Ngày 01 tháng 4 năm 2023, Viện Trần Nhân Tông đã tổ chức phiên họp Ban Chủ nhiệm kiêm Hội đồng Biên tập và Hội nghị cộng tác viên Dự án Khoa học và Công nghệ “Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông” (gọi tắt là Dự án Kinh điển phương Đông) khu vực miền Bắc tại Viện Trần Nhân Tông – cơ sở Mỹ Đình, ngõ 33 đường Lưu Hữu Phước, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hội nghị nhằm mục đích báo cáo kết quả đạt được năm 2022 và thông qua phương hướng, kế hoạch hoạt động trong năm 2023 của Dự án.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Ban Chủ nhiệm kiêm Chủ tịch Hội đồng Biên tập cùng các thành viên Ban Chủ nhiệm kiêm Hội đồng Biên tập của Dự án Kinh điển phương Đông.
Tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Ban Chủ nhiệm kiêm Chủ tịch Hội đồng Biên tập Dự án phát biểu chào mừng các thành viên tham dự hội nghị, trong đó nhấn mạnh việc Dự án đã đi vào năm thứ tư triển khai hoạt động và bắt đầu thu được những kết quả nhất định đồng thời bày tỏ mong muốn năm 2023 sẽ có những ấn phẩm đầu tiên được xuất bản và công bố.
Về phía Văn phòng Dự án có sự hiện diện của ThS. Đào Thị Tâm Khánh, Chánh Văn phòng Dự án và ThS. Trần Thị Hường, Phụ trách kế toán Dự án.
PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Ban Chủ nhiệm kiêm Chủ tịch Hội đồng Biên tập Dự án Kinh điển phương Đông phát biểu chào mừng các thành viên tham dự Hội nghị, trong đó nhấn mạnh Dự án đi vào năm thứ tư triển khai hoạt động và đã bắt đầu thu được những kết quả nhất định và mong muốn quý IV năm 2023 sẽ có ấn phẩm đầu tiên được xuất bản và công bố.
Dưới sự chỉ đạo và phân công của Trưởng Ban Chủ nhiệm kiêm Chủ tịch Hội đồng Biên tập Dự án, Chánh Văn phòng Dự án và Trưởng ban Thư ký Dự án lần lượt trình bày các báo cáo tổng quan và chi tiết các kết quả hoạt động năm 2022, kế hoạch triển khai năm 2023 của Dự án Kinh điển phương Đông.
Nhiệm vụ trọng tâm dịch thuật các tác phẩm Dự án kinh điển phương Đông đã và đang triển khai tổ chức theo 3 hợp phần dịch thuật lớn: Phật tạng tinh yếu, Phật điển Việt Nam và toàn dịch Nho tạng. Các hợp phần này có thể lệ dịch thuật quy củ và chặt chẽ, phù hợp với đặc thù riêng của từng hợp phần, các chuyên gia nhóm hợp phần trong năm qua đã hết sức tích cực và sâu sát trong việc tư vấn, hỗ trợ, giúp việc cho Ban Chủ nhiệm Dự án trong việc điều phối các hoạt động chuyên môn của từng hợp phần. Tổng hợp kết quả của cả 3 hợp phần tính đến năm 2022, đã thực hiện dịch thuật 79 tác phẩm kinh điển, tương ứng với việc tổ chức ký kết 92 hợp đồng dịch thuật. Nhìn chung, trong năm 2022, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chủ nhiệm và sự hỗ trợ từ Viện Trần Nhân Tông, Dự án Kinh điển phương Đông đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đồng thời đã khắc phục nhiều khó khăn của giai đoạn khởi động, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch đã đề ra. Ngoài ra, các báo cáo cũng đã nhấn mạnh những thuận lợi và khó khăn của công việc chuyên môn, từ đó đề xuất kiến nghị các giải pháp để cho ra đời các tác phẩm dịch thuật chất lượng nhất.
Tại Hội nghị, các thành viên cũng đã phát biểu về từng nội dung công việc thuộc các hợp phần dịch thuật, trong đó có những ý kiến như: nhấn mạnh đến việc cần tạo ra hiệu ứng xã hội, chú trọng hơn nữa hoạt động quảng bá, nâng cao hơn nữa nhận thức về những di sản kinh điển này với xã hội; dịch chú giải là công việc lớn, nhưng cũng nên có những bộ tinh giản để dễ đi vào nhận thức của quần chúng; cũng có ý kiến cho rằng, Dự án đã trải qua giai đoạn khởi động, đã có 2 năm dịch thử và điều chỉnh, từ đó cần đặt vấn đề chuyên môn lên hàng đầu, đầu tư theo chiều sâu và kiện toàn những tác phẩm sắp được hoàn thành để ra mắt độc giả, chú trọng công tác chuẩn bị xuất bản cho nhóm sản phẩm đầu tiên để đáp ứng được nhu cầu và sự chờ đợi của công chúng; ngoài ra, hội nghị cũng trao đổi về những vấn đề khó khăn then chốt như nhân sự, lực lượng hỗ trợ chuyên môn vì khối lượng công việc của Dự án tương đối lớn…
PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông trên cương vị Viện trưởng đồng thời là thành viên của Ban Chủ nhiệm Dự án phát biểu bày tỏ sự trân trọng các ý kiến đóng góp, nhận xét của các thành viên và trao đổi một số thông tin cũng như cam kết về sự đồng hành, hỗ trợ của Viện đối với Dự án trong công tác chuyên môn, công tác quản lý nhân sự, công tác đào tạo, cơ sở vật chất và công tác truyền thông.
Kết luận tại Hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Ban Chủ nhiệm kiêm Chủ tịch Hội đồng Biên tập Dự án bày tỏ sự cảm ơn đối với đội ngũ các thành viên trong Ban Chủ nhiệm cũng như các cộng tác viên của Dự án trong suốt thời gian vừa qua và đánh giá năm 2023 là thời điểm quan trọng, nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức để có thể hoàn thành những ấn phẩm đầu tiên.
Dự án Khoa học và công nghệ “Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông” (gọi tắt là Dự án Kinh điển phương Đông) chính thức được triển khai từ ngày 20 tháng 04 năm 2019. Năm 2022 là năm thứ tư Dự án tiến hành thực hiện các nhiệm vụ theo các định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ giao Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức thực hiện, Viện Trần Nhân Tông là đơn vị chủ trì, thể hiện tại Quyết định thành lập Dự án cũng như Quy chế hoạt động của Dự án do ĐHQGHN phê duyệt, triển khai thực hiện và cụ thể hóa thành kế hoạch, nhiệm vụ công tác Dự án Kinh điển Phương Đông dự kiến sẽ được thực hiện trong 10 năm theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 3/2019-2/2024, giai đoạn 2 từ 3/2024 – 2/2029. Giai đoạn 1 là công tác chuẩn bị và tiến hành dịch thuật, trong đó, Dự án sẽ thực hiện khảo sát, lên hồ sơ dịch thuật; chọn văn bản nền để tổ chức dịch thuật và tham chiếu; xây dựng bộ quy cách dịch thuật; tập huấn và chọn lọc nhân sự chính tham gia và tuyển chọn cộng tác viên; chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dịch thuật và xây dựng cơ sở dữ liệu và thư viện tra cứu phục vụ dịch thuật. Sau đó, Dự án tiến hành dịch thuật theo hai hướng toàn dịch và toát yếu. Giai đoạn 2 là giai đoạn chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện và dịch thuật các bộ Kinh còn lại trong phần Chính tạng, điển tịch Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo được trước tác, chú giải tại Việt Nam.
Sản phẩm dự kiến của toàn bộ quá trình này là các bộ sách in, sách số về tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông, bao gồm 150 quyển thuộc Chính tạng, 9 quyển Nho tạng, hai quyển Đạo tạng cùng các tác phẩm trước thuật của các đại sư Việt Nam trong lịch sử; 13 bộ kinh điển của Nho gia, cùng điển tịch Nho học Việt Nam và 3 quyển Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Xung hư chân kinh, cùng một số điển tịch Đạo giáo chọn lọc ở Việt Nam. Bên cạnh đó, đầu ra của dự án còn cung cấp các mô hình, giải pháp phát huy các giá trị tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông tới cộng đồng, và đặc biệt là cơ sở dữ liệu số về bộ sản phẩm của Dự án và cổng thông tin điện tử phục vụ tra cứu rộng rãi.
Dự án không sử dụng ngân sách Nhà nước mà sẽ huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hàng năm, Dự án sẽ lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thành phần trong dự án, phù hợp với nguồn ngân sách được huy động.