Việt Nam tổ chức thành công chuỗi Hội nghị Bộ trưởng, quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN

Với vai trò Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Việt Nam đã tổ chức thành công chuỗi Hội nghị Bộ trưởng, quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN tại Hà Nội từ 11-14/10. Chuỗi hội nghị quan trọng này có chủ đề xuyên suốt “Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”.

Các hội nghị chính thức mà 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác đã tham gia bao gồm: Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN lần thứ 17; Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 12: Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN-EAS lần thứ 7: Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12; Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 (với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) lần thứ 6 và Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Giáo dục Đông Á ASEAN-EAS (gồm các nước ASEAN+3 và các đối tác Mỹ, Úc, Niu Di Lân, Nga, Ấn Độ) lần thứ 6.

Nỗ lực hiện thực hóa những ưu tiên trên nguyên tắc hợp tác và đoàn kết

Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 diễn ra ngày 13/10Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cùng khẳng định tầm quan trọng mang tính quyết định của giáo dục đối với sự phát triển của mọi quốc gia nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ niềm vinh dự của Bộ GDĐT Việt Nam khi là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023 trong bối cảnh mới. Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần “giáo dục cần dựa trên những nguyên tắc hợp tác, cộng tác và đoàn kết” và những ưu tiên trong nhiệm kỳ: (i) Việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học; (ii) Tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; (iii) Bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; (iv) Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học; và (v) Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Một năm qua, những ưu tiên này đã được hiện thực hóa bởi rất nhiều hoạt động theo đúng tinh thần “nỗ lực chung”, điển hình như: Hội nghị giáo dục với chủ đề “Hồi phục việc học, tái xây dựng hệ thống giáo dục”; Tài liệu phục hồi và thích ứng trong giáo dục: hướng dẫn cho các quốc gia ASEAN do Campuchia chủ trì xây dựng; Tuyên bố ASEAN về chuyển đổi số trong giáo dục do Philippines chủ trì xây dựng; và Lộ trình thực hiện Không gian giáo dục đại học ASEAN 2025 được công bố tại Hà Nội.

Với mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộhỗ trợ từ cộng đồng ASEAN và các đối tác, Bộ GDĐT Việt Nam cam kết sẽ cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ưu tiên và định hướng lớn của giáo dục ASEAN trong giai đoạn tới. 

Đại diện Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ Bộ GDĐT Việt Nam chủ trì, cùng các bộ ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động được thống nhất tại hội nghị này, phù hợp với tinh thần của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN đến năm 2025, góp phần để Việt Nam và ASEAN hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.

Các nước tiếp tục hợp tác giáo dục, cùng thảo luận vì mục tiêu phát triển bền vững của khu vực, hướng tới đạt các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc cũng là mong muốn của ngài Ekkaphab Phanthavong – Phó Tổng Thư ký ASEAN trong lời phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị. Theo ngài Ekkaphab Phanthavong, đây là lúc các nước ASEAN cùng tái khởi động các hoạt động kinh tế – xã hội.

Tái thiết lại nền giáo dục với những chuẩn mực mới để tăng khả năng thích ứng trước những thay đổi, thách thức khó lường trong tương lai cũng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, bởi: “Những ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động học tập của học sinh ngày càng rõ rệt. Hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không cùng nhau hành động, hành động mạnh mẽ hơn và hành động ngay từ lúc này!”.

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN trao đổi về tình hình GDĐT của mỗi nước, chia sẻ bài học thực tiễn, kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp hợp tác, hướng tới phát triển giáo dục bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19. Hội nghị cũng cập nhật tình hình triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động giáo dục ASEAN giai đoạn 2021-2025 và thảo luận các vấn đề khác.

Các hội nghị trong ngày 13-14/10 đã lần lượt thông qua ba văn kiện quan trọng: Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12; Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 6; Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục cấp cao Đông Á ASEAN-EAS lần thứ 6.

Trước đó, từ 11-12/10, Thứ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc chủ trì các Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN, gồm: Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN lần thứ 17; Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 12 và Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN-EAS lần thứ 7.

Hoạt động, sáng kiến của Việt Nam tạo tiền đề tăng chất lượng giáo dục ASEAN

Tại các hội nghị chính thức, các cuộc làm việc song phương và hoạt động khác liên quan đều ghi nhận những đánh giá tích cực về nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022 và 2023, dẫn dắt ngành giáo dục ASEAN theo sự chỉ dẫn trong Kế hoạch Công tác ASEAN về Giáo dục giai đoạn 2021-2025 cũng như đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 cùng các hội nghị liên quan. Các đại biểu cũng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp đáng kể của các nước thành viên trong cộng đồng ASEAN và của các nước đối tác.

Phó Tổng Thư ký ASEAN – ngài Ekkaphab Phanthavong đặc biệt cảm ơn Bộ GDĐT Việt Nam đã nỗ lực tổ chức chuỗi sự kiện Hội nghị Bộ trưởng, quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN quan trọng này.

Tiến sĩ Roger Y. Chao Jr. – Trưởng Ban Giáo dục, Thanh niên và Thể thao – Ban Thư ký ASEAN đánh giá: “Tôi cho rằng vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN thật tuyệt vời. Việt Nam không chỉ đang tạo ra sự đóng góp trong thúc đẩy hợp tác và hợp lực trong lĩnh vực giáo dục giữa các nước thành viên, mà còn đóng góp vào các cuộc đối thoại về giáo dục trong khu vực và trên thế giới. Vai trò Chủ tịch của Việt Nam đã và đang góp phần vào đa dạng thành viên các bên liên quan và các tổ chức trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các sáng kiến hợp tác trong giáo dục của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên bình diện toàn cầu”.

Ngài Roger Y. Chao Jr. cho biết thêm, ASEAN đã và đang thúc đẩy sự phục hồi của các hoạt động học tập, những sự chuẩn bị cần thiết cho học tập cũng như chuyển giao công nghệ, thông tin trong lĩnh vực này. Một trong những ưu tiên trọng yếu của Việt Nam chính là khôi phục sức khỏe tinh thần và từ đó thúc đẩy thịnh vượng, cải tiến số hóa trong dạy và học ở các cấp, trong đó gồm cấp giáo dục đại học, và tạo sự đồng đều, bình đẳng trong tiếp cận cơ hội học tập, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương, sao cho sự tiếp cận với giáo dục và các nguồn lực sẽ được đồng đều hơn trong xã hội và trong khu vực. Nên tôi phải nói rằng vai trò Chủ tịch của Việt Nam thực sự rất tuyệt vời”, Trưởng Ban Giáo dục, Thanh niên và Thể thao – Ban Thư ký ASEAN nhấn mạnh.

Khẳng định, quyết định tới hiệu quả hợp tác giáo dục của các nước trong khối ASEAN thời gian tới, yếu tố then chốt là tăng cường chia sẻ tri thức, Tiến sĩ Roger Y. Chao Jr. đồng thời nhấn mạnh: “Tôi phải nói rằng Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến xuất sắc trong việc thúc đẩy hoạt động chia sẻ tri thức giữa các quốc gia thành viên ASEAN, và hoạt động chia sẻ này đã trở nên hiệu quả giữa các nước thành viên. Các hoạt động, sáng kiến của Việt Nam tạo tiền đề giúp gia tăng chất lượng của giáo dục khu vực ASEAN không chỉ của năm nay mà còn của nhiều năm tới”.

Ngày 13/10, tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục Singapore Chan Chun Sing đánh giá cao công tác tổ chức của Bộ GDĐT Việt Nam để sự kiện thành công tốt đẹp.  Trong cuộc gặp gỡ với Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc vào ngày 11/10, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Singapore Lai Chung Han cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch luân phiên giáo dục ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19.

Trong những ngày diễn ra chuỗi sự kiện, nhiều cuộc gặp gỡ song phương giữa các bên đã diễn ra tại Hà Nội, qua đó tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo trong cộng động ASEAN và các nước đối tác. Một số sự kiện tham quan, giao lưu cũng đã được tổ chức, qua đó để lại dấu ấn về một Việt Nam giàu truyền thống văn hóa, hiếu khách và nỗ lực hết sức vì sự phát triển chung của cộng đồng ASEAN. 

Trong kế hoạch từ nay đến hết nhiệm kỳ, Bộ GDĐT Việt Nam sẽ tập trung triển khai thúc đẩy, chăm sóc sức khỏe tinh thần của học sinh vì đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến việc học, dẫn đến việc hổng kiến thức của học sinh mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần của các em. Tăng cường giáo dục về biến đổi khí hậu nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam thực hiện tại Hội nghị COP 26 và sẽ phối hợp với các nước đối tác tổ chức các chương trình trực tuyến bồi dưỡng cho giáo viên về phương thức giảng dạy về biến đổi khí hậu. Tạo không gian chung để sinh viên các nước ASEAN và ASEAN+3 chia sẻ về khởi nghiệp trong giới trẻ. Ngoài ra, Bộ GDĐT tiếp tục chủ trì thực hiện 03 dòng hành động trong Kế hoạch Hành động trong giáo dục trong ASEAN giai đoạn 2021-2025 và một dòng hành động trong Kế hoạch Hành động ASEAN + 3 về Giáo dục giai đoạn 2018-2025.
.
.
.
.