Tiếng Phạn (Sanskrit) có tên nguyên tiếng Phạn là saṃskṛtā vāk hay saṃskṛta, nghĩa là ngôn ngữ “hoàn hảo” hay “tao nhã” hay “hiến dâng”, luôn luôn được xem là ngôn ngữ “cao cấp” dành cho các nghi thức các tôn giáo như đạo Hindu, đạo Phật, đạo Jaina và dành cho giới tinh hoa của Ấn Độ.
Tiếng Phạn gắn liền với sự hình thành các kinh Vệ Đà của đạo Hindu nên người Ấn độ quan niệm rằng tiếng Phạn là ngôn ngữ do thần Śiva tạo ra và truyền xuống cho con người. Vì là do thần Śiva tạo ra, nên chữ viết của tiếng Phạn được gọi là Nāgarī, nghĩa là “chữ viết miền đô thị” hay Devanāgarī, nghĩa là “chữ viết miền đô thị của Thiên thần”. Người Ấn Độ cho rằng việc đọc kinh và đặc biệt là các thần chú bằng tiếng Phạn sẽ dễ có sự cảm thông, trợ giúp, cứu độ từ Phạm Thiên và các Thiên thần trong truyền thống đạo Hindu.
Tiếng Phạn là một cổ ngữ chuyên dụng của Ấn Độ và hiện vẫn đang được sử dụng như một trong nhiều ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ. Tiếng Phạn tuy không phải là một ngôn ngữ thông dụng nhưng rất cần thiết cho giới nghiên cứu Cổ Ấn Độ học cùng những nền văn hóa chịu ảnh hưởng của nó và đặc biệt cho ngành Phật học.
Theo Hòa thượng Thích Nguyên Giác, Trưởng khoa Phật học Phạn ngữ thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh thì tiếng Phạn được các nhà ngôn ngữ học trên thế giới liệt vào hệ ngôn ngữ Ấn-Âu. Tuy nhiên, mãi đến đầu thế kỷ XVII, phương Tây mới bắt đầu tiếp cận với tiếng Phạn qua con đường du lịch và truyền giáo. Theo Maurice Winternitz, tác giả bộ “A history of Indian literature”, người đầu tiên được sách vở ghi nhận đã tiếp xúc với tiếng Phạn là Abraham Roger, người Hà Lan làm công tác truyền giáo tại Paliacatta, Bắc Madras trong nửa đầu thế kỷ XVII. Ông đã xuất bản một số phương ngôn của Bhartṛhari do một người Bà-la-môn dịch sang tiếng Bồ Đào Nha. Sau ông, cha đạo Do Thái giáo Johann Ernst Hanxleden đã đến Ấn Độ năm 1699 làm việc cho đoàn truyền giáo Malabar tại đây trong 30 năm. Ông sử dụng tiếng Ấn và đã viết cuốn văn phạm Phạn ngữ đầu tiên của người châu Âu.
Đến khi Anh chiếm Ấn Độ làm thuộc địa vào thế kỷ XVIII, dưới sự khuyến khích của Warren Hasting, người chủ trương dùng văn hóa, pháp luật, tập quán và tôn giáo bản địa để cai trị hiệu quả Ấn Độ nhằm bảo đảm sự thống trị lâu dài của nước Anh tại đây, một phong trào nghiên cứu văn học, tôn giáo, luật lệ Ấn Độ và học hỏi tiếng Phạn được phát triển khá mạnh mẽ. Charles Wilkins là người Anh đầu tiên học tiếng Phạn từ các paṇḍits (học giả) ở Banaras. Vào năm 1785, ông đã cho xuất bản dịch phẩm tiếng Anh của thi phẩm triết học Bhagavadgītā. Hai năm sau là bản dịch truyện ngụ ngôn Hitopadeśa, trích đoạn Śākuntala trong bộ Mahābhārata. Đặc biệt, năm 1808 ông cho ra đời cuốn “Văn phạm Phạn ngữ”. Từ đó cho đến cuối thế kỷ XIX, các tác phẩm chính yếu về văn học, triết học, tôn giáo của Ấn Độ như sử thi Mahābhārata, Rāmāyaṇa, Hitopadeśa, Pañcatantra, Luật Manu, Veda, Upaniṣad, v.v… đã được dịch sang các tiếng Âu châu như Anh, Pháp, Đức v.v… bởi các nhà nghiên cứu Cổ Ấn Độ học lừng danh như William Jones, Henry Thomas Colbrooke, Friedrich Rückert, Eugene Burnouf, Max Müller v.v…
Chỉ trong vòng hơn một thế kỷ, với niềm say mê và bằng phương pháp khoa học, người châu Âu, đặc biệt là người Đức, đã nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu và chuyển ngữ các tư liệu Phạn văn chính yếu của nền văn học Ấn Độ sang tiếng Anh, Pháp, Đức, đồng thời biên soạn các bộ sách ngữ pháp, cú pháp và từ điển tiếng Phạn. Những công trình đầy giá trị này chính là cơ sở thiết yếu ban đầu nuôi dưỡng cảm hứng và làm bệ phóng cho sự phát triển bền vững việc học hỏi tiếng Phạn và nghiên cứu văn học tiếng Phạn của Tây Âu.
Hiện nay những đại học nổi tiếng như Heidelberg ở Đức; Sorbonne ở Pháp; Harvard, Berkeley, Wisconsin ở Mỹ; Oxford, Cambridge, London ở Anh v.v… đều đang tiếp nối sự nghiệp khả kính và lẫy lừng của các thế hệ trước. Những sinh viên theo ngành Cổ Ấn Độ học, hoặc Đông phương học, Phật học, đều phải học tiếng Phạn từ cấp cử nhân. Đối với sinh viên theo ngành Phật học, họ phải nắm vững tối thiểu hai cổ ngữ là Phạn-Pāli, Phạn-Hán, hoặc Phạn-Tạng. Trong hai cổ ngữ này, tùy theo ngành học, có một cổ ngữ chính, còn lại là cổ ngữ phụ”.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng tiếng Phạn trong nghiên cứu Phật học, Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng chương trình đào tạo Phạn văn, trong đó bước đầu là đào tạo “Phạn văn bậc 1”. Việc này cũng là nhằm thực hiện sứ mệnh nòng cốt và phát huy vai trò tiên phong của một đơn vị đào tạo trong xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo mới, chất lượng cao, có tính chất đặc thù và khó, nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với việc kế thừa và thúc đẩy sự phát triển văn hóa, học thuật truyền thống; đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm xã hội của Viện Trần Nhân Tông trong việc đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của xã hội, nhu cầu giao lưu, trao đổi học thuật quốc tế trong lĩnh vực ngôn ngữ và Phật học.
Chương trình đào tạo “Phạn văn bậc 1” lấy Giáo trình Phạn văn (của Thomas Lehmann & Đỗ Quốc Bảo (2020), NXB Hồng Đức) được biên soạn theo chuẩn châu Âu làm tài liệu giảng dạy chính. Giáo trình gồm 40 bài học (chia làm 2 học kỳ, mỗi học kỳ 20 bài). Giáo trình cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, cú pháp tiếng Phạn; giúp học viên có tri thức cơ bản về lịch sử hình thành, quá trình phát triển, đặc điểm của tiếng Phạn, về vị trí và vai trò của tiếng Phạn trong lịch sử, văn hóa Ấn Độ và trong hệ thống kinh điển Phật giáo; rèn cho học viên kỹ năng đọc, hiểu, viết và dịch tiếng Phạn ở trình độ bậc 1; cung cấp cho học viên tri thức về lịch sử, văn hóa, tư tưởng, triết học, tôn giáo, nghệ thuật, v.v. Phật giáo Ấn Độ thời cổ đại thông qua các văn bản Phạn văn.
Chương trình đào tạo “Phạn văn bậc 1” được xây dựng nhằm hướng đến các mục tiêu:
Thứ nhất, trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, cú pháp tiếng Phạn; Rèn luyện cho học viên các kỹ năng nhận biết mặt chữ, cách đọc hiểu và khả năng dịch, viết tiếng Phạn ở trình độ bậc 1; Tạo tiền đề cơ sở cho học viên tiếp tục theo học chương trình tiếng Phạn trình độ bậc 2.
Thứ hai, thông qua các bài khóa tiếng Phạn trong từng bài học cụ thể với nhiều chủ đề khác nhau, học viên được tiếp cận những tri thức về lịch sử, văn hóa, tư tưởng, triết học, tôn giáo, nghệ thuật, và những điển tịch Phật giáo Ấn Độ thời cổ đại. Đây là cơ sở để học viên tiếp tục đi sâu tìm hiểu và nghiên cứu những vấn đề tư tưởng, học thuật liên quan đến Phật học, Phật giáo Ấn Độ.
Thứ ba, thực hiện sứ mệnh và phát huy vai trò của Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội trong xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo có tính chất đặc thù và khó, nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với việc kế thừa và thúc đẩy sự phát triển văn hóa, học thuật truyền thống.
Chương trình “Phạn văn bậc 1” của Viện Trần Nhân Tông được giảng dạy bởi giảng viên chính, TS. Đỗ Quốc Bảo, hiện công tác tại Viện Nam Á – Đại học Heidelberg, CHLB Đức. Ông là chuyên gia nghiên cứu về ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa, triết học Ấn Độ thời cổ đại, có trình độ cao và chuyên môn sâu về Phạn văn, có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm các môn “Phạn văn bậc 1”, “Phạn văn bậc 2-3-4-5-6”.
- Đỗ Quốc Bảo Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với điểm magna cum laude tại Ruprecht-Karls-Universität Heidelberg. Nguyên tựa của luận án: Kompendium der Dharmas I–VI. Neubearbeitung der ersten sechs Kapitel der buddhistischen Strophensammlung Dharmasamuc-caya auf der Grundlage einer Palmblatthandschrift aus Nepal. (Tựa dịch sang tiếng Việt: “Chư pháp tập yếu kinh I–VI. Tân khảo đính sáu chương đầu của tập kinh kệ Phật giáo Chư pháp tập yếu 諸法集要經 trên cơ sở của một thủ bản lá bối Phạn ngữ từ Nepal.”
- Đỗ Quốc Bảo hiện đang là giảng viên giảng dạy môn Phạn ngữ, chuyên dạy, đọc cổ văn với sinh viên có ít nhất 4 học kỳ tiếng Phạn trở lên; Chuyên Phạn ngữ cổ điển & sử thi: Mahābhārata (Bhagavadgītā), Rāmāyaṇa, Meghadūta của Kālidāsa, v.v.; Khảo đính văn bản: Đọc thủ bản Vimalakīrtinirdeśa 維摩詰所說經, Dharmasamuccaya 諸法集要經, Saddharmasmṛty-upasthānasūtra 正法念處經, v.v.; Trợ giúp công trình hậu tiến sĩ “Khảo đính chương 1–3 của nguyên bản Phạn văn của Saddharmasmṛtyupasthānasūtra (SUS) 正法念處經” của Dr. phil. Mitsuyo-Demoto Hahn.
- Đỗ Quốc Bảo có kiến thức chuyên sâu về: Triết học Phật giáo; Triết học Ấn-độ giáo, Sử Ấn-độ, Tích-lan, Miến-điện cổ đại; Phạn ngữ, đặc biệt là Ngữ pháp và Thi ca, Trường sử thi cũng như kinh văn Đại thừa Phật giáo bao hàm Hỗn chủng Phạn ngữ (Hybrid-Sanskrit). Ông chuyên biên tập và chế bản in cho các tác phẩm hàn lâm thuộc lĩnh vực Cổ Ấn-độ học và Phật học với nhiều cổ ngữ khác nhau.
Các tác phẩm ông đã biên soạn và dịch thuật liên quan đến Việt Nam gồm loạt sách Cổ Ấn-Độ học tùng thư được biên soạn/dịch với mục đích gây dựng bộ môn Cổ Ấn-độ học tại Việt Nam như:
+ Cổ Ấn-Độ học tùng thư I, 1. Thomas Lehmann & Đỗ Quốc-Bảo biên soạn, đã được xuất bản vào tháng 5, 2020.
+ Cổ Ấn-Độ học tùng thư I, 2, dành cho sinh viên Phạn học trung cấp, có từ vị chọn lọc đi kèm, sẽ được xuất bản 2023.
+ Cổ Ấn-Độ học tùng thư II, 1. Franz Kielhorn; Đỗ Quốc-Bảo soạn dịch. Đã được xuất bản vào tháng 8, 2020.
+ Cổ Ấn-Độ học tùng thư II, 2, J. S. Speyer; Đỗ Quốc-Bảo soạn dịch. Đã được xuất bản vào tháng 12, 2020.
+ Cổ Ấn-Độ học tùng thư II, 4, Pāṇini; Đỗ Quốc-Bảo dịch và chú giải, sẽ được phát hành 2024.
+ Cổ Ấn-Độ học tùng thư II, 3, Đỗ Quốc-Bảo soạn dịch, sẽ được phát hành 2023.