Vào ngày 19/5/2018, tại Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã diễn ra buổi gặp mặt giữa Lãnh đạo Viện Trần Nhân Tông và các học viên lớp “Bồi dưỡng kiến thức dự tuyển nghiên cứu sinh chuyên ngành Phật học”.
Buổi gặp mặt có sự hiện diện của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQGHN, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, PGS.TS Lại Quốc Khánh – Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, Thượng tọa TS. Thích Nguyên Đạt – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, cùng đại diện lãnh đạo các phòng chức năng, các giảng viên Viện Trần Nhân Tông và học viên lớp “Bồi dưỡng kiến thức dự tuyển nghiên cứu sinh chuyên ngành Phật học”.
Thay mặt lãnh đạo Viện, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQGHN, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông gửi lời chào mừng tất cả các học viên đã đăng ký tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức, cùng lời chúc các anh chị em học viên sẽ đạt được kết quả học tập tốt nhất sau khi khóa học kết thúc, đủ điều kiện tham gia xét tuyển nghiên cứu sinh vào đợt II năm 2018.
Giới thiệu về Viện Trần Nhân Tông, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: là mô hình đại học đa ngành đa lĩnh vực, ĐHQGHN hiện đang đào tạo trên 300 chương trình, bám sát các chương trình đào tạo quốc tế. Trong quá trình phát triển các lĩnh vực đào tạo ngành nghề đặt ra một vấn đề: rất nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới đã chú trọng nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực tôn giáo học, trong đó có Phật học. Do vậy, ĐHQGHN đã tiên phong thành lập một Viện mang tên Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông – một vị vua anh minh, một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa, một nhà tu hành đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm – một dòng Thiền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Nói về tôn chỉ, sứ mệnh của Viện Trần Nhân Tông, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Viện Trần Nhân Tông sẽ góp phần huy tinh hoa tốt đẹp của Phật giáo mang bản sắc Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam mới trong thời đại toàn cầu hóa. Thành lập Viện Trần Nhân Tông, là sự kiện có nhiều ý nghĩa, được các cơ quan văn hóa, giáo dục, khoa học, tôn giáo cùng các cá nhân trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, Viện đã nhận được hỗ trợ nhiệt tình của của các chuyên gia trong ngoài nước, sự sát cánh của các thành viên trong ĐHQGHN.
Nói về ý tưởng mở Chương trình đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Phật học, Viện trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: trước khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuẩn bị xây dựng Đề án mở Chương trình đào tạo Tiến sĩ Phật học. Tháng 9/2018 Viện sẽ tuyển sinh nghiên cứu sinh chuyên ngành Phật học khóa I. Lần đầu tiên chương trình đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học được đưa vào triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện đại. Đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Phật học là nhiệm vụ ưu tiên số một của Viện Trần Nhân Tông. Với quan điểm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, Viện sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát huy tinh hoa của đạo Phật, của văn hóa truyền thống dân tộc.
Với thời gian đào tạo 5 năm, cùng đội ngũ giảng viên, giảng sư uy tín đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các chuyên gia ngoài nước như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ v.v., chương trình đào tạo Tiến sĩ Phật học sẽ trang bị khối kiến thức chuyên sâu, các kỹ năng thực hành, trải nghiệm thực tiễn cho các học viên. Để vượt qua được những khó khăn, thử thách trong quá trình học tập, học viên cần phải có sự nỗ lực lớn và sẽ cảm thấy tự hào khi kết thúc chương trình đào tạo. Viện trưởng Nguyễn Kim Sơn gợi ý các hướng nghiên cứu chính mà học viên có thể quan tâm: Kinh điển và triết học Phật giáo, Lịch sử và văn hóa Phật giáo, Phật giáo và các vấn đề đương đại. Học viên tham gia chương trình đào tạo Tiến sĩ Phật học sẽ có cơ hội dành được học bổng toàn phần, bán phần lên đến 250 triệu đồng và được tham gia các kỳ thực tập tại nước ngoài.
Trao đổi về lớp “Bồi dưỡng kiến thức dự tuyển nghiên cứu sinh chuyên ngành Phật học”, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đây là khóa học quan trọng, cung cấp các kiến thức nền tảng giúp học viên có đủ tri thức, điều kiện tiếp tục đăng ký dự tuyển nghiên cứu sinh, làm luận án, hoặc phục vụ cho việc nghiên cứu chuyên môn sâu. Lớp bồi dưỡng kiến thức cũng sẽ được diễn ra bài bản, nghiêm túc, đặt chất lượng lên hàng đầu, học viên cần tập trung, đầu tư cho việc học để gặt hái được nhiều kiến thức.
Viện trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: kết thúc lớp bồi dưỡng kiến thức, các học viên trúng tuyển Nghiên cứu sinh sẽ tham gia sinh hoạt chuyên môn như một thành viên của Viện, các học viên chỉ tham gia dự thính hoặc không đăng ký học tiếp cũng sẽ là những cộng tác viên tiếp tục sát cánh trong các hoạt động khác của Viện Trần Nhần Tông, cùng chung sức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Viện.
Tại buổi gặp mặt, các học viên đã nêu những mong muốn, kỳ vọng khi tham gia lớp “Bồi dưỡng kiến thức dự tuyển nghiên cứu sinh chuyên ngành Phật học”. Thượng tọa TS. Thích Nguyên Đạt – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế – đại diện cho giảng viên của lớp gửi lời chúc các học viên đạt kết quả học tập tốt.
Cũng tại buổi gặp mặt, Th.S Lê Tuấn Hùng – Phó Trưởng phòng Đào tạo Viện Trần Nhân Tông đã phổ biến chương trình, kế hoạch học tập và những quy định của lớp học.
Sau buổi gặp mặt, các học viên đã tham gia buổi học đầu tiên về “Đường lối, chính sách về tổ chức và hoạt động tôn giáo ở Việt Nam hiện nay”.
Một số hình ảnh khác tại Buổi gặp mặt: