Tran Nhan Tong Ins Tran Nhan Tong Ins
Menu
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thông điệp Viện trưởng
    • Sứ mạng và tầm nhìn
    • Chức năng và nhiệm vụ
    • Hình thành và phát triển
    • Cơ cấu tổ chức
    • Dự án Hòa Lạc
    • Liên hệ
    +
  • Bản tin
    • Tin từ Viện
    • Tin từ ĐHQGHN
    +
  • Đào tạo
    • Giới thiệu chung
    • Đào tạo sau đại học
    • Đào tạo ngắn hạn
    • Thời khóa biểu
    • Văn bản liên quan
    • Học bổng
    +
  • Nghiên cứu
    • Giới thiệu chung
    • Ấn phẩm
    • Chia sẻ
    • Dự án, đề tài
    • Thư viện điện tử
    +
  • Hợp tác
    • Giới thiệu chung
    • Hợp tác trong nước
    • Hợp tác Quốc tế
    +
  • Hoạt động xã hội
    • Giới thiệu chung
    • Các mô hình hoạt động
    +

Di chúc- tác phẩm kết tinh chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh

TRANG CHỦChia sẻDi chúc- tác phẩm kết tinh chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh
29 Th8

Di chúc- tác phẩm kết tinh chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh

PGS.TS. Lại Quốc Khánh

Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông,

Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài sản quý giá của dân tộc ta.

Giá trị của Di chúc trước hết là về phương diện tư liệu lịch sử. Đây là một trong những tác phẩm quan trọng cuối cùng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc trước lúc đi xa.

Bác Hồ viết Di chúc – Ảnh tư liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

Giá trị của Di chúc còn ở chỗ, tuy không phải là một tác phẩm dài về số trang, số chữ, chỉ là “mấy lời”, chỉ “nói tóm tắt vài việc”, song đã kết tinh những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những quan điểm cơ bản của Người về xây dựng và chỉnh đốn Đảng để “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, về “công việc đối với con người”, về giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, về xây dựng chế độ xã hội mới – chế độ xã hội chủ nghĩa, về xây dựng khối đoàn kết quốc tế và góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới, v.v…

Đặc biệt, giá trị của Di chúc còn ở chỗ, đây không phải là một tác phẩm lý luận thuần túy giống như nhiều tác phẩm khác, mà là văn kiện có sứ mệnh chuyển tải những “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính vì vậy, nó chứa đựng những tình cảm lớn của Người đối với toàn Đảng, toàn dân ta, với đồng chí và bầu bạn khắp năm châu.

Xuyên qua và bao trùm tất cả những tư tưởng lớn, những tình cảm lớn trong Di chúc, chúng ta thấy nổi bật lên chính là CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN Hồ Chí Minh.

Di chúc là tác phẩm đã “chưng cất” chủ nghĩa nhân văn được hình thành, phát triển và thể hiện trong toàn bộ hệ thống tư tưởng, trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết rất hay, rất đúng rằng: “tầm cỡ của một hiền triết chưa chắc ở chỗ giải đáp mối tương quan giữa tồn tại và tư tưởng, ở chỗ xác định thế giới là thực tại hay ảo ảnh, khả tri hay bất khả tri, ở chỗ lựa chọn giáo điều quen thuộc hay sáng tạo mới lạ, mà chung quy là ở mức quan tâm đến con người, con người thật đang phải sống trên quả đất này và chắc còn sống lâu dài đến vô tận thời gian, lấy đó làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hành động. Cụ  Hồ thuộc loại hiền triết đó; vì đó mà Cụ lớn”[1].

Đọc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều nhận thấy ngay là: hai chữ CON NGƯỜI chiếm lĩnh toàn bộ mọi suy tư, trăn trở của Người. Đây chính là biểu hiện đầu tiên của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu tư tưởng và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, có thể khẳng định rằng, điểm xuất phát, đối tượng trung tâm của mọi suy nghĩ và hành động của Người đúng là con người. Chữ “người” được Hồ Chí Minh xác định: “nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng hơn là cả loài người”[2]. Với Hồ Chí Minh, không có vấn đề chính trị – xã hội nào lại không xoay quanh vấn đề con người, và không có con người chung chung, trừu tượng mà chỉ có những con người hiện thực, “con người thật” – con người xét trong các quan hệ xã hội hiện thực, trong các điều kiện sống hiện thực. Chính vì thế, trong những suy nghĩ mang tính cách mạng đầu tiên của người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành, “cứu nước” có một nội hàm quan trọng là “cứu đồng bào”, “giải phóng dân tộc” có một nội hàm quan trọng là “giải phóng con người”; chính vì thế, người thanh niên ấy đã xác định rằng: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”[3]; và cũng chính vì thế, đồng thời với việc khẳng định: “không có gì quý hơn độc lập tự do”, Hồ Chí Minh đồng thời cũng khẳng định: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[4]. Và trong những suy nghĩ cuối cùng của lãnh tụ cách mạng, khi xác định “đầu tiên là công việc đối với con người”[5], thì điều đó đồng thời có nghĩa là công việc đối với “những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…)”, đối với “các liệt sĩ”, đối với “cha mẹ, vợ con (của thương bình và liệt sĩ)”, đối với “những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vụ trang nhân dân và thanh niên xung phong”, đối với “phụ nữ”, và đối với cả “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v..”. Ngay cả đối với Đảng, Hồ Chí Minh cũng luôn nhấn mạnh, nói về Đảng trước hết cùng là nói về những con người, về cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc lại câu: “Đảng là người…”[6].

Lấy con người hiện thực làm xuất phát điểm cho mọi suy nghĩ và hành động, đó vừa là biểu hiện, vừa là cơ sở quan trọng để hình thành nên chủ nghĩa nhân văn. Chủ nghĩa Mác với tất cả tính cách mạng, khoa học và nhân văn sở dĩ có thể ra đời chính vì C. Mác và Ph. Ăngghen đã xác định đúng tiền đề hiện thực cho mọi suy nghĩ và hành động của các ông – tiền đề ấy là con người hiện thực: “Những tiền đề xuất phát của chúng tôi không phải là những tiền đề tuỳ tiện, không phải là giáo điều; đó là những tiền đề hiện thực mà người ta chỉ có thể bỏ qua trong trí tưởng tượng mà thôi. Đó là những cá nhân hiện thực, là hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ, những điều kiện mà họ thấy có sẵn cũng như những điều kiện do hoạt động của họ tạo ra”[7]. Với Hồ Chí Minh, việc xác định đúng và luôn đứng vững trên tiền đề hiện thực ấy đã làm nên sức mạnh cho người cách mạng trong sự nghiệp cách mạng, đồng thời làm nên giá trị và sức sống cho tư tưởng cách mạng. Người đã từng nói một cách thẳng thắn với một nhà báo Pháp rằng: “Hồ Chí Minh không bao giờ chịu cúi mình trước bạo lực vì Hồ Chí Minh là một phần không thể chia cắt của nhân dân ông ta, ông ta mong muốn những gì mà nhân dân mong muốn, ông ta hành động điều mà cả nhân dân ông hành động”[8]. Phải là người luôn đặt con người – nhân dân vào vị trí trung tâm trong mọi suy nghĩ và hành động mới có thể “mong muốn điều mà nhân dân mong muốn, hành động điều mà nhân dân hành động”.

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự thấu hiểu và tình yêu thương con người sâu sắc. Xuất phát từ con người hiện thực để thấu hiểu và yêu thương họ, đó là giá trị nhân văn đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Luôn suy tư về con người hiện thực, vì thế, Hồ Chí Minh hiểu rất sâu sắc về con người, trước hết là đồng bào của Người, là nhân dân các nước thuộc địa, là giai cấp những người lao động trên thế giới. Hồ Chí Minh đã viết những trang viết chân thực nhằm tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, phơi bày mặt trái của xã hội tư bản phồn hoa với thân phận của những người lao động nghèo ở Pháp, của người da đen ở Mỹ. Những trang viết ấy không những đã thức tỉnh nhân dân lao động các nước thuộc địa, mà còn góp phần thức tỉnh toàn thể nhân loại tiến bộ trên thế giới. Giáo sư Singo Sibata (Nhật Bản) đã lưu ý rằng, khi nói về Hồ Chí Minh, “điều cần phải đặc biệt nói đến là những lời tố cáo sự tàn ác của bọn thực dân đã được đưa lên tới một đỉnh cao mới, với những bằng chứng cụ thể hơn bất kỳ một tài liệu nào trước đây về vấn đề đó”[9].

Thấu hiểu thân phận cụ thể của mỗi lớp người, Hồ Chí Minh đã nâng nhận thức về con người lên tầm triết học, lên những nhận thức về bản chất con người. Khác với một số nhà triết học cho rằng bản chất con người là thuần Thiện (Mạnh tử) hay thuần Ác (Tuân tử), Hồ Chí Minh cho rằng:

“Thụy thì đô tượng thuần lương hán,

Tỉnh hậu tài phân thiện, ác nhân;

Thiện, ác nguyên lai vô định tính,

Đa do giáo dục đích nguyên nhân”[10]

Hồ Chí Minh còn quan niệm: “Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen…”[11]. Như vậy, với cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác về bản chất con người, Hồ Chí Minh quan niệm rằng trong mỗi con người đều có phần Thiện và phần Ác, song đây không phải là “tính sẵn”, tức không phải là một bản tính tiên thiên nào đó, mà do xã hội quy định nên. Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng quan niệm, bản chất con người không phải là bất biến, mà có thể thay đổi khi hoàn cảnh thay đổi, và đặc biệt là khi chủ thể đã tự nhận thức về mình và quyết tâm tự cải tạo. Lý giải được nguyên nhân làm nên tính Thiện, Ác và khả năng tự cải tạo của con người, điều đó làm cho tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh là một tình cảm được xây dựng vững chắc trên lý trí.

Tình cảm yêu thương con người của Hồ Chí Minh là một tình cảm rộng lớn. Đó là tình yêu thương đối với đồng bào, đồng chí, đối với nhân dân các nước thuộc địa, đối với giai cấp lao động ở các nước tư bản, đối với toàn nhân loại. Vì tình yêu thương con người, Hồ Chí Minh đã viết thư cho tướng viễn chính Pháp là R. Xalăng để yêu cầu ông ta: “Vì tình yêu thương con người, lòng nhân đạo và nhân danh tình bạn của chúng ta, tôi yêu cầu ngài nghiêm cấm binh lính Pháp sát hại dân lành, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc và phá huỷ nhà thờ, đền miếu như họ vẫn làm từ trước tới nay”[12]. Vì tình yêu thương con người, Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Hỡi các bà mẹ Pháp! Tôi kêu gọi tinh thần yêu nước cao quý và tình mẫu tử của các bà. Các bà hãy giúp chúng tôi ngăn chặn những sự hiểu lầm và mau chóng gây dựng mối tình hữu nghị và tinh thần hoà hợp giữa các con em chúng ta”[13]. Vì tình yêu thương con người, Hồ Chí Minh đã từng nói: Không có một trận đánh đẫm máu nào là “đẹp” cả cho dầu thắng lớn. Vì tình yêu thương con người, Hồ Chí Minh yêu cầu: Đối với những người “lầm đường lạc lối”, thậm chí dù những người đó “trước đây chống chúng ta”, ta vẫn “khoan hồng đại độ”, vẫn “lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”[14]…

Trong Di chúc, ta thấy tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh thể hiện ở sự quan tâm và những việc làm thiết thực cho từng đối tượng, vì từng đối tượng. Tình yêu thương đối với Đảng thể hiện ở mong muốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, giữ vững địa vị đảng cầm quyền và có đủ khả năng hoàn thành sứ mệnh mà nhân dân đã giao phó. Tình yêu thương đối với các tầng lớp nhân dân thể hiện ở chỗ: Đối với những người đã hy sinh một phần xương máu thì phải đảm bảo cho họ có nơi ăn chốn ở, có khả năng “tự lực cánh sinh”; đối với các anh hùng liệt sĩ thì phải xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm để ghi nhớ công lao của họ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân; đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) thì phải giúp đỡ để họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét; đối với thế hệ trẻ thì phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”; đối với phụ nữ thì phải bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ họ tham gia phụ trách ngày càng nhiều công việc kể cả công việc lãnh đạo; đối với nông dân là những người luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, thì miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất; đối với các tầng lớp nhân dân lao động nói chung thì Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Tình yêu thương của Hồ Chí Minh là vô bờ bến, hướng đến mọi đối tượng không loại trừ ai. Ngay cả đối với những đối tượng trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu trong xã hội miền Nam dưới chế độ Mỹ – Ngụy, Hồ Chí Minh cũng dành tình yêu thương cho họ: Người coi họ là “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ” và chủ trương sau giải phóng Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.

Vì tình yêu thương con người, Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho cho nhân dân, cho dân tộc, cho nhân loại. Ngay cả “của cải” quý giá cuối cùng của một con người là “tro xương”, Người cũng muốn san sẻ cho nhân dân cả ba miền Trung, Nam, Bắc, nhất là cho đồng bào miền Nam “đi trước về sau”. Người dặn kỹ: “Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam”. Trong những dòng cuối cùng của Di chúc, Hồ Chí Minh viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.

Thấu hiểu và yêu thương con người một cách giản dị, song thật sâu sắc và ấm áp tình người, đó là một khía cạnh đặc sắc trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh còn biểu hiện trên một phương diện thứ ba, đó là quyết tâm giải phóng con người. Biểu hiện cao nhất của tình yêu thương con người ở Hồ Chí Minh là quyết tâm chiến đấu, hy sinh để giải phóng con người.

 Hồ Chí Minh đã từng nói rằng, suốt cuộc đời Người chỉ có một chủ đề để suy nghĩ và hành động, đó là “cách mạng”. Nhưng cách mạng để làm gì? Suy cho cùng là để giải phóng con người. Số 1, tờ Le Paria, tờ báo cách mạng quốc tế mà Hồ Chí Minh là người góp phần quan trọng để sáng lập nên và là cây bút chủ yếu đã tuyên ngôn về mục đích cách mạng của Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người như sau: “Báo Người cùng khổ (Le Paria) đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của nó chắc chắn sẽ đạt được: đó là giải phóng con người”[15]. Bản thân Hồ Chí Minh đã xác định mục đích suốt đời của Người là: “phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó…”[16]. Mục đích đó suy cho cùng cũng chính là giải phóng con người.

Điều cần lưu ý là đối với Hồ Chí Minh, trong một thế giới còn tình trạng dân tộc này áp bức, bóc lột dân tộc khác, thì phải phóng con người trước hết là giải phóng dân tộc, quyền của con người gắn liền và thể hiện trước hết ở quyền của dân tộc: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[17]; trong một thế giới còn tình trạng giai cấp này áp bức, bóc lột giai cấp khác, thì giải phóng con người còn là giải phóng giai cấp, là xây dựng một chế độ xã hội mà trong đó con người “sống với nhau có tình có nghĩa”, và giải phóng con người là mang lại quyền lợi cho các giai cấp, tầng lớp, đặc biệt là giai cấp, tầng lớp những người lao động: “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”[18]. Tóm lại, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp là những giai đoạn trên hành trình giải phóng con người một cách triệt để nhất.

Ở tầm vĩ mô, tức là trong xã hội và trên thế giới, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp để giải phóng con người, xét về bản chất, chính là cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác, là khơi dậy cái Thiện, đẩy lùi cái Ác. Ở tầm vi mô, tức là trong mỗi con người, cũng tồn tại cả Thiện và Ác, vì vậy cũng tồn tại cuộc đấu tranh giữa Thiện và Ác. Đây là một quan niệm độc đáo của Hồ Chí Minh. Độc đáo hơn là ở chỗ, Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc đấu tranh giữa Thiện và Ác trong con người là gốc. Nếu trong con người, cái Thiện chiến thắng cái Ác, thì cái Thiện trong xã hội, cái Thiện trên thế giới cũng có thêm sức mạnh để giành chiến thắng trước cái Ác. Hồ Chí Minh viết: “Trong mình có hai phe: một phe thiện và một phe ác. Hai phe cùng đấu tranh với nhau. Nếu đấu tranh để phe thiện thắng thì phe ác phải bại. Nếu không đấu tranh mà để cho phe thiện bại, thì là hỏng”, vì vậy, “phải đấu tranh để anh thiện thắng. Nếu anh thiện trong mình thắng thì phe thiện trong nước, ngoài nước sẽ mạnh”[19].

Cuộc đấu tranh giữa Thiện và Ác là vô cùng khó khăn, gian khổ, nhất là khi phải đấu tranh với cái Ác ở trong mình. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Phải thấy kẻ địch trong mình ta nó mạnh lắm. Đế quốc bên ngoài có thể dùng súng dùng đạn để đánh được. Kẻ địch trong người không thể dùng lựu đạn mà ném vào được; nó vô hình, vô ảnh, không dàn ra thành trận, luôn luôn lẩn lút trong mình ta. Nó khó thấy, khó biết, nên khó tránh. Khó khăn hơn nữa là ở chỗ cái Thiện thì làm cho mình cực khổ, gay go, nguy hiểm như trèo núi; cái Ác thì nó như đưa mình xuống núi một cách êm dịu. Song muốn con người được giải phóng, không có con đường nào khác là phải đấu tranh chống lại cái Ác. Nhưng đấu tranh bằng cách nào? Chính ở vấn đề này, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh càng thể hiện rõ. Người quan niệm: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”[20]. Ở đây, Hồ Chí Minh đã nêu lên một quan điểm mang tính phương pháp luận: muốn đẩy lùi cái Ác thì cách tốt nhất là khơi dậy cái Thiện, làm cho cái Thiện nảy nở, phát triển. Nói cách khác, chỉ có thể tạo nên CÁI THIỆN bằng CÁCH THIỆN. Không phải ngẫu nhiên mà ở tầm vĩ mô, trong suốt cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh, Người luôn cố gắng tìm kiếm giải pháp hòa bình, còn vũ lực chỉ buộc phải dùng đến khi không còn con đường nào khác, và khi buộc phải dùng vũ lực thì cũng cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất sự hy sinh, mất mát cho cả hai phía và nhất là cho dân thường. Còn ở tầm vi mô, tức là trong ứng xử với cá nhân mỗi con người, thì như ông Vũ Kỳ đã nói: Ở gần Cụ mấy chục năm, không bao giờ bị Cụ cáu quát, chỉ thấy được Cụ thân tình chỉ bảo. Tất cả những điều đó đều là biểu hiện sâu sắc của phương thức hành xử, phương thức tư duy dùng CÁCH THIỆN để tạo nên CÁI THIỆN, là biểu hiện sâu sắc của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng con người là tiến hành cách mạng xã hội, là tiến hành cải tạo/tự cải tạo trong mỗi con người. Song không chỉ như vậy, giải phóng con người còn bao hàm nhiều cấp độ khác. Đó là tạo điều kiện để con người có được đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao, là xây dựng một môi trường xã hội mà trong đó con người sống với nhau có tình có nghĩa, là kiến tạo một nền dân chủ xã hội để mỗi con người có quyền và có năng lực thực thi quyền làm chủ của mình, là mở rộng và phát triển giáo dục để “phát huy hết mọi tiềm năng sẵn có” của con người, v.v.. Tất cả những điều đó đều là những biểu hiện, những cấp độ của giải phóng con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải khẳng định rằng, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng con người được quan niệm một cách rất toàn diện.

Trong dòng mạch ấy, Di chúc đã thực là sự kết tinh tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng con người.

Ở trên chúng ta đã nói rằng, giải phóng con người trước hết thông qua giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh tin tưởng rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài, còn nhiều hy sinh, mất mát, song nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, chúng ta sẽ bắt tay vào xây dựng một xã hội phát triển toàn diện. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh cũng nói đến một kế hoạch toàn diện để xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động… Rõ ràng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội chính là con đường cách mạng nhằm đưa con người đến sự giải phóng triệt để.

Ở trên chúng ta cũng đã nói, giải phóng con người không chỉ là làm cách mạng mà còn là tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện. Nhìn sâu hơn vào sự quan tâm của Hồ Chí Minh đến những con người hiện thực, đến những công việc hiện thực cần làm cho con người và vì con người, ta thấy, giá trị nhân văn hiện lên thật sâu sắc. Đó là bằng những công việc ấy, Hồ Chí Minh mong muốn các đối tượng được phát triển toàn diện. Đảng Cộng sản được tôi rèn trong đấu tranh cách mạng lại đoàn kết, nhất trí, thấm nhuần đạo đức cách mạng, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, vừa là “người lãnh đạo”, vừa là “người đày tớ thật trung thành của nhân dân” – thế là một đảng phát triển toàn thiện. Thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, xung kích, được tôi rèn trong các phong trào đấu tranh, lại được giáo dục đạo đức cách mạng, được đào tạo về chuyên môn, vừa “hồng” lại vừa “chuyên”, thực sự là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta – thế là những người thanh niên phát triển toàn thiện. Phụ nữ đảm đang, anh dũng trong sản xuất và chiến đấu lại được bồi dưỡng, cất nhắc, giúp đỡ để tham gia ngày càng nhiều hơn vào công việc xã hội, kể cả công việc lãnh đạo – thế là những người phụ nữ phát triển toàn thiện. Đảng có kế hoạch xây dựng kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân – thế là một đời sống phát triển toàn thiện. Đối với những nạn nhân của chế độ cũ, cần phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện – thế là cách ứng xử toàn diện nhằm khôi phục phần Thiện trong mỗi con người…

Tóm lại, Di chúc đã thể hiện tập trung tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng con người toàn diện, triệt để. Tư tưởng giải phóng ấy được khái quát trong luận điểm của Hồ Chí Minh: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.

Điều cuối cùng cần nói tới, đó là trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, con người chính là chủ thể sáng tạo cao nhất và duy nhất. Chính họ là lực lượng có đủ năng lực tự giải phóng mình.

Quan tâm đến con người, thấu hiểu và yêu thương con người, quyết tâm đấu tranh để giải phóng con người, song quan trọng hơn cả, đó là giác ngộ, tập hợp, phát huy sức mạnh của con người để con người tự giải phóng chính mình, đó là nội dung cơ bản của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, xuyên suốt cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, ngay cả khi các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân thất bại, tâm lý chán nản bao trùm, Hồ Chí Minh vẫn thấy và tin tưởng sâu sắc rằng, đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Sứ mệnh của bộ phận ưu tú là phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến, là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng. Khi chia tay những người bạn chiến đấu ở Pháp, Hồ Chí Minh đã nói: Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập. Trong xây dựng chế độ xã hội mới, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: Chủ nghĩa xã hội là do quần chúng nhân dân tự mình xây dựng nên, đó là công trình tập thể  của quần chúng lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng và chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người. Tóm lại, bao trùm toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng con người, đó là quan điểm: “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”. Quan điểm đó thể hiện niềm tin tưởng sâu sắc của Hồ Chí Minh đối với nhân dân, tin rằng trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân, tin rằng nhân dân hoàn toàn có thể tự giải phóng mình.

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh với niềm tin vào năng lực tự giải phóng của con người thể hiện rõ trong Di chúc. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh khẳng định rằng, toàn bộ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội, toàn bộ sự nghiệp làm cho con người và xã hội phát triển toàn diện chỉ có thể do chính nhân dân thực hiện. Toàn bộ niềm tin của Hồ Chí Minh đối với nhân dân thể hiện một cách thật sâu sắc trong luận điểm: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. “Động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”, đó là kết tinh chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, triết lý sống Hồ Chí Minh, học thuyết cách mạng Hồ Chí Minh. Đó là bài học lớn nhất mà Hồ Chí Minh đúc rút ra từ tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam. Bài học ấy mang tính khoa học nhất, cách mạng nhất, và cũng nhân văn nhất.

Đúng 40 năm đã qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Đất nước và thế giới đã có biết bao thay đổi. Song đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta vẫn vô cùng xúc động vì những tình cảm ấm áp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lại cho Đảng ta, nhân dân ta và bạn bè thế giới. Chúng ta càng kính trọng Bác hơn bởi những tư tưởng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Người, những tư tưởng đến nay vẫn giữ nguyên giá trị tươi mới. Càng suy ngẫm về những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, chúng ta càng thấm thía một điều giản dị nhất mà cũng thật sâu sắc, đó là phải luôn đặt CON NGƯỜI – con người hiện thực – vào trung tâm của mọi suy nghĩ và hành động nếu chúng ta muốn làm điều gì có ích cho cuộc đời này. Sự nghiệp cách mạng mà những người cộng sản tiến hành, nói một cách giản dị theo cách của Hồ Chí Minh, là thay thế cái xã hội đầy thù hận bằng một xã hội mà trong đó con người “sống với nhau có tình có nghĩa”, một xã hội chan chứa tình yêu thương. Để tạo ra được CÁI xã hội tốt đẹp ấy CÁCH hành xử của người cộng sản phải mang tính nhân văn sâu sắc, phải thấm đẫm TÌNH NGƯỜI. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất”[21] và “mặc dù những mâu thuẫn trên thế giới hiện nay, người ta vẫn cảm thấy nhân đạo, hữu nghị và tình thương yêu nó sẽ xóa được mọi mâu thuẫn”[22]. Đó chính là điểm căn cốt nhất của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, và Di chúc là một trong những tác phẩm đã thể hiện một cách cô đọng chủ nghĩa nhân văn ấy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Văn Giàu: Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh – Đặc điểm và cội nguồn. In trong: Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế). UNESCO và Ủy ban KHXH Việt Nam. Nxb. KHXH, H., 1990.
  2. Mác – Ph. Ăngghen: Toàn tập, tập 3. Nxb. CTQG, H., 2002.
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3. Nxb. CTQG, H., 2002.
  4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Nxb. CTQG, H., 2002.
  5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Nxb. CTQG, H., 2002.
  6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7. Nxb. CTQG, H., 2002.
  7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Nxb. CTQG, H., 2002.
  8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. Nxb. CTQG, H., 2002.
  9. Singô Sibata: Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng. In trong: Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân thế giới. Nxb. Sự thật, H., 1979.
  10. Nguyễn Thành: Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp. Nxb. TTLL, H., 1988.
  11. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb. Sự Thật, H., 1976.

[1] Trần Văn Giàu: Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh – Đặc điểm và cội nguồn. In trong: Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế). UNESCO và Ủy ban KHXH Việt Nam. Nxb. KHXH, H., 1990, tr. 237.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 644.

[3] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb. Sự Thật, H., 1976, tr. 13.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 56.

[5] Trong bài viết này, những đoạn trích Di chúc được lấy từ Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. Nxb. CTQG., H., 2002, tr. 497-512.

[6] Chẳng hạn: Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 491.

[7] C. Mác – Ph. Ăngghen: Toàn tập, tập 3. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 28-29.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 312.

[9] Singô Sibata: Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng. In trong: Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân thế giới. Nxb. Sự thật, H., 1979, tr. 89.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 383.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 283.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 142.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 304.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 246-247.

[15] Trích theo Nguyễn Thành: Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp. Nxb. TTLL, H., 1988, tr. 103.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 240.

[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 555.

[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 173.

[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 59, 61.

[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 558.

[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 60.

[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Nxb. CTQG, H., 2002, tr. 97.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Điên thoại: (84-24) 3767 5840
Fax: (84-24) 3767 5841
trannhantong@vnu.edu.vn

tnti@vnu.edu.vn

Viện Trần Nhân Tông, tầng 8, Tòa C1T, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Lần đầu tiên, trong hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về Phật học và tư tưởng Trần Nhân Tông. Cũng lần đầu tiên chương trình đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học được đưa vào triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện đại. Đây cũng thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc thể hiện triết lý giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện.

 

floral-decor
Tran Nhan Tong Ins. Copyright © 2017. Edit by TMACS Team.