Ngày 8 tháng 8 năm 2020, tại UBND Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra buổi làm việc giữa Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội với UBND Thị xã Đông Triều và Tập đoàn MyWay về tổ chức Hội thảo Khoa học: “Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử – kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch”.
Tham dự buổi làm việc, về phía Viện Trần Nhân Tông có PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, PGS. TS. Lại Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông cùng lãnh đạo các phòng chức năng của Viện; về phía UBND Thị xã Đông Triều có ông Phạm Văn Thành, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã cùng các Phó Chủ tịch và lãnh đạo các phòng, ban chức năng của Thị xã, ngoài ra UBND Thị xã còn mời Đại đức Thích Quảng Hiển, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thị xã Đông Triều cùng tham dự buổi làm việc này; đại diện Tập đoàn MyWay có ông Nguyễn Xuân Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần Cáp treo Tâm Đức (thuộc Tập Đoàn MyWay).

Mở đầu buổi làm việc, ông Phạm Văn Thành, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã phát biểu khai mạc với nội dung hoàn toàn ủng hộ việc Viện Trần Nhân Tông lựa chọn Đông Triều làm nơi tổ chức Hội thảo về Nhị tổ Pháp Loa và mong muốn phối hợp với Viện để cùng tổ chức Hội thảo này. PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông phát biểu giới thiệu những công việc chính mà Viện đã chủ động triển khai và đề nghị UBND Thị xã cũng như Tập đoàn MyWay cùng tham gia tổ chức Hội thảo. PGS. TS. Lại Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông thay mặt Ban Tổ chức, trình bày Đề án tổ chức Hội thảo với những nội dung chính như: Mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức Hội thảo; Thời gian và địa điểm tổ chức Hội thảo; Nội dung của Hội thảo; Đơn vị tổ chức và trách nhiệm của các bên… Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến sản phẩm của Hội thảo không chỉ là các bài viết được xuất bản mà còn là các đề xuất về chính sách nhằm phát triển Kinh tế – Xã hội và văn hóa của địa phương. Sau khi nghe nội dung của Đề án, lãnh đạo các phòng, ban chức năng của Thị xã cũng đã phát biểu, đóng góp ý kiến để đề án được hoàn thiện và mang tính khả thi nhất.


Kết luận buổi làm việc, PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn đã thống nhất một số nội dung về thời gian, kịch bản chi tiết và phân công các công việc cụ thể cho các bên tham gia tổ chức Hội thảo; ông Phạm Văn Thành thay mặt UBND Thị xã đồng ý với những nội dung của Viện đề xuất và chỉ đạo thành lập Ban Tổ chức của Thị xã để phối hợp Viện Trần Nhân Tông tổ chức Hội thảo; đại diện Tập Đoàn MyWay, ông Nguyễn Xuân Tuyến cũng phát biểu cam kết là nhà tài trợ chính cho Hội thảo.


Kết thúc buổi làm việc, PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn thay mặt lãnh đạo Viện tặng các lãnh đạo của UBND Thị xã Đông Triều cuốn kỷ yếu: “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại”; ông Phạm Văn Thành cũng thay mặt lãnh đạo UBND Thị xã tặng cán bộ của Viện Trần Nhân Tông cuốn sách của thị xã: “Đông Triều, Đất và Người”.
Thiền sư Pháp Loa (1284 – 1330), tục danh là Đồng Kiên Cương, là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài sinh ngày 7 tháng 5 năm Thiệu Bảo thứ 6 (1284) tại thôn Đồng Hòa, làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm Hưng Long thứ 12 (1304), Ngài được gặp Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông và xin được xuất gia, thụ giới Sa di tại liêu Kỳ Lân và được Sơ tổ ban cho pháp danh Thiện Lai. Chỉ trong vòng một năm học đạo, Ngài đã đắc đạo và được Sơ tổ ấn chứng. Năm Hưng Long 13 (1305), tại liêu Kỳ Lân, Sơ tổ cho Ngài được thụ giới Tỳ kheo và giới Bồ tát, và ban cho hiệu Pháp Loa. Năm Hưng Long 15 (1307), tại am trên đỉnh núi Ngọa Vân, Sơ tổ Trúc Lâm trao cho Ngài y bát và tâm kệ. Ngày mùng 1 tháng Giêng năm Hưng Long 16 (1308), tại chùa Siêu Loại, ở tuổi 25 và chỉ sau 4 năm xuất gia, Sơ tổ chính thức giao cho Ngài kế nhiệm trụ trì Sơn môn Yên tử, làm Tổ thứ hai Thiền phái Trúc Lâm. Thiền sư thu thần thị tịch vào đêm mùng 3 tháng 3 năm Khai Hựu thứ 2 (1330). Với 47 năm trụ thế, 26 năm tu đạo – hành đạo, Thiền sư Pháp Loa đã kế thừa và phát triển sự nghiệp mà Sơ tổ Trúc Lâm đã tạo lập, đóng góp nhiều mặt trong việc hoằng dương Phật pháp, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên tử. Trong sự nghiệp truyền đăng tục diệm, Thiền sư Pháp Loa thiết lập, định vị trụ xứ trung tâm truyền pháp của Sơn môn Trúc Lâm: Yên Tử – Quỳnh Lâm – Siêu Loại; xác lập tư cách Thiền giả qua Thanh quy chuẩn mực học Thiền, tu Thiền, ngộ Thiền, hoằng Thiền và qua giới luật Sa di – Tỳ kheo – Bồ tát; xác lập vững chắc tịnh sản (ruộng chùa, đất chùa, Tam bảo nô, v.v.) của hệ thống Thiền viện Thiền phái Trúc Lâm, góp phần ổn định đời sống bảo đảm việc học tập và tu tập cho chư tăng. Trong sự nghiệp giáo dục, Ngài thiết lập trường lớp tại các Thiền viện lớn của hệ phái Trúc Lâm, biên soạn điển tịch với nhiều môn loại như Lịch sử Phật giáo và Tông môn, Giáo điển, Thiền điển, Mật điển, nghi lễ ứng phú v.v., tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đào tạo tăng tài, kế thừa mệnh mạch và hoằng truyền Phật pháp. Trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, Ngài đã lập nhiều tự viện, trùng tu, đúc tạo, v.v., hàng loạt tùng lâm, bảo tháp, bảo tượng Phật – Bồ tát trên toàn lãnh thổ Đại Việt và thường xuyên tổ chức thuyết giảng kinh tịch, thực hành các nghi lễ cầu an, cầu siêu, Phật đản, Vu lan, v.v., đáp ứng nhu cầu học Phật và tín ngưỡng cho nhiều tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt hơn cả là với sự ngoại hộ của Hoàng thân quốc thích và quan dân đương thời, Ngài đã ấn tống nhiều điển tịch thuộc Đại tạng kinh, gồm nhiều kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa, các kinh sách của Thiền tông và điển tịch Phật giáo Việt Nam. Hoạt động in ấn kinh tịch của Đệ nhị tổ đã có đóng góp to lớn trong việc phổ biến kinh điển Phật giáo và Phật giáo Việt Nam. |
Lê Hùng – Phòng TT&HĐXH