Thuyết trình khoa học “Hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh mới”
Chiều ngày 17/5/2023, tại Viện Trần Nhân Tông cơ sở Mỹ Đình đã diễn ra thuyết trình khoa học “Hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Diễn giả chính của thuyết trình là HT.TS Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hải Phòng. Tham dự thuyết trình có PGS. TS. Dương Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông cùng các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên của Viện, ngoài ra còn có một số khách mời có quan tâm đến hoạt động từ thiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Dương Thu Hà, thay mặt lãnh đạo Viện phát biểu chào mừng các thành viên tham dự toạ đàm, trong đó nhấn mạnh về giá trị lan toả của nội dung thuyết trình , đề cao triết lý Phật giáo từ lâu đã hoà nhập với đời sống nhân dân, đây là cơ duyên để Phật giáo tồn tại đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc, và hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo trong bối cảnh mới đóng vai trò, chức năng quan trọng, mang ý nghĩa to lớn về nhiều mặt.
Tại buổi thuyết trình, Hòa thượng Thích Quảng Tùng đã thuyết giảng một cách giản dị, dễ hiểu về cái Tâm của Phật giáo. Hòa thượng khẳng định: Từ bi cứu độ chúng sinh là cốt lõi của Phật giáo. Trên tinh thần từ bi, Phật giáo hướng đến giải thoát cho chúng sinh. Cửa chùa là cửa bi, đạo Phật là đạo từ bi, luôn mang lại hạnh phúc cho chúng sinh, nhưng từ bi phải đi cùng với trí tuệ. Lấy từ bi diệt sân hận, lấy trí tuệ độ ngu si. Phật giáo dẫn dắt con người ta hướng thiện.
Nói về hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh mới, Hòa thượng Thích Quảng Tùng nhấn mạnh về tâm từ thiện nơi cửa Phật, mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch họa như bão lũ hoặc dịch Covid-19, thiện tâm của người dân đều rộng mở, chia sẻ với đồng bào của mình. Hòa thượng cho rằng: “đất nước có việc mới biết ai là người trung, gia đình có vấn đề mới biết ai là người con hiếu thảo”. Hòa thượng cũng đề cao tinh thần bố thí ba la mật của Phật giáo: bố thí mà không bố thí, không trụ tướng, không chấp tướng. Theo Hòa thượng, trong Phật giáo, việc bố thí, cứu giúp gồm: “Tài thí, Pháp thí, Vô uý thí. Quan trọng nhất là Pháp thí, giúp con người thoát khỏi vô minh, tham ái, đó là gốc của mọi khổ đau. Pháp thí giúp soi đường đi đến trí tuệ, từ bi, vượt lên chính mình. Nếu chỉ có Tài thí không thì không thoát khỏi sinh tử luân hồi. Chỉ có Pháp thí mới tự giải thoát chính mình khỏi luân hồi”.
Kết thúc buổi thuyết trình, PGS.TS Dương Thu Hà thay mặt lãnh đạo Viện Trần Nhân Tông bày tỏ sự cảm ơn đến toàn thể các thành viên đã đến tham dự và đặc biệt gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới Hòa thượng Thích Quảng Tùng bởi những chia sẻ rất sâu sắc và cũng rất đời thường của Hòa thượng.