Ngày 15 tháng 3 năm 2022, UBND xã Cấm Sơn đã gửi công văn số 27/UBND – VH về việc đề nghị Viện Trần Nhân Tông giúp đỡ địa phương điều tra, khảo sát phế tích cơ sở thờ tự Phật giáo tại thôn Mới, xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Theo đề nghị của xã, ngày 29 tháng 3 năm 2022, lãnh đạo Viện Trần Nhân Tông đã cử đoàn cán bộ của Viện phối hợp với phòng Nghiên cứu và Bảo tồn di tích (Viện Bảo tồn di tích – Bộ VHTT&DL) đến công tác tại địa phương để thực thi công việc.

Cấm Sơn là một xã miền núi của huyện Lục Ngạn, nằm cách trung tâm huyện khoảng 40 km. Phía Tây bắc giáp xã Quan Sơn, xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng và xã Hòa Lạc của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Phía Đông nam giáp xã Tân Sơn, xã Sơn Hải (cùng huyện). Xã Cấm Sơn hiện có 7 thôn: Ao Vường, Bả, Bến, Cấm, Chằm Khon, Họa, Mới.
Thôn Mới nằm ở phía Tây nam xã Cấm Sơn, cách xa trung tâm xã khoảng 10 km. Phía Đông nam là mặt nước hồ Cấm Sơn, giáp danh địa phận xã Tân Sơn và xã Sơn Hải (cùng huyện); phía Bắc giáp thôn Cấm, phía Tây giáp thôn Bả và thôn Ao Vường. Địa hình thôn Mới trải dài theo hướng Đông bắc – Tây nam có diện tích tự nhiên khoảng 490 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 51,4 ha. Thôn Mới có 52 hộ gia đình với dân số 234 người, trong đó có 29 người dân tộc thiểu số (dân tộc Thái 1, Ê Đê 2, Nùng 26). Sinh kế chủ yếu của người dân thôn Mới là nghề đánh bắt thủy sản và làm kinh tế vườn đồi. Điều kiện kinh tế xã hội của người dân còn nhiều khó khăn, theo số liệu điều tra năm 2021, thôn có 25% hộ nghèo, 26,92% hộ cận nghèo. An ninh, trật tự trong thôn ổn định, nhiều năm không có vụ việc về an ninh, trật tự xảy ra.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, bước đầu đoàn đã tiến hành điều tra, khảo sát dân tộc học trên địa bàn xã Cấm Sơn và được biết chùa Trung từng là cơ sở thờ tự Phật giáo nằm trên đỉnh núi Chùa, nay thuộc địa phận thôn Mới, trong vùng lòng hồ Cấm Sơn. Chùa Trung còn có tên gọi khác là chùa The. Tên gọi “chùa Trung” là gọi theo tên thôn/làng Trung, còn tên gọi “chùa The” là tên Nôm của chùa Trung. Theo các nhân chứng kể lại, Chùa không có sư mà có cụ Cai đám kiêm luôn cả việc chăm nom hương khói ở chùa The (tức chùa Trung). Hàng năm, vào ngày 30 tháng Chạp và mồng Một Tết nguyêt đán cụ Cai đám và dân làng đều thịt gà, đóng oản cúng Phật tại chùa. Chùa Trung nằm trên núi Chùa, chùa chình tường đất, 3 gian, một gian chuôi vồ, mái lợp gianh, nội tự đắp bệ và đặt nhiều pho tượng đá và bát hương. Quanh chùa có trồng nhiều cây thông nhưng to nhất là hai cây thông trước cửa chùa, gốc cây người lớn ôm không kín. Chùa bị thổ phỉ đốt năm 1947. Những năm sau 1969, nhất là những năm 1980 của thế kỷ XX, các pho tượng đá bị kẻ gian tìm cổ vật và trẻ trâu đập vỡ. Mấy năm gần đây, một số người dân thôn Mới đã đến phế tích chùa thắp hương cúng Phật và gom nhặt các mảnh tượng đá rồi xếp gọn trên nền chùa cũ.

Phế tích chùa Trung nằm trên đỉnh núi Chùa (thôn Mới) có diện tích khoảng trên dưới 10 ha, đỉnh núi có độ cao 100 m so với mực nước biển. Thảm thực vật trên núi Chùa đều là cây tự nhiên, được tái sinh khoảng hơn 30 năm nên đa số là cây thân gỗ, thân dây, bụi và tre trúc bản địa nhỏ, thấp ít giá trị. Khảo sát thực địa nền chùa cho thấy chùa nhìn theo hướng Tây nam (Tây ghé nam 15 độ), phía trước nhìn ra hồ Cấm Sơn, phía sau dựa vào dãy núi Cấm. Nền chùa là khu đất phẳng hình chữ nhật (hai cạnh bên hơi cong) có kích thước 25, 455 m x 35,975 m với diện tích khoảng 875 mét vuông. Nền chùa bằng đất, trên đó có nhiều khối đá tự nhiên phẳng mặt, một số nằm rải rác trên nền chùa, một số được người dân gom nhặt về nền Tam bảo để đặt các pho tượng vỡ bằng chất liệu đá xanh và nơi thắp hương cúng Phật.
Trên mặt bằng nền chùa, đoàn khảo sát đã kiểm kê có 16 hiện vật bằng đá là các bộ phận của những pho tượng Phật.

Như vậy, qua các thông tin được các nhân chứng là các cụ cao niên từng sinh sống ở địa phương cung cấp kết hợp với công tác khảo sát thực địa, đoàn công tác đã có đủ căn cứ để xác định ở trên đỉnh núi Chùa thuộc thôn Mới, xã Cấm Sơn từng tồn tại một cơ sở thờ tự Phật giáo được dân làng gọi tên là chùa Trung hay chùa The. Trước khi bị thổ phỉ đốt phá (năm 1947) tòa Tam bảo được xây dựng bằng chất liệu tường trình, mái lợp gianh, quy mô gồm 3 gian phía trước (Tiền đường) và 01 gian chuôi vồ (Thượng điện) phía sau. Chùa có quy mô nhỏ nhưng nội tự bài trí nhiều tượng Phật được tạo tác bằng chất liệu đá xanh, nhưng đã bị kẻ gian đập phá không còn pho nào nguyên vẹn. Sở dĩ xác định các hiện vật đá ở đây là các bộ phận của các pho tượng Phật, vì bệ/đế tượng đều được tạo tác hình toà sen và chạm khắc hoa văn cánh sen, đó là nét đặc trưng của tượng Phật Việt Nam. Thông qua các kiểu dáng tượng, hoa văn trang trí cùng kỹ thuật tạo tượng có thể xác định tượng được chế tác trong khung niên đại từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX.




Kết quả điều tra, khảo sát bước đầu cho thấy, chùa Trung đã bị đốt phá trở thành phế tích từ năm 1947, sau 75 năm nay chỉ còn lại nền chùa và các hiện vật là các bộ phận của các pho tượng Phật. Nền chùa là cứ liệu để xác định địa điểm, không gian, quy mô kiến trúc, bình đồ công trình xây dựng, hướng chùa; Hiện vật đá tìm thấy trên nền chùa giúp xác định đây là cơ sở thờ tự Phật giáo, thông qua việc xác định niên đại tạo tượng chỉ báo thông tin liên quan đến niên đại hay quy mô kiến trúc ngôi chùa… Đoàn công tác cũng đề nghị chính quyền địa phương trước khi triển khai, hoàn thiện hồ sơ việc chuyển đổi đất rừng sản xuất thành đất tôn giáo và dự án phục hồi tôn tạo chùa Trung cần có phương án bảo tồn nguyên trạng khu vực nền chùa và các hiện vật trên phế tích.



Cũng vì mới khảo sát các di vật trên mặt đất, chưa đào thám sát khảo cổ phế tích nên đoàn công tác ngờ rằng dưới gò đất nổi trên nền chùa có thể còn tồn tại những hiện vật khác nên đề xuất địa phương cần phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức đào thám sát hoặc khai quật khảo cổ để thu thập thêm thông tin khoa học phục vụ công tác nghiên cứu và trực tiếp phục vụ dự án phục hồi, tôn tạo chùa Trung trong thời gian sớm nhất./.