Tran Nhan Tong Ins Tran Nhan Tong Ins
Menu
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thông điệp Viện trưởng
    • Sứ mạng và tầm nhìn
    • Chức năng và nhiệm vụ
    • Hình thành và phát triển
    • Cơ cấu tổ chức
    • Dự án Hòa Lạc
    • Liên hệ
    +
  • Bản tin
    • Tin từ Viện
    • Tin từ ĐHQGHN
    +
  • Đào tạo
    • Giới thiệu chung
    • Đào tạo sau đại học
    • Đào tạo ngắn hạn
    • Thời khóa biểu
    • Văn bản liên quan
    • Học bổng
    +
  • Nghiên cứu
    • Giới thiệu chung
    • Ấn phẩm
    • Chia sẻ
    • Dự án, đề tài
    • Thư viện điện tử
    +
  • Hợp tác
    • Giới thiệu chung
    • Hợp tác trong nước
    • Hợp tác Quốc tế
    +
  • Hoạt động xã hội
    • Giới thiệu chung
    • Các mô hình hoạt động
    +

Văn bia về thiền phái Trúc Lâm ở miền Tây Yên Tử, Bắc Giang

TRANG CHỦChia sẻVăn bia về thiền phái Trúc Lâm ở miền Tây Yên Tử, Bắc Giang
22 Th12

Văn bia về thiền phái Trúc Lâm ở miền Tây Yên Tử, Bắc Giang

TS. Nguyễn Văn Phong

Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội

  1. Phật giáo Bắc Giang thời kỳ mới du nhập

 Bắc Giang là miền đất nằm trong không gian văn hóa Kinh Bắc nên đã tiếp nhận sự ảnh hưởng đạo Phật từ rất sớm. Tuy không có tài liệu, thư tịch cụ thể nào nói về đạo Phật chính thức được du nhập vào Bắc Giang khi nào, nhưng qua dấu tích vật chất để lại cùng truyền thuyết dân gian ở địa phương các nhà khoa học đã  nhận định đạo Phật du nhập vào Bắc Giang từ thời Bắc thuộc. Hiện nay đã phát hiện dấu vết chùa, am thời Bắc thuộc ở di tích chùa Dâu dưới chân núi Nham Biền thuộc địa phận x. Nội Hoàng, h. Yên Dũng. Điều tra khảo sát các ngôi chùa cổ ở Bắc Giang đã phát hiện được ba dấu chân Phật khắc trên đá, mà theo tín ngưỡng đạo Phật đó là những biểu tượng Phật cổ từ Ấn Độ ảnh hưởng tới Việt Nam. Việc xuất hiện dấu chân trên đá chủ yếu từ thời Lý – Trần trở về trước. Các dấu chân Phật đều được khắc trên phiến đá lớn cạnh phế tích chùa cổ. Dấu chân Phật ở phế tích chùa Bạch Liên (th. Bòng, x. Phượng Sơn, h. Lục Ngạn) được đục trên phiến đá sa thạch hình vết chân người với độ sâu chứng 2,5 cm; Dấu chân Phật ở chùa Am Vãi (x.Nam Dương, h. Lục Ngạn) được đục trên khối đá cát kết dựng đứng hình vết chân vừa bằng vết chân người thường có đủ các ngón chân; dấu chân Phật ở chùa Yên Mã (x. Bắc Lũng, h. Lục Nam) được đục trên mặt một khối đá nổi có chân sơn ẩn sâu gắn liền với nền đá mẹ trong lòng núi. Dấu chân này đục y hình chiếc giày cỏ, kích thước nhỉnh hơn chân người thật một chút, vết đục rất sâu, rất thô, và cũng rất kỳ lạ là vết chân ấy lúc nào cũng có nước, múc cạn chừng một tiếng đồng hồ nước lại tự rỉ đầy.

Thời Lý (TK XI – XIII) Phật giáo đã ảnh hưởng rất sâu rộng trên miền đất Bắc Giang. Cuối triều Lý, tại vùng Na Ngạn (nay thuộc địa phận h. Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng) có Đại sư Ẩn Không là người nối tiếp thiền sư Thông Biện, Biện Tài, Thường Chiếu, Thần Nghi hoàn tất việc biên soạn tác phẩm Thiền uyển tập anh禪菀集英 (Anh tú vườn thiền). Đây là tập sách có giá trị bậc nhất để người đời sau nghiên cứu các Phật phái thời Lý. Hiện chưa rõ Ẩn Không đại sư sinh mất năm nào, quê quán ở đâu, trụ trì chùa nào, nhưng có thể khẳng định vị thiền sư này từng trụ trì một ngôi chùa cổ trên đất Na Ngạn mầm nay thuộc t. Bắc Giang. Sách Thiền uyển tập anh禪菀集英(Anh tú vườn thiền) ghi chép sự kiện có liên quan đến Ẩn Không đại sư như sau: “Ngày 18 tháng 2 năm Bính Tý (1216), sư Thần Nghi đem tập phả đồ của Thường Chiếu trao cho mình truyền lại cho đệ tử là Ẩn Không, dặn rằng: Bây giờ đang loạn lạc, người hãy giữ sách này cẩn thận, chớ để binh hỏa hủy hoại thì tổ phong ta mới không bị mai một. Nói xong sư tự qua đời. Nguyên chú: Ẩn Không trước ở huyện Na Ngạn, Châu Lạng, người đương thời gọi là Na Ngạn đại sư[2].

Qua ghi chép trên cho biết đến thời Lý, Phật giáo ở Bắc Giang đã được phát triển mạnh nên đã có người trở thành đại sư của Phật giáo của cả nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với những phát hiện về những dấu vết vật chất còn tìm thấy ở các ngôi chùa lớn, mà nay chỉ còn là những phế tích ở trên các ngọn núi phía Bắc dãy Yên Tử như: chùa Cao (x. Khám Lạng), chùa Nhạn Tháp (x.Tiên Nha) h. Lục Nam; chùa Bạch Liên (x. Phượng Sơn) h. Lục Ngạn…. Đây cũng là địa bàn vùng Lạng Châu – Động Giáp thời Lý được nhắc đến trong sách Việt sử lược 越史略với dòng họ Giáp – họ Thân ba đời làm Phò mã cho triều Lý, các Công chúa triều Lý còn lên các chùa vùng Động Giáp tu hành mà nay còn thấy thờ ở một số ngôi chùa được xây dựng có quy mô lớn như: Chùa Hả (x. Hồng Giang), chùa Chể, chùa Bạch Liên (x. Phượng Sơn) h. Lục Ngạn; chùa Tòng Lệnh (x. Trường Giang), chùa Cao (x. Khám Lạng), chùa Nhạn Tháp (x. Tiên Nha), chùa Đám Trì (x. Lục Sơn) h.n Lục Nam, chùa Vĩnh Nghiêm ((x. Trí Yên, h. Yên Dũng).

  1. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trên đất Bắc Giang

Đến thời Trần, hòa nhịp trong trào lưu Phật giáo Đại Việt phát triển lên tầm cao mới với việc trí thức hóa, bản địa hóa Phật giáo và sự định hình Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (cuối thế kỷ XIII) do Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông sáng lập mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc thì đồng thời xuất hiện các trung tâm Phật giáo lớn ở hai sườn đông, tây dãy Yên Tử. Ở sườn phía Đông, chùa Hoa Yên, chùa Quỳnh Lâm (nay thuộc h. Đông Triều, t. Quảng Ninh) được mở mang trên quy mô lớn. Chùa Hồ Thiên, chùa Ngọa Vân (cũng thuộc h. Đông Triều)  được xây dựng nơi sơn lâm tĩnh mịch trở thành vệ tinh thu hút nhiều vị cao tăng đến tu trì.

Cùng với việc xây dựng, mở mang hệ thống chùa chiền ở sườn đông Yên Tử, ở bên sườn tây Yên Tử sơn thuộc địa phận t. Bắc Giang Tam tổ Trúc Lâm cũng chọn những nơi có non cao cảnh đẹp, gần sông suối, sơn thủy giao hòa để mở mang hệ thống chùa chiền như: Chùa Sơn Tháp (x.Cẩm Lý), chùa Bát Nhã (x. Huyền Sơn), chùa Hồ Bấc (x. Nghĩa Phương) h. Lục Nam; chùa Hàm Long, chùa Am Vãi (x. Nam Dương, h. Lục Ngạn). Đặc biệt, với sự tiếp nối các sư tổ, chùa Vĩnh Nghiêm (x. Trí Yên, h. Yên Dũng) đã được mở rộng từ ngôi chùa cổ có từ thời Lý trở thành trung tâm với quy mô lớn để đào tạo tăng đồ của dòng thiền Trúc Lâm. Cho nên, những năm cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV miền đất ở sườn tây Yên Tử thuộc địa phận t. Bắc Giang cũng được xem như Kinh đô Phật giáo thời Trần. Sau khi tam tổ Trúc Lâm viên tịch, thiền phái Trúc Lâm có dấu hiệu suy vi, nhiều ngôi chùa không được nhà nước đầu tư tu sửa nên xuống cấp và dần trở thành phế tích. Giữa thế kỷ XIV, thiền phái Trúc Lâm lại được chấn hưng.

Văn bia có nội dung liên quan đến việc xây dựng, tôn tạo các bảo sái thờ Phật có niên đại sớm nhất là văn bia thời Trần phát hiện ở chùa Hang Tràm (Nham Nguyệt tự) ở x.Tân Liễu, h. Yên Dũng mới được phát hiện năm 2000. Văn bia được soạn khắc năm Xương phù thứ 11 (1387). Bài văn bia khắc khi nhiều sự kiện liên quan đến việc khởi dựng, cấu tác, chấn hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử ở một bảo sái thờ Phật thời kỳ giữa và cuối thế kỷ XIV. Vì bị chôn vùi nhiều thế kỷ dưới lòng đất nên lòng văn bị mờ mòn nhiều chữ không khôi phục được trọn vẹn nội dung. Nhưng với những chữ còn lại, văn bia cho biết nội dung đại lược về quá trình khởi dựng, tôn tạo chùa Hang Tràm gắn với sự tu trì của các Đại thiền sư Phật phái Trúc Lâm ở chốn tùng lâm trên dãy Nham Biền ở nửa sau thế kỷ XIV. Vì văn bia bị mờ mòn, mất nhiều chữ, không khôi phục được đẩy đủ nội dung nên chỉ lược dịch được nội dung văn bia như sau: Miền đất này từ lâu đã có nơi thờ Phật. Sau có người được tôn xưng là Hoàng Bà sống vào khoảng thời vua Trần Anh Tông (1293-1314) đã đến đây xây tháp, tạc tượng để thờ Phật trên nền thảo am của nhà sư họ Đỗ… Đến năm Tân Dậu niên hiệu Đại Khánh thứ 8 (1321) Hoàng Bà lại khởi công các công trình như: Phật điện, gác chuông, tăng phòng  và hành lang hai bên tả hữu. Phía trước chùa nhìn ra sông Thương, có hàng tùng bách xum xuê dẫn thẳng vào chùa. Chùa tọa trên thế núi cao, thật xứng là nơi non xanh nước biếc gợi cảnh gợi tình. Việc tôn tạo hoàn tất thì Hoàng Bà cho người thỉnh mời Hòa thượng Đại Không về cư trụ và giảng pháp. Hòa thượng Đại Không lại thỉnh mời Thiện Nhãn thiền sư về cư trụ. Thiền sư cho sửa sang tu chỉnh làm cho chốn thiền lâm thêm xán lạn, xứng với công lao người trước đã tạo dựng và không hề thờ ơ, sao nhãng việc hương khói phụng Phật. Nhưng rồi vật đổi sao rời, qua mấy chục năm thiên tai địch họa, mưa gió phũ phàng hủy hoại làm cho cảnh chùa tan hoang mái đổ tường xiêu. Nơi tùng lâm ngày nào nay hoang phế trở thành nơi nghỉ chân cho trẻ mục đồng cùng đám tiều phu… Đến tháng 3 mùa xuân năm Đinh Mão niên hiệu Xương Phù (1387) nhà sư trụ trì không nỡ để cảnh chùa ngày thêm tiêu điều đã trùng tu tôn tạo và nhờ người soạn văn bia ghi lại sự việc đã qua[3].

Văn bia khắc trên bài vị tạo tác ở nửa đầu thế kỷ XIV, phát hiện ở ngôi tháp đá cổ thuộc phế tích chùa Sơn Tháp (dân trong vùng gọi là chùa Hòn Tháp thuộc x. Cẩm Lý, h. Lục Nam) có nội dung như sau: “Huyền cơ thiện thọ Pháp Vân Hòa thượng vị”[4] (Nghĩa là: Bài vị Hòa thượng có hiệu đạo là Huyền Cơ Thiện Thọ Pháp Vân). Nếu chỉ căn cứ vào các dòng chữ này thì còn nhiều khó khăn cho việc tìm hiểu, xác định niên đại dòng văn tự này. Sách Đạo giáo Nguyên lưu道教源流 của Hòa thượng Phúc Điền福填和尚 (đầu thế kỷ XIX) là tài kiệu giúp ích cho việc tìm hiểu về vị thiền sư này. Phần chép về chùa Sơn Tháp trong sách ghi lại sự kiện vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử tu hành. Trên đường đi vua đã ghé lại nghỉ chân ở chùa Sơn Tháp như sau: “Đời thứ tư là Nhân Tông Hoàng đế, được diệu chỉ của Tuệ Trung thượng sĩ. Ngày 12 tháng 2 năm Mậu Dần lên ngôi Hoàng đế. Đổi niên hiệu là Thiệu Bảo. Thái hậu nằm mộng thấy người thần trao cho hai thanh kiếm, bảo rằng: Trên thượng đế có sắc chú để ngươi tự chọn. Do đó có thai, sinh con trên mình toàn sắc vàng. Vua Thánh Tông đặt tên là Kim Phật cho Nhân Tông là vì thế. Ở bên phải hàng my của Nhân Tông có nốt ruồi to như hạt đậu đen. Các thức giả nói rằng: Kỳ lạ như thế tất sau này sẽ làm nên việc lớn. Đến năm 16 tuổi thì làm Hoàng Thái tử Điều ngự cố từ chối hai ba lần, mời em lên thay. Nguyên từ Quốc mẫu đem con gái lớn gả cho. Duyên cầm sắt tuy đẹp nhưng lầu vàng gác ngọc thanh đạm như không. Khi ngài vào núi Yên Tử, đi về phía Đông đến chùa Sơn Tháp; nhà sư ở đó thấy diện mạo lạ thường lấy làm kính trọng lúc đó cũng là ngày Thánh Tông sắc cho quần thần đi bốn phương tìm ngài về. Ngài bất đắc dĩ phải quay về lên ngôi”.

Qua đoạn văn đó, biết rằng lúc Trần Thái Tông lên Yên Tử vào chùa Sơn Tháp là lúc ngài chưa lên ngôi, tức vào khoảng năm 1274 – 1275. Về sư chùa Sơn Tháp là Hòa thượng Pháp Vân, sách Truyền kỳ mạn lục 傳奇漫錄có chuyện Nghiệp oan của Đào Thị cho biết có sư Pháp Vân tu hành ở núi Lệ Kỳ. Vị sư này tu hành ở thời điểm năm 1349 và đã là sư cụ. Ngược lên thế kỷ XIII,  Pháp Vân còn nhỏ chỉ có thể là Tiểu của cụ Sơn Tháp tự mà thôi. Như vậy, khi Nhân Tông đến chùa Sơn Tháp là ứng với thầy của Hòa thượng Pháp Vân. Tiếc rằng, nếu đúng như vậy thì hai tháp nữa của chùa này cũng bị đào phá nên tư liệu đã vĩnh viễn thất truyền. Tuy thế, với chút ít tư liệu khắc trên bài vị ngôi tháp cổ ở đây cũng cho ta thấy chùa Sơn Tháp cũng là một sơn môn của Thiền phái Trúc Lâm.

Ở chùa Am Vãi (Âm Ni tự) được xây dựng từ thời Trần, trên vườn chùa còn ngôi tháp đá cổ thời Trần “Liên Hoa bảo tháp 蓮花寶塔” (Tháp báu Liên Hoa). Trong lòng tháp có tấm bia bài vị tuy đã bị phong hóa nhưng vẫn khôi phục được đủ nội dung: “Trúc Lâm viên tịch Ma ha bất thương Tỳ khưu Như Liên hóa thân Bồ tát cẩn vị[5]; nghĩa là: Vị thiền sư là Ma ha bất thương Tỳ khưu Như Liên hóa thân làm bồ tát được viên tịch về chốn tổ Trúc Lâm”. Tìm hiểu thêm về chùa Am Vãi thấy trong mục Sơn Xuyên山川 sách  Lục Nam địa chí 陸南地誌 (soạn cuối thế kỷ XIX) viết: “Núi Am Ni, ở phía đông bắc xã Nam Điện, cao hơn ngàn trượng, lên núi có thể nhìn được các đường núi ở bốn xung quanh thuộc Đông Triều và Lạng Giang. Có một giếng ở đỉnh núi, nước rất trong ngon. Lại có chùa cổ, tương truyền là nơi Công chúa nhà Trần xuất gia tu hành ở đó”.. Sách Đại Nam Nhất thống chí 大南一統誌 khi chép về vị trí núi non tỉnh Bắc Ninh đã ghi về núi Am Ni (tên khác của Am Vãi) như sau: “Núi Am Ni ở xã Nam Điện, phía nam huyện Lục Ngạn mạch núi từ Phật Sơn, Thù Sơn kéo đến, phía tả có giếng nước trong không bao giờ cạn, cạnh núi có hai cái bồn bằng đá, trên núi có hầm chùa cũ”.

Văn bia Bắc Giang Bái thôn Thiệu Phúc tự北江拜村紹福寺碑記 của Lê Quát cũng là tư liệu phản ánh về Thiền phái Trúc Lâm Yên ở thời kỳ được chấn hưng mạnh mẽ, nhưng cũng qua văn bia phần nào thấy được tư tưởng Nho giáo đã len lỏi dần chiếm địa vị độc tôn của Phật giáo trong đời sống xã hội. “Nhà Phật lấy chuyện họa phúc tác động tới lòng người, sao mà cảm phục được người ta sâu và bền vậy! Trên từ vương công, dưới đến thường dân, phàm là đóng góp cho việc nhà Phật, thì dù có dốc hết tiền của, cũng không tiếc. Giá như hôm nay có gửi gắm được gì vào tháp chùa thì hớn hở như thể cầm được khế khoản trong tay, để ngày mai được báo đáp. Cho nên từ trong Kinh thành cho đến ngoài châu phủ, kể cả những nơi thôn cùng ngõ hẻm, không bảo mà người ta cứ theo, không hẹn mà người ta cứ tin; hễ nơi nào có nhà ở, là ắt có chùa chiền, bỏ rồi lại dựng, hỏng rồi lại sửa, số chuông trống lâu đài chiếm gần một nửa dân cư. Đạo Phật rất dễ thịnh hành và rất được người ta tôn sùng. Ta ngày còn trẻ đi học, dốc chí vào việc cổ kim, cũng biết qua về đạo Thánh, muốn lấy đó để giáo hóa nhân dân, nhưng rốt cục chưa có thể làm cho một hướng nào tin theo cả. Ta cũng thường dạo chơi sông núi, dấu chân đã để lại trong hầu nửa thiên hạ, thế mà chưa tìm thấy một trường học hay một văn miếu nào. Chính vì vậy mà ta rất lấy làm hổ thẹn khi so sánh với tín đồ nhà Phật, bèn viết ra đây để giãi tỏ lòng ta”.

Nhưng, dưới thời Trần (thời gian soạn khắc văn bia năm 1370), địa danh chùa Thiệu Phúc, th. Bái, Bắc Giang mà văn bia phản ánh không song trùng với địa giới hành chính hiện nay. Vì, địa danh Bắc Giang đương thời là địa danh hành chính của lộ Bắc Giang. Lộ Bắc Giang khi ấy là miền đất kề cận Thăng Long, ở phía bắc sông Nhĩ Hà (Nhị Hà/Hồng Hà/sông Hồng) khởi từ phần đất Long Biên ngược lên phương Bắc đến giáp đất Lạng Sơn, nay thuộc phần đất của t. Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần đất thuộc t. Lạng Sơn, Hưng Yên và Hải Dương, cho nên khó xác định địa điểm của chùa Thiệu Phúc. Hơn hai mươi năm công tác tại địa phương chúng tôi đã bỏ công đi điều tra điền dã, truy tìm, xác minh nhưng chưa có đủ cứ liệu để khẳng định địa điểm chùa Thiệu Phúc. Tuy nhiên, hướng nghiên cứu của chúng tôi tập trung ở một ngôi chùa thuộc thôn Cung Bái (tên Nôm là làng Bưởi) thuộc x. Đan Hội, h. Lục Nam, t. Bắc Giang. Sách Địa lý hành chính Kinh Bắc [60] của Nguyễn Văn Huyên ghi chép Cung Bái là tên xã, thuộc tg. Đan Hội, h. Phượng Nhãn như sau: “ Cung Bái xã: trong danh sách Đồng Khánh là xã Cung Bái, nay cũng vậy. Hai thôn: Bưởi, Thiệu”[6]. Ở đây có ngôi chùa nằm trên đỉnh một quả đồi nhỏ, bên ngòi Đan Hội (chi lưu của sông Phả Lại /Lục Đầu giang) mà thượng nguồn là rừng núi Huyền Đinh, nơi có chùa Thanh Mai, do Đệ nhị tổ Phật phái Trúc Lâm là Pháp Loa tôn Giả Đồng Kiên Cương sáng lập và trụ trì. Khi ngài viên tịch xá lợi của Ngài vẫn nhập tháp Viên Thông chùa này. Không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm nơi đây khá đậm nét, bao gồm một quần thể kiến trúc Phật giáo nhiều chùa chiền thời Trần, như: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Sơn Tháp, chùa Mã Yên, Bát Nhã (h.Lục Nam, t. Bắc Giang), chùa Thanh Mai, chùa Côn Sơn (h. Chí Linh, t. Hải Dương)…Và nếu đúng chùa Thiệu Phúc, thôn Bái trong bài văn bia của Lê Quát là ngôi chùa của th. Cung Bái (x. Đan Hội, h. Lục Nam) ngày nay thì nó chính là trung tâm của các danh lam bảo sái thờ Phật thời Trần ở sườn Tây Yên Tử.

Chùa Cung Bái nay nằm trên đỉnh một quả đồi thuộc dãy núi sót trong quá trình tạo sơn của dãy Huyền Đinh thuộc cánh cung Đông Triều, sườn Tây Yên Tử. Chùa xưa có nền móng kiến trúc khá đồ sộ, nay còn lại với quy mô kiến trúc nhỏ, công trình kiến trúc cổ hiện còn là các ngôi tháp cổ ở vườn chùa, tất cả các bi ký đã bị thất lạc. Dấu vết vật chất phát hiện ở đây gồm mảnh vỡ gạch ngói đất nung được tạo tác thời Trần và địa danh Cung Bái cùng địa điểm tọa lạc của chùa là những lý do để chúng tôi quan tâm nghiên cứu những thông tin liên quan đến bài văn bia của danh Nho Lê Quát.

Chùa Khám Lạng (x. Khám Lạng, h. Lục Nam) là một đại danh lam cổ tự, được khởi dựng từ thời Trần, nơi ghi dấu Tam tổ Trúc Lâm. Chùa còn lưu một hương án đá, trên đó có khắc văn tự khắc ở đầu hồi hương án hai dòng chữ Hán có nội dung: “Năm Nhâm Tí, niên hiệu Thuận Thiên thứ 5 (1432), ông Lưu Câu, làm quan Hạ phẩm ở xã Khám Lạng cùng vợ là Đỗ Xú công đức”[7]. Trên bệ tượng Tam thế Phật Di Đà (Phật quá khứ) khắc nội dung: “Ngày mồng 7, tháng Hai năm Hồng Đức thứ 25 (1494). Tín chủ là Lưu Thị Luận đứng ra tạo tượng Phật Tam tôn. Bà có tên hiệu là Thiện Duyên cúng 03 quan, …; ông Thuận Tâm cúng 01 quan; ông Chánh Niệm cùng bà…; bà Từ Tín, ông Ngụ cùng bà Hữu Phúc cúng 01quan; ông Nguyên Tâm cùng bà cúng 05 tiền; (ông) Trần Xứng cúng 01 chiếc áo; bà Nguyễn Thị cúng 01chiếc áo; bà Nguyễn Thị Đoan cúng 01 chiếc áo. Ông Phú Sơn ở xã Chỉ Tác, huyện Lục Ngạn cùng bà cúng 01 chiếc áo; bà Nguyễn Thị Giám ở xã Đông Lạc cúng tiền 05 mạch”[8] . Cách đây hai mươi năm, chùa Khám Lạng vẫn lưu bức đại tự (đã bị ghép làm cánh cửa tòa Tam bảo)  “ Trúc Lâm thiền tự 竹林禪寺”, chỉ báo rõ đây là một sơn môn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Như vậy, dù văn bia không trực tiếp nhắc đến việc xây dựng mở mang chùa Khám Lạng, nhưng với việc các tín thí hưng công đóng góp tạo hương án và bộ chân tảng, các bệ tượng đá uy nghi, đường nét chạm khắc cầu kỳ, tinh tế …cho thấy chùa có quy mô rất lớn và nhận được rất nhiều sự đóng góp của sãi, vãi, Phật tử. Hai văn bản khắc trên hiện vật đá chùa Khám Lạng chưa đủ cứ liệu để nghiên cứu Phật giáo Bắc Giang thời Lê sơ nhưng nó cũng cung cấp lượng thông tin quý cho ta biết Phật phái Trúc Lâm thời kỳ này vẫn ảnh hưởng sâu sắc ở các làng xã Bắc Giang. Các ngôi bảo sái thờ Phật vẫn được làng xã quan tâm, tu tạo.

Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những chốn tổ của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử, ở đây còn tàng lưu nhiều di sản Hán Nôm của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong đó, kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với tổng số 3050 đơn vị ván khắc  đã được tổ chức UNESCO thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương ghi danh là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới của khu vực. Chùa hiện còn 8 văn bia (không kể 5 bia bài vị ở tháp sư tổ) phản ánh về lịch sử hình thành, quá trình trùng tu tôn tạo, tô tượng, đúc chuông ở chốn tổ Vĩnh Nghiêm. Văn bia Chúc thánh Vĩnh Nghiêm tự bi 祝聖永嚴寺碑 khắc dựng cuối triều nhà Mạc, ghi việc Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn và Công chúa Phúc Thành công đức góp sức trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm: “Các tín sĩ huyện Phượng Sơn, Yên Dũng, Bảo Lộc, Lục Ngạn ở phủ Lạng Giang khắc dựng bia và minh về trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm. Chùa Vĩnh Nghiêm là dấu tích của thời Trần…nay chùa sụp đổ, ai trông thấy chẳng tự hứa sẽ tùy hỉ, tùy duyên nguyện tu sửa chùa. Nay các ông… Tự Nhiên, Nguyễn Phúc Ninh…… ở các huyện phủ….. đều qui thiện, đem lòng đại nhân duyên…. quyên tài lực mượn thợ, lo trùng tu. Lại được Thái Bảo Đà quốc công hiệu Đức Quảng và Thái trưởng Phúc Thành công chúa tùy hỉ, tùy duyên cúng giàng…”. Sau khi Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn và Công chúa Phúc Thành công đức thì hơn chục năm sau chùa Vĩnh Nghiêm lại được nhiều võ quan đứng ra hưng công hoặc xuất tiền của công đức trùng tu. Văn bia Trùng tu Vĩnh Nghiêm tự bi重修永嚴寺碑khắc ghi việc trùng tu tòa Thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường những năm đầu thế kỷ XVII : “…Cảnh dẫu có phúc phế hưng, nhưng lòng chẳng phân thời nay, thời xưa. Người xưa gặp thời cơ khởi xướng, phát công đức để xây dựng, đó là tấm lòng. Người đời nay nhân cảnh hoang phế, bỏ công đức để trùng tu, đó cũng chính là cùng một tấm lòng ấy… Có vị tướng là Địch Vũ hầu Nguyễn Thọ Cường cùng các vị tín thí thấy cảnh chùa hoang phế thì động lòng trắc ẩn, bèn cùng quyên góp tiền của ra tay ra sức, rồi vào tháng 12 năm Nhâm Dần, chọn ngày lành, sai thợ khéo bắt đầu tu sửa lại tòa thượng điện, nhà thiêu hương, các hành lang cùng tiền đường, hậu đường…”. Văn bia Vĩnh Nghiêm tự công đức bi永嚴寺功德碑cũng được soạn 1606 khắc việc trùng, tô tượng chùa Vĩnh Nghiêm: “Tín sĩ Định Sơn hầu Chu Văn Sầm, tên chữ Đức Trọng và các bậc đàn việt, vào năm mặt trời soi đơn các, mọc lên từ đỉnh cây bồ đề lòng như trong rừng công đức, bè báu chở tấm thân tu hành đến tinh xá long cung, có lâu đài ngọc bích, tay mở lá bối, hoa đàm. Tượng thần thiếp vàng, chư phật xuất thế, cửu thiên giáng điềm lành, trăm phúc nghìn lộc đến với thân ta, đến với con cháu ta; năm Phượng, tám Rồng soi sáng tổ phụ ta, soi sáng tông tộc ta. Trước cửa xe cao tứ mã, đai ngọc áo tía, như rừng. Công đức như thế, sự nghiệp như thế, dù khắc thơ cổ, tạo bia cổ, cũng không đủ hình dung muôn một đời vinh và thịnh ấy” .

Năm 1932, sau gần chục năm đứng ra hưng công đại trùng tu tôn tạo chùa Vĩnh Nghiêm, công việc hoàn thành, Hòa thượng Thích Thanh Hanh đã soạn khắc tấm bia Đức La xã Vĩnh Nghiêm tự sáng tạo lịch đại tu tạo công đức bi ký 羅社永嚴寺創造曆代修 造功德碑記với hơn ba nghìn chữ đã ghi lại toàn bộ từ khi ra đời, quá trình trùng tu tôn tạo, sự đóng góp công đức của thập phương với chùa Vĩnh Nghiêm qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó, có nội dung quan trọng kể về lai lịch ba vị tổ Trúc Lâm: Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa tôn giả Đồng Kiên Cương và Thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái và quá trình hình thành, phát triển và những đợt trùng tu, tạc tượng, đúc chuông, khắc ván in kinh… ở chùa Vĩnh Nghiêm qua các thời kỳ. “…Kìa như, các công hầu tiếp nối làm đẹp nơi Tam Bảo, năm Mậu Dần, niên hiệu Diên Ninh thứ 5 (1458) nhà Lê, có vị thủ tăng giữ chức nhập nội nội sảnh, tự Tín Thí thượng sĩ, mở mang nhà chùa cao rộng (việc ấy thấy đề ở thượng lương). Vào khoảng Lê Trung hưng Thế Tông Gia Thí Quang Hưng (Mạc Mậu Hợp, Hưng Trị thứ 8-1595), các cư sĩ ở Phượng Sơn, Yên Dũng, Bảo Lộc, Lục Ngạn là bọn Nguyễn Tự Nhiên, Nguyễn Phúc Mật, quyên góp tiền của trùng tu thượng điện, tiền đường, hậu đường. Một nhân duyên lớn nữa là được Thái Bảo Đà Quốc công và bà Trưởng công chúa Phúc Thành đứng ra làm Hội chủ hưng công (thấy ghi rõ ở bia cũ). Năm Bính Ngọ niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606), quý tướng Địch Vũ Hầu Nguyễn Thọ Cường và các tín thí quyên tiền của trùng tu thượng điện, cây hương, hành lang, cùng tiền đường, hậu đường, tô lại tượng Ngọc Hoàng và tượng Điều Ngự nhất tổ (thấy rõ ở bia cũ). Năm ấy, hội của Định Sơn hầu Chu Văn Sầm, tự Đức Trọng trùng tu Phật đài, tô tượng Phật (thấy rõ ở bia cũ). Năm Mậu Tuất, niên hiệu Bảo Thái thứ 6 (1708), sư trụ trì tạo gác chuông cao 2 tầng. Kế đó, sư trụ trì tự là Tính Thành, hưng công đúc chuông (tên họ những hội chủ hưng công thấy rõ ở bia cũ). Năm Canh Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 10 (1749), sau cơn tao loạn, có môn đồ là bà Vũ Thị Lương, hiệu Diệu Minh, trùng tu gác chuông, làm mới hai bên hành lang phía sau và đúc một quả chuông lớn (tên họ những hội chủ hưng công thấy ghi rõ ở bia cũ). Đến năm Canh Dần, hoàng triều Minh Mệnh thứ 11 (1830), toàn xã nhà thỉnh Lâm tế chánh tông Hòa thượng Vô sinh, sinh môn Tính Tĩnh, giao cho Thích tử tì khâu tự là Hải Hài về trụ trì. Nhân đó, Hải Hài tập hợp ba thôn, mộ các thiện tín đúc được quả chuông lớn, kế đó lại trùng tu gác chuông, tân tạo trai đường 11 gian.

Năm Tự Đức thứ 2 (1849), toàn xã kính thỉnh sư thầy ở chùa Phù Lãng Trung, nguyên năm Minh Mệnh được ban sắc. Giới đao độ điệp, Lâm tế chánh tông, Kim Mã hòa thượng, Thích sa môn Thông duệ ứng duyên nhận lời và giao thẳng cho sư thầy chùa nhà là Tĩnh Phương Sa môn, pháp húy Tâm Viên, cùng các đệ tử bên mình thay nhau trụ trì. Từ khi sư thầy chùa nhà bái mệnh đã sửa sang tu bổ mở rộng đạo pháp dạy môn đồ, tân tạo 3 tòa Côn lư xá na Di đà tiếp dẫn, Thế tôn thuyết pháp Phật, 3 tòa Văn thù, Phổ Hiền, Địa Tạng Bồ tát, 2 tòa An Nan ca Diếp, Thích Văn, 1 tòa Phạn Vương thiên, hai tòa Khải Giáo, Chân Tể và các pho tượng gỗ…”.

Như vậy, với số văn bia ít ỏi còn sót lại đã giúp người đời sau biết được các ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm được mở mang, phát triển hầu khắp các nơi có non cao cảnh đẹp ở vùng Na Ngạn xưa (nay thuộc phần đất Lục Ngạn, Lục Nam và một phần h. Yên Dũng). Tuy ít ỏi nhưng những văn bia thời Trần còn lại trên đất Bắc Giang đã góp phần giúp người đời phác thảo được diện mạo Phật phái Trúc Lâm ở thế kỷ XIV. Văn bia chùa Hang Tràm và chùa Vĩnh Nghiêm đã cho thấy nội dung phản ánh khá rõ sự suy vi của Phật phái Trúc Lâm ở đầu thế kỷ XV và sự chấn hưng mạnh mẽ ở thời kỳ giữa và nửa sau thế kỷ này./.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB. Văn hóa -Thông tin, 2000.
  2. Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Thơ văn Lý Trân, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977.
  3. Nguyễn Văn Huyên, Địa lý hành chính Kinh Bắc (Nguyễn Khắc Đạm dịch, Khổng Đức Thiêm hiệu chỉnh chú giải địa danh), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam – Sở VHTT Bắc Giang,1997.
  4. Đạo giáo nguyên lưu/ 道教源 流 (Bản chữ Hán, tư liệu ông TRần Văn Lạng)
  5. Văn khắc trên hương án chùa Khám Lạng, x. Khám Lạng, h. Lục Nam, BG
  6. Chúc thánh Vĩnh Nghiêm tự bi/祝 聖 永 嚴 寺 碑. X. Trí Yên, h. Yên Dũng, BG
  7. Trùng tu Vĩnh Nghiêm tự bi /重修永嚴寺碑(N08038 – 39 ), x. Trí Yên, h. Yên Dũng, BG
  8. Vĩnh Nghiêm tự công đức bi / 永嚴寺公德碑, x. Trí Yên, h. Yên Dũng, BG
  9. Đức La xã Vĩnh Nghiêm tự… /德 羅 社 永 嚴 寺, Vĩnh Nghiêm, h. Yên Dũng, BG

Tài liệu tham khảo

Bùi Văn Nam Sơn (2014), Kant và bốn câu hỏi cốt lõi, Tạp Chí Tia Sáng.

  1. Dewey (1997), Dân chủ và Giáo dục, Phạm Anh Tuấn dịch (2016), NXB Tri thức.
  2. Krishnamurti (2008), Education & The Significance Of Life, HarperOne Publisher, ISBN-13: 978-0060648763.

Lư Tô Vỹ (2015), Con Không Ngốc Con Chỉ Thông Minh Theo Cách Khác, NXB Phụ Nữ

Ngô Minh Oanh (Chủ biên) (2018), Hồ Sỹ Anh, Nguyễn Ngọc Tài, Nguyễn Thị Phú, Giáo Dục Phổ Thông Miền Nam (1954-1975), NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, NXB Phương Đông.

Thích Chơn Thiện (1996), Lý Thuyết Nhân Tính Qua Kinh Tạng Pali, luận án Tiến sĩ Triết học, Đại Học Delhi.

Thích Minh Châu (2002), Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, NXB Tôn Giáo.

http://chungta.com/nd/tu-lieu-tra- cuu/socrates_cham_ngon_nhan_thuc_chinh_minh-6.ht

[2]隱 空從昔居于 諒 州 那 岸 縣 時 號 那 岸大師

[3] 皇 婆  是 一 保 慈 皇 太 […]  真 空 氏[…][…][…] 云.

迺 舍 其 第 宅 直 入 景 山 修 行 法 號 慈 真 比 丘[…][…][…]山 之 面 勢 謀 刱 寺 宇 …食   迺 以 大 慶 八 辛 酉 起 工 其 佛 殿 鐘 閣 僧 房 客 次 及[…][…][…]行 廊 背 般 [ ] [ ] [ ] 之 手 段 也  前 臨 大 江 列 植 松 楸 以 蔭 行 客 背 景 者 山 各 開 軒…以 望 山[…][…][…]成 之 目 使 人 移[…]請 大 空 尙 居 之 倡 起 禪 風[…] 為 叢 林 名 剎 未 幾 皇 婆 下 世 師 乃 示 寂 其 徒 . 迺 請 善 眼 禪 師 代 居 法 席 以 願 其 衆 重 修 之 外 師   […] 以 莊 嚴 佛 事  為 念 何 事 與 心 夫 嗇 違 其 年 距 今  凡   二  十  餘 年 而 風 樵 雨 利 諫 撓 礎 傾 僅 存佛 殿 一 區 而 已 向 所 謂    化   空 寶 所 今 爲 樵 夫 牧 童 之 境 矣  迨 昌 符 丁 卯 春 二 月 住 持[…]以 緣 専 過 以 見 庭 院 荒 凉 廼 與 念 嘆 曰   我名  為 出 家 子 見 佛 事 將 陵替 而 忍  視乎?.

迨 罄 罄 袤 資 僝 工 鳩 材 重 修 起 度 而 三 境 之 人 夙 閒 師 德 皆 雲 輯 子 .   來 一 日 而 成 金 碧 熒 煌 丹 青 焕 若 於 是[…]以 宗 門 僧 徒 輻 湊 至 百 餘 柏  噫 !  世 人 或 構 一 堂 以  為祭 祀 之 殿 . 迨 其 子 孫 不 能 撐 拄[…]以 至 震 凌 圮 毀 . 今 師 居 禪 席 枯 淡 中 衣 缽 然 肅 而 能 一 本 貫 百 餘 缗 以 完 就 其 寺[…]真 請 藹 僧 中 之 龍 象 矣

[4]玄 幾 善 壽 法 雲…尚位

[5]竹林圓寂摩訶不蒼永比丘如蓮…身菩薩謹位

[6] Địa lý hành chính Kinh Bắc, tr.213

[7]順 天 壬子五年龛社下品 劉 俱 妻 杜 醜

[8]洪 德 二 十 五 年 二 月 初 七 日.信 主 劉 氏 論 起 造 佛 三 尊 . 號 曰 善 緣 婆 三 貫 ; [][][] 心 翁 一 貫 ;正 念 翁 并 婆…; 慈 信 婆,  寓 翁 并 有 福 婆 一 貫; 元 心 翁 并 婆 錢 五; 陳 稱 衣 一 件; 阮 氏 衣 一 件; 阮 氏 端 衣 一 件; 陸 岸 縣 紙 作 社 富山翁并婆衣一件; 東 洛 社 阮 氏 監 供 五 陌”

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Điên thoại: (84-24) 3767 5840
Fax: (84-24) 3767 5841
trannhantong@vnu.edu.vn

tnti@vnu.edu.vn

Viện Trần Nhân Tông, tầng 8, Tòa C1T, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Lần đầu tiên, trong hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về Phật học và tư tưởng Trần Nhân Tông. Cũng lần đầu tiên chương trình đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học được đưa vào triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện đại. Đây cũng thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc thể hiện triết lý giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện.

 

floral-decor
Tran Nhan Tong Ins. Copyright © 2017. Edit by TMACS Team.