Tran Nhan Tong Ins Tran Nhan Tong Ins
Menu
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thông điệp Viện trưởng
    • Sứ mạng và tầm nhìn
    • Chức năng và nhiệm vụ
    • Hình thành và phát triển
    • Cơ cấu tổ chức
    • Dự án Hòa Lạc
    • Liên hệ
    +
  • Bản tin
    • Tin từ Viện
    • Tin từ ĐHQGHN
    +
  • Đào tạo
    • Giới thiệu chung
    • Đào tạo sau đại học
    • Đào tạo ngắn hạn
    • Thời khóa biểu
    • Văn bản liên quan
    • Học bổng
    +
  • Nghiên cứu
    • Giới thiệu chung
    • Ấn phẩm
    • Chia sẻ
    • Dự án, đề tài
    • Thư viện điện tử
    +
  • Hợp tác
    • Giới thiệu chung
    • Hợp tác trong nước
    • Hợp tác Quốc tế
    +
  • Hoạt động xã hội
    • Giới thiệu chung
    • Các mô hình hoạt động
    +

Phật giáo nhập thế – Một lần nhắc, một lần mới.

TRANG CHỦChia sẻPhật giáo nhập thế – Một lần nhắc, một lần mới.
09 Th12

Phật giáo nhập thế – Một lần nhắc, một lần mới.

(Diễn văn khai mạc hội thảo Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông)

 Kính thưa các vị khách quý, các học giả trong và ngoài nước!

Trước hết, thay mặt cho lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và lãnh đạo Viện Trần Nhân Tông, tôi xin gửi tới các quý vị đại biểu, các vị học giả, các khách mời Việt Nam và quốc tế lời chào mừng nhiệt liệt. Trân trọng cảm ơn các vị khách quý và các học giả đã ủng hộ Ban tổ chức Hội thảo bằng các bài viết khoa học đầy tâm huyết và việc bố trí tới tham dự Hội thảo ngày hôm nay.

Kính thưa toàn thể các quý vị!

Phật giáo nhập thế (Humanistic Buddhism/人間佛教), hay nói một cách hình tượng “Hòa quang đồng trần”, “Cư trần lạc đạo” là những tư tưởng không mới. Phật tổ thuyết pháp là để cứu khổ cứu nạn, giải thoát cho con người. Không thể giải thoát cho con người mà lại không đi vào cuộc đời. Chỉ có vào đời và tới từng người, Phật pháp mới có thể định hướng con người tự làm cho bản tâm sáng láng của mình tỏ rạng. Ở thời kỳ Phật giáo đại thừa được triển khai, tinh thần nhập thế được lý luận hóa cao độ bằng lý tưởng Bồ Tát. Phật giáo nhập thế là một tư tưởng lớn của Phật giáo Việt Nam nói chung, đặc biệt là Phật giáo Trúc Lâm thế kỷ XII-XIV, tinh thần giác ngã giác tha, đem đạo thắp sáng soi rọi cho đời được đặc biệt coi trọng. Trong sự rốt ráo của nhận thức, và về bản chất là không có phân biệt nhập thế hay xuất thế. Nhưng trong một cách nói tương đối và thông thường, chúng ta vẫn phải bàn tới vấn đề Phật giáo nhập thế như một định hướng và như một phương tiện.

Ngày nay, trước những vấn nạn mới của con người, của xã hội và đời sống hiện đại, Phật giáo cần thể hiện một vai trò và vị thế mới, phát huy yếu tố nhân văn, vị tha, bác ái truyền thống trong một cảnh huống mới và bằng những cách thức mới. Trong một buổi giảng thiền cách đây trên 7 thế kỷ, Trần Nhân Tông đã trả lời câu hỏi của đệ tử về lý do tại sao lại dùng công án cũ rằng: “Một lần nhắc lại một lần mới”. Vì vậy vấn đề Phật giáo nhập thế hôm nay được đưa ra thảo luận, tuy cũ mà mới, hội thảo của chúng ta là một lần làm mới cho vấn đề Phật giáo nhập thế.

Thế giới chúng ta đang sống có thể nói là thời kỳ phát triển rất cao của văn minh, nhìn trên phạm vi toàn cầu. Đây là thời kỳ của cải vật chất sản xuất ra nhiều nhất, nhu cầu con người được đáp ứng tốt nhất, đời sống tiện nghi nhất, tốc độ đô thị hóa ở các nước đang phát triển diễn ra nhanh nhất. Đây cũng là thời kỳ con người đạt tới trình độ rất cao về tự do, bình đẳng. Những thành tựu về khoa học và công nghệ mới khiến cho con người có thêm sức mạnh to lớn, nhìn xa, nhìn sâu, nhìn rõ hơn vào các thành tố vật chất trong thế giới và trong vũ trụ. Tuy nhiên, nhân loại cũng đang đối mặt với những vấn nạn chưa từng có, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng bố, khoảng cách giàu nghèo, an ninh lương thực, xung đột tôn giáo và sắc tộc… Thế gian vô thường, nhưng chắc chưa bao giờ con người thấy sự tồn tại của con người và trái đất lại mong manh đến nhường vậy.

Nhân loại đang trải qua thời kỳ của cách mạng khoa học công nghệ 4.0, với đặc điểm là sự kết nối giữa thế giới thực và thế giới ảo. Đây là thời kỳ kinh tế số hóa với trí tuệ nhân tạo được sử dụng ngày càng nhiều, là xã hội quản lý trên cơ sở dữ liệu số toàn thể, công cụ truyền thông hiện đại tức thì và rộng khắp, mạng xã hội rộng lớn hầu như không thể  kiểm soát. Là thời kỳ mà  giữa con người và con người không còn bị ngăn cách trong không gian địa lý, nhưng con người lại có phần xa nhau hơn về khoảng cách tình cảm. Trong cách nhìn của Phật giáo, đời sống là cõi trần ai, thì thời nay ta cần gọi nó là  cõi trần ai số hóa, và chân lý về sự khổ (khổ đế), cần được mô tả theo một cách thức mới.

Các kinh điển của Phật giáo đã phân tích sâu về tính chất hư ảo của thế giới. Thế giới con người đang sống là thế giới “hoa kính thủy nguyệt”, như hoa trong gương, trăng đáy nước, như áng mây, như giọt sương, như ánh chớp. Ngày nay, chúng ta đang sống trong thế giới ảo, lại tạo ra một thế giới ảo cho mình. Thế giới ảo ngày nay, như hình ảnh trong ti vi, thế giới ảo trong mạng internet, mạng xã hội, là thế giới trong face book, thế giới đó ảo nhưng nó lại có tác động thực. Tiền cũng ảo, chuyển qua internet, kiếm tiền qua internet, người ta có thể chuyển các dạng vật chất số hóa qua mạng. Thế giới ảo nhưng tạo ra những tác động xã hội to lớn, nó đem lại vô lượng những lợi ích cho cuộc sống, nhưng cũng gây ra những ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội và tinh thần con người. Thế giới ảo của ảo, hai tầng của ảo làm cho ảo nhiều tầng thứ hơn, thăm thẳm hơn. Điều đó cũng có nghĩa là tầng u minh của con người có thể sâu hơn, nhiều tầng che lấp hơn, nỗi thống khổ nhiều sâu hơn và đa dạng hơn. Khổ của con người mênh mang rộng lớn hơn, nhiều tầng thứ hơn. Con người cần ý thức được đầy đủ những vấn đề này mà mình đang đối mặt.

Thời đại công nghiệp mới như vậy con người đối mặt với những vấn đề và những nguy cơ gì? Trong bối cảnh đô thị hóa, xã hội biến động, hệ giá trị thay đổi, những nguy cơ đối với con người cho xu hướng tăng lên. Trầm cảm, tự tử, con người tâm không định, hoang mang dễ khủng hoảng là những vấn nạn lớn của loài người. Đời sống nhân sinh là tập hợp của những nổi thống khổ, cái khổ có xu hướng ngày càng đa dạng. Kinh tế thị trường khuếch đại nhân dục và gia tăng cạnh tranh. Nhân dục tăng lên tức là cầu bất đắc khổ gia tăng. Nguy cơ đối với đời sống con người tăng lên. Trong xã hội và con người của thời đại số hóa như vậy, cách nhìn thế giới và con đường giác ngộ nhân tâm của Phật giáo, cách thức nhập thế của Phật giáo cần có những thuyên thích và định hướng mới. Phật giáo cũng cần có những cửa phương tiện mới phù hợp với thời đại.

Kính thưa các quý vị!

Hôm nay chúng ta cùng nhau họp mặt và thảo luận tại đây, mong đưa ra ý kiến nhằm góp phần giải đáp vấn đề: Phật giáo có thể giải quyết vấn đề gì cho một đời sống đương đại. Để giải quyết các vấn đề đó Phật giáo cần làm gì, cả về giáo pháp và về hành động? Người tu hành, các học giả nghiên cứu Phật học và các cư sĩ thiện tâm cần làm gì để giải quyết được một cách tích cực và tốt nhất các vấn đề của đời sống xã hội và con người đương đại? Làm thế nào để có thể nhập thế tốt nhất, nhập thế mà không hòa tan vào thế tục, không để thế tục lôi kéo, dẫn dắt đi? Triết lý hòa quang đồng trần được Phật giáo Trúc Lâm mà tiêu biểu là sơ tổ Trần Nhân Tông đã phát huy cao độ ở thế kỷ XIII- XIV, trong thời mới còn có ý nghĩa gì không? Ánh sáng đem ra soi đường cho nhân tâm mới là như thế nào? Những câu trả lời không dễ dàng và không thể thực hiện một lúc, với một vài cuộc hội thảo, hay vài diễn đàn, nó càng không thể chỉ giải quyết bằng lời, mà phải bằng hành động cụ thể. Tuy nhiên, có vài điều chắc chắn rằng: Cần có những trao đổi, những tiếng nói để cùng lưu ý tới một vấn đề lớn đang đạt ra. Cần nhìn nhận vấn đề một cách sáng suốt và sát thực. Công cuộc nhập thế, hòa quang đồng trần cần có một cách thức và quan điểm mới. Cần có ánh sáng thật, ánh sáng chân chính của Phật giáo được phát huy thì mới đủ để xua đi u minh dạng mới của thời đại mới. Trong công cuộc này, Phật giáo, người tu hành cũng cần có những đổi mới về mặt phương pháp, và phương tiện, cần thấu hiểu thực tại, thấu triệt toàn thể thế tục nhân tâm hiện đại, đem ánh Phật quang phổ chiếu xua tan đi được những mê lầm thời hiện đại. Cửa phương tiện cần rộng mở hơn cho số đông và dẫn dắt nhân tâm con người. Phương tiện môn internet là cửa độ thế mới cho con người. Đạo chỉ có một, nhưng phương tiện thì cần luôn tùy duyên tùy tục. Cần nhập thế bằng công cụ của chính thời công nghiệp mới, số hóa và tận dụng thế giới ảo, mạng internet và phương tiện truyền thong hiện đại đa phương tiện, luôn luôn và tức thời để người phật tử có thể tiếp cận được với Phật pháp, tổ pháp và tư tưởng, trí tuệ của những nhà tu hành chân tu có thể tới được nhanh nhất, phù hợp nhất tới con người. Kinh nghiệm quốc tế giải quyết các vấn đề này cũng là điều rất cần thiết cho mỗi học giả hoặc người tu hành hôm nay.

Về phương diện học thuật, từ góc độ học giả thế tục hay người tu hành xuất gia theo Phật giáo, muốn cho các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện hỗ trợ cộng đồng, làm công tác xã hội cho có hiệu quả cần tiếp thu các phương pháp của các lĩnh vực khoa học thế tục mới như xã hội học, tâm lý học, nhân học, công nghệ thông tin, truyền thông… cùng các phương pháp liên ngành. Các Phật học viện, các đại sư đã có nhiều thư viện, nhiều trang web và hoạt động diễn giảng online, tư liệu số hóa phong phú, tuy nhiên cần phải chủ động, có kế hoạch, có bài bản hơn cho việc này, đó là trách nhiệm của Giáo hội và các nhà tu hành cũng đồng thời là trách nhiệm của các trí thức và nhà hoạt động khoa học lấy Phật học làm đối tượng.

Cuộc nhập thế của thời đại mới này của Phật giáo cần đạt tới nhiều mục tiêu. Nó cần thiết để thực hiện lý tưởng Bồ tát, đem ánh sáng của sự giải thoát cứu khổ cứu nạn tới số đông chúng sinh. Nó cũng là thể hiện và làm mới một loại triết lý tu hành, tu giữa cuộc đời, giải thoát không rời thế gian,  khơi lại con đường mang dấu ấn đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Trúc Lâm. Đồng thời, đây cũng là một cuộc thử thách, cuộc thanh lọc, sàng lọc cho chính đội ngũ những người tu hành. Muốn hòa quang đồng trần được, muốn đem ánh sáng tới cho người khác trước hết mình phải sáng, thực sự sáng, sáng thứ ánh sáng mà trần không làm mờ được, không thay đổi được. Nếu không có thứ ánh sáng đó thì không đem đạo vào dẫn dắt khai minh mở tuệ cho đời mà ngược lại thành đời dẫn dắt đạo, đời xông vào đạo và đời hóa đạo. Cả Phật giáo và Nho giáo đều có chung một triết lý, rằng: Nếu cái gì thực sự cứng thì càng dùi đẽo vào mới càng nhận thấy nó cứng. Cái gì thực trắng thì nhuộm mấy cũng không đen. Chỉ có con tâm và trí tuệ trắng sáng, cứng rắn, chân thực như vậy mới giúp người ta vào đời mà không thay đổi, không bị nhuộm đen, mới làm sáng được cho người khác. Đời vốn nhiều cám dỗ, đời nay còn nhiều hơn. Nhập thế hành động cần bản lĩnh hơn bao giờ hết.

Lịch sử tư tưởng và văn hóa của dân tộc cho thấy, sự hội nhập Tam giáo, sự cộng hưởng của cả Nho, Phật, Đạo và các tín ngưỡng bản địa khác mới là dòng lớn và mang bản sắc Việt Nam, phù hợp với đời sống tinh thần của người Việt Nam. Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Trúc Lâm, hay các vị tổ sư khác của Phật giáo Việt Nam hầu như đều dung thông Tam giáo và vận dụng tư tưởng các nhà cho mục tiêu chung là giáo giới nhân tâm. Trong thời đại mới, để giải quyết các vấn đề của con người và xã hội, và cả vấn đề của dân tộc, cần một giai đoạn mới của sự hội nhập và dung thông mới giữa các yếu tố của Tam giáo, các tín ngưỡng bản địa và văn hóa truyền thống nói chung. Tinh thần đến hiện đại từ truyền thống cần là một dòng mạch lớn để giải quyết hữu hiệu các vấn đề mới của đời sống xã hội và con người Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.

Kính thưa các quý vị!

Viện Trần Nhân Tông ra đời từ tháng 9 năm 2016 và đi vào hoạt động từ đầu năm 2017 này. Tất cả mọi hoạt động của Viện mới là khởi đầu. Chúng tôi chọn chủ đề Phật giáo nhập thế và các vấn đề của xã hội và con người đương đại làm một hướng triển khai nghiên cứu và hoạt động dài hạn. Hội thảo lần này là một hoạt động khởi đầu cho định hướng lớn đó. Sẽ có nhiều diễn đàn, nhiều chương trình đào tạo, nhiều đề tài nghiên cứu và các hoạt động thực tế xoay quanh chủ đề này được triển khai trong thời gian sắp tới. Học thuật mang tính hàn lâm kết hợp với hướng về giải quyết các vấn đề thực tế là tôn chỉ của Viện. Chúng tôi rất vui mừng và muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới sự phối hợp và tạo điều kiện của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Cảm ơn sự phối hợp và tạo điều kiện của các ban ngành, cảm ơn sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Tỉnh Ninh Bình. Cảm ơn cá nhân ông Nguyễn Xuân Trường và công ty của ông đã tài trợ và giúp đỡ toàn diện cho Hội thảo này. Cảm ơn ông Nguyễn Tiến Dũng và Tập đoàn Gami cùng các cá nhân, tập thể khác đã có sự hỗ trợ quý báu cho Hội thảo. Cảm ơn các nhà khoa học trong và ngoài nước đã hăng hái viết bài và tới tham dự hội thảo ngày hôm nay. Với điều kiện còn nhiều hạn chế, kinh nghiệm còn mỏng, việc tổ chức Hội thảo không tránh khỏi các sơ xuất, kính mong các quý vị cảm thông và lượng thứ.

Kính chúc toàn thể các học giả, các vị khách quý thân tâm an lạc, vạn sự như ý, chúc hội thảo của chúng ta thành công rực rỡ.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Điên thoại: (84-24) 3767 5840
Fax: (84-24) 3767 5841
trannhantong@vnu.edu.vn

tnti@vnu.edu.vn

Viện Trần Nhân Tông, tầng 8, Tòa C1T, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Lần đầu tiên, trong hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về Phật học và tư tưởng Trần Nhân Tông. Cũng lần đầu tiên chương trình đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học được đưa vào triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện đại. Đây cũng thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc thể hiện triết lý giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện.

 

floral-decor
Tran Nhan Tong Ins. Copyright © 2017. Edit by TMACS Team.