm giặc cướp nổi lên tứ tung trong dân chúng. Nội loạn Quách Bốc dấy khởi năm 1180, đánh chiếm kinh thành Thăng Long khiến vua phải bỏ chạy về Hải Ấp. Sau nhờ quân tướng Trần Lý và các con của Trần Lý là Trần Thừa, Trần Tự Khánh dẹp yên, khi đó mới có thể rước vua Lý Cao Tông về lại kinh thành. Năm 1210 vua Cao Tông qua đời lúc 38 tuổi. Mặc dù có Linh Từ Quốc Mẫu tức Trần nhị Nương (con gái của Trần Lý) vợ của vua Lý Huệ Tông và quan đại thần Trần Thủ Độ phụ chính. Lý Huệ Tông lên ngôi còn trẻ, mới vừa 16 tuổi và mất lúc 33 tuổi, tại ngôi vị được 14 năm. Hai năm cuối đời vua bị bịnh (điên khùng) nên phải vào chùa Chân Giáo (tại thành Thăng Long) ẩn tu, có tên đạo là Huệ Quang. Năm 1226 vua bị Trần Thủ Độ ép chết (Khâm định Việt sử thông giám cương mục), con gái của vua Lý Huệ Tông là công chúa Lý Chiêu Hoàng lên ngôi vua. Sau đó cưới Trần Cảnh và nhường ngôi cho chồng (1225) tức Trần Thái Tông, từ đây nhà Trần nối nghiệp nhà Lý cai trị đất nước.
- Xã hội – Tôn giáo
Như những gì vừa trình bày ở trên, chúng ta thấy triều đại nhà Lý kéo dài 216 năm, 9 đời vua hiền lo cho dân cho nước, 3 đời vua sau để triều chính sa sút và lũng đoạn nhiều phương diện, nhất là tình hình Nho giáo xen vào dua nịnh vua quan, lộng quyền mưu sự triều chính, vua còn nhỏ tuổi phải cậy nhờ các quan đại thần. Năm 1198, Đàm Dĩ Mông[1] kiến nghị vua Cao Tông: khống chế đạo Phật vì có quá nhiều nhà sư không chuyên tâm tu hành, bắt phải hoàn tục. Vua Cao Tông nghe theo, ông cho triệu tập các vị sư, chọn một số ít, còn lại đều đánh dấu vào tay bắt phải hoàn tục. (Đại Việt Sử Lược, tr. 235; Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập I, tr. 215). Tuy nhiên, các thiền giả đạo Phật không bị vướng vào việc đời cũng như triều chính nên vẫn còn giữ đạo vững chắc như: Thiền sư Không Lộ, Giác Hải, Thông Biện, Tiêu Dao, Thường Chiếu, Hiện Quang, Viên Thông, Đạo Viên (Viên Chứng), Chân Không, … và chư tăng của nhiều tông phái khác nhau, nhất là tu theo cách ‘hòa quang tùy tục’ cư sĩ tu tại gia mà như tu sĩ ở chùa như: Ứng Thuận (đệ tử của thiền sư Tức Lự), tăng phó Nguyễn Thường, Lôi Hà Trạch… đã tồn tại như một sứ mệnh thiêng liêng theo cùng với sự hưng suy của đạo Pháp và dân tộc.
Nhờ vậy, Phật giáo cuối thời Lý đã phản phất chất đạo vị thiền của Trần, những lời Phật dạy về ‘bất bạo động’ (ahiṃsā) đã ngấm vào lòng dân chúng Phật tử. Lại nữa, các thiền sư xem hình thức là phương tiện không cần thiết, miễn sao: từ cá nhân tới gia đình và xã hội có nội dung bỏ ác làm lành, giữ đạo trong sạch, sống phải ‘thương người như thể thương thân’ là được. Theo Nguyễn Lang: thiền sư Trí Bảo đã đào tạo, nuôi dạy Tô Hiến Thành và Ngô Hòa Nghĩa (Nguyễn Lang, sđd, tr. 218) tại núi Cao Dã và sau này trở thành 2 vị quan sáng ngời trong trang sử Việt. Lại có người dám khuyên can vua Lý Cao Tông nên bỏ tính ham mê tửu sắc mà chăm lo việc triều chính như tăng phó Nguyễn Thường, vị tăng giống như cư sĩ mà đức độ lại là bậc xuất chúng kỳ tài. Đây cũng là tính chất ‘tùy tục’ của Phật giáo thời Trần. Nhờ vậy gần 50 năm tính từ Lý Cao Tông, sự thay ngôi đổi chủ dần dần biến chuyển từ nhà Lý sang nhà Trần không bạo động, ít tổn hại về người và của. Chúng ta thấy Trần Nguyên Tổ, Trần Thái Tổ, Trần Thái Tông… đều xuất thân từ làng biển[2] (Hải Ấp), là những vị cư sĩ học Phật rất sâu, tu đạo và hành đạo thuần thục. Được vậy là nhờ các thiền sư Viên Chứng, Tiêu Dao chỉ bày. Thêm nữa, Tuệ Trung Thượng sĩ là vị thiền sư vĩ đại, lấy đạo Phật làm chất hòa tan xóa sạch mọi uẩn khúc nghẹn tình[3], nghiệp báo oán thù giữa cha và chú trong dòng họ tộc Trần để lo việc nước. Cư sĩ này cũng là anh ruột của Trần Hưng Đạo, chắc chắn cũng đã hiến kế cho Triều Trần trong việc chống ngoại xâm, cải tổ nội bộ khi mới lập vương Triều. Đặt biệt trong tất cả triều đại, triều Trần đã đóng góp cho dân tộc và đạo Phật một vị vua lịch sử, xuất gia, tu hành và đắc đạo, sáng lập thiền phái Trúc Lâm, đó là vua Trần Nhân Tông.
- Lịch sử hình thành tư tưởng thiền Trúc Lâm
Theo Gs. Lê Mạnh Thát, Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ đầu Tây lịch theo đường biển, trên thuyền buôn có các tu sĩ theo thuyền để cầu nguyện biển êm, sóng lặng… Từ các chuyến thuyền này, tu sĩ Phật giáo truyền đạo vào nước ta. Rất có thể các Bộ phái Phật giáo và mật giáo cũng theo đây để truyền đạo vào các vùng ven biển. Tới khoảng trước năm 600, đạo Phật có nhiều trường phái du nhập như thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường… trong đó Mật giáo là phổ biến nhất. Cũng có nhiều thiền tăng khác không thuộc tông hay phái nào như Phật giáo các vùng biên giới cũng du nhập vào nước ta từ Ấn Độ bằng đường biển, hoặc đường bộ từ Trung Hoa. Dĩ nhiên Mật Tông đã thịnh hành, vì kinh Phương Quảng Tổng Trì đã được dịch tại chùa Pháp Vân khoảng thời gian đó (Nguyễn Lang, sđd, tr. 138). Trong Tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử số 76, Hà nội xb.1965, Gs. Hà Văn Tấn cho biết: có bia đá ghi: “Phật đỉnh tối thắng già cú linh nghiệm đà-la-ni… do Việt Vương Đinh Liễn tạo” tại thành Hoa Lư, vào thời nhà Đinh. Điều này cho thấy Phật giáo Mật Tông ảnh hưởng Chiêm Thành, Chân Lạp và các du thuyền lái buôn truyền đạo vào nước ta. Hơn nữa, Mật Tông cũng thuận lợi cho việc thờ cúng ông bà… hợp với phong tục tập quán tín ngưỡng dân gian. Bên cạnh đó, Tổng trì đà-la-ni hàm chứa nội dung thuộc Kim Cang Bát-nhã, không phải Đại thừa hay Tiểu thừa, rất hợp với người Việt, người Chiêm thành và Chân Lạp.
Tuy nhiên đến thời Trần thì Mật Tông trở nên ít phổ biến, thậm chí còn bị dị ứng đối với xã hội. Chúng ta thấy các vị thiền sư ẩn tu rất nghiêm cẩn, như chuyện vua Lý Huệ Tông cho mời thiền sư Hiện Quang về kinh, nhưng sư cho đệ tử trả lời: “Bần đạo sinh trên đất của vua, ăn lộc của vua, ở trong núi thờ Phật đã lâu năm, công đức chưa thành tựu, rất lấy làm hổ thẹn. Nay nếu về thăm vua, thì chẳng có ích gì cho việc trị an của vua mà lại còn bị chúng sinh bài báng. Huống chi bây giờ Phật pháp đang có nhiều sư tăng và người đang tụ tập ở kinh đô diện các, một ông thầy tu thô lậu áo rách trong núi về kinh làm gì?”. Nói rồi quyết không xuống núi. Sư cũng chính là Tổ khai sơn chùa Hoa Yên, đệ tử của thiền sư Thường Chiếu (Nguyễn Lang, sđd, tr. 247). Rõ ràng Phật giáo Mật Tông cuối đời Lý đã nhuộm màu mê tín xen lồng giữa ngụy giáo và đạo giáo (thuật luyện Đan của Nho) rất nguy hiểm. Nhìn vào lịch sử chúng ta thấy rõ Lý Thần Tông bị bịnh hóa hổ, Lý Huệ Tông bị bịnh điên khùng… Mê tín tràn lan trong dân chúng, khiến họ mất niềm tin trong cuộc sống tín ngưỡng và tôn giáo của chính họ. Vì vậy thiền sư Hiện Quang dám khán lịnh vua, có lẽ thầm mong triều đình bỏ những điều tà giáo mê hoặc lòng người, để đạo Phật có cơ hội xiển bày chánh giáo. Thiết nghĩ đây cũng là tông chỉ của thiền phái, định hướng ý chí thống nhất Phật giáo thời đại nhà Trần mà thiền sư Hiện Quang là người khởi xướng.
Đệ tử của sư Hiện Quang là thiền sư Đạo Viên, sư này có nhiều ảnh hưởng với vua Trần Thái Tông. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau hai năm từ khi cha (Thái Thượng Hoàng – Trần Thái Tổ) qua đời, lúc vua Trần Thái Tông gần 20 tuổi (1236) bị thái sư Trần Thủ Độ ép lấy vợ của anh ruột là Trần Liễu. Vua Trần Thái Tông phản đối bằng thái độ ‘bất bạo động’, âm thầm bỏ lại ngôi vua cho Trần Thủ Độ, cùng với ít vệ binh vượt ra ngoài thành, tìm đến chùa Hoa Yên và rồi ở lại đó. Thiền sư Đạo Viên liền hỏi nhà vua muốn tìm gì mà lên núi. Vua đáp rằng chỉ muốn cầu thành Phật, chứ không muốn tìm gì khác. Thiền sư nói: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm ta lắng lại và trí tuệ xuất hiện thì đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được chân lý ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không phải đi tìm cực nhọc bên ngoài. Sau đó, Trần Thủ Độ cùng các quan, quân lên núi Yên Tử cố mời nhà vua trở về. Vua trả lời: không về. Trần Thủ Độ tâu rằng: Vua ở đâu thì lập triều đình ở đó. Nghe vậy, thiền sư khuyên vua: “Ðã làm vua thì không còn có thể theo ý thích riêng mình nữa. phải lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình; phải lấy lòng dân làm lòng của mình. Nay dân muốn vua về mà vua không về thì làm sao được? Vua nên về để có thể vừa lo cho dân và vừa tu học Phật pháp, tham thiền” (Nguyễn Lang, sđd, tr. 250).
Đọc lịch sử chúng ta cảm thấy dễ hiểu, nhưng để làm được một con người chính trị hùng khí nhưng mềm mỏng, bản lãnh nhưng tình nghĩa như vua Trần Thái Tông là quá khó. Nếu người không tu theo đạo Phật không dễ gì có tâm đức rộng lượng này. Sau khi bị cướp mất vợ, Trần Liễu lập riêng phiến quân nổi loạn chống lại triều đình, thêm vào đó quan quân đều nghe theo Trần Thủ Độ chống cự lại để đánh bại Trần Liễu. Liễu thua bỏ ghe bơi trốn lên thuyền của vua (em mình). Thấy vậy Trần Thủ Độ rút gươm định giết Liễu nhưng vua đã lấy mạng sống của mình chịu chết thay cho anh tại sông Cái (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, tr. 196). Trần Thủ Độ tha chết cho Liễu nhưng thầm phục tánh hạnh của vua và sau đó được vua ban cho Liễu hiệu là An Sinh Vương. Giả sử, nếu vua thấy Liễu chết mà không cứu, chưa chắc đã thắng được giặc Nguyên – Mông năm 1258, và cũng không thể có được Tuệ Trung Thượng sĩ và Trần Hưng Đạo phò vua giúp nước sau này (vì 2 người này là con của Liễu).
Bây giờ thử tưởng tượng từ thành Thăng Long đi Yên Tử, chúng ta phải đi xe và nhọc sức như thế nào! Huống gì thời đó, qua sông, vượt đèo, nguy hiểm nhiều gấp bội. Chắc chắn phải có ngựa khỏe, hành lý phải chuẩn bị chu đáo và dĩ nhiên vua phải có kế hoạch sắp xếp đi tu với ai, ở đâu rõ ràng. Không phải tình cờ vua gặp thiền sư Đạo Viên. Hơn nữa, sư này lại là một nhân vật khá quan trọng, nhưng mãi cho đến nay về tiểu sử bản thân, quê quán, gia đình, ngày và nơi sinh vẫn chưa được tìm thấy. Chỉ biết sư là đệ tử của thiền sư Hiện Quang, tiếp tục tu tại chùa Hoa Yên và hình như tuổi đời ngang bằng với Trần Thủ Độ và Trần Thừa, không phải bạn của vua Trần Thái Tông. Như vậy ai đã quân sư cho vua bỏ ngai vàng lên Yên Tử? Câu hỏi này vẫn còn là điều bí ẩn. Chỉ đoán biết vua gặp thiền sư này phải có kế hoạch bàn tính trước. Vì ngôi vị vua không phải ưng đi đâu thì đi, lỡ bị người xấu hại thì sao? Do đó, chúng ta được quyền nghĩ rằng: Nếu như trước khi chết, cha (Trần Thừa) của vua đã tiên liệu và căn dặn: thiền sư Đạo Viên là chỗ dựa tinh thần an ổn, đủ sức thuyết phục Trần Thủ Độ bớt lộng quyền thì sao? Ít nhất cũng không dám xem thường vua được. Còn nữa, nếu như vua Lý Huệ Tông không bị rơi vào đường cùng bởi sức ép của Trần Thủ Độ, rất có thể ông vua này chưa đến mức phải bị bệnh điên khùng và tự tử. Các bài học này vẫn còn là nỗi ám ảnh ông vua chưa tròn 20 tuổi, đã khắc khoải lo cho nước cho dân mà không giữ được người vợ của chính mình, lại còn nhìn thấy cảnh cha vợ bị dồn ép cho đến chết và mẹ vợ cũng bị Trần Thủ Độ chiếm đoạt làm vợ. Nếu như không có đạo Phật và nếu ta là vua, chắc chắn sẽ hành xử mù quáng, bạo động và dã man hơn nhiều.
Do đó, muốn tìm hiểu tinh thần độc lập tư tưởng thiền học của vua Trần Nhân Tông, chúng ta phải truy nhận tư tưởng thiền học của vua Trần Thái Tông, làm nền tảng tư tưởng không những cho thiền học mà còn cho các tông phái, môn phái Phật giáo Việt Nam xưa cũng như nay. Những tác phẩm quan trọng như ‘Thiền Tông Chỉ Nam, Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, Khóa Hư Lục… chủ yếu là kinh Kim Cang (xem thêm Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Thái Tông, 2004, tr. 339-415)’ là tư tưởng bản lề xuyên suốt trong thiền học của Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông và thiền phải Trúc Lâm. Đại khái: tư tưởng thiền của Tuệ Trung Thượng sĩ đại diện cho chúng cư sĩ tại gia tu thiền, đồng trần mà giác ngộ; Tư tưởng thiền của Trần Nhân Tông đại diện cho chúng tu sĩ xuất gia, tùy tục mà giải thoát. Tuy hai nhưng có cùng kết quả giải thoát, giác ngộ giống nhau.
- Thống nhất Phật giáo Đại Việt (1278)
Vua Trần Nhân Tông tức thái tử Trần Khâm vừa được 20 tuổi đã lên ngôi Hoàng đế, một ngôi vị bắt buộc, bất đắc dĩ phải làm vua, chứ trong lòng ưa nhường ngôi cho em để xuất gia tu hành. Theo Thánh đăng ngữ lục, lúc nhỏ thái tử vẫn tiếp tục học đời và đạo ở chùa Tư Phúc, thích ăn chay trường, không màng thế sự. Một đêm vào giờ Tý, thái tử bỏ nhà đi vào núi Yên Tử, đến chùa Đông Cứu định đi tu nhưng sau đó vua cha cho người lên núi bắt thái tử về. Vào ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1278), Trần Thánh Tông nhường ngôi lại cho thái tử, còn mình làm Thượng Hoàng, phụ chính chủ lực cho vua phía trong ngai vàng[4]. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói rằng: “Con đã lớn thì cho nối ngôi chính, còn cha lui ở cung Thánh Từ, xưng là Thượng hoàng, cùng trông coi chính sự. Thực ra truyền ngôi chỉ để yên việc sau, phòng lúc vội vàng. Chứ mọi việc đều do Thượng hoàng quyết định. Vua kế vị không khác gì Hoàng Thái tử cả…”. Thật sự, đây là bài học kinh nghiệm của ông nội Trần Thái Tông để lại. Bài học đó chính là sự mê tín và ham mê tửu sắc của các hoàng tử trẻ cuối thời Lý để dẫn tới mất ngôi, hại nước, nếu chúng ta không muốn nói tới nhiều cách ‘cám dỗ ngụy quốc’ nguy hiểm khác. Đối với Phật giáo, vua cha Trần Thánh Tông giao con mình tức Trần Nhân Tông học binh pháp cầm quyền với Trần Hưng Đạo và học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ, đức tài, văn võ đều song toàn. Tuệ Trung thường được nhắc lại nỗi lo đạo Phật suy kiệt cuối vào thời Lý như ông nội Trần Thái Tông viết lại: “Khi tới chùa chiền, gần Phật gần kinh, mắt không thèm ngó, phòng tăng điện Phật, gặp gỡ gái trai, cuối mắt đầu mày, ham mê sắc dục, không kiêng Hộ Pháp, chẳng sợ Long Thần, trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi, và chẳng riêng người tục, cả đến thầy Tăng, kinh luận tranh giành, cùng nhau công kích, chê các sư trưởng, nhiếc đến mẹ cha, cỏ nhẫn lụi vàng, lửa độc rực cháy, buông lời đau vật, cất tiếng hại người, không nghĩ từ bi, không theo luật cấm, bàn thiền tựa thánh, trước cảnh như ngu, dẫu ở cửa không, chưa thành vô ngã”. (Lê Mạnh Thác, Toàn Tập Trần Nhân Tông, nxb. Tp HCM, 2000, tr. 246)
Do đó vừa lên ngôi, vua Trần Nhân Tông ra chiếu lịnh bài trừ các hủ tục và tệ nạn xã hội, giảm thuế ruộng đất và khuyên dân tiếc kiệm, tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo mọi người đều có việc làm, có nhà ở, cơm ăn, áo mặc tạo sự ổn định từ gia đình tới xã hội. Thuận thời, nước ta vụ mùa tháng 10 ‘được mùa to, lúa ruộng ở nhiều hương, phủ đầy hạt’. Năm 1280 vua đã thống nhất hệ thống đo lường trong cả nước ‘dùng thước đo gỗ và vải cùng một kiểu’ để tiện việc trao đổi hàng hóa, buôn bán. Năm 1282, vua thiết lập ban giao với Chiêm Thành rất thân thiện và tạo tình đoàn kết Việt-Chiêm. Để cảm ơn sự chi viện binh mã của Đại Việt, Bố-Bà-Ma và hơn 100 người sang dâng voi cho nước ta (ĐVSKTT 5 tờ 41b1-2). Năm 1284, vua ra chiếu lịnh cũng cố lực lượng quân sự, dò xét bảo vệ biên giới phía Bắc và vét sông Tô Lịch nhằm biến sông này thành trục giao thông chính của kinh thành, chuẩn bị đương đầu với 2 cuộc chiến tranh[5] Nguyên-Mông (ĐVSKTT 5 tờ 56b7; Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, tr. 221). Năm 1285 chiến thắng Vạn Kiếp, Phù Ninh và năm 1288 chiến thắng Bạch Đằng, đẩy lùi quân địch, độc lập và xưng đế vương Đại Việt tại phủ Long Hưng, thành Thăng Long. Ngày 27 tháng 3 năm Mậu Tý (1288) vua Trần Nhân Tông đã làm 2 câu thơ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, Sơn hà thiên cổ điện kim âu. Xã tắc đôi phen chồn ngựa đá, Non sông nghìn thuở vững âu vàng” và ban lệnh đại xá bằng chữ Nôm. Vừa lo ổn định sau chiến tranh để xây dựng hòa bình độc lập, lại vừa phải lo mở rộng bờ cõi nước Đại Việt về phương Nam. Đối đầu với những khó khăn sau khi chiến tranh kết thúc, vua đã ra lịnh ban thưởng cho người có công, phạt kẻ có tội và lo cải tổ giáo dục chữ Nôm. Năm 1281, vua cho dựng nhà học ở phủ Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định) dạy chữ Nôm và trở thành chữ Quốc ngữ bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm thơ văn ở Đại Việt. Cải cách việc thi tuyển chọn hiền tài, dân sự, quan quân hay vương tộc đều buộc phải thi chung, không phân biệt dân hay quân.
Đến đây, chúng ta thấy vai trò của Tuệ Trung Thượng sĩ rất quan trọng, ông sư này ngoài vấn đề dạy học cho vua Trần Nhân Tông, ông còn quan hệ rất thân thiết với Thượng hoàng Trần Thánh Tông và đều là học trò của thiền sư Tiêu Dao. Hai người này giúp cho vua Trần Nhân Tông bài trừ mê tín, cờ bạc rượu chè, ca tụng dâm từ và các vấn đề tệ nạn xã hội khác, thay vào đó vua khuyên dạy dân chúng thi hành 10 điều thiện (ĐVSKTT). Dĩ nhiên, khi đất nước có giặc ngoại xâm thì toàn dân lo chống giặc và có tinh thần giữ nước, yêu nước và sợ mất nước. Nhưng lúc thời bình (sau năm 1288) thì mọi người quên nỗi khổ nhục trong chiến tranh, ai ai cũng ham tranh giành hưởng thụ, ai ai cũng thích bon chen danh lợi, lười biếng rèn luyện hành vi đạo đức làm người, bỏ tình nghĩa xóm làng và mê say vào các tiệc tùng ăn nhậu, chơi bời trụy lạc. Trong quốc nạn này, thời thiếu niên Trần Anh Tông đã từng bị sập bẫy cám dỗ bởi các nịnh thần nên thích rượu chè và thường đi chơi thâu đêm, có lần bị dân ném gạch trúng đầu (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, tr. 247). Ngay cả lúc lên làm vua thỉnh thoảng vẫn còn thói hư này nhưng nhờ vua cha tức Trúc Lâm Đại sĩ trừng trị nghiêm khắc và ngài Tuệ Trung khuyên dạy nên không thành tật nghiện, sau này bỏ được, chăm lo việc nước, chỉ có quan Nội thị Chánh chưởng Nguyễn Quốc Phụ làm Hành khiển bị tù đày vì nghiện rượu. Thiết nghĩ, đây là vấn đề lớn mà vua Trần Nhân Tông đã đề phòng trước, vậy mà tuổi trẻ của Trần Anh Tông cũng bị vướng vào, may điều chỉnh kịp thời. Nếu Trần Anh Tông giống như vua Lý Cao Tông (1173-1210), chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra… nghĩa là chưa chắc gì năm 1293 vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con Anh Tông và năm 1294 Thượng hoàng Trần Nhân Tông cũng chưa thể xuất gia (tập sự ăn chay, học Phật, tụng kinh, ngồi thiền) tại chùa Vũ Lâm[6] phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình được. Kể từ khi Thượng hoàng khai thị, rèn luyện, nghiêm khắc khuyên bảo Trần Anh Tông, vua đã trở thành một hoàng đế trị vì sáng suốt trong 5 năm, từ năm 1294 tới năm 1299 Thượng hoàng mới chính thức đi tu thật sự, bên đời – bên đạo bên nào cũng nước non và lẽ sống của một dân tộc.
Tuy Thượng hoàng xem Tuệ Trung Thượng sĩ là thầy mình, nhưng khi xuất gia lại kính trọng thiền sư Tuệ Huệ làm thầy xuất gia, vì Tuệ Trung mất năm 1291, hưởng thọ 62 tuổi, dẫu ngài còn sống cũng không làm lễ xuất gia cho vua được vì là một cư sĩ. Tháng 7 năm 1299 vua Trần Nhân Tông cho làm một am thiền đơn giản trên núi Yên Tử, gọi am Ngọa Vân (có nơi gọi Ngự Dược Am). Đến tháng 8, vua chính thức xuất gia, rời hoàng cung và phát nguyện từ nay cho đến cuối đời không đi bằng xe ngựa, chỉ đi bộ và tinh cần tu 12 hạnh Đầu đà, lấy hiệu Trúc Lâm Đại Sĩ; đồng thời cho lập tăng xá và giảng đường để thuyết Pháp độ Tăng … Từ đấy thiền sư Trúc Lâm khai sáng ra phái thiền mới, lấy tên thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái đậm chất văn hóa tư tưởng nhân văn của Đại Việt, Ngài trở thành vị Tổ đầu tiên của phái thiền này. Để đánh dấu ngày xuất gia của vua, cả nước phát hành cuốn sách Phật: Phật giáo Pháp sự Đạo tràng Công văn Cách thức, một cuốn sách nói về cách thức và các bài văn sớ, tấu, điệp, nghi lễ thọ giới, chẩn tế, cầu an, cầu siêu, khánh thành (Nguyễn Lang, sđd, tr.336). Hơn nữa, Phật giáo Đại Việt không thể không có 4 chúng: cư sĩ nam, cư sĩ nữ, tỷ kheo, tỷ kheo ni, nhất là hội chúng tăng già. Ngoài ra, giới luật Tỷ-kheo có thể chứa đựng các điều giới về cư sĩ, nhưng giới luật cư sĩ không thể chứa đựng giới luật Tỷ-kheo. Do đó, vua đã có ý lập Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm kể từ lúc này và dù vua xuất gia trở thành một Tỷ-kheo, có tên gọi Trúc Lâm Đầu Đà nhưng không quên việc nước: cố vấn, giúp đỡ Trần Anh Tông cai trị đất nước.
Mùa xuân năm Tân Sửu, 1301, Ngài vân du phương Nam, vào trại Bố Chính, lập am Tri Kiến để cư trú. Sách Tam Tổ thực lục cho biết “Tri Kiến am lập tại huyện Tri Kiến”, nay thuộc vùng Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nhân cơ hội gặp quan sứ Chiên Thành, vua bèn gợi ý rằng: nhân tiện chuyến đi này, Ta muốn đi thăm nước Chiêm Thành và chuyến đi được thông báo tới vua Chiêm. Khi tới Chiên Thành, vua Chế Mân tiếp đón và mời thiền sư Trần Nhân Tông lưu lại thành Đồ Bàn 3 tháng. Bây giờ Trúc Lâm không những là một vị có thẩm quyền về Phật giáo Đại Việt mà còn là một ông vua có tầm nhìn rộng lớn hơn người. Trúc Lâm Đại Sĩ cảm nhận và hiểu rõ một nước nhỏ như Chiêm Thành đã ảnh hưởng sâu đậm văn hóa, tôn giáo Ấn Độ, là quốc gia có nền văn hóa khá văn minh, đặc biệt về lĩnh vực âm nhạc, vũ điệu, chữ viết và kiến trúc…. Trong chuyến đi này, vua cố tạo sự giao hảo lâu dài giữa 2 nước – Chiêm Việt, nên đã đồng ý hứa gả con gái Huyền Trân cho vua Chế Mân, kết làm thông gia và để tạo niềm tin về mối quan hệ chính trị, tuy Chế Mân đã lớn tuổi, có 2 vợ và công chúa Huyền Trân mới vừa 14 tuổi. Tháng 2 năm 1305, Chế Mân sai Chế-bồ-đài và hơn 100 người đem báu vật sang nước ta để cầu hôn công chúa. Lúc này công chúa đã được 18 tuổi, còn vua đang ở chùa Kỳ Lân tại núi Yên Tử, mọi việc tiếp và nhận lễ giao ước cưới công chúa đều do vua Trần Anh Tông quyết định và chịu trách nhiệm. Chỉ nhìn cách đối xử này, chúng ta thấy thiền sư Trúc Lâm không chỉ là một vị tu sĩ uy nghiêm, minh bạch mà còn là vị Thái Thượng Hoàng rất tinh tế và mẫn tiệp về giao tiếp, không muốn vì chuyện gia đình mà phạm luật giới Tỷ-kheo của Phật (Tỷ-kheo không được mai mối). Tháng 6 năm 1306 công chúa Huyền Trân theo chồng về ở đất Chiêm Thành, vua Chế Mân dâng hai châu Ô và Lý cho Đại Việt để làm sính lễ. Khoảng một năm sau vua Chế Mân chết, vua Anh Tông sai Trần Khắc Chung[7] đi Chiêm Thành đón công chúa về nước. Sau đó, công chúa cũng xin vua cha Trần Nhân Tông cho xuất gia đi tu ở Vũ Ninh có tên đạo là Hương Tràng.
Thời gian hoằng hóa tính từ năm 1300, Thượng hoàng Trần Nhân Tông thường vân du khắp vùng để quan sát thế thái, dân tình. Theo Tam Tổ Thực Lục, Thượng hoàng chủ trương dẹp bỏ những nơi dâm từ tức những nơi thờ những ‘sinh thực’, vật thần linh, yêu ma, bùa phép, mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, ngài vẫn muốn phát huy tinh thần Lão và Nho, xem như Tam giáo đồng nguyên. Nghĩa là thiền sư Trúc Lâm đi tới đâu cũng được dân chúng ái mộ, kính trọng dù họ theo đạo Lão hay đạo Nho, nên lời khuyên của ngài có tác dụng rất lớn. Năm 1304, ngài khuyên toàn dân phải bỏ 10 điều ác và thực hành 10 điều thiện. Chắc chắn ngài thấy rõ 10 điều thiện là thể chế đạo đức xã hội và cũng là thức ăn, nước uống, hơi thở (nay gọi là môi trường – sinh thái) của một quốc gia độc lập. Cùng năm này, vua Trần Anh Tông thọ Bồ-tát giới tại chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường, dưới sự truyền giới của Trúc Lâm Đại sĩ, dịp này có rất nhiều quan chức, quần thần và dân chúng phát tâm thọ Tam quy và năm giới cấm. Điều này không hẳn đã tốt, vì mọi hành vi trong đạo Phật đều xuất phát từ sự phát tâm hay tự nguyện. Nếu ai đó thấy vua mà theo đạo thì số lượng quần chúng theo đạo càng đông. Đây cũng là sự bất cập của Tăng để đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của Phật giáo Đại Việt lúc bấy giờ. Năm 1305, Trúc Lâm cho Pháp Loa thọ giới Tỷ-kheo và Bồ-tát và dạy các bộ kinh luật Đại thừa, Tryền Đăng Lục; Đại Tuệ Ngữ Lục… cho Pháp Loa. Năm 1306, Pháp Loa được tập sự giảng đạo tại chùa Siêu Loại và đảm trách trú trì chùa này. Năm 1307, Tổ sư Trúc Lâm truyền y bát cho sư Pháp Loa, khi đó vừa được 24 tuổi, có vua Trần Anh Tông chứng kiến lễ truyền ngôi vị đệ nhị Tổ kế thế đời thứ 2 của thiền phái Trúc Lâm cùng đông đảo quần chúng tham dự. Năm 1308 (Mậu thân) thiền sư Trúc Lâm viên tịch vào giữa đêm ngày mùng 1 tháng 11 tại am Ngọa Vân trên núi Yên Tử.
Năm 1311, Phật giáo Đại Việt được thiền sư Pháp Loa tiếp tục truyền giới, giảng đạo cho quần chúng Phật tử, bài trừ các hủ tệ không đáng có. Thâu nhận đệ tử, xây chùa tháp, thỉnh Đại tạng kinh từ Trung Hoa đem về tôn trí tại chùa Quỳnh Lâm và ủy nhiệm cho Bảo Sát và Bảo Phát cùng nhiều tu sĩ chép lại ‘bản phó’, rồi khắc bản gỗ, cho in ra để lưu truyền khoảng hơn 6.000 quyển, với thời gian gần 20 năm. Theo Kiến Trúc Phật Giáo Việt nam của Nguyễn Bá lăng, thời Trần ít xây thêm chùa mà chỉ tu sửa lại và cơi nới rộng thêm rất nhiều chùa như chùa Diên Hựu, chùa Tư Phúc (nội thành), chùa Bối Khê, chùa Dâu, chùa Tiên Lữ, (chùa So), chùa Pháp Vũ (chùa Đậu) tại Hà Đông, xây dựng tháp chùa Phổ Minh tại Nam Định. Đây là kiểu rồng “Hải quái” (makara) có mũi dài uốn khúc, mình ngắn đuôi dài, tiếp tục kiểu rồng đời Lý, nhưng những con rồng này tạc nổi trên một phiến đá dài chứ không tách hẳn ra, như những khúc thân rồng vồng lên uốn xuống. Lại cũng vì vậy thường khi tạc không có vây chạy dọc trên sống lưng mà chỉ để một giải chạy dài từ vai theo nét thẳng của phiến đá (trường hợp rồng thềm chùa Đậu). Con rồng chùa Đậu cũng tạc to nặng, nhất là phần đuôi. Kiểu rồng đời Trần không mềm mại, tế nhị bằng kiểu rồng đời Lý.
Tư tưởng thiền của phái Trúc Lâm phản phất tính tổng hợp tinh hoa của các thiền phái từ Khương Tăng Hội tới phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, và Mật giáo chánh Phái (Bát Nhã), loại bỏ hoàn toàn Mật giáo thần bí. Ngoài ra, còn có chọn thêm căn bản thiền của Phật giáo Ấn Độ, Như Lai thiền của Chăm Pa, Chiêm Thành và Tổ sư thiền Trung Hoa. Nếu tìm hiểu kỹ càng, chúng ta thấy rất rõ thiền phái Trúc Lâm có mầm giống từ thiền sư Hiện Quang, người thực hiện là Tổ sư Trúc Lâm Quốc sư – Đạo Viên dẫn tới thiền sư Trúc Lâm là 6 đời[8]. Có lẽ vì lý do này mà Tổ đã chọn tên Trúc Lâm làm thiền phái cho Phật giáo Đại Việt. Sứ mệnh của thiền phái này là đưa đạo Phật vào quần chúng xã hội và giải quyết đời sống tinh thần cho con người, bên cạnh Tăng-già thực tu thực chứng. Điều này thấy rất rõ ý thức tổ chức của Trúc lâm Đại sĩ là muốn biến núi Yên tử thành tòng lâm tu viện, đỉnh cao rèn luyện từ một người u mê thành người giác ngộ, như vậy trong một năm ở đây phải tổ chức an cư 4 mùa. Ngoài Yên Tử ngài còn tổ chức sinh hoạt một mùa an cư trong một năm tại các chùa lớn như chùa Chân Giáo và An Tràng Viện trong nội thành, chùa Báo Ân, Sùng Nghiêm, Vĩnh Nghiêm, Siêu Loại, Quỳnh Lâm, Thanh Mai, Côn Sơn… là những trung tâm giảng đạo và hướng dẫn cho các Phật tử tại gia tu học. Độc lập tư tưởng thiền học của Trần Nhân Tông rất rõ ràng: (1) Thành lập Giáo hội Tăng-già Đại Việt vững mạnh từ tinh thần đến thể chất, người đứng đầu là Trúc Lâm Đại sĩ. (2) Phật tử cư sĩ tại gia tu học Thập thiện, chuyển đổi văn hóa Phật giáo từ gia đình tới xã hội, ví dụ như Hội nghị Diên Hồng do Trần Nhân Tông hiệu triệu và 10 người như một. Đó là tinh thần hòa hợp của Phật giáo, một Phật tử trước hết phải biết làm người, một con người tự do, không bị ép buộc. Từ trẻ đến già đều nâng cao ý thức, gìn giữ bản sắc văn hóa đạo đức, lấy tinh thần tự chủ – độc lập để khẳng định quốc túy, quốc hồn cho cội nguồn nòi giống của một dân tộc.
Tuy nhiên, đến đời con Trần Anh Tông lên ngôi làm vua thì mật giáo, thần bí và mê tín xuất hiện rất nguy hiểm. Sau khi Tổ Trúc Lâm viên tịch, thiền phái giao cho đệ nhị Tổ Pháp Loa, cũng là bậc thầy của vua Trần Anh Tông. Năm 1311 có vị Ba-la-môn Ấn Độ tên là Du-chi-ba-lam tới kinh thành và tự xưng là sống 300 tuổi, có thể ngồi trên nước lại có thể thu cả ngũ tạng lên ngực, làm cho trong bụng lép xẹp, chỉ còn da bụng và xương sống thôi” (Đại Việt Sử ký Toàn thư). Vị Bà-la-môn này có cô con gái tên là Đa-la-thanh được vua Trần Anh Tông tuyển làm cung phi. Năm 1318, vua cho người đi thỉnh tăng sĩ Ấn Độ tên là Ban-để-đa-ô-sa-thất-lợi về dịch kinh Mật giáo có tựa đề ‘Kinh Bạch Tán Thần Chú’. Vua và các vương tôn khác như Văn Huệ Vương, Uy Huệ Vương cũng ưa thích nhận lễ quán đảnh theo nghi lễ Mật giáo thần bí này. Cũng năm này vua Trần Anh Tông bị bệnh nặng và ngày 16 tháng 3 âm lịch năm Canh Thân (1320), vua qua đời ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường, hưởng dương 45 tuổi. Tuy nhiên, vua Trần Anh Tông vẫn là một vị vua tài giỏi và sáng suốt, mở rộng bờ cõi về phía Nam, giải quyết chiến tranh với Ai Lao và ngoại giao mềm mỏng với Nguyên – Mông. Chỉ tiếc vua theo Phật nhưng sùng mộ Nho, Khổng và Mật giáo thần bí khiến cho thiền phái Trúc Lâm yếu dần. Mãi cho tới đời vua Trần Minh Tông thì phải làm Thái Thượng Hoàng suốt 2 đời vua cho đến khi thấy được dấu hiệu suy sụp của triều Trần sắp kết thúc. Có lẽ giai đoạn này đã xem thường tư tưởng thiền Trúc Lâm của Tổ sư Trần Nhân Tông chăng!?
- Kết luận
Nói chung tinh thần độc lập tư tưởng thiền của Trần Nhân Tông đã để lại cho nước Việt và Phật giáo Việt Nam một gia tài vô giá. Ngoài các giá trị khác, lịch sử tư tưởng nhân văn và Phật giáo đến nay vẫn còn đang cần có những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc hơn. Ở đây chúng tôi chỉ “Tìm hiểu tinh thần độc lập tư tưởng thiền học của Trần Nhân Tông” cũng là một mảng lớn trong dòng lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc và xây dựng Phật giáo Đại Việt thống nhất. Tư tưởng thiền học của Trần Nhân Tông là sự tổng hợp cả ba pháp môn: thiền-tịnh-mật (Mật tông chánh giáo, dùng kinh Kim cương làm tông chỉ) đồng tu, Phật-Lão-Nho cùng một nhà. Hay nói cách khác, tư tưởng Phật giáo đời Trần là đúc kết từ Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa và Việt – Chiêm tạo thành nét riêng cho Đại Việt, giàu tính Từ Bi và Cứu Khổ cho con người, trang nghiêm tịnh độ ở cõi Ta-bà như Phật quốc đọ. Dĩ nhiên tinh thần tư tưởng đó chỉ để phục vụ cho người Việt, đất Việt biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt.
Do đó, ở đây chúng tôi chỉ gợi mở vấn đề mà chưa thể đưa ra phương pháp giải quyết, lý do đơn giản là tư liệu bị mất gần như không còn gì nhiều. May mắn, chúng ta còn các bộ chủ chốt quan trọng như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Thơ Văn Lý Trần, Thiền Uyển Tập Anh là những tài liệu quý hiếm đã cung cấp các thông tin còn đang mất hoặc đã bị đốt cháy thành tro bụi (vì binh lửa đốt cháy, số còn chỉ một hai trong ngàn trăm)[9]. Những tác phẩm văn học Phật giáo của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Pháp Loa, Huyền Quang… đến nay có tìm thấy chút ít, không đáng kể. Về truyền thừa Thiền phái: Sơ Tổ Trúc Lâm Đại Sĩ, đệ nhị Tổ Pháp Loa, đệ tam Tổ Huyền Quang, An Tâm, Tĩnh Lự Phù Vân… truyền xuống tính được 23 đời, đời thứ 23 là thiền sư Vô Phiền (Nguyễn Lang, sđd, tr.239).
Tóm lại, tư tưởng thiền phái Trúc Lâm giữ được đến cuối đời vua Trần Minh Tông (1357), tiếp theo vua Trần Dụ Tông không giữ được, có nhiều lý do nhưng theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, vị hoàng đế này ham mê hưởng lạc, rượu chè, đánh bạc, lại xây dựng nhiều cung điện xa hoa lộng lẫy, tin dùng nho quan và nịnh thần. Sự suy kiệt này so với nhà Lý không khác mấy như chúng tôi đã viện dẫn nhiều lý do nêu trên. Cho đến khoảng 8 năm sau (1361-1368), ở phía Nam bị Chiêm Thành đánh và dần mạnh lên, liên tục đánh phá Đại Việt, triều Trần đến thời kỳ suy yếu và chuyển sang nhà Hồ (1399) nhằm đời Trần Thiếu Đế và tổng cộng Trần Triều cai trị 12 đời, thời gian được 175 năm). Thêm vào đó, năm 1406, nhà Minh gởi Trương Phụ sang xâm lăng đánh nhà Hồ tới tháng 7 năm Mậu Tuất (1419) phá hủy hết đền chùa am miếu, đốt sách và những gì quý thì chở về Kim Lăng (ĐVSKTT và Việt Kiệu Thư Q.II, tờ 25a; Thơ Văn Lý Trần, Tập I, Nguyễn Huệ Chi, tr. 58). Thay vào đó, họ cho dân chúng ta học lại Khổng-Lão-Phật theo cách của họ, nhưng dân ta vẫn học theo cách của Đại Việt. Rõ ràng tư tưởng thiền Phật giáo thời Trần đã độc lập cho nó và có vai trò nhất định trong lịch sử dân tộc. Dù nhà Minh đốt hết kinh sách, tiêu diệt hiền tài…, nhưng tinh thần ấy đã sống lại vào thời hậu Lê, và được tiếp nối mãi cho tới thời đại Triều Nguyễn.
Tài liệu tham khảo
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
- Thơ Văn Lý Trần, tập I & II
- Thiền Uyển Tập Anh
- An Nam chí lược
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục
- Việt Nam sử lược
- Quốc Sử Quán Triều Nguyễn
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, tập I, Hà Nội, 1992
- Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Thái Tông, nxb. Tp HCM, 2004
- Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Nhân Tông, nxb. Tp HCM, 2000
- Nguyễn Bá Lăng, Kiến Trúc Phật giáo Việt Nam, Quyển I & 2
[1] Đàm Dĩ Mông đã đề nghị sa thải tăng đồ với lời lẽ hết sức cay nghiệt: “Nay Tăng đồ cùng với dịch phu quá nửa, bọn chúng tự kết bè đảng, dựng bậy thầy trò, tụ nhóm, ở bầy, làm nhiều việc dơ, hoặc ở đàn tràng tịnh xá, ngang nhiên rượu thịt, hoặc tại thiền phòng tịnh viện riêng tự gian dâm, ngày ẩn tối ra, như đàn cáo chuột. Chúng làm nát tục hư đạo dần dần thành thói. Việc đó nếu không ngăn trừ, để lâu càng tệ thêm” (Đại Việt sử lược 3 tờ 13a10-b2).
[2] Biển thời xưa là cửa khẩu giao lưu văn minh, văn hóa, chính trị, trao đổi thương mại… rất quan trọng, có khi nó lại là con đường huyết mạch của triều đình. Do đó, nói tới biển là nói tới địa bàn sinh hoạt của giới trí thức và giới chính khách đầy quyền lực.
[3] Trần Lý có 3 người con: Trần Thừa, Trần Nhị Nương (tức Trần Thị Dung) và Trần Tự Khánh; Trần Thừa có 2 người con: Trần Liễu và Trần Cảnh; Trần Nhị Nương là vợ của Lý Huệ Tông có 2 con gái họ Lý: người chị làm vợ Trần Liễu và người em làm vợ Trần Cảnh. Sau Trần Cảnh làm vua bị buộc phải chiếm luôn vợ của người anh mình (Trần Liễu), còn vợ mình tức Công chúa Chiêu Thánh lại đem gả cho tướng Lê Phụ Trần tức thầy dạy của Trần Nhân Tông. Sau khi vua Lý Huệ Tông tự tử chết tại chùa Chân Giáo, Trần Nhị Nương phải làm vợ Trần Thủ Độ, nhưng khi vua còn đang tại vị, bà Nương luôn phải đương đầu với chén thuốc độc của Đàm Thái Hậu, rồi sau đó lại bị tai tiếng với Tô Trung Từ, nên Tô Trung Từ phải chết. Như vậy, cuộc đời bà Nhị Nương không phải chỉ toàn thảm hoa và nhung lụa.
[4] ĐVSKTT, 5 tờ 24a9-b3 Ngô Sĩ Liên ghi: “Trần triều khi con lớn liền cho nối ngôi, cha lui ở hậu cung, trông coi chính sự. Kỳ thực chỉ truyền ngôi cho yên việc sau này… còn mọi việc phần lớn đều phải hỏi ý Thượng hoàng.”
[5] Hội nghị Bình Than (1282) Và Hội nghị Diên Hồng (1284) do vua Trần Thánh Tông triệu tập để lo chống ngoại xâm. Năm 1287 nhường ngôi cho Thái tử Trần Khâm tức vua Trần Nhân Tông lên làm Thái Thượng Hoàng. Hai cuộc chiến chống Nguyên-Mông là cuộc chiến toàn dân, gồm có Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ-Trần Quốc Tung, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, Trần nhật Duật, Nguyễn Khoái …
[6] Theo Nguyễn Lang, tại làng Vũ Lâm có sẵn một hành cung của vua Trần Nhân Tông để vua nghỉ dưỡng, ăn chay và tu niệm. Khoảng 1 hay 2 tuần lại về lại hoàng thành. Sau này dân làng biến cái am cung này thành chùa Vũ Lâm.
[7] Trần Khắc Chung là nhà chính trị giỏi, nhà ngoại giao thông minh hiếm có, lại có kiến thức uyên thâm, am hiểu Phật học sâu rộng, giữ tình, giữ nghĩa, trọn đạo trung với vua, hiếu với nước. Không những ông đã thừa lệnh của vua Trần Anh Tông đi cứu công chúa, mà còn cứu cháu – con – em gái của vua một triều đại cho nước nhà chứ đâu phải chuyện tầm thường (như thói đời nghi ngờ việc tình cảm nẩy sinh giữa Chung và công chúa). Ngoài ra, ông cũng đã thừa lệnh vua Trần Anh Tông soạn lời bạt cho cuốn sách của Trúc Lâm viết về Tuệ Trung Thượng Sĩ, tức Trần Quốc Tung, anh cả của danh tướng Trần Hưng Đạo, người mà Trần Nhân Tông tôn kính trọng: Một hôm, Phật Hoàng sai đem quyển lục đó ra (cuốn sách ghi những lời dạy của Tuệ Trung Thượng Sĩ) nói rằng: ‘Để duy trì Phật pháp, thần hãy viết riêng một lời tựa, cùng khắc bản in ra để truyền bá cho dân chúng’. Hoàng đế bèn sai tôi (Trần Khắc Chung), kính cẩn viết lời bạt ở sau…Thần kính cẩn đặt bút viết lời bạt. Trần Khắc Chung. Như vậy cũng đủ cho ta biết Chung là một cư sĩ tại gia thuần thành như thế nào?! Và sẽ không có chuyện thấp hèn, thiếu ý thức.
[8] 1. Hiện Quang, 2. Đạo Viên, 3. Đại Đăng, 4. Tiêu Dao, 5. Huệ Tuệ, 6. Trúc Lâm.
[9] Xen Lời tựa trong Việt Âm Thi Tập của Phan Phu Tiên; và Tân Tuyển Việt Âm của Nguyễn Tử Tấn