Tran Nhan Tong Ins Tran Nhan Tong Ins
Menu
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thông điệp Viện trưởng
    • Sứ mạng và tầm nhìn
    • Chức năng và nhiệm vụ
    • Hình thành và phát triển
    • Cơ cấu tổ chức
    • Dự án Hòa Lạc
    • Liên hệ
    +
  • Bản tin
    • Tin từ Viện
    • Tin từ ĐHQGHN
    +
  • Đào tạo
    • Giới thiệu chung
    • Đào tạo sau đại học
    • Đào tạo ngắn hạn
    • Thời khóa biểu
    • Văn bản liên quan
    • Học bổng
    +
  • Nghiên cứu
    • Giới thiệu chung
    • Ấn phẩm
    • Chia sẻ
    • Dự án, đề tài
    • Thư viện điện tử
    +
  • Hợp tác
    • Giới thiệu chung
    • Hợp tác trong nước
    • Hợp tác Quốc tế
    +
  • Hoạt động xã hội
    • Giới thiệu chung
    • Các mô hình hoạt động
    +

Xây dựng một xã hội “thức tỉnh”: kinh nghiệm việc ứng dụng Phật giáo vào một dự án liên kết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về chăm sóc người cao tuổi

TRANG CHỦChia sẻXây dựng một xã hội “thức tỉnh”: kinh nghiệm việc ứng dụng Phật giáo vào một dự án liên kết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về chăm sóc người cao tuổi
16 Th12

Xây dựng một xã hội “thức tỉnh”: kinh nghiệm việc ứng dụng Phật giáo vào một dự án liên kết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về chăm sóc người cao tuổi

                         PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hường

Giám đốc Global Carolina tại Việt Nam và Đông Nam Á, Đại học South Carolina, Hoa Kỳ;

Giảng viên thỉnh giảng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN

Dẫn nhập

Theo báo cáo của các tổ chức Liên Hợp Quốc, hiện tại, hơn 1,3 tỷ người trên thế giới đang sống trong tình trạng cực nghèo (dưới 1,25 đô-la một ngày); 1 tỷ trẻ em sống trong nghèo đói, 805 triệu người không đủ ăn hàng ngày; 750 triệu người không có nước sạch; khoảng 1,6 tỷ người sống không có điện; và mỗi năm, khoảng 2 triệu trẻ em chết vì những bệnh hoàn toàn có thể ngăn ngừa như tiêu chảy và viêm phổi (UNDP, 2014; FAO, 2014; WHO, 2015; UNICEF, 2014). Một vấn nạn khác của thế giới là xu thế già hóa nhanh chóng của dân số, cùng với sự gia tăng của rất nhiều bệnh đi với tuổi già, đặc biệt là sa sút trí tuệ (SSTT). Tính đến năm 2030, hơn 70% người cao tuổi bị SSTT sẽ sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi hầu hết hệ thống y tế thiếu dịch vụ chăm sóc. Bản thân Việt Nam đang là một trong 10 nước già hóa nhanh nhất thế giới, với số lượng người cao tuổi bị SSTT tăng lên. Cùng với các vấn đề lớn về xu thế dân số, các vấn đề như bạo lực, chiến tranh, thiên tai, bạo hành, lạm dụng, nghiện, bất bình đẳng, khuyết tật và rối loạn tâm thần đang trở thành những thách thức lớn cho xã hội con người.

Giúp đỡ các cá nhân, gia đình và xã hội giải quyết các vấn đề trên như thế nào là rốt ráo? Giúp đỡ thế nào thì không gây hậu quả tiêu cực cho cả người được giúp và người đi giúp? Đây là những câu hỏi cơ bản của tăng ni và Phật tử trên thế giới khi thực hiện các hoạt động nhập thế độ sinh; đồng thời là câu hỏi cốt lõi của những nghề phải trực tiếp điều trị, giúp đỡ con người, hoặc hàng ngày phải trực tiếp tiếp xúc với các môi trường và vấn nạn xã hội  như nghề y, nghề giáo viên, nghề công tác xã hội, nghề cảnh sát, nghề luật sư, nghề tham vấn – trị liệu, vv…

Trong bài viết này, tôi sẽ mô tả lại kinh nghiệm ứng dụng Phật giáo vào giúp đỡ các gia đình có người cao tuổi bị SSTT của một dự án liên kết giữa Mỹ và Việt Nam. Từ đó, tôi đề xuất việc ứng dụng Phật giáo vào xây dựng năng lực cho các nghề căng thẳng cao như bác sĩ – điều dưỡng tại bệnh viện, giáo viên, nhân viên công tác xã hội, cảnh sát, quân đội, cán bộ trong hệ thống tư pháp. Bài viết cũng đề xuất một chuẩn chung về năng lực cho tăng ni, Phật tử đang làm các công tác tham vấn, trị liệu, trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, và cộng đồng. Cuối cùng, bài viết sẽ bàn về việc xây dựng một thế giới lấy tỉnh thức làm nền tảng cho mọi hoạt động và tương tác của con người.

Giới thiệu kinh nghiệm ứng dụng Phật giáo vào dự án REACH

REACH làm gì?

Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm 10,4% dân số và là một trong 10 nước già hóa dân số nhanh nhất thế giới (UNPFA 2011). Tỷ lệ người cao tuổi (NCT) bị sa sút trí tuệ – còn được gọi trong dân gian là bệnh lẫn, bệnh quên, lẫn mã, vv… – ngày càng cao và thường đi kèm các rối loạn tâm lý, hành vi, như quên việc ăn uống, vệ sinh, tắm giặt, quên cả hoạt động nhai, nuốt thức ăn, có thể la hét, đánh đập người thân, mắng chửi người thân, bỏ nhà đi lang thang, khóc lóc vô cớ, nhặt nhạnh đồ đạc, sợ hãi hoảng loạn chui vào gầm giường trốn, vv… Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, SSTT là một trong những bệnh ảnh hưởng tiêu cực nhất tới đời sống của người bệnh cũng như gia đình họ, đồng thời mang lại gánh nặng tài chính to lớn cho người bệnh và xã hội.

Do hệ thống y tế hiện tại của Việt Nam thiếu các dịch vụ chăm sóc và điều trị cho NCT nói chung và NCT bị SSTT nói riêng nên việc chăm sóc cho NCT SSTT vẫn chủ yếu do các gia đình tự đảm nhiệm, đặc biệt là con cái. Ở nhiều gia đình, con cái phải nghỉ việc để ở nhà vừa chăm sóc vừa “canh” bố mẹ già bị SSTT. Những điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của những người chăm sóc cho NCT bị SSTT. Thống kê của Hiệp hội NCS Hoa Kỳ cho thấy khoảng 30% dân số Mỹ đang là người chăm sóc cho NCT, 66% trong số đó là phụ nữ, và 60% vừa phải chăm sóc vừa đi làm toàn phần. Tính trung bình, mỗi người chăm sóc (NCS) dùng 20 giờ mỗi tuần để làm công việc chăm sóc trực tiếp, 23% trong số họ có sức khỏe kém, 63% không thể ăn uống đúng giờ, 58% không có thời gian tập thể dục hoặc bị đảo lộn các hoạt động thể dục, và tới gần 70% có các triệu chứng trầm cảm do căng thẳng với việc chăm sóc (National Family Caregivers Association, 2012). Nói tóm lại, khi người thân trong gia đình phải chăm sóc cho NCT bị SSTT, họ thường bị suy giảm tổng thể cả về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, và sức khỏe tài chính.

Vì những lý do trên, việc xây dựng các chương trình trợ giúp cho NCS để giảm căng thẳng và gánh nặng chăm sóc trong lúc chăm sóc cho NCT là rất cần thiết. Tại Hoa Kỳ, một số chương trình đã được xây dựng, trong đó REACH là một chương trình can thiệp có nhiều hiệu quả (Nguyen et al, 2018a). Năm 2016, được sự tài trợ của Viện Sức Khỏe Hoa Kỳ, một nhóm nhà nghiên cứu của Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến hành một dự án 3 năm nhằm điều chỉnh mô hình REACH cho phù hợp với văn hóa Việt Nam và tiến hành can thiệp thử cho những NCS tại Việt Nam. Dự án do ĐH California – Davis cùng ĐH South Carolina và Bệnh viện Lão khoa Trung Ương tiến hành thí điểm tại Sóc Sơn (Nguyen et al, 2018b, 2018c).

Với mô hình này, chúng tôi đào tạo 8 bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện lão khoa thành cán bộ can thiệp (interventionist) và cấp chứng chỉ cho họ. Sau đó, chương trình tìm các gia đình có NCT bị SSTT tại 5 xã ở Sóc Sơn; tại các gia đình này, chúng tôi tuyển người chăm sóc chính (primary caregiver) cho các cụ làm đối tượng để thực hiện việc can thiệp. Người chăm sóc chính phải là người dành nhiều thời gian nhất trong việc trực tiếp chăm sóc cho các cụ, ví dụ dành thời gian nấu nướng, cho ăn, tắm, vệ sinh cho các cụ, cho các cụ uống thuốc, tập thể dục, đi lại, hoặc trông các cụ. Trong chương trình thử nghiệm của chúng tôi, hầu hết NCS chính là con dâu trưởng hoặc con gái; một số ít trường hợp là con trai. Hầu hết các cụ SSTT đều ngoài 80; ngoài biểu hiện quên tên, quên các quan hệ, quên việc ăn uống, tắm giặt thì các cụ còn có các biểu hiện như bỏ nhà đi lang thang, nhặt nhạnh rác và đồ ăn ngoài đường đem về cất giấu trong nhà, ngày ngủ rồi đêm thức đi lại khắp nhà lớn tiếng nói lảm nhảm một mình, dễ khóc lóc vật lộn thậm chí đánh người nào đến gần, vv…

Chương trình can thiệp REACH gồm 2 giai đoạn: giai đoạn can thiệp trực tiếp (active phase) và giai đoạn bảo trì (maintenance phase). Trong giai đoạn can thiệp trực tiếp, người can thiệp (NCT) sẽ trực tiếp tới nhà của NCS mỗi tuần 1 lần hoặc 2 tuần 1 lần tùy từng hoàn cảnh trong vòng khoảng 6 tuần để tập huấn cho họ về kỹ năng chăm sóc NCT SSTT. Mỗi buổi can thiệp trực tiếp sẽ kéo dài khoảng 1 tiếng. Nội dung cơ bản của các buổi can thiệp tập trung vào ba nội dung: (1) nâng cao kiến thức về bệnh SSTT, (2) hướng dẫn NCS các kỹ năng giải quyết các vấn đề cụ thể trong lúc chăm sóc, ví dụ NCT sợ tắm, NCT hay khóc lóc, NCT hay đi lang thang, hoặc NCT đi tiểu tiện không tự chủ. Nội dung cụ thể của các buổi can thiệp như sau:

Buổi 1: Thăm gia đình, dùng các thang Zarit và các thang đo có sẵn để đánh giá mức độ căng thẳng, trầm cảm của NCS, đồng thời đánh giá tổng thể về sức khỏe tâm lý, hành vi, các mối nguy hiểm đối với NCS và NCS SSTT; tham quan tổng thể nhà để xem môi trường gia đình có mối nguy hiểm nào không, ví dụ như bậc thang quá cao dễ gây ngã, dao và các vật sắc nhọn để trong tầm với của NCT SSTT, các ổ điện dễ bị hở, nhà tắm trơn trượt, vv…

Buổi 2: Rà soát các mối hiểm họa về sức khỏe và môi trường của NCS và NCT SSTT dựa trên bảng đánh giá buổi trước; để người NCS kể chuyện về hoàn cảnh và lịch chăm sóc của họ, giảng về bệnh SSTT, dạy phương pháp hít thở sâu để giảm căng thẳng.

Buổi 3: Tập huấn phương pháp giải quyết các khó khăn cụ thể mà NCS đang gặp phải trong lúc chăm sóc, ví dụ cụ già bỏ đi lang thang, dựa vào Sổ Tay NCS; tập huấn về chăm sóc sức khỏe bản thân; củng cố phương pháp hít thở sâu

Buổi 4: Tiếp tục tập huấn giải quyết khó khăn trong chăm sóc; tập huấn giảm căng thẳng bằng phương pháp thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực.

Buổi 5: Tập huấn giảm căng thẳng bằng các liệu pháp khác như giãn cơ, âm nhạc; tiếp tục rà soát kỹ năng giải quyết khó khăn trong chăm sóc.

Buổi 6: Tổng kết, đóng ca, chuyển sang giai đoạn bảo trì.

Giai đoạn bảo trì: Nếu NCS có vấn đề thì có thể gọi điện cho NCT để được tư vấn.

Trong thực tế chương trình của chúng tôi, những người can thiệp đều là các bác sĩ, điều dưỡng trưởng và điều dưỡng viên của Bệnh viện Lão khoa Trung Ương, vốn dày dạn kinh nghiệm về làm việc với NCT và với các bệnh nhân có vấn đề về tâm thần. Sau khi được đào tạo và cấp chứng chỉ làm can thiệp, chúng tôi hình thành 4 đội can thiệp, mỗi đội có 2 người. Đây đã là một biến đổi so với mô hình gốc tại Mỹ – theo đó chỉ có một NCT làm việc với mỗi NCS. Mỗi đội được giao 10 gia đình để đi làm can thiệp. Hàng tuần, vào ngày can thiệp, các đội sẽ từ Hà Nội đi Sóc Sơn, đến nhà NCS để thực hiện chương trình can thiệp theo đúng mô hình REACH.

Vấn đề của dự án

Tuy nhiên, trong quá trình các cán bộ can thiệp xuống các hộ gia đình, một vấn nạn xuất hiện là bản thân người can thiệp bị mệt mỏi, căng thẳng, do đó hiệu quả việc can thiệp bị ảnh hưởng.  Có một số nguyên nhân cho điều này:

Khi trực tiếp đi xuống nhà dân để làm can thiệp, NCT thường xuyên phải đi bộ trong đường làng nhỏ và bẩn, dưới trời nắng, để tới những hộ dân nghèo, điều kiện ăn ở kém. Có những gia đình ngập mùi phân trâu bò hoặc phân lợn, mùi cống rãnh, nền đất bẩn, nhà cửa tối tăm, tuềnh toàng; cụ già SSTT thì nằm liệt giường trong phòng tối, giường chiếu ẩm mốc, ngập mùi nước tiểu và mùi phân. Khi mắt, tai, mũi, và thân của NCT tiếp xúc với những cảnh tưởng và mùi vị này, tâm họ bị tập trung vào đó, cảm giác của họ bị kéo xuống, trở nên nặng nề.

Khi nghe NCS kể về sự vất vả và buồn phiền trong lúc chăm sóc NCT SSTT, bản thân NCT bị cuốn theo các câu chuyện của NCS và các cảm giác lo âu, buồn phiền, trầm cảm của họ. Ví dụ khi nghe một NCS khóc lóc kể về việc góa chồng từ lúc còn trẻ, phải nuôi bố mẹ chồng và bố mẹ để mấy chục năm nay, đến giờ đang nuôi bố chồng nằm liệt giường, thì người can thiệp cũng bị thương cảm và bất lực theo NCS.

Bản thân NCT cũng có bố mẹ già và có gia đình nên họ thường nảy sinh sự đồng cảm với tình cảnh chăm sóc bố mẹ vất vả của NCS hoặc các câu chuyện phức tạp trong gia đình NCS, đưa đến việc họ không thể khách quan và tỉnh táo mà có thể bức xức theo. Ví dụ, sau khi nghe một NCS bức xúc kể về hoàn cảnh gia đình phải chăm bố chồng nằm liệt giường trong khi chồng ngoại tình với con dâu, người can thiệp cảm thấy vừa bức xúc vừa chán nản hộ cho hoàn cảnh NCS, do đó mà không thể trợ giúp cho NCS một cách hiệu quả.

NCT là bác sĩ và điều dưỡng, chủ yếu quen với môi trường làm việc có mô thức cụ thể, trong đó họ chỉ tiếp xúc mỗi bệnh nhân trong thời gian chừng 5-10 phút để thăm khám vào các vấn đề lâm sàng của bệnh, chứ không quen dành thời gian tìm hiểu về người bệnh một cách hoàn chỉnh cả về gia đình, hoàn cảnh sống, các vấn đề tâm lý, xã hội, tài chính… Họ cũng không được tập luyện các kỹ năng giao tiếp cá nhân, nghe thấu cảm, tham vấn, trị liệu… Vì vậy, họ thấy lúng túng.

NCT thường trẻ tuổi hơn NCS cho nên họ cảm thấy tự ti về kinh nghiệm sống của mình khi nghe những câu chuyện chịu đựng, hy sinh để chăm sóc cho bố mẹ già hoặc vợ/chồng của NCS. Sự tự ti này khiến họ không thể quyết đoán và mạnh mẽ nhằm giúp NCS khỏi chìm đắm, bế tắc vào các vấn nạn chăm sóc.

Nhìn sâu hơn vào vấn đề, tất cả những biểu hiện khó khăn trên của NCT là do:

Họ thiếu năng lượng tỉnh thức, nên các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân dễ chìm vào các đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc chạm bên ngoài.

Do thiếu năng lượng tỉnh thức nên khi các giác quan bị cuốn theo bên ngoài thì tâm họ nảy sinh các trạng thái yêu ghét, thích – không thích, và tiếp tục bị cuốn theo tâm.

Do thiếu năng lượng tỉnh thức nên họ đồng hóa bản thân mình với NCS mà không thể không dính mắc hoặc dùng năng lượng tỉnh thức của mình mà rửa sạch và làm nhẹ cho NCS.

Do thiếu năng lượng tỉnh thức nên họ chấp thật vào các câu chuyện gia đình của NCS, dẫn đến việc bị trở thành một nhân vật trong các câu chuyện mà không thể là nhân tố bên ngoài đưa năng lượng tích cực vào cho NCS và gia đình.

Để khắc phục điều này, dự án REACH đã thử nghiệm một cấu phần hoàn toàn không có trong mô hình gốc của Mỹ: chúng tôi cho đội ngũ cán bộ can thiệp sang chùa Rombodhidharma tại tỉnh Loei, Thái Lan để được tập huấn về “tỉnh thức” và “tánh không”. Dưới đây là các nội dung mà họ được tập huấn.

Tập huấn về “tỉnh thức” và “không” cho cán bộ can thiệp trong dự án REACH

Chùa Rombodhidharma nằm ở tỉnh Loei, Thái Lan trong một khuôn viên rộng vài trăm héc-ta. Hiện nay, chùa có khoảng hơn 300 tăng ni cùng nhiều Phật tử sống rải rác trong các cốc – một số được xây thành nhà, một số chỉ là những mái lá đơn giản. Chùa không có bất cứ công trình lớn nào; kể cả chánh điện cũng chỉ là một không gian lợp lá tranh đơn giản, bốn phía để trống. Mọi sinh hoạt ở chùa đều theo hướng tối giản của một cộng đồng tự túc và tự tổ chức; chùa chỉ có một bữa sáng, nước và điện tự sản xuất và dùng năng lượng mặt trời, cốc liêu hầu hết do chư tăng tự xây dựng, rác tự xử lý. Trong chùa không có bát hương, không có các thời khóa tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, hay các hòm công đức. Lịch sinh hoạt chính của chùa là thời khóa giảng pháp lúc 6h sáng hàng ngày; ngoài thời pháp này, mọi người sống đời sống hàng ngày trong sự tỉnh thức. Luang Por Phosrisuriya Khemarato là người thuyết pháp. Một buổi thuyết pháp có thể 15 phút, 30 phút, hoặc có thể không hề nói. Cốt lõi các bài thuyết pháp là:

Tỉnh thức!

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm, cái thấy, cái biết đã ở sẵn đó, chỉ để chúng mở ra tự nhiên mà không có một cái ngã can dự vào.

Không với không! Ở giữa tất cả các hiện tượng bên trong bên ngoài theo cách “Không”

Làm tất cả mọi việc, trong mọi oai nghi đều trên nền tảng không với không: không trụ, không theo, không gán ý nghĩa, không duy trì, không có tạo tác.

Vạn pháp đều vô thường, không dính mắc với nhau, không ý nghĩa trong tự thân.

Chỉ giả hợp nên để cho đi, giúp đỡ cho chúng sinh và luân hồi, không lấy vào cho bản thân.

Tất cả chỉ để cho đi; cho xong là xong.

Trong thời gian 1 tuần tại chùa Rombodhidharma, các cán bộ dự án REACH hòa vào môi trường tự nhiên trong chùa. Họ cùng ở chung trong một căn nhà dành cho cộng đồng người Việt Nam tại chùa, có tên là “Nhà Việt Nam”. Họ ăn chung, ngủ trên nền nhà, sáng dạy sớm nghe pháp, và trong ngày thỉnh pháp với các vị tăng ni, phụ giúp các công việc trong chùa như làm bếp, làm vườn, dọn dẹp, và khám bệnh. Ngoài ra, họ tự do giành thời gian để “không làm gì”, sao cho thân tâm được trở về trạng thái tự nhiên. Buổi tối, nhóm thường đi bộ ngoài trời. Những bài học cụ thể của mỗi cá nhân trong thời gian tại chùa thì khác nhau, tùy duyên của từng người. Tuy nhiên, các nội dung căn bản mà họ được học để ứng dụng vào công việc của dự án gồm:

Dọn sạch thói quen và chướng ngại trên thân tâm và môi trường:

Việc dọn sạch các thói quen thân tâm và môi trường được thực hiện thông qua ba việc chính:

Tác pháp sám hối cho tất cả các loại thói quen về thân, khẩu, ý của bản thân và trong quan hệ với những người xung quanh cũng như với xã hội, môi trường tự nhiên, toàn thể pháp giới. Việc tác pháp này được thực hiện không chỉ với những lỗi rõ ràng như giết hại, làm tổn thương, lừa dối, ăn cắp, gây bất hòa, bất hiếu, vv… mà với mọi thói quen của thân tâm, đặc biệt là thói quen lấy vào, chìm đắm trong thân tâm, đưa đến sự chấp thủ vào “tôi” và “của tôi” vì nó là gốc đưa tới mọi sự xung đột, làm tổn thương lẫn nhau. Tác pháp sám hối để xin được tha thứ cho các lỗi và nghiệp của mình, đồng thời cũng tha thứ cho những nghiệp mà người khác gây cho mình.

Tự tâm tuyên bố xả ly và vô hiệu hóa với tất cả các ảo tưởng, các cam kết, kế hoạch, mong ước, mong cầu, lời nguyện mà không thuận với tự tánh không dính mắc, tự tánh không của vạn pháp, mà được thực hiện trên nền tảng của ảo tưởng lấy vào, kể cả mong cầu thành tựu chứng đắc trong tu tập.

Hoàn trả các món nợ nghiệp thông qua việc xả ly, xuất gia, làm việc thiện hỗ trợ cho chúng sinh, đặc biệt là trong việc chia công đức cho chúng sinh.

Tỉnh thức và không

Học nhận biết mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đã có sẵn ở đó, luôn mở tự nhiên, và có thể nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm một cách tự động; nhưng học để nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm theo cách không dính mắc, không gán nghĩa, không tham dự, không đánh giá, không có một ai phía sau sự nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm. Gọi là “nhìn mà không, nghe mà không, thấy mà không, biết mà không” hay còn gọi là “dùng KHÔNG để nhìn, nghe, thấy, biết”.

Mỗi khi chìm vào một trạng thái tâm, ngưng đọng, theo đuổi một trạng thái tâm nào – dù là suy nghĩ, cảm xúc, cảm thọ, gợi nhớ, tư tưởng, vv… – thì lập tức thoát ra và dùng “Không” để giải tán sự gom tâm. Cùng với thời gian, tâm sẽ không có thói quen gom lại, chìm đắm. Tâm tự không.

Tỉnh thức mọi thời, trên nền tảng KHÔNG ở trên.

Không với không: lấy không làm nền tảng trong mọi oai nghi, mọi thời, đi đứng nằm ngồi, nói chuyện, làm việc, nấu ăn, vv…

Chiếu tỏa, chia ra năng lượng tỉnh thức trên nền tảng không:

Trên nền tảng KHÔNG, chia các năng lượng tỉnh thức, năng lượng vô trụ tới tất cả thế giới xung quanh bằng từ khóa “soh” và bằng sự tác ý cho đi.

Việc cho đi phải thực hiện trên nền tảng không nắm giữ, mong cầu trong việc cho đi: không mong cầu đạt lại điều gì, cho đi là xong, không gán ý nghĩa, cho trong tâm KHÔNG, không phán xét người nhận.

Áp dụng “tỉnh thức” và “không” trong can thiệp REACH

Sau các khóa tập huấn tại chùa và được thực hành, các cán bộ dự án áp dụng các bài học vào công việc dự án dưới các hình thức sau:

Trước khi đi can thiệp: 

Trước mỗi buổi xuống nhà dân can thiệp, NCT tác pháp sám hối để dọn sạch các nghiệp và ân oán có thể có giữa mình với NCS và gia đình họ cũng như môi trường của họ; đồng thời dùng thời gian gửi đi năng lượng tỉnh thức, công đức cho NCS và gia đình họ. Họ đi xuống mỗi gia đình với tâm thế hoàn toàn mở, không có định kiến, không có các mong cầu hay tưởng tượng về gia đình, mà chỉ có tâm thế muốn trợ giúp cho họ. Mặt khác, việc đi can thiệp không còn là một công việc có tính bổn phận cần phải làm, theo khuôn mẫu có sẵn, mà trở thành việc đi giúp đỡ thực sự cho những người đang khó khăn ra khỏi các đau khổ. Những cán bộ can thiệp lần đầu tiên có được cảm giác thực sự mang lại lợi ích cho những người họ can thiệp và điều này càng mang lại động lực cho họ.

Trong lúc can thiệp:

Trong các buổi can thiệp, NCT áp dụng nhìn mà không, nghe mà không, ngửi mà không… nên khi họ phải đến các nhà dân trong điều kiện bẩn thỉu, hôi hám, nóng nực, ồn ào tiếng chó sủa gà kêu, trẻ con khóc, họ không bị chìm trong đó mà vẫn liên tục giữ được một năng lượng tỉnh thức và sạch. Trong lúc nói chuyện với NCS, họ nghe mà không, để không cuốn vào các câu chuyện, nhờ đó tỉnh táo đánh giá được các nút thắt, các thói quen và điểm chìm đắm của NCS, từ đó chỉ cho họ cách ra khỏi một cách hiệu quả. Trong lúc can thiệp, họ vừa tham vấn vừa liên tục chia năng lượng cho NCS và gia đình;

Mặt khác, tùy duyên mà NCT có thể chia sẻ với NCS về sự tỉnh thức, thoát ra, rửa sạch các thói quen thân tâm, dọn dẹp môi trường, và dùng năng lượng tỉnh thức để hóa giải các vấn đề trong gia đình. Có những NCS tiếp thu rất nhanh các vấn đề này và có thay đổi nhanh chóng.

Sau can thiệp:

Sau mỗi buổi can thiệp, nếu có những năng lượng còn tồn dư từ buổi can thiệp, ví dụ các suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực, sự nặng nề, thì NCT tiếp tục sám hối và chia năng lượng để làm sạch, giải tỏa chúng, không để chúng lưu cữu, tích tụ.

Hiệu quả của việc áp dụng tỉnh thức vào dự án:

Với việc áp dụng năng lượng tỉnh thức và không vào công việc dự án, cả NCT và NCS đều giảm căng thẳng rõ rệt, từ đó hiệu quả chăm sóc NCT SSTT tăng lên và bản thân đời sống gia đình của những NCS cũng được cải thiện. Thử nghiệm trên 60 gia đình cho thấy chỉ số về căng thẳng và gánh nặng chăm sóc trước khi can thiệp và sau khi can thiệp giảm rõ rệt. Các đánh giá độc lập và phỏng vấn đầu ra cuối dự án đều cho thấy NCS nhận được rất nhiều lợi ích từ dự án. Bản thân NCS sau đó trở thành các nhân tố truyền bá cách chăm sóc NCT SSTT cho những thành viên khác trong gia đình và cho các gia đình khác trong cộng đồng của họ. Hiện nay, dự án đang có kế hoạch nhân rộng thử nghiệm ra 350 gia đình, và sau đó có thể nhân rộng cả nước.

Với bản thân NCT, họ cho rằng một yếu tố quan trọng khiến can thiệp thành công chính là nhờ được học và thực hành tại chùa về tỉnh thức, tánh không, và làm việc với tinh thần cống hiến, cho đi không mong cầu. Hiệu quả sâu xa hơn là sau khi tham gia dự án REACH, các bác sĩ, điều dưỡng và cán bộ tham gia dự án tiếp tục duy trì năng lượng tỉnh thức, không, cho đi trong môi trường làm việc của họ tại bệnh viện và cả trong gia đình. Hàng ngày, khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hoặc đồng nghiệp tại bệnh viện, họ tiếp tục tỉnh thức và chia năng lượng tỉnh thức. Trong gia đình, họ dùng năng lượng này để tiếp xúc với vợ chồng, con cái. Họ chia sẻ rằng cuộc sống và công việc của họ thay đổi một cách căn bản từ kinh nghiệm này.

Cũng từ dự án REACH, chúng tôi xây dựng một đội ngũ xuyên quốc gia gồm 3 nước Việt Nam, Mỹ, và Úc, với cùng một tinh thần cống hiến, cho đi, làm việc trong sự tỉnh thức và chia sẻ. Đội ngũ này hiện đang mở rộng và xây dựng một mạng lưới liên kết với các trường đại học tại Việt Nam, Mỹ, và Úc; cùng với các cơ quan bộ, ngành, hội lão khoa ở Việt Nam để giúp Việt Nam củng cố hệ thống y tế từ địa phương đến trung ương nhằm chăm sóc cho NCT, từ đó nâng cao chất lượng đời sống gia đình Việt Nam. Có thể nói, bắt đầu từ những hạt nhân nhỏ, dự án này của chúng tôi đang có những lan tỏa vững vàng vào xã hội.

  1. Đề xuất việc ứng dụng Phật giáo để đưa tới một thế giới tỉnh thức.

Dự án REACH chỉ là một ví dụ về sự cần thiết phải lấy “tỉnh thức” và “tánh không” làm nền tảng năng lực cho những người làm công tác trị liệu hoặc giúp đỡ những người đang có các vấn đề về tâm lý – tâm thần. Trong 10 năm qua, với tư cách là người học và sau đó giảng dạy ở các trường đại học tại Việt Nam và Mỹ, tôi đã thực hiện nhiều nghiên cứu cũng như dự án cộng đồng, đồng thời sống trong chùa nhiều mùa hè. Những kinh nghiệm này khiến tôi nhận ra một số vấn đề sau:

Các hệ thống đào tạo hiện tại của xã hội con người, bao gồm cả các trường hàng đầu tại Mỹ, chỉ chú trọng dạy con người về kỹ năng và ngày càng tập trung vào các kỹ năng để biến họ thành các nhà kỹ thuật thuần túy mà không hề dạy cho họ những nền tảng tinh thần hết sức cần thiết để có một cuộc sống cá nhân và cuộc sống lao động có ý nghĩa: đó là dạy họ ngấm sâu tinh thần cho đi không ngăn ngại, dạy họ về tỉnh thức và vè tính không dính mắc của vạn pháp, để từ đó dứt các ảo tưởng và phiền não do ảo tưởng.

Các hệ thống chăm sóc và chữa trị cho con người như hệ thống y tế cũng không dạy các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế về năng lượng tỉnh thức, không, và về tinh thần cho đi không ngăn ngại.

Các hệ thống phúc lợi và trợ giúp cho những người yếu thế như nghề công tác xã hội, hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội cũng không đào tạo nhân viên CTXH về tỉnh thức, không, và cho đi, mà chỉ dạy họ các kỹ năng can thiệp bề nổi.

Toàn bộ các hệ thống dịch vụ và các nghề làm việc trực tiếp với con người trong những môi trường căng thẳng, như cảnh sát, quân đội, luật sư, nhà báo, tòa án, nhà tù, vv… cũng không hề đào tạo người làm về tỉnh thức, không, cho đi.

Các ngành giải trí, du lịch, dịch vụ chăm sóc tinh thần cho con người cũng vậy.

Bản thân các chùa và các trường đào tạo Phật giáo cũng hướng quá nhiều vào việc đào tạo giáo điển mà không tập trung vào cốt tủy của đạo Phật, từ đó tạo một nền tảng lõi cho tăng ni và Phật tử trong lúc thực hiện các hoạt động trợ giúp con người và xã hội. Đó là tỉnh thức, không, cho đi.

Nhìn tổng thể toàn xã hội và thế giới, các vấn nạn mà chúng ta đang đối đầu hiện nay đều có gốc là sự không tỉnh thức và không có tinh thần cho đi. Trái lại, đa phần thế giới vận hành trong sự chìm đắm vào các ảo tưởng và trong tinh thần vơ vào cho bản thân.

Những điều này đưa đến sự cần thiết phải ứng dụng đạo Phật một cách trực tiếp và đúng cốt tủy vào xã hội. Ứng dụng như thế nào? Tôi xin đưa ra một số gợi ý như sau

Dùng năng lượng tỉnh thức làm nền tảng cho một số nghề có yếu tố can thiệp trực tiếp

Đối với những nghề làm công việc trị liệu, tham vấn, giao tiếp, giúp đỡ các cá nhân, gia đình, cộng đồng, và xã hội và/hoặc làm việc trong các môi trường nhiều căng thẳng – như bác sỹ, điều dưỡng, cán bộ bệnh viện, giáo viên, cảnh sát, bộ đội, chữa cháy, luật sư, cán bộ tòa án và nhà tù, nhà tâm lý, nhà báo, vv… rất cần được đào tạo để lấy năng lượng “tỉnh thức” và “không” làm năng lượng nền tảng trong công việc của họ. Họ có thể được đào tạo chính thức trong các chương trình ở cấp đại học, hoặc thành các chương trình thực tập, tập huấn bổ sung.

Dùng tỉnh thức làm năng lượng nền tảng cho cộng đồng tăng ni trong lúc làm Phật sự

Đối với cộng đồng tăng ni và Phật tử hiện đang thực hiện rất nhiều hoạt động tham vấn, tư vấn, trị liệu, và trợ giúp nói chung cho con người và xã hội, việc đặt ra một định hướng thống nhất về mục đích của việc giúp đỡ và chuẩn năng lực cần có của người đi giúp là hết sức cần thiết. Tôi xin được đưa ra một khung thống nhất như sau cho các hoạt động Phật sự:

Vấn đề Chuẩn
Sứ mệnh các hoạt động Phật sự Giúp đỡ cho tất cả chúng sinh không phân biệt.
Mục tiêu của các hoạt động Phật sự Đưa con người đến sự giải thoát, kết thúc đạo lộ triền miên của luân hồi, chứ không phải có cuộc sống tốt đẹp hơn trong luân hồi.
Nền tảng Tỉnh thức

Không

Giá trị lõi của người Phật tử Đại bi

Tỉnh thức

Không

Tiêu chuẩn năng lực Tỉnh thức

Không

Đào tạo Có các khóa học CTXH Phật giáo và khóa học về Tỉnh thức, Không tại các trường Phật giáo

Đào tạo tại các chùa trong quá trình tu hành, dù theo bất cứ pháp môn nào.

Hướng tới những xã hội tỉnh thức, toàn thế giới tỉnh thức

Từ những hạt nhân trên, chúng ta hướng tới việc xây dựng những cộng đồng tỉnh thức, những xã hội tỉnh thức, những quốc gia tỉnh thức, một thế giới tỉnh thức, và toàn pháp giới tỉnh thức. Thực hiện điều này như thế nào?

Điểm bắt đầu phải từ các bà mẹ mang thai; họ cần được dạy về tỉnh thức, không, và cho đi để họ chia sẻ năng lượng đó cho những đứa con trong bụng. Vì thế, việc học về tỉnh thức, không, và cho đi phải song song với việc học về chăm sóc thai nhi và chăm sóc bà mẹ mang thai.

Bố mẹ trẻ được học về tỉnh thức để chăm sóc cho trẻ từ lúc là thai nhi cho đến lúc chào đời.

Học sinh mẫu giáo, học sinh tiểu học, trung học, đại học sẽ học tập các môn học song song với học về tỉnh thức, không, cho đi. Các trường cần có các khóa học nhập môn cho học sinh trước khi vào học về sự cho đi.

Các cơ quan, ngành nghề nên có các chương trình tập huấn hàng năm cho cán bộ về tỉnh thức, không, và cho đi, song song với các chương trình học tập nâng cao chuyên môn; và hoặc đưa các cấu phần này vào các chương trình đi tham quan, nghỉ mát tổng kết hàng năm. Bộ phận nhân sự của các cơ quan, tổ chức cần phát triển cấu phần này thay vì chỉ chăm sóc cho cán bộ vào các vấn đề lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ thai sản, chế độ trợ cấp vv…

Toàn bộ xã hội sẽ vận hành trên nền tảng tỉnh thức và không.

Mọi hoạt động của thân, khẩu, ý của tất cả các cá nhân trong xã hội, bất kể giới tính, tuổi tác, vùng miền, trình độ, vị trí xã hội, đều sẽ được thực hiện trong tỉnh thức và không.

Nền văn minh của xã hội tương lai sẽ là một nền văn minh lấy tỉnh thức, không, cho đi làm các giá trị lõi, văn hóa lõi của mình.

Kết luận

Trong bài viết này, tôi đã trình bày một kinh nghiệm ứng dụng Phật giáo vào một dự án trợ giúp các gia đình chăm sóc cho người cao tuổi bị sa sút trí tuệ. Dự án này cho thấy những nghề làm công việc trị liệu, tham vấn, giao tiếp, giúp đỡ các cá nhân, gia đình, cộng đồng, và xã hội và/hoặc làm việc trong các môi trường nhiều căng thẳng – như bác sỹ, điều dưỡng, cán bộ bệnh viện, giáo viên, cảnh sát, bộ đội, chữa cháy, luật sư, cán bộ tòa án và nhà tù, nhà tâm lý, nhà báo, vv… rất cần được đào tạo để lấy năng lượng “tỉnh thức” và “không” làm năng lượng nền tảng trong công việc của họ. Họ có thể được đào tạo chính thức trong các chương trình ở cấp đại học, hoặc thành các chương trình thực tập, tập huấn bổ sung. Đồng thời, đối với tăng ni và Phật tử học nghề CTXH hoặc đang thực hiện các hoạt động tham vấn, trị liệu, trợ giúp, họ cũng cần được củng cố nền tảng “tỉnh thức” và “không” trong lúc thực hiện các hoạt động nhập thế độ sinh. Tiến tới, chúng ta cần hướng toàn xã hội “tỉnh thức” và “không”. Đó sẽ là một nền văn minh nhân loại mới. Đó cũng là công việc mà mỗi người đi theo bước chân chư Phật ngày hôm nay cần hướng tới như sứ mệnh của mình.

Tài liệu tham khảo

FAO (2014). “The State of Food Insecurity in the World 2014. Strengthening the enabling environment for food security and nutrition.” FAO.

Ministry of Labor, Invalids, and Social Affairs (MOLISA) (2010). Project 32 on Developing Social Work in Vietnam, Hanoi, Vietnam, Author.

National Family Caregivers Association (2012). Facts about carevigers in the United States. Author.

Nguyen, T. A., Nguyen, H., Thang, P., Hinton, L. (2018a). A cluster randomized controlled trial to test the feasibility and preliminary effectiveness of a family dementia caregiver intervention in Vietnam: the REACH VN study protocol. Medicine, 97:42. http://dx/doi.org/10.1097/MD.000000000012553

Nguyen, B., Nguyen, H., Nguyen, T. H., Nguyen, T. T., Nguyen, P. A. et al. (2018b). Introducing the American REACH-VA intervention for family caregivers of people with dementia and implications for family caregiver interventions in Vietnam. Vietnam Medical Journal, 64(468), 98-101.

Nguyen, B. N., Nguyen, H., Nguyen, T. H., et al. (2018c). Challenges of existing Vietnamese healthcare systems in providing care and sustaining community-based interventions for family caregivers of elderly people with dementia in Vietnam. Vietnam Medical Journal, 64(470), 158-161.

UNDP (2014). “Sustaining Human Progress: Reducing Vulnerabilities and Building Resilience.” Human Development Report.

UNFPA (2011). Già Hóa Dân Số Và Người Cao Tuổi Ở Việt Nam: Thực Trạng, Dự Báo Và Một Số Khuyến Nghị Chính Sách. Hà Nội: UNFPA

UNICEF (2014) . “Pneumonia and diarrhoea Tackling the deadliest diseases for the world’s poorest children.” Web accessed February 25, 2014,

Tổng Cục Thống Kê (2010). “Tổng Điều Tra Dân Số Năm 2009.” Hanoi: GSO.

Britton, W., Lindahl, J., Cahn, B. R., Davis, J. H., and Goldman, R. E.  (2014) Awakening is not a metaphor: The effects of Buddhist meditation practices on basic wakefulness. Annals of the New York Academy of Sciences 1307: 664-81.

Ricard, M. and Thuan, T. X.  (2004) The Quantum and the Lotus: A Journey to the Frontiers Where Science and Buddhism Meet.  Three Rivers Press: New York.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Điên thoại: (84-24) 3767 5840
Fax: (84-24) 3767 5841
trannhantong@vnu.edu.vn

tnti@vnu.edu.vn

Viện Trần Nhân Tông, tầng 8, Tòa C1T, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Lần đầu tiên, trong hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về Phật học và tư tưởng Trần Nhân Tông. Cũng lần đầu tiên chương trình đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học được đưa vào triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện đại. Đây cũng thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc thể hiện triết lý giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện.

 

floral-decor
Tran Nhan Tong Ins. Copyright © 2017. Edit by TMACS Team.