Tran Nhan Tong Ins Tran Nhan Tong Ins
Menu
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thông điệp Viện trưởng
    • Sứ mạng và tầm nhìn
    • Chức năng và nhiệm vụ
    • Hình thành và phát triển
    • Cơ cấu tổ chức
    • Dự án Hòa Lạc
    • Liên hệ
    +
  • Bản tin
    • Tin từ Viện
    • Tin từ ĐHQGHN
    +
  • Đào tạo
    • Giới thiệu chung
    • Đào tạo sau đại học
    • Đào tạo ngắn hạn
    • Thời khóa biểu
    • Văn bản liên quan
    • Học bổng
    +
  • Nghiên cứu
    • Giới thiệu chung
    • Ấn phẩm
    • Chia sẻ
    • Dự án, đề tài
    • Thư viện điện tử
    +
  • Hợp tác
    • Giới thiệu chung
    • Hợp tác trong nước
    • Hợp tác Quốc tế
    +
  • Hoạt động xã hội
    • Giới thiệu chung
    • Các mô hình hoạt động
    +

Phật giáo Việt Nam nhập thế trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 hôm nay

TRANG CHỦChia sẻPhật giáo Việt Nam nhập thế trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 hôm nay
01 Th11

Phật giáo Việt Nam nhập thế trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 hôm nay

                                                         TT.TS. Thích Nguyên Đạt

Giảng viên Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc Gia Hà Nội

1. Danh ngữ “Phật giáo nhập thế”

Danh ngữ “Phật giáo nhập thế” (the Engaged Buddhism) được hiểu bằng Tiếng Việt như “đạo Phật vào đời“, “đạo phật dấn thân” hay “đạo phật nhập cuộc” thoạt nghe có vẻ là lời cổ vũ, hay thậm chí khẩu ngôn của một phong trào Phật giáo có phương và chiều véc tơ hướng tới xã hội. Nhưng thật ra, nội hàm của danh ngữ này có nhiều tầng ý nghĩa hơn thế, chí ít, theo người viết, ngoài là lời cổ vũ, còn nói đến hai điều:

Nhập thế là bản chất của đạo Phật: Mahavagga (Đại phẩm – 19, 20) tường thuật rằng, sau khi đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni hóa độ cho chàng thanh niên Yasa và hơn 50 người bạn, Ngài đã khuyến tấn: “Này các thầy, hãy đi, hãy đi vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các thầy hãy đi, đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá chánh pháp“. Lời khuyến tấn này xác định: 1) Phương và chiều véc tơ hoạt động của đạo Phật là cuộc đời và xã hội; 2) Phương thức hành động và hoạt động “đi vào đời” của đạo Phật cần phong phú và linh hoạt; và 3) Hành động và hoạt động “đi vào đời” và việc nỗ lực giác ngộ của tự thân cần được thực hiện đồng thời. Cũng vậy, trong Pháp Bảo Đàn kinh Tổ sư Huệ Năng, vị Tổ thứ 6 của Thiền Tông Trung Hoa, đã chỉ ra: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ đề, do như cầu thố giác“, nghĩa là: Phật pháp ở ngay trong đời, quả vị giác ngộ không lìa đời mà tựu thành; tách xa trần thế tìm bồ đề thì cũng tựa như đi tìm lông rùa sừng thỏ. Tương tự, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng tuyên bố “No mud no lotus” – không bùn thì chẳng có hoa sen. Bùn ở đây ám chỉ cho trần thế và hoa sen chỉ cho đạo Phật vậy.

Nhập thế là hình thái Phật giáo của hiện đại và hậu hiện đại: Vào khoảng giữa thế kỷ 20, trào lưu “the engaged Buddhism” – đạo Phật nhập thế được được khởi xướng ở Châu Á, và rồi được giới thiệu ở Âu – Mỹ bởi một số nhà hoạt động Phật giáo đương đại có danh vọng quốc tế như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đức Dalai Lama thứ 14, Hòa thượng Tinh Vân, Sulak Sivaraksa, Robert Aitken Roshi, Joanna Macy, Gary Snyder, Alan Senauke, Ken Jones, Tara Brach, và Bhikkhu Bodhi. Nhận định về sự phát triển của trào lưu này ở Âu – Mỹ, Kotler, nhà biên tập tác phẩm “the Engaged Buddhist Reader” cho lần xuất bản vào năm 1996 đã cho biết như sau: “Khi nhà xuất bản Parallax Press bắt đầu hoạt động vào năm 1986, có rất ít tác phẩm viết về đề tài này. Hiện nay nhiều tác phẩm về Phật giáo Nhập thế được biên tập và xuất bản, phản ảnh cho một trào lưu mới đang hình thành. Quan niệm cho rằng Phật giáo là một tôn giáo tiêu cực tránh đời hoàn toàn biến mất. Những Phật tử nhập thế hiện đang hiến dấn cuộc đời của mình phục vụ con người và xã hội khắp nơi“. Đó hiện tình Phật giáo Nhập thế ở Âu – Mỹ vào những năm cuối thế kỷ 20. Từ ấy đến nay, qua gần 2 thập niên của thế kỷ 21, sự phát triển và ảnh hưởng của Phật giáo nhập thế trên thế giới càng sâu rộng hơn, đã đi vào nhiều ngỏ ngách của xã hội Âu – Mỹ, chẳng hạn, tạo thành cơ chế hoạt động ứng dụng của công xưởng, gộp trong chương trình đào tạo của một số Đại học… Sau cùng, với đôi hài vạn dặm công nghệ thông tin, thế giới nhân loại hôm nay, bao gồm cả đông lẫn tây, đang trở nên “phẳng” qua từng ngày theo hướng duy lý và thực nghiệm. Và thế là, từ một trào lưu, “the engaged Buddhism” đang ngày càng trở nên như một hình thái Phật giáo phù hợp của xã hội hiện đại và hậu hiện đại.

Tuy nhiên, trong chừng mức nào đó, danh ngữ “đạo Phật nhập thế” lại dễ gây nên ngộ nhận về bản chất của đạo Phật. Bởi lẽ, thuật ngữ “nhập thế” – vào đời, nghĩa là từ một nơi nào đó ‘ngoài đời’ đi vào cuộc đời. Nhưng, đạo Phật vốn ở trong đời và chưa hề ở ngoài cuộc đời. Hơn nữa, một khi nói “đạo Phật nhập thế’ thì đồng thời cũng hàm chỉ đến “đạo Phật xuất thế“, một thuật ngữ thường được hiểu sai lạc như “yếm ly – chán đời”, tách xa cuộc đời, không dính dáng gì với đời sống thực tiễn xã hội. Trong khi đó, theo tinh thần giáo lý Phật, xét từ mọi khía cạnh đều không có loại “đạo Phật chán đời“. Danh ngữ “xuất thế” xuất hiện trong các văn điển Phật giáo hoàn toàn không mang ý nghĩa chán đời hay lìa bỏ đời. “Xuất thế” ở đây nói đến ý nghĩa ra khỏi những trói buộc muộn phiền, những tâm lý tham, sân và si, tránh xa những ngôn ngữ và hành vi đưa đến khổ đau cho chính mình và cho nhân quần xã hội. “Xuất thế” theo đây hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực: Xuất thế = nhập thế. Tóm lại, đạo Phật đơn giản là một nếp sống (đạo) lấy trí tuệ hay giác ngộ (Phật) làm đầu, và do vậy, ở mọi khía cạnh đều hiện thể là một “đạo nhập thế” với căn cốt “tùy duyên nhi bất biến” và “nất biến nhi tùy duyên” – nhập cuộc nhưng không tục hóa .

2. Phật giáo Việt Nam và các tuyên ngôn nhập thế

Nhập thế hay nhập cuộc vào đời sống thực tiễn xã hội là một đặc tính quyết định nên giá trị nội tại của đạo Phật và trên mảnh đất hình chữ “S” đặc tính này như càng được thể hiện đậm nét hơn. Quả vậy, đạo Phật kể từ thuở bình minh du nhập vào Việt Nam đến hôm nay, như được chứng minh qua từng trang sử vàng của dân tộc và của Phật giáo Việt Nam, đã và đang tỏ ra là một hiện thể nhập thế trong tâm thế và tư cách của một thành tố xã hội bất khả phân ly của đất nước. Những câu nói của hôm nay như “đạo pháp đồng hành với dân tộc” hay “đạo pháp chung con thuyền với dân tộc” không phải là lời đầu cửa miệng mang chất khẩu ngôn chính trị, mà phản ánh một sự thật mang tính truyền thống lịch sử. Hiện thể nhập thế của Phật giáo trên mảnh đất Việt Nam, do vậy, không phải là một trào lưu mang tính thời cuộc mà là một chủ trương, một tôn chỉ xuyên suốt lịch sử, định vị nên bản thể của thực thể gọi là đạo Phật Việt Nam. Chủ trương hay tôn chỉ đó, như người viết cảm nhận, được thể hiện rõ ràng qua tuyên ngôn của hai dòng Thiền đại biểu của Phật giáo Việt Nam. Gọi là “tuyên ngôn” bởi chúng là (hoặc có thể được xem là) những phát biểu mang tính cương lĩnh cho hành tác và hành động của đạo Phật Việt Nam. Đó là:

1. Tuyên ngôn “Cư trần lạc đạo”

2. Tuyên ngôn “”Thiệt tế đại đạo”

2.1.Tuyên ngôn “Cư trần lạc đạo” của Thiền phái Trúc Lâm

Tuyên ngôn bốn chữ này, như chúng ta biết, thuộc về đoạn thơ kết nhưng lại được dùng làm tựa đề của bài phú “Cư trần lạc đạo phú” của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Điều ấy cho thấy đây chính là ý tưởng trọng tâm của bài phú. Những gì được biểu lộ trong nội dung của bài phú, theo người viết, không đơn thuần phản ảnh cảm thức văn học hay suy tư triết học của Phật hoàng, vị Tổ sư khai lập nên một dòng Thiền mang dấu ấn văn hóa Việt, một hiện thể cho ý chí độc lập, tự cường của dân tộc. Mà vươn xa hơn, bài phú như một bản cương lĩnh xác lập định hướng hành động: định hướng nhập thế cho hệ tư tưởng xã hội đang là ‘quốc hệ” vào lúc bấy giờ. Trong ý nghĩa này, “Cư trần lạc đạo” chính là lời tuyên ngôn đúc kết của dòng Thiền Trúc Lâm Yên tử hay Giáo hội Trúc Lâm nói riêng và đạo Phật Việt Nam nói chung vậy.

Cụm từ “cư trần lạc đạo” – ở đời vui đạo – có thể được hiểu theo hai chiều kích. Chiều kích thứ nhất mang ý nghĩa của câu phát biểu (affirmative sentence hay statement) kể về nếp sống thường nhật của Phật hoàng. Theo đây, cụm từ này nghĩa là Ngài tuy sống ở đời nhưng vẫn tùy duyên vui với đạo: “Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm“. Chiều kích thứ hai mang ý nghĩa của loại câu cầu khiến (causative form) với “cư” và “lạc” đóng vai trò động từ cầu khiến (causative verbs). Theo đó, câu này có thể được hiểu như: ‘hãy sống với đời nhưng vui với đạo’, hay cũng có thể hiểu:  ‘hãy ở trong đời nhưng cần biết lấy đạo làm niềm vui sống“. Cương lĩnh hành động và hành xử như thế đã được Phật hoàng xác lập và định hướng cho người Tăng sĩ và Phật tử Việt Nam và cho Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm với chiều kích ý nghĩa thứ hai này. Xa hơn nữa, từ “đạo” ở đây cũng hàm hai tầng ý nghĩa với ba chiều kích. Đó là, tầng ý nghĩa thứ nhất với từ “đạo” được viết thường, trỏ đến hai điều: một chỉ cho luân lý đạo đức, và hai là chỉ cho đạo Phật, đạo Thiền. Đạo Phật ở đây được đồng nhất với đạo đức và quy chuẩn đạo đức của xã hội. Tầng ý nghĩa thứ hai với chữ “ĐẠO” được viết hoa, chỉ cho nguyên lý phổ quát của cuộc sống, hay bản thể đời sống đang là. “Đạo” ở đây hàm ý nghĩa tương tự “Đạo” trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử: “Đạo khả đạo phi thường đạo” – “Đạo” mà có thể nói về thì chẳng phải là “thường Đạo“, tức không phải “đạo” của phạm trù thường nghiệm.Và như thế, cụm từ bốn chữ “cư trần lạc đạo” này có thể được hiểu thành 6 chiều ý nghĩa (ba của loại câu phát biểu và ba của loại câu cầu khiến) như sau:

1. Ta hằng ngày trong đời luôn lấy đạo đức làm nguồn vui sống;

2. Ta thân ở đời nhưng tâm theo Phật;

3. Ta sống trong đời nhưng vẫn nhận chân được sự thật cuộc sống đang là với niềm vui thảnh thơi;

4. Hãy sống với đời và hãy vui với đạo đức;

5. Hãy sống theo đời, hãy làm theo Phật;

6. Hãy sống với thực tại đang là.

Trong sáu ý nghĩa trên, ba ý nghĩa đầu Phật hoàng lấy nếp sống thiền và mục đích nếp sống Thiền của chính Ngài làm minh chứng thực tiễn, và ba ý nghĩa sau biểu thị tôn chỉ hay tuyên ngôn nhập thế riêng cho dòng Thiền và chung cho đạo Phật của Ngài, đạo của người dân Việt.

2.2.Tuyên ngôn “Thiệt tế đại đạo” của dòng Thiền Liễu Quán

Trong lịch sử Thiền ở nước ta, chỉ có hai dòng Thiền mang thương hiệu Việt do hai vị Tổ sư người Việt khai lập. Đó là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai sáng vào khoảng đầu thế kỷ 13 và Thiền phái Liễu Quán do Tổ sư Thiệt Diệu – Liễu Quán (1712) dựng lập vào khoảng đầu thế kỷ 18. Thiền phái Trúc Lâm, dòng Thiền Việt đầu tiên, chủ yếu phát triển ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, còn Thiền phái Liễu Quán, dòng Thiền Việt thứ hai của Phật giáo Việt Nam, chủ yếu phát triển từ miền Trung, tỉnh Quảng Trị, trở vào. Xét về nỗ lực thống nhất và Việt hóa các yếu tố Phật giáo ngoại lai của hai Thiền phái, Phật hoàng với vị thế xuất thân vương giả đã tiến hành toàn triệt hơn so với Tổ sư Liễu Quán, một vị sư có xuất thân dân dã. Hơn nữa, cũng có thể vì những lý do lịch sử khách quan, chẳng hạn, triều đình Nhà Nguyễn vẫn quá lệ thuộc vào hệ thống Nho học, và quy phục Trung Hoa, nên dòng Thiền Liễu Quán chỉ có thể làm nhạt bớt sắc màu Phật giáo Trung Hoa, mà không thể toàn triệt Việt hóa nó như Phật hoàng Trần Nhân Tông của dòng Thiền Trúc Lâm đã từng thực hiện. Tuy nhiên, tương tự như với dòng Thiền Trúc Lâm, Tổ sư Liễu Quán, khi quyết định khai mở một dòng Thiền Việt mới, Ngài cũng đã xác lập tôn chỉ cho Thiền phái của mình với dòng kệ truyền thừa sau đây:

Thiệt tế đại đạo                                             Đường lớn thực tại

Tánh hải thanh trừng.                                  Biển thể tính trong

Tâm nguyên quảng nhuận                           Nguồn tâm thấm khắp

Đức bổn từ phong.                                        Gốc đức vun trồng.

Giới định phước huệ                                    Giới định phước huệ

Thể dụng viên thông.                                   Thể dụng viên thông

Vĩnh siêu trí quả                                           Quả trí siêu việt

Mật khế thành công.                                    Hiểu thấu nên công

Truyền trì diệu lý                                         Truyền giữ lý mầu

Diễn xướng chánh tông.                              Tuyên dương chính tông.

Hạnh giải tương ưng                                     Hành giải song song

Đạt ngộ chơn không.                                    Đạt ngộ chân không.

Phần dịch nghĩa trên đây là của Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh) trong cuốn Việt Nam Phật giáo Sử luận, và thường được nhiều học giả dựa vào để phân tích ý nghĩa triết lý của bài kệ. Nếu nhìn từ góc độ triết lý hay giáo nghĩa, bản dịch trên tỏ ra rất sáng đẹp. Nhưng hãy nhớ, đây là bài kệ truyền thừa, nên hẳn không dừng ở việc trình bày triết lý Thiền, mà xa hơn thế, xác lập định hướng cho Thiền phái. Nói khác đi, bài kệ là bản tuyên ngôn hay cương lĩnh hành động cho Thiền phái Liễu Quán nói riêng, và xa hơn cũng là gợi ý phát triển cho Phật giáo Đàng trong nói chung.

Thiết định hướng đi cho Thiền phái Liễu Quán và mô định hình thái phát triển cho Phật giáo ấy, theo người viết, nằm ở ngay câu mở đầu “Thiệt tế đại đạo” của bài kệ. Trong ý nghĩa là một lời tuyên ngôn, câu này nên được hiểu là “đời là đạo lớn“. Từ “đạo” ở đây, theo người viết, không nên dịch mà cần giữ nguyên, bởi tự thân từ này nó hàm nhiều tầng bậc và chiều kích ý nghĩa. Đó là, nó có thể được hiểu là: 1. Luật pháp, đạo đức luân lý; 2. Đạo Phật, đạo Thiền; 3. Thực tại, nguyên lý bản thể của cuộc sống và của mọi sự vật hiện tượng, hay sự giác ngộ tối hậu. Và như thế, chủ trương “thiệt tế đại đạo” – đời là đạo lớn – của thiền phái Liễu Quán không khác gì với tinh thần “cư trần lạc đạo” – ở đời vui đạo – của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. “Đời” như vậy là điểm hội tụ của hai tuyên ngôn, mang ý nghĩa vừa như là phương tiện và vừa như là đích đến của đạo.

3. Phật giáo Việt Nam nhập thế trong kỷ nguyên công nghiệp  4.0

Bước vào thiên niên kỷ mới, trên nền tảng của cuộc cách mạng số với các công nghệ như internet vạn vật (IoT), tri tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tich dữ liệu số (SMAC),v.v,nhân loại tiến vào kỷ nguyên chuyển hóa thế giới thực thành thế giới số. Một từ khóa thay thế khác đôi khi được dùng để chỉ cho kỷ nguyên này là cuộc cách mạng “công nghiệp 4.0” (industrie 4.0), lần đầu xuất hiện trong một báo cáo của chính phủ Đức cách đây 4 năm (năm 2013), đề cập đến dự án chiến lược toàn cầu về công nghệ điện toán hóa.

Như thế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay công nghiệp 4.0 là “thực tại đang là” của nhân loại. Thực tại này đang tác động mạnh mẽ và làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới và đất nước, bao gồm cả thượng tầng kiến trúc lẫn hạ tầng cơ sở, của con người và xã hội hôm nay. Về thượng tầng, triết lý thực tại công nghiệp 4.0 đang là triết lý của “ảo là thực” và “thực là ảo”; và cũng là triết lý của tích hợp những “ảo” thành “thực”. Về mặt hạ tầng cơ sở, hiện thể của triết lý “ảo – thực” ấy là những tích hợp công nghệ cao như “trí tuệ nhân tạo” (robot thông minh), đám mây điện toán, dữ liệu số. Cuộc đổi thay tất yếu này của nhân loại, như nhiều chiến lược gia đương đại nhận định, đầy năng lượng của triển vọng cũng như thách thức. Triển vọng cho những cộng đồng và cá nhân ý thức được cuộc đổi thay và chuyển mình kịp theo cuộc đổi thay. Ngược lại, ấy sẽ là thách thức.

Trước và trong hiện tình như thế, Phật giáo Việt Nam với tổ chức đại biểu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ nhập cuộc như thế nào? Quá khứ đi qua thì đã rồi, nhưng những gì đang và sẽ luôn là những nan đề mà không dễ dàng để có câu trả lời thích đáng.

3.1.Nhìn lại

Đạo Phật Việt Nam hơn hai nghìn năm với nội quản luân lưu tinh thần tuyên ngôn nhập thế đã quyện hòa với vận mệnh dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hơn ba mươi lăm năm thành lập (1981-2017) với phương châm hành động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” được xác định trong Hiến chương cũng đã thật sự sát cánh chung vai, đồng hành cùng dân tộc dựng xây và gìn giữ đất nước. Nói “sát cánh chung vai“, “đồng hành” hay “chung thuyền” cùng dân tộc chính là nói đến sự nhập cuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tinh thần hoàn toàn chủ động thuận theo mệnh lệnh của những tuyên ngôn nhập thế lịch sử của đạo Phật Việt Nam. Báo cáo của Trung ương Giáo hội và của Ban Trị sự các tỉnh thành trong kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần 8, nhiệm kỳ 2017-2022, vừa qua cho thấy những trăn trở để nhập cuộc vì sự tồn tại và phát triển của Giáo hội nói riêng, vì sự ổn định và thịnh vượng của đất nước nói chung. Sự nhập cuộc đó của Giáo hội có thể nói mang tính toàn cục và toàn triệt. Một vài khía cạnh trọng yếu có thể trình bày sơ lược ở đây là: 1. Tổ chức và quản lý : Tự thân hình thái tổ chức thống nhất toàn quốc của Giáo hội theo mô hình “hai hội đồng”, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự, và hoạt động tương tự như một tổ chức nhà nước thế tục đã phần nào nói lên tính nhập cuộc của Phật giáo Việt Nam. Trong đó, Hội đồng Chứng minh đóng vai trò lãnh đạo tối cao, tương tự lập pháp, có chức năng đề ra các chủ trương chung nhất và giám sát mọi hoạt động do Hội đồng Trị sự với 12 ban ngành, tương tự hành pháp, thực hiện.

2. Giáo dục và đào tạo: Trong hệ thống giáo dục của Giáo hội, trên cả nước có 35 trường Trung Cấp Phật học, 9 Trường Cao đẳng Phật học, và 4 Học viện Phật giáo. Giáo dục Trung cấp là điều kiện bắt buộc để trở thành vị tu sĩ Phật giáo, còn giáo dục Cao đẳng và Học viện nhắm đến đào tạo nên những tu sĩ Phật giáo có khả năng hoằng đạo và dấn thân. Do vậy, chương trình giáo dục ở các Trường Trung cấp được thiết kế song hành với chương trình Phổ thông Trung học với những môn học Nội điển và Ngoại điển căn bản. Chương trình Cao đẳng Phật học nâng cao hơn về chuyên môn Phật học nhưng luôn được bổ sung các kiến thức thế học. Còn, chương trình giáo dục của các Học viện Phật giáo, nơi được phép đào tạo trình độ đại học và sau đại học Phật giáo, được thiết kế chuẩn theo chương trình giáo dục đại học quốc gia và quốc tế. Phật học được đối xử ở các môi trường đại học Phật giáo này không như là một niềm tin tôn giáo mà như một ngành khoa học xã hội nhân văn. Do vậy, khối kiến thức chung về các ngành khoa học và phương phương pháp khoa học luôn chiếm một tỉ lệ khá lớn trong chương trình đào tạo của các Học viện.

3. Kinh tế tài chánh: Loại hình kinh tế tu viện là một trong những nét đặc thù thể hiện tinh thần dấn thân của Phật giáo Bắc tông ở các nước thuộc vùng Châu Á – Viễn Đông, trong đó có Việt Nam. Trong Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 8 vừa qua, một trong 9 điểm hành động được quyết nghị là nâng tầm tự chủ kinh tế của Giáo hội. Điều này chỉ ra rằng, loại hình kinh tế Giáo hội hướng đến mang tính đi xa hơn loại hình kinh tế tu viện mà hòa nhập vào xã hội hơn.

4. Từ thiện và công tác xã hội: Có lẽ đây là phương diện thường được nhìn nhận như là sự thể hiện nhập thế rõ ràng của Phật giáo. Làm việc từ thiện một cách tình nguyện vô tư là một thuộc tính của Phật giáo. Đặc biệt, hiện nay khi mặt bằng chất lượng về đời sống kinh tế của người dân tương đối tốt hơn, Giáo hội chủ trương đẩy mạnh công tác xã hội nhằm tăng cường năng lực cho cá nhân và cộng đồng. Các trường mầm non, các câu lạc bộ thanh thiếu niên, các khóa huấn tập kỹ năng ứng phó rủi ro thiên tai và nhân tai… được các tu sĩ và Phật tử thực hiện đó đây khắp nước là những hiện thể sống động của tinh thần nhập thế vậy.

5. Hoằng pháp và truyền thông: Giáo hội có hai ban ngành là Hoằng pháp và Truyền thông. Hai ban ngành này hoạt động độc lập nhưng tương quan mật thiết. Hoằng pháp là phát triển, khiến Phật pháp lan rộng xã hội nhân quần bằng nhiều phương thức và phương tiện khác nhau. Còn truyền thông, theo nghĩa hẹp, đó là hình thái hoằng pháp bằng phương tiện đặc biệt, ứng dụng phương tiện công nghệ IT hiện đại, nhằm tối đa hóa sự lan rộng, sự nhập thế của Phật giáo: một hiện thể nhập cuộc mang hơi thở của thời đại.

Khi nói toàn cục và toàn triệt, nghĩa là bất cứ khía cạnh nào của Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội PGVN nói riêng đều có thể tìm thấy bàng bạc tinh thần nhập thế, và trên đây chỉ là một vài điển hình. Điều căn cốt tinh thần nhập thế của đạo Phật, như được đề cập ở trên, phải là “nhập cuộc nhưng không tục hóa“. Do vậy, hai câu hỏi luôn thường được Giáo hội trăn trở là:

1. Liệu chừng hiện thể nhập cuộc toàn triệt như thế có tuân thủ được tinh thần nhập thế trong sáng của đạo Phật hay không?

2. Liệu chừng sự nhập cuộc đang là ấy của Giáo hội có cùng nhịp bước với đà phát triển của thế giới và đất nước hay không?

Rõ ràng, hễ còn trăn trở nghĩa là vẫn đang còn đó những vấn đề, thậm chí là những vấn đề rất “nóng”. Những hiện thể nhập cuộc (chẳng hạn, tổ chức Giáo hội, hình thái kinh tế,…) như đang thể hiện một khuynh hướng tục hóa, và tỏ vẻ chậm bước trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. hôm nay.

3.2. Hướng tới

Như chúng ta biết, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu thế của thế giới và đất nước. Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới đã định nghĩa về cuộc này như sau: “Cách mạng công nghiệp lần đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.”

Không thể khác hơn, đất nước Việt Nam chúng ta cũng đang chuyển mình, như Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Thông tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn chỉ đạo, kích phát những tiềm năng xã hội hướng tới thế giới số, từng bước chủ động đón đầu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tích hợp. Nói gọn hơn, đất nước đang chủ động chia động từ “to do” – nhập cuộc – vào xu thế đang là của thế giới. Trước hiện tình thôi thúc này, Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng, hẳn cũng đang súc tích năng lượng cho cuộc chuyển mình để hòa nhịp tiến bước của đất nước và thế giới. Nói rằng “hẳn” nhưng ý nghĩa mang tính xác lập, tất yếu và “súc tích năng lượng” mang ý nghĩa chuẩn bị với tính cách tích cực. Nhưng bằng cách nào và phải bắt đầu từ đâu?

Theo gợi ý của nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước liên quan đến chiến lược đón nhận làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam, việc đầu tiên nên là đào tạo nguồn nhân lực mạnh về công nghệ kỹ thuật số như Clould Computing, Data Technology, Data Analytics. Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội PGVN nói riêng chắc chắn cũng phải như thế, nếu muốn nhập cuộc và nhịp bước song hành với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cần nhớ rằng Giáo hội không thể so bì với xuất phát điểm và nội lực của đất nước. Theo quan sát của người viết, ý thức về tính tất yếu phát triển của xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ đang rất giới hạn trong một số ít quý vị lãnh đạo cao cấp và tri thức của Giáo hội; dư ra đại đa số Tăng Ni và Phật tử vẫn còn đang tỏ ra hờ hững và khá lờ mờ về xu hướng này. Bởi thế, theo người viết, để nhập thế và nhập cuộc theo nhịp bước của thời đại hôm nay, Giáo hội PGVN cần xây dựng 3 chiến lược:

1. Gây dựng và lan rộng ý thức về cuộc CMCN 4.0: Đây chắc chắn phải là việc làm đầu tiên, bởi hành động có và chỉ có theo sau ý thức và hiệu quả lớn mang tầm vĩ mô của hành động có và chỉ có khi có được sức mạnh ý thức tập thể vĩ mô.

2. Đào tạo nguồn nhân lực về CMCN 4.0: Con người là yếu tố tiên quyết. Khởi đầu cho bước đi này hẳn phải là chương trình giáo dục và đào tạo nhân sự của Giáo hội. Cụ thể, các môn học khoa học căn bản như Toán học, Công nghệ IT cần phải được tích hợp trong chương trình đào tạo của các trường và học viện Phật giáo.

3. Ứng dụng Công nghiệp 4.0 trong tổ chức, quản lý, điều hành và hoằng pháp: Hai điểm đặc thù trong CMCN 4.0 là: 1, tính làm mờ ranh giới giữa những phát triển công nghiệp về sinh học, vật lý và kỹ thuật số trước đây, và 2, tính biến các “thực” thành “ảo” và biến các “ảo” ấy thành “thực”. Thế giới đã có và đất nước cũng đang có những thành tựu về sự ứng dụng cuộc cách mạng đương đại này, chẳng hạn, tích hợp các môn học có mối tương quan, cấp số định danh cho công dân… Hội đồng Trị sự TƯ Giáo hội, hẳn cũng nên bắt đầu nghĩ tới vấn đề này, chẳng hạn, tích hợp giáo lý trong việc hoằng pháp hay cấp số định danh trong việc quản lý Tăng Ni và tín đồ Phật tử.

4. Kết Luận

Nhập thế nhưng với điều kiện không tục hóa là một yếu tính của đạo Phật. Trong lịch sử hơn hai ngàn năm hòa chung trong huyết quản văn hóa Việt, Phật giáo Việt Nam với hai tuyên ngôn nhập thế “Cư trần lạc đạo” và Thiệt tế đại đạo” làm cương lĩnh hành đạo đã thật sự thực thi vai trò “hộ quốc an dân”. Hôm nay, thế giới và đất nước đều đang cuồn cuộn trong làn sóng CMCN 4.0, Phật giáo Việt Nam với đại biểu là Giáo hội PGVN hẳn không thể là kẻ ngoài cuộc, nhưng hình như chỉ mới đang sẵn sàng. “Đang sẵn sàng” nghĩa là đã chưa bắt đầu và như thế là chậm bước. Có thể “chậm để chắc”, nhưng nếu quá chậm thì sẽ bỏ lở cơ hội và sẽ mãi mãi tụt hậu và cuối cùng thành kẻ bên lề. Phật giáo Việt Nam với sứ mệnh nhập thế “hộ quốc an dân” không bao giờ là kẻ bên lề đối với dân tộc Việt Nam. Đây là điều có thể khẳng quyết vậy.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Điên thoại: (84-24) 3767 5840
Fax: (84-24) 3767 5841
trannhantong@vnu.edu.vn

tnti@vnu.edu.vn

Viện Trần Nhân Tông, tầng 8, Tòa C1T, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Lần đầu tiên, trong hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về Phật học và tư tưởng Trần Nhân Tông. Cũng lần đầu tiên chương trình đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học được đưa vào triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện đại. Đây cũng thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc thể hiện triết lý giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện.

 

floral-decor
Tran Nhan Tong Ins. Copyright © 2017. Edit by TMACS Team.