Ngày 19/4/2019, tại Viện Trần Nhân Tông (cơ sở Mỹ Đình) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra phiên họp Ban Chủ nhiệm “Dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông” lần thứ nhất.
Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông , Chủ nhiệm Dự án.
Tham dự phiên họp còn có các nhà khoa học là thành viên Ban Chủ nhiệm: Thượng tọa. TS. Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự kiêm Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thượng tọa. TS. Thích Nguyên Đạt, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; Thượng tọa. ThS. Thích Minh Quang, Phó Chánh văn phòng TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Thượng tọa Thích Thông Thiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Thiền học Bắc truyền; GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch HĐKH & ĐT Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch HĐKH & ĐT Viện Trần Nhân Tông; PGS.TS. Lại Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; TS. Phạm Đức Anh, Phó Trưởng Ban KHCN (ĐHQGHN); TS. Đinh Thanh Hiếu, Phó Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN); TS. Mai Thị Thơm, Trưởng ban Thư ký Dự án. Tham dự và giúp việc cho phiên họp còn có lãnh đạo và các thành viên Văn phòng Dự án, các thành viên Ban Thư ký Dự án.
Ban Chủ nhiệm đã nghe và góp ý cho các văn bản: Quy chế hoạt động của Dự án; Kế hoạch năm 2019 và kế hoạch 5 năm 2019-2024 của Dự án; Khung thuyết minh Bộ Quy chuẩn – Thể lệ, khung thuyết minh Bộ Từ vựng, khung thuyết minh Bộ Hồ sơ dịch thuật.
Sau khi nghe và tổng hợp ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chủ nhiệm, PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn đã kết luận và chỉ đạo những nội dung cơ bản: Hoàn thiện Quy chế Tổ chức và hoạt động, Quy chế chi tiêu nội bộ của Dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành; Nhất trí thông qua kế hoạch năm 2019 và kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2019-2024; Nhất trí thông qua khung thuyết minh Bộ Quy chuẩn – Thể lệ, khung thuyết minh Bộ Từ vựng và khung thuyết minh Bộ Hồ sơ dịch thuật.
Dưới đây là một số hình ảnh tại phiên họp Ban chủ nhiệm Dự án Kinh điển phương Đông:
Dự án Kinh điển Phương Đông dự kiến sẽ được thực hiện trong 10 năm theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 3/2019-2/2024, giai đoạn 2 từ 3/2024 – 2/2029.
Giai đoạn 1 là công tác chuẩn bị và tiến hành dịch thuật, trong đó, Dự án sẽ thực hiện khảo sát, lên hồ sơ dịch thuật; chọn văn bản nền để tổ chức dịch thuật và tham chiếu; xây dựng bộ quy cách dịch thuật; tập huấn và chọn lọc nhân sự chính tham gia và tuyển chọn cộng tác viên; chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dịch thuật và xây dựng cơ sở dữ liệu và thư viện tra cứu phục vụ dịch thuật. Sau đó, Dự án tiến hành dịch thuật theo hai hướng toàn dịch và toát yếu. Giai đoạn 2 là giai đoạn chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện và dịch thuật các bộ Kinh còn lại trong phần Chính tạng, điển tịch Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo được trước tác, chú giải tại Việt Nam. Sản phẩm dự kiến của toàn bộ quá trình này là các bộ sách in, sách số về tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông, bao gồm 150 quyển thuộc Chính tạng, 9 quyển Nho tạng, hai quyển Đạo tạng cùng các tác phẩm trước thuật của các đại sư Việt Nam trong lịch sử; 13 bộ kinh điển của Nho gia, cùng điển tịch Nho học Việt Nam và 3 quyển Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Xung hư chân kinh, cùng một số điển tịch Đạo giáo chọn lọc ở Việt Nam. Bên cạnh đó, đầu ra của dự án còn cung cấp các mô hình, giải pháp phát huy các giá trị tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông tới cộng đồng, và đặc biệt là cơ sở dữ liệu số về bộ sản phẩm của Dự án và cổng thông tin điện tử phục vụ tra cứu rộng rãi. Dự án không sử dụng ngân sách Nhà nước mà sẽ huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hàng năm, Dự án sẽ lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thành phần trong dự án, phù hợp với nguồn ngân sách được huy động. |