Chiều ngày 15/10/2020, tại Viện Trần Nhân Tông đã diễn ra lễ khai giảng lớp “Bồi dưỡng kỹ năng dịch thuật và biên tập kinh điển phương Đông khóa II”
Tham dự lễ khai giảng có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQGHN, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, PGS.TS Lại Quốc Khánh – Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, lãnh đạo các phòng chức năng, đại diện giảng viên và cán bộ Viện cùng các học viên của lớp học này
Phát biểu tại Lễ khai giảng, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn chào mừng các đại biểu, giảng viên và các học viên đã tham dự lễ khai giảng cùng lời chúc các học viên sẽ đạt kết quả học tập tốt nhất sau khi khóa học kết thúc. Viện trưởng cho biết chương trình Bồi dưỡng kỹ năng dịch thuật và biên tập kinh điển phương Đông khóa II đã được điều chỉnh theo hướng đưa thêm một số nội dung thiết thực hơn với người học như gia tăng các kiến thức Phật học, trang bị thêm một số kỹ năng về dịch thuật và biên tập; nâng cao trình độ chuyên môn và huấn luyện thực hành thông qua các công việc cụ thể. Trọng tâm đào tạo là hướng vào việc biên dịch khối các tác phẩm Phật giáo, trực tiếp lấy các ví dụ, bài tập ngay trong các văn bản phục vụ triển khai dịch thuật bộ Phật tạng tinh yếu mà Viện đang thực hiện
Chương trình “Bồi dưỡng kỹ năng dịch thuật và biên tập kinh điển phương Đông” cung cấp các tri thức Phật học cơ bản, bồi dưỡng các kỹ năng phiên dịch, biên tập kinh điển Phật giáo từ tiếng Hán cổ sang tiếng Việt hiện đại. Tri thức Phật học cơ bản được cung cấp thông qua khối kiến thức Phật học đại cương như; Kinh bộ, Luật bộ, Luận bộ tiêu biểu cho các thời kỳ lịch sử Phật giáo cũng như giáo nghĩa nền tảng của Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa; tư tưởng của một số tông phái Thiền – Tịnh – Mật, v.v.. Kỹ năng phiên dịch được giảng dạy thông qua các học phần như: Lý thuyết phiên dịch Phật điển, ngữ pháp Hán cổ cơ bản và nâng cao (chủ yếu thông qua văn bản), lịch sử phiên dịch Đại tạng kinh của một số nước (Trung Hoa, Việt Nam). Việc thực hành được tiến hành thông qua dịch trực tiếp một số nội dung của Kinh – Luật – Luận tiêu biểu. Tất cả nội dung trên nhằm hướng đến mục đích đào tạo đội ngũ chuyên môn chính thức tham gia vào việc phiên dịch các tác phẩm kinh điển phương Đông mà trọng tâm công việc là dịch Đại tạng kinh từ tiếng Hán ra tiếng Việt./.