PGS.TS. Đặng Văn Thắng
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
- Kiến trúc Phật giáo thời Trần
Kiến trúc Phật giáo thời Trần (1225-1400) cũng có các loại như: chùa hang, tháp và chùa tháp như thời Lý, nhưng có sự kế thừa và phát triển.
- Chùa Hang São
Thời Trần vẫn có chùa hang như thời Lý. Đó là chùa Hang São nằm trong núi São, cao 150m so với mặt ruộng, cửa hang quay theo hướng Đông Bắc, gần song song so với tả ngạn sông Chảy, cách sông chảy khoảng 500m, thuộc địa khối Đông nam dãy Phu Sa Phìn, chạy dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, thuộc thôn São, xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Chùa có tên gọi theo tiếng địa phương là chùa São vì ở đây có đàn chim São bay về và làm tổ trong hang. Chùa có tên chữ là Hương Thảo tự, với ý nghĩa: “Mùi thơm của các loài cây nơi núi cao”. Chùa Hang São cách Uỷ ban Nhân dân xã Tân Lập 1.2km về hướng Nam, cách huyện lỵ Yên Thế 25 km về hướng Bắc, cách thành phố Yên Bái 82km về hướng Nam. Chùa Hang São được các cư dân Tày xây vào thế kỷ XIII – XIV để thờ Phật. Chùa Hang São là một ngôi chùa sử dụng hang tự nhiên để xây chùa, từ lâu đời đã được nhân dân sử dụng làm nơi thờ cúng. Chùa hang chia làm ba chùa; chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.
Chùa Hạ, là một mái đá có mặt nền gồ ghề, cách mặt ruộng hiện tại 2m, rộng 10m, sâu 5m, chính giữa là một ban thờ bằng đá khá bằng phẳng. Chùa Trung là một vách đá dựng đứng và được nối với chùa Hạ bằng một con đường nhỏ cheo leo bám theo vách đá. Chùa Thượng là ngôi chùa có diện tích lớn nhất, chùa có cấu tạo gồm 2 phần; hang trên và hang dưới: Hang trên (Tiền Đường) có mặt nền tương đối bằng phẳng, có đường thông với Trời, sâu hang 32m, rộng hang 38m, cao trần 15 – 18m, diện tích 1216m2. Hang dưới (Hậu cung) thấp hơn so với hang trên khoảng 5m, sâu hang 79m, rộng hang 22m, cao trần 15 – 18m, diện tích 1738m2 [2]. Theo Hà Văn Tấn, trong hang núi này, có cả một bệ thờ thời Trần bằng đất nung[3].
- Tháp Huệ Quang
Tháp Huệ Quang là tháp của Trần Nhân Tông. Tháp Huệ Quang (hay tháp Tổ) là tháp được làm bằng đá có sáu tầng, cao 10m. Đế tháp hình sáu cạnh, làm bằng 46 phiến đá lớn, ghép với nhau bằng các lỗ cá đổ chì. Mặt ngoài chạm hoa văn sóng nhô cao nhiều lớp. Bên trên là đài sen 102 cánh, đỡ lấy thân tháp hình vuông. Đỉnh tháp là một búp sen.
Tầng thứ hai mở một của hướng nam, trong có pho tượng Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông khoác áo cà sa, để trần vai phải theo phong cách Amaravati của Nam Ấn Độ (hình 1). Tượng tạc bằng đá trắng, cao 0,65m[4], đặc trên bệ đá có chạm hoa văn trong năm ô. Ba ô giữa chạm đề tài thay vì “Luỡng long chầu ngọc” lại được thể hiện một cách rất sáng tạo là “Lưỡng long chầu hoa sen”. Hai ô ngoài cùng chạm hoa cúc (hình 2). Hoa sen (tiếng Phạn: padma) trong Phật giáo là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên (svayambhu). Theo kinh Lalitavistara, phần tâm linh của con người thì vô nhiễm, giống như hoa sen mọc trong bùn mà không bị hôi tanh bởi bùn. Còn theo Phật giáo Mật tông thì trái tim con người giống như đóa sen, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên tòa sen[5]. Hoa cúc với đặc điểm “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” (lá không rời cành, hoa không rụng xuống đất) đã hàm ý tượng trưng cho khí tiết kiên trung của người quân tử. Trong phong thủy, hoa cúc vàng là biểu tượng của sự sống, tăng thêm phúc lộc và niềm vui[6].
Hình 1: Tháp Huệ Quang – tháp Tổ Trần Nhân Tông
Nguồn: http://vietsensetravel.com/thap-to-n.html |
Hình 2: Tượng Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Nguồn: http://vietsensetravel.com/thap-to-n.html |
- Chùa Phổ Minh
Chùa Phổ Minh, còn gọi là chùa Tháp, cách thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định khoảng 5km về phía bắc. Theo sử biên niên thì chùa Phổ Minh được xây dựng vào năm 1262, ở phía tây cung Trùng Quang của các vua đời Trần. Nhưng theo các minh văn trên bia, trên chuông, thì ngôi chùa này đã có từ thời Lý. Có thể chùa đã được xây dựng lại với quy mô rộng lớn từ năm 1262. Tháp Phổ Minh ở trước chùa Phổ Minh chứ không còn ở vị trí trung tâm và có tượng Phật bên trong như tháp Phật Tích thời Lý. Nhiều viên gạch xây tháp ghi niên hiệu Hưng Long năm thứ 13 (1305). Tháp xây dựng vào khoảng 1305-1310, có 14 tầng, cao 21,2m, trên mặt bằng vuông, cạnh đế tháp rộng 5,21m. Bệ tháp bằng đá, đỡ một tòa sen với hai hàng cánh, một úp, một ngửa. Bệ có đường viền trang trí các hình hoa lá. Tầng thứ nhất có cạnh rộng 3,2m, có bốn trụ đá vuông ở bốn góc để đỡ những cây đà bằng đá ở trên, có đầu nhô ra khỏi thân tháp. Chi tiết này khiến ta nhớ đến những kết cấu kiến trúc gỗ. Chân các trụ đá có trang trí hoa văn sóng nước, mây cuốn đặc trưng cho phong cách trang trí thời Trần. Tầng thứ nhất có bốn cửa cuốn ở bốn mặt. Khuôn cửa cũng bằng đá. Tường thì xây gạch. Các tầng trên hoàn toàn xây bằng gạch, thu nhỏ dần, đều trổ bốn cửa cuốn tò vò, giữa các tầng là gờ mái. Mặt ngoài những viên gạch các tầng trên được trang trí hình rồng. Tháp Phổ Minh là nơi chứa xá lị của Trần Nhân Tông[7] (hình 3).
Hình 3: Tháp ở chùa Phổ Minh
Nguồn: http://lendang.vn/destination/thap-pho-minh-nam-dinh.html |
Trong chùa Phổ Minh có một bộ hiện vật rất quý đó là bộ cánh cửa bằng gỗ lim ở gian giữa nhà tiền đường, là di vật còn lại từ thời Trần. Bộ cửa gồm hai cánh, mỗi cánh được chế tác từ tấm gỗ dày. Phần trên mỗi cánh cửa chạm một con rồng thời Trần. Hai cánh ghép lại có hai rồng theo kiểu “Lưỡng long tranh châu”. Phần dưới chạm hoa cúc nằm giữa hai trụ đỡ, dưới cùng là chạm hoa văn sóng nước (hình 4).
Hình 4: Bộ cánh cửa bằng gỗ ở chùa Phổ Minh
Nguồn: https://no.wikipedia.org/wiki/Fil:National_Museum_Vietnamese_History_32.jpg
|
- Chùa Dâu, chùa Thái Lạc, chùa Bối Khê, chùa Lấm theo kiểu Mandala
Theo Hà Văn Tấn, có thể nhận ra một số bộ phận kiến trúc gỗ của các ngôi chùa thời Trần. Đó là vì nóc nhà thượng điện chùa Dâu (thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), vì nóc nhà thượng điện cũng như những bức cốn chùa Thái Lạc (thôn Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và nhà thượng điện khá nguyên vẹn của chùa Bối Khê (thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội) (hình 5). Kết cấu các nhà thượng điện này khá gống nhau, có một gian hai chái, với bốn cốt cái khá lớn và mười hai cột quân. Có hai bộ vì đỡ hai mái chính và hai mái bên. Bộ vì đều làm theo kiểu giá chiêng[8]. Kiểu nhà một gian hai chái, với bốn cột cái khá lớn và mười hai cột quân (cột con) ở bốn bên như thượng điện chùa thời Trần và có thể mở thêm bốn bên cho rộng hơn với hai mươi cột hành (cột hiên) như thượng điện chùa Chúa Nguyễn và triều Nguyễn là những kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đặc biệt dành riêng cho Phật, cho Thần…Đó cũng là kiến trúc theo kiểu Mandala (hình 6). Mandala (sa. मण्डल maṇḍala, मंड “tinh túy” + ल “chứa đựng”, zh. 曼陀羅, hv. Mạn đà la) là một hình vẽ biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của một bậc giác ngộ. Trong tiếng Sanskrit, mandala có nghĩa là một trung tâm (la) đã được tách riêng ra hay được trang điểm (mand). Có thể coi mandala là một hình vũ trụ thu nhỏ. Theo ý nghĩa thực tiễn thì mandala là đàn tràng để hành giả bày các lễ vật hay pháp khí cho nghi thức hành lễ, cầu nguyện, tu luyện…Các tín đồ Ấn giáo, Phật giáo, sử dụng mandala như một pháp khí linh thiêng, còn đối với các tín đồ Đại thừa, Kim cương thừa thì Mandala là một mô hình về vũ trụ hoàn hảo, trong đó có một hay nhiều vị thần ngự trị[9].
Hình 5: Chi tiết vì Nóc Thượng điện và chi tiết đầu Dư Thượng điện chùa Bối Khê
Nguồn: http://langnghevietnam.vn/?go=New&page=d&igid=699&iid=29416
|
Hình 6: Kiến trúc theo kiểu Mandala
Nguồn: Đặng Văn Thắng |
Năm 1972, các nhà khảo cổ học đã khai quật một phế tích thời Trần và tìm ra được mặt bằng của một ngôi chùa thời Trần, chùa Lấm, trên đảo Thừa Cống thuộc tỉnh Quảng Ninh, trong vịnh Bái Tử Long[10]. Chùa Lấm có ba nếp nhà xây theo kiểu chữ Tam (三). Trong ba nếp nhà này, thì nếp nhà giữa là nhà thượng điện hay nhà chính điện. Ngôi nhà này có nền gần hình vuông, với 4 cột cái và 12 cột quân, ở giữa lại có bệ đá hoa sen, khiến chúng ta liên tưởng đến nhà thượng điện chùa Bối Khê. Nền của chùa này cũng đắp cao hơn nền hai nếp nhà kia như ở thượng điện chùa Bối Khê. Vì vậy, hoàn toàn có căn cứ để nghĩ rằng, nếu các kết cấu gỗ còn thì ta sẽ gặp ở đây một kiến trúc tương tự nhà thượng điện chùa Bối Khê hay chùa Dâu[11], là kiến trúc theo kiểu Mandala.
Cũng theo Hà Văn Tấn, một mô hình bằng đất nung được tìm thấy trong một ngôi mộ thời Trần (thôn Phạm Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Binh cho thấy được một cụm nhà xây theo kiểu chữ Công (工). Có nhà ở kiểu chữ Công thì rất có thể có chùa kiểu chữ Công[12].
- Bệ Phật (bàn đá, tòa kim cang) thời Trần
Có khoảng năm chục chiếc bệ Phật bằng đá trong các chùa, chỉ có bệ bằng đá mà không có tượng Phật bên trên. Theo Hà Văn Tấn các bệ này là một khối chữ nhật bằng đá khá lớn, đơn cử như bệ đá ở chùa Bối Khê cao 1,16m, dài 2,4m, rộng 1,16m. Bệ được chia làm ba phần. Phần trên chạm tòa sen, thường có hai lớp cánh ngửa và một lớp cánh úp. Phần giữa thu nhỏ, chia thành từng ô, chạm các hình rồng, sư tử, hoa sen, hoa cúc…Bốn góc có hình chim thần Garuda. Phần đế bệ thường được làm theo kiểu chân quỳ, đôi khi cũng chạm các hình trang trí khác. Theo các dòng chữ trên các bệ này thì chúng được gọi bằng các tên khác nhau như “bàn đá”, “bệ Phật”, “tòa kim cang”…Cho đến nay đã tìm được khoảng năm chục chiếc bệ Phật kiểu này trong các chùa. Một số bệ có niên đại như bệ chùa Long Hoa (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) làm năm 1364, bệ chùa Hương Trai (xã Hương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội) làm năm 1370, bệ chùa Đại Bi (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội) làm năm 1374, bệ chùa Thắng Phúc (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội) làm năm 1375, bệ chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) làm năm 1382, bệ chùa Phổ Quang Tiên (xã Xuân Lũng, huyện Phong Châu, Phú Thọ) làm năm 1386, bệ chùa Long Khánh (xã Tống Trân, huyện Phú Tiên, tỉnh Hưng Yên) làm năm 1394 (hình 7)…Cũng có những bệ làm bằng đất nung[13].
Hình 7: Bệ Phật bằng đá ở chùa Thầy
Nguồn: Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), tr.31. |
Chỉ có bệ Phật bằng đá mà bên trên không có tượng Phật là thể hiện tư tưởng cao siêu của Phật giáo thời Trần: “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” (Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc; Sắc tức là Không, Không tức là Sắc) (Bát Nhã Tâm Kinh). Bát Nhã Tâm Kinh là bài kinh ngắn, toát yếu lại bộ Kinh Đại Bát Nhã gồm 25.000 câu. Riêng bản Hán văn, do pháp sư Huyền Trang dịch từ nguyên tác tiếng Sanskit chỉ có 260 chữ[14]. Chữ “Không” trong tiếng Sanskit là Sunya (Pali là Sunna) để gọi Tánh Không, là thực thể không, là một cái chân không hằng hữu của các pháp, không phải trống rỗng, không có gì. “Không” nghĩa là không thực, không tồn tại vĩnh viễn của mọi hiện tượng sự vật. Mọi sự vật hiện tượng đều có mặt theo duyên sinh, nên bản chất của nó là vô thường. Chữ “Không” trong Bát Nhã Tâm Kinh là chỉ cho cái không tồn tại vĩnh viễn, bền lâu của mọi hiện tượng sự vật[15].
Phật giáo thời Trần là Phật giáo biện tâm, lấy tâm làm trọng, trực chỉ chơn tánh, tức Phật tánh của mỗi người. Chính vì vậy, bệ Phật bằng đá của Phật giáo dưới thời Trần chỉ có bệ Phật mà không có tượng Phật, thể hiện rõ nét tinh thần bất nhị giữa Không và Sắc qua nội dung sâu xa trong Bát Nhã Tâm Kinh: “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”.
Borobudur, Barabodur hay Ba La Phù đồ (tiếng Indonesia: Candi Borobudur) là một ngôi đền Phật giáo có niên đại từ thế kỷ thứ IX toạ lạc ở Magelang, miền trung Java, Indonesia, là một trong những ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới. Đền Borobudur (Borobudur Temple) mô tả khái niệm tam giới vũ trụ của Phật giáo: Kamadhatu (Dục giới), Rupadhatu (Sắc giới) và Arupadhatu (Vô sắc giới). Ngôi đền có chín tầng, xếp chồng lên nhau bao gồm sáu vuông, ba tròn và trên cùng là một mái tròn theo kiểu Mandala. Ngôi đền được trang trí bằng 2672 tấm phù điêu chạm khắc nổi và 504 pho tượng Phật. Mái vòm trên cùng được bao quanh bởi 72 pho tượng Phật, mỗi tượng được đặt trong một phù đồ hay tháp (Stupa). Hai cõi Dục giới và Sắc giới có dạng gần vuông. Cõi Vô sắc giới có dạng hình tròn có đặt 72 tháp chuông hình mắt cáo, bên trong có đặt 72 tượng Phật ngồi tạo thành ba vòng tròn theo kiểu Mandala (tính từ trong ra: vòng một có 16 tháp, vòng hai có 24 tháp, vòng ba có 32 tháp) (hình 8). Riêng trên cùng của đền Borobudur và cũng là trung tâm, là tâm điểm của Mandala này đáng lẽ theo Mandala trong Phật giáo sẽ là vị Phật trung tâm (hình 9) lại chỉ là một tháp tròn hình chuông lớn nhất, ngoài ra không thấy gì cả[16] (hình 10). Đó cũng chính là thể hiện tư tưởng “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” trong Bát Nhã Tâm Kinh ở đền Borobudur.
Hình 8: Bình đồ toàn thể đền Borobudur, biểu hiện Tam giới: Dục giới kamadhatu, Sắc giới rupadhatu, và Vô sắc giới arupadhatu
Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Borobudur |
Hình 9: Mandala trong Phật giáo
Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%A1n-%C4%91%C3%A0-la |
Hình 10: Cõi Vô sắc giới thể hiện tư tưởng “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” ở đền Borobudur
Nguồn: http://chuaadida.com/chi-tiet-indonesia-day-manh-khai-thac-du-lich-thanh-dia-phat-giao-borobudur-8660.html |
Kết luận
Kiến trúc Phật giáo thời Trần (1225-1400) cũng có các loại như: chùa Hang São được các cư dân Tày sử dụng hang tự nhiên để xây chùa xây vào thế kỷ XIII – XIV để thờ Phật, trong hang núi này, có cả một bệ thờ thời Trần bằng đất nung; Tháp Huệ Quang là tháp của Trần Nhân Tông. Tháp Huệ Quang (hay tháp Tổ) là tháp được làm bằng đá có sáu tầng, cao 10m. Tầng thứ hai mở một của hướng nam, trong có pho tượng Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông khoác áo cà sa để trần vai phải theo phong cách Amaravati của Nam Ấn Độ; Chùa Phổ Minh, còn gọi là chùa Tháp. Chùa Phổ Minh được xây dựng vào năm 1262, ở phía tây cung Trùng Quang của các vua đời Trần. Tháp Phổ Minh được xây dựng vào khoảng 1305-1310, có 14 tầng, cao 21,2m. Tháp Phổ Minh là nơi chứa xá lị của Trần Nhân Tông; Chùa Dâu, chùa Thái Lạc, chùa Bối Khê, chùa Lấm có kết cấu nhà thượng điện một gian hai chái, với bốn cốt cái khá lớn và mười hai cột quân ở bốn bên là theo kiểu Mandala.
Có khoảng năm chục chiếc bệ Phật bằng đá trong các chùa, chỉ có bệ bằng đá mà không có tượng Phật bên trên. Các bệ này là một khối chữ nhật bằng đá khá lớn, đơn cử như bệ đá ở chùa Bối Khê cao 1,16m, dài 2,4m, rộng 1,16m. Chỉ có bệ Phật bằng đá mà bên trên không có tượng Phật là thể hiện tư tưởng cao siêu, tính bất nhị giữa Không và Sắc của Phật giáo thời Trần: “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” (Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc; Sắc tức là Không, Không tức là Sắc) (Bát Nhã Tâm Kinh).
Từ việc nghiên cứu kiến trúc và bệ Phật của Phật giáo thời Trần có thể góp phần vào việc nghiên cứu tư tưởng, văn hóa của Phật giáo thời Trần, nghiên cứu Phật giáo thời Trần, Phật giáo Việt Nam và văn hóa Việt Nam./.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Văn Ninh và Trịnh Cao Tưởng (1974), Chùa Lấm (Quảng Ninh) một phế tích đời Trần mới được khai quật, Khảo cổ học, số 15 – 1974, tr.58-63.
- R.Srinivasan (2003), Temples of South India, National Book Trucst, India.
- Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Việt Nam (in lần thứ năm có bổ sung, sửa chữa), NXB Thế Giới.
- Đặng Văn Thắng (2017), Kiến trúc và tượng trong tháp, chùa Việt Nam (tiếp cận Khảo cổ học Phật giáo), Khảo cổ học, số 4 – 2017, tr. 60-70.
- Thích Phước Tiến (2013), Bát Nhã Tâm Kinh luợc giảng, NXB Hồng Đức.
- http://yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=33&l=Ditichcaptinh
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_sen_(Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o)
- https://infonet.vn/hoa-cuc-co-y-nghia-tuong-trung-gi-post187321.info
- http://vietsensetravel.com/thap-to-n.html
- http://vietsensetravel.com/thap-to-n.html
- http://lendang.vn/destination/thap-pho-minh-nam-dinh.html
- https://no.wikipedia.org/wiki/Fil:National_Museum_Vietnamese_History_32.jpg
- https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%A1n-%C4%91%C3%A0-la
- http://langnghevietnam.vn/?go=New&page=d&igid=699&iid=29416
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Borobudur
- https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%A1n-%C4%91%C3%A0-la
- http://chuaadida.com/chi-tiet-indonesia-day-manh-khai-thac-du-lich-thanh-dia-phat-giao-borobudur-8660.html
[2] http://yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=33&l=Ditichcaptinh
[3] Theo Hà Văn Tấn Chùa Hang ở xã Đông Tâm, huyên Lục Yên, tỉnh Yên Bái – Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), Sđd, tr.29.
[4] Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), Sđd, tr.147.
[5] https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_sen_(Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o)
[6] https://infonet.vn/hoa-cuc-co-y-nghia-tuong-trung-gi-post187321.info
[7] Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), Sđd, tr.32 và 140.
[8] Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), Sđd, tr.27.
[9] https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%A1n-%C4%91%C3%A0-la
[10] Đỗ Văn Ninh và Trịnh Cao Tưởng (1974), Chùa Lấm (Quảng Ninh) một phế tích đời Trần mới được khai quật, Khảo cổ học, số 15 – 1974, tr.58-63.
[11] Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), Sđd, tr.29.
[12] Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), Sđd, tr.29.
[13] Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), Sđd, tr.30.
[14] Thích Phước Tiến (2013), Bát Nhã Tâm Kinh lược giảng, NXB Hồng Đức, tr.22.
[15] Thích Phước Tiến (2013), Sđd, tr.84 và 154.
[16] https://vi.wikipedia.org/wiki/Borobudur