Ngày 16 tháng 11 năm 2021 đã diễn ra Hội thảo “Cư sĩ Phật giáo trong lịch sử – Kỷ niệm 730 năm Tuệ Trung Thượng sĩ viên tịch” và Kỷ niệm 5 năm thành lập Viện Trần Nhân Tông. Chương trình được tổ chức bởi Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự Hội thảo, về phía Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có HT. TS. Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; TS. Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; TT. TS. Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; HT. Thích Nhật Quang, Ủy viên thường trực Hội Đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Quản Trị Thiền phái Trúc Lâm; HT. TS. Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế ; HT. TS. Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam; TT. Thích Tâm Thuần, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm
Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có GS.TS Lê Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS Mai Trọng Nhuận- Nguyên Giám đốc ĐHQGHN; PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó bí thư thường trực, Phó giám đốc thường trực Đại học Quốc gia Hà NộI và lãnh đạo các Ban chức năng, lãnh đạo các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN
Về phía Viện Trần Nhân Tông, có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn- Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Đại biểu Quốc hội khóa 15, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo Viện Trần Nhân Tông
Đến dự còn có các đại diện các nhà khoa học, học giả, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên của Viện Trần Nhân Tông.
Cư sĩ Phật Giáo, hay Phật giáo tại gia là những Phật tử chọn cách tu hành tại gia, tâm của họ là tâm xuất gia, tâm hướng Phật. Người được tôn xưng là cư sĩ là những bậc có kiến thức Phật giáo sâu rộng, có đầy đủ giới đức, đồng thời có thể giảng kinh, thuyết pháp. Trong lịch sử phát triển của Phật giáo, các bậc cư sĩ có những đóng góp to lớn như tổ chức hành chính, xây dựng chùa miếu, giáo dục…
Tuệ Trung Thượng Sĩ (慧中上士; 1230 – 1291) tên thật là Trần Tung (陳嵩, hay Trần Quốc Tung), người Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay thuộc tỉnh Nam Định. Ông là một thành viên trong hoàng tộc nhà Trần với tước hiệu Hưng Ninh Vương và là một thiền sư Việt Nam. Ông là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của vị vua sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Cư sĩ Tuệ Trung được cho là cư sĩ đầu tiên có lịch sử ghi chép và có để lại trước tác, đồng thời là cư sĩ duy nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam được gọi là Thượng Sĩ, tức Bồ Tát.
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2 (1285) và lần 3 (1287-1288), Tuệ Trung Thượng Sĩ đều trực tiếp tham gia. Ông không thích công danh, chỉ ham nghiên cứu về Thiền. Ông học đạo với thiền sư Tiêu Dao, vừa thực hành giải thoát tâm trong đời sống gia đình theo hình thức cư sĩ, vừa đảm trách các công việc xã hội mà triều đình giao phó. Ông được vua Trần Thánh Tông nể vì do kiến thức uyên bác về nội ngoại điển, được vua tôn làm đạo huynh. Nhân cách của Tuệ Trung ta có thể nhận ra được phần nào trong thái độ của ông đối với cuộc đời, và trong những lời nói và những câu thơ ghi lại trong sách Thượng Sĩ Ngữ Lục. Năm 1291, Tuệ Trung thượng sĩ mất, thọ 61 tuổi.
Hội thảo Cư sĩ Phật giáo trong lịch sử – Kỷ niệm 730 năm Tuệ Trung Thượng sĩ viên tịch tập trung vào các chủ đề sau đây:
– Hành trạng, sự nghiệp tu hành và vai trò vị trí của Tuệ Trung Thượng Sĩ đối với Phật giáo Trúc Lâm đời Trần và Phật giáo Việt Nam nói chung.
– Tư tưởng thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ.
– Cư sĩ Phật giáo với dòng thiền Trúc Lâm.
– Cư sĩ Phật giáo truyền thống và hiện đại trên các phương diện tu tập, hoạt động văn hóa, học thuật, biên soạn thư tịch, ấn tống kinh sách, v.v., đối với đời sống đương đại.
Hội thảo đã nhận được 52 bài tham luận của các nhà khoa học đến từ nhiều đơn vị học thuật, cơ sở đào tạo trong nước như Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Trần Nhân Tông, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện An ninh nhân dân, nhiều trường đại học và các Phật Học viện, Viện nghiên cứu Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, v.v…
Để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, hội thảo diễn ra theo hai hình thức: trực tiếp tại hội trường và trực tuyến với 6 điểm cầu ở Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng ngày, Viện Trần Nhân Tông đã tổ chức Kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Viện (01/9/2016 – 01/9/2021).
Việc Chính phủ quyết định Thành lập Viện Trần Nhân Tông là dấu mốc cực kỳ quan trọng không chỉ với ĐHQGHN mà còn là ý nghĩa chung với nền giáo dục nước nhà, bởi đây là lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục và nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia có một đơn vị đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu về Phật học và tư tưởng Trần Nhân Tông. Cũng lần đầu tiên chương trình đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học được đưa vào triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện đại.
Viện Trần Nhân Tông là viện nghiên cứu khoa học, đồng thời là cơ sở giáo dục đại học thành viên thuộc ĐHQGHN. Trải qua 5 năm hình thành và phát triển, Viện Trần Nhân Tông đã có những bước đi trong đào tạo, nghiên cứu, phát triển nhanh vững chắc, uy tín khoa học của Viện ngày càng được khẳng định trong nước và quốc tế.
Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông đã điểm lại những thành tựu đã đạt được trong chặng đường 5 năm đã qua và đưa ra định hướng phát triển của Viện trong thời gian tới.
Viện Trần Nhân Tông từ ngày thành lập đã đặt ra giá trị cốt lõi và khẩu hiệu hành động “Khoa học và minh triết; Sáng tạo cùng nhân văn; Vì phồn vinh đất nước; Rạng tỏa đạo Vua Trần.” – với sứ mệnh nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, tư tưởng và bản sắc dân tộc, di sản tinh thần Trần Nhân Tông, văn hóa đời Trần và văn hóa truyền thống nói chung; là trung tâm giao lưu, tập hợp nhà nghiên cứu về Trần Nhân Tông trên khắp thế giới để phát triển bền vững – Viện Trưởng nhấn mạnh.
Năm năm qua, Viện đã dần khẳng định được uy tín học thuật, bắt đầu có ảnh hưởng tốt đối với hệ thống nghiên cứu về Phật học trong nước và lan tỏa trên thế giới, bắt đầu được biết đến với tư cách một viện nghiên cứu xuất sắc về Phật học và văn hóa truyền thống Việt Nam.
Trong thời gian sắp tới, Viện xác định mục tiêu tiếp tục tận dụng cơ hội thuận lợi và sự phát triển bứt phá trên phương diện nguồn nhân lực khoa học, cơ sở vật chất và các nghiên cứu khoa học. Phát triển nhân lực tại chỗ, thu hút các học giả trong và ngoài nước tới làm việc.
Về hoạt động khoa học, Viện sẽ đặc biệt đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu hướng tới giải quyết một số vấn đề học thuật mang tính hàn lâm của Phật giáo Trúc Lâm và lịch sử Phật giáo Việt Nam, triển khai các đề tài nghiên cứu về Phật giáo đương đại… Thực hiện tốt Dự án Kinh điển Phương Đông, phần đấu tới thời điểm kỷ niệm 10 năm thành lập Viện vào năm 2026 sẽ xuất bản xong 150 tập sách theo kế hoạch.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chúc mừng và biểu dương Viện với những thành công trong 5 năm qua. GIám đốc nhấn mạnh, những thành tựu mà VIện đạt được trước hết là nhờ công sức, trí tuệ và sự tâm huyết của tập thể lãnh đạo, cán bộ giảng dạy nghiên cứu và học viên của Viện, là kết quả sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ Ngành, và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hướng tới tương lai, Giám đốc Lê Quân kỳ vọng Viện Trần Nhân Tông sẽ thực sự trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về các di sản, giá trị văn hóa và sự nghiệp của Trần Nhân Tông; giá trị văn hóa, tư tưởng thời nhà Trần; ngày càng nâng tầm vị thế, phát huy vai trò của Viện để góp phần toả sáng những giá trị truyền thống, nhân văn của dân tộc hoà hợp cùng sự phát triển của cuộc sống văn minh, hiện đại.
Trong chặng đường sắp tới, Viện Trần Nhân Tông cần tìm thấy cơ hội trong những khó khăn, nối tiếp đà phát triển đã có, tập trung hoàn thành thành công các nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học mạnh và thực hiện thành công các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lớn.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chúc mừng những thành công mà Viện đã thực hiện trong thời gian qua. Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự mong muốn với định hướng đúng đắn, Viện sẽ là địa chỉ đào tạo và nghiên cứu về Phật học, đưa tư tưởng thiền học, minh triết của Phật Hoàng Trần Nhân Tông vào nền văn hóa Việt Nam. Viện đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học có ý nghĩa rất lớn, thu hút đông đảo nhà nghiên cứu, chuyên gia tham gia. Các sinh hoạt khoa học đó mang nhiều ý nghĩa thiết thực, đáng tin cậy và chất lượng khoa học cao. Đặc biệt, sự đóng góp của Viện là đã và đang đào tạo đội ngũ tiến sĩ chất lượng cao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN Vũ Minh Giang bày tỏ xúc động về những con số, những nhiệm vụ mà Viện đã thực hiện được trong thời gian qua, việc thành lập Viện là một dấu mốc lịch sử, là minh chứng cho việc văn hóa Việt Nam gắn bó mật thiết với văn hóa Phật giáo. GS. Vũ Minh Giang nhấn mạnh về việc đồng hành và nhận thức của Chính phủ và sự quan tâm sâu sắc của ĐHQGHN, sự ủng hộ nhiệt thành có hiệu quả của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã góp phần tạo nên một Viện Trần Nhân Tông đã và đang phát triển một cách đồng bộ hướng tới một mục tiêu lớn là quốc gia thịnh vượng